- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Vòng Tròn Tuyết

12 Tháng Mười Một 20144:11 SA(Xem: 34141)
THAIBAO-tuyet

Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.

 

Chiều cuối năm ở xứ tuyết lạnh buồn và dài thê thảm. Nắng lạnh nhưng gay gắt. Những mảnh tuyết như hàng vạn tấm gương phản chiếu ánh trời tàn. Nhà tù liên bang Lost River nằm đìu hiu, trơ trọi gần sát biên giới Canada. Một khối bê tông hình lục giác vô tri, qua nắng, đổ bóng chỉ còn năm cạnh. Chẳng có tù nhân nào có thể thoát khỏi nhà tù này. Tiến sĩ Đức nằm bải hoải chờ cơm, thở dài nhớ lại quãng đời cay nghiệt…

Nữ giám thị Alyssa đẩy nhẹ tiến sĩ Đức vào phòng giam 5501, không quên kèm lời chúc mừng đến “nhà mới”. Nhìn từ phía sau Đức chả rõ mặt nàng, chỉ thấp thoáng chiếc áo sọc đen trắng qua cái eo gợi cảm của nàng. Bọn tù nhân thường bàn tán, trái banh mà lăn từ lưng nàng chắc sẽ mắt kẹt mãi mãi giữa lưng chừng trời. Khỉ gió, đẹp thế làm giám thị uổng phí cả đời. Không hiểu sao tất cả nữ giám thị nơi đây đều đẹp. Hay họ muốn dùng sắc đẹp để nhấn chìm những linh hồn quỉ dữ. Alyssa vừa đi khuất, một cú đánh lén làm Đức hoa cả mắt, chúi nhủi. Cái thằng nhọ này bố láo thật. Bằng thế võ Vovinam, bất ngờ, Đức tung người dùng hai chân kẹp chặt cổ quật đối phương sóng soài. Tiện thể, Đức đấm một cú thật mạnh vào đường phân giác giữa hai háng gã da đen. Hực. Thằng nhọ la oăn oẳn, hai mắt trợn ngược, trắng nhã, tưởng như hai vật thể truyền giống đã chạy ngược về hai hốc mắt. Đức hất hàm: Thằng nhọ kia, mày là thằng đếch nào? Thằng tù cũ vẫn ôm hạ bộ nhăn nhó: Chắc mày... không biết tao. Tao chính là người đi giao hàng... cho tụi mày. Thế mà khi tao vào đây, chẳng có ai lo. Tao cùng đường mới dính vào nghề này. Còn mày, đường đường tiến sĩ, sao lại sa chân vào đây? Tao không hiểu nổi.

Ừ, Đức còn chưa hiểu nổi cuộc đời mình nữa là hắn.

Chữ  tài liền với chữ tai một vần, vận vào đời gã thật chua cay. Tính đến giờ phút này, Đức đã có hai vợ. Vợ Cũ và Vợ Mới. Thực ra cả hai đều đã cũ, họ đều bỏ Đức rồi. Đức sống theo một triết lý khác thường. Chẳng thà để vợ phụ ta, chứ ta không bao giờ phụ vợ. Đức chưa bao giờ bỏ vợ, đơn giản, trước sau gì vợ cũng bỏ gã thôi. Thà như vậy, mà được tiếng thơm. Đức quen Vợ Cũ từ độ tuổi trăng tròn. Lúc còn giâm dây khoai lang tím ngoài đồng. Vợ Cũ tuy ít học, nhưng nói câu nào thâm câu đó. Hết lớp mười hai, Đức mộng làm bác sĩ, lại thi rớt. Vợ Cũ khuyên Đức thi Nông Lâm cho gần gũi ruộng đồng. Thế mà hay. Rớt y, gã lại đậu bảng vàng ngành trồng trọt. Hết bốn năm đại học, Đức được giữ lại trường, hoạn lộ trở nên thênh thang. Chẳng mấy chốc, Đức túm cái bằng thạc sĩ ở Philippines. Rồi giựt món nghiên cứu sinh ở Hoa Kỳ qua học bổng Fulbright. Đời trớ trêu, càng cao danh vọng, vợ chồng càng lao đao. Vợ Cũ có bệnh dị ứng mà thói đời thường gọi đùa dị ứng toàn tập. Dị ứng cả tiền bạc, xe hơi, nhà lầu, mỹ phẩm. Nói chung tất tần tật. Mỗi lần dị ứng nàng lại ói ra mật xanh mật vàng. Lúc mới cưới, cả hai họ đều mừng hụt tưởng nàng ốm nghén. Thế rồi, điều gì đến đã đến. Nàng đơn phương li dị Đức gần ngày gã đi Mỹ. Nàng thích sống ở quê hơn. May trời còn thương gã, cả hai vẫn chưa có con. Ngồi sau xe trở về từ tòa án, nàng buông một câu cho đến giờ Đức vẫn còn đau: “Anh có bao giờ thương em đâu, chỉ toàn em mơ thôi.”

Luận án tốt nghiệp tiến sĩ của Đức làm giới y khoa Hoa Kỳ choáng váng. Đức lai tạo thành công giống cây cần sa mới, chỉ năm tuần tuổi đủ thu hoạch lá và hoa, giảm phân nửa thời gian. Các băng đảng ma túy càng choáng hơn và sốt sắng săn lùng gã. Đối với Đức, trồng cây cần sa dễ như giâm dây khoai lang ở bên nhà. Và từ đây đời gã mới bắt đầu gập ghềnh.

Lâu lắm rồi Đức mới ghé thăm cộng đồng người Việt ở Toronto. Nghe mấy tay làm nail bên đó kháo nhau, giờ, ai giũa nail làm gì, trồng cỏ đi, Đức chỉ cười thầm: thiên hạ không hề biết bậc thầy cần sa đang ngồi trước mặt. Nhưng có người biết mới tài. Chính Vợ Mới sau này của Đức. Mỗi lần nhìn nàng, một thằng từng có vợ như gã đành phải cụp mặt. Cái nhìn sắc lẻm của nàng như muốn thiêu đốt đối phương. Nàng, một phụ nữ nhan sắc bình thường (cũng như Vợ Cũ, đi ngoài phố chẳng anh trai nào ngoái nhìn), ngoại trừ trí thông minh sắc sảo. Đức không phải tuýp đàn ông yêu bằng mắt sờ bằng tay. Đức yêu bằng bộ não.

Trai độc thân, gái chưa chồng, nên quyến luyến nhau. Một tuần sau, nàng dẫn gã ra mắt cha nàng. Đức chưa hề biết đó là ông trùm cần sa Bắc Mỹ. Cả gã và ông trùm đều thả câu. Không biết mèo nào cắn mỉu nào. Ông trùm cần gã vì gã thông minh cùng giống cần sa ngắn ngày. Còn gã, vì tấm thẻ xanh và gia tài đồ sộ. Chưa hết một tuần trà, ông trùm đã cảm phục tài của gã. Tiến sĩ Mỹ không tài sao được. Nè, chú mày ăn thịt cầy không? Ông trùm đột ngột hỏi. OK, thứ Sáu này bay. Gã ngơ ngác. Bay đi đâu. Thì Việt Nam, chứ đâu nữa. Sau này, gã vẫn giữ thói quen về Sài Gòn nhậu mộc tồn cùng bạn hữu. Sáng thứ Sáu bay từ Minnesota. Khuya thứ Bảy hạ cánh Sài Gòn. Chín giờ tối Chủ nhật ngừng cuộc lai rai, ra sân bay về Mỹ. Lần nào cũng vậy, trước khi chào anh em, gã quẹt miệng, thả một câu tếu táo: Thuý Kiều ngày xưa biết bán thịt cầy thế này, chắc đâu đến nỗi bán mình chuộc cha.

Đứng trước thác nước Niagara hùng vĩ, ít người để ý thác thuộc về đất Mỹ, nhưng chỉ nhìn thấy từ Canada. Hình như thượng đế trêu ngươi nước Mỹ. Có tài nguyên mà không hưởng được. Chỉ Canada mới kiếm được tiền du lịch từ con thác này. Gã chợt phì cười, so sánh, như gã thông minh mà sao cứ nghèo hoài. Người đời thường nói nghèo là cái tội, đối với gã đôi khi là cái họa. Khi gã đã thoát nghèo, nhưng khao khát ngồi trên đống vàng và quyền lực vẫn còn cháy bỏng. Hơn một lần Vợ Cũ từng chán ngấy thói ham giàu ham quyền của gã. Quyền và tiền giống như miếng thịt mỡ trong nồi thịt kho ba ngày Tết. Ngán, ngán tận đỉnh đầu, nhưng không thể bỏ, dăm ba bữa sau lại thèm nhỏ dãi...

Đã khuya rồi, gã vẫn chưa thể nhắm mắt. Thời gian như đóng băng. Nhìn đăm đăm lên trần nhà, gã cứ tự hỏi sao lại bị lộ. Gã thường tự phụ điều hành đường dây trồng cần sa trong nhà như gã, cảnh sát cũng bó tay. Ngay chính cha vợ cũng gật gù. Ừ, mày thông minh thật. Công bằng mà nói, gã có nhiều sáng kiến. Nào là câu trộm điện, tránh dãy số trong đồng hồ điện nhà nhảy vọt gây nghi ngờ. Nào là đào basement tầng hai, bảo đảm vô hiệu hóa máy tầm nhiệt của cảnh sát. Rồi lãnh đạo đế chế cần sa theo mô hình thắt cổ chai. Không một ai trong thế giới cần sa biết gã, trừ một tay giám đốc điều hành. Lương của gã giờ phải tính bằng chục triệu đô. Gã cười nhạt cho chức phụ giảng trong trường đại học chỉ trăm ngàn một năm. Gã vẫn chưa muốn dừng. Đích đến của gã, ghế ông trùm.

Lồng lộn, tức tối, gã cứ thế đi vòng vòng trong căn phòng 6 feet 8 feet. Chừa chiếc giường tầng cho hai tù nhân, bồn rửa mặt, toilet, phòng giam chỉ còn cỡ ba mươi feet vuông. Gã cười nhạo cái vòng ma thuật, vòng kim cô. Gã hiểu tự do không chỉ thoát khỏi nhà giam nhỏ, mà cần thoát khỏi những hành vi, tư tưởng lầm lạc. Đi vòng riết thành thói quen. Tối nào không đi không ngủ ngon. Đi cho quên mùi xú uế nhà tù, cho quên cảnh cô đơn không người thăm hỏi. Mới vào tù một tháng Vợ Mới đã đơn phương li dị. Người thân không còn, quyền lực cũng vỗ cánh bay đi. Tiền (còn chăng) có ý nghĩa gì với gã. Thực ra, khi chấp nhận làm giám đốc kỹ thuật cho ông trùm, gã biết rằng đã đặt một chân vào tù. Một tay ngạo đời như gã, đâu sợ ai. Gã lập phương án hai. Giữ tiền riêng phòng sa cơ thất thế. Đột ngột ông-trùm-cha-vợ qua đời sau cuộc săn thú ở South Dakota. Gã tiếp quản ngai vua cần sa Bắc Mỹ. Tiền của gã nhiều như quân Nguyên. Đức giàu và mạnh đến nỗi khi đế chế của gã sụp đổ, doanh số nước hoa Burberry ở Hoa Kỳ tụt thê thảm, gần 40 phần trăm. Số là khi giao chuyển hàng, Đức đã cho sử dụng nước hoa để áp chế mùi hăng của hoa cần sa. Nhưng chỉ duy nhất loại Burberry hữu dụng.

Để giết thời gian, Đức viết nhật ký hòng giảm stress. Viết đến khuya. Hai giờ sáng. Thằng nhọ, bạn tù cùng phòng đã ngủ say. Chợt ổ khóa cửa lay nhẹ. Một bóng người đổ dài ngoài hành lang ra hiệu gã im lặng. Cửa mở. Gã âm thầm đi theo… nữ giám thị Allysa. Đã mang án tù chung thân, gã còn ngán gì mà không dám đi. Huống gì đây một nữ giám thị xinh đẹp. Thực ra từ lúc vô tù, gã chẳng hề nghĩ gì đến phụ nữ. Ngay cả ngoài đời gã cũng thế. Đến cuối hành lang, Allysa đưa gã vào căn phòng khang trang. Lúc này, gã mới biết phòng nghỉ của giám thị. Allysa nồng nhiệt tấn công gã. Sững sờ, gã chưa bao giờ rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan như vầy. Không cần biết gã nghĩ gì, Allysa cứ im lặng siết lấy gã như trăn quấn mồi. Gã trơ ra. Gã ê chề như đang bị hiếp. Nhưng rồi, tài đánh lưỡi điệu nghệ của Allysa đã đánh thức con rắn ngủ quên năm năm hơn. Con rắn phùng mang, bò, mơn trớn lên đồi Vệ Nữ... Qua cơn mây mưa, gã không có cảm giác thỏa mãn như từng có. Thay vào đó, cảm giác hụt hẫng, tự chửi rủa mình. Đức à, mày chỉ là con đực bản năng không hơn không kém. Allysa nhún vai: Năm phút đầu anh còn thánh thiện, hai mươi lăm phút sau thì... Hai mươi chín phút rồi, anh phải về thôi, không nên ở lâu.

Đêm đó, Đức trằn trọc đến sáng. Nam nhi đại trượng phu mà bị đàn bà dắt mũi, thật nhục không gì bằng. Gã chợt thở dài, nhớ đến chuyện ông nội. Dòng họ gã đã mười ba đời sống bằng nghề trồng khoai lang tím. Lúc tuổi xế chiều, ông nội thường ao ước có đứa cháu tinh thông học vấn, mang vẻ vang cho dòng họ, thoát khỏi kiếp nghèo. Ý nguyện của ông đã được gã dồn tâm huyết thực hiện, chỉ có điều, kết quả con đường học vấn của gã lại là cái nhà tù này.

Ngày qua ngày Đức chỉ còn biết ăn, ngủ và chờ Alyssa ban ơn mưa móc. Bỗng một hôm, Alyssa hỏi một câu xưa như trái đất, như bao cặp trên thế gian này từng hỏi. Anh có yêu em không? Gã đổ mồ hôi hột như đang thi vấn đáp. Khỉ thật, gã bị nàng cuốn đi, cứ thế là vập vào nhau chứ gã có khi nào thắc mắc vì sao. Thằng tù làm gì có lựa chọn mà thắc mắc cho mệt thân. Nàng hỏi thêm câu nữa, quần Đức muốn ướt luôn. Anh muốn thoát khỏi nhà tù này không? Muốn chứ. Tù chung thân là sẽ chết mục ruỗng trong tù. Thà chết ngoài đời vẫn sướng hơn.

Phải đến lần thứ mười ba, kế hoạch đào thoát của Đức mới thành công. Đêm ấy, đêm trực của Alyssa. Nàng khống chế tất cả camera quay hình trong nhà tù. Với bộ áo quần giám thị, Đức ung dung đi qua hết các hành lang. Rồi qua cửa chính. Hít một hơi. Làn khí lạnh buốt ùa vào phổi như bóp nghẹt lồng ngực. Tự do đây rồi.

Đêm khắc nghiệt mùa Đông. Tuyết không rơi. Nhiệt độ rớt xuống âm độ F. Chân lạnh buốt, Đức phải quàng thêm chiếc áo thun quanh giầy. Cần phải đi bộ hai tiếng nữa, ra khỏi bìa rừng sẽ có xe hơi chờ sẵn rước về Minneapolis. Đã hai giờ sáng. Trời tối đen. Dò từng bước về hướng Nam cùng chiếc la bàn mà Alyssa đưa. Nhìn đâu cũng thấy cây. Thông, sồi, tầng tầng lớp lớp. Đi hoài, chẳng thấy lối ra rừng. Mỗi khi quẫn trí, Đức phải đi vòng tròn. Đôi giày cày mặt tuyết thành vòng luẩn quẩn. Nhanh lên.

Bỗng một tia chớp xé ngang bầu trời. Lửa chớp. Đức ngã gục xuống tuyết. Máu đỏ chảy thành dòng trên hoa tuyết như bức tranh trừu tượng. Trán Đức nhíu lại, hình như không phải dấu than mà dấu hỏi. Sau này, cảnh sát kết luận Đức bị bắn chết nơi khác, ba tiếng sau mới bị quăng vào rừng sát nhà tù. Hai đoạn kết tuy khác nhau, nhưng cùng một sự thật, Đức đã lìa dương thế trong tiếng quạ đen kêu quang quác vang cả một góc rừng.

*

*     *

Vợ Mới hờ hững cầm tờ nhật báo StarTribune Minnesota có đăng hình tiến sĩ Đức nằm chết vùi trong tuyết ở bìa rừng. Sắc mặt nàng vẫn không thay đổi, xoèn xoẹt, chỉ bốn nhát dao sắc lẹm Gillett, tấm hình từ nhật báo rơi gọn vào bàn tay ngọc ngà. Phù. Cái búng tay điệu nghệ, tấm hình lượn một vòng đậu ngay ngắn lên bàn thờ người cha già xấu số. Với tay tắt chuông báo động lửa khói, nàng đốt cả một bó hương trầm và khấn thì thầm. Hình như nàng nhắc đến mấy từ rửa hận cho cha... chín suối... mỉm cười... Làn khói vẩn đặc trần nhà suốt cả đêm.

Khi làn sương sớm mai vừa tan, chừng một tiểu đội lính đặc nhiệm bài trừ ma túy liên bang DEA ập vào căn biệt thự trắng muốt sát bờ biển Miami. Vài tiếng súng nổ thưa thớt. Nữ giám thị Alyssa đã bị bắt cùng những thùng giấy đầy ắp tiền. Vài thùng còn lẫn những cánh hoa cần sa khô. Người ta ngạc nhiên thấy cả tấm hình tiến sĩ Đức và cuốn nhật ký mà gã đã ghi chép trong tù.

*

*     *

Chiều miền quê nghèo. Làn khói rơm bốc lên sau căn nhà ọp ẹp. Hai cụ già móm mém, tay run run lật từng trang nhật ký úa vàng, lẫn vết khô đen sậm của máu. Cuốn nhật ký của người con trai mà họ từng hi vọng làm rạng danh gia tộc. Nắng đã tàn. Chiều nghiêng, nhường thời gian cho bóng đêm. Khói vẫn vươn dài, gập ghềnh, lẩy bẩy, đổ kềnh ra tận miếng ruộng trơ gốc rạ sau nhà.

 

THÁI BẢO

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 117275)
N hà thờ vắng vẻ. Những hàng ghế trống im lìm. Chúng tôi đứng cạnh nhau sau hàng ghế cuối, tôi bảo nàng nhìn lên tượng Chúa và im lặng. Rất trang trọng, mấy phút sau tôi hỏi nàng, Kim có biết tôi vừa nói gì với Chúa không. Nàng gật đầu, mắt long lanh ướt. Tôi thầm cám ơn Chúa và nắm tay Kim rời nhà thờ. Tôi đã cầu hôn nàng như thế đó.
25 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 91830)
H ợp Lưu 115 đến với quí độc giả và văn hữu vào những ngày cuối tháng Mười khi “Cuộc cách mạnh Mùa Xuân Ả Rập” ở Lybia đã thành công bằng sự ra đi vĩnh viễn của Gaddafi, một tin ngắn của Reuters cho biết: “Ông Gaddafi và con trai đã bị thương, bị bắt sống nhưng sau đó đã chết. Theo truyền thống Hồi giáo, người chết phải chôn cất trong vòng một ngày, nên việc trưng bày xác chết cho người xem trong nhiều ngày đã làm cho nhiều người cảm thấy khó chịu, nhưng […]mọi người và các nhà lãnh đạo Libya đều đến xem xác Gaddafi để rút bài học và đừng bao giờ đàn áp người dân.” Đoạn tin trên khiến cho chúng ta liên tưởng đến nhiều việc...
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89521)
C uộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 , trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963. Mặc dù chỉ nhấn mạnh vào cuộc tự thiêu bi tráng của Thượng tọa Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 [...] “Vài Ý Nghĩ Về Thượng Tọa Thích Quảng Đức” công bố lần đầu tiên một số tài liệu văn khố Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa và Phủ Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa, giúp vùi chôn một lần và mãi mãi loại sử văn suy tôn, nhớ ơn và đào mộ. Tạp Chí Hợp Lưu
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 106209)
D ưới tiểu tựa Vài Vấn Nạn Lịch Sử Thế Kỷ XX, tác giả đưa ra hai vấn nạn từng bị xuyên tạc trầm trọng bởi các hệ thống tuyên truyền của nhiều hơn vài ba thế lực chính trị. Vấn nạn thứ nhất là vai trò nhà ngoại giao của ông Hồ Chí Minh (1892-1969), Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ 1945 tới 1969, trong giai đoạn 1945-1946, một giai đoạn cực kỳ quan trọng cho sự sống còn của nhà nước Việt Nam hiện nay [...] Vấn nạn thứ hai là cuộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963...
16 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89485)
H iệp ước sơ bộ 6/3/1946 [Convention priliminaire de 6 mars 1946] là văn kiện ngoại giao đầu tiên ký giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] với đại diện Cộng Hòa Pháp tại Đông Dương, qua trung gian chính phủ Trùng Khánh. Mặc dù chỉ có tính cách tạm thời, văn kiện này công nhận sự hiện hữu của VNDCCH. Nó chính thức cải biến, nói theo các viên chức Bri-tên và Pháp, một thực thể chính trị “sinh ra trong hỗn loạn” thành một chính phủ lâm thời, của một “nước tự do” [un état libre] “có quốc hội, quân đội, tài chính và ngoại giao riêng,” nằm trong Liên Bang Đông Dương và Khối Liên Hiệp Pháp.( 1)
15 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 101987)
N hạc sĩ Phạm Duy có cái nhìn xuyên suốt, không rào cản so với nhạc sĩ cùng thời. Người lắng nghe giao thoa những tiến triển nền âm nhạc Việt so với thế giới từ những năm 1930 cho đến nay.Từ cái bắt gặp đầu tiên trên bộ đồ bà ba xanh, đôi mắt sáng trên vành tai thính âm tài hoa ấy. Nhạc sĩ Phạm Duy chợt cười, nụ cười nhéo mắt luôn điểm lại con người ấy từng nốt nhạc vượt không gian thời gian. Hồn nhiên Phạm Duy cười nói: : “Tôi có hai con mắt, một con trái mắt tỉnh tảo thực tế với dòng đời. Và mắt phải luôn làm việc sáng tạo.” Cuộc phỏng vấn sau đây ghi lại một vài nét về cuộc đời nhạc sĩ Phạm Duy với thế hệ trẻ tại Việt Nam đang muốn cùng ông bày tỏ tâm sự.
14 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 97050)
T rong lịch sử tranh đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, hai lần nước ta đã được các nhà cầm quyền đương thời chính thức tuyên bố độc lập. Lần thứ nhất vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 bởi Hoàng Đế Bảo Đại và lần thứ hai bởi Chủ tịch Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. Hai lần cả thảy, nhưng đa số người Việt chỉ biết hay chỉ được học có một lần. Họ chỉ biết có bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 mà không biết bản tuyên ngôn của Bảo Đại ngày 11 tháng 3. Lịch sử do đó chỉ được biết có một nửa thay vì toàn vẹn.
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89669)
T rần Hoài Thư đến với văn chương rất sớm, sớm hơn truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1965. Và nếu phân chia các giai đoạn văn học miền Nam theo cách của Võ Phiến (xem Văn Học Miền Nam, tập tổng quan, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ 2000) thì Trần Hoài Thư được xếp vào ( Những Cây Bút Trẻ , theo cách gọi thời đó) giai đoạn 1964-1975 giai đoạn mà chiến cuộc bắt đầu bùng nổ dữ dội.
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 119247)
Đ ó là Tetbury, một thành phố thơ mộng nằm về phía nam Luân Đôn khoảng 200 cây số (?).Tôi chỉ nhớ phải mất ba giờ lái xe để đến nơi. Thành phố nhỏ, những con đường dốc, hẹp. Nhà với mái xuôi nhọn hoắt, nằm liền nhau, phần lớn mở shop bày bán đồ cổ, quán ăn uống, tiệm cà phê.
08 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 105560)
... k ể từ hôm nay(Oct 8-2011) , người ta không còn mua vi cá ở California được nữa. Thống Đốc tiểu bang California đã ký ban hành luật cấm thủ đắc và bán vi cá nhập cảng vào California. Trong bản tuyên bố sau khi ký ban hành luật, Thống Đốc Jerry Brown nói rằng việc cắt những vi của những con cá mập còn sống và ném thân chúng xuống biển không những là hành động tàn bạo mà còn làm ô nhiễm nước biển.