- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGUYÊN VẸN

05 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 37321)


nguyen_ven-_nguyenhoangnam-content
 Cò - ảnh Nguyễn Hoàng Nam


Mẹ đã nằm yên lại. Hơn 70 mới bị ruột dư là một điều lạ, bác sĩ nói vậy, nhưng quan trọng hơn là mẹ bước vào tuổi khó lành vết mổ nên đã phải ở lại nhà thương đến tuần lễ thứ 2. Bà trợ tá đứng tuổi như cảm thông với bịnh nhân đồng lứa tuổi, bà lăng xăng làm ấm khăn lông cho mẹ đắp vào bụng, mang 2 đôi vớ cho mẹ được ấm chân, và thêm chăn phủ ngoài. Nhưng cô y tá trưởng nói khăn ấm sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi quanh vết cắt nên Ngà đành phải lấy tấm khăn ấm ra và tăng thuốc giảm đau rồi xoa bóp cho mẹ.

 

Ngà ngồi xuống ghế đặt nơi góc phòng thở nhẹ một hơi. Dẫu chỉ là lau rửa và xoa bóp, nhưng xoay chuyển một cơ thể nặng hơn mình cũng là một điều khó khăn. Ngà ngước nhìn ra cửa sổ, trời xám buồn vẩn vơ vài cụm mây. Dường như có một vẩy mây trắng đứng lờ vờ quanh cái cụm xám đục ấy, Ngà nheo mắt, hóa ra mảnh trăng non mọc giữa ban ngày. Chỉ có ở đây Ngà mới thấy trăng ban ngày, những ngày còn ở quê nhà dường như ít thấy trăng dù ban đêm, và ngày nắng chói chan thì chả ai ngớ ngẩn mà ngước mặt lên cái màn hào quang đang trùm phủ trên đầu để tìm một mảnh trăng.

 

Mẹ đã thở đều. Tấm chăn đắp trên cơ thể biến mẹ thành một cái kén tơ vàng, phập phồng. Ngà nhìn mẹ, bâng khuâng nhớ tới cái thân thể vừa bắt gặp.

 

Chỗ vết mổ làn da ửng đỏ dưới lớp bông băng, nhưng chung quanh trắng mịn, mềm nhiễu như lá mỡ lấy từ bụng con cá hú. Những dấu vết sanh nở năm xưa chỉ còn rải rác, đã thu nhỏ và mờ đi, như những hạt dưa trong nơi chén ăn cơm hạt dưa màu xanh của Trung quốc. Ngà ngạc nhiên nhất khi xoa dầu suốt cặp đùi đến gối của mẹ. Đầu gối của mẹ vẫn mịn màng mềm mại da không chùng nhăn xô lệch; hình như nó chưa bị căng dãn bao giờ. Toàn thân mẹ như một miếng đất màu mỡ phẳng phiu chưa có dấu chân chưa có một vết vun xới, như tấm bánh mới bóc còn nguyên nét màu tinh tươm chưa ai chạm tay vào. Mẹ đã sống thế nào những năm tháng của đời mình?

 

Mẹ sinh em út năm 35 tuổi. Cho đến giờ phút đó Ngà không biết mẹ đã sống cuộc đời đàn bà của mình ra sao. Dần dần, lớn thêm một tị, Ngà nhớ chỉ có vài lần là cả gia đình _ nghĩa là có Ba_ cùng cả nhà ra tiệm Hai Cua cùng ăn món chả giò, đi rạp Đại Nam cùng xem một vở xi nê. Những lúc khác, khi ra tiệm ăn Tàu ở đường Lê văn Duyệt chợ Đũi thì cả nhà sẽ ăn cùng một thực đơn và Ba sẽ gọi riêng cho mình canh cải đắng, cơm thố, với trứng chiên. Khi Tết đến, Mẹ và anh chị em Ngà sẽ đi chúc Tết những nhà lối xóm, bè bạn; đi xem Năm Vua Hề Về Làng, hay xem phim Nhà tôi của Duyên Anh. Ba không bao giờ có mặt. Ba không đàn đúm dây dưa gì với lũ đàn bà con trẻ!!!! Cái phim Chân Trời Tím có Kim Vui mặc áo thiệt là hở ngực đã được ba phán là ngực độn, a ha, Ba đi xem xi nê riêng một mình. Ba và Mẹ có đằm thắm với nhau không, có lẽ điều đó cả thiên hạ chung một câu trả lời, chung một cảnh.

 

Ngà lớn thêm một chút, thấy gia đình cạn kiệt vì không thấy đồng lương nào của Ba. Mẹ cắm cúi đi học kế toán mong tìm một công việc trong hãng xưởng hay chính phủ hầu chu toàn sự sống cho gia đình. Dường như vất vả trầy trật lắm nên khi được Bank of America thu nhận chân nhân viên NCR Mẹ đã mừng rỡ hả hê. 

 

Vẫn còn một cái ải phải qua: Mẹ phải có chứng chỉ Anh ngữ. Ngà bắt đầu được biết những bí mật của Mẹ, từ từ.

 

Đó là hôm nào dịp gì, Ngà không còn nhớ. Chỉ biết Ngà đã thường xuyên ngồi sau xe honda của Mẹ đi công việc, đi thăm bạn, đi mua bán. Trên con đường gió mát lúc ngả chiều, Mẹ nói “ông ấy” đã đội mưa chờ mẹ ở cổng trường, hình như là Dziên Hồng. Giọng mẹ đều vang trong gió như phát ra từ radio, Ngà chỉ im lặng nghe. Ngà chưa khôn để hỏi rồi sao nữa, nhưng Ngà lại đã có linh cảm riêng để không nói lại điều đã nghe cho ai. Vài năm nữa chăng, khi mẹ đã thất nghiệp ra sạp bán áo thun ở chợ Sài gòn, một tối trên đường về sau khi dọn hàng Ngà lại nghe tiếng đều đều như phát ra từ radio trong gió. 

 

_Hèn nào mẹ thấy con nhỏ con dâu ông An Thành cứ nhìn Mẹ đăm đăm. Hóa ra chị của nó lấy bác Thục.

_Cái bác đợi Mẹ dưới mưa đó hả?

_Ừ

 

Lại một thời gian ngắn qua đi, nhưng Ngà không bao giờ thắc mắc hay nghĩ rằng Mẹ có quan hệ gì với bác Thục. Một tối Mẹ về trễ hơn giờ thường lệ khoảng 1 tiếng. Hình như ông Trời cũng giúp mẹ một cơ hội nên chả biết sao Ba chưa về và trong nhà cũng không có ai. Mẹ thủng thỉnh trầm trầm,

 

_Không biết sao ông ấy biết chỗ Mẹ bán mà tìm đến.

_Thì chắc cô gì con dâu ông An Thành nói?

_Ông đến sạp hẹn sẽ chờ mẹ ở rạp xi-nê. Lúc Mẹ đến, ông nói lung tung những gì không hiểu được. Mẹ nói “anh say rồi, thôi anh về đi,” nhưng ông cứ lằng nhằng. Mẹ nói phải về.

 

Ngà thấy ra đây không còn là chuyện gặp gỡ tình cờ hay một chuyện tán tỉnh qua đường. Nhưng Ngà cũng không nghi điều gì cho Mẹ, và cũng vẫn giữ điều nghe thấy như một bí mật.

 

Không lâu sau, Mẹ về nói với Ngà trong nỗi xúc động.

 

_Trời ơi, ông ấy say. Ông ấy chờ Mẹ dọn hàng xong thì đi theo. Suốt dọc con đường, ông oán trách, ông hỏi Mẹ chê ông điều gì. Mẹ bảo ông về đi, anh cũng đã có vợ rồi, nhưng ông bắt đầu lèm bèm la lối… Mãi rồi mới dứt ra được.

 

Ngay hôm sau ông ủi đến nhà Ngà, vào buổi chiều. Ông nhìn trạc tuổi Mẹ, có vẻ học thức đàng hoàng. Mẹ có lần nói ông thua Mẹ 10 tuổi. Ngà mời bác uống nước rồi ra sau bếp lên lầu. Hai người nói những câu ngăn ngắn rầm rì, dường như Mẹ cương quyết “đuổi!!!” Mà lạ _ sao Ba cũng không buồn ra tiếp khách. Không lâu lắm thì bác Thục ra về.

 

Hình như bác Thục không bao giờ trở lại. Và mối tình đó, có thể gọi là một mối tình không khi Ngà không bao giờ tin rằng Mẹ đã có một quan hệ gì quá đáng với bác, đi vào quên lãng. Mẹ không bao giờ kể chuyện bác Thục nữa, hay vì Ngà đã “đi” nên không còn được nghe.

 

Hôm nay nhìn thấy thân thể của Mẹ, Ngà chợt nghĩ mình đã biết thêm một bí mật, dù lần này Mẹ không nói. Suốt quãng đời cô quạnh của Mẹ, trong những săn đón theo đuổi, những thèm muốn ước ao, Ngà tin chắc Mẹ chưa lần nào phản bội Ba, phản bội người đã bỏ quên Mẹ. Tấm thân mịn màng như dải lụa, như ánh trăng ngà của Mẹ trông nguyên vẹn như đã được đắp rất kín rất kỹ, như đã thiếu một bàn tay ấm áp mặn nồng từ xa xưa lắm, là dấu tích, là chứng cớ âm thầm Mẹ mang theo đến hết cuộc đời.

 

Lưu Na

03/21/2014

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Giêng 202312:11 SA(Xem: 6965)
Nguyễn Du chỉ thốt lên một lần duy nhất: Ta vốn có tính yêu núi khi ông Bắc hành, ở đoạn cuối sứ trình; nhưng cái tính đó, ông đã bộc lộ biết bao lần trong 254 bài qua cả ba tập thơ chữ Hán của mình! Ai ham đọc sách mà không biết câu nói có tự cổ xưa: Trí giả lạc thủy, nhân giả lạc sơn (Kẻ trí thì vui với sông nước, người nhân thì vui với núi non); song cái ý tưởng sách vở thể hiện khát vọng thoát tục thanh cao, mơ ước được tựa vào non xanh để tìm sự yên tĩnh vĩnh hằng của nội tâm đó đã được Nguyễn Du trải nghiệm bằng toàn bộ cảm giác buồn, vui, qua các đoạn đời phong trần của mình, và ông miêu tả chúng qua bao vần thơ chữ Hán thực thấm thía, rung động.
06 Tháng Giêng 202312:02 SA(Xem: 7881)
bạn có thể vừa đi làn trái, lại cũng đi được luôn cả làn phải không hề lăn tăn chi? / và bạn quả thật (đang) làm được thế ư, thậm chí còn nhiều hơn? / vậy bạn đáng nể quá rồi / người siêu nhất trần gian!
05 Tháng Giêng 202311:09 CH(Xem: 7410)
Võ Tòng Xuân, sinh ngày 6 tháng 9 năm 1940 (tuổi con rồng / Canh Thìn), tại làng Ba Chúc trong vùng Thất Sơn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Xuất thân từ một gia đình nghèo với 5 anh em. Học xong trung học đệ nhất cấp, VTX lên Sài Gòn sớm, sống tự lập, vất vả vừa đi học vừa đi làm để cải thiện sinh kế gia đình và nuôi các em... Miền Nam năm 1972, đang giữa cuộc chiến tranh Bắc Nam rất khốc liệt – giữa Mùa Hè Đỏ Lửa, Đại học Cần Thơ lúc đó là đại học duy nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), được thành lập từ 31/03/1966 thời Việt Nam Cộng Hòa đang trên đà phát triển mạnh, và đã có khóa tốt nghiệp đầu tiên ra trường (1970). Võ Tòng Xuân đã được GS Nguyễn Duy Xuân (1970-1975) – là Viện trưởng thứ hai sau GS Phạm Hoàng Hộ (1966-1970), viết thư mời ông về phụ trách khoa nông nghiệp – lúc đó trường vẫn còn là có tên là Cao Đẳng Nông nghiệp, với tư cách một chuyên gia về lúa.
17 Tháng Mười Hai 20222:10 SA(Xem: 6800)
Được tin buồn: cụ ông ĐẶNG VĂN NGỮ (Thân phụ của anh Đặng Hiền, cựu hs PTG ĐN niên khoá 75) Sinh năm: 1933 Đã từ trần vào ngày 06 tháng 12 năm 2022 (nhằm ngày 13 tháng 11 năm Nhâm Dần) Hưởng Thọ: 90 Tuổi
14 Tháng Mười Hai 202210:36 CH(Xem: 6918)
Nhận được tin buồn: Thân phụ nhà thơ Đặng Hiền, chủ biên tạp chí Hợp Lưu Là Cụ Ông Đặng Văn Ngữ Pháp danh: Minh Pháp Sinh năm Quý Dậu (1933) tại Đà Nẵng, Việt Nam. Đã tạ thế ngày 06 tháng 12 năm 2022 tại California, USA. Hưởng thượng thọ 90 tuổi. Xin thành kính phân ưu cùng nhà thơ Đặng Hiền và tang gia
10 Tháng Mười Hai 20229:31 CH(Xem: 6381)
Nhận được tin buồn Phu quân của Cụ bà Trần Thị Y Cụ ông ĐẶNG VĂN NGỮ Pháp Danh MINH PHÁP Tuổi Quý Dậu (1933) Đã tạ thế ngày 06 tháng 12, năm 2022, tại Fountain Valley, California, Hưởng thượng thọ 90 tuổi.
08 Tháng Mười Hai 202211:58 CH(Xem: 6628)
Được tin thân phụ nhà thơ Đặng-Hiền, Chủ Biên Tạp Chí Hợp-Lưu là Cụ Ông ĐẶNG VĂN NGỮ, Pháp danh MINH PHÁP, Vừa tạ thế ngày 6 tháng 12 năm 2022 tại California, hưởng thượng thọ 90 tuổi .
08 Tháng Mười Hai 202212:26 SA(Xem: 8702)
Gia đình chúng tôi vô cùng đau đớn báo tin cùng thân bằng quyến thuộc: Chồng, cha, ông, và ông cố chúng tôi là:Cụ ông ĐẶNG VĂN NGỮ / Pháp Danh: Minh Pháp / Tuổi Quý Dậu (1933) Đã tạ thế vào lúc 10 giờ 45 phút sáng ngày 06 tháng 12 năm 2022 tại Fountain Valley, California, USA. (Âm lịch là ngày 13 tháng 11 năm Nhâm Dần) / HƯỞNG THƯỢNG THỌ 90 TUỔI
11 Tháng Mười Một 202212:44 SA(Xem: 7854)
Bình minh bừng lên trên sông Tiền mênh mông. Những con sóng lấp lánh, cuồn cuộn chảy xuôi cuốn theo những bè lục bình như đoàn chiến mã đuổi nhau vô tận về phía hạ nguồn. Ánh ban mai rực lên khắp Cồn Phụng, lên cổng lăng Minh Mạng được đắp vẽ cầu kỳ. Những mảnh thủy tinh hắt ánh sáng sang hàng bần ven bờ sông những đường kỳ ảo muôn màu muôn vẻ làm Mỹ Lan cứ hết nhìn ra sông lại nhìn cảnh vật trên cồn với nhiều tò mò, thích thú.
11 Tháng Mười Một 202212:24 SA(Xem: 8263)
Mưa rơi trong màn hình laptop, tôi thèm nghe tiếng mưa. Đêm nay. Mưa Cali hiếm hoi, cứ như chẳng bao giờ muốn có. Nhưng dù đã cố gắng cách mấy, tôi vẫn không thể nhận ra cái rì rào ướt át, chút rét mướt của gió đêm, qua những giọt “mưa giả”, ” mưa máy móc”, “ mưa trong computer”.