- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Vết đế giày

21 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 34715)


vet_de_giay-content
  (Bài viết cho gót giày, mặt, biển đảo và nước mắt)

LTS: Chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu truyện ngắn "Vết đế giầy" gởi từ Tuyên Quang của Vũ Xuân Tửu, một câu chuyện về gót giày, mặt, biển đảo và nước mắt.
TCHL


Thế là một năm đã trôi qua. Một năm thật nặng nề.

 Từ khi bị cái đế giày, đạp tới tấp vào mặt, khiến cho Đạo thất thần, có lúc, tưởng như nó đang xảy ra, làm tối tăm mặt mũi; có lúc, tưởng như nó vừa xảy ra, đất cát còn đầy trong mồm và bụi đọng ngập trong mắt; cũng có lúc, tưởng như nó đã diễn ra từ đời nảo đời nào, chỉ còn nỗi ê chề đeo đuổi. Vết đế giày khác nào cái dấu sắt nung đỏ, đóng bộp vào mặt kẻ nô lệ thuở xưa vậy. Và cũng từ ấy, mỗi khi bắt gặp người lạ hay quen nhìn vào mặt mình, thì trong lòng anh luôn ám ảnh, hẳn là họ chỉ nhìn vết đế giày khốn nạn kia mà thôi. Lần đầu trong đời, Đạo biết thế nào là thời gian nặng nề, một năm.

 

 Đạo nhớ mùa thu năm ngoái.

Mùa thu là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm, cái se se lạnh nhắc nhở mùa đông đang chờ phía trước; cái hanh hao nắng, gợi nhớ mùa hè vừa qua; và một chút xốn xang của tuổi xanh lụi tàn, ký ức mùa xuân quẩn quanh đâu đó. Giá như còn tiếng chuông tàu điện leng keng thuở nào, thì trọn vẹn một mùa thu Hà Nội, man mác buồn.

 “- Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam!”

 Đang lững thững dạo bước ven Hồ Gươm, ngóng con giải già nổi để chụp ảnh, Đạo bỗng giật mình, nghe tiếng hô khẩu hiệu đang tiến về phía tượng đài Lý Thái Tổ. Ơ này, biểu ngữ phấp phới, tiếng hô khẩu hiệu rộn ràng của hàng trăm người. Đạo bấm máy. Kìa, có cả ông lão đầu râu tóc bạc, đội mũ rộng vành, vừa đi vừa kéo đàn vĩ cầm, nom rất nghệ sỹ, tạo nên một nét văn hiến thủ đô ngàn năm tuổi. Đạo lại bấm máy.

 Mấy ngày nay, nghe dư luận bất bình về chuyện tàu Trung Quốc, ngang nhiên xông vào vùng biển của ta, cắt cáp thăm dò dầu khí. Nhiều chuyện, nghe tức như bò đá, nhưng cũng chỉ túm năm tụm ba bàn tán, rồi chửi đổng là cùng, chứ chưa bao giờ thấy xuống đường biểu tình thế này. Có cái gì thôi thúc, khiến bước chân Đạo nhập vào đoàn biểu tình, từ lúc nào không hay và cũng vung tay hô theo người lĩnh xướng:

 - Hoàng Sa…

 - Việt Nam!

 - Trường Sa…

 - Việt Nam!

 Từng đợt, từng đợt như sóng trào, tiếng hô hết lớp này đến lớp khác. Đoàn biểu tình càng đi càng dài, người từ các phố chạy ra, như những chi lưu đổ vào sông cái, làm cho nước chảy càng đầy thêm. Những nét mặt nam thanh nữ tú hồ hởi như đi trẩy hội xuân.

 

 Tuýt! Tuýt! Tuýt!

 Nhiều tiễng còi cùng cất lên. Đoàn biểu tình chững lại. Chắn ngang phía trước là một hàng rào cảnh sát và nhân viên trật tự đeo băng đỏ trên cánh tay. Ở cái tuổi “tri thiên mệnh”, Đạo đã đặt chân lên khắp phố phường ngoài Bắc trong Nam, nhưng chưa thấy ở đâu, cảnh sát có tiếng còi đầy uy lực như Hà Nội. Tiếng còi, khiến người ta sững người trong giây lát, định thần.

 Hai bên gườm gườm nhìn nhau.

 Đoàn biểu tình lại hô vang khẩu hiệu khảng định chủ quyền quốc gia. Tiếng loa pin chói lói, cất lên:

 - Yêu cầu giải tán ngay và mau! Cấm tụ tập đông người, vi phạm nghị định Ba tám xê-pê!

 - Chúng tôi là những người yêu nước, biểu tình ôn hòa, phản đối Trung Quốc xâm phạm trái phép biển đảo Việt Nam, không phải tụ tập gây rối trật tự, không vi phạm nghị định nào sất cả!

 Tiếng nói dõng dạc và lảnh lót cất vừa lên, Đạo bấm máy. Cô gái mặc áo dài trắng, đeo băng khẩu hiệu màu đỏ chéo qua vai, nom như thể hoa hậu đăng quang, khiến Đạo xốn xang trong lòng. Từ lúc ấy, Đạo luôn sát cánh bên cô, như thể một vệ sỹ mẫn cán. Mà bảo Đạo là vệ sỹ cũng có dáng, cao to này, tóc ba phân này, gương mặt căng thẳng như đâm lê này.

 - Yêu cầu giải tán, ngay và mau!- Tiếng loa pin lại cất lên.

 - Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam! - Đoàn biểu tình đáp lại.

 Toán cảnh sát và nhân viên trật tự quây lấy đoàn biểu tình. Đạo vội chắn trước mặt cô gái, như thể gà mẹ xù lông bảo vệ gà con. Phát hiện thấy một cánh tay đeo băng đỏ, đang giật dải băng của cô gái, Đạo vội chặn lại. Thế là tất cả bị cuốn vào cuộc xô đẩy, giằng kéo, giữa tiếng gào thét, còi, loa loạn xị. Bỗng Đạo bị vật ngửa xuống nền đường. Bốn người hè nhau túm chân, túm tay khiêng Đạo lủng lẳng như một con lợn. Nghe tiếng cô gái hô lảnh lót: “Hoàng Sa…”, Đạo lại gào lên với trời xanh: “Việt Nam!”…

 Bỗng tiếng hô của Đạo bị lấp kín, bởi cái đế giày đen kịt, từ bậc cửa xe buýt đạp xuống. Mỗi lần đạp, lại như một lần đóng dấu búa vào mặt:

 - Hoàng Sa, này!

 - Trường Sa, này!

 - Này thì Việt…

 Chợt có tiếng hô mệnh lệnh đanh gọn, ở phía đầu xe:

 - Khiêng nó lên xe, ngay và mau!

 Thế là kẻ trên xe, người dưới đường kéo tuột Đạo vào trong xe buýt. Đạo vẫn tối tăm mặt mũi, phì phì nhổ đất cát ra khỏi miệng và dụi tay lắc đầu cho bụi rơi ra, nhưng vẫn không mở được mắt. Đạo lại nghe tiếng lảnh lót ngay bên cửa xe:

 - Phản đối đánh đập, bắt giữ người yêu nước biểu tình ôn hòa!

 - Tống cả con này lên xe, ngay và mau!

 Lập tức, cả bọn xúm đến, toan đẩy cô gái lên xe, mặc cô vùng vẫy, gào thét. Tiếng gào thét của cô làm thức tỉnh đoàn biểu tình. Họ vội vã xông đến ứng cứu.

 - A, thế này thì tất cả chúng ta cùng lên xe buýt!

 Đám thanh niên hớn hở, chợt nhớ trò chơi trên ti-vi và lao đến, hát ông ổng: “Nào mình cùng lên xe buýt”. Tình huống quá bất ngờ, khiến đám cảnh sát và nhân viên trật tự ngớ ra trong giây lát. Viên chỉ huy vội quát lên:

 - Cho xe chạy, ngay và mau!

 Cái xe buýt xì khói, lao đi, bỏ lại cô gái và đoàn biểu tình, châng hẩng nhìn theo. Trên xe, Đạo đã mở được mắt. Nhìn cái sáo sơ-mi màu xanh dương của mình, bỗng chốc nhem nhuốc như mặt biển sau cơn bão, bết đầy bùn đất, Đạo gầm lên: “Đi đâu thế này?”. Mấy nhân viên trật tự tháo băng đỏ ra khỏi cánh tay, bỏ vào túi quần, không để ý đến sự bức xúc của Đạo.

 

*

 Năm nay, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, cả trong Sài Gòn lẫn ngoài Hà Nội, đều có vẻ sa sút; chả bù cho năm ngoái, rộn ràng xiết bao.

 Năm ngoái, một năm trước.

 Như đã thành lệ, sáng chủ nhật nào cũng vậy, không ai bảo ai, nhưng cánh trí thức và đám sinh viên, cứ lảng vảng quanh mấy quán cà-phê, chỗ quảng trường Lê-nin và vườn hoa Chí Linh. Mấy chỗ đó có gì rất linh, tự dưng cuốn hút lòng người ta vậy?

 Kiếm một cái ghế tựa, Đạo lựa thế ngồi, hướng ra phía tượng đài Lê-nin, rồi ngoái cổ, giơ một ngón tay, ra hiệu với cô phục vụ: “Nâu đá”. Cô ta hiểu ý, cũng giơ một ngón tay và gật đầu, y như rô-bốt xác nhận tín hiệu.

 - Chào anh bạn trẻ!

 Đạo vội quay sang phía tiếng nói, thấy một người đàn ông tóc trắng như cước, khuôn mặt khắc khổ, đeo kính trắng dày cộp, phong độ đường hoàng mà khiêm nhường.

 - Chào bác! - Đạo cảm thấy như đã gặp người này ở đâu đó rồi. A, trên ti-vi, nhà trí thức này thường xuất hiện trong các chương trình truyền hình trực tiếp, trong các phiên chất vấn Quốc hội, Đạo liền đổi cách xưng hô. - Em đã thấy giáo sư nhiều lần, nhưng hôm nay với gặp lần đầu.

 - Anh nói cứ như nhà ngoại giao. - Ông cười, nhếch chùm ria bạc. - Tuần trước, tôi thấy anh ở vườn hoa Chí Linh…

 Đạo điếng người, nhớ lại những cú đạp và đưa tay vuốt mặt, tưởng như những hạt cát bụi còn dính bàn tay. Giáo sư tinh tế nhận ra điều đó và nắm bàn tay Đạo, an ủi:

 - Tôi xin chia xẻ!

 - Rồi tất cả sẽ qua đi thôi. Hỡi thời gian trôi mau, trôi mau!

 Nghe tiếng cô gái nói du dương như hát, Đạo ngước lên, nhận ngay ra cô gái đeo băng biểu tình, vội reo lên:

 - Hoa hậu đường phố!- và kéo ghế mời.

 - Cháu gái tôi đấy, - giáo sư cũng hồ hởi giới thiệu, giọng pha chút hãnh diện, - tên Kim.

 - Thế ạ, - Đạo trả lời như một cái máy.

 - A, Kim có một phát hiện, chúng ta cùng thói sở thích uống nâu đá và diện giày thể thao.

 Kim reo lên đầy hứng khởi, khiến cả ba cùng tươi nét cười.

 Mùa thu, cái mùa khiến lòng người lâng lâng, vui mà không ồn ào như mùa hè, không cóm róm như mùa đông, không dín dó như mùa xuân. Đạo cũng thấy lòng mình lâng lâng thu, như khi gặp hai bác cháu vị giáo sư này. Mới gặp mà như đã quen thân từ lâu rồi, sẵn sàng mở lòng, như luôn ngỏ cửa với những người hàng xóm thân thiện.

 - Chỗ kia, - giáo sư chỉ sang công viên, - thời trước là vườn hoa Canh Nông, có đặt tượng nông phu kéo cày.

 - Thế ạ, em chỉ biết từ hồi mang tên vườn hoa Chi Lăng. - Đạo về với thực tại. - Bây giờ lại mang tên công viên Lê-nin, chắc hẳn vì có cái tượng đài kia. - Miệng nói thế, nhưng lòng Đạo đang nghĩ về Kim, con gái hay để ý đến cách ăn mặc, áo áo quần quần.

- Công viên Thống Nhất, một dạo đổi tên Lê-nin, nay lại quay về tên cũ, còn Lê-nin lại lên đây. - Kim cũng bắt chuyện.

- Thời ấy, độc lập, thống nhất đất nước là nguyện vọng thiêng liêng của cả dân tộc. Nay thì khát vọng tự do, dân chủ. Nếu một đất nước có độc lập, thống nhất, mà thiếu tự do, dân chủ thì cũng vô nghĩa; nhưng có điều kỳ diệu, tự nó mở màn cho cuộc cách mạng tiếp diễn dưới nhiều hình thức, để dân được làm người.

Giáo sư nhấp ly cà-phê và đặt nó trên lòng bàn tay, rồi ngước nhìn lên cột cờ Hà Nội. Bất giác, cả Đạo và Kim cũng ngước nhìn theo.

- Kìa, anh em đến đông rồi, ta ra là vừa. - Giáo sư khẽ nhắc và đặt lên bàn, tờ pô-li-me màu xanh rêu, mệnh giá một trăm ngàn đồng. Đạo lý nhí nói: “Cảm ơn giáo sư”. Không biết ông có nghe thấy không, nhưng khoác vai Đạo, vẻ thân thiện. Những cử chỉ đó không lọt qua đôi mắt Kim. Cô nhìn Đạo, cái nhìn thăm thẳm như trời thu, khiến anh lâng lâng.

 

Loáng một cái, đoàn biểu tình đã đứng chật đường Điện Biên Phủ, cùng hướng về sứ quán Trung Quốc ở phía sau tượng đài Lê-nin. Tiếng Kim lại dõng dạc vang lên: “Hoàng Sa, Trường Sa…”. Đoàn biểu tình ầm ầm hô, đáp lời: “Việt Nam!”. Một lúc, tiếng loa pin rít lên: “Yêu cầu giải tán ngay và mau! Cấm tụ tập đông người, vi phạm nghị định Ba tám…”. Tiếng còi lại rúc lên đầy uy lực. Tiếng hô khẩu hiệu vẫn ầm ầm như sóng trào, thác đổ. Nhưng Đạo hầu như không nghe thấy tiếng loa, tiếng còi, hay tiếng hô khẩu hiệu, mà chỉ lom lom nhìn vào những đôi giày đen tòi ra giữa một bức tường thành, dựng bởi những lá chắn và dùi cui. Như một đoạn phim quay chậm, hiện lên trước mặt Đạo: “Hoàng Sa, này! - một cú đạp. Trường Sa, này! - lại một cú đạp bồi theo…”. Và kìa, những cái xe buýt đã trờ tới. Cánh cửa xe vừa mở ngoác ra như mõm hà mã, lập tức hiện ra nhân viên trật tự đeo băng đỏ, đứng trên bậc cửa. Nó kìa, vẫn đứng trên bậc lên xuống. Bất giác, Đạo đưa tay vuốt mặt. Lập tức, một luồng điện chạy xộc qua thân thể, khiến anh run lên và cuộn chặt nắm tay, mắt nảy lửa nhìn, chân dợm bước tới.

- Thôi, đi nào!- Lời giáo sư như thì thầm bên tai, mà đầy uy lực.

Thì ra, ông luôn để mắt đến Đạo. Một người từng trải, ông hiểu rõ căn nguyên và nhẹ nhàng kéo anh ra khỏi cơn cuồng nộ.

- Họ ỷ thế lấy thịt đè người, không những hoành hoành ngoài biển Đông, mà còn gây nên cảnh tương tàn, nồi da xáo thịt giữa thủ đô ta. Thế là họ đắc lợi, còn ta thì suy yếu cả về ý chí, tinh thần và lực lượng dân tộc và mất chủ quyền quốc gia. - Giáo sư vừa đi vừa phân tích cho Đạo thấy vấn đề, thỉnh thoảng, cả hai lại dừng câu chuyện và hô khẩu hiệu theo sự lĩnh xướng của Kim.

- Em hiểu, - Đạo cũng dốc bầu tâm sự, - nhưng bất kỳ ai, ở trong hoàn cảnh của em, mang nỗi nhục suốt cuộc đời, thì mới hiểu tâm trạng của một con người bình thường, trước hành động ấy.

- Chúng tôi chia xẻ với anh. - Giáo sư lại bắt tay Đạo, - phải kiềm chế, giữ sự ôn hòa là điều cốt tử, tránh mắc vào âm mưu khiêu khích, kẻo sự việc lại dẫn theo hướng khác, bất lợi cho những người yêu nước.

- Và, “ngư ông đắc lợi”…

- Đúng thế!

 

*

 Sáng chủ nhật, Đạo toan bước ra phố, liền bị vợ kéo giật lại. Cái giật tay đầy vẻ tức giận của cô vợ béo, mạnh đến nỗi suýt làm anh ngã bổ chửng.

 - Lại đi nữa à? - Cô vợ đay đả, - Ăn mấy cái “bánh giày” mà còn chưa chán à?

- Ô hay, cô làm cái trò gì thế? - Đạo bực đến độ uất nghẹn, đôi lông mày lưỡi mác dựng ngược.

- Lại còn đi đâu ư? Theo đít cái con ngựa vía hoa hậu, chứ còn đi đâu, hứ! - Mắt cô ta long sòng sọc, - Quân phản động!

- Cô đừng có mà hồ đồ.

- Đây xem mạng in-tơ-nét rồi nhé. Có người ra oai, che chắn cho nó. Nó hút hồn rồi chứ gì? Gái già này tã rồi chắc?

- Cô im đi, đừng xúc phạm người khác.

- Này, - cô vợ béo vênh mặt lên, hai tay chống nẹ, - đây nói cho mà mở cái mắt ra, nhìn kia… - cô ta chỉ tay ra cổng, - đấy, bọn băng đỏ lảng vảng từ lúc tinh mơ mờ sáng rồi, nhãn tiền chưa?

Đạo nhìn ra, chột dạ, nghĩ bụng, ừ nhỉ, thế mà mình vô tâm, không để ý.

- Một thân một mình ông, tôi không nói làm gì. Nhưng con nó lớn rồi, thử hỏi, nhìn thấy cảnh kia, thì còn chó nào dám ỏ ê. Con gái mà ế, tôi sẽ vặt trụi lông ông cho coi, - dừng lại lấy hơi và cũng để thăm dò ý tứ, thấy Đạo có vẻ núng, cô ta bồi thêm, - Rồi nó phải vào biên chế nhà nước, nếu lý lịch ghi một câu, con nhà phản động, thì nó đứng đường à? Ông thích đi xem thuồng luồng, hay giải già Hồ Gươm thì cứ việc, thơ thơ ảnh ảnh vô công dồi nghề cứ việc, chứ biểu tình biểu tọt không biết lợi ai, mà làm hại con tức thì, ông hiểu chửa?

- Ai dám mở mồm ra bảo những người đi biểu tình đấy là phản động, thì tôi vả gãy răng, nhá! - Đạo cũng gầm lên như con hổ điên.

Cô vợ béo nổi xung lên, véo một cái vào bụng dưới của Đạo, tưởng như rứt ra cả mảng da và lông, khiến anh méo mặt, kêu hộc lên một tiếng, rồi ôm bụng, đổ sụm xuống nền nhà. Mụ vợ không thèm để ý, quầy quả dắt xe máy ra khỏi nhà, khóa trái cổng, còn ngoái lại chua ngoa:

- Đài báo nói ầm cả lên đấy. Vả à? Có giỏi thì chạy lên phố Mai Xuân Thưởng mà kiện, nhá. Thách!

 

*

 Lần đầu tiên đến chơi một nhà giáo sư nổi tiếng, Đạo không khỏi rụt rè, y như một chàng sinh viên đến xin điểm một môn học kém nào đó. Nhưng khi thấy ông chân tình, cởi mở, như thể hôm uống cà-phê dưới chân cột cờ Hà Nội, thì tất cả cảm giác e ngại tan biến. Giáo sư kể về cuộc gặp gỡ giữa những nhà trí thức với lãnh đạo thủ đô. Đạo mau miệng:

 - Em cũng được xem trên mạng, thấy không khí đối thoại có vẻ cởi mở, nhưng kết quả thì…

 - … cũng là để hiểu biết lẫn nhau, - giáo sư tiếp lời, - người trong cùng một nước, lại cùng ở thủ đô văn hiến, chứ có phải khác chiến tuyến đâu.

 Kim bưng lên hai ly cà-phê đang bốc khói, nhoẻn miệng cười:

 - Hôm nay mời bác và anh uống thôi, - cô nhí nhảnh giơ hai ngón tay, - Kim xin phép vắng mặt.

 - Cháu nó phải đến viện, hoàn thành nốt thủ tục bảo vệ luận án về vấn đề chủ quyền biển đảo, - giáo sư đỡ lời.

 - Chúc mừng tiến sỹ tương lai, - Đạo hồ hởi như người trong cuộc.

 - Hôm nào bảo vệ, Kim mời anh đến dự cho vui.

 - Rất hân hạnh, nói đến biển đảo, có lẽ, tôi phải mời cả ngư dân và hải quân cũng đến dự ấy chứ. Tôi sẽ mặc lại cáo áo màu xanh nước biển, biểu thị sự đồng thuận cao.

 Cả ba cũng cười, làm cho không khí thêm thân mật. Kim đi rồi, Đạo lâng lâng vui, bỗng hình ảnh cô vợ béo hiện ra, như cánh cửa đóng sầm trước mặt. Nén tiếng thở dài, Đạo hỏi giáo sư:

 - Hôm đó, em thấy giáo sư nói với lãnh đạo thành phố, một câu rất ý nhị, thế là quan điểm hai bên càng khác xa nhau. Đúng ra, phải nói là những véc-tơ chuyển động trái chiều.

 - Anh cũng hiểu thế à? - Giáo sư nhìn, vẻ bao dung.

 - Nhưng mà, nghe Thủ tướng tuyên bố trước Quốc hội, sắp tới sẽ sớm ban hành Luật biểu tình. - Đạo hớn hở như thợ săn khám phá ra khu rừng mới.

 Giáo sư nhếch mép cười nửa miệng. Đạo cảm thấy chột dạ, nhưng vẫn cố vớt vát:

 - Có Luật biểu tình, thì không ai có thể vô cớ đàn áp người dân bày tỏ thái độ phản kháng một cách ôn hòa.

 - Điều đó là cụ thể hóa quy định của Hiến pháp. - Giáo sư đưa ngón út, gại gại chùm ria mép, vẻ tư lự.

 - Thưa giáo sư, việc tham gia biểu tình của Kim, liệu có bị gây khó dễ khi bảo vệ luận án không? - Đạo đột ngột hỏi, như thể giải tỏa nỗi bức xúc trong lòng.

 - Anh nghĩ có chuyện đó sao?- như một nhà ngoại giao kỳ cựu, giáo sư khôn khéo đẩy lại câu hỏi và nheo nheo cặp mắt cười.

Thế là Đạo bèn kể chuyện mình đã bị gây phiền nhiễu như thế, như thế.

- Người trí thức thì phải tự gánh vác nhiệm vụ phản biện xã hội, tự biết phải dấn thân và tự chịu trách nhiệm, chấp nhận hy sinh trước quốc gia, dân tộc. - Giáo sư nhìn xa xăm, câu nói khúc triết như chân lý, - Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay thì tất nhiên là thế…

Giáo sư bỏ lửng câu nói, nhưng Đạo hiểu. Có lẽ, chính vì điều đó mà giáo sư và Kim mới chia xẻ với anh chăng?

 

*

 Buổi chiều, ông tổ trưởng dân phố dẫn đến nhà Đạo một bà cụ già. Bà cụ xách cái bị cói, vẻ quê mùa. Ngồi chưa ấm chỗ, bà cụ đã bô bô nói:

 - Nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Cháu nhà tôi với bác đây, - bà ngoảnh sang Đạo, - xảy ra cái chuyện giày giày mặt mặt, thì cũng là nhiệm vụ thôi. - Bà cụ mở bị cói, lôi ra một cái gói vuông vức, bọc giấy báo, nhìn nhác qua, ai cũng biết là một cục tiền to.

 - Ấy, từ từ hẵng, - ông tổ trưởng có vẻ ngượng trước cử chỉ bỗ bã, sống sít của bà cụ, vội ngăn lại.

 - Ôi dào, vẽ… - bà cụ bất chấp, - tôi cứ giữa ruột mà nói.

 Đạo tức sôi lên, cằm bạnh ra. Vừa lúc đó, cô vợ béo từ trên gác, lạch bạch bước xuống, nhìn thấy bọc tiền, liền hiểu ngay ra cơ sự, vội đon đả:

 - Lạy cụ tới chơi. Chào ông tổ trưởng. Kìa, anh… - cô vợ béo có ý nhắc khéo cho bà cụ biết về vai trò của mình trong nhà.

 - Ấy đấy, chị chàng ạ, - bà cụ khôn ranh vồ ngay lấy, - tôi đang thưa câu chuyện đây. Chẳng là, cháu nó bồ côi bồ cút, ở với tôi từ lúc lọt lòng, rồi nhà nước ưu tiên cho đi ăn đi học biền biệt. Mãi đến trưa nay, nó mới chạy vạy được tần này, rồi van lạy tôi đến nói khó với anh chị, - bà cụ đổi cách xưng hô, để cho cô béo cảm thấy mình trẻ ra, - thôi này, đánh kẻ chạy đi, chứ ai đánh kẻ chạy lại. - nói đoạn, bà cụ rơm rớm nước mắt và đẩy bọc tiền vè phía Đạo.

 - Danh dự của tôi không thể bán mua. - Đạo đấm tay xuống mặt bàn, làm cho bộ đĩa chén nảy lên.

 - Kìa, mình… - cô vợ ngọt nhạt, - bình tâm nào.

 - Thôi, việc này thì ai cũng rõ, chẳng tiện nhắc lại, - ông tổ trưởng vào cuộc, - xảy ra sự cố, chẳng qua cũng vì nhiệm vụ bảo vệ cái sự ổn định mà thôi. Bởi vậy, việc lớn thu lại thành việc nhỏ, việc nhỏ thu lại thành không có gì. Chúng ta không để các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng, kích động chia rẽ. - Đoạn, ông tổ trưởng tự biến khách thành chủ, rót nước mời, đưa một chén tạy tay Đạo, - Anh uống nước, rồi cho phép tôi nói nốt, còn đi đằng này có tý việc nữa. Cái chuyện quốc gia đại sự, đã có Đảng và Nhà nước lo, anh léo hánh ra đó làm gì, chẳng phải đầu lại phải tai, ảnh hưởng thành tích chung của tổ dân phố. Thế nhá! - Ông ta vỗ vai Đạo đánh bộp một cái, coi như kết liễu sự việc và nháy mắt với bà cụ.

 - Xá tội cho cháu, cứu một người phúc đẳng hà sa! - Bà cụ gập lưng xuống, như lạy Đạo.

 Đột nhiên, Đạo gầm lên: “Kim ngân phá luật lệ, hử?” Và quơ bọc biền, quẳng mạnh ra cổng. Cô vợ béo lật đật chạy ra gom lại đống tiền, đang bay lả tả. Bà cụ toan quay lại nhặt, nhưng bị ông tổ trưởng dứt khoát cầm tay kéo đi, nom y như thể lão nông đang lôi một con trâu già.

 

*

 Bước chân vô định đưa Đạo vòng ra cột cờ và như cái máy, vô tình ngồi vào đúng bàn hôm nào cùng với hai bác cháu giáo sư, mà không hay biết. Chưa kịp gọi, cô phục vụ bưng ra hai ly cà-phê nâu đá. Thấy lạ, Đạo nhướng mắt, vẻ ngạc nhiên.

 - Chiều nào, chị ấy cũng đến đây mà. - cô phục vụ ý nhị nói.

 - Ai? - Đạo lại càng ngạc nhiên, nhưng cô ta khúc khích cười, bỏ đi.

 Đạo thẫn thờ khuấy ly, những viên đá kêu lanh canh và đuổi theo nhau như đèn kéo quân.

 - Anh! May quá, em đang định tìm anh mà không biết số phôn. Tuần sau, em có lịch bảo vệ rồi. Anh nhớ đến đấy nhé! - Kim vừa loay hoay đặt cái túi đựng láp-tốp xuống ghế bên cạnh, nên không để ý thái độ của Đạo, chợt cảm thấy không khí có vẻ bất thường, liền chững lại, - xin lỗi, Kim vô ý quá, chỗ này của ai chăng?

 - Không có gì, - Đạo miễn cưỡng trả lời, nhưng gương mặt đưa đám không giấu nổi đôi mắt của cô, - anh cũng vô tình đến đây, cô phục vụ bưng ra hai ly này, mà cũng không nói gì cả. Anh thì đang có điều bức xúc.

 Kim nhìn về phía cô phục vụ, vẻ dò hỏi. Cô ta mỉm cười tinh quái. Kim dở khóc dở cười. Đạo nhìn thấy tất cả, lòng lại lâng lâng vui và nghĩ bụng, con gái thời nay, càng ngày càng xinh hơn. Để tránh hiểu lầm, Đạo kể lại câu chuyện tiền tiền nong nong vừa xảy ra, nhưng Kim lái sang chuyện khác:

 - Kim xem mạng, biết chuyện anh hôm ấy, trong đồn. Lúc họ bảo: "Mày đừng có chọc tức nó mà khổ chúng ông, có giỏi thì ra Hoàng Sa, Trường Sa đi!" Sao anh không bảo, cấp giấy mau, tôi sẽ đi ngay và mau!

 Cả hai cùng cười khoái chí, nâng ly cà-phê chạm và cùng kêu “zê” một tiếng vô nghĩa, nhưng vui. Đạo cảm thấy mình trẻ lại tuổi thanh niên. Kim ý tứ kéo lại cổ áo sơ-mi lụa màu hoa cúc, khoan khoái thả hồn vào thinh không:

 - Chiều nào Kim cũng qua đây, ngồi đúng bàn này và ngắm nhìn những áng mây bay qua đỉnh cột cờ, nào mây hồng, mây đen, mây trắng, nhưng chưa thấy mây vàng bao giờ. Mùa thu ơi, trời xanh, mây vàng ơi, hãy về đây.

 Nhìn Kim, Đạo tưởng như gương mặt cô đang tỏa ánh hào quang, như thể Phật Bà, hay Đức Mẹ. Anh giơ máy ảnh lên, khoảng khắc thần linh...

 

*

 - Anh nói, bị đạp vào mặt, nhưng đồng đội của chúng tôi xác nhận, đồng chí ấy chỉ bước từ xe buýt xuống, vô tình chạm phải anh thôi.

 - Cờ-líp phát nhan nhản trên mạng đó thôi, ai nhìn cũng thấy rõ rành rành, còn lý sự cái nỗi gì?

 - Nhưng chưa có kết quả giám định cờ-líp thật hay giả, cũng như chưa giám định thương tật của anh. Chúng tôi chỉ làm theo pháp luật. Cái gì cũng phải có chứng cứ. Án tại hồ sơ.

 Chợt nhìn thấy viên chỉ huy hay hô khẩu lệnh “ngay và mau” bắc chân chữ ngũ, lộ cái đế giày nham nhở như mặt cá sấu; bất giác, Đạo lại giơ tay lên vuốt mặt.

 

 Tp. Tuyên Quang, 27/11/2012-10/7/2014

  Vũ Xuân Tửu

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 84604)
Phụ Chú: 1. Thuật ngữ Việt Nam hoá [Vietnamization] được dùng để mô tả những diễn biến thu nhập và thực thi những biến đổi xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị do chế độ bảo hộ Pháp cưỡng bách áp đặt từ 1861 tới 1945, sau khi chế độ thực dân Pháp bị soi mòn dần từ năm 1940-1941 rồi cuối cùng bị xóa bỏ từ tháng 3/1945. Dù trong Anh ngữ, từ này còn một hàm ý khác — như chính sách Việt nam hóa cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên bang Mỹ (1964-1973) — chúng tôi nghĩ thuật ngữ Việt Nam hoá chính xác hơn Việt hóa [Vietism hay Vietnamism].
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83645)
III. ĐOẠN KẾT KHỦNG HOẢNG Trong tháng 8, Việt Nam trải qua một giai đoạn đầy biến động, trên bối cảnh chính trị quốc tế. Một mặt, phe Đồng Minh bắt đầu thực thi các kế hoạch hậu chiến đối với Việt Nam, từ giải giới quân Nhật tới chia chác vùng ảnh hưởng; mặt khác, ngay tại Đông Dương, người Nhật bị tê liệt không những chỉ vì lệnh đầu hàng đột ngột vô điều kiện mà còn vì viễn ảnh bị Đồng Minh trừng phạt. Với người Việt, các quan tướng Nhật bị phân chia theo yếu tố tâm lý và ý thức hệ.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75991)
II. CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM (17/4 - 25/8/1945) Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một thứ “tai nạn lịch sử,” được khai sinh do nhu cầu quân sự của Nhật, chính phủ được Nhật bảo trợ này soi sáng mặt trái của đồng tiền cách mạng 1945 tại Việt Nam, mà cho tới năm 2010 còn bị che phủ bởi đủ loại tài liệu tuyên truyền.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 80773)
(*).LTG: Bài này rút ra từ Phần II, “The End of An Era” [Đoạn Kết của Một Thời Đại], của Luận án Tiến sĩ [Ph.D.] sử học “Political and Social Change in Viet Nam between 1940 and 1946” đệ trình tại Đại học Wisconsin-Madison vào tháng 12/1984, dưới sự hướng dẫn của cố Giảng sư John R. W. Smail; và đã in trên Journal of Asian Studies [Tạp chí Nghiên Cứu Á Châu] vào tháng 2/1986, XLV: 2, pp. 293-328, với cùng tựa “The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945).” Phần tư thế kỷ sau, nhân dịp sinh nhật thứ 68, và kỷ niệm 65 năm cách mạng 1945, hiệu đính lại lần chót hầu phổ biến rộng rãi hơn trong giới người trẻ Việt muốn đi tìm sự thực lịch sử.
28 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 85847)
Con tàu đã trở nên ọp ẹp, mấy mươi năm còn gì. Người ta nói đây là chuyến tàu tốt nhất hiện nay. Hành khách bực dọc phàn nàn tốt gì mà tốt, như đống sắt vụn, làm như họ là kẻ trên trời rơi xuống không bằng.
23 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 88977)
Tình yêu, cũng như chiến tranh, là hai đề tài muôn thuở của con người. Văn chương ngoại quốc nói về chiến tranh, viết về những trận chiến gần, xa trong lịch sử, chúng ta vẫn thích đọc. Vậy thì tại sao, người Việt Nam viết về chiến tranh Việt Nam lại nhàm chán?
20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 92203)
... Tôi đã từng ăn thịt chuột. Tôi ăn vụng của em tôi. Bố cấm tôi nói cho ai biết. Bố đã cho thằng em tôi ăn bao nhiêu con chuột tôi cũng không nhớ nổi. Chỉ có điều bố thích như vậy. Bố nướng con chuột lên, thế thôi. Thằng em tôi cười hềnh hệch, nước dãi chảy dài, cầm con chuột gặm như một bắp ngô nướng. Những tảng máu chưa đông rịn đỏ hai mép. Tôi thấy đầu mình ung ung. Những hình ảnh như những mảnh vỡ lộn xộn va đập vào nhau liên hồi ...
20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 89950)
Không ai biết cuộc sống của ai đang xáo trộn. Không ai biết ai đang nghĩ gì. Người chồng không bao giờ biết người vợ vừa gối đầu lên tay mình vừa dâm hoan với sếp của ả trong giấc mơ. Gã sếp đô con, bụng cuộn lên những bó cơ và làm tình thì miễn bàn. Người chồng không bao giờ biết âm hộ của ả nóng bừng như muốn nổ tung ra. Mà biết cũng chẳng thể chết ai vì ả là vợ của anh ta.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 111477)
(Gởi anh Huy & chị Minh) Câu thơ còn trong trí nhớ Như mùa thu mỗi năm lại về Theo tuần hoàn trời đất Như đôi mắt em buồn giấu kín Chịu đựng An phận Cuộc đời mình mùa xuân đi qua Rất xa, rất xa...
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 92000)
Thành phố nằm bên một rẻo biển miền Trung yên bình và tĩnh lặng. Những ngày gầ n đây bổng nhiên được khuấy động bởi mấy chú cá mập, không hiểu vì sao lại lang thang vào bờ, chúng lượn lờ nơi bãi tắm trước khuôn viên trường, là bãi du lịch của thành phố. Thỉnh thoảng chúng lại ruỗi theo sóng nước cợt nhã với con người. Có hôm một chú cá mập con nhá vào mông ai đó, có hôm lại ngoạm vào giò của kẻ nào bơi đến gần. Bạn tôi phán: đất này “linh kiệt”. Tôi cười vui: Đất lành chim đậu, biển lành cá mập làm tổ .