- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NHẠT NHÒA

08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 65786)





nmgiac_sach

Sách có in trăm cuốn

Đắp mặt chỉ một trang

 

Đàn chim với những con Rose breasted màu nâu nhạt, ngực đỏ;con Western King with fledgling cũng màu nâu nhưng cái cái ngực vàng hườm; con Red headed woodpecker mình gọi là chim gõ kiến có cái đầu màu đỏ, con Indigo Bunting tròn như con sáo quê nhà, nhưng lại xanh biếc như da trời. Tất cả bọn chúng, mỗi buổi sáng, theo nhau về ríu rít trong vườn nhà tôi. Chúng hót chiêm chiếp rộn rã ngay từ sáng tinh mơ, chúng thoáng sân trước trong những bụi tùng thấp, vụt vào sân sau trong vòm cây Mộc Lan (Magnolia), tranh nhau ăn ở cái máng thực phẩm treo đong đưa trên một cành cao. Chúng đến ngày giờ nào không rõ rệt, chỉ biết chúng đến cùng với nắng, chúng đến sau những cơn mưa.Thấy chúng đến, biết là mùa hạ đến. Khi không thấy chúng nữa, biết thu về.

 

Trong tháng sáu kéo sang tháng bẩy năm nay, tôi đón tiếp khá nhiều khách: chị Bích Hà từ quận Cam của California đến chơi mười ngày, ông anh tôi mang theo một người bạn từ Virginia đến chơi một tuần, vợ chồng cậu em từ Việt Nam sang năm tuần (đi chơi vài tiểu bang khác xong lại quay về Seattle), cậu cháu từ Pháp sang bốn ngày. Tất cả sáu người. Họ đến và đi khác ngày nhau, nhưng tôi biết rõ ngày giờ của từng chuyến bay. Vì ít ra ngay ở thời điểm này, họ có đủ sức khỏe để xắp xếp cho những chuyến đi của họ. Như những con chim mùa hạ, họ biết nơi đến, nơi đi và nơi trở về.

Anh Nguyễn Mộng Giác, người bạn văn của tôi, đã bẩy năm nay, anh không có thể tự xắp xếp cho mình đi đâu, về đâu. Anh đi theo chỉ thị của bác sĩ, của bệnh viện, của hospice Cuối cùng, vào một ngày nắng hạ năm nay, anh đã theo cánh tay của vợ con trở về nhà, nằm trên giường của mình, rồi nhẹ nhàng nhắm mắt, xuôi tay, bỏ đi hẳn, không quay lại nữa.

 

Anh bỏ đi đâu tôi không biết, vì nơi anh đến, vợ con anh và chúng tôi, tất cả những bạn anh còn ở trên mặt đất này, chưa ai đến đó bao giờ. Anh bỏ lại tất cả những trang sách anh đã viết. Hai tập trường thiên tiểu thuyết, nhiều tập truyện ngắn. Anh không mang được trang sách nào cùng đi với anh cả. Hơn bẩy mươi năm trước anh đến với cuộc đời, chẳng mang theo một chữ nào, ngoài một tiếng “oe” thảng thốt. Bây giờ đi cũng phải để lại tất cả những “tài sản” anh tích tụ được, dù đó chỉ là những trang giấy và những con chữ. Như tất cả bạn anh: những nhà văn, nhà thơ khác, đã qua đi trước anh, họ đã đánh rơi tất cả những gì họ viết xuống, khi những bàn chân không còn giẫm trên mặt đất này.

 

Sách có in trăm cuốn

đắp mặt chỉ một trang

thơ có viết ngàn quyển

còn lại chỉ một hàng

một hàng thơ nằm thẳng

giữa vách gỗ thơm hơi

“Xử thế nhược đại mộng” (1)

Tử sinh một tiếng cười (tmt)

 

Thật vậy, nếu theo như phong tục cũ ở quê nhà, người ta thường lấy một vuông vải trắng mỏng hay một tờ giấy bản đắp lên mặt người vừa mới qua đời, để xem còn thở hay không? cũng để tránh, không muốn ai nhìn thẳng vào mặt người chết (vì sợ chạm vía) Anh Giác mà được ai đó, xé một trang sách của anh, đắp lên mặt mình thì chắc anh mãn nguyện lắm!

Như vậy thì số giấy dùng để in những con chữ anh Nguyễn Mộng Giác viết xuống quả có hơi nhiều so với số giấy anh cần mang đi với mình ở giờ phút lìa đời.

Không biết những người thân yêu trong gia đình, khi khâm liệm, có ai nhớ đặt một cuốn sách của anh vào áo quan trước khi hỏa thiêu không nhỉ.

 

Trong thời gian dài nằm trên giường bệnh, thỉnh thoảng bạn bè xa, gần, rủ nhau ghé viếng thăm anh. Chụm đầu vào nhau nói chuyện văn chương, chẳng bao giờ thấy ai đặt ra câu hỏi: “Liệu khi mình đi ra khỏi cuộc đời này, mình có muốn tiếp tục làm văn chương không?” Nếu có ai đặt ra câu hỏi đó thì anh Giác sẽ trả lời như thế nào?

 

Chúng ta đến đây, đặt bàn chân nhỏ trên mặt đất này, trưởng thành, và già đi, chúng ta biết mình muốn làm gì, muốn ở đâu. Chúng ta tìm đủ cách để đạt được cái nhu cầu ở đâu và làm gì. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác, biết nhu cầu của anh là cần sống ở một vùng đất an bình, tự do, để anh được viết như được thở. Anh đã dùng chính mạng sống mình, vượt qua bao nhiêu biển, bao nhiêu núi, bao nhiêu con đường khó đi, để đến được vùng đất cho anh thở và viết tự do. Suốt chiều dọc của cuộc đời, anh luôn luôn dính liền với “Chữ”. Từ dậy học, làm việc cho Sở Học Chánh, đến viết văn. Định cư ở Mỹ anh tiếp tục viết văn, làm báo văn học, ngay cả để mưu sinh anh cũng chọn được việc làm in, ấn cho đến lúc về hưu. Hai bàn tay anh lúc nào cũng chạm vào những công việc của mực và giấy. Anh sống hạnh phúc trong môi trường này. Trong nhiều năm, ngôi nhà ở đường Strait, Westminster, miền Nam California, được bạn bè tứ xứ khi đến quận Cam, coi như một cái “Câu Lạc Bộ Văn Nghệ” Cuối tuần ghé đến thế nào cũng thấy tụ họp, tiếng nói, tiếng cười, trong một tương giao thân mật tràn ngập không khí văn chương, sách vở, Những tên tác giả, tên sách trong và ngoài nước, những nhóm sinh họat văn học, những cấm kỵ văn chương, những cuốn sách mới xuất bản, những ngôn ngữ đổi mới…. Sóng sánh trong những ly rượu đỏ, uống cạn cùng với tiếng cười.

 

Bây giờ anh lại tiếp tục đi nữa, anh có chọn đi không nhỉ? Anh đến chỗ người ta gọi là “Niết Bàn” là “Thiên Đàng” anh có tiếp tục làm một nhà văn nữa không? Hay được đổi đến một nơi không có một lằn ranh biên giới nào của tư tưởng, người ta sẽ không còn nhu cầu viết nữa. Những người bạn đi trước anh, có rủ anh lập một cái “Câu Lạc Bộ Văn Nghệ” mới ở nơi đó không?

 

Hôm thứ bẩy, ngày 7 tháng 7 năm 2012, chúng tôi đến dự lễ giỗ năm thứ 49 của nhà văn Nhất Linh tại tư gia của anh Nguyễn Tường Thiết, người con út cụ, Trong khi im lặng nghe anh Thiết thổi khẩu cầm trước bàn thờ, hồi tưởng lại ký ức những tiếng nhạc của cha lúc còn sinh tiền đã thổi cho mình nghe. Tiếng nhạc quyện bay lên cùng với khói nhang nhạt nhòa, thơm ngát trước hình ảnh của người đã bỏ ra đi. Tôi hình dung ra cũng trong giờ phút này, gia đình anh Nguyễn Mộng Giác và bạn hữu đang tụ tập cầu siêu cho anh ở quận Cam, miền nam Cali. Những lời chia buồn cũng sẽ lững lờ, nhạt nhòa quyện vào hương khói, khăn tang và những đóa hoa.

 

Ai đó đã nói: “Thượng Đế rót đời sống vào cõi chết, rót sự chết vào cõi sống, không để rơi ra ngoài một giọt nào” (2)

Chúng ta có được chứng kiến khi Thượng Đế làm công việc “rót” đó không?

 

Tôi nhớ ở trung học, khi thầy giáo dậy về cái bình thông nhau, thầy cầm cái bình nghiêng qua, nghiêng lại, mực nước ở hai bên bao giờ cũng bằng nhau khi cái bình đặt đứng thẳng.Thượng Đế chắc cũng rót sống, chết vào nhau ở một cái bình như thế.

Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Mai Thảo, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Thảo Trường, Nguyễn Mộng Giác, …và những người cầm bút khác, còn sống hay đã chết, tất cả chỉ là những giọt nước trong cái bình thông nhau. Ở cái bình thông nhau đó, Thượng Đế rót qua, rót lại, không rơi ra ngoài một giọt nào.

 

Phải chăng, những con người được gọi là văn nhân, nghệ sĩ họ là những giọt nước đặc biệt của Thượng Đế, nên dù ở trong cái bình “Sống” hay “Chết” những giọt nước mong manh này vẫn óng ánh, trong suốt, tinh khôi, dù có bốc hơi nhạt nhòa bay đi nhưng không bao giờ mất dấu.

Những suy nghĩ, tư tưởng, cảm xúc của các văn nhân, thi sĩ đã viết xuống, những cuốn sách của họ đã in ra, để lại những dấu ấn nhạt nhòa nhưng vĩnh viễn trong tâm những ai đã đọc, cảm thông và đã chạm tay vào giấy mực với sự quý trọng.

 

 

Trần Mộng Tú

 

Viết sau ngày ra đi của Nguyễn Mộng Giác.(mồng 2 tháng 7 năm 2012)

 

(1)- God pours life into death and death into life without a drop being spilled

 (Author Unknown)

(2)Xử thế nhược đại mộng/Hồ vi lao kỳ sinh (thơ-Lý Bạch)

 Cuộc đời như giấc chiêm bao/Việc chi ta phải lao đao với đời (dịch-tmt)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 106683)
C hiến tranh đồng nghĩa với bom đạn, với súng gươm, với giết chóc, với gian lao, khổ ải, với tàn phá, hủy diệt, ... mà lại nói tới lãng mạn, hay dù hẹp hơn, tới thi ca lãng mạn là một điều hoàn toàn nghịch lý, khó có thể tưởng tượng được. Nhưng đối với những người Việt Nam đã từng sống trong cuộc chiến ba mươi năm vừa qua, đây lại là một sự thực, một sự thực có bằng chứng hẳn hoi mà người tìm hiểu khó có thể chối cãi.
22 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 167260)
t háng sáu tàn sen rụng rơi mang theo mùa hạ tím đẩy cánh diều bằng lăng lên không trung cao xanh thế làm sao ta biết được nhúm thẳm sâu le lói mặt đầm lầy
06 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 137208)
M ấy năm trước anh về em dẫn người yêu đến gặp anh Mấy năm sau anh về em đưa em bé đến chào anh Thời gian đi qua đi qua Anh với tuổi già ngồi lại
01 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 115167)
Theo nguôn tin từ RFI - Đầu tháng Tư vừa qua, có một sự kiện văn hóa quan trọng. Đó là tác phẩm "Biển và Chim bói cá " của nhà văn Bùi Ngọc Tấn được trao giải thưởng mang tên nhà văn Pháp chuyên viết về biển Henri Queffélec (1910 - 1992), nhằm tôn vinh những tác phẩm viết về biển trên thế giới.
27 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 135981)
đ ừng nhìn em như thế hãy để em ở cạnh anh theo cách của mình hãy để em yêu anh theo cách của mình ừ
27 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 120579)
N ăm đầu tiên Sài Gòn sập, tôi không nhớ được TV, Radio, và báo chí, có những gì nói những gì. Cả ngày quần quật, hết cái loa phường thét vào tai lại đến học tập chính trị ở trường, hội họp ở tổ dân phố và đi mít tinh (là cái gì cũng chưa hiểu hết). Ngoài đường thì vù vù xe Honda với băng đỏ trên cánh tay của bọn cách mạng 30, và cờ đỏ bán tràn lan tứ phía. Đêm về, cả nhà nhìn nhau lặng lẽ.
27 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 103916)
Mặt Trận Ở Sài Gòn’ sẽ tạo mối xúc động hay chú tâm cho những ai còn tha thiết tới số phận của Việt Nam. Nó cũng sẽ gây ngạc nhiên cho những ai ít hiểu biết về tâm trạng phức tạp của người dân miền Nam đối với cuộc chiến tranh mà cho đến nay vẫn còn để lại những hậu quả và ảnh hưởng trên số phận của họ.
26 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 92255)
Vì đấu tranh cho tự do tôn giáo và cho dân chủ, nhân quyền, Ngài đã bị nhà chức trách tống tù từ tháng 6 năm 1977. Đến năm 1982, Ngài cùng thân mẫu bị trục xuất về nguyên quán xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình để quản thúc. Mười năm sau Ngài trở vào Nam hoạt động công khai đòi duy trì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tháng 1 năm 1995 Ngài lại bị Công an thành phố HCM bắt giam, kết án 5 năm tù và 5 năm quản chế.
26 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 93340)
Mùa xuân năm 2012 này, nước Pháp chuẩn bị bầu Tổng thống mới, nhiệm kì năm năm của Tổng thống tại chức Nicolas Sarkozy sắp hết hạn. Trong một nước dân chủ, ai cũng có quyền ứng cử trong vòng đầu, từ dân quèn cho đến chánh trị gia lão luyện, kể cả Tổng thống sắp mãn nhiệm, miễn là * tin mình có cơ được bầu, hoặc * muốn lợi dụng thời gian quần chúng chú tâm nghe đề giãi bày tâm huyết và í hướng của mình. Sau đó, hai nhà nào được nhiều phiếu hơn mấy người kia thì mới ứng cử tiếp. Trong vòng thứ hai này, người được đa số phiếu, từ 50,1% trở lên, sẽ đăng quang, chánh thức đóng vai Tổng thống trong nhiệm kì sắp tới.
22 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 97236)
Nhiều nhà phê bình vẫn phàn nàn Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn không có tim hay không có lương tâm. Sao y có thể say mê tẩn mẩn tỉ mỉ về cái ác đến bệnh hoạn vậy? Tôi thực sự nghĩ rằng đó là vì tấm lòng và tình yêu cuộc sống quá lớn của ông! Trong tác phẩm mới nhất,  Vong bướm cũng thể hiện rất rõ điều ấy!