- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thơ Lê Minh Phong

23 Tháng Mười 20143:37 SA(Xem: 32221)

LeMinhPhong-ChanDungBW
Lê Minh Phong- Huế 2014

 

 

 

Một người viết trẻ, lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu. Anh tự giới thiệu như sau: “LÊ MINH PHONG, sinh năm 1985. Đã viết với các thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, phê bình văn học, phê bình hội họa...  Cộng tác với nhiều nơi với nhiều bút danh khác nhau. Hiện làm báo và vẽ tranh ở Huế.”
Thơ của Phong có âm hưởng thật nhẹ nhàng của miền Trung, anh đã vận dụng những từ vựng đặc Hà Tịnh vào thơ một cách tài tình, và với những âm sắc trong veo êm ái đó, anh đã chuyển đến người đọc một ngọn lửa ý chí thật mạnh trong xúc cảm. Chúng tôi trân trọng gởi đến văn hữu cùng bạn đọc những thi phẩm của Lê Minh Phong.

Tạp Chí Hợp Lưu

                  


GIANG ĐẦU


Giang đầu
Mẹ trườn đi
Hãy qua bên sông trước khi trời sáng
Con quỵ rồi
Ôi
Những vết thương

Qụy rồi
Qụy rồi
Mẹ ơi đừng liếm
Thịt da nào chẳng có vết thương

Rút nữa đi
Người ơi rút nữa
Sợi thép gai trong mắt mù lòa

Nắng xiên khoai giữa chiều đốt lửa
hãy thở đi xin mẹ thở đi
Mẹ con ta trườn qua ngà tháp
Con không muốn nhìn bãi tha ma
Bông cỏ may găm vào mắt trắng xóa
Trắng cả trời Hà Tịnh tang thương

Nằm xuống 
Nằm xuống
Xương con đây con trải mẹ nằm
Và thở đi
Xin người hãy thở
Bởi sơn khê chim cú tự ru mình

Giang đầu
Giang đầu
Máu loang
Máu loang

Đèo Đụng Đung những người thợ xẻ
Liếm lên cây rồi hát huầy zô
Mẹ thở đi
Mở mắt và thở
Con hát đây con hát tháng năm đầy

À ơi người ở bên tê
Núi non hoang lạnh nón mê đội đầu

Ngàn Sâu
Ngàn Sâu
Sông cứ chảy
Khe Trươi loài rắn đã ngủ im

Bên kia sông chinh phu cũng mỏi
Liếm lá lau rồi phun máu lên trời

Lời ru
Lời ru
Nhàu nát lời ru
Nát nhàu Hà Tịnh

Trong giấc mơ con người không đi nữa
Người trở về loan báo tin vui
Hãy mở mắt và mẹ ơi thức dậy
Ra mà xem hãy bước tới mà xem

Thắp đi
Thắp đi
Con nhìn ánh lửa
Lưu dân về đốt đuốc trên đồng xa
Mẹ mẹ ơi xin người thức dậy
Hãy ra đây hãy bước ra đây

Ơ mẹ kìa lưu dân đang hát
Hãy hát lên xin hãy hát lên

hát rằng:
Phương nào cũng có biển sâu
thuyền nhân đi mãi áo nâu bạc màu

Rồi hạc vàng cũng không đi nữa
huyền thoại về bóng rợp đáy sông

đáy sông
đáy sông

giang đầu mưa, mưa rơi buốt tóc
rừng thẳm sâu tỳ kheo liếm chuông chiều

mẹ mẹ ơi xin người hãy thở
Thơ con đây con sẽ soi đường
sáng mai ra mẹ chết trên nương
Xương mẹ trắng bay khắp trời Hà Tịnh

Đi đi
Đi mô

cô thân con
con bước trên đường
Loài thú hoang
ba mươi năm mòn ruỗng
Sống nửa đời
chưa được thấy quê hương...


LMP

 

 

Ơ TỀ

 

ơ tề
sao em lại nói thế
để anh úp mặt vào tay
kiếp phong trần anh cũng không mang
mẹ cũng không mang

hôm qua mẹ gửi vào cho anh những tiếng thét của mẹ
em biết không
trên núi Hồng Lĩnh chim Phượng không về
trái mùa thối rữa

ơ tề
em đừng nói nữa
chốn quê người anh có ai đâu

mẹ xát muối trong đêm
tiếng kêu như thủy tinh vỡ
ơ em
xin em đừng nói nữa
gửi heo may cho rồi

em về đứng bên kia núi
em về em hát trong khe
em về lõa thể dưới đèo
nhưng van em đừng khoác tang lên bầu vú
đừng quấn người bằng khăn trắng…
em nha!

mênh mông ơi là mênh mông
sông rộng người ơi sông rộng
trong cơn đau mẹ nói với anh suýt nữa mẹ chạm được vào cầu vồng
nhưng nhiều mưa quá
ướt cả giấc mơ

trở mình thức giấc
vết thương còn đó
bầm đau
sâu quá
con không chạm được vào đáy của vết chém
mẹ ơi

bỏ đi
đừng níu nữa
trên đỉnh núi Hồng thông có reo đâu
dưới đáy sông Lam ai ru con nghe xót quá

chà muối vào mắt
cho quên mặn chát
cho lòng thung sâu
thung sâu ơi hỡi thung sâu

ơ tề
em đứng bên đèo và em lõa thể
để bên này anh úp mặt vào tay

úp mặt vào tay
mẹ vói qua đèo
gửi vào cho anh những niềm tuyệt vọng
anh nhấn chúng xuống sông Hương
lông chúng ướt
ướt mất rồi
anh khóc
rồi anh hát
anh hát rằng:
cả gió nên đã đắt cau
người đi quên cả rừng lau rụng tàn

chạy trốn
trói
trói đi
trói những giấc mơ ấy lại
mẹ không còn sức
cha say khướt chợ chiều…

xòe bàn tay
xòe bàn tay ấy 
em vá nổi không
mắt anh rách nát dưới huyệt mộ từ ngày bặt âm biệt xứ
máu đã loang dòng
anh biết nói chi đây

chông chênh ơi là chông chênh
ơ tề lòng người bạc ác
mẹ nghiến nát đêm
trên đồi Hồng Lĩnh
chim Phượng không về

huyền thoại vỡ
em vá đi
em không đủ sức
mẹ đã mỏi
cha say khướt trên đê rồi đu mình theo đôi cánh của loài mộng du 
mộng du
mộng du

ơ tề
ơ tề
ai hát dưới thung
mà nghe mờ quá

LMP

 

EM À

 

Bên sông họ nói lêu lêu
Anh bám vào cọc nhọn khi những người đàn bà ấy rót đêm vào trong mắt của những đứa trẻ

Chim cú ướt
Chim cú ướt rồi

Lêu lêu
Bên sông họ nói
Họ ngồi bè lau
Họ là chim cú
Chim cú không hót
Lêu lêu

Em có tin vào linh hồn không
Linh hồn nở đầy hoa lau
Hoa trên gông của những người đàn bà găm đinh vào trong mắt

Ngày xưa mẹ nói với anh linh hồn màu đỏ
Nhưng bên kia họ đã thay áo rồi

Anh bưng mặt
Anh thở hắt ra
Anh xâu hơi thở của anh thành những chuỗi hạt
Anh ném lên trời
Và gió
Và gió

em về đi
nhưng đừng thay áo
đừng trút yếm đào
làm ơn..

chim cú ướt
chim cú ướt
đêm nào chim cú cũng ướt trong giấc mơ anh
ơ kìa
em
sao em lại khóc
lêu lêu

về đi
sông này đâu phải là sông

Những chuyến đi trong đêm
Những chuyến đi về sáng
Đèn hỏa châu tắt
Lưu dân ngủ rồi

Đêm xoay vòng trong anh
Mắt chùng xuống lòng đất gầy guộc
Anh đã không thở được khi họ tới và đạp lên trên những bông cỏ may bên huyệt mộ anh
Anh trở mình trong mộ
Nghe tiếng đất trùng vây

Rồi anh đi trên sông
Anh ôm bức tranh của anh và chạy vào rừng
Rừng đan kín lối anh đi và loài thảo mọc liếm lên mắt anh
Anh vừa chạy vừa khóc
chim culi cũng khóc
Sau lưng anh họ nói
về đi
sông này đâu phải là sông

Những người đàn bà vẫn bơi ngược dòng để tìm lên đồi Phong Nhũ
Phong Nhũ màu trắng
Phong Nhũ ướt rồi

Níu lại bè lau
Buộc lại bè lau
Ơ kìa
Đừng khóc
Chim cú ướt

Chim cú ướt
Chim cú ướt rồi

Em đã không biết được phía bên kia của rừng
Bên kia bờ nước mắt anh 
em cũng không thấy được
Và đừng hỏi anh giấc mơ em màu gì
Bụi vàng trên sông là điều không thực
Và nữa, cánh chim cú đã không chở được huyền thoại của hai ta

Trắng quá - em nói
Màu trắng ơi - em khóc
Chim cú ướt
chim cú màu trắng

Phong ơi... 
mỏi rồi

Đến đây
Đến đây
Đến đây mà uống máu trong mắt 
Mắt anh màu gì

Và anh nói với em về màu trắng
Và những khúc đồng dao trong ngục thất
Nơi linh hồn cha anh còn bị găm đinh trên đá lạnh
Giày đinh
Giày đinh

Trắng quá
Mù lòa
Màu trắng ơi mi ngủ đi
Đừng lung linh trong huyệt mộ
Hãy để yên cho những người đàn bà ngồi trên bè lau rót đêm vào trong mắt
Màu trắng
Lêu lêu

Lêu lêu anh
Lêu lêu em
Lêu lêu chim cú 
Lêu lêu nước mắt
Lêu lêu màu trắng
Lêu lêu rừng già
Lêu lêu quê hương
Lêu lêu thân phận
Lêu lêu điêu tàn...

.....

LMP

 

 

EM ĐÃ NẰM NGOÀI TA


phía bên kia
phía bên kia giấc mơ của ta
và ta đưa tay vói
những cơn sóng xát muối vào ngực ta
mặt biển lồng lộng

đáng ra ta đã hát em nghe
những bài ca về loài thi sỹ
nhưng họ không đi hết sứ mệnh của họ khi quê hương điêu tàn

đáng lẽ ra ta đã là một kẻ mơ mộng đi bán thơ dạo ngoài đường
và có lẽ đủ sống
nhưng ngôn ngữ
máu 
màu sắc
âm thanh trong ta khản đục
ta không được bước đi trên chiếc cầu vồng đa sắc đầy những hạt bụi vàng
hạt bụi vàng không vương lấy tóc em

Khi quê hương điêu tàn
những người anh em của ta im ngủ
như loài sâu im ngủ

ta đã gào thét từ ngày ta còn ở trong nôi
đến bây giờ mắt đã mỏi mệt
linh hồn tướp máu
mà quê hương ta gọi vẫn chưa về

đêm nay đây
máu trong ta mòn ruỗng
xác người dạt vào bên sông
nói với ta về loài thi sỹ
loài thi sỹ ngủ đông

và trong đêm sâu ta nghe lời mẹ khóc
nhưng tiếng cú trên đồi át lấy giọng quê hương

em ơi
em ở phía bên kia giấc mơ của ta
khi ta mở mắt em tan chảy như những hạt cát tan chảy trong nước mắt của ta
hãy bay đi 
hãy bay đi
để khi quê hương được thắp sáng ta lại đón em về
trong bản lưu dân mà ta đã viết

Có những giấc mơ của ta em làm sao hiểu được
nhưng anh em của ta đã im ngủ
như loài sâu im ngủ

ta lại một mình lang thang trên những đỉnh tóc 
trong đêm đen gầy guộc
đêm nay đây ta lại đuổi theo những gam màu ấy
nhưng ta không vẽ được tiếng thét trong ta
ôi, những tiếng thét vừa thống khổ vừa mộng mơ hoang tưởng

em đã tới
em có đó nhưng em là hư vô
khi ta chạm vào em thì em tan biến
và đừng hỏi ta quê hương mình ở đâu
ta không trả lời được

những chiều ta lưu vong thang thang trên đồi thân phận
kẻ lưu vong ngay trên quê hương mình đã nghĩ gì em biết không
em biết không?
em rất gần mà em xa quá

ta mơ ngày loài chim di trú ấy dừng lại trên những bông lau trên đồi quê hương
ta sẽ hát cho em nghe những bài ca về loài thi sỹ
loài thi sỹ đã mở mắt hân hoan đi giữa đêm điệp trùng…


LMP

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 117187)
N hà thờ vắng vẻ. Những hàng ghế trống im lìm. Chúng tôi đứng cạnh nhau sau hàng ghế cuối, tôi bảo nàng nhìn lên tượng Chúa và im lặng. Rất trang trọng, mấy phút sau tôi hỏi nàng, Kim có biết tôi vừa nói gì với Chúa không. Nàng gật đầu, mắt long lanh ướt. Tôi thầm cám ơn Chúa và nắm tay Kim rời nhà thờ. Tôi đã cầu hôn nàng như thế đó.
25 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 91789)
H ợp Lưu 115 đến với quí độc giả và văn hữu vào những ngày cuối tháng Mười khi “Cuộc cách mạnh Mùa Xuân Ả Rập” ở Lybia đã thành công bằng sự ra đi vĩnh viễn của Gaddafi, một tin ngắn của Reuters cho biết: “Ông Gaddafi và con trai đã bị thương, bị bắt sống nhưng sau đó đã chết. Theo truyền thống Hồi giáo, người chết phải chôn cất trong vòng một ngày, nên việc trưng bày xác chết cho người xem trong nhiều ngày đã làm cho nhiều người cảm thấy khó chịu, nhưng […]mọi người và các nhà lãnh đạo Libya đều đến xem xác Gaddafi để rút bài học và đừng bao giờ đàn áp người dân.” Đoạn tin trên khiến cho chúng ta liên tưởng đến nhiều việc...
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89460)
C uộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 , trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963. Mặc dù chỉ nhấn mạnh vào cuộc tự thiêu bi tráng của Thượng tọa Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 [...] “Vài Ý Nghĩ Về Thượng Tọa Thích Quảng Đức” công bố lần đầu tiên một số tài liệu văn khố Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa và Phủ Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa, giúp vùi chôn một lần và mãi mãi loại sử văn suy tôn, nhớ ơn và đào mộ. Tạp Chí Hợp Lưu
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 106136)
D ưới tiểu tựa Vài Vấn Nạn Lịch Sử Thế Kỷ XX, tác giả đưa ra hai vấn nạn từng bị xuyên tạc trầm trọng bởi các hệ thống tuyên truyền của nhiều hơn vài ba thế lực chính trị. Vấn nạn thứ nhất là vai trò nhà ngoại giao của ông Hồ Chí Minh (1892-1969), Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ 1945 tới 1969, trong giai đoạn 1945-1946, một giai đoạn cực kỳ quan trọng cho sự sống còn của nhà nước Việt Nam hiện nay [...] Vấn nạn thứ hai là cuộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963...
16 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89422)
H iệp ước sơ bộ 6/3/1946 [Convention priliminaire de 6 mars 1946] là văn kiện ngoại giao đầu tiên ký giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] với đại diện Cộng Hòa Pháp tại Đông Dương, qua trung gian chính phủ Trùng Khánh. Mặc dù chỉ có tính cách tạm thời, văn kiện này công nhận sự hiện hữu của VNDCCH. Nó chính thức cải biến, nói theo các viên chức Bri-tên và Pháp, một thực thể chính trị “sinh ra trong hỗn loạn” thành một chính phủ lâm thời, của một “nước tự do” [un état libre] “có quốc hội, quân đội, tài chính và ngoại giao riêng,” nằm trong Liên Bang Đông Dương và Khối Liên Hiệp Pháp.( 1)
15 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 101929)
N hạc sĩ Phạm Duy có cái nhìn xuyên suốt, không rào cản so với nhạc sĩ cùng thời. Người lắng nghe giao thoa những tiến triển nền âm nhạc Việt so với thế giới từ những năm 1930 cho đến nay.Từ cái bắt gặp đầu tiên trên bộ đồ bà ba xanh, đôi mắt sáng trên vành tai thính âm tài hoa ấy. Nhạc sĩ Phạm Duy chợt cười, nụ cười nhéo mắt luôn điểm lại con người ấy từng nốt nhạc vượt không gian thời gian. Hồn nhiên Phạm Duy cười nói: : “Tôi có hai con mắt, một con trái mắt tỉnh tảo thực tế với dòng đời. Và mắt phải luôn làm việc sáng tạo.” Cuộc phỏng vấn sau đây ghi lại một vài nét về cuộc đời nhạc sĩ Phạm Duy với thế hệ trẻ tại Việt Nam đang muốn cùng ông bày tỏ tâm sự.
14 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 96977)
T rong lịch sử tranh đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, hai lần nước ta đã được các nhà cầm quyền đương thời chính thức tuyên bố độc lập. Lần thứ nhất vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 bởi Hoàng Đế Bảo Đại và lần thứ hai bởi Chủ tịch Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. Hai lần cả thảy, nhưng đa số người Việt chỉ biết hay chỉ được học có một lần. Họ chỉ biết có bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 mà không biết bản tuyên ngôn của Bảo Đại ngày 11 tháng 3. Lịch sử do đó chỉ được biết có một nửa thay vì toàn vẹn.
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89598)
T rần Hoài Thư đến với văn chương rất sớm, sớm hơn truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1965. Và nếu phân chia các giai đoạn văn học miền Nam theo cách của Võ Phiến (xem Văn Học Miền Nam, tập tổng quan, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ 2000) thì Trần Hoài Thư được xếp vào ( Những Cây Bút Trẻ , theo cách gọi thời đó) giai đoạn 1964-1975 giai đoạn mà chiến cuộc bắt đầu bùng nổ dữ dội.
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 119168)
Đ ó là Tetbury, một thành phố thơ mộng nằm về phía nam Luân Đôn khoảng 200 cây số (?).Tôi chỉ nhớ phải mất ba giờ lái xe để đến nơi. Thành phố nhỏ, những con đường dốc, hẹp. Nhà với mái xuôi nhọn hoắt, nằm liền nhau, phần lớn mở shop bày bán đồ cổ, quán ăn uống, tiệm cà phê.
08 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 105485)
... k ể từ hôm nay(Oct 8-2011) , người ta không còn mua vi cá ở California được nữa. Thống Đốc tiểu bang California đã ký ban hành luật cấm thủ đắc và bán vi cá nhập cảng vào California. Trong bản tuyên bố sau khi ký ban hành luật, Thống Đốc Jerry Brown nói rằng việc cắt những vi của những con cá mập còn sống và ném thân chúng xuống biển không những là hành động tàn bạo mà còn làm ô nhiễm nước biển.