- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MÂY Ở LŨNG TRẮNG

29 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 32456)


haivan_0
 Hải Vân - tranh Đặng Hiền


Từ trên lưng đèo Hải Vân quanh co uốn lượn đổ xuống ngã ba Chân Mây, chạy ngoằn ngoèo trên đường dốc núi thêm chừng 20 km , đã thấy lũng Trắng, bồng bềnh chìm trong mây.

Vào mùa hè, không phân biệt được đâu là mây trời dừng lưng chừng núi, đâu là mây rập rờn của rừng bông lau bạt ngàn theo gió đùa, đâu là mây nõn nứt từ búp hoa của cây gòn cổ thụ.

Nhiều khi là mây của cả cây cỏ và đất trời gộp lại làm lũng Trắng chơi vơi như trong cõi không thật.

Chỉ vào mùa đông, những tháng 11, giòng lũ ầm ào từ thương nguồn đổ về dìm cả thung lũng vào biển nước trắng xóa là thật.

Ai xui chi lấy đau thương của cả miền Trung đặt tên cho lũng Trắng!

Băng qua cánh đồng cỏ lá xanh ngút ngát, đã thấy cậu Mây đứng lom khom che tay dòm trời, dưới tán cây gòn cổ thụ 100 tuổi sừng sững trên rẻo đất cao nhất làng. 

Mười lần như một, cậu Mây từ xa chạy lại, nở nụ cười sáng ngời chóa nắng:

- Mồ Tổ cha mi, đi mô lâu lắc mới chịu về thăm nhà?

- Hôm ni trời mây có chi lạ không cậu? - lần nào tôi cũng giả đò nói ba lơn chọc ghẹo cậu để tránh bị chửi yêu một chập. Ai chứ cậu Mây là có tật chửi dai, chửi mệt, bỏ vào nhà nấu cơm ăn, uống ấm nước chè rồi phủi tay chân, đứng ra sân chửi tiếp...

- Con ni ăn nói lục bát, "mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa" mi không thấy trời trong veo răng ri?

Cậu Mây học khí tượng thủy văn ở Sài gòn 3 năm trời. Ra trường chưa kịp xin đi làm chỗ mô đã đùng đùng bỏ về lũng Trắng , ngày ngày lững thững đi đọc mây dự báo thời tiết cho cả vùng. Người ta thương ông bà giáo nên tránh không gọi cậu là cậu ngây, mà gọi là cậu Mây.

Từ nhỏ, mỗi lần về lũng Trắng thăm bên ngoại, tôi bám riết theo cậu Mây mê mẩn nghe cậu kể chuyện trời mây không biết chán. Thường thường hai cậu cháu leo lên triền dốc, nằm chèo queo trên chạc ba cây gòn, ngửa mặt ngắm một vùng mây trôi bềnh bồng lưng chừng đèo:

- Cậu nì, thung lũng mình đáng lý đặt tên lũng Mây hay hơn lũng Trắng- bao giờ tôi cũng bắt đầu lý sự với cậu- làng mình quanh năm mây phủ như ri!

- Con ngốc, mi biết cái chi mô mà nói! Mây là do hơi nước gặp không khí lạnh tụ lại, làng mình giữa lưng chừng núi, quanh năm lạnh và ẩm nên quanh năm có mây , hiểu chưa? - rồi cậu bắt đầu thao thao bất tuyệt về mây tầng, mây ti, mây tích trong khi tôi đã thiu thiu ngủ như đang trôi bềnh bồng giữa các đám mây mát lạnh hơi nước. 

Nửa chừng , cậu chợt lay mạnh tôi dậy:

- Dậy mau, con gái con đứa ngủ ngày vô duyên, vô hậu. Mưa đến rồi kìa! Mi nhìn cái đám mây cuồn cuộn thẳng đứng giữa trời kia, mây vũ tích. Nó xám xịt mịt mờ như ri là đầy hơi nước, nó xuống thấp như ri là mây giáng thủy , hiểu không? "Mây kéo xuống biển thì nắng chang chang- mây kéo lên ngàn thì mưa như trút". Trận này mưa to rồi mi ơi!

Cậu chưa nói dứt lời, cơn mưa lạnh đã ào ào trút xuống. Tôi vừa vo áo trùm đầu, vừa le lưỡi nhìn cậu thán phục. Cô dự báo thời tiết trên ti vi có tròn môi hồng xinh đẹp phán " mưa giông rải rác vài nơi" không thể nào nói chính xác hơn cậu được.

Có lần, trời đang quang đãng, trong xanh, cậu đùng đùng kéo tay tôi chạy:

- Nhỏ à, mình chạy về che chắn vườn rau, mưa đá tới nơi rồi!

Ham chơi, tôi lắc đầu quầy quậy:

- Con nỏ có thấy chi mô, cậu chỉ nói trạng!

- Trời ơi, con nhỏ nì ngang, mi không thấy giữa trời có vẩy tê tê, là mưa sắp sửa kéo về. Màu mây xanh lè như cỏ, là nỏ có bình thường. "Ráng vàng là gió, ráng đỏ là mưa", ráng lục lam chỉ có mưa đá. 

Trận đó vườn cải xanh của cả làng thoát khỏi trận mưa đá lạnh như băng, hạt vừa tròn bằng nắm tay con nít. Mọi người bắt đầu nhìn cậu bằng con mắt khác. Vừa e dè vừa nể phục. Nhưng cậu đâu có để ý đến ai. Bao nhiêu tim óc cậu đã trút dồn hết cho những đám mây và cho...cô Mây.

Dạo về sau này, lang thang đồi cỏ cùng cậu, không chỉ có mình tôi mà còn thêm cô Mây tháp tùng. Cả làng gọi cô là cô Ngây, nhưng với cậu, cô là cô Mây. Con gái vùng lũng trắng, quanh năm núp trong mây trời, nên da trắng, má hồng, môi tươi thắm, không cười thì thôi, cười là mắt môi cùng cười, long lanh như ẩm nắng. Có ngày cậu quên ngắm mây, chỉ loay hoay tìm đủ cách chòng ghẹo cô Mây cười. 

Cậu ngồi trên chạc ba cây gòn, ép lấy ruột bông trắng như tuyết nõn tung lên trong gió, vừa nhìn cô Mây vừa hát nghêu ngao:


Gà mất mẹ thì lâu khôn
Gái thiếu trai thì thậm khổ
Trai thiếu gái cũng thậm khổ
Trời sinh voi thì sinh cỏ
Trời sinh giếng thì sinh mo
Trời sinh sông thì trời sinh đò
Trời sinh o thì sinh tui 
O một mình thì không đặng
Gió dưới biển (hắn) dồn vô
Mây trên trời (hắn) cuốn lại.
O với tui cùng cuốn lại.
Tui với o cùng cuốn lại.

Cô Mây ngẩn ngơ bật lên cười, hạt răng trắng tròn giữa làn môi đỏ thắm, mắt ngây tròn như cuộn bông gòn giữa trời. Cậu Mây cũng cười. Tôi ngồi chính giữa, tự dưng mà nhớ như i bài hát "may mà có em đời còn dễ thương". Dễ thương như mây cuộn theo nhau giữa lũng Trắng.

Những ngày vui trôi qua nhanh. Năm nay tháng 11 bão lũ về sớm. Mấy ngày cậu Mây đi ra đi vô bứt rứt nhìn ráng mây đỏ sậm phía Tây mặt trời lặn:

- "Vàng trời thì gió, đỏ trời thì mưa , cơn đằng tây, mưa dây bão giật". Nhỏ mi xem, bão đến gần kề!

Bầu trời bị bao phủ một lớp mây như bức màn màu sữa trắng, đám mây thấp dần, sẫm màu và biến thành màu xám xơ xác, rải rác từng khối khổng lồ úp chụp xuống thung lũng, tạo thành bức tường ủ rũ nặng nề.

Sau ngày đài báo động lũ sắp kéo về, cả làng rộn rạo chuẩn bị cho chợ lũ. Từ 3 giờ sáng, tôi và cậu Mây đã lục cục thức dậy gói ghém đồ đạc đi chợ lũ. Chợ họp trên rẻo đất cao nhất trong làng, dưới tàn cây gòn cổ thụ. Người mua , người bán vội vã mà lặng lẽ, không khí hối hả lo âu bao trùm khắp chợ. Chỉ có lũ con nít như tôi là vẫn láu liên nói cười rộn rịp. Hàng hóa mua bán trong chợ chỉ tuyền là cây nhà lá vườn, rau trái hoa quả được vặt sạch đem ra chợ trước khi cơn nước dữ đến nhận chìm tất cả; từ quả đu đủ xanh, mít non, chuối non, rau lang, rau muống, rau cải xanh, cá trong ao nhà vừa vớt lên, gà, vịt vẫn còn chạy sông sổng, kêu la oang oác. Thịt heo thì sờ vào vẫn còn hơi ấm, vì mới được mổ ngay khi vừa nghe đài, đứa nhỏ hàng thịt ôm một tô vun đầy thịt tỏa hương thơm điếc mũi, nước mắt chảy ròng ròng. Tôi sà lại hỏi:

- Can chi mà mi vừa ăn vừa khóc, nhỏ?

- Em ăn heo sữa quay. Heo mẹ mới đẻ một ổ heo con. Sợ lũ tới, bố xẻ thịt heo mẹ bán, heo con thì quay cho tụi em ăn. Em nhớ con heo con!...Chợt nó bật khóc to hù hụ. Nghe xót hết lòng. 

Bán hết mớ cải xanh đem theo, tôi còn nấn ná mua thêm mớ cá khô và mắm chuẩn bị cho những ngày nước dâng, cậu Mây chợt quay lại sau lưng thảng thốt kêu to:

- Mây!

Tôi càu nhàu:

- Trời còn tối mò mà mây chi đây cậu?

- Cô Mây kẹt lũ rồi.

Chữ lũ từ miệng cậu dội vào đám đông một làn nước cực lạnh. Mọi người quay lại hướng làng, sau lưng nước đã dâng lên trắng xóa một vùng. Người ta nháo nhác bỏ chạy, chợ lũ tan tác chỉ trong nháy mắt.

Cậu Mây hối hả túm tay tôi chạy về phía làng. Vừa chạy vừa lẩm bẩm:

- "Mưa nước lên" , mình không để ý mưa nước lên. Sau những cơn mưa bất chợt, mưa ầm ào, xối xả từng lúc rồi giảm nhẹ nhiều ngày. Mưa nước lên lạ lắm, trời đang mưa nhỏ, rồi "lên cơn lên trận" đổi thành mưa to, như trút giận trút hờn vào ai đó. Nước từ các triền sông lên cao. Nước từ thượng lưu sẽ thành lũ, cuồn cuộn chảy về xuôi. Nước lũ ở vùng cao thường là lũ quét, lũ ống, khi về vùng đồng bằng thành những con lũ hung dữ. Thêm hồ thủy điện xả lũ. Kỳ này làng mình thành làng trắng thiệt rồi, nhỏ ơi!

Xa xa đã thấy xuồng bè của dân làng tỏa ra đón người thân. Ông bà giáo dớn dác ngồi trên xuồng kêu to tên cậu Mây và tôi. Chưa kịp leo lên xuồng , cậu Mây đã thất thần hỏi:

- Có thấy cô Mây không?

Cả nhà nhìn nhau im lặng. Cậu Mây quay mũi xuồng:

- Chưa tìm ra Mây, con không đi đâu hết.

Nước đã cuồn cuộn réo ùng ục chung quanh be xuồng, nuốt chửng từng khoanh vườn chung quanh, có chỗ đã mấp mé gần mái nhà. 

Nhà cô Mây ở chỗ trũng, nước đã dâng cao tới nóc, chỉ còn lơ quơ mấy ngọn cây dương cụt và tán cây gòn vươn cao trên màn nước xoáy. Cậu tôi réo gọi khàn hơi:

- Mây ơi! Mây ơi!

Cả nhà nhìn nhau nhợt nhạt tuyệt vọng. Chợt cậu reo lên:

- Trên chạc cây gòn kia.

Cô Mây ngồi thõng chân trên chạc cây gòn, miệng còn nguyên nụ cười ngơ ngác.

Lúc đỡ được cô Mây vào xuồng, cậu vẫn níu tay cô chặt cứng, mắt nhìn đăm đăm không rời. Bà ngoại Hai của tôi nhỏ nhẹ trách:

- Trời mưa bão lụt lội, mày leo chi lên cây gòn hả con?

- Cho thiệt gần mây- cô hồn nhiên trả lời, mắt cũng không rời cậu.

Bà ngoại nhìn ông ngoại thở dài sườn sượt:

- Người bình thường yêu nhau còn có khi tỉnh táo. Người ngây thì chẳng bao giờ tỉnh táo nên yêu nhau hoài!


***


Lâu lắm rồi tôi không về lại lũng Trắng. Nhưng mỗi mùa mưa lũ, lại nhớ lũng Trắng thắt lòng.

Hỏi dò người quen, ai cũng nói cậu Mây và cô Mây vẫn còn ở lại với làng. 

Hai người vẫn còn ngây nên vẫn còn thương nhau hoài như xưa!

Nếu có được một người yêu thương mình đến vậy, thì ai cần tỉnh táo làm chi?

(viết cho quê nhà mùa lũ)


UYÊN LÊ


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 116865)
Nắng chiếu óng ánh trên mái tóc ngắn của cậu con trai, chiếc sơ mi mầu xanh dương hơi nhàu nơi hai bàn tay cô gái níu. Cô níu chặt quá, làm cái cổ sơ mi như muốn lật ngửa ra soi rõ một cái gáy thanh xuân mạnh mẽ. Cô gái nằm phía dưới tuy không nhìn rõ hết khuôn mặt, nhưng vầng trán nhô ra rất thanh tân.
02 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 74306)
02 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 85093)
...Trong hoàn cảnh hiện nay, người làm văn học, trong hay ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ, đang có cơ hội và khả năng tạo một sinh khí cho xã hội VN, giúp giảm thiểu những phá sản tinh thần đang xẩy ra. Muốn vậy, rất cần có sự đam mê, học hỏi, và lòng can đảm nói thật, viết thật. Không có nền văn học có giá trị nào được xây dựng trên sự giả dối và tránh né.
02 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 96251)
LTS: Nguyễn Hạnh Nguyên sinh năm 1985, tốt nghiệp thạc sĩ khoa học ngành Ngữ Văn. Hiện sống và làm việc tại Hạ Long, Quảng Ninh. Năm mới, bài viết mới lần đầu đăng ở trang mạng Hợp Lưu như một món quà xuân gởi đến quí văn hữu và bạn đọc đầu năm Tân Mão 2011. TCHL
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83908)
Bài viết này duyệt lại huyền thoại trụ đồng Mã Viện xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ IV-V, nhưng không hề có dấu vết trên thực địa hay trong quốc sử Hán. Những dã sử về số lượng và vị trí trụ đồng chẳng những thiếu cơ sở, mà còn di động, từ châu Khâm tới Hà Tiên-An Giang—không ngừng nam tiến, giống như tấm bản đồ biển Đông Bắc Kinh mới công bố năm 2009, ấn chứng của “thực dân xã hội chủ nghĩa” [Han social-colonialism ], vò đựng mới cho tinh thần Đại Hán phong kiến.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 73622)
Vichto Olegovich Pelevin sinh ngày 22.11.1967 tại Moskva, trong một gia đình quân nhân. Năm 1989 Pelevin thi vào trường đại học năng lượng, từ 1989-1990 học hàm thụ trường đại học viết văn Maxime Gorki. Pelevin bắt đầu sáng tác vào giữa những năm 80, mười năm sau, chưa đầy ba mươi tuổi, có trong tay hơn chục tiểu thuyết, truyện vừa và năm-sáu tập truyện ngắn, anh đã trở thành "hiện tượng bí hiểm nhất và nổi tiếng nhất trong thế hệ các nhà văn hậu Xô Viết".
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 90489)
Nhân viên trực phòng xác bật đèn. Ánh sáng xanh nhợt gây thêm sự lạnh lẽo. Hai bàn tay Sinh nắm chặt lại trong túi áo khoác. Gã nhân viên liếc nhìn Sinh, rất nhanh. Sinh tưởng như hai người kia cũng nghe được tiếng tim đập của mình. Gã nhân viên kéo chiếc hộp sắt hình quan tài nằm sâu trong vách tường. Nhẹ nhàng, cẩn thận như thể gã cũng ngại làm người nằm bên trong thức giấc.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 82742)
...Anh là cơn gió chướng của đời em. Anh là nỗi ám ảnh không mặt mũi, nhưng tồn tại mãi trong ngăn kéo ký ức em. Em đọc được trong mắt anh ước muốn hoan lạc của một tình yêu với một thân xác. Một sự hoà hợp nhịp nhàng như sấm sét và mưa. Cho anh tan chảy như trăng trong ngõ ngách đêm.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 90525)
... Thiếp không muốn về, cũng không muốn ngồi lên, cũng chẳng hề thấy lạnh. Thiếp chỉ muốn nằm đó, với chàng, muôn kiếp muôn đời gặm nhấm niềm yêu. Khởi đầu chỉ là những mưu toan mà trời ơi, sao người ta cứ phải dùng những tấm thân liễu yếu, sao người ta vẫn cứ phải nhờ vả chút nhan sắc bọt bèo.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 78647)
Alexandre Lucien Abel de Rhodes mang gương mặt thống khổ và si mê của oan hồn chưa hề biết đến tình yêu. Những ai bắt gặp giáo sĩ những năm thánh chiến, thảng thốt nhận ra bóng ma mang nỗi buồn chín thối ruột gan của một người đàn ông chưa toại nguyện thân xác. Hôi thối đến nỗi những người lính Marốc của tiểu đoàn 10 Tabor tăng cường cho trung đoàn 3 Lê Dương phải bịt mũi trước xú uế nồng nặc bốc toả từ nhà thờ chính toà Cao Bằng.