- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Trần Lê Hoa Tranh chuyện trò với Nhà văn/nhà báo Trùng Dương

18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 47625)

Lời toà soạn: Mùa thu năm rồi, dưới sự bảo trợ của chương trình học bổng Fulbright của Hoa Kỳ,Giáo sư Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP-HCM/Sàigòn, đã có mặt tại Hoa Kỳ để thu thập chất liệu cho dự án nghiên cứu về các nhà văn nữ Việt tại hải ngoại. Trong dịp này, chị đã có dịp tiếp xúc với nhà văn/nhà báo Trùng Dương, cũng là một thành viên Fulbright của niên khoá 1990-91, và là một trong năm nhà văn nữ nổi tiếng nhất của nền văn học Miền Nam 1954-1975. Sau đây là cuộc nói chuyện giữa hai thế hệ văn học từ hai môi trường khác biệt, mà nhà văn Trùng Dương đã, với sự đồng ý của người phỏng vấn, dành cho tạp chí Hợp Lưu độc quyền phổ biến. Lẽ ra cuộc nói chuyện đã gồm cả những câu hỏi của Trùng Dương dành cho Trần Lê Hoa Tranh, song vì những lý do riêng, Hoa Tranh cho biết chưa tiện đáp ứng lúc này.

hoatranh_trungduong-content

Trùng Dương, mặt, và Trần Lê Hoa Tranh tại quán cà phê Gypsy ở Little Saigon

thuộc thành phố Westminster, California, tháng 2-2011. (Ảnh tư liệu Trùng Dương)

Câu hỏi dành cho nhà văn/nhà báo Trùng Dương
Người phỏng vấn: Trần Lê Hoa Tranh

Hỏi-1. Giới thiệu về quá trình cầm bút và các tác phẩm.

Đáp-1. Tên khai sinh là Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1944 tại Sơn Tây, di cư và lớn lên tại Miền Nam từ 1954. Nguyên là chủ nhiệm-chủ bút nhật báo Sóng Thần (Saigòn, 1971-75), và là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài, biên khảo, phóng sự, minh hoạ, và một vở kịch ba màn, Các Con Tôi Đã Về (1978). Tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ từ 1975. Trở lại trường học và tốt nghiệp cử nhân và cao học ngành báo chí, công quyền và các vấn đề quốc tế, Đại học Tiểu Bang California, Sacramento. Fulbright Fellow, niên khoá 1990-91 tại Hong Kong, nghiên cứu về các vùng kinh tế đặc biệt (special economic zones) của Trung Cộng trước khi nước này mở tung mọi cửa ngõ đón nhận nền kinh tế thị trường. Từ 1991-93, phóng viên cho tờ The Mountain Democrat, Placerville, Calif.; sau đó về cộng tác với nhật báo The Record, Stockton, Calif., làm copy editor rồi trưởng thư viện tin tức (chief news librarian, archivist & researcher) từ 1993 tới khi về hưu năm 2006.

Các tác phẩm văn chương đã xuất bản trước 1975: Văn xuôi: Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn, tập truyện (Khai Trí, 1966); Mưa Không Ướt Đất, tập truyện (Văn, 1967); Cơn Hồng Thủy và Bông Hoa Quỳ (Trình Bầy, 1968); Chung Cư, tập truyện (Tân Văn, 1971); Một Cuộc Tình, tập truyện (Tân Văn, 1972); Lập Đông, tập truyện (Văn, 1972); Thành Trì Cuối Cùng, truyện dài (đăng từng kỳ trên nhật báo Thần Phong, Saigòn, khoảng 1970-71, chưa in thành sách); Những Người Ở Lại, truyện dài (đăng từng kỳ trên nhật báo Sóng Thần, 1973, chưa in thành sách). Văn dịch: The Prophet (dịch Kahlil Gibran, đăng rải rác trong một số tạp chí, 1968-70); Ngàn Cánh Hạc (dịch Kawabata Yasunari, Trình Bầy, 1969); Đường Về Trùng Khánh (dịch Han Suyin, chung với Hồ Hải Nguyễn Vũ Thiện, không nhớ tên nhà xuất bản, khoảng 1970); Người Đàn Bà Trong Cồn Cát (dịch Kobo Abe, An Tiêm, 1971). Sinh hoạt điện ảnh: Giám đốc sản xuất phim Yêu, dựa vào cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chu Tử, Đỗ Tiến Đức đạo diễn, 1973; viết truyện phim và phụ tá đạo diễn phim Gió Thoảng Cuộc Đời, Nguyễn Ngọc Liên đạo diễn, Cosunam Films sản xuất, 1975.

Từ sau 1975, viết nhiều thể loại và đăng báo, nhưng chưa xuất bản thành sách.

H-2. Quan niệm của cô về nghề báo.

Đ-2. Nghề báo đòi hỏi người cầm bút tôn trọng sự chính xác và khách quan. Đọc càng nhiều càng tốt, để trau giồi và mở rộng kiến thức. Nếu có một căn bản giáo dục về báo chí cấp đại học (formal training) thì tốt nhất. Ở Việt Nam các bạn trẻ thích nghề báo nên có khả năng về một ngoại ngữ, Anh văn chẳng hạn. Theo tôi, vì báo chí nặng về thông tin, có tính cách quần chúng, nên người làm báo lại càng cần phải thận trọng hơn. Tất nhiên vẫn có những nhà báo thuộc loại hành động (activist journalist), dù vậy, vẫn cần phải tôn trọng dữ kiện, không nên bịa đặt hoặc bóp méo vì như vậy chỉ làm hư đi cái mục tiêu mình dùng ngòi bút để phục vụ, vun sới, và ảnh hưởng bất lợi tới tư cách nghề nghiệp của mình. Ngoài khả năng săn tin, phỏng vấn, viết bài, một khả năng tìm kiếm tài liệu (research) là điều tối cần. Ngày nay với kỹ thuật Internet, điều này đã trở nên khá dễ dàng. Tuy nhiên, dùng tài liệu trên Internet cũng phải thận trọng và biết cách thẩm định tính chính xác của loại tài liệu này nữa (có nhiều Web sites của một số trường đại học Mỹ có các hướng dẫn về làm thế nào để thẩm định tính chất khả tín của các Web sites).

H-3. Quan niệm của cô về văn chương.

Đ-3. Cái chính là có tài và khả năng rung động được người đọc, và cái sau này không dễ mà có được. Người sáng tác văn chương không nhất thiết phải theo sát dữ kiện, trừ phi truyện dựa vào một bối cảnh lịch sử mà nhiều người đã quen thuộc với, hoặc nếu không quen thuộc song đã hiện hữu qua sách vở, tài liệu, nhân chứng ở ngoài nước. Tác giả có thể dựng nên những nhân vật hoàn toàn tưởng tượng trong một bối cảnh lịch sử có thật, và phải tôn trọng sự chính xác của giai đọan lịch sử đó. Lấy một tỉ dụ: phim Titanic dựa vào một biến cố có thật, xẩy ra vào tháng 4, 1912, nhưng câu chuyện tình đã làm rơi nước mắt của nhiều người thực ra là một chuyện do óc tưởng tượng của nhà viết truyện phim. Cũng vậy là hai nhân vật do tưởng tượng mà ra, Scarlett O’Hara và Rhett Butler, trong Gone with the Wind, một cuốn tiểu thuyết của nữ sĩ Margaret Mitchell với bối cảnh về cuộc Nội Chiến của Hoa Kỳ mà các chi tiết lịch sử chính xác không sử gia Mỹ nào có thể tranh biện được. Người làm văn chương, cũng như người viết báo, cũng cần đọc nhiều, đặc biệt sách của các tác giả ngoại quốc, qua nguyên tác hoặc sách dịch.

H-4. Cô thích nghề báo hay nghề văn?

Đ-4. Tôi thích cả hai, và trong trường hợp của tôi, chúng bổ sung cho nhau. Mặc dù về sau này tôi nghiêng về báo chí nhiều hơn. Đọc cũng vậy, trừ phi là sáng tác, hay phim truyện, có giá trị nhân bản và nghệ thuật. Tôi thích lối văn trong sáng, giản dị, và đi-thẳng-vào-vấn-đề (to the point) của báo chí, đặc biệt báo chí Mỹ mà tôi chịu nhiều ảnh hưởng. Khi đọc, tôi cũng thường để ý tới, ngoài nội dung, là lối viết, bố cục và cách dùng chữ. Hình ảnh sử dụng với các bài báo cũng cần được chú thích trung thực, có xuất xứ hẳn hoi, tránh sử dụng PhotoShop hay những software có thể làm thay đổi nội dung hay bố cục của hình. Riêng về phương diện hình ảnh, trên Internet cũng không thiếu những cẩm nang cho các phóng viên và chủ bút nhiếp ảnh về việc sử dụng hình ảnh.

H-5. Cô thường quan tâm đến những đề tài gì trong sáng tác của mình?

Đ-5. Nếu nói tới sáng tác thì bất cứ đề tài gì làm mình rung động. Còn khi viết bài cho báo, khi chọn đề tài tôi thường nghĩ tới độc giả trước, với câu hỏi: liệu bài này có giúp cho người đọc có thêm kiến thức hay hiểu biết gì không, hay chỉ làm mất thì giờ của mình cũng như của họ? Nói chung, tôi thích nhiều loại đề tài, do ảnh hưởng của báo chí, và bởi câu nói đã trở thành châm ngôn cho người làm báo: làm báo phải như con dao pha, nghĩa là đề tài nào cũng khai thác được, vấn đề là biết cách khai thác. Tôi còn nhớ mãi một lần ở tòa soạn Sóng Thần ở Sàigòn trước 1975, một anh phóng viên trẻ đi dự phiên họp thường ngày ở Quốc Hội về, anh tổng thư ký hỏi có bài không, thì anh phóng viên trả lời là chẳng có gì để viết. Anh tổng thư ký liền bảo: “Thì viết về cái không-có-gì-để-viết đó!” Điều đó không có nghĩa là bịa chuyện ra mà viết đâu. Đọc báo Mỹ tôi gặp nhiều loại tường thuật về những cái không-có-gì-để-tường-thuật đó. Một thí dụ điển hình là bức ảnh của Associated Press được luân lưu trên Internet ghi lại hình ảnh vài dân biểu chơi trò Solitary trên laptop của mình trong một cuộc họp tranh biện về chương trình y tế tại Quốc Hội Hoa Kỳ vào năm 2009, một thứ chuyện bên lề, nhưng có tầm quan trọng của nó: dân biểu do dân tín nhiệm bầu lên, lương do tiền dân đóng thuế, đi họp Quốc hội mà ngồi chơi video game thay vì theo giõi cuộc tranh biện. Một nữ dân biểu trong bức hình đó sau phải viết thư xin lỗi cử tri về thái độ tắc trách của mình.

Có đề tài nào mà tôi không hay chưa khai thác thì thường tại mình không hay chưa đủ kiến thức và khả năng đấy thôi, hoặc thế, hoặc chưa tìm được góc cạnh khác với các góc cạnh đã được khai thác của những người khác đối với một đề tài đang nổi tiếng và được nhiều người bàn tán. Lấy một tỉ dụ, vụ 33 người thợ mỏ ở Chile bị kẹt dưới lòng đất trên hai tháng vào cuối năm 2010, đã có nhiều người theo giõi và viết bài tường tuật. Tôi không định viết gì cho tới khi tình cờ đọc được một bài báo trên tờ The Wall Street Journal trong khi chờ máy bay ở một phi trường. Bài báo viết về việc những người thợ mỏ khi còn ở dưới đất đã được chỉ dẫn và huấn luyện mỗi ngày một tiếng để đối phó với giới báo chí truyền thông ra sao, đã đồng ý với nhau thành lập một hiệp hội để một giọng nói đứng ra điều đình bản quyền sách và phim về kinh nghiệm của chung của mọi người, và ký kết tôn trọng lời cam kết là sẽ không xé lẻ, vv. Tôi quyết định viết về những người thợ mỏ từ cái góc cạnh (angle) này, sau khi tìm hiểu và nghiên cứu thêm. Khi tôi cho một vài người đọc bài đó, họ mới chợt nhận ra, “Thảo nào mà tự dưng mình không còn nghe biết gì về những người thợ mỏ này nữa! Ra thế. Họ đòan kết hay thật thì thôi. Cứ tưởng là báo chí vô tình.” Cũng vậy là bài viết về hiện tượng văn học Millennium Trilogy của cố tác giả Thụy Điển Stieg Larsson mà rất nhiều nhà văn nhà báo Anh và Mỹ đã viết, mặc dù chưa có người viết tiếng Việt nào khai thác. Vì Stieg Larsson hay tự nhận mình là người hỗ trợ nữ quyền (feminist), nên tôi chú trọng vào các nhân vật nữ trong truyện của ông, và đặc biệt người bạn đời duy nhất suốt trên ba thập niên của ông, người đã không được hưởng tí gì cái gia tài đồ sộ mà bộ sách Trilogy đem lại vì sự vô ý của Larsson khi còn sinh tiền.

Ngoài ra, khi đối tượng độc giả của tôi là người Việt, tôi sẽ viết cách khác, và khi là người Mỹ, kể cả khi đó là các con tôi lớn lên bên này, tôi viết cách khác. Gần đây, tôi còn nhận ra một điều, khi đọc một bài của một nhà văn Úc gốc Việt và có lúc chợt thắc mắc không biết anh ta đang viết cho người Việt ở hải ngoại hay người Việt trong nước, đó là độc gỉả tiếng Việt cũng có những độc giả khác nhau ở mỗi địa dư. Tóm lại, khi viết, không những mình phải gắng đặt đề tài của mình vào một bối cảnh (tạm dịch từ chữ “scope”, nghĩa là cung cấp các dữ kiện liên hệ cho bài viết có chiều sâu và rộng), mà còn phải quan tâm đến cái môi trường trí thức (intellectual environment) của người đọc nữa.

H-6. Cô nhận xét mình viết với kỹ thuật viết truyền thống hay cách tân?

Đ-6. Kỹ thuật nào giúp mình truyền đạt được điều mình muốn truyền đạt đều tốt. Vấn đề là viết có hay, hay không. Tôi có một chủ trương hơi cổ điển, đúng ra là một lời khuyên cho những người trẻ muốn bước vào con đường làm văn học nghệ thuật: học cho thật thấm nhuần mọi nguyên tắc căn bản, rồi phá chúng và thoát ra, tìm lấy đường đi của riêng mình. Tóm lại, đừng định đi ngang về tắt. Trong văn học nghệ thuật, không có shortcuts (đường tắt).

H-7. Khuynh hướng sáng tác/tác giả nào ảnh hưởng đến cô nhất?

Đ-7. Ngày còn bé, tôi nhớ có đọc (giấu, vì gia đình cấm) những tác phẩm của các tác giả tiền chiến, đặc biệt của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Khi mới lớn và chập chững cầm bút, tôi chịu ảnh hưởng của các tác giả hiện sinh, đặc biệt của Albert Camus, song song với ảnh hưởng của nhóm Nhân văn Giai phẩm ngoài Bắc các năm giữa thập niên 1950 -- một ảnh hưởng khá sâu đậm. Ảnh hưởng quan trọng nhất vẫn là không khí tự do ở Miền Nam trước 1975 đã tạo cơ hội cho nhiều luồng tư tưởng, khuynh hướng văn chương thế gìới tràn vào ảnh hưởng tới suy tư và các sinh hoạt văn học nghệ thuật của thế hệ tôi dạo ấy, đặc biệt của nữ giới.

H-8. Vấn đề hội nhập ở Mỹ và gìn giữ truyền thống Á Đông có mâu thuẫn trong tư tưởng/sáng tác của cô? Tại sao cô chọn viết bằng tiếng Việt?

Đ-8. Không có trở ngại gì, vì tôi đã chịu ảnh hưởng tinh thần phóng khoáng của Tây phương, đặc biệt của Pháp và sau này của Mỹ, từ trước khi rời Việt Nam, mặc dù hồi còn đi học tôi học chương trình Việt. Tôi chọn viết bằng tiếng Việt vì muốn tiếp tục duy trì một ngôn ngữ mà mình đã có một căn bản vững chắc, sau một thời gian sống ở Mỹ và quen thuộc với Anh ngữ, và nhận thấy mình bắt đầu quên nhiều chữ Việt. Tôi chỉ tiếc đã không làm được như vậy với khả năng Pháp ngữ của mình, để bây giờ nó han rỉ mất rồi. Với tôi, ngôn ngữ chỉ là một phương tiện. Cũng vậy là văn học nghệ thuật.

H-9. Phụ nữ gặp khó khăn gì trong việc viết văn?

Đ-9. Nếu có gia đình, nhất là con cái vốn đòi hỏi nhiều thì giờ và quan tâm của mình, ảnh hưởng rất đáng kể, có khi đòi hỏi một hy sinh lớn, đặc biệt trong việc sáng tác vốn rất đòi hỏi.

H-10. Ngoài việc viết lách, cô còn làm thêm nghề nào nữa không?

Đ-10. Tôi không bao giờ, sau vài lần kinh nghiệm, chủ trương kiếm sống bằng nghề viết văn, nhất là sáng tác, và có cái may mắn còn tiếp tục duy trì được chủ trương này. Ngay cả khi viết báo để kiếm sống, với tôi cũng là một vấn đề. Do đó mà khi có cơ hội trông coi cái văn khố của thư viện của tờ báo Mỹ tôi cộng tác để khỏi phải viết báo kiếm sống, tôi không ngần ngại nắm lấy, để chỉ viết khi mình muốn, thay vì bị áp lực của nghề. Nhiều người chỉ viết được khi bị áp lực, có deadline. Tôi là người chịu áp lực rất dở, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi không bao giờ hài lòng với bản viết đầu tiên, hay thứ hai, ba, mà có tật sửa tới sửa lui, thêm chỗ này, bớt chỗ kia.

H-11. Cô nghĩ thế nào về những nhà văn VN thế hệ 1.5, thế hệ 2 viết văn ở Mỹ?

Đ-11. Họ rất may mắn lớn lên trong một xã hội tự do và có nhiều cơ hội để học hỏi và phát triển. Về phương diện văn chương, họ nắm rất vững cách viết, nhờ ảnh hưởng của giáo dục bậc đại học. Phần lớn, theo nhận xét của tôi, họ sáng tác như một nghề tay trái, trong khi sinh hoạt trong những ngành nghề khác. Một số ít thì viết báo hoặc sinh hoạt trong ngành báo như một nghề chính để sinh sống, trong khi nuôi dưỡng vài đề tài sáng tác nào đó, như nhiều nhà báo Mỹ. Tuy vậy, theo tôi, trong việc sáng tác, họ cũng gặp phải một số vấn đề, mà nổi bật có lẽ là cái mà tôi tạm gọi là “căn cước văn chương”: họ nên viết như một nhà văn Mỹ và khai thác những đề tài của xã hội Mỹ, hay như một nhà văn Mỹ gốc Việt và chuyên mục vào những đề tài loại “căn cước thiểu số”, tạm dịch từ “ethnic identity”. Các đây vài năm, tôi có đọc một bài điểm sách (đúng ra là một tiểu luận) khá thú vị, của một nhà báo Anh gốc Kashmir, Hari Kunzru, về tập truyện The Boat của tác giả trẻ Úc gốc Việt, Nam Le, đăng trên The New York Times. Kunzru có nêu lên một vần đề, mặc dù không nói thẳng ra: nên hay không nên đi vào cái gọi là “văn chương thiểu số” (ethnic literature) mà một nhân vật của Nam Le gọi là “a license to bore” (chứng chỉ làm nản người đọc) trong khi các bạn của anh ta thì cho đây là loại đề tài “nóng”. Tôi nghĩ tới một thành ngữ của Mỹ, “You’re damned if you do and you’re damned if you don’t.” Nếu chỉ khai thác đề tài dựa vào kinh nhgiệm di dân tị nạn của mình, có thể bị mang tiếng là không có khả năng khai thác những đề tài của dòng chính (main stream), e sẽ mãi đứng bên lề. Mà khai thác những chuyện thuộc dòng chính, thì có người sẽ thắc mắc sao không viết về kinh nghiệm bản thân, vv. Một sự trăn trở… thú vị. Tuy nhiên, tác giả Nam Le đã có vẻ vượt lên được sự trăn trở đó, vì qua tập truyện ngắn The Boat, anh đã đưa độc giả đi khắp nơi, thăm thú những mảnh đời bên ngoài cũng như trong dòng chính, với một lối viết trong sáng, lưu loát của một người có tài kể chuyện.

H-12. Được biết con gái cô cũng là một nhà văn thế hệ 1.5, nhà văn, nhạc sĩ Dao Strom, cô có định hướng gì cho con gái mình? Cô nhận xét thế nào về khả năng của con gái mình?

Đ-12. Tôi không hề có, và cũng không cho phép mình đưa ra một định hướng nào về văn học nghệ thuật của các con hết, kể cả việc ảnh hưởng chúng về tôn giáo hay chính trị. Từ khi chúng còn nhỏ đã vậy. Trong việc giáo dục con cái, tôi chú trọng vào việc làm sao chúng sống cho ra con người, chân thực, nhân hậu và hữu ích, với mình, gia đình và xã hội, có nhận thì phải có cho lại, nghĩa là phải biết biết vả trả ơn. Các con tôi đứa nào cũng rất thực thà, tới độ có lúc tôi phải kêu lên là tại sao các con không có một chút “giao tế nhân sự” gì hết, thì chúng cười bảo tôi là mẹ đã dậy “yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét” mà lại. Có một thời gian khoảng vài năm, khi các con tôi còn nhỏ, gia đình tôi sống trên rừng, không có truyền hình, không có rạp hát bóng gần nhà. Hồi ấy đã hẳn là chưa có Internet. Trò giải trí duy nhất là hàng tuần mẹ con chất nhau lên xe đến thư viện cách nhà trên chục miles và mượn về một đống sách để đọc. Thấy tôi viết và vẽ thì tụi nhỏ cũng đứa viết, đứa vẽ. Khi vào đại học, cháu Dao chọn ngành điện ảnh, chuyên về đạo diễn. Rồi chuyển sang sáng tác sau khi đoạt vài giải thưởng văn chương và được chọn vào chương trình Writers’ Workshop của Đại học Iowa. Cháu viết rất vững vàng, nhưng lại chỉ thích chuyên về sáng tác. Tôi thỉnh thoảng vẫn phải nhờ nó edit bài viết bằng Anh ngữ của tôi, hoặc hỏi ý kiến về một bài viết nào đó, nhất là về bố cục, rằng nó có nhận ra điều tôi muốn truyền đạt, vv. Có lần tôi đề nghị nó xin chân copy editor tại một tờ báo trong khi viết văn như một nghề tay trái, cho đời sống vật chất đỡ vất vả; nhưng khác với tôi, nó không thích sinh hoạt báo chí, cho là cũng đầy không khí bon chen giống như bên điện ảnh. Tôi thích lyrics của vài bài hát của cháu, có nhiều chất thơ và chiều sâu. Về nhạc – nó tự dậy lấy mình --, tôi không có ý kiến vì không biết gì về âm nhạc.

H-13. Cô có hay đọc văn học trong nước không? Cô quan tâm đến tác giả, tác phẩm nào? Cô có liên hệ nào với các nhà văn VN trong nước hoặc ngoài nước Mỹ không?

Đ-13. Có một dạo, lâu rồi, vì nhu cầu cần tìm hiểu và “thấm nhuần” ngôn ngữ đối thoại của dân theo đạo Thiên Chúa tại một làng quê ở Bắc vào cuối thập niên 1950 tới đầu thập niên 1980 khi ngôn ngữ của họ chịu ảnh hưởng của đời sống duới chế độ cộng sản, tôi đọc một số tiểu thuyết trong nước có bối cảnh làng quê. Một trong những cuốn truyện tôi còn nhớ, đó là cuốn Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, mà tôi cho là rất sống động. Và đã hẳn là đọc nhiều tác phẩm trong dòng văn chương gọi là phản kháng trong nước. Về sau này tôi ít đọc sách trong nước, nhất là loại biên khảo, đặc biệt là biên khảo về văn học, vì thấy nhiều tác giả chưa thoát được ra khỏi các công thức chỉ đạo, từ cách suy nghĩ cho tới chữ dùng. Tôi có liên lạc với một số nhà văn trong nước, nhưng cũng hạn chế, vì ngại mình viết hay nói điều gì có thể liên lụy tới họ để phải ân hận. Tôi cũng hy vọng những trả lời thẳng thắn của tôi ở đây không gây một ảnh hưởng bất lợi nào đối với người phỏng vấn tôi.

H-14. Nhìn về văn học VN tại Mỹ, cô bi quan hay lạc quan?

Đ-14. Tôi không bi quan cũng chẳng lạc quan, mà một cách khách quan, đặc biệt với sự phát triển của kỹ thuật Internet, tôi thấy văn học Việt tại Mỹ có nhiều triển vọng vì bây giờ chúng ta không còn bị lệ thuộc vào vấn đề tốn kém in ấn, và đặc biệt là phát hành. Cũng như với tự do và dân chủ, người cầm bút sẽ làm gì với những điều kiện thuận tiện đó, và khi cầm bút không còn là đặc quyền đặc lợi của một số người thuộc tầng lớp được ưu đãi (privileged) nữa. Thế hệ của tôi, cái thế hệ buộc phải ổn định đời sống cho mình và gia đình sau chuyến đổi đời 1975 (mặc dù một số người vẫn tiếp tục sáng tác và một số khác đã tạo được một sinh hoạt báo chí khá phong phú), thế hệ đó thì coi như đã hoặc gần xong rồi. Còn lại là thế hệ 1.5 và 2 mà theo tôi họ có đời sống của họ và rất nhiều chọn lựa. Họ biết họ muốn gì, làm gì.

H-15. Theo cô, văn học VN tại Mỹ cần có những yếu tố gì để phát triển?

Đ-15. Câu trả lời như trên.

H-16. Cô đánh giá thế nào về ngôn ngữ của văn học VN tại Mỹ? có sự phát triển gì không?

Đ-16. Tôi nhớ có lần một người bạn đi Pháp về kể với tôi là anh ta có dịp ghé thăm một làng Việt Nam ở bên đó gồm những gia đình có người thân đi lính thợ cho Pháp nên khi Pháp rút về nước vào năm 1954-55, họ đi theo về Pháp, sống thành làng riêng biệt và còn giữ được giọng nói tiếng Việt của thời đó. Tôi nghĩ người Việt hải ngoại cũng ở trong trường hợp hơi tương tự, nghĩa là còn giữ được giọng nói của lúc ra đi, nhất là những người đi vào hồi 1975, pha vào đó là những danh từ đặc thù của kinh nghiệm di dân lập nghiệp, bên cạnh một số danh từ của sinh ngữ nơi mình định cư. Thứ ngôn ngữ ấy đương nhiên phản ảnh qua sáng tác và các phương tiện truyền thông, khiến ngôn ngữ Việt thêm phong phú. Ngôn ngữ phản ảnh con người và môi trường trong đó mình sinh hoạt.

H-17. Theo cô, những thành tựu chính của văn học hải ngoại tại Mỹ là gì?

Đ-17. Xin xem trả lời số 18 bên dưới.

H-18. Có ý kiến cho rằng: văn học VN hải ngoại, nhất là ở Mỹ gần như là một sự nối dài văn học miền Nam trước 1975 (Nguyễn Thanh Sơn), theo cô thì thế nào?

Đ-18. Tôi không biết ông Nguyễn Thanh Sơn có ý gì khi dùng chữ “nối dài”, song theo nhận xét của tôi, nếu là “nối dài” thì đây là sự nối dài cần thiết sau khi người cộng sản đã đốt hết sách vở và các sản phẩm văn học nghệ thuật của Miền Nam trong cơn say chiến thắng điên cuồng vào năm 1975. Gần đây tôi có dịp tiếp xúc với một nhà thơ trẻ trong nước, ra đời sau 1975 và đã hẳn là lớn lên trong lòng chế độ, và khi biết cậu ta “chỉ thích đọc văn học Miền Nam thôi”, tôi có hỏi tại sao, thì cậu trả lời rất gọn, rằng, “Vì ở đó có sự thật”. Câu trả lời đơn sơ đó đã khiến tôi xúc động. Tôi cũng vui khi thấy giới trẻ trong nước hiện có nhu cầu tìm hiểu về một giai đọan văn học nghệ thuật của Miền Nam vào các năm 1954-1975. Đây có thể nói là giai đoạn sung mãn thứ hai mà văn học sử của ta có được. Giai đoạn đầu là cuối thập niên 1920 tới đầu thập niên 1940, mà ta quen gọi là văn học thời tiền chiến, đặc biệt với sự xuất hiện của nhóm Tự Lực Văn Đoàn và nhiều tác giả khác bên ngoài nhóm này. Gần đây có người chuyển cho cái Web link eBook của nhà văn Vũ Trọng Phụng, tôi không khỏi ngạc nhiên trước một thư mục khá đồ sộ của ông, vì từ hồi nào tới giờ tôi chỉ biết có những Số Đỏ, Làm Đĩ, Kỹ nghệ lấy Tây, vv. mà thôi. Có người tiên đoán sẽ có một giai đoạn văn học rộ nở thứ ba trong một thời gian tới.

H-19. Theo đánh giá cá nhân cô, cô có cho rằng văn học VN ở Mỹ đã đóng góp một phần vào toàn cảnh bức tranh văn học Mỹ hiện nay? (part of American Literature), so sánh với văn học di dân các nước khác (Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc… tại Mỹ), Văn học VN có thua kém gì không?

Đ-19. Nước Mỹ là một nước có một truyền thống và lịch sử di dân. Người Việt chỉ mới có mặt tại Mỹ trên ba thập niên nay, vừa đủ thời gian để ổn định đời sống. Thế hệ con cháu của họ, những người có khuynh hướng văn học, đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp vào nền văn học của Hoa Kỳ, chắc chắn như thế. Và chắc chắn họ sẽ cần chất liệu để làm việc đó. Hiện một số thân hữu và tôi đang làm cái việc xây dựng một văn khố về lịch sử di dân của người Mỹ gốc Việt, để thế hệ trẻ có thể vào đó nghiên cứu và sưu tầm về gốc gác cha ông mình -- họ từ đâu đến, tại sao phải ra đi, ra đi như thế nào, kinh nghiệm lập nghiệp ra sao. Văn khố này sẽ được đưa vào các thư viện online của một số trường đại học tại Mỹ cho mọi người cùng tham khảo. Để thực hiện một phần của văn khố này, chúng tôi đã nhận được sự bảo trợ rất đặc biệt của Liên hội Sinh Viên Việt Nam tại Bắc Mỹ (gồm 119 trường đại học ở Mỹ và Canada), bên cạnh sự giúp đỡ của một số trường đại học Mỹ cùng nhiều cá nhân, đoàn thể khác. Tóm lại đây là một dự án hoàn toàn tư nhân.

Xin cám ơn Hoa Tranh đã cho tôi cơ hội trao đổi những kinh nhgiệm cầm bút của mình. Chúc may mắn, thành công trong dự án sách về các nhà văn nữ Việt hải ngoại. (TD, 04/2011)

Ghi chú:

Một số bài viết của Trùng Dương hiện có tại:

http://www.hopluu.net/D_1-2_2-44_10-92_12-1/

http://damau.org/archives/author/trungduong

http://tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=88

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 50529)
Ô ng Giản nhớ lại, năm ngoái chính vợ ông cũng đã nằm ở đây trong chiếc quan tài để người ta đưa ra cánh đồng, ông đưa tiễn vợ ra tận nghĩa trang. Ông thì thầm với vợ rồi cũng có ngày tôi sẽ nằm đây để người ta đưa ra với bà, bà đi trước tôi đợi tôi nhé! Bây giờ thì chính ông đang nằm đây, chỉ có khác vợ ở chỗ ông chưa chết nên chưa được nằm trong quan tài.
21 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 44475)
A nh đi rồi còn ai vuốt tóc Lời tình thơm sách vở học trò Đêm xuống rồi em buồn không hở Trời xa mù tầm tay với âu lo…
18 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 46743)
V ậy hôm nay anh thấy gì Thấy những tay lưu manh ở diễn đàn Asia chơi trò súc vật Làm những người hiền lành phải tránh xa
18 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 41092)
T heo văn phong cải lương của Khổng tử thì hôn nhân là “The River of no-return”, đạo đức như tớ thì đời vợ chồng là “thánh giá Chúa gửi ,” vì như lời thánh kinh đã nói: “ Này ta bảo thật các con: những gã đực rựa nào vừa đi làm đổ mồ hôi lấy tiền nuôi gia đình, vừa nhẫn nhục sống trong cảnh vợ chúa chồng tôi, thì dù có bay bướm chút đỉnh, nước Thiên Đàng vẫn chính là của họ.”
18 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 43187)
luôn đi ngủ khi mặt trời thức dậy sao tôi có thể yêu đêm đến độ phải ruồng rẫy vừng hồng bình minh lên từ đâu trong tôi mọc một nhành đêm rất trắng
16 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 53320)
B ài viết này cố gắng xuyên suốt qua những màn hỏa mù tuyên truyền, tái dựng lại “bài học Đặng Tiểu Bình” dưới ánh sáng lịch sử và luật học. Nguồn tư liệu cơ bản của chúng tôi là tư liệu văn khố Mỹ, Pháp, Nga, Trung Hoa và Việt Nam thu thập hơn 30 năm qua—kể cả tư liệu kho Châu Bản nhà Nguyễn, chuyến thăm viếng vài trận địa cũ trong năm 2004-2005 nhân dịp du khảo Việt Nam với một học bổng Fulbright của Bộ Ngoại Giao Mỹ và tài trợ khác, cùng những thông tin truyền khẩu của một số người đã tham dự cuộc chiến, gồm dù không giới hạn trong số các bộ đội QĐND từng tham chiến.
15 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 41445)
... m ột điều mà cả 14 người chúng tôi đều đồng ý là nhạc sĩ P.Q.Phan đã thành công với những dòng nhạc hay tuyệt ngoài mức mong đợi. Tâm nguyện của cả nhóm là vở Opera Chuyện Bà Thị Kính của P.Q.Phan sẽ cất cánh thành một vở Opera được lưu diễn khắp nơi ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Tại sao không? Cốt lõi chính là phần âm nhạc và tuần bản đã đạt đến mức độ tuyệt vời.
13 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 44082)
N ói anh nghe một chút về vui Cũng nói anh nghe tại sao em buồn Anh sẽ nhớ, mặc cho buổi chiều mù mờ sương Mặc cho alzheimer thấp thoáng
13 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 43903)
Mẹ chưa bao giờ biết đến ngày Valentine! Mẹ chờ con về đã 40 cái Tết Mẹ vẫn hàng đêm nguyện cầu cho con
13 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 46049)
k hông phải là u sầu của những ngày không nhau trong em mùa nầy chói chang màu nắng bởi hôm qua hai tâm hồn chết lặng đuối một lần trong yêu dấu nồng say