- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NHẠT NHÒA

08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 65747)





nmgiac_sach

Sách có in trăm cuốn

Đắp mặt chỉ một trang

 

Đàn chim với những con Rose breasted màu nâu nhạt, ngực đỏ;con Western King with fledgling cũng màu nâu nhưng cái cái ngực vàng hườm; con Red headed woodpecker mình gọi là chim gõ kiến có cái đầu màu đỏ, con Indigo Bunting tròn như con sáo quê nhà, nhưng lại xanh biếc như da trời. Tất cả bọn chúng, mỗi buổi sáng, theo nhau về ríu rít trong vườn nhà tôi. Chúng hót chiêm chiếp rộn rã ngay từ sáng tinh mơ, chúng thoáng sân trước trong những bụi tùng thấp, vụt vào sân sau trong vòm cây Mộc Lan (Magnolia), tranh nhau ăn ở cái máng thực phẩm treo đong đưa trên một cành cao. Chúng đến ngày giờ nào không rõ rệt, chỉ biết chúng đến cùng với nắng, chúng đến sau những cơn mưa.Thấy chúng đến, biết là mùa hạ đến. Khi không thấy chúng nữa, biết thu về.

 

Trong tháng sáu kéo sang tháng bẩy năm nay, tôi đón tiếp khá nhiều khách: chị Bích Hà từ quận Cam của California đến chơi mười ngày, ông anh tôi mang theo một người bạn từ Virginia đến chơi một tuần, vợ chồng cậu em từ Việt Nam sang năm tuần (đi chơi vài tiểu bang khác xong lại quay về Seattle), cậu cháu từ Pháp sang bốn ngày. Tất cả sáu người. Họ đến và đi khác ngày nhau, nhưng tôi biết rõ ngày giờ của từng chuyến bay. Vì ít ra ngay ở thời điểm này, họ có đủ sức khỏe để xắp xếp cho những chuyến đi của họ. Như những con chim mùa hạ, họ biết nơi đến, nơi đi và nơi trở về.

Anh Nguyễn Mộng Giác, người bạn văn của tôi, đã bẩy năm nay, anh không có thể tự xắp xếp cho mình đi đâu, về đâu. Anh đi theo chỉ thị của bác sĩ, của bệnh viện, của hospice Cuối cùng, vào một ngày nắng hạ năm nay, anh đã theo cánh tay của vợ con trở về nhà, nằm trên giường của mình, rồi nhẹ nhàng nhắm mắt, xuôi tay, bỏ đi hẳn, không quay lại nữa.

 

Anh bỏ đi đâu tôi không biết, vì nơi anh đến, vợ con anh và chúng tôi, tất cả những bạn anh còn ở trên mặt đất này, chưa ai đến đó bao giờ. Anh bỏ lại tất cả những trang sách anh đã viết. Hai tập trường thiên tiểu thuyết, nhiều tập truyện ngắn. Anh không mang được trang sách nào cùng đi với anh cả. Hơn bẩy mươi năm trước anh đến với cuộc đời, chẳng mang theo một chữ nào, ngoài một tiếng “oe” thảng thốt. Bây giờ đi cũng phải để lại tất cả những “tài sản” anh tích tụ được, dù đó chỉ là những trang giấy và những con chữ. Như tất cả bạn anh: những nhà văn, nhà thơ khác, đã qua đi trước anh, họ đã đánh rơi tất cả những gì họ viết xuống, khi những bàn chân không còn giẫm trên mặt đất này.

 

Sách có in trăm cuốn

đắp mặt chỉ một trang

thơ có viết ngàn quyển

còn lại chỉ một hàng

một hàng thơ nằm thẳng

giữa vách gỗ thơm hơi

“Xử thế nhược đại mộng” (1)

Tử sinh một tiếng cười (tmt)

 

Thật vậy, nếu theo như phong tục cũ ở quê nhà, người ta thường lấy một vuông vải trắng mỏng hay một tờ giấy bản đắp lên mặt người vừa mới qua đời, để xem còn thở hay không? cũng để tránh, không muốn ai nhìn thẳng vào mặt người chết (vì sợ chạm vía) Anh Giác mà được ai đó, xé một trang sách của anh, đắp lên mặt mình thì chắc anh mãn nguyện lắm!

Như vậy thì số giấy dùng để in những con chữ anh Nguyễn Mộng Giác viết xuống quả có hơi nhiều so với số giấy anh cần mang đi với mình ở giờ phút lìa đời.

Không biết những người thân yêu trong gia đình, khi khâm liệm, có ai nhớ đặt một cuốn sách của anh vào áo quan trước khi hỏa thiêu không nhỉ.

 

Trong thời gian dài nằm trên giường bệnh, thỉnh thoảng bạn bè xa, gần, rủ nhau ghé viếng thăm anh. Chụm đầu vào nhau nói chuyện văn chương, chẳng bao giờ thấy ai đặt ra câu hỏi: “Liệu khi mình đi ra khỏi cuộc đời này, mình có muốn tiếp tục làm văn chương không?” Nếu có ai đặt ra câu hỏi đó thì anh Giác sẽ trả lời như thế nào?

 

Chúng ta đến đây, đặt bàn chân nhỏ trên mặt đất này, trưởng thành, và già đi, chúng ta biết mình muốn làm gì, muốn ở đâu. Chúng ta tìm đủ cách để đạt được cái nhu cầu ở đâu và làm gì. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác, biết nhu cầu của anh là cần sống ở một vùng đất an bình, tự do, để anh được viết như được thở. Anh đã dùng chính mạng sống mình, vượt qua bao nhiêu biển, bao nhiêu núi, bao nhiêu con đường khó đi, để đến được vùng đất cho anh thở và viết tự do. Suốt chiều dọc của cuộc đời, anh luôn luôn dính liền với “Chữ”. Từ dậy học, làm việc cho Sở Học Chánh, đến viết văn. Định cư ở Mỹ anh tiếp tục viết văn, làm báo văn học, ngay cả để mưu sinh anh cũng chọn được việc làm in, ấn cho đến lúc về hưu. Hai bàn tay anh lúc nào cũng chạm vào những công việc của mực và giấy. Anh sống hạnh phúc trong môi trường này. Trong nhiều năm, ngôi nhà ở đường Strait, Westminster, miền Nam California, được bạn bè tứ xứ khi đến quận Cam, coi như một cái “Câu Lạc Bộ Văn Nghệ” Cuối tuần ghé đến thế nào cũng thấy tụ họp, tiếng nói, tiếng cười, trong một tương giao thân mật tràn ngập không khí văn chương, sách vở, Những tên tác giả, tên sách trong và ngoài nước, những nhóm sinh họat văn học, những cấm kỵ văn chương, những cuốn sách mới xuất bản, những ngôn ngữ đổi mới…. Sóng sánh trong những ly rượu đỏ, uống cạn cùng với tiếng cười.

 

Bây giờ anh lại tiếp tục đi nữa, anh có chọn đi không nhỉ? Anh đến chỗ người ta gọi là “Niết Bàn” là “Thiên Đàng” anh có tiếp tục làm một nhà văn nữa không? Hay được đổi đến một nơi không có một lằn ranh biên giới nào của tư tưởng, người ta sẽ không còn nhu cầu viết nữa. Những người bạn đi trước anh, có rủ anh lập một cái “Câu Lạc Bộ Văn Nghệ” mới ở nơi đó không?

 

Hôm thứ bẩy, ngày 7 tháng 7 năm 2012, chúng tôi đến dự lễ giỗ năm thứ 49 của nhà văn Nhất Linh tại tư gia của anh Nguyễn Tường Thiết, người con út cụ, Trong khi im lặng nghe anh Thiết thổi khẩu cầm trước bàn thờ, hồi tưởng lại ký ức những tiếng nhạc của cha lúc còn sinh tiền đã thổi cho mình nghe. Tiếng nhạc quyện bay lên cùng với khói nhang nhạt nhòa, thơm ngát trước hình ảnh của người đã bỏ ra đi. Tôi hình dung ra cũng trong giờ phút này, gia đình anh Nguyễn Mộng Giác và bạn hữu đang tụ tập cầu siêu cho anh ở quận Cam, miền nam Cali. Những lời chia buồn cũng sẽ lững lờ, nhạt nhòa quyện vào hương khói, khăn tang và những đóa hoa.

 

Ai đó đã nói: “Thượng Đế rót đời sống vào cõi chết, rót sự chết vào cõi sống, không để rơi ra ngoài một giọt nào” (2)

Chúng ta có được chứng kiến khi Thượng Đế làm công việc “rót” đó không?

 

Tôi nhớ ở trung học, khi thầy giáo dậy về cái bình thông nhau, thầy cầm cái bình nghiêng qua, nghiêng lại, mực nước ở hai bên bao giờ cũng bằng nhau khi cái bình đặt đứng thẳng.Thượng Đế chắc cũng rót sống, chết vào nhau ở một cái bình như thế.

Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Mai Thảo, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Thảo Trường, Nguyễn Mộng Giác, …và những người cầm bút khác, còn sống hay đã chết, tất cả chỉ là những giọt nước trong cái bình thông nhau. Ở cái bình thông nhau đó, Thượng Đế rót qua, rót lại, không rơi ra ngoài một giọt nào.

 

Phải chăng, những con người được gọi là văn nhân, nghệ sĩ họ là những giọt nước đặc biệt của Thượng Đế, nên dù ở trong cái bình “Sống” hay “Chết” những giọt nước mong manh này vẫn óng ánh, trong suốt, tinh khôi, dù có bốc hơi nhạt nhòa bay đi nhưng không bao giờ mất dấu.

Những suy nghĩ, tư tưởng, cảm xúc của các văn nhân, thi sĩ đã viết xuống, những cuốn sách của họ đã in ra, để lại những dấu ấn nhạt nhòa nhưng vĩnh viễn trong tâm những ai đã đọc, cảm thông và đã chạm tay vào giấy mực với sự quý trọng.

 

 

Trần Mộng Tú

 

Viết sau ngày ra đi của Nguyễn Mộng Giác.(mồng 2 tháng 7 năm 2012)

 

(1)- God pours life into death and death into life without a drop being spilled

 (Author Unknown)

(2)Xử thế nhược đại mộng/Hồ vi lao kỳ sinh (thơ-Lý Bạch)

 Cuộc đời như giấc chiêm bao/Việc chi ta phải lao đao với đời (dịch-tmt)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 78281)
Cuối cùng rồi tôi cũng đọc quyển hồi ký ấy, quyển hồi ký gắn liền với một cái tên suốt 25 năm dài. Làm như người ấy tái sinh với tên cũ dài hơn: Cao Xuân Huy Tháng Ba Gãy Súng.
07 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 100262)
Đọc truyện ngắn “ Trả lại tiền ” in trong tập truyện “ Vài mẩu chuyện ” của nhà văn Cao Xuân Huy (tạp chí Văn Học xuất bản, 2010), tôi không khỏi mỉm cười bởi cái phong cách khôi hài đen của câu chuyện—truyện của Cao Xuân Huy đa phần đều như thế...
12 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 81182)
LTS: Bài phỏng vấn nhà thơ Đặng Hiền được thực hiện bởi nhà thơ Go Hyeong Ryeol Tổng biên tập tạp chí Thi Bình (The poet society of Asia ) trong số mùa Đông 2009. Phần chuyển ngữ do Giáo sư Tiến sĩ Yang Soo Bae thuộc đại học Pusan University of Foreign Studies tại Hàn Quốc biên dịch. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quí văn hữu và độc giả Tạp Chí Hợp Lưu.
05 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 192117)
LTS: ... Nhân dịp cuộc đàm phán Việt-Hoa về Hoàng Sa và Trường Sa đang khởi sự - mà theo chúng tôi Việt Nam nên từ chối ký bất cứ một văn kiện tay đôi nào với Bắc Kinh,và cương quyết đòi hỏi một hội nghị quốc tế do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, để tránh ô danh đời đời trong lịch sử dân tộc như cha con Hồ Quí Ly, Mạc Đăng Dung... xin trân trọng giới thiệu với quí độc giả thân quí những giải đáp thuần túy chuyên nghiệp về sử học của sử gia Vũ Ngự Chiêu. TẠP CHÍ HỢP LƯU
31 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 84707)
ĐNV_5: Nếu một nhà xuất bản trong nước nhìn ra được giá trị thực của “ Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” , và họ muốn in để phát hành trong nước, và điều kiện tiên quyết là phải có giấy phép. Mà để có được giấy phép xuất bản, họ phải "biên tập" lại nhiều đoạn, nhiều câu có tính chất "nhạy cảm" theo cách hiểu của nhà xuất bản, và trường hợp xấu nhất, là phải cắt đi một số chỗ. Vì nếu không, dù là một người có tâm huyết với đất nước hay một nhà xuất bản có nặng lòng với vấn đề chung, cũng không thể xuất bản được. Vậy quyết định của anh trong vấn đề này như thế nào, và tại sao?
08 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 114636)
Đ êm Sài Gòn đứng đường bơ vơ Dòng người mênh mang không ngày yên lặng Còn con đường nào cho em Mộng mơ là trò chơi xa xỉ
13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 84683)
III. TUYÊN CÁO CHUNG 16/6/1963: Do áp lực Mỹ, từ giữa tháng 5/1963, Diệm đã gặp lãnh tụ Phật Giáo để thảo luận về 5 đòi hỏi ngày 10/5. Tuy nhiên, chế độ chỉ muốn kéo dài thời gian để vô hiệu hóa dần cuộc tranh đấu.
13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 96251)
IV. GIỌT NƯỚC LÀM TRÀN LY: Sau khi Nolting rời Việt Nam, anh em Diệm-Nhu quyết chào đón tân Đại sứ Lodge bằng vài món quà ngoạn mục. Hai món quà lớn nhất là cuộc tổng tấn công các chùa trên toàn quốc và công khai tiếp xúc với sứ giả Hà Nội.
13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 92718)
Cuộc tranh đấu của Phật Giáo năm 1963 là đề tài còn gây nhiều xúc động và tranh cãi. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có nghiên cứu sử đích thực nào về đề tài này. Một trong những lý do là thiếu sử liệu. Tài liệu văn khố chưa hoàn toàn giải mật, và số người được tiếp cận tư liệu văn khố Đệ nhất Cộng Hòa không nhiều.
05 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 100309)
( Người sống sót từ trận bom nguyên tử Hiroshima: Bà Tomiko Matsumoto ) LTS: Trần Huyền Sâm sinh năm 1973, hiện là Giảng viên Khoa văn trường Đại học Sư phạm Huế. Tác giả cuốn Tiếng nói thi ca (Nxb Văn học, 2002), giải thưởng Hội nhà văn Thừa thiên Huế 2003, và cuốn Lý luận văn học phương Tây - Tự sự học kinh điển (Nxb Văn học, 2010). Lần đầu tiên cộng tác với Hợp lưu.