- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nguyễn Mộng Giác thức từ giấc mơ

18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 87923)

 

 

 nmgiac_thuctugiacmo-content

 

Thứ Hai ngày 9 tháng 7 năm 2012

 

A short night

 

wakes me from a dream

 

that seemed so long

 

Tôi thật sự muốn viết đôi dòng tưởng nhớ anh Nguyễn Mộng Giác nhưng ngày qua bốn ngày, vẫn không viết được gì. Nhớ rất nhiều chuyện. Nghĩ rất nhiều chuyện. Âm ỉ âm u.

 

Chợt mở sách. Một cuốn sách khá xưa tìm thấy. Trong tiệm sách Half Price Books ở Little Rock, Arkansas, lúc đó, anh Giác và tôi lựa mua vài cuốn sách on sale. Khi chia tay, anh bỏ quên lại. Hoặc anh đã đọc xong sau vài ngày thăm viếng chúng tôi ở một thành phố nhỏ vắng. Cuốn sách: Japanese Death Poems của Yoel Hoffmann. Tôi mở ra, đọc đúng dòng thơ cuả Yayu, viết trước khi qua đời.

 

Đêm ngắn

 

gọi tôi thức giấc mơ

 

hình như quá dài

 

Có lẽ tôi bắt đầu từ đây.

 

Không hiểu tôi nợ anh Giác hay anh Giác nợ tôi. Tôi nợ anh Giác đã mở cánh cửa văn chương cho tôi bước vào và anh Giác nợ tôi những rối rắm của văn chương mà tôi phải mang cho đến hết như giấc mơ hình như quá dài.

 

Tôi không phải là người trời sinh thích văn chương. Tôi thích sáng tạo. Sáng tạo làm cho tôi sung sướng. bất cứ là việc gì, dù tầm thường đến đâu, nếu để sáng tạo vào, tự dưng sẽ thú vị. sáng tạo trong văn chương nghệ thuật tạo ra cái hay cái đẹp nhưng xa vời như trăng ở trên cao. Trăng đẹp hay ánh trăng đẹp? Trăng của của người, trăng của tôi, khác nhau vô cùng. Trong khi sáng tạo trong khoa học thì như con voi. Cho dù mù vẫn rờ được. Cho dù nói sai vẫn là cái chổi, cái ống, cái quạt....Thử hỏi những người mù làm sao luận ánh trăng?

 

Vậy mà anh Giác đã đưa tôi vào chốn mơ hồ này, từ số 3 của tờ Văn Học Nghệ Thuật do anh và nhà văn Lê Tất Điều chủ trương từ Quân Cam California, thập niên 80. Từ đó tôi mãi ngụp lăn cho đến nay. Trong gần mười năm gần đây, tôi đã dụng công hầu hết khả năng sáng tạo vào việc sáng chế robots cho thị trường tiền tệ quốc tế. Nhưng vẫn không quên được cái nghiệp văn thơ sau những giờ căng thẳng của áp lực khoa học, tài chánh và người theo học. Dạy văn chương mà dở, học viên vẫn trở thành nhà văn nhà thơ. Dạy giao dịch tiền tệ mà sai, học viên sạt nghiệp. Nghệ thuật đã giúp tôi giải tỏa những áp lực của trách nhiệm và những thất bại của robots. Để vẫn tiếp tục có sung sướng khi sáng tạo các phương trình điện tử. Ở đây, tôi phải thật lòng cảm ơn anh Giác.

 

Chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Chỉ liên lạc bằng điện thoại vào cuối tuần. Thỉnh thoảng về Cali, bù khú với các anh Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Bá Trạc, Vũ Huy Quang, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Quốc Bảo, Khánh Trường, Nguyễn Mạnh Trinh, Bùi Vĩnh Phúc, Khế Iêm, Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Công Thiện, Mai Thảo ..... còn nhiều nhưng vượt qua trí nhớ. Tôi sang Cali thường ngủ lại nhà của anh Giác, lúc đó có luôn cả thấy Từ Mẫn, (bây giờ là anh Võ Thắng Tiết) và hai đứa con của anh.

 

Là một đêm trong cuối thập niên 80, tôi cùng Nguyễn Bá Trạc, Nguyễn Mộng Giác, Phạm Công Thiện, hình như có Nguyễn Xuân Hoàng... cùng nhau đến uống bia trong nhà đậu xe của anh Vũ Huy Quang. Trước là uống, sau là cãi. Về mục này thì anh Quang và Trạc là số một. Quá nửa đêm, trời về sáng, chúng tôi bắt đầu đóng tuồng, hát hò...Hội Nghị Diên Hồng. Anh Quang làm vua. Anh Trạc làm tướng. Tôi , anh Phạm Công Thiện và một anh nào nữa làm bô lão. Chúng tôi diễn tuồng này rất hào hứng. Quyết chiến, quyết chiến, mấy anh văn thơ la lên và lòng rất thoải mái.....Anh Nguyễn Mộng Giác như thường lệ, im im, cười cười, làm khán giả xem chúng tôi. Đêm đó vui. Nhớ hoài. Sáng hôm sau, đói meo. Xanh mướt vì mất ngủ và mất sức. Phải len lén đi về vì bà cụ của anh Vũ Huy Quang phải ra sân xối nước xối xả. Khai quá.

 

Anh Giác đến thăm vợ chồng chúng tôi và Little Rock trong những ngày cuối thu, năm chín mấy. lá vàng không còn nhiều. Trời xám đục suốt ngày. Thành phố nhỏ, không biết đi đâu. Anh em nằm nhà, uống trà, đấu hót. Anh Giác là người hiền hậu, trung thực, người Bình Định gọi là thàng. Anh có thể hoạt bát, tranh luận qua nhân vật. Có thể hung hăng qua vai những người gian ác nhưng bên ngoài anh là người ít nói, tư duy và thâm trầm. Tôi không thích thàng nên hay tranh cãi với anh. Lúc đó đời sống của đám di dân Việt ở Hoa Kỳ rất là tâm lý mặc cảm, cơm áo tranh đua, mưu kế phức tạp......thường là đối với người đồng hương. Tôi hỏi, nên chọn thái độ tử tế đối với hạng người này để chịu thiệt thòi hay chọn thái độ khôn ngoan ra tay trước. Anh Giác trả lời không suy nghĩ gì: Tử tế. Tôi không được như vậy. Tôi chỉ có thể tử tế với người tử tế. Tinh thần thiện ác của ông Friedrich Nietzche thể hiện qua Hồng Thất Công, tàn sát một kẻ ác là cứu nhiều người khác. Nhường nhịn một kẻ ác là thiệt hại cho nhiều người lương thiện. Tôi nghĩ như vậy. Với tinh thần đó, anh Giác đã sống những ngày tháng chật vật với những người lợi dụng anh nhiều phương diện, kể cả phương diện văn chương. Cùng một lúc, anh lại có những anh em chia đắng xẻ bùi trong những tháng ngày cô đơn cho đến khi vợ anh, chị Chi sang Mỹ. Từ lúc đó, tôi cũng ít làm phiền anh. Để anh có thời giờ cho một gia đình nối lại hạnh phúc muộn.

 

 

 

Ngọc Phụng, Ngu Yên, Nguyễn Mộng Giác, 1984

 

 

Mặc dù anh là người viết tiểu thuyết luận đề nhưng anh chia sẻ với tôi về những nhân vật trong các truyện của anh. Anh nói, nếu mình không yêu thương nhân vật nào thì đừng dựng nhân vật đó. Yêu thương ở đây có nghĩa tôn trọng và tử tế với nhân vật được dựng ra. Đôi lúc vì tôn trọng nhân vật anh lại đi ra xa chủ đề mà anh muốn xúc tác. Nói thật lòng, tôi không cho anh Giác là một chủ bút xuất sắc cho dù sự đời đã đưa đẩy anh làm chủ bút tờ Văn Học Nghệ Thuật rồi sang tờ Văn Học. Anh rất được những người nghiêm túc tin tưởng và kính trọng. Tuy nhiên vì bản tính "thầy giáo" của anh và quan niệm văn chương có truyền thống của anh đã khiến cho nhiều sáng tác góc cạnh, bùng nổ của một số giới trẻ đã không lọt vào sân chơi Văn Học. Văn Học là một nội và hình nối dài của Bách Khoa. Nhiều đêm tôi ngồi coi anh đánh máy, sữa lỗi chính tả. Lúc đó người viết tay và đánh máy chữ, chưa có computer. Anh làm việc rất mực chăm chỉ, cần cù. Hút thuốc liên miên và ăn cơm ngụi chan nước mắm ớt.

 

Có một điều nơi anh Giác, tôi rất muốn học mà không học được, đó là sụ tôn trọng dư luân. Những nghệ sĩ đồng hương huynh trưởng nổi danh của tôi ở hải ngoại, có nhà văn Võ Phiến và nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Người Bình Định, thật sự rất coi trọng mặc mũi. Ngày xưa dân xứ nẫu ít học nên xem việc khoa bảng là thanh danh. Mặc cảm không đủ văn hóa như các xứ khác, đã khiến cho người Bình Định rất quan tâm về lễ nghĩa, bề mặt bên ngoài và rất sợ dư luận. Tranh cải thì nhiều mà làm thì sợ hậu quả cho dù biết hậu quả đó tốt.

 

Phải nói nhà văn Võ Phiến là người rất e dè đối với dư luận nhưng ông có biệt tài là "lách" rất giỏi. Cứ đọc văn của ông là biết tài tránh né của ông đến mức Lăng Ba Vi Bộ. Ông không sợ dư luận nhưng xa lánh những phiền toái đó. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác rất tôn trọng dư luận nhưng ông cũng không hề sợ dư luận. Khi cần thiết để đương đầu với những dư luận chính trị cực đoan, những đầu óc ẩn núp bình phong và những tâm tình bị giựt dây, anh Giác cũng không run tay. Những bài viết trả lời của anh sâu sắc và thú vị tuy thiếu sự phản công mà giới hạn đúng tôn chỉ "đỡ đòn". Tôi là người bất cần dư luận từ gia đình, đời sống đến văn chương. Lòng sợ hãi sẽ thui chột sáng tạo. Trí sợ sai sẽ ngập ngừng sáng tác. Nếu chỉ vì sợ chi tiết nhỏ sai mà không dám viết một ý nghĩ lớn thì cầm viết để lựa sạn hay sao? Tất cả những tác phẩm triết học to lớn đều có nhiều sai lầm sau khi thời gian chứng minh nhưng những tác phẩm đó vẫn để đời. Có tác phẩm nào, tác giả danh tiếng nào mà không có sai lầm trong tác phẩm của họ? Kể cả kinh thánh? kinh Phật? kinh Koran? Tuy nhiên, bất cần dư luận không phải là thái độ bên ngoài mà là một trạng thái tâm lý. Những ngày còn trẻ tôi đã mắc phải lỗi lầm bày tỏ sự bất cần. Bây giờ nghĩ lại, mới hiểu, tôn trọng dư luận không có nghĩa là sợ. Lắng nghe dư luận không có nghĩa là bị ảnh hưởng. Cám ơn anh Giác.

 

Để cám ơn anh một cách tích cực, anh đã từng nói với tôi, lòng tử tế không chỉ nói cám ơn. Tôi sẽ "dịch" lại cuốn sách Japanese Death Poems. Những bài thơ cuối cùng của các nhà thơ, thiền sư, vương tôn .....viết trước khi qua đời. Người ta chết thường để lại di chúc hoặc lời trăn trối. Người Nhật trước khi vĩnh viển ra đi để lại bài thơ, vài câu thơ.

 

Nhà thơ Uko, nằm liệt trên giường bệnh lâu ngày. Rồi một hôm, chuẩn bị ra đi, ông viết:

 

The voice of the nightingale

 

makes me forget

 

my years

 

Tiếng hót Sơn ca

 

làm tôi quên

 

đời tôi

 

Những lời của Ngu Yên hôm nay cũng mong sẽ làm cho anh quên đi năm tháng gian trần để thức dậy sau một giấc mơ dài.

 

 

 

Ngu Yên

 

7.7.2012

 

 

(Nguồn: http://www.gio-o.com/NguYen.html)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 56319)
Con đường thơ của Nguyễn Lãm Thắng có nhiều bước chuyển. Sau “Điệp ngữ tình”, “Giấc mơ buổi sáng” (333 bài thơ thiếu nhi), anh thử nghiệm, gieo hạt giống thơ của mình vào thế trận khác: thế trận đời. Thế trận này đã đánh dấu tiếng nói riêng cho “họng đêm” [ *] trong hành trình sáng - tạo - thi ca của anh. Anh gần như đoạn tuyệt hẳn cái nhìn trong trẻo của “Điệp ngữ tình”, cái hồn nhiên thơ trẻ của “Giấc mơ buổi sáng” để ném vào “họng đêm” cái nhìn từ góc độ người mù và “có thể nói nhiều về điều không thể nói”.
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 65736)
Đ àn chim với những con Rose breasted màu nâu nhạt, ngực đỏ;con Western King with fledgling cũng màu nâu nhưng cái cái ngực vàng hườm; con Red headed woodpecker mình gọi là chim gõ kiến có cái đầu màu đỏ, con Indigo Bunting tròn như con sáo quê nhà, nhưng lại xanh biếc như da trời. Tất cả bọn chúng, mỗi buổi sáng, theo nhau về ríu rít trong vườn nhà tôi...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 54250)
N guyễn Phi Khanh sinh năm 1355 và mất năm 1428[1] (có thuyết nói ông sinh năm 1336, mất năm 1408[2]), quê ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Tây (có thuyết nói ông còn có quê thứ hai ở Chi Ngại, Chí Linh, Hải Dương). Ông tên thật là Nguyễn Ứng Long, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống võ tướng. Nhưng ông lại là người say mê văn chương...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 63411)
Tôi chìm vào một giấc mơ, giấc mơ có những sợi dây bé xíu đan vào nhau thành những mắt lưới. Tôi đi tìm một thế giới, nỗi đau oán thù bị xóa bỏ, chỉ còn tôi với thế giới ấy.
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 60109)
B ài này được viết theo lời yêu cầu của một số người trẻ trong đó nhiều người là sinh viên đại học nhằm bổ khuyết cho sự hiểu biết của anh chị em này nói riêng và giới trẻ Việt Nam nói chung về vị vua cuối cùng của Nhà Nguyễn nhân dịp 100 năm năm sinh của ông cũng như về một giai đoạn lịch sử có quá nhiều góc tối hay góc khuất, luôn cả oan khuất và cũng nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ 2013 ...
06 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 70224)
Bây giờ đã bước sang một ngày khác một ngày như và không như mọi ngày không còn nợ nần nào để tính sổ không còn niềm vui nào để cho đi hay giữ lại nỗi buồn...
11 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 93521)
Cuộc Họp Báo Nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền - 10/12/2012
10 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 90921)
S au hơn ba mươi năm kết thúc chiến tranh, những đề tài về chiến tranh dường như cũng biến mất trên văn đàn chính thống Việt Nam. Chúng đã đầu thai kiếp khác hoặc tìm cách trốn ra nước ngoài. Ngồi hong váy ướt, tập truyện mới nhất của Võ Thị Hảo hội đủ hai yếu tố: đầu thai kiếp khác mà vẫn phải chạy ra nước ngoài, tháng 7 năm 2012, tủ sách Thi Văn Hồng Lĩnh của Bùi Xuân Quang ở Paris, xuất bản.
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 94747)
Một trong những vấn nạn, nếu không phải nghi án, lịch sử cận đại còn gây nhiều tranh luận là vấn đề âm mưu ve vãn [flirtation] Cộng Sản Hà Nội của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm (1897-1963) trong hai năm 1962-1963. Nhiều học giả thế giới đã cố gắng đưa ra những giải thích về vấn đề này. Người cho rằng anh em họ Ngô không còn biết lý lẽ [no longer be rational] nữa trước áp lực Mỹ. (1) Người cho rằng họ Ngô chỉ muốn blackmail hay chơi một ván bài poker với Mỹ. (2) Người cho rằng họ Ngô thực sự muốn nói chuyện với miền Bắc, (3) và nếu không có cuộc đảo chính 1/11/1963, Cộng Sản đã chiếm miền Nam vào cuối năm 1963.
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 93446)
Cuối năm 1961, đầu năm 1962, các viên chức VNCH liên tục thúc dục Pháp can thiệp và yểm trợ. Ngày 21/12/1961, Đại sứ Phạm Khắc Hy gửi thư cho Charles Lucet, ngỏ ý muốn liên lạc với Pháp. Hơn nửa tháng sau, ngày 7/1/1962, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu gặp đại diện Pháp, xác nhận ý muốn liên lạc. Trương Vĩnh Lễ, Chủ tịch Quốc Hội, cũng tiết lộ với giới ngoại giao Pháp ở Sài Gòn là Nhu muốn Pháp tái khẳng định lập trường, vì Sài Gòn có cảm tưởng Paris đang nghiêng dần về phía Hà Nội.( 152)