- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nhìn Lại Vấn Đề Hoàng Sa

01 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 53080)

hoangsa1974_0_208x300_1

Nhìn Lại Vấn Đề Hoàng Sa

Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu, Ph.D., J.D.

LTS: Bài viết của Tiến sĩ Sử học và Tiến sĩ Luật học Vũ Ngự Chiêu "Nhìn Lại Vấn Đề Hoàng Sa" trên cả hai bình diện sử học và công pháp quốc tế. Bài nghiên cứu được viết vào năm 2009 và đã đăng trên Hợp Lưu báo in cũng như trên trang nhà của Hợp Lưu. Dù nhiều năm đã trôi qua nhưng tính thời sự vẫn còn rất mới ... Chúng tôi xin post lại bài viết để gởi đến quí bạn đọc và văn hữu Hợp Lưu.

TCHL

I. Hoàng Sa [Paracels hay Huangsha, Xisha]:

Quần đảo Hoàng Sa (Paracels) từ nhiều thế kỷ thuộc lãnh thổ Việt Nam.

1. Tài liệu VNCH ghi Quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 300 cây số về hướng Đông (Kinh tuyến 111 độ tới 113 độ Đông Greenwich; vĩ tuyến 15 độ 15 tới 17 độ 5). Gồm hai nhóm đảo Tuyên Đức (Amphritite), 9 đảo, và Nguyệt Thiềm (Croissant), 7 đảo. (1)

2. Bách Khoa Từ Điển Quân Sự Hà Nội, ấn bản 1996, ghi Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng khoảng 350 cây số về hướng Đông. Đông qua Tây, 222 km (113-115 kinh tuyến Đông), Bắc Nam, 160 cây số (15.45-17.15) Diện tích 15,000 cây số vuông; gồm trên 30 đảo. Chia làm hai cụm:

Đông, gồm 12 đảo, với hai đảo lớn Phú Lâm và Linh Côn, bị Trung Cộng chiếm từ 1956, mỗi đảo rộng khoảng 1.5 cây số vuông. Nhóm miền Tây, gồm Hoàng Sa, Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa, Duy Mộng, v.. v.. (2)

Nhóm miền Tây [Nguyệt Thiềm hay Croissant] do các chính phủ Việt Nam quản lí từ đời Gia Long (1802-1820), gồm 7 đảo chính: Hoàng Sa (Pattie), Cam Tuyền (Robert), Vĩnh Lạc (Money), Quang Hòa (Duncan),ợ Duy Mộng (Drummond), Bách Qui (Pussa Keah), Tri Tôn (Triton), và một số ghềnh san hô không tên.

Hoàng Sa (Pattie): Quan trọng nhất do san hô tạo thành. Diện tích chung khoảng 3.5 km2, nhưng chỉ có 1.5 km2 nhô trên mặt nước khoảng 6 thước tây, gồm những tảng đá nhỏ và bụi rậm. Tàu hay thuyền lớn phải bỏ neo cách bờ khoảng 100 mét, rồi dùng thuyền nhỏ. Số phosphate khoảng 1 triệu tấn.

Cam Tuyền (Robert): khoảng 4 cây số Tây Nam Hoàng Sa, diện tích 1.5 cây số vuông; có 1 cầu sắt và một đường đi được, với nhiều bụi rậm và đá tảng. 657,000 tới 1 triệu tấn phosphate.

Vĩnh Lạc (Money), [Quang Ảnh, hay Hữu Nhật?]: Tây Nam Cam Tuyền. Cũng do san hô tạo nên. Gồm nhiều đá tảng và bụi cây. Quanh đảo nhiều đá ngầm. Phosphate từ 787,000 tới 1.2 triệu tấn.

Quang Hòa (Duncan): Đông Nam Hoàng Sa, Tây Nam Duy Mộng. Gồm 1 đảo lớn, và 1 đảo nhỏ, nối liền với nhau bằng một bãi cát dài. Cao hơn mặt biển 4 thước. Cũng quan trọng như đảo Hoàng Sa.

Duy Mộng (Drummond), Phía Đông Hoàng Sa. Đặc biệt nhất, vì có một con lạch nhỏ nên thuyền lớn có thể vào sát bờ. Nhô trên mặt biển 4 thước. Phosphate từ 700,000 tấn.

Bách Qui (Pussa Keah):

Tri Tôn (Triton), [Hữu Nhật, hay Quang Ảnh?]. (3)

3. Trên phương diện quân sự, đây là trung tâm kiểm soát lộ trình trên biển Nam Hải. Về kinh tế, ngoài phốt phát, nhiều tài nguyên thiên nhiên và hải sản (ốc, rong biển).

4. Về pháp lý, năm 1951, 51 quốc gia tham dự Hội nghị San Francisco nhìn nhận chủ quyền của QGVN.

Trên thực tế, VNCH cai trị Hoàng Sa theo các Nghị định số 4762 (21/12/1937) và SL số 143/NV ngày 20/10/1957. Một đài khí tượng đã dựng lên từ năm 1939. Hải quân VNCH thường tuần tiễu, và ĐPQ Quảng Nam trú đóng thường xuyên. [p.5] Sự việc này thỏa mãn đòi hỏi chiếm ngự liên tục [continual occupation and habitation] tại Hoàng Sa–một yếu tố quan trọng trong việc tranh chấp chủ quyền theo công pháp quốc tế.

5. Chủ quyền lịch sử của Việt Nam được ghi nhận qua ít nhất bốn [4] sự kiện sau:

a. Theo Lê Quí Đôn, tác giả Phủ Biên Tạp Lục [q. 2], Hoàng Sa [tức Vạn lý Trường Sa]: Năm Càn Long thứ 19 [1754?], người Việt từ Hoàng Sa bị bão, trôi giạt qua đất TH; được Càn Long gửi lại. (5)

b. Tháng 3-4/1816 [Tháng Ba Bính Tí], vua Gia Long sai thủy quân và đội Hoàng Sa cỡi thuyền ra Hoàng Sa để thăm dò đường thủy. (6)

c. Tháng 9-10/1833 [Tháng 8 Quí Tị], Minh Mạng nói với Bộ Công: Trong hải phận Quảng Ngãi, có một giải Hoàng Sa [Paracels hay Huangsha], xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây thuyền buôn thường hay bị hại. Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ sai người ra dựng bia trồng cây cối. Ngày sau, cây cối to lớn, xanh tốt, người dễ nhận biết, ngõ hầu tránh được cảnh mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời.” (7)

d. Tháng 1-2/1837 [Chạp Bính Thân], tàu Bri-tên bị mắc cạn ở Hoàng Sa. Hơn 90 người ghé bãi biển Bình Định. Nguyễn Tri Phương đưa một số người qua Hạ Châu để về nước. (8)

II. Tranh Chấp Chủ Quyền:

1. Năm 1947, chính phủ Nam Kinh của Tưởng Giới Thạch ra tuyên cáo tự nhận chủ quyền biển Đông. Tuyên cáo này thiếu cơ sở pháp lí, vì Trung Hoa chưa bao giờ thực sự sinh sống tại đây hay kiểm soát quần đảo Hoàng Sa.

a. Chứng cớ [evidence] duy nhất chỉ có lập luận là thuyền bè và thương đoàn TH từng ghé qua đây.

b. Nên ghi nhận thêm, những tài liệu gọi là “chứng cớ lịch sử”TH chẳng có chút khả tín nào.

(1) Tưởng Giới Thạch và cả hai phe Quốc-Cộng Trung Hoa từng lập nhiều thành tích ngụy tạo tài liệu: Nổi danh nhất có những tài liệu về cái gọi là “cuộc thảm sát Nam Kinh” [“The Nanking Massacre”] vào tháng 12/1937.

(2) Xa hơn nữa, hơn một thế kỷ sau khi sử sách TH ghi chép đã đặt “quận Nhật Nam” [hay Tượng Lâm], “vào bản đồ đế quốc Hán” từ thế kỷ thứ II TTL, Lưu Trang (Hán Minh đế, 58-75) còn hỏi Trương Trọng: “Dân Nhật Nam làm nhà cửa hướng về phương Bắc để đón ánh mặt trời chăng?” [Nhật Nam quận bắc hướng thị nhật gia?] (9)

Nhiều thế kỷ sau nữa, văn gia Hán còn chú thích “Nhật Nam là nói “nằm về phía Nam mặt trời.” Nhan Sư Cổ (581-645), làm việc dưới triều Lý Uyên (Đường Cao Tổ, 618-626) và Lý Thế Dân (Thái Tông, 627-647) thường chú giải ngũ kinh và Hán Thư của Ban Cố, nói “Nhật Nam là nói về phía Nam mặt trời; là bảo mở cửa phía Bắc để hướng về mặt trời.” (10)

Sử sách phong kiến TH còn ghi lại những “công trình khoa học” như dựng cây nêu tại thành Khu Túc, lị sở huyện Tượng Lâm (Nhật Nam), thì cây nêu 8 thước bóng của nó ở phía Nam là 8 tấc; dựng nêu ngày 5/5 âm lịch [mùa Hè] cũng thấy bóng ở phía Nam của cây nêu! (11)

(3) Sử quan Nguyễn ghi Tượng Lâm: Đời Tần thuộc Tượng quận, đời Triệu thuộc Giao Chỉ; Hán tách ra thành Nhật Nam. Đến đời Lưu Tống bị Lâm Ấp chiếm. Nhà Tùy mới lấy lại, đặt làm Đãng Châu, rồi đổi làm quận Tị Ảnh. Sau nhập vào Chiêm Thành. Nay là Quảng Bình-Quảng Trị. (CM, TB, II:5b-6a, (Sài Gòn, 1967), II:160-163. Nhưng theo Từ Hải: Lãnh thổ Nhật Nam tương đương từ núi Hoành Sơn [đèo Ngang] tới núi Đại Lãnh [Đèo Cả]). (12)

(4) Sử sách phong kiến Trung Hoa đưa ra những huyền thoại về Mã Viện [Ma Yuan], người từng tái xâm lăng cổ Việt năm 42-43, như “thần sét” giúp phá đá ngầm làm nên kinh Thiên Uy. Đặc biệt nhất là việc dựng “đồng tiêu” [trụ đồng] phân định biên thùy phía Nam đế quốc Hán. Chẳng những sự hiện hữu của trụ đồng này đã bị bác bỏ, mà ngay cả vị trí của nó trong sách sử Trung Hoa cũng không ngừng Nam tiến–từ khoảng động Cổ Sâm (Quảng Yên cũ, từ năm 1540 lọt vào lãnh thổ Quảng Tây), di chuyển dần xuống Nghệ An, Quảng Bình-Quảng Trị, núi Đá Bia (Phú Yên), rồi tới tận Phù Nam (khoảng An Giang ngày nay).

Cổ sử Trung Hoa thực tế chẳng nói gì về cổ Việt, ngoại trừ cách mô tả chung chung “bách Việt” ở phía Nam sông Dương tử, trong mục “Nam Man Chí” của Sử Ký (Tư Mã Thiên), hay “Mã Viện truyện” trong Hậu Hán Thư. Nhưng văn gia Hán đời sau bịa đặt thêm những chi tiết hoang đường nhằm phục vụ mục tiêu “thôn tính thiên hạ.” (Như mới đây ở hải ngoại có người ngụy tạo lệnh bổ nhiệm Ngô Đình Nhu làm Quản thủ văn khố Hà Nội mà Giáo sư/Tiến sĩ Dương Đình Nham đã tặng tôi một bản sao trong dịp về Việt Nam năm 2005, hay “hình ảnh” Tổng thống Eisenhower đã “gặp” Ngô Đình Nhu năm 1953 [sic]!)

(5) Ngoại trưởng Vương Văn Bắc có phần hữu lí khi ra tuyên cáo ngày 19/1/1974 rằng “Trung Cộng đã mạo nhận chủ quyền trên Hoàng Sa.”

2. Năm 1956, sau khi Ngô Đình Diệm từ chối hiệp thương Tổng tuyển cử, và Pháp bắt đầu rút quân viễn chinh khỏi Việt Nam, cả Bắc Kinh và Đài Bắc đều tự nhận chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ tự đặt tên là Xixha [Tây Sa] và Nansha [Nam Sa]. Năm này, Trung Cộng chiếm hai đảo lớn ở cụm Tuyên Đức, phía Đông.

Bộ Ngoại Giao VNCH đã tích cực phản đối việc này. Hà Nội chỉ im lặng. Ngày 4/9/1958, Bắc Kinh công bố một bản đồ có lãnh hải phía Nam gồm những dấu chấm và gạch đứt đoạn gần giống với bản đồ năm 1947 của Đài Loan. Ngày 14/9/1958, Phạm Văn Đồng nhân danh Thủ tướng VNDCCH, viết thư cho Chu Ân Lai, Tổng lý Quốc vụ viện [ Thủ tướng] thừa nhận biên giới công bố ngày 4/9/1958 của Bắc Kinh. (13)

3. Cuộc tranh chấp lãnh hải bùng lên sau khi Hà Nội yêu cầu thương thuyết về lãnh hải Vịnh Bắc Bộ vào cuối năm 1973.

Ha Noi informed Beijing of its intention to prospect for oil in the Gulf of Tonkin. (Sách Trắng, 1979:68; Zhai, 2000:208)

Vịnh Bắc Bộ [Gulf of Tonkin] là vùng biển nằm giữa Bắc Việt và đảo Hải Nam của Trung Hoa. Diện tích khoảng 36,000 hải lí vuông [square nautical miles], hay 126,250 cây số vuông [square kilometres]. Chỗ rộng nhất là 176 hải lí (310 cây số), chỗ hẹp nhất 112 hải lí (207.4 km). Dưới thời Pháp thuộc, Tonkin [tức Bắc Kỳ hay Bắc Bộ ngày nay] được chủ quyền 2/ 3 lãnh hải vịnh, nhưng Bắc Kinh cho rằng qui ước Pháp-Thanh năm 1885 và 1887 bất bình đẳng. Muốn ký lại một hiệp ước có thể gọi là “bất bình đẳng” khác giữa THNDCHQ và VNDCCH, dựa theo luật kẻ mạnh.

Sau khi ký hiệp định Paris (27/1/1973), ngày 26/12/1973, Hà Nội yêu cầu Bắc Kinh thương thuyết về lãnh hải vì dự định tìm dầu hỏa ở vịnh Bắc Bộ. Ngày 18/1/1974, BK đồng ý, nhưng cấm Hà Nội thăm dò dầu khí trong vùng 20,000 km vuông do BK định ra. Ngoài ra, cấm không cho nước thứ ba vào thăm dò. Đàm phán ở cấp thứ trưởng trong thời gian tháng 8-11/1974, nhưng không đạt kết quả. (14)

Thời gian này, VNCH cũng tuyên bố sẽ cho thăm dò dầu khí ở vùng Hoàng Sa. Bắc Kinh không trả lời VNCH, dù lúc đó VNCH đang thực sự quản lí Hoàng Sa. Chính phủ tiền nhiệm, Quốc Gia Việt Nam, cũng tiếp nhận chủ quyền từ Pháp, rồi Nhật từ năm 1951.

4. Ngày 11/1/1974, Bắc Kinh “mạo nhận” các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang do VNCH quản lí, là một phần lãnh thổ của họ. Ngay sau tuyên bố nói trên, Quân Ủy Trung Ương Trung Cộng đã mở chiến dịch xâm chiếm Hoàng Sa bằng cách tung nhiều chiến hạm và tàu đánh cá vũ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa, dưới sự yểm trợ của không quân. (15)

5. Ngày 12/1/1974, Ngoại trưởng VNCH cực lực bác bỏ luận điệu ngang ngược và lên án hành động gây hấn của Trung Cộng.

Ngày 15/1, khi Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ 16) do Trung tá Lê Văn Thự làm hạm trưởng đưa ĐPQ Quảng Nam và nhân viên khí tượng ra hoán đổi lực lượng đồn trú ở đảo Hoàng Sa (Pattie), phát hiện ra rằng tàu đánh cá Trung Cộng đang lảng vảng bỏ chạy về hướng Đông Bắc. Trong khi đó, quân Trung Cộng đã dựng cờ, ngụy tạo mộ giả trên các đảo Cam Tuyền (Robert), Vĩnh Lạc (Money), Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond). Hôm sau, 16/1, nhân dịp ra kinh lý vùng I, Nguyễn Văn Thiệu cho lệnh giải quyết ôn hòa không được thì dùng võ lực. Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ 4), chiến hạm tối tân nhất của VNCH, dưới quyền Trung tá Vũ Hữu San, được lệnh rời Tiên Sa ngay tối đó, mang theo một trung đội Biệt Hải–trước kia đồn trú ở Cửa Việt và thường xâm nhập lãnh hải BV.

Chiều hôm sau nữa, 17/1, toán Biệt Hải tháp tùng HQ-4 đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc (Money), tìm thấy bốn [4] ngôi mộ giả. Một toán 31 Biệt Hải cũng tìm thấy cờ TC trên đảo Cam Tuyền (Robert). Chiều đó, hai chiến hạm TC xuất hiện ở phía nam Cam Tuyền, rồi bỏ đi. Một chiến đấu cơ MIG cũng bay qua HQ 4, nhưng chưa can thiệp. Buổi tối, hai chiến hạm Trung Cộng từ Quang Hòa (Duncan) đến tăng cường, yêu cầu chiến hạm VNCH ra khỏi “lãnh hải” TC.

Đêm 17 rạng 18/1 thêm nhiều tàu TC tăng viện, công khai khiêu khích. Hai tàu HQ-4 và HQ-16 dùng tín hiệu cảnh cáo, yêu cầu chiến hạm TC rời khỏi lãnh hải Việt Nam. Phe Trung Cộng cũng đưa ra đòi hỏi tương tự, cáo buộc VNCH đã vi phạm lãnh hải TC.

Phản ứng của HQ/VNCH này khiến ngày 18/1, tại Bắc Kinh, Chu Ân Lai chủ tọa một hội nghị BCT về Hoàng Sa, quyết định thành lập một tổ trong Quân Ủy TW, chịu trách nhiệm hành quân và các vấn đề chiến tranh. Gồm 5 người–Ye Jianying [Diệp Kiếm Anh], Wang Hongwen [Vương Hồng Văn], Zhang Chunquiao [Trương Xuân Kiều], Deng Xiaoping [Đặng Tiểu Bình], và Chen Xilian [Trần Tích Liên]. Kiếm Anh làm Chủ tịch. Mao chấp thuận. Hôm sau, tổ quân ủy này được mở rộng, thêm Su Zhenhua [Tô Chấn Hoa], Chính ủy thứ nhất HQTC, để soạn thảo kế hoạch đánh chiếm Hoàng Sa. (16)

Ngày này tại Hoàng Sa đã có 14 [11] chiến hạm TC xuất hiện, kể cả 4 [1] tàu Komar trang bị hỏa tiễn. Sáng 18/1, chiến hạm HQ-4 tiến về đảo Cam Tuyền (Robert). Lúc 8G, trung đội biệt hải được lệnh đổ bộ lên Cam Tuyền. Sau khi lục soát chỉ phát hiện những nấm mộ mới đắp không hài cốt y như ở đảo Vĩnh Lạc.

Đến 11G, hai tàu đánh cá vũ trang mang cờ Trung Cộng tiến gần đến đảo Hoàng Sa (Pattie), nơi đặt đài khí tượng và có 1 trung đội ĐPQ Quảng Nam trú đóng. Tàu HQ 4 và HQ 16 được lệnh hướng về đảo Hoàng Sa. Tàu đánh cá Trung Cộng–được trang bị hai đại liên (một đằng trước mũi và một đằng sau lái tàu), và khoảng 30 thuyền viên–tảng lờ tín hiệu cảnh cáo của HQ-4, và có thái độ cố tình khiêu khích.

HQ-4 áp sát mạn tàu đánh cá Trung Quốc để xua đuổi. Thấy không tác dụng, HQ-4 dùng mũi tàu ủi thẳng vào tàu đánh cá, làm gãy hành lang và cong cửa phòng lái. Tàu này vội vàng tháo lui. Chiến hạm HQ-16 cũng quyết liệt xua đuổi tàu đánh cá còn lại.

Trong sáng 18/1, tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) dưới quyền Trung tá Phạm Trọng Quỳnh ra tăng cường. Mang theo Đại tá Hà Văn Ngạc, chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ Hoàng Sa. Ngoài ra, còn một trung đội người nhái (lực lượng đặc biệt của hải quân).

Lúc 15g30 chiều 18/1, Đại tá Ngạc cho lệnh ba chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-16 sắp đội hình hàng dọc tiến thẳng về đảo Duy Mộng (Drummond). Nửa giờ sau, hai tàu chiến Trung Cộng can thiệp, cắt đường ngang mũi HQ-4 và HQ-16.

Đêm 18 rạng ngày 19/1, tàu chiến và tàu đánh cá vũ trang Trung Cộng tiếp tục kéo đến gần đảo Hoàng Sa. Chiến hạm HQ-4 phải dùng còi hơi thật to và đèn hồ quang trên nóc đài chỉ huy rọi thẳng vào đội hình tàu Trung Quốc, họ mới tạm rút về hướng bắc.

Nửa đêm đó, Thiếu tá Ngụy Văn Thà dẫn hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) tới tăng viện. Tuy nhiên, lực lượng đôi bên chênh lệch quá xa. Mặc dù chiến hạm Mỹ thuộc Hạm đội 7 ở gần đó, nhưng HQ Mỹ không thể can thiệp. Từ tháng 4/1972–trong khí thế mở rộng vòng tay đón chào Bắc Kinh “trở lại với cộng đồng thế giới”–Cố vấn ANQG của Tổng thống Richard M. Nixon là Henry A. Kissinger đã bí mật tuân theo yêu cầu của Huang Hua [Hoàng Hoa] là không cho chiến hạm Mỹ hoạt động trong vòng 12 hải lý các bờ quần đảo Hoàng Sa. (17)

Chỉ có Liên Sô Nga–một đồng minh của Lê Duẩn–không thừa nhận chủ quyền mạo nhận và chiếm đóng bằng vũ lực của Bắc Kinh. (18)

Ngày 19/1/1974, tại Bắc Kinh, Chu Ân Lai yêu cầu Diệp Kiếm Anh triệu tập tổ quân ủy để soạn thảo kế hoạch đánh chiếm Hoàng Sa. (19)

Phía VNCH, lúc 6 G sáng 19/1, khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) tiến sát đảo Quang Hòa (Duncan) và đổ bộ trung đội biệt hải lên đảo. Khi gần đến Quang Hòa, bằng ống nhòm và mắt thường từ đài chỉ huy, HQ/VNCH phát hiện doanh trại mới dựng và cột cờ có cờ Trung Cộng (trước đó hơn một tháng, HQ-4 trong một chuyến khảo sát quần đảo đã không phát hiện gì ngoài chai lọ trôi tấp lên bãi cát). Hai mươi phút sau, lực lượng biệt hải đổ bộ lên bờ đông nam Quang Hòa, cắm cờ VNCH lên bờ cát và hốc đá, rồi tiến nhanh vào bên trong đảo. Nhưng lực lượng người nhái từ HQ-5 không thể đổ bộ tăng viện vì tàu không vào sát được bờ, gió mùa lại khá mạnh, các xuồng cao su bị sóng gió giật dữ dội.

Phía TC, nhờ xuôi gió, đổ một lực lượng TQLC đông đảo hàng trăm người lên phía bắc Quang Hòa. Họ chiếm ngữ sau các tảng đá, dàn đội hình chờ đón biệt hải. Và họ nổ súng trước. 8G30, đại liên và cối 82 TC nã vào đội hình Biệt hải VNCH, khiến hai binh sĩ tử thương, và hai bị thương. Nhưng chỉ huy VNCH không thể sử dụng hải pháo yểm trợ vì sợ bắn vào quân bạn.

Trên mặt biển, bốn chiến hạm TC chặn đường tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) và hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) không cho tiến về bờ tây nam Quang Hòa. Hai tàu hoả tiễn Komar [Kronstadt] mang số hiệu 274 và 271 sơn màu xám đen, trang bị đại bác 100 li và nhiều đại bác 37 li cũng tiếp cận HQ-4.

Lúc 10G20 [10G30], hải chiến khởi sự. Hai phút sau, một hộ tống hạm Kronstadt khai hỏa vào Khu trục hạm HQ-4. Tàu chỉ bị thương nhẹ, phản pháo khiến tàu Kronstadt của TC bị nổ, rồi chìm xuống đáy biển. (Mai Chửng, tr. 8)

HQ-5, HQ-16 và HQ-10 cũng lâm chiến. Trong 30 phút hải chiến, một chiến hạm Kronstadt Trung Cộng phát nổ đâm vào bờ, hai chiếc khác bị thương nặng. Hải quân Trung Cộng điều thêm một lực lượng rất mạnh từ đảo Phú Lâm và đảo Hải Nam tới tăng viện

Phía VNCH, tàu Nhật Tảo (HQ-10) bị thương nặng. Tàu này nhỏ, cũ kỹ, các khẩu đại bác xoay trở bằng tay nên bị trúng hỏa tiễn Stynx ngay đài chỉ huy và tháp súng, chìm dần xuống lòng biển. (Nguồn tin khác nói trúng hai quả đại bác 100 li) Hạm trưởng Ngụy Văn Thà tử thương. Hầu hết sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ trên đài chỉ huy đều bị chết hoặc trọng thương, kể cả Hạm phó Nguyễn Thành Trí. Tổng cộng 82 người mất tích. (20)

Theo 21 nhân chứng may mắn sống sót, khi hộ tống hạm này sắp chìm, 28 thủy thủ được lệnh bỏ tàu bằng các phao bè. Qua 78 giờ trôi giạt trong sóng gió, sáu người vùi thân đáy biển vì thương tích hay kiệt sức, trong đó có hạm phó Trí. Mãi đến chiều 22/1 họ mới được tàu dầu Kopionella mang quốc kỳ Hoà Lan của Hãng Shell cứu vớt ở phía đông Đà Nẵng 297 cây số. Lúc lên tàu, thêm một thủy thủ qua đời vì kiệt sức. (Mai Chửng,1974:10) Một tuần sau, ngày 29/11/1974, ngư phủ VN cứu sống được 15 quân nhân (1 SQ, 2 HSQ, 12 đoàn viên) tại 55 cây số đông Mũi Yên (Qui Nhơn). Họ thuộc toán đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc.

Ba chiến hạm HQ-4, HQ-5, và HQ-16 đều bị thương, 1 hư hại nặng, 2 hư trung bình, nhưng cuối cùng về được Đà Nẵng an toàn. Có tin BTL HQ Vùng I CT cho lệnh HQ-4 trở lại tái chiếm Hoàng Sa, nhưng sau đó hủy bỏ.

Về nhân mạng, VNCH có 19 tử thương, 43 bị thương, 101 mất tích. (21)

Tối 19/1, Mao và Chu Ân Lai chấp thuận đề nghị đánh chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa.

Lúc 10G20 ngày 20/1/1974, Diệp Kiếm Anh cho lệnh 4 MIG TC oanh tạc Cam Tuyền, Hoàng Sa và Vĩnh Lạc. 10 chiến hạm TC cũng tấn công đảo Cam Tuyền và Hoàng Sa. Sau 20 phút giao tranh, giặc tràn ngập vị trí, bắt giữ 48 [43] người, kể cả một [1] đại úy cố vấn Mỹ.

Ngày 20/1, ngoại trưởng VNCHờ gọi điện và gửi thư cho chủ tịch Hội đồng Bảo An và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đề nghị những biện pháp cần thiết trước tình hình khẩn cấp về việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa.

Tối đó, Chu Ân Lai chủ tọa buổi họp nghe báo cáo kết quả cuộc tấn công Hoàng Sa. Sau đó hân hoan báo cáo lên Mao. Điều Mao đặc biệt hài lòng là Đại sứ Mỹ Graham Martin ở Sài Gòn từ chối lời yêu cầu giúp đỡ của Thiệu, trong khi Hạm đội 7 tránh xa Hoàng Sa. (22)

Ngày 31/1/1974, Bắc Kinh phóng thích năm [5] tù binh (2 ĐPQ, 1 HQ, 1 Công Binh, 1 nhân viên đài khí tượng) ở Hong Kong. 43 người khác về tới Sài Gòn ngày 17/2/1974. Được tiếp đón nồng hậu. (23)

Ngày 14/2/1974 BNG VNCH lại ra Tuyên cáo về việc Trung Cộng “xâm lăng trắng trợn bằng quân sự” và tái khẳng định chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa.

Trong khi Hà Nội hoàn toàn im lặng, ngày 26/1/1974, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN–một giả túc của Hà Nội–mới ra tuyên bố phản đối hành động xâm chiếm Hoàng Sa và công bố lập trường “về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của VN.

Nhưng trong hai năm 1974, rồi 1975, Phạm Văn Đồng và Lê Duẩn vẫn đồng ca bản cung văn đời đời nhớ ơn viện trợ “cống hiến vô tư” của Bắc Kinh. (24)

Ngày 18/3/1975, sau khi Hà Nội chiếm Ban Mê Thuột, BK đề nghị nói chuyện. Ngày 12/4/1975, Hà Nội trả lời muốn chính quyền địa phương giải quyết. (25)

Từ tháng 4/1975, Hà Nội mới tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Đưa quân ra chiếm sáu [6] đảo Trường Sa trước kia do VNCH chiếm giữ. Tuy nhiên, Hà Nội không có được “clear title” để thăm dò dầu hỏa ở những vùng này.

Tài liệu Bắc Kinh và Hà Nội đều ghi tháng 9/1975, Đặng Tiểu Bình thừa nhận với Lê Duẩn là có tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa, cần gặp gỡ để giải quyết. Điều này, theo Hà Nội, BK muốn dặt Hà Nội vào chuyện đã rồi [fait acompli].[ 69] Tiểu Bình còn cao giọng khuyên Hà Nội có xá gì vài chục mẫu đất biên giới–lõi cốt của vấn đề quan hệ Hoa-Việt là Hà Nội phải bỏ Mat-scơ-va, xin tùy phụ Bắc Kinh. (26)

Sau năm 1975, Chính phủ CMLT/CHMNVN đã nhiều lần tuyên bố Hoàng Sa là của VN. Ngày 5/6/1976, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chính phủ CMLT/CHMNVN lên tiếng bác bỏ “những thông tin xuyên tạc về Hoàng Sa - Trường Sa” và khẳng định hai quần đảo này thuộc chủ quyền VN, từ trước đến nay đều do người VN quản lý. (27)

Từ tháng 10/1977, với thái độ trịch thượng, Bắc Kinh gây khó khăn cho việc thương thuyết để tạo tình trạng căng thẳng ở biên giới. Trong chuyến đi Bắc Kinh cuối cùng trong đời, từ 20 tới 25/11/1977, Lê Duẩn chẳng những không ký tuyên cáo chung, mà còn không tổ chức dạ tiệc khoản đãi chủ nhà theo thông lệ ngoại giao. (28)

Việc Mao Trạch Đông chỉ thị đánh quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1/1974, với sự quay mặt làm ngơ của chính phủ Nixon, theo một sử quan CSVN, là một hành động xâm lược công khai và thô bạo nhất trong thế kỷ XX. (29)

Theo Hà Nội, Bắc Kinh tuyên bố là tự vệ, nhưng thực tế là một hành động xâm lược, có tính toán từ trước và được “đồng tình” của Mỹ. (30) Thực ra, chính phủ Nixon chỉ quay mặt làm ngơ.

Vấn đề đặt ra là sự chiếm đóng bằng võ lực Hoàng Sa và Trường Sa của Bắc Kinh có thể bị xếp hạng như xâm lược [aggresion] theo điều [Art.] 3(g), Nghị quyết năm 1974 của LHQ, hay tự biện minh bằng điều khoản “self help” trong Hiến chương LHQ hay chăng?

Xâm lăng hay xâm lược [Aggression] tức một cuộc tấn công bằng vũ lực có thể đưa đến hành động tự vệ cấp cứu gồm có: xâm lấn lãnh thổ, dội bom, phong tỏa hải cảng, tấn công bằng không lực, hải lực hay bộ binh, và việc gửi những . . . nhóm vũ trang, không chính qui hay lính đánh thuê, để thực hiện những hành động trên chống lại một nước khác với cường độ dẫn đến những điều kể trên, hay những cuộc can thiệp trong nội bộ đáng kể.” (31)

[According to the Definition of Aggression, Art. 3(g), an armed attack that triggers the right to use force includes: invasion of territory, bombardment of territory, blockade of ports, attack on air, sea, or land forces, and the sending . . . of armed bands, groups, irregulars or mercenaries, which carries out acts of armed force against another State of such gravity as to amount to the acts listed above, or its substantial involvement therein.” G.A. Res. 3314, U.N. GAOR, 29th Sess., Supp. No. 31, at 142, 143, U.N. Doc. A/9631 (1974)].

Liệu Bắc Kinh có thể viện dẫn hành động tự vệ [self-defense hay self-help] trong trường hợp bị xâm lăng–dựa trên các chương, điều và tiết mục [Articles] 2(3)-(4), 51, và 103 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc [the U.N. Charter] (Art 103 [Supremacy Clause], tức trong trường hợp có đối chọi về nhiệm vụ và bổn phận [conflict of obligations], những điều do Hiến chương LHQ qui định sẽ ưu thắng)? (32)

Article 2(4) of the U.N. Charter prohibits the use of force against the "territorial integrity or political independence of any state, or in any manner inconsistent with the purposes" of the U.N.—i.e., to: (1) maintain international peace and security; (2) develop friendly relations and promote self-determination of peoples; (3) achieve international cooperation in solving economic, social, cultural and humanitarian problems and to respect and observe human rights; and (4) be a center for states to use to attain their common goals.[43] 43. U.N. Charter, Arts. 2 (3)-(4) & 1.

Although Article 51 of the U.N. Charter, which provides an exemption to Article 2(4)—literally, “[n]othing in the present Charter shall impair the inherent right of individual or collective self-defense, may be interpreted to permit the use of force in case of "necessity" or "self-help not involving a response to any armed attack"—its application is controversial.[44]

44. Art. 51 of the U.N. Charter states: “Nothing in the present Charter shall impair the inherent right of individual or collective self-defense if an armed attack occurs against a Member of the United Nations, until the Security Council has taken measures necessary to maintain international peace and security. Measures taken by Members in the exercise of this right of self-defense shall be immediately reported to the Security Council and shall not in any way affect the authority and responsibility of the Security Council under the present Charter to take at any time such action as it deems necessary in order to maintain or restore international peace and security.” U.N. Charter, supra note 45. Also see Military and Paramilitary Activities in and against Nicaragua (Nicaragua v. U.S.), 1986 I.C.J. 14 (June 27) (confirming that under international law States may only use force when responding to an actual armed attack). According to the Definition of Aggression, Art. 3(g), an armed attack that triggers the right to use force includes: invasion of territory, bombardment of territory, blockade of ports, attack on air, sea, or land forces, and the sending . . . of armed bands, groups, irregulars or mercenaries, which carries out acts of armed force against another State of such gravity as to amount to the acts listed above, or its substantial involvement therein.” G.A. Res. 3314, U.N. GAOR, 29th Sess., Supp. No. 31, at 142, 143, U.N. Doc. A/9631 (1974).

Restrictive readers of the U.N. Charter Article 2(3) and 2(4) have often negated the concept of self-help. In the Corfu Channel Case (United Kingdom v. Albania), the International Court of Justice (ICJ) rejected the concept of self-help. ( 1949 I.C.J. 1 (Merits) (held that the United Kingdom violated the sovereignty of the People's Republic of Albania). The adoption of the General Assembly of the Declaration of Principles of International Law Concerning Friendly Relations in 1970 seemingly enforced the broad scope of Art. 2(4) and its prohibition of the use of force.

Meanwhile, various scholars have considered forcible protection in case of emergency as an exemption to Article 2(4). Professor Jordan Paust, for instance, asserts that Article 2(4) “does not prohibit all forms of transnational coercion,” and such humanitarian intervention as the Israeli rescue operation in Entebble, would “not impair the territorial integrity or independence of a state, it merely rescues nationals from a danger which the territorial state cannot or will not prevent.”[46] 46. Cited by Richard B. Lillich in Forcible Protection of Nationals Abroad: The Liberian “Incident” of 1990, 35 GERMAN Y.B. INT’L. L. 205 (1993), reprinted in Lillich and Hurst Hannum, INTERNATONAL HUMAN RIGHTS: PROBLEMS OF LAW, POLICY AND PRACTICE, 669 (1995) [hereinafter, INT’L HUMAN RIGHTS (1995)].

Others have found an inherent right of self-defense in Article 51.[47] 47. For details, see Lillich and Hannum, INT’L HUMAN RIGHTS, 669-675 (1995).

Hà Nội có thể đưa ra lập luận rằng năm 1974, chủ quyền thực sự của Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong tay chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng Hà Nội luôn luôn phủ nhận tính chất hợp pháp của chính phủ “Ngụy” trên, và tự nhận chủ quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nên sẽ có trở ngại vì thiếu nhất quán.

Ngoài ra, còn một trở ngại khác là lá thư “lịch sử” mà Phạm Văn Đồng, nhân danh Thủ tướng VNDCCH, gửi cho Chu Ân Lai, Thủ tướng THNDCHQ, ngày 14/9/1958.

Vì tài liệu văn khố Bắc Kinh chưa giải mật, chưa rõ lý do và điều kiện cắt lãnh hải này của Bộ Chính Trị Đảng LĐVN và chính phủ VNDCCH. Người ta suy đoán rằng sự cắt nhượng này liên quan đến viện trợ và sự thay đổi quan điểm của Bắc Kinh trong kế hoạch đánh chiếm (“giải phóng,” nếu muốn) miền Nam bằng võ lực, vì Nikita Khrushchev và Đảng Cộng Sản Liên Sô thời gian này cũng chỉ muốn sống chung hòa bình với khối tư sản.

Mặc dù sau đó hai chính phủ chưa ký một qui ước chính thức, nhưng lá thư của Phạm Văn Đồng cực kỳ bất lợi cho Việt Nam trên phương diện công pháp quốc tế. Ngoại trừ trường hợp đưa ra những bằng chứng có khả năng chứng minh ngược lại, nó có thể được diễn dịch [presumed] rằng chính phủ VNDCCH–tiền thân của chính phủ CHXHCNVN hiện nay–đã tự nguyện nhường chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa cho THNDCHQ. (33)

Nó càng bất lợi hơn cho Việt Nam khi Bắc Kinh không ngần ngại sử dụng vũ lực–và đã từng sử dụng vũ lực–để bảo vệ cái gọi là “vùng trời sinh tồn.” Theo đúng luật kẻ mạnh, Bắc Kinh đã sử dụng võ lực chiếm Hoàng Sa vào tháng 1/1974. Năm 1988 Bắc Kinh còn chiếm đóng một số bãi đá ngầm ở Trường Sa, sau khi đánh đắm tàu và giết một số người Việt “xâm phạm hải phận Trung Hoa.” Từ sau 1991 tới nay, những vụ giết hại người Việt của HQ Trung Cộng trên biển Đông liên tục xảy ra.

Ngày 15/3/1979, BNGVN công bố một “Bị vong lục,” tố cáo THNDCHQ “chiếm Hoàng Sa của Việt Nam” (điều 9). Dẫn chứng điều này, một tác giả nhận xét: “Chúng [Trung Cộng] nhai đi nhai lại luận điểm ‘TQ không thèm một tấc đất của VN’.” (34)

Tháng 10/1979, khi ngồi vào bàn hòa đàm, đại diện Bắc Kinh đòi điều kiện tiên quyết Việt Nam phải từ bỏ chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa [cùng đường lối độc lập]. (35)

Trên cả hai phương diện công pháp và thực tế, việc khôi phục những đảo bị mất cùng các quyền lợi khác như đánh cá hay tài nguyên dưới thềm lục địa rất khó khăn.

Cách nào đi nữa, Hà Nội phải sẵn sàng nhờ một hãng luật công pháp quốc tế giỏi để đưa vấn đề tranh chấp lãnh hải ra trước Tòa Án Quốc Tế (tránh cảnh bẽ bàng như bị Tòa án Mỹ bác đơn kiện vì thiếu cơ bản tố tụng như vụ chất độc da cam mà tôi từng cảnh giác).

Những lời nhục mạ như ví Hải quân TC với “những chiếc thuyền cướp biển mới của bọn bành trướng Bắc Kinh ló dạng ở chân trời, [với sự thỏa thuận của Nixon]”chẳng giải quyết gì được vấn đề toàn vẹn lãnh thổ. (36)

Quan trọng hơn cả, Hà Nội không nên ký bất cứ hiệp ước song phương [bilateral accord, protocol hay convention] nào với Bắc Kinh về lãnh hải. Vấn đề chỉ có thể giải quyết được trước một tòa án quốc tế, hay một giải pháp chấp nhận được của Liên Hiệp Quốc, cùng toàn thể khối Đông Nam Á. Dân tộc Việt Nam, với thành tích hơn hai ngàn năm chống trả âm mưu thâm độc xâm chiếm và đồng hóa của Hán tộc, (37) cần sẵn sàng chuẩn bị một cuộc chiến trường kỳ khác, cho tới khi tham vọng bành trướng, xâm lược của Đảng CSTH bị dập tắt bởi chính nhân dân Trung Hoa và cộng đồng yêu chuộng hòa bình thế giới.

Houston, 20-25/11/2009

Mùa Lễ Tạ Ơn

Vũ Ngự Chiêu, Ph.D., J.D.

© Copyright by Chieu N. Vu & Van Hoa Publishing.

All Rights Reserved.

Phụ Chú

1. Sâm Thương, Mai Chửng, Trầm Trọng Tài, Hoàng Sa Anh Dũng, 19/1/1974: Thế Giới Lên Án Trung Cộng xâm lăng Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa (Sài Gòn: Cục TLC, 1974), tr. 3-5 [51 pages], trong thư viện / văn khố Việt Nam Center (Lubbock, Texas).

2. Bách Khoa Tự Điển Quân Sự Việt Nam [BKTĐQSVN], (Hà Nội: 1996), tr. 361.

3. Không rõ tên cũ hai đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh trong tài liệu Hà Nội là gì.

5. Dẫn theo Phụ bản về Hoàng Sa của Đào Duy Anh, trong Đại Nam Nhất Thống Chí [ĐNNTC], 1997, III: 453-454 [450-454]). Tôi chưa được tham khảo tài liệu nhà Thanh nào về vấn đề này.

6. Đại Nam Thực Lục Chính Biên [ĐNTLCB], I, 4:281.

7. ĐNTLCB, II, 13:52-53. Ngày 23/5/1834 [15/4 MM XV Giáp Ngọ], Minh Mạng ra Sắc chỉ cho đoàn tuần hải đi Hoàng Sa từ tháng 3?; trích in trên Tuổi Trẻ, 14/9/2009).

8. Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu [QTCBTY, 1971:208]. Trong tiểu sử Nguyễn Tri Phương không nhắc chi tiết này; ĐNLT, CB, II, q. 23 (Huế: 1993), 3:428.

9. Lịch Đạo Nguyên et al., Thủy Kinh Chú Sớ [TKCS], ch 36, bản dịch Nguyễn Bá Mão, (Hà Nội: 2004), tr.363-364; ĐVSK, TTNK, III, 1967, I:99-100, 320n22; CM, TB II: 6a, 27, (Sài Gòn, 1967), II: 162-163, 246-249; (Huế: 1998), I:110). Theo Đại Việt Sử Ký Tiền Biên [ĐVSKTB], Nhật Nam do Mã Viện đặt ra; bản dịch Dương Thị The et al. (Hà Nội: 1997), tr. 78. Người bàn luận về Nhật Nam là Tấn Minh Đế, không phải Hán Minh Đế.

10. CM, TB, II:5b-6a; (Sài Gòn 1967), II:160-163; (Huế: 1998), I:110). Đến đời nhà Minh (1368-1644), Ngũ Sùng Diệu [Âu Đại Nhâm?] tác giả Lĩnh Nam di thư, còn nhắc lại sự cố này. [Theo Trương Bửu Lâm, Từ Hải chép rằng tác giả là Ngũ Sùng Diệu, không phải Âu Đại Nhâm; (CM, TB II: 6a, 27, (Sài Gòn, 1967), II:47,chú 1)].

11. Tề thư: Lâm Ấp truyện; TKCS, ch 36, Mão, 2004:363, 373. Thành Khu Túc: không có tên này trong địa lí cũ. Có lẽ là Tây Quyển; Ibid. [TKCS, ch. 36, Mão], 2004:360, 361, [dẫn Lâm Ấp Kí]. 361-362 [chu vi 6 dặm, 170 bộ; đông-tây, 650 bộ; xây bằng gạch, cao 2 trượng, trổ lỗ vuông bên trên. Trên, phủ ván, có gác 5 tầng; trên gác có mái, trên mái có lầu, lầu cao từ 5, 6 trượng tới 7-8 trượng. [Giống thành Lâm Ấp]. Có 13 cửa, các điện đều hướng về phía Nam. Nhà có hơn 2100 gian. Đồ binh khí Lâm Ấp cất giữ tại đây]; CM, TB II: 6a, (Sài Gòn, 1967), II:162-163].

12. CM, TB, II:5b-6a, (Sài Gòn, 1967), II:160-163; TKCS, Mão, 2004:358n1.

13. Les Nouvelles Sinologiques at 28 (Paris, May 5, 1988), 28; Chính Đạo, 55 Ngày & 55 Đêm: Cuộc Sụp Đổ Của Việt Nam Cộng Hòa, in lần thứ 5 (Houston: Văn Hóa, 1998), tr. 20; Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu, I-C: 1955-1963 (Houston: Văn Hóa, 2000), tr. 120 (Pham Van Dong's letter); Zhai, 2000:209-210.

14. CHXHCNVN, BNG, Sự Thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong Ba mươi năm qua (Hà Nội: 1979) 68; [sẽ dẫn Sách Trắng, 1979]; Qiang Zhai, China and the Vietnam Wars, 1950-1975 (Chapel Hill: Univ of North Carolina Press, 2000), tr. 208.

[Not until August 1974 did negotiations take place at the Deputy Foreign Ministers level in Beijing. (Zhai, 2000:208)]

15. Trường Sa (Spratlys) cách Cam Ranh khoảng 460 cây số về hướng Đông Nam, trong khi cách đảo Hải Nam tới 600 hải lý về phía Nam. Trước 1956, Trường Sa thuộc Bà Rịa. Năm 1956, thuộc Phước Tuy. Năm 1982, thuộc Đồng Nai. Từ 28/12/1982, thuộc tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa). Năm 1988, TC đánh chiếm một số. (BKTĐQSVN, 1996:889) Về lập trường của Việt Nam, xem Brice M. Clagett, Competing Claims Of Vietnam and China In The Vanguard Bank And Blue Dragon Areas Of The South China Sea: Part I; Journal Oil and Gas Law & Taxation Review, vol. 13, Nos 10 (10/1995), Part II; Ibid., No.11 (11/1995).

Mới đây, ngày 7/5/2009, Bắc Kinh chính thức nộp cho LHQ một bản đồ lãnh hải, tự nhận chủ quyền 80% biển Đông, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, và lãnh hải chia làm 9 điểm đứt quãng, sát với VN, Malaysia, Brunei, và Philippines. Ngày 8/5/2009, Việt Nam gửi công hàm số 86/HC-2009 lên Tổng thư ký LHQ bác bỏ sự tự nhận của Bắc Kinh “không có giá trị vì không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn.” Năm 1947, chính phủ Tưởng Giới Thạch từng đưa ra lãnh hải với ranh giới 11 đoạn đứt quãng; Tuổi Trẻ online, 3/9/2009. Xem thêm hồi ký một cựu đảo trưởng Hoàng Sa trên Tuổi Trẻ (Sài Gòn), 8-9/9/2009.

16. Zhai, 2000:209. Đặng Tiểu Bình mới được phục hồi từ Đại Hội X Đảng CSTH vào tháng 8/1973 sau hơn sáu năm bị trừng phạt vì tội hữu khuynh, lưu đầy tới Giang Tây. Ngày 12/12/1973 được vào Bộ Chính Trị, Quân Ủy Trung Ương, Bí thư BCT và Phó Thủ tướng.

17. Henry A. Kissinger, White House Years (Boston: Little, Brown and Co., 1979), tr. 1114. Trong tuyên cáo chung Thượng Hải, Nixon và K. cũng đã nhìn nhận Đài Loan là một tỉnh của Trung Hoa. Ibid., 1979:1073.

18. “La vérité sur les relations sino-vietnmiennes;” La Chine et le Monde [“Sự thật về quan hệ Trung Hoa-Việt Nam,” trong Trung Hoa và Thế Giới] (Beijing: Beijing Information, 1982), tr. 116 [102-141]. [Sẽ dẫn: “La vérité,” 1982]

19. Zhai, 2000:209.

20. Sâm Thương, Mai Chửng, et al., 1974:9. Theo nhân chứng Lữ Công Bảy, trong bộ đàm trung sĩ nhất giám lộ Vương Thương, báo cáo: HQ-10 đã bị trúng đạn, hạm trưởng Thà tử thương, hạm phó Trí trọng thương ngay bụng. Hầu hết sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ trên đài chỉ huy đều bị chết hay bị thương rất nặng; Tuổi Trẻ (Sài Gòn), 9/9/2009.

21. Sâm Thương, Mai Chửng, et al., 1974:10.

22. Zhai, 2000:209; Sách Trắng, 1979:69 [65-71]. [19/1/1974: Dùng hải quân và không quân đánh chiếm Hoàng Sa. Tuyên bố là tự vệ, nhưng thực tế là một hành động xâm lược. Có tính toán từ trước và được “đồng tình” của Mỹ.[ 69] Chính vì thế Đại sứ Martin từ chối lời yêu cầu giúp đỡ của Thiệu, và Hạm đội VII tránh xa Hoàng Sa]. (Sách Trắng, 1979:69 [65-71])

23. Sâm Thương, Mai Chửng, et al., 1974:10. Zhai chỉ ghi 43 tù binh.

24. “La vérité,” 1982:111. Năm 1975, Đặng Tiểu Bình thừa nhận có tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa, cần gặp gỡ để giải quyết. Ibid; Sách Trắng, 1979:69 [65-71]. Điều này, theo Hà Nội, BK muốn dặt Hà Nội vào chuyện đã rồi [fait acompli]. Sách Trắng, 1979:69 [65-71].

25. Zhai, 2000:210.

26. Sách Trắng, 1979:68-69 [65-71]; La vérité, 1982:118-119.

27. Việt Nam, 1945-1986, 1990:638.

28. Zhai, 2000:214; Sách Trắng, 1979:68 [65-71].

29. Nguyễn Ngọc Minh, “Bọn bành trướng và bá quyền nước lớn TQ phạm tội ác xâm lược, tội ác chống hòa bình và an ninh quốc tế;” 1979: 126-127 [124-146]; Zhai, 2000: 209-210.

30. Sách Trắng, 1979:69.

31. G.A. Res. 3314, U.N. GAOR, 29th Sess., Supp. No. 31, at 142, 143, U.N. Doc. A/9631 (1974).

32. Xem Charter of the United Nations, Art. 33, ký ngày 26/6/1945, hiệu lực ngày 24/10/1945, 99 Stat. 1031, T.S. No. 993, 3 Bevans 1153 (1969), và Universal Declaration of Human Rights (10/12/1948), G.A. Res. 217A (III), U.N. Doc. A/810, at 71 (1948) [hereinfater, U.N. Charter and UDHR, respectively]. Xem thêm Restatement (Third) of Foreign Relations Law of the United States, 102 (1987) [hereinafter Restatement, 3d, of Foreign Relations].

33. Richard D. Beller, “Analyzing the Relationship between International Law and International Politics in China’s and Vietnam’s Territorial Dispute Over the Spratly Islands;” 29 TEX. INT’L L. REV. 293, 309 (Spring 1994).

34. Minh, 1979:134-135.

35. Chống chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc (Hà Nội: 1982), tr. 29-30 [trích đăng “Xã luận” của TCCS, 5/1979]; Sách Trắng (4/10/1979), tr. 93, 97.

36. Tạp Chí Cộng Sản [TCCS] (Hà Nội), 11/1980; trích in trong Nhuận Vũ, Chống Chủ Nghĩa Bành Trướng Bá Quyền Trung Quốc [CCNBTBQTQ] (Hà Nội: 1982), tr.176.

37. Xem Vũ Ngự Chiêu, “Đất đai Việt Nam mất vào tay Trung Hoa;” Hợp Lưu, số 105 (5-6/2009), tr. 5-32; Việt Nam Thời Báo (San Jose), số 5103, Thứ Bảy-Chủ Nhật, 11-12/7/2009, & 5104, Thứ Ba, 14/7/2009.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 41683)
G iăng tấm lưới châu ngày gió lộng. Trở gót mà xem núi bạc đầu Nghiêng vai hứng lấy vô biên mộng Lưng trần tầm tả tiếng mưa mau.
17 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 43734)
Khi những ngón tay rời khỏi anh tìm lên thân em Cũng là khi đêm mở mắt soi dấu bàng hoàng Ta phân thân đôi vực bờ mê sảng Em vỡ cuồng trầm uất đa mang
17 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 39557)
Nghe nhiều người khen cuốn Ba người khác của nhà văn Tô Hoài, tôi cố tìm đọc. Đọc xong thì hoang mang… Nói cho ngay, đấy là cuốn sách viết khéo với nhiều cảnh đời sống động và được “lên hương” bằng yếu tố gợi dục đậm đà. Quả là cái khéo của bà hàng xén chợ phiên biết bày bán bắt mắt những món hàng xanh xanh đỏ đỏ …
17 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 36518)
Tác giả của tập truyện “gối đầu giường” với biết bao nhiêu thế hệ độc giả “Dế mèn phiêu lưu ký” đã qua đời sáng nay, 6/7/2014 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi.
17 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 40092)
T rong một cuộc hành quân dài ngày cuối năm 1970 thế kỷ trước, chúng tôi những người lính tác chiến của Quân đội Miền Nam Việt Nam, được lệnh trang bị khá chu tất, từ súng đạn tới quân trang quân dụng. Tuy cồng kềnh, nặng trĩu, tôi vẫn cố sắp xếp để ba lô có được một khoảng nhỏ, đủ chứa vài ba cuốn sách, do vợ tôi, bấy giờ còn là “người yêu” gửi ra hậu cứ. Đó là bốn tác phẩm của Y Uyên, Dương Nghiễm Mậu, Hoàng Ngọc Tuấn, và Ngô Thế Vinh. Ba tác giả đầu tôi đọc say mê, đến Vòng Đai Xanh thì khựng lại...
07 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 46820)
ô i những ngón tay ứa mềm da thịt tôi vuốt tôi nghe đêm rất nồng nàn cơn-xác-thân hun hút muộn màng hồn sắp sáng nơi chân đời vỡ rạn
05 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 43540)
Trăng rắc sầu lên hai vai Cả phố, Gió, Đuôi mắt dài của em Còi xe đêm quất vào đêm Chất lên lưng chuyến người biền biệt xa.
30 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 47181)
M ùa hạ yêu kiều nép vào sau lưng rèm kể cho anh nghe về những cơn mưa khốn đốn những nỗi buồn ngày một lớn lên ban mai run run mang gương mặt hoài nghi nghẹt thở chờ lời giải đáp trên ma trận phức âm của lửa  một ban mai chết non trong mưa
30 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 43726)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, nhà văn Lê Minh Nhựt đang sống và làm việc tại Cà Mau Việt Nam. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu truyện ngắn "Hận Lò Đường" của tác giả Lê Minh Nhựt đến cùng quí văn hữu cùng bạn đọc Hợp Lưu.
30 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 43814)
mặt trời trên da lửa đốt âm hồn cánh tay trần. phế tích. những nụ hôn đã hoang dại theo chiều tóc trắng có khi nao bồn chồn hơi thở ngắn