- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGỰA U BUỒN

23 Tháng Ba 20153:51 SA(Xem: 30306)

NguyenKhai-Violin Memory-oil on cavas
Violin Melody- tranh Nguyên Khai




Đồng cỏ vào mùa xuân.

Gió hững hờ đạp lên đám cỏ voi, cỏ lông chồn đỏ tía. Từng đàn châu chấu, cào cào rào rào bay lên như đám mây màu xanh lục nhạt. Mùi hoa ngũ sắc nồng hăng hắc. Nắng vàng trải một lớp bụi phấn hoa vàng óng trong veo lên mặt cỏ. Buổi sáng từ lớp bụi đó mờ ảo, lung linh.

Gió ngẩng cao chiếc đầu kiêu hãnh, đôi mắt tròn to u buồn nhìn xuyên thẳng qua cánh đồng cỏ, toàn thân từ chiếc ức nở nang của loài sói, cái cổ dài duyên dáng của loài nai, đến cặp chân dài thẳng băng thon chắc, đều như muốn vươn ra trong không gian, muốn bay về phía trước. Sắc lông đen tuyền nổi bật trên nền đồng cỏ xanh lục và đường viền chân trời xanh thẳm màu trứng sáo.

Nhai cỏ đã chán chê, Gió lục sục sốt ruột gõ móng xuống lớp đất mềm. Thường thì sau đoạn đường tám cây số từ đường làng Tân hòa, Đức Lập Hạ đến đồng cỏ, khi đã quần Gió mệt đừ tắm đẫm mồ hôi, Tây Sương sẽ dùng bàn chải lông mềm chăm chút chùi hết bụi cát trên mình Gió, rồi lau cho khô mồ hôi vì Gió quen sạch sẽ đến độ không chịu nổi mùi mồ hôi của chính mình, cô chà đi chà lại cái khăn vải mịn sực nức mùi dầu dừa quen lên mình Gió cho đến khi ánh nắng soi rõ từng vệt sao, vệt xoáy trên làn da bóng mượt của Gió mới thôi. Bàn tay ngón gầy xương rất con gái âu yếm vuốt ve riết lớp lông bờm dựng ngược mịn mềm mại như nhung tơ, miệng không ngớt thì thào tên...nài Bảy...

Nhưng hôm nay, Gió ngao ngán gục gặc đầu. Tây sương nằm ngửa trên cỏ, tóc xổ tung kín hết khuôn mặt, hai tay đập liên hồi lên mặt cỏ, như một con ngựa non đang bị thương. Con gái chăn ngựa đau buồn cũng kiên cường khác người thường. Chỉ khóc trên đồng cỏ.

Người ta vẫn hay nói, loài ngựa u buồn. Thiệt ra con người mới là loài u buồn nhất. Nhiều khi chi chỉ vì những duyên cớ vớ vẫn không đâu.

Gió tần ngần lần dò lại bên cạnh Tây sương, chiếc lưỡi dài và nóng thong thả lùa hết mớ tóc rối nùi trên mặt cô, liếm từng dòng nước mắt mặn chát. Như chỉ chờ có thế, Tây Sương ôm chặt cái mỏ ướt mèm của Gió, nấc lên:

- Người gì đâu mà vô tình, bạc bẽo!

Thở khì một hơi dài qua mũi, Gió biết là Tây Sương lại nhớ nài Bảy rồi!

Chắc cũng bằng Gió nhớ nài Phong! Cũng bằng Gió nhớ đường đua, cát bụi mù mịt, nồng nặc hơi người, hơi ngựa, rầm rập tiếng hò la cổ vũ gọi tên Thần Phong.

Lúc đó, trên đường đua Gió đã là Thần Phong, con ngựa đua cấp bảy, lai giống từ con Mai Phụng được nữ hoàng Anh tặng cho trường đưa Phú Thọ thập niên 50-60. Chỉ một lần nhìn lướt qua, nài Bảy đã buột miệng:

- Con này quán tuyệt thiên hạ đây, ngựa có ẩn tướng, cực có tài mà bề ngoài như rầu rĩ, ngơ ngác như tự quên chính mình. Thần Phong mặt xương dài, tai nhỏ dựng đứng, ức nở như sói rừng, cơ bắp nở nang như sư tử, lưng dài mỏng mà cổ nhỏ như loài nai, lông sát bóng mượt. Ngựa hay không đủ còn phải có nài giỏi!

Thần phong mới sáu tuổi mà đã là một con ngựa chứng dũng mãnh, chỉ đua một lần đã đoạt ngay giải nhất, vừa dắt vào đường đua thì rầu rĩ, gục gặc, nhưng chạm vào mùi gió bụi, là phi như vũ bảo, còn cách xa đích đến đã phóng ra cú siêu nhảy không co chân, đuôi dựng đứng, lướt qua đầu cả đàn ngựa đang bạt vía mất hồn, sùi bọt mép dốc mình vươn tới đích!

Trên mình Thần Phong lúc đó chỉ có nài Phong, không thể là ai khác. Nài Phong xuất thân từ gia đình có truyền thống nài, nói theo kiểu dân làng Tân Hòa là chưa ra đời đã có nghề "nài" trong máu. Mới vừa mười hai tuổi đã có bốn năm làm nài, Cao chỉ  một thước ba, nặng 32 kg, đứng ngang bụng con Thần Phong, nhưng mắt có lửa, có thần, vừa liều lĩnh vừa dũng mãnh, lại thông mình, biết hết những chiêu bí kíp gia truyền bẻ cua, kìm cương, lấy đà, bức tốc, thúc ngựa nhanh về nhất.

Nhưng lần đua cuối cùng đó, nài Phong khóc ngất khi bị phát hiện tăng lên năm kg chỉ một tuần trước cuộc đua. Bao nhiêu tiền cá độ đã đổ vào nài Phong và Thần Phong, vậy là bài "ép cân, hành xác" bắt đầu khắc nghiệt. Một tuần liền chỉ húp cháo loãng, uống cà phê và liên tục ngồi "lò hấp", ngày cuối cùng chủ ngựa bắt nài Phong ngồi liên tục trong lò hấp chỉ cho nghĩ 15 phút mỗi lần để uống nước, đêm trước lại còn uống thuốc xổ. Buổi sáng bắt đầu cuộc thi, nài Phong lơ mơ, ngơ ngơ như đang đi trên mây, trọng lượng giảm quá mười kg chỉ còn 28 kg.

Nài Bảy đi ngang đầu Thần Phong thầm thì với nài Phong:

- Tao coi thần sắc mày không được tốt, không nên đua nữa. Mà con Thần phong này có tướng hại nài, thuộc giống Đích Lô của Lưu bị xưa, mắt trũng, xoáy sao trên đầu, xoáy sau mang tai. Chuyến này dữ nhiều hơn lành, Phong, mày nghe tao, nghề nài bạc lắm. Cảm giác oai phong như kỵ mã chỉ có một thoáng mà rủi ro đeo theo cả đời.

- Em chỉ đua một lần này nữa, chủ hứa trả đủ tiền cho má em sửa nhà rồi bỏ nài luôn. Em lỡ nhận tiền của người ta rồi, nài Phong quay đầu lại, mắt bạc thếch.

Cửa đã mở, tiếng hò reo tên Thần Phong và nài Phong đã như sấm dội trên khán đài, rền vang loang dài hết bãi cát. Thần phong bắt đầu dậm móng sốt ruột, khịt mũi căng thẳng. Mồ hôi đỏ túa ra như tắm. Nài Phong dồn sát mình vào thân ngựa, như đã hòa làm một, như không còn cách biệt giữa ngựa và người. Quanh một khúc cua gấp, chân nài thúc vào bụng ngựa chợt nhẹ bỗng, không còn trọng lượng, Thần Phong phóng cao cú siêu nhảy thẳng chân, nài Phong bay vòng vòng trong không gian mờ bụi, lao thẳng về phía trước.

Đến bây giờ Gió vẫn nhớ như in cảm giác đó, cảm giác nài Phong nằm oặt dưới chân mình, ngay vạch đích, mắt còn mở trừng trừng như chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Thần phong đã đọat cúp lần cuối cùng như vậy đó!

Đó cũng là lần cuối cùng Thần Phong còn được tham gia đường đua. Tiếng xấu Đích Lô hại chủ đã làm tất cả các nài chùn tay không dám cưỡi Thần Phong, mà sau nài Phong, Thần Phong cũng không chấp nhận nài nào khác ngồi trên lưng mình. Trừ nài Bảy.

Nài Bảy xưa từng một thời lừng lẫy nhất làng nài trường đua Phú Thọ vì độ liều lĩnh và gan dạ nhưng sau đột ngột bỏ nghề, xoay ra gầy một trại ngựa đua và nức tiếng xem tướng ngựa.

Dân nài thì thầm sau lưng nài Bảy, vì mắt nài Bảy không chỉ có uy oai với ngựa mà cả với người:

- Nài Bảy bỏ nghề vì thất tình con gái cưng của lảo Ô Mã Nhi. Cái tên Bảy vận vào đời rồi.

Lảo Ô Mã Nhi là chủ một trại ngựa toàn mang tên theo truyện Tàu, Hồng Nhi nữ, Vương truy mã, Dạ chiếu Ngọc sư tử lông trắng như tuyết, và con Xích Thố lông đỏ tía tựa con ngựa nổi tiếng của Quan công xưa. Điểm đặc biệt không phải là trại ngựa của lảo, vì ít con nào đạt giải cao, mà là cô con gái duy nhất lai Triều Châu. Da trắng như bông bưởi, mắt dài lá liễu long lanh, chân dài như ngựa chiến. Lảo Sáu mã phu lầm bầm:

- Đàn bà mắt lá liểu, mình xà, trường túc bất chi lao. Đàn ông mà rớ vào chỉ có thân bại danh liệt.

Vậy mà nài Bảy tin vào lời hứa gả con gái cho mình của lảo Ô Mã Nhi, vậy mà nài Bảy tin đôi mắt cười lúng liếng kia, làn môi đỏ dầy tươi hơn hớn kia, thân mình óng ả đong đưa sau làn áo gấm đỏ thượng hải là dành riêng chỉ cho một mình mình, những khi nài Bảy gò lưng thúc con Hồng nhi nữ về đích. Một ngày khám phá ra con Hồng Nhi nữ mắt rực sáng, chân bồn chồn, người không ngừng nóng nẩy, dầu hiệu bị tiêm doping chỉ có người trong nghề mới rõ, nài Bảy đã từ chối leo lên mình ngựa. Lảo Ô Mã Nhi cười nhạt quay ngoắt đi, cô con gái mắt lá liểu cũng cong môi nói tiếng Việt lơ lớ:

- Anh nghĩ anh là ai chứ, thằng nài con nít không bao giờ lớn!

Nghe nói sau đó cô đi theo chồng là chủ trại nuôi ngựa bạch làm cao ngựa trên cao nguyên. Lão Ô Mã Nhi bán sạch đàn ngựa cho lò mổ và bỏ nghề theo con gái.

Nài Bảy sau giờ chăm sóc ngựa lầm lì nốc rượu, miệng luôn than chán đời, chán sống. Ngày trường đua Phú Thọ tuyên bố đóng cửa , nài Bảy dắt con Gió về giao lại cho Tây Sương:

- Cô chăm giùm con Gió cẩn thận, rồi có ngày nó sẽ trở lại là Thần Phong. Trường đua đóng cửa rồi, tôi phải đi tìm nghề khác mà sống thôi.

- Anh đi đâu?  Tây Sương chưa gì mắt ướt rưng rưng hỏi với.

- Sống chết còn không ham. Đi đâu, về đâu có quan trọng gì!  Nài Bảy hờ hững.

Tự nhiên Tây Sương nổi sùng, con gái chủ trại ngựa, đâu có hiền hòa dịu ngọt như con gái nhà thường, máu ngựa chứng như đã chảy sẵn trong người cô.

- Anh có muốn nghe tui nói một câu rồi đi luôn hông?

Nài Bảy ngạc nhiên quay người lại, lần đầu tiên thấy mắt Tây Sương sáng quắc, có lửa, vậy mà nhìn đẹp liêu trai lạ lùng.

- Anh là người biết xem tướng ngựa, mà sao không rành xem tướng người!

Quai hàm của nài Bảy giựt mạnh, răng ghiến lại.

- Rồi sao nữa?

- Biết là người xấu mà vẫn u mê. Biết là u mê mà vẫn không dứt bỏ. Đã bị dứt bỏ, vẫn không tỉnh táo. Vì người không ra gì mà hủy hoại cuộc đời, có phải là người có trí hay không? có đáng hay không?

- Cô thì biết gì mà nói? Nài Bảy vừa gằn giọng tự nhiên lại dịu giọng xuống.  Không ai hủy hoại được cuộc đời tôi. Chỉ có tôi hủy hoại đời tôi mà thôi.

- Anh hủy hoại cuộc đời anh thì mặc anh đi, ai mà quan tâm. Anh đừng hủy hoại cả cuộc đời người khác!  Giọng Tây Sương đã nặng trĩu nước mắt. Má anh đó, bà già nơm nớp lo cho anh làm bậy. Đàn ngựa đó, nghĩa tình vậy mà anh nỡ bỏ đi. Người sao không có nghĩa tình, cũng không đủ dũng khí bằng con ngựa.

Nài Bảy áp sát lại, vặn cổ tay Tây Sương như khóa cương con ngựa chứng:

- Cô dám????

Tây Sương không gở tay ra, đôi mắt nhìn tóe lửa vào mặt nài Bảy. Rồi tự nhiên cô xụi lơ, nổi đau đớn trong anh tràn ngập trái tim cô, đến ứa thành nước mắt.

- Xin lỗi làm cô đau, ai biểu miệng lưỡi con gái gì cà chớn quá trời quá đất. Mà sao cô đau, cô không chịu la lên cho tui biết mà buông ra?

- Tui không phải đau mà khóc. Tui khóc vì nỗi đau của anh kìa!

Mắt nài Bảy tối sầm lại, vừa nhìn trân trân Tư Sương vừa lùi dần, cứ như vậy rồi khuất bóng sau trãng cỏ tối.

Như vậy mà đã hai năm.

Hai năm, từng ngày một, không ngày nào Tư Sương không dắt riêng Gió đi quần dượt và không ngồi thẫn thờ trên đồng cỏ mà khóc. Cứ như là nước mắt sẽ làm một người biết đường mà quay về.

Chợt Gió ngóng cổ về nột bóng người cuối cánh đồng hí vang. Tiếng hí hớn hở mừng người quen. Tây Sương che mặt nhìn ngược quầng sáng, sau lớp nắng vàng óng ánh như bụi của mặt trời, một dáng người rắn rỏi, từng đường nét thân thiết đến nhức tim từ từ đi tới.

Nài Bảy - chính là nài Bảy- vuốt ve chóp lông mao của con Gió, cái cách mà chỉ có những nài giỏi mới biết điệu làm mềm lòng con ngựa chứng:

- Trời ơi, tướng mày giờ ngon lành quá ta. Trở lại đường đua được rồi!

Tư Sương mắt tươi hơn hớn nhưng giọng vẫn đục ngầu tủi hờn:

- Sao anh không đi luôn đi, trở lại làm chi?

- Ủa, tui định đi luôn, mà sợ có người mắng tui không đủ dũng khí bằng con ngựa nên thối lui quay trở về. Với lại nghe người ta nói mà mình chết trong bụng " đường dài vó ngựa biệt tăm, người thương có nghĩa trăm năm vẫn chờ". Bây giờ thì tui rành cả tướng ngựa và tướng người rồi cô Tư à. Người mình thương là mình phải rành!

Má Tư Sương hồng lên:

- Anh đừng nói trây quá đi! Trở về đây mần chi?

- Tui nghe nói Đức Hòa sắp tổ chức đua lại giải ngựa tư nhân, về đây vận động mấy anh em mình tập lại ngựa đua khỏi lụt nghề.

Rồi hai mái đầu chụm lại, cười nói thủ thỉ râm ran. Gió mang mang lùa qua cánh đồng, cỏ rập rờn như đang hát.

Gió gục gặc đầu, thở nhẹ bẫng qua mũi:

- Con người kể cũng lạ, lúc buồn buốn quá thể, mà khi vui là vui tung trời. Buồn nhất cũng là con người, vui nhất cũng là con người.

Mà thiệt lúc này Gió cũng muốn hí vang trời, mùi cát bụi và rờn rợn hơi người, hơi ngựa đã loang loang đâu đây, nghe rần rật tê rần trong máu.

 

UYÊN LÊ
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 81575)
Từ xưa đến nay, tình mẫu tử luôn là đề tài sáng tác vô tận cho thơ ca nói riêng và văn chương nghệ thuật nói chung. Một cách tự nhiên, Nguyễn Xuân Tường Vy đã chinh phục độc giả bằng chính những dòng viết giản dị, chân thật về tình cảm muôn thuở ấy.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 90944)
Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, tháng 4/1975 như vết nước mắt loang dài của miền Trung ngắn dần đi khi dân chúng di tản vào Nam kiệt sức đến không còn nước mắt khóc cho những xác người ven đường.
21 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 87095)
Ông Nguyễn Hưng Quốc là người rất xục xạo đã lôi ra được những vấn đề văn học độc đáo. Cũng trong một bài viết blog, ông đã phát giác ra là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rất thích cái thứ chúng ta thường thả vào bồn cầu! Ông viết : “Trong các truyện ngắn, ông (Nguyễn Huy Thiệp) cho chữ (cứt) ấy xuất hiện khá nhiều, một cách trần trụi, hung hãn, đầy bạo động.
21 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 69810)
Nói như Viện Hàn lâm Thụy điển vào đúng 13 giờ thứ năm 07/10/2010, theo lời thư kí Peter Englund khi ông công bố giải văn chương Nobel 2010 trao tặng cho (Jorje) Mario (Petro) Vargas Llosa, là như sau. Nhà văn xứ Pêru này trúng giải nhờ đã: « Thể hiện và phác họa toàn diện cơ cấu quyền lực và hình ảnh sắc cạnh chạm khắc nỗ lực kháng cự, tinh thần phẫn nộ và thành bại của cá nhơn con người. » Về mặt nghệ thuật: « Ông là nhà văn đã triển khai thuật kể chuyện theo phong cách quả tình kì ảo. » Về mặt con người của mình: « Qua tác phẩm, ta biết ngay ông là một con người say sưa trong hành xử. Hễ thấy mình phản ứng rập theo bổn sắc ấy, ông tỏ ra hết sức rung động và lấy làm vui vô cùng. »
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 87596)
Tôi đi ở cho tộc Trần từ lâu lắm. Từ cuối đời Lý. Lúc Trần Thị chỉ vừa cắt nhau. Đêm tháo thai, sống cảnh sinh nở đầu đời nên tâm hồn tôi ngập kinh hãi. Máu từ cửa mình vợ Trần Lý chảy xối, bắn phun tung tóe như bát canh rau dền rơi vãi trên đất. Thứ canh đỏ thẫm, lợn cợn những nhau, thịt, chất nhờn. Trần Thị giẫy, vùng, đôi tay chới với cào cấu vươn tới trong động tác nắm tìm sự sống. Đã biết đi vào đời là đi vào khổ đau, nhưng tôi cũng không ngờ khổ đau to lớn tàn phá đến rách bươm cửa mình vợ Trần Lý. Mỗi cái quẫy mình là mỗi một vũng máu, trào ra, trào cho đến đầy thau. Máu bê bết chẳng khác một pháp trường.
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 85363)
Ngày 11/03/2011 , Bẫy rồng bộ phim Việt Nam (action movie) được chờ đợi nhất sau thành công vang dội của Dòng máu anh hùng sẽ chính thức được trình chiếu . Bộ phim được hy vọng sẽ tạo ra một diện mạo mới cho dòng phim action Việt Nam và chứng tỏ sự trưởng thành cũng như sức mạnh của một đội ngũ những nhà làm phim mới, trẻ và nhiều sức sáng tạo.
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 99099)
Tôi lên Mã Pì Lèng dạy học. Từ dưới chân núi, tôi cứ nhằm theo chòm bản thấp thoáng trong mỏm đá, tán cây mà leo lên. Trời nóng như đốt nương, vượt dốc, cổ họng khô rát, tưởng như mồ hôi đã cạn kiệt không thể chảy ra được nữa, thì bất chợt gặp một dòng nước từ trên núi chảy xuống, tràn qua cả mặt đường đá. Tôi hồ hởi phanh ngực áo, bỏ ca-táp, cởi dép rọ, đứng một lúc cho mát dịu lại, rồi mới thong thả rửa tay, rửa chân, xúc miệng ba lần, uống một ngụm, xong rồi mới lau mình, gội đầu...
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 84392)
Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24/3/1916 tại quê ngoại, xã Phước Lộc, quận Sơn Tịnh, nhưng lớn lên tại quê nội thị xã Thu Xà, xã Nghiã Hoà. Hai nơi đều thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Mất ngày 17/1/ 1946, tại Thu Xà.
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 92984)
Nguyễn Thị Thảo An sinh ngày 03 tháng 2 năm 1960 tại Sài Gòn, tốt nghiệp đại học sư phạm Sài Gòn, hiện định cư tại Kennesaw Georgia, USA . Tác phẩm : *Tuyển Tập (in chung với 4 tác giả khác) *Bức Phù điêu Khắc Cạn (tập truyện, Văn Mới 2001)
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 85440)
LTS: Lê Vương Ngọc tên thật là Lê Đình Quỳnh, xuất thân là giáo sư tư thục Trung học các trường Hưng Yên, Hải Phòng thập niên 1950 và Sài gòn 1960. Ông nhìn vấn đề văn hoá như một “hobby” – Làm thơ, dịch sách, nghiên cứu, biên khảo nhiều về Phân tâm và Di truyền học – Theo quan niệm phê bình sáng tạo của Oscar Wilde…