- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Hồi sinh cơn hôn mê

07 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 34320)

Viết tặng những người bạn Văn đàn anh của tôi.

banmai-hoisinh-content

 Hình từ trái sang: Nguyễn Xuân Hoàng, Lữ Quỳnh, Hoàng Ngọc Biên

“thường có những giấc mơ
gặp gỡ bạn bè
những người bạn ra đi đã nhiều năm
nay kéo về
nói cười ấm áp

tôi rất vui
rất vui trong từng đêm như thế

để lúc tỉnh ra
ngồi một mình trong bóng tối
quạnh hiu”
(*)


Tháng 6, khi những cơn gió Lào khô rốc từ Vịnh Bengan thổi vào dãy Trường Sơn đem hơi nóng ngùn ngụt lửa phả vào mặt, đó là lúc các tin buồn tới tấp bay về bên tôi. Từng người, từng người bạn thay nhau giã từ cuộc chơi. Cái nóng hực lửa bên ngoài, và cái nóng trong lòng tôi ngày một dâng cao.

Mới tuần trước thôi, anh Nguyễn Xuân Hoàng vẫn còn email trả lời, anh nói bài viết này anh thích quá cho anh post trên Voa đi, tôi còn đùa anh mệt như vậy mà vẫn còn làm việc sao, tùy anh thôi. Em sẽ gửi các bài tùy bút ngắn anh đọc hàng ngày cho vui.
Đó là thời gian sau này khi biết bệnh tình anh đến giai đoạn cuối, anh đau đớn với cơn bệnh ung thư chống chọi hàng giờ, tôi không còn email hỏi thăm sức khỏe nữa. Vô ích, sáo rỗng. Đừng đụng đến vấn đề này, hãy viết những cái gì nhẹ nhàng cho anh đọc, anh vui.
Nhiều hôm sau khi hóa trị về, chắc là đau đớn lắm, không kiềm hãm nổi anh viết, anh chỉ muốn chết thôi, bây giờ ước mơ lớn nhất của anh là được chết.
Tôi biết, một người đàn ông can trường như anh mà thốt lời như vậy là đã quá giới hạn chịu đựng của con người, anh đang chống chọi với nỗi đau kinh hoàng. Bắt đầu hôm đó, tuần nào tôi cũng gửi cho anh vài câu chuyện vui, vài dòng tùy bút, không nói đến chuyện tử sinh. Tôi biết, anh muốn quên cơn đau trong những khoảng thời gian cơn bệnh không hoành hành.
Tôi xem anh như một người anh lớn, bắt đầu từ ngày Cổ Ngư giới thiệu tôi đăng bài trên trang web Tạp chí Văn của anh. Lúc đó Tạp chí Văn có trang chuyên đề TCS do chị Lệ phụ trách, bạn tôi rủ rê viết bài cho vui.
Nguyễn Xuân Hoàng với tiểu thuyết “Khu rừng hực lửa” đăng nhiều kỳ trên Tạp chí Văn trước 75, những cuốn tạp chí trong tủ sách gia đình khi lớn lên tôi đã đọc. Tôi không ngờ có ngày mình lại quen biết với người chủ biên Tạp chí Văn này.
Anh nhiều lần gửi các tập Tạp chí Văn về cho tôi nhưng lần nào cũng “thất lạc”. Mấy năm trước, anh đề nghị tôi cho anh post bài trên Voa tiengviet, trang blog văn học nghệ thuật của anh. Tôi cộng tác với trang nhà của anh từ đó. Tôi tin một giáo sư am tường Triết học, một nhà văn dày dạn kinh nghiệm như anh, chắc chắn hiểu rỏ lẽ vô thường, và anh đã dọn sẵn cho mình những giây phút cuối thanh thản nhẹ nhàng. Trong “Bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu” anh đã từng viết: Đừng sợ. Sống thì khó chứ chết thì ai mà chẳng có phần.

Hôm qua, tôi điện thoại thăm cô Chi nhân ngày giỗ thầy Giác, nghe giọng nói của tôi cô Chi mừng tủi, cô bật khóc rồi cố kìm nén, cô nói, cô mừng lắm, nghe giọng em cô mừng lắm. Thắp giúp em một nén nhang trên bàn thờ thầy nha cô. Năm nay cô mãn tang, bạn bè của thầy về đông lắm em, cô làm giỗ thầy hôm chủ nhật rồi, không phải hôm nay, vì ở Mỹ người ta làm gì cũng chờ đến chủ nhật, ngày thường họ đi làm hết. Giỗ thầy cũng vậy đó em.
Cô thông báo ông Tạ Chí Đại Trường bạn thầy cũng đang nguy kịch, ông ấy ở một mình không có gia đình, cô vào thăm luôn, mấy hôm trước cô thấy ông ấy không còn tỉnh nữa, đã mê sảng rồi. Ông Nguyễn Xuân Hoàng thì cũng đang chống chọi ở giai đoạn cuối, chị Vy vợ ông cũng đau nặng chạy thận vô ra nhà thương hàng ngày. Anh Lữ Quỳnh sức khỏe cũng đang có vấn đề, nghe nói đang dò tìm các mạch máu trên não, không biết ác tính hay lành tính đây.
Những tin tức này tôi đã biết, nhưng nghe cô nói tôi vẫn nao lòng, cuộc đời thật quá phù du cô ơi, ai rồi cũng đến ngày đó mà, em rồi cũng vậy thôi.

Hai tuần trước, anh Nguyên Minh email mời gọi tôi viết chuyên đề về Lữ Quỳnh trên tạp chí Quán Văn, tôi nhận lời nhưng đến bây giờ vẫn còn loay hoay. Bao lần viết, rồi bao lần xóa.

Với tôi, Lữ Quỳnh như một người anh trai mà tôi trân quý.
Tôi quen anh cũng thật tình cờ.
Một ngày mùa hè mấy năm về trước, tôi bắt gặp bài viết của nhà thơ Du Tử Lê giới thiệu tập truyện “Những cơn mưa mùa đông” của Lữ Quỳnh do nhà xuất bản của Trần Hoài Thư ấn hành. Tôi email cho Trần Hoài Thư và Lữ Quỳnh hỏi thăm về tập sách, thời gian này tôi đang tìm hiểu dòng Văn chương hải ngoại.
Ngay lập tức tôi nhận được phản hồi, và một tháng sau tôi nhận sách của anh từ một người bạn đem về nước. Anh nói, sách bên này gửi qua bưu điện thường thất lạc.
Khi biết tôi là tác giả tập sách “TCS vết chân dã tràng” anh rất vui.
Mấy ngày sau, Lữ Quỳnh email hỏi tôi tập sách TCS ở Việt Nam ra sao rồi, báo chí dòng chính mấy năm trước đánh tơi bời em có ảnh hưởng gì không? Sách có được tái bản không? Tôi nói em vẫn bình thường, sách bán hết rồi, người tìm mua không có. Sau khi báo chí đưa tin, Cục Xuất Bản đã yêu cầu lần sau tái bản phải chỉnh sửa lại phần “TCS và Chiến tranh Việt Nam” nên có lẽ em sẽ không tái bản lúc này vì em muốn giữ nguyên quan điểm của mình.
Thật bất ngờ, khi tôi nghe anh nói anh sẽ gọi điện thoại cho NXB Văn Mới tại Cali, giúp tôi xuất bản sách tại Mỹ. Anh thấy sách của em in ở Việt Nam có bày bán bên này. TCS là bạn của anh, và anh muốn những cuốn sách nghiêm túc viết về bạn của mình được phổ biến rộng rãi cho người Việt đọc. Và chỉ trong vòng 4 tháng tập sách đã tái bản ở Mỹ, một điều mà tôi không dám nghĩ đến. Với tôi, đó là một ân tình tôi không bao giờ quên.


Lần đầu tiên gặp anh ở Huế, nhân dịp khai mạc phòng tranh Đinh Cường tại Nguyễn Trường Tộ ngôi nhà ngày xưa của Trịnh Công Sơn, anh từ tốn, chân tình và rất chu đáo. Tôi thật hạnh phúc và may mắn có được những người bạn như các anh, những người bạn lớn hơn tôi mấy thế hệ mà tôi kính trọng, bên họ tôi luôn có cảm giác an toàn, ấm áp.

Giờ đây, nghe tin các anh đều bạo bệnh, tôi thật đau buồn, ở xa không biết làm gì chỉ biết ngóng tin. Lâu lâu anh Lữ Quỳnh điện thoại thăm hỏi là tôi vui cả ngày.


Tôi vẫn còn nhớ ngày Cao Xuân Huy bệnh nặng, Trần Vũ báo tin, tôi điện thoại xin phép anh làm chuyên đề trên Vanchuongviet nhưng chưa kịp thực hiện anh đã mệnh chung, ngày đó tôi ân hận hoài. Rồi đến cái chết của nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh, người mà tôi chưa kịp nói lời cảm ơn, chưa kịp viết bài cho cuốn thơ “Lời tình buồn” với những ca từ mà thế hệ tôi ai cũng thuộc: Anh đi rồi còn ai vuốt tóc/Lời tình thơm sách vở học trò/Đêm xuống rồi em buồn không hở/
Trời xa mù tầm tay với âu lo
…tập thơ anh gửi tặng khi anh còn sống.

Càng lớn, tôi càng thấy tình bạn quý giá vô cùng, tìm một người bạn chơi được đã khó, kiếm được người tri kỷ hiểu mình càng khó hơn.

Có lẽ những người làm nghệ thuật, là những người thường cô đơn nhất, mặc dù bạn bè của họ lúc nào cũng vây quanh.
Trong tập thơ “Sinh nhật của một người không còn trẻ” anh Lữ Quỳnh từng viết:


Những ngọn nến thắp
Là hồi ức buồn…

Một ly mình. Và một ly không
Quán hoa giấy chiều nay lãng đãng
Uống ngụm nắng tàn trong chiếc ly không

Chiếc ly không là một chỗ ngồi trống vắng, là bóng dáng của một người bạn đã đi xa.

Bây giờ tôi mới hiểu vì sao ngày xưa, Trịnh Công Sơn đã viết tình bạn quý hơn tình yêu: “May thay trong đời vừa có tình yêu vừa có tình bạn. Tình bạn thường có khuôn mặt thật hơn tình yêu. Sự bội bạc trong tình bạn cũng có, nhưng không nhiều. Tôi thấy tình bạn quý hơn tình yêu vì tình bạn có khả năng làm hồi sinh một cơn hôn mê và làm phục sinh một cuộc đời tưởng rằng không còn tái tạo được nữa."

Tôi biết, những người bạn thế hệ các anh đã từng sống như vậy. Và tôi cũng tin một tình bạn quý có khả năng làm hồi sinh một cơn hôn mê và làm phục sinh một cuộc đời tưởng rằng không còn tái tạo được.

BAN MAI
Quy Nhơn, 5/7/2014

(*) Thơ Lữ Quỳnh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Tư 200912:03 SA(Xem: 96457)
IV. NGÀY TÀN CỦA BẢO ĐẠI: Việc Diệm quyết định đánh dẹp Bình Xuyên, ngược lại chỉ thị “ôn hòa” của Bảo Đại, khiến Bảo Đại chẳng còn lựa chọn nào khác hơn phản ứng mạnh với Diệm. Tuy nhiên, phản ứng của Bảo Đại chẳng khác gì tiếng vạc kêu sương. Uy quyền của Bảo Đại chỉ là thứ uy quyền trên giấy tờ, với sự phê chuẩn của những thế lực sau lưng.
05 Tháng Tư 200912:00 SA(Xem: 76056)
Họ ngừng trò chuyện nơi đây vì xe đậu lại ngay trước khu chung cư năm tầng lầu. Đến nhà ông bà Mi-Sơ-Vanh rồi. Cả bọn lục tục ra khỏi xe. Lại nghe vang to rầm rầm tiếng cửa xe đóng mạnh.
05 Tháng Tư 200912:00 SA(Xem: 84738)
C. CHẤM DỨT LIÊN MINH MỸ-PHÁP: Ngày Chủ Nhật, 8/5, nhân Hội nghị Tam cường và Hội nghị Bắc Đại Tây Dương từ ngày 9 tới 11/5/1955 tại Paris , Dulles, Faure và Macmillan họp bàn về Việt Nam . Bộ trưởng Các Quốc Gia Liên Kết Laforest (3-10/1955) trình bày tình hình Đông Dương.
28 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 109921)
Hai Ông Hoàng Xuân Hãn và Phan Anh đã nói gì về Bảo Đại, Trần Trọng Kim và chính phủ của hai ông này? (Bài thứ hai Viết thêm về hai ngày 19 tháng 8 và 2 tháng 9, 1945)
25 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 98806)
Tháng Ba của người lính ấy thật ra chỉ 11 ngày. Nửa đầu quyển sách là nhật ký hành quân giản lược của 10 ngày, mở ra với vài ngày tiên khởi của một cái vòng luẩn quẩn, tiến dần đến việc từng ngày, rồi từng giờ từng lúc.
19 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 152087)
LTS . ...Dù lịch sử đã sang trang từ lâu, bài ký ức về Tướng Lê Nguyên Vỹ, cố Tư lệnh SĐ 5 BB–người đã chọn chết theo thành, và không nỡ bắt "con em người ta gửi gấm cho mình" chết oan uổng ở những giờ phút tàn cuộc của chiến tranh Việt Nam–là một trong những tài liệu hiếm hoi, có giá trị sử liệu. Hợp Lưu trân trọng giới thiệu tác giả Triệu Vũ với quí độc giả. Tạp Chí Hợp Lưu
10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 87857)
Đầu Xuân Kỷ Sửu (25/1/2009) tôi khởi đầu việc hiệu đính phần tư liệu lịch sử Việt từ đời Ngô (938-965) tới đời Nguyễn (1802-1945). Đây có lẽ là lần hiệu đính cuối cùng, và khá tốn thì giờ vì việc chuyển đổi từ lịch Ta qua lịch Tây.
10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 88186)
Phần III. G. TÀI LIỆU VIỆT: Ngoài tài liệu Trung Quốc, sử quan Việt cũng sử dụng một số tư liệu trong nước.
10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 91401)
Phần II. Cần nhấn mạnh, mang quân xâm chiếm, chia ra quận huyện để đặt dân Việt vào “vòng lễ giáo” Hán tộc [ kiểu cho đào mộ tổ tiên Lê Lợi năm 1418 (Thông sử, 208 [truyện Trịnh Khả]), hay thiến hoạn thiếu niên Việt] , chỉ là hai trong những biện pháp lấn đất giành dân.
10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 99684)
Phần IV II. VIỆC NGHIÊN CỨU THỜI CẬN ĐẠI (1800-1975): Giai đoạn trước 1975, việc nghiên cứu sử học đã có nhiều nguồn tư liệu hơn để làm việc. Tài liệu đáng tin cậy nhất, dĩ nhiên, là tài liệu văn khố. Nhiều nhà nghiên cứu sử học chuyên nghiệp đã sử dụng tài liệu văn khố Pháp, Mỹ và Liên Sô. Mới đây, văn khố Hội truyền giáo Hải ngoại cũng đã mở rộng, sau nhiều thập niên “cho người chết ngủ yên.”