- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Có một lời cầu hôn trước tượng Chúa

05 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 117204)

 

 

 nhathoducba_paris-content

Notre Dame de Paris_Photo Lữ Quỳnh


Tặng Jacques Ng.

 

Nước Pháp với dân số 67 triệu, mà khách du lịch nước ngoài hàng năm có tới 80 triệu người, dẫn đầu trước Tây Ban Nha và Mỹ, Ý. Những lúc nghỉ chân bên bờ sông hay trong công viên, Thạch kể về những tháng năm đầu tiên đến Pháp. Qua câu chuyện, tôi được biết cuộc sống Thạch ổn định, các con khôn lớn và đều thành đạt. Thạch bị bệnh thận nặng, phải lọc máu mỗi tuần ba lần từ 5 năm nay, thế mà vẫn đi thoăn thoắt, bước hai bậc cấp một, thỉnh thoảng còn dừng lại hỏi tôi anh có mệt không?

Rue De La Paix, không biết có phải là con đường chính, tôi thấy người đi bộ nhiều, trông nó đẹp, sầm uất với nhiều cửa hàng lộng lẫy, như đại lộ Oxford bên Luân Đôn.

Lúc chúng tôi dừng trước Notre Dame de Paris, du khách đã xếp hàng dài để lần lượt đi vào cánh phải của nhà thờ. Ngay cửa vào có một quầy bán tượng và hình ảnh lưu niệm Rải rác bên trong, đặt những chiếc máy như máy rút tiền ATM, để du khách tự động bỏ vào hai euro và nhận lại một medal tròn, màu vàng, trên một mặt có khắc hình nhà thờ, mặt kia có hình thập tự với giòng chữ Cathedrale Notre-Dame de Paris.

Nhà thờ bắt đầu xây dựng từ 1163 cho đến 1345 mới hoàn thành. Mái vòm cao với những khối đường nét tuyệt mỹ. Những khung kính lớn lộng lẫy nhiều màu sắc tồn tại từ bao thế kỷ nay. Rất nhiều tượng mang ý nghĩa trong Kinh Thánh, mà tôi là người mến Chúa nhưng ngoại đạo, không thể nào hiểu hết. Cùng với các tín đồ đang cầu nguyện, tôi ngồi xuống một băng ghế sát tường, bên cạnh tôi là Kim. Thạch ngồi ở dãy ghế giữa. Tôi nhìn tượng Chúa trên cao, cảm thấy lòng thanh thản. Đây là lần thứ hai tôi vào nhà thờ, không ngờ lại là một nhà thờ nổi tiếng, mà văn hào Victor Hugo đã mượn bối cảnh để viết tác phẩm bất hủ The Hunchback of Notre-Dame ( ở Việt Nam, anh Trần Quang Huề chuyển ngữ “Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà” trước năm bảy lăm.)

Còn lần thứ nhất tôi vào nhà thờ, cách nay hơn bốn mươi năm, ở một thành phố nhỏ ven biển miền trung. Lần đó còn rất trẻ, vào một buổi sáng tôi đưa người bạn gái vào đây. Nhà thờ vắng vẻ. Những hàng ghế trống im lìm. Chúng tôi đứng cạnh nhau sau hàng ghế cuối, tôi bảo nàng nhìn lên tượng Chúa và im lặng. Rất trang trọng, mấy phút sau tôi hỏi nàng, Kim có biết tôi vừa nói gì với Chúa không. Nàng gật đầu, mắt long lanh ướt. Tôi thầm cám ơn Chúa và nắm tay Kim rời nhà thờ. Tôi đã cầu hôn nàng như thế đó.

Bây giờ người con gái thuở ấy đang có mặt ở đây, trong ngôi nhà thờ danh tiếng Notre-Dame, cách xa nhà thờ năm xưa nửa vòng trái đất. Người con gái với áo dài lụa trắng được đón đưa trước cổng trường Sư Phạm ngày nào, giờ đây với mái tóc điểm nhiều sợi bạc, hạnh phúc vượt qua những tháng năm đầy khó khăn, gian khổ bên cạnh chồng con.

Tôi nhìn lên tượng Chúa nhân từ giữa giáo đường uy nghi rộng lớn, và như khi đứng trước Chúa bốn mươi năm về trước ở quê nhà, tôi thầm ngõ lời cám ơn.

Thạch ngồi ở hàng ghế giữa, mắt nhắm, miệng lâm râm cầu nguyện.

Chúng tôi đi vòng lối ra ở cánh trái nhà thờ. Những bức tường bên ngoài với nhiều phù điêu, hình tượng nghệ thuật rất đẹp được trang trí công phu, nói lên tài nghệ tuyệt vời của những điêu khắc gia các thế kỷ trước. 

Ra khỏi nhà thờ băng qua đường, chúng tôi ghé một quán cà phê, ngồi ở dãy bàn đặt dọc vỉa hè giữa đám đông du khách. Thạch luôn miệng nhắc sóc, anh có mệt không? Tôi thấy thương Thạch, vì người bệnh mỗi tuần phải lọc máu ba lần lại luôn quan tâm đến người tương đối còn sức khỏe tốt./.

LỮ QUỲNH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 85688)
Con tàu đã trở nên ọp ẹp, mấy mươi năm còn gì. Người ta nói đây là chuyến tàu tốt nhất hiện nay. Hành khách bực dọc phàn nàn tốt gì mà tốt, như đống sắt vụn, làm như họ là kẻ trên trời rơi xuống không bằng.
23 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 88885)
Tình yêu, cũng như chiến tranh, là hai đề tài muôn thuở của con người. Văn chương ngoại quốc nói về chiến tranh, viết về những trận chiến gần, xa trong lịch sử, chúng ta vẫn thích đọc. Vậy thì tại sao, người Việt Nam viết về chiến tranh Việt Nam lại nhàm chán?
20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 92113)
... Tôi đã từng ăn thịt chuột. Tôi ăn vụng của em tôi. Bố cấm tôi nói cho ai biết. Bố đã cho thằng em tôi ăn bao nhiêu con chuột tôi cũng không nhớ nổi. Chỉ có điều bố thích như vậy. Bố nướng con chuột lên, thế thôi. Thằng em tôi cười hềnh hệch, nước dãi chảy dài, cầm con chuột gặm như một bắp ngô nướng. Những tảng máu chưa đông rịn đỏ hai mép. Tôi thấy đầu mình ung ung. Những hình ảnh như những mảnh vỡ lộn xộn va đập vào nhau liên hồi ...
20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 89835)
Không ai biết cuộc sống của ai đang xáo trộn. Không ai biết ai đang nghĩ gì. Người chồng không bao giờ biết người vợ vừa gối đầu lên tay mình vừa dâm hoan với sếp của ả trong giấc mơ. Gã sếp đô con, bụng cuộn lên những bó cơ và làm tình thì miễn bàn. Người chồng không bao giờ biết âm hộ của ả nóng bừng như muốn nổ tung ra. Mà biết cũng chẳng thể chết ai vì ả là vợ của anh ta.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 111306)
(Gởi anh Huy & chị Minh) Câu thơ còn trong trí nhớ Như mùa thu mỗi năm lại về Theo tuần hoàn trời đất Như đôi mắt em buồn giấu kín Chịu đựng An phận Cuộc đời mình mùa xuân đi qua Rất xa, rất xa...
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 91903)
Thành phố nằm bên một rẻo biển miền Trung yên bình và tĩnh lặng. Những ngày gầ n đây bổng nhiên được khuấy động bởi mấy chú cá mập, không hiểu vì sao lại lang thang vào bờ, chúng lượn lờ nơi bãi tắm trước khuôn viên trường, là bãi du lịch của thành phố. Thỉnh thoảng chúng lại ruỗi theo sóng nước cợt nhã với con người. Có hôm một chú cá mập con nhá vào mông ai đó, có hôm lại ngoạm vào giò của kẻ nào bơi đến gần. Bạn tôi phán: đất này “linh kiệt”. Tôi cười vui: Đất lành chim đậu, biển lành cá mập làm tổ .
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 91426)
Trong tình bằng hữu nhiều năm với Huy, được sự đồng ý của chị Cao Xuân Huy và hai cháu Chúc Dung & Xuân Dung, bài viết thiên về khía cạnh y khoa này, nói về một Cao Xuân Huy khác, người bệnh Cao Xuân Huy chênh vênh trên con dốc của tử sinh, đã can trường chống chỏi với bệnh tật cho tới những ngày và giờ phút cuối cùng và đã ra đi với tất cả “phẩm giá”. NGÔ THẾ VINH
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 81700)
Cao Xuân Huy có người cha đi kháng chiến, để lại vợ con trong thành. Rồi, 1954, ông ngoại bị đấu tố, người cậu cấp bách đem cháu, 7 tuổi, vào Nam. Mẹ ở lại Hà Nội đợi bố. Về, nhưng người cha kháng chiến, gốc tư sản, địa chủ, không thể "can thiệp" cho người mẹ khỏi diện "tự lực cánh sinh" (như đi "kinh tế mới"). Rồi họ chia nhau con cái: mẹ để lại con gái cho bố, vào Nam với con trai. Xa cách, mỗi người lập một gia đình khác, có các con khác. Huy được cậu và bà ngoại nuôi. Như một định mệnh, chuyện nhà Huy trùng hợp với chuyện đất nước, với truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh, với bao gia đình thời chia đôi Nam-Bắc.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 86166)
Thường, khi viết về một nhà văn, trong vai trò của một người làm phê bình, tôi chỉ quan tâm đến tác phẩm, đến văn bản. Đúng hơn là tôi quan tâm đến văn bản văn học, và cái cách mà tác giả của nó đã, cùng với các độc giả của mình, biến nó thành một tác phẩm văn chương. Tôi không quan tâm lắm đến tác giả.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 87189)
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời. Thời xưa Cao Biền đã nhiều lần cỡi diều bay tới, tay cầm quạt giấy phất bằng lụa bạch, nan cánh quạt đúc bằng vàng khối tinh ròng, toan tính yểm đất.