Hàng ngàn người biểu tình đòi dân chủ vẫn còn trụ lại trên đường phố Hong Kong bất chấp hơi cay của cảnh sát và phớt lờ lời kêu gọi hãy về nhà của chính quyền.
Trong đêm qua ngày 28/9, cảnh sát chống bạo động đã tiến vào đám đông sau khi đưa ra cảnh báo chính thức rằng các cuộc biểu tình như thế này là ‘bất hợp pháp’.
Những người biểu tình phản đối kế hoạch của chính quyền trung ương ở Bắc Kinh kiểm duyệt các ứng viên trong cuộc bầu cử đặc khu trưởng vào năm 2017.
‘Không có chuyện đàn áp’
Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh đã trấn an công chúng rằng tin đồn về việc Bắc Kinh sẽ dùng quân đội để trấn áp là ‘không đúng sự thật’.
“Tôi hy vọng công chúng sẽ giữ bình tĩnh. Đừng để bị tin đồn dẫn dắt,” ông Lương nói.
“Cảnh sát sẽ cố gắng duy trì trật tự xã hội, trong đó có đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn cho công chúng.”
Hàng ngàn người biểu tình vẫn cắm trại qua đêm bên ngoài trụ sở chính quyền. Nhiều người đã dựng hàng rào.
Trong một dấu hiệu cho thấy biểu tình đang lan rộng, đã có thêm các cuộc biểu tình mới ở các khu vực khác.
Khoảng 3.000 người đã phong tỏa một con đường chính băng qua vịnh ở Mongkok trong khi 1.000 người khác đã đối mặt với cảnh sát chống bạo động ở quận mua sắm sầm uất Causeway Bay nằm về phía đông trung tâm Hong Kong.
Trước giờ cao điểm vào sáng thứ Hai ngày 29/9, cảnh sát đã ra thông cáo kêu gọi người biểu tình ‘giữ bình tĩnh, ngưng tấn công vào hàng rào cảnh sát cũng như ngừng chiếm giữ các con đường chính’.
Sở Giáo dục Hong Kong cũng thông báo rằng các trường học ở Wan Chai cũng như các quận trung tâm và phía Tây sẽ đóng cửa.
Trong các diễn biến khác, hơn 200 tuyến đường xe buýt đã bị hủy hoặc đổi hướng, một số cửa ra ở trạm xe điện ngầm trong khu vực biểu tình cũng bị chặn.
Một số ngân hàng trong khu vực bị ảnh hưởng đã tạm dừng hoạt động.
Cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ 78 người trong ngày 28/9 sau khi bắt giữ 70 người một ngày trước đó.
Còn ở Đài Bắc, thủ phủ Đài Loan, một số người cũng đã tụ tập bên ngoài Phòng Văn hóa Hong Kong để bày tỏ sự ủng hộ đối với người biểu tình.
Tổng thống Mã Anh Cửu nói Đài Loan đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Hong Kong.
Cho đến lúc này, cảnh sát Hong Kong đã dùng dùi cui, hơi cay và xịt tiêu để đối phó với người biểu tình với các mức độ thành công khác nhau.
Tuy nhiên, các lãnh đạo biểu tình đã kêu gọi người biểu tình rút lui nếu cảnh sát dùng đạn cao su.
“Đây là vấn đề sinh mạng. Nếu mạng sống của người biểu tình gặp nguy hiểm thì họ nên rút lui để giữ mạng,” giáo sư Chan Kin-man, một người đồng sáng lập của nhóm Occupy Central, nói.
Phong trào biểu tình rộng lớn Occupy Central đã dồn sức ủng hộ các cuộc biểu tình của sinh viên và đẩy lên sớm hơn một chiến dịch bất tuân dân sự mà họ dự kiến sẽ phát động vào đầu tháng 10.
Trong một thông cáo hôm 28/9, tổ chức này đã kêu gọi ông Lương hãy từ chức và nói rằng ‘chỉ như thế mới có thể tái khởi động tiến trình cải cách chính trị và tạo một không gian để tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng’.
Trung Quốc có một đội quân của Giải phóng Quân PLA đóng ở Hong Kong. Họ nói họ tin tưởng rằng chính quyền Hong Kong có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng.
Một phát ngôn nhân của Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh ‘kiên quyết phản đối mọi hành động phi pháp phá hoại nền pháp trị và gây nguy hoại cho bình yên xã hội’. Bắc Kinh cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính quyền Hong Kong, Tân Hoa Xã đưa tin.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh đang lo lắng rằng các cuộc biểu tình đòi dân chủ có thể lan đến các thành phố khác ở đại lục.
BBC