- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MÂY Ở LŨNG TRẮNG

29 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 32524)


haivan_0
 Hải Vân - tranh Đặng Hiền


Từ trên lưng đèo Hải Vân quanh co uốn lượn đổ xuống ngã ba Chân Mây, chạy ngoằn ngoèo trên đường dốc núi thêm chừng 20 km , đã thấy lũng Trắng, bồng bềnh chìm trong mây.

Vào mùa hè, không phân biệt được đâu là mây trời dừng lưng chừng núi, đâu là mây rập rờn của rừng bông lau bạt ngàn theo gió đùa, đâu là mây nõn nứt từ búp hoa của cây gòn cổ thụ.

Nhiều khi là mây của cả cây cỏ và đất trời gộp lại làm lũng Trắng chơi vơi như trong cõi không thật.

Chỉ vào mùa đông, những tháng 11, giòng lũ ầm ào từ thương nguồn đổ về dìm cả thung lũng vào biển nước trắng xóa là thật.

Ai xui chi lấy đau thương của cả miền Trung đặt tên cho lũng Trắng!

Băng qua cánh đồng cỏ lá xanh ngút ngát, đã thấy cậu Mây đứng lom khom che tay dòm trời, dưới tán cây gòn cổ thụ 100 tuổi sừng sững trên rẻo đất cao nhất làng. 

Mười lần như một, cậu Mây từ xa chạy lại, nở nụ cười sáng ngời chóa nắng:

- Mồ Tổ cha mi, đi mô lâu lắc mới chịu về thăm nhà?

- Hôm ni trời mây có chi lạ không cậu? - lần nào tôi cũng giả đò nói ba lơn chọc ghẹo cậu để tránh bị chửi yêu một chập. Ai chứ cậu Mây là có tật chửi dai, chửi mệt, bỏ vào nhà nấu cơm ăn, uống ấm nước chè rồi phủi tay chân, đứng ra sân chửi tiếp...

- Con ni ăn nói lục bát, "mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa" mi không thấy trời trong veo răng ri?

Cậu Mây học khí tượng thủy văn ở Sài gòn 3 năm trời. Ra trường chưa kịp xin đi làm chỗ mô đã đùng đùng bỏ về lũng Trắng , ngày ngày lững thững đi đọc mây dự báo thời tiết cho cả vùng. Người ta thương ông bà giáo nên tránh không gọi cậu là cậu ngây, mà gọi là cậu Mây.

Từ nhỏ, mỗi lần về lũng Trắng thăm bên ngoại, tôi bám riết theo cậu Mây mê mẩn nghe cậu kể chuyện trời mây không biết chán. Thường thường hai cậu cháu leo lên triền dốc, nằm chèo queo trên chạc ba cây gòn, ngửa mặt ngắm một vùng mây trôi bềnh bồng lưng chừng đèo:

- Cậu nì, thung lũng mình đáng lý đặt tên lũng Mây hay hơn lũng Trắng- bao giờ tôi cũng bắt đầu lý sự với cậu- làng mình quanh năm mây phủ như ri!

- Con ngốc, mi biết cái chi mô mà nói! Mây là do hơi nước gặp không khí lạnh tụ lại, làng mình giữa lưng chừng núi, quanh năm lạnh và ẩm nên quanh năm có mây , hiểu chưa? - rồi cậu bắt đầu thao thao bất tuyệt về mây tầng, mây ti, mây tích trong khi tôi đã thiu thiu ngủ như đang trôi bềnh bồng giữa các đám mây mát lạnh hơi nước. 

Nửa chừng , cậu chợt lay mạnh tôi dậy:

- Dậy mau, con gái con đứa ngủ ngày vô duyên, vô hậu. Mưa đến rồi kìa! Mi nhìn cái đám mây cuồn cuộn thẳng đứng giữa trời kia, mây vũ tích. Nó xám xịt mịt mờ như ri là đầy hơi nước, nó xuống thấp như ri là mây giáng thủy , hiểu không? "Mây kéo xuống biển thì nắng chang chang- mây kéo lên ngàn thì mưa như trút". Trận này mưa to rồi mi ơi!

Cậu chưa nói dứt lời, cơn mưa lạnh đã ào ào trút xuống. Tôi vừa vo áo trùm đầu, vừa le lưỡi nhìn cậu thán phục. Cô dự báo thời tiết trên ti vi có tròn môi hồng xinh đẹp phán " mưa giông rải rác vài nơi" không thể nào nói chính xác hơn cậu được.

Có lần, trời đang quang đãng, trong xanh, cậu đùng đùng kéo tay tôi chạy:

- Nhỏ à, mình chạy về che chắn vườn rau, mưa đá tới nơi rồi!

Ham chơi, tôi lắc đầu quầy quậy:

- Con nỏ có thấy chi mô, cậu chỉ nói trạng!

- Trời ơi, con nhỏ nì ngang, mi không thấy giữa trời có vẩy tê tê, là mưa sắp sửa kéo về. Màu mây xanh lè như cỏ, là nỏ có bình thường. "Ráng vàng là gió, ráng đỏ là mưa", ráng lục lam chỉ có mưa đá. 

Trận đó vườn cải xanh của cả làng thoát khỏi trận mưa đá lạnh như băng, hạt vừa tròn bằng nắm tay con nít. Mọi người bắt đầu nhìn cậu bằng con mắt khác. Vừa e dè vừa nể phục. Nhưng cậu đâu có để ý đến ai. Bao nhiêu tim óc cậu đã trút dồn hết cho những đám mây và cho...cô Mây.

Dạo về sau này, lang thang đồi cỏ cùng cậu, không chỉ có mình tôi mà còn thêm cô Mây tháp tùng. Cả làng gọi cô là cô Ngây, nhưng với cậu, cô là cô Mây. Con gái vùng lũng trắng, quanh năm núp trong mây trời, nên da trắng, má hồng, môi tươi thắm, không cười thì thôi, cười là mắt môi cùng cười, long lanh như ẩm nắng. Có ngày cậu quên ngắm mây, chỉ loay hoay tìm đủ cách chòng ghẹo cô Mây cười. 

Cậu ngồi trên chạc ba cây gòn, ép lấy ruột bông trắng như tuyết nõn tung lên trong gió, vừa nhìn cô Mây vừa hát nghêu ngao:


Gà mất mẹ thì lâu khôn
Gái thiếu trai thì thậm khổ
Trai thiếu gái cũng thậm khổ
Trời sinh voi thì sinh cỏ
Trời sinh giếng thì sinh mo
Trời sinh sông thì trời sinh đò
Trời sinh o thì sinh tui 
O một mình thì không đặng
Gió dưới biển (hắn) dồn vô
Mây trên trời (hắn) cuốn lại.
O với tui cùng cuốn lại.
Tui với o cùng cuốn lại.

Cô Mây ngẩn ngơ bật lên cười, hạt răng trắng tròn giữa làn môi đỏ thắm, mắt ngây tròn như cuộn bông gòn giữa trời. Cậu Mây cũng cười. Tôi ngồi chính giữa, tự dưng mà nhớ như i bài hát "may mà có em đời còn dễ thương". Dễ thương như mây cuộn theo nhau giữa lũng Trắng.

Những ngày vui trôi qua nhanh. Năm nay tháng 11 bão lũ về sớm. Mấy ngày cậu Mây đi ra đi vô bứt rứt nhìn ráng mây đỏ sậm phía Tây mặt trời lặn:

- "Vàng trời thì gió, đỏ trời thì mưa , cơn đằng tây, mưa dây bão giật". Nhỏ mi xem, bão đến gần kề!

Bầu trời bị bao phủ một lớp mây như bức màn màu sữa trắng, đám mây thấp dần, sẫm màu và biến thành màu xám xơ xác, rải rác từng khối khổng lồ úp chụp xuống thung lũng, tạo thành bức tường ủ rũ nặng nề.

Sau ngày đài báo động lũ sắp kéo về, cả làng rộn rạo chuẩn bị cho chợ lũ. Từ 3 giờ sáng, tôi và cậu Mây đã lục cục thức dậy gói ghém đồ đạc đi chợ lũ. Chợ họp trên rẻo đất cao nhất trong làng, dưới tàn cây gòn cổ thụ. Người mua , người bán vội vã mà lặng lẽ, không khí hối hả lo âu bao trùm khắp chợ. Chỉ có lũ con nít như tôi là vẫn láu liên nói cười rộn rịp. Hàng hóa mua bán trong chợ chỉ tuyền là cây nhà lá vườn, rau trái hoa quả được vặt sạch đem ra chợ trước khi cơn nước dữ đến nhận chìm tất cả; từ quả đu đủ xanh, mít non, chuối non, rau lang, rau muống, rau cải xanh, cá trong ao nhà vừa vớt lên, gà, vịt vẫn còn chạy sông sổng, kêu la oang oác. Thịt heo thì sờ vào vẫn còn hơi ấm, vì mới được mổ ngay khi vừa nghe đài, đứa nhỏ hàng thịt ôm một tô vun đầy thịt tỏa hương thơm điếc mũi, nước mắt chảy ròng ròng. Tôi sà lại hỏi:

- Can chi mà mi vừa ăn vừa khóc, nhỏ?

- Em ăn heo sữa quay. Heo mẹ mới đẻ một ổ heo con. Sợ lũ tới, bố xẻ thịt heo mẹ bán, heo con thì quay cho tụi em ăn. Em nhớ con heo con!...Chợt nó bật khóc to hù hụ. Nghe xót hết lòng. 

Bán hết mớ cải xanh đem theo, tôi còn nấn ná mua thêm mớ cá khô và mắm chuẩn bị cho những ngày nước dâng, cậu Mây chợt quay lại sau lưng thảng thốt kêu to:

- Mây!

Tôi càu nhàu:

- Trời còn tối mò mà mây chi đây cậu?

- Cô Mây kẹt lũ rồi.

Chữ lũ từ miệng cậu dội vào đám đông một làn nước cực lạnh. Mọi người quay lại hướng làng, sau lưng nước đã dâng lên trắng xóa một vùng. Người ta nháo nhác bỏ chạy, chợ lũ tan tác chỉ trong nháy mắt.

Cậu Mây hối hả túm tay tôi chạy về phía làng. Vừa chạy vừa lẩm bẩm:

- "Mưa nước lên" , mình không để ý mưa nước lên. Sau những cơn mưa bất chợt, mưa ầm ào, xối xả từng lúc rồi giảm nhẹ nhiều ngày. Mưa nước lên lạ lắm, trời đang mưa nhỏ, rồi "lên cơn lên trận" đổi thành mưa to, như trút giận trút hờn vào ai đó. Nước từ các triền sông lên cao. Nước từ thượng lưu sẽ thành lũ, cuồn cuộn chảy về xuôi. Nước lũ ở vùng cao thường là lũ quét, lũ ống, khi về vùng đồng bằng thành những con lũ hung dữ. Thêm hồ thủy điện xả lũ. Kỳ này làng mình thành làng trắng thiệt rồi, nhỏ ơi!

Xa xa đã thấy xuồng bè của dân làng tỏa ra đón người thân. Ông bà giáo dớn dác ngồi trên xuồng kêu to tên cậu Mây và tôi. Chưa kịp leo lên xuồng , cậu Mây đã thất thần hỏi:

- Có thấy cô Mây không?

Cả nhà nhìn nhau im lặng. Cậu Mây quay mũi xuồng:

- Chưa tìm ra Mây, con không đi đâu hết.

Nước đã cuồn cuộn réo ùng ục chung quanh be xuồng, nuốt chửng từng khoanh vườn chung quanh, có chỗ đã mấp mé gần mái nhà. 

Nhà cô Mây ở chỗ trũng, nước đã dâng cao tới nóc, chỉ còn lơ quơ mấy ngọn cây dương cụt và tán cây gòn vươn cao trên màn nước xoáy. Cậu tôi réo gọi khàn hơi:

- Mây ơi! Mây ơi!

Cả nhà nhìn nhau nhợt nhạt tuyệt vọng. Chợt cậu reo lên:

- Trên chạc cây gòn kia.

Cô Mây ngồi thõng chân trên chạc cây gòn, miệng còn nguyên nụ cười ngơ ngác.

Lúc đỡ được cô Mây vào xuồng, cậu vẫn níu tay cô chặt cứng, mắt nhìn đăm đăm không rời. Bà ngoại Hai của tôi nhỏ nhẹ trách:

- Trời mưa bão lụt lội, mày leo chi lên cây gòn hả con?

- Cho thiệt gần mây- cô hồn nhiên trả lời, mắt cũng không rời cậu.

Bà ngoại nhìn ông ngoại thở dài sườn sượt:

- Người bình thường yêu nhau còn có khi tỉnh táo. Người ngây thì chẳng bao giờ tỉnh táo nên yêu nhau hoài!


***


Lâu lắm rồi tôi không về lại lũng Trắng. Nhưng mỗi mùa mưa lũ, lại nhớ lũng Trắng thắt lòng.

Hỏi dò người quen, ai cũng nói cậu Mây và cô Mây vẫn còn ở lại với làng. 

Hai người vẫn còn ngây nên vẫn còn thương nhau hoài như xưa!

Nếu có được một người yêu thương mình đến vậy, thì ai cần tỉnh táo làm chi?

(viết cho quê nhà mùa lũ)


UYÊN LÊ


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Mười 20236:02 CH(Xem: 4864)
Sau mấy stt. của hắn trên MXH về chuyện vu cáo tồi tệ của vài vị “chức sắc” ở Hội Kiều học (Hội khoa học nghiên cứu Nguyễn Du & Truyện Kiều), cô con gái hắn - sinh viên năm thứ hai ĐH KHXH&NV vừa về tới nhà đã xộc tới bàn làm việc của hắn, với gương mặt đỏ bừng mà ngày thường vẫn lạnh như bà hoàng Băng giá, nó tức tối chất vấn, như hành hạ ông bố đã thất bại đủ thứ và đang khốn khổ đủ điều
16 Tháng Mười 20235:52 CH(Xem: 4665)
Tôi có duyên với chợ nên đi về cuối đường đời thì dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cái chợ, nhớ nhất là cái thời còn buôn bán ở chợ nên đến bây giờ cả trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ thấy chợ, nơi ấy là nhà là kỷ niệm ăn sâu nhất không quên được.
16 Tháng Mười 20235:20 CH(Xem: 5144)
Nắng lạc lõng nắng tàn trên hè phố / Chiều bơ vơ chiều té xuống sông / Tôi im lặng tôi ngồi nghe sóng vỗ / Đời vô thường nên có cũng như không
16 Tháng Mười 20235:01 CH(Xem: 5651)
phương đông có quê hương là mặt trời / phương tây có thành phố đầy cổ tích / gửi về nàng chìm đắm / thanh thản những đóa hoa mộc lan / thì thầm điều to nhỏ / trong khu vườn hoang dã / ngơ ngác như mây mưa…
16 Tháng Mười 20234:35 CH(Xem: 5326)
Bay đi từ cánh đồng nào thân cò của mẹ / Chắt chiu hạt gạo đồng tiền / Mười đứa con nhân lên mười lần thương khó / Một trăm ngã nhọc nhằn vạn nẻo đắng cay
16 Tháng Mười 20234:16 CH(Xem: 4682)
Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]
07 Tháng Mười 202311:06 CH(Xem: 5056)
...Mai Ninh, Trần Vũ, Lê thị Thấm Vân vẫn viết về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đã qua. Trần Diệu Hằng với Vũ điệu của loài công, Mưa đất lạ và Chôm chôm yêu dấu vẫn là những tập truyện ngắn liên quan cuộc sống người tỵ nạn, đến tâm tình từ góc độ một người tỵ nạn. Lê thị Huệ với Bụi Hồng, Kỷ niệm với Mỵ Anh và Rồng rắn vẫn là những soi chiếu vào tâm tình những cảnh đời của nếp sống di dân qua hình ảnh cô sinh viên thuở trước và bây giờ. Nhưng người ta vẫn nhận ra đề tài về tính dục vẫn là nét trổi bật trong các truyện của các nhà văn kể trên (trừ Trần Diệu Hằng). Thứ văn chương với đề tài có xu hướng trổi bật về tính dục đã mở đầu như một thứ cách mạng tình dục trong tiểu thuyết. Trước đây thì cũng có Tuý Hồng, Lệ Hằng, Thụy Vũ... cũng đậm mà chưa đặc, chưa đủ mặn. Ai là người đánh trống, cầm cờ về đề tài này? Có thể là Trần Vũ, Trân Sa hay Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An và nhất là Lê thị Thấm Vân. Truyện sẽ không viết, sẽ không đọc, nếu không có trai gái.
23 Tháng Chín 202310:53 CH(Xem: 7366)
Trong những thập niên tới—khi các văn khố hoàn toàn mở rộng—chúng ta mới có thể biết rõ ai là người Việt đầu tiên đã đến Mỹ và tiếp cận với nền chính trị Mỹ. Cách nào đi nữa, Bùi Viện khó thể là nhân vật này… /... Nguyễn Sinh Côn—dưới bí danh Paul Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc—có thể là người Việt đầu tiên đến Mỹ, và chắc chắn là người đầu tiên nghiên cứu hệ thống chính trị Mỹ… /... Phần tư thế kỷ sau, Nguyễn Sinh Côn—với bí danh Hồ Chí Minh—thực sự móc nối được với cơ quan tình báo chiến lược (OSS) Mỹ, được tặng bí danh “Lucius,” rồi bước vào Hà Nội giữa cao trào cách mạng 1945.[lvii] Mặc dù Liên bang Mỹ đã chọn thái độ “hands-off” [không can thiệp] khi liên quân Pháp-Bri-tên khởi đầu cuộc tái xâm lăng Việt Nam năm 1945, / ...cũng như thiết lập sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, qua cuộc bầu cử quốc hội 1946 và bản Hiến Pháp 9/11/1946...—đồng thời có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp suốt 8 năm kế tiếp.
21 Tháng Chín 20232:50 CH(Xem: 6681)
Mùa thu trải ra trải ra / Từng bước chân trên ngọn cỏ khô / Có em chạy băng qua cánh đồng hoang tưởng / Nụ hôn vội một sáng ướt mưa / Có phải em và mùa thu / Chia tay và nỗi buồn có thật / Như mưa / Rơi xuống đời nhau.
15 Tháng Chín 202312:19 SA(Xem: 4775)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Anh Nguyễn Văn Cử, Pháp Danh Gelek Gamba / Cựu học sinh Chu Văn An và Trần Lục / Cựu Sĩ Quan Võ Bị Thủ Đức, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa / Sinh ngày 16 tháng 4 năm 1944 tại Hải Phòng, Việt Nam / Đã quá vãng ngày 22 tháng 8 năm 2023 / tại San Jose, California / Hưởng thọ 79 tuổi