- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mưa về sông Châu

26 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 95051)

loikinhdacu-content


Bao nhiêu năm, tôi lặng lẽ kiếm tìm một chút gì đó còn lại của nàng ngày xưa trong những cô gái đến và đi qua đời mình. Nhà trọ của tôi, ba thằng ba góc, mọi chuyện hết sức tự do và công khai. Đã có quá nhiều cuộc tình chóng vánh, nông cạn. Hạ bảo yêu tôi. Tôi hồ nghi một nửa. Hạ từng làm mẫu cho một vài thằng bạn lõi đời học cùng lớp mỹ thuật với tôi. Tất nhiên, tôi không mấy băn khoăn về chuyện đó. Điều gì xảy đến thì đã đến rồi. Tôi chỉ e ngại sự hào phóng quá mức của em trong cả lời nói, nụ hôn và hờn dỗi. Mỗi khi gần gũi Hạ, tôi có cảm giác mình vẫn chưa thực sự trưởng thành. Ở bên người tình mà tôi còn răm rắp nghe theo lời cha: Cái gì quá đều không tốt. Nhưng đôi mắt quá buồn và quá sâu của Hạ luôn khiến tôi nhớ đến nàng. Tôi luôn do dự, ngập ngừng trước một chút yêu thương ngày xưa đang hiện hữu, đang cần được che chở và níu giữ.
Thỉnh thoảng Hùng gọi tôi đến đâu đó cà phê. Ngày ấy, từ một tên cướp đường giờ hắn đã vợ con đề huề, buôn bán ra Bắc vào Nam, sang biên giới như cơm bữa. Cũng giống tôi, hắn không muốn nhắc lại chuyện ngày xưa, nhưng hễ nhìn thấy cái răng nanh của hắn, tôi lại nhớ nhớ buồn buồn. Hắn bảo khu đất hoang ở làng giờ đã trồng toàn hoa huệ trắng, khi nào rỗi nhớ đưa Hạ về chơi. Tôi vờ như không nghe thấy. Nếu đúng hắn yêu nàng thật lòng, sau đêm ấy, tôi sẽ hứa với hắn chỉ quay về làng khi hắn và nàng đã thành vợ thành chồng. Tôi cũng dự định sẽ bắt hắn phải hứa sẽ làm một điều gì đó xứng đáng với tình yêu của hắn và của tôi dành đến cho nàng. Nhưng tất cả kí ức đã mất hút dưới lòng sông Châu không một vết tích. Tôi và hắn vẫn bảo nhau hãy cứ tin là như thế.

Ở cái làng nhỏ ven dòng sông Châu, bọn trẻ trâu vẫn thường bật nắp những chiếc tiểu sành lấy ra từng khúc xương người giả làm xương trâu, xương lợn rồi mang đi đổi kẹo kéo và kem mút. Nhưng lũ trẻ cũng đủ tinh ranh để giấu nhẹm người lớn chuyện ấy và chỉ lấy xương ống, xương sườn mà bỏ lại đầu lâu và xương ngón chân ngón tay. Chẳng biết có phải bị quả báo hay không mà những đứa trẻ chăn trâu làng hắn từ bé thơ tới lúc bạc đầu bộ răng cứ y nguyên một màu vàng xỉn. Riêng hắn, còn có thêm một chiếc răng dài ra như nanh. Bọn trẻ trâu gọi hắn là Hùng “nanh”. Vốn là đứa trẻ trâu ngỗ ngược, chính hắn lôi kéo bọn trẻ vục mặt xuống bãi đất hoang ven sông moi xương người trong những chiếc tiểu sành đổi cho bà đồng nát. Và tất nhiên, nàng cũng không hề biết chuyện đó. Nàng đã từng xem hắn như một người hùng. Vùng cửa sông Châu không chút bình lặng, nàng hồn nhiên, xinh đẹp giữa những con tàu biển neo đậu, giữa nghiện ngập, mại dâm và mua bán eo sèo. Chiếc thuyền nan bé mọn của gia đình nàng bao năm tháng cứ trôi nổi vật vờ như tảng bọt rừng trên khúc sông ấy. Đó đã từng là điểm mốc để bọn trẻ trâu thách thức hắn bơi. Hắn biết, chỉ cần bơi đến chỗ con thuyền ấy thôi là bọn trẻ trong làng sẽ phục mình sát đất, sẽ tôn hắn làm đại ca. Và hắn sải tay bơi. Từng đợt sóng xô ép vào ngực hắn nghèn nghẹt, tưng tức nhưng càng bơi xa bờ, mặt sông Châu càng bình lặng. Cái bình lặng quá mức ấy khiến toàn thân hắn lạnh ngắt. Chiếc thuyền nan dập dành hiện ra ngay trước mặt hắn, bọn trẻ trâu bên kia bờ hò reo, chân hắn bỗng co quắp lại, đau điếng. Hắn bám vào chiếc thuyền nan như chỗ bấu víu cuối cùng.
Chưa bao giờ người ta gọi khu đất ấy là bãi tha ma. Bởi đó chỉ là những ngôi mộ vô chủ, không người hương khói, cũng không được đắp cao lên thành nấm mộ. Nếu có người hương khói, cầu khấn thì có lẽ bọn trẻ trâu chúng tôi đã biết sợ ít nhiều. Những chiếc tiểu sành lặn xuống mặt đất bằng phẳng nơi những cụm cỏ lầu âu bốn mùa cứ xanh ngắt, u mê. Người già trong làng bảo, nơi đó từng là nghĩa địa của những người dân chài lưới trên sông. Từ ngày xưa, khi cái làng này chưa có ai ở, dân chài lưới đã mang những xác chết cập bến trong đêm, công việc chôn cất, sau này là bốc mộ cũng làm chóng vánh trong đêm tối. Họ không dám đắp những hài cốt ấy lên thành nấm mộ. Một đồn mười, mười đồn trăm nhưng thực hư thế nào tuyệt nhiên không ai biết. Mãi rồi cũng thành quen. Khu đấy ấy trở thành nơi trẻ trâu chúng tôi nô đùa, chơi trò ú tim sau những bụi hoa mua tím ngát. Thằng Hùng “nanh” thì gọi đó là kho “lương thảo” bất tận, hắn đoán già đoán non rằng có thể đổi lấy kẹo kéo và kem mút sang cả đời con đời cháu cũng không hết. Tôi tin lời hắn. Bởi lẽ dưới lòng đất sâu kia nào ai biết có tất cả bao nhiêu bộ hài cốt đã được chôn vùi. Từ ngày thằng Hùng được phong làm đại ca, bất cứ đứa nào muốn lấy xương cũng phải có sự cho phép của hắn. Thằng Hùng thân với tôi nhất trong đám trẻ làng. Có lẽ vì nhà tôi gần sát nhà hắn và tôi lại gầy nhom, quanh năm đau ốm, chẳng mấy khi tranh giành, gây sự gì với ai. Tôi cũng chưa bao giờ dám tự tay lấy xương trong tiểu sành. Hùng “nanh” và bọn trẻ trâu thì thường xuyên làm việc đó. Tôi cứ thấy lợn cợn thế nào ấy dù vẫn ăn kẹo kéo, kem mút chúng nó đổi được. Có đôi lúc, tôi hay ngồi một mình ở khu đất ấy, ngắm những cụm cỏ lầu âu quá buồn và quá xanh ngày qua ngày đang vồn vã mọc lên bên cạnh những dấu chân tuổi nhỏ. Cha tôi vẫn bảo cái gì quá đều không tốt. Ông có ý ám chỉ mẹ tôi. Mà tôi biết, đời này, kiếp này ông cũng không bao giờ quên nổi mẹ tôi. Đôi mắt bà quá đẹp, giọng nói bà quá trong. Tôi chập chững lên ba, mẹ bỏ làng lên tỉnh.

Đêm đêm hắn chạy như băng qua bãi đất trống ra bờ sông. Chiếc thuyền nan leo lét ánh đèn dầu đậu giữa dòng sông. Tiếng chửi rủa của cha nàng theo gió đông vọng trên mặt sóng xô vào tận bờ. Cha nàng gọi cái làng nhỏ của hắn là đất cò trắng. Bạc như vôi. Mỗi con cá con tôm người dân chài lặn lội đêm hôm bắt được dưới sông đem lên đổi chẳng được bao nhiêu hạt gạo. Dự định bơi ra giữa dòng của hắn lập tức bị chặn lại. Nàng ngồi ở mui thuyền im như chiếc bóng. Chưa bao giờ hắn thấy nàng khóc. Đôi mắt nàng cứ rưng rức nước nhưng cũng chưa bao giờ trào qua mi. Hắn nhớ lần đầu tiên bám vào con thuyền ấy, hắn vô tình làm thức giấc một con bé đang ngủ say. Con bé dụi mắt, ngơ ngác nhìn hắn sũng nước ngoi lên bất ngờ như thuồng luồng dưới đáy sông sâu. Hắn đã từng nghĩ sẽ giữ mãi bí mật ấy cho riêng mình. Hắn còn mường tượng xa xôi tới cảnh anh hùng và mỹ nhân trong truyện Tàu bà hắn kể. Bọn trẻ trâu sẽ không đứa nào được phép biết rằng trên con thuyền nan chung chiêng ấy có một con bé rất xinh xắn, đáng yêu. Nó là đứa con còn sót lại của vợ chồng thuyền chài. Họ từ nơi nào đến không ai biết. Nhưng người làng vẫn truyền tai nhau câu chuyện đôi vợ chồng nghèo khó và tăm tối lần lượt bán đi những đứa con mình đổi lấy gạo và tiền sống qua ngày. Lần lượt từng đứa con ra đời, lần lượt từng đứa được chuyền qua tay người lạ. Thế mà cuộc sống đôi vợ chồng ấy cũng chẳng khấm khá lên. Bao nhiêu năm cũng chỉ chiếc thuyền nan dập dềnh sóng nước. Con bé ấy lên ba vẫn không chịu nói cười, ai hỏi gì cũng chỉ ngơ ngác ú ớ, lắc lắc cái đầu. Người ta tiếc nó trông xinh xắn, bụ bẫm nhưng chê nó bị câm bị điếc nên chẳng ai thèm mua. Lên năm tuổi nó mới cất tiếng nói, nhưng hễ có người lạ bước xuống thuyền là nó lần mò nhảy tõm xuống sông Châu. Người cha quanh năm suốt tháng rượu say coi đứa con gái ấy là cái tội cái nợ. Kiếp mình cũng là cái tội cái nợ. Người mẹ muôn đời câm lặng. Chẳng mấy khi bà nói câu gì. Bà không biết gì về cội nguồn của mình mà chỉ biết mình là cội nguồn bất hạnh của những đứa con. Trao con cho người lạ, bà thấy mình tự tước đi cái quyền làm mẹ, làm người. Chính bà không thể ngờ được, sau đứa con gái tội nợ là nàng, bà không còn sinh đẻ được nữa. Cuộc sống vốn đã eo hẹp lại càng cùng quẫn thêm. Ngày nàng còn nhỏ, mỗi lần cha uống rượu say toan đánh đập, bà lại đẩy nàng ngã xuống dòng sông xanh ngắt. Lớn lên, nàng thầm biết ơn mẹ, chính mẹ đã truyền cho nàng cái bản năng để sinh tồn trong chiếc thuyền nan mục nát theo thời gian. Nàng sải tay bơi. Bơi mãi. Sóng mặt sông ve vuốt, an ủi nỗi buồn và thân thể thiếu nữ vừa chớm dậy thì. Đôi mắt đỏ hoe, ướt đẫm dõi mãi phía trong bờ. Nơi ấy không xa xôi nhưng nhiều hứa hẹn. Sau cái ngày bọn trẻ thách thức hắn bơi, hắn đã mang cho nàng những que kẹo kéo mà chỉ ngửi mùi thôi đã thấy ngọt ngào.

Mỗi lúc nàng đăm chiêu nhìn những cụm cỏ trên bãi đất trống, tôi len lén soi vào ngực nàng. Cơ thể thiếu nữ mười lăm đang cựa quậy, ấm sực, căng đầy sau lớp áo. Hình như nàng biết tôi nhìn nhưng mặc kệ. Nàng vẫn hồn nhiên tắm táp trên bến sông này. Chỉ khác là từ khi dậy thì, nàng không tắm ban ngày nữa mà chuyển sang tắm đêm. Một vài lần thằng Hùng rủ tôi đi xem trộm nàng tắm, hắn bắt tôi thề sống thề chết sẽ không kể với bất cứ ai. Tôi không thề nhưng cũng không kể với ai thật. Mắt thằng Hùng “nanh” như hai hòn than rực lên trong đêm tối, hắn vốn lớn trước tuổi, những bắp thịt ở hai cánh tay nổi cuồn cuộn, hàm răng vàng xỉn chìa ra chiếc răng nanh và lằng nhằng nước dãi. Tôi biết, khoảnh khắc ấy lóe lên trong đầu óc hắn ý nghĩ hết sức dung tục. Sáng sớm thả trâu ngoài đồng, chính hắn bày ra trò chơi đuổi bắt giữa bọn con trai và con gái. Hắn nhằm vào con Lanh môi má ửng đỏ, thân hình phổng phao. Tóm được con Lanh rồi, hắn thô bạo thọc tay qua cạp quần khiến con kia hoảng quá kêu ré lên. Những thằng con trai khác cũng bắt chước hắn. Tôi vẫn giữ thói quen ngồi một mình. Tôi thản nhiên ngồi nhìn lũ bạn đuổi bắt nhau trong trò chơi dung tục ấy. Thằng Hùng thỉnh thoảng ngoái lại nhìn tôi có ý châm chọc và giễu cợt. Ánh mắt vừa sợ hãi, vừa thích thú, vừa hờn ghen của lũ con gái, điệu cười, cử chỉ bản năng giống đực mới ra ràng của lũ con trai khiến tôi rùng mình.
Đêm úp mặt vào vách, tôi nhớ đến người con gái trên chiếc thuyền nan. Dưới ánh trăng thân thể nàng trắng ngần như tượng sứ. Trong giấc ngủ chập chờn, đôi tay nàng vẫn đều đều khỏa nước, khỏa lấp cả sự day dứt trong tôi. Tôi thấy cả nàng và tôi đều đứng ngoài trò chơi ấy, nàng ngồi bên tôi ngắm những cụm cỏ xanh um buồn bã. Rồi đến một ngày, tôi mò ra bến sông ban đêm mà không có thằng Hùng. Gió u u vần vũ trên bãi đất trống. Cảm giác đang có rất nhiều người biết được việc làm khuất tất của tôi. Bước một bước chân lại thêm ý nghĩ có nên quay về hay không. Cha tôi bảo chuyện về mảnh đất cò trắng là có thật. Ngày xưa, làng tôi chỉ là rẻo đất ven sông quanh năm cò đậu. Nghe kể là cò về nhiều lắm, nhưng chỉ đậu vào ban đêm. Ông cụ Thi già nhất trong làng cũng chưa bao giờ được nhìn tận mắt đàn cò ấy. Nhưng cụ cứ một mực bảo đấy không phải cò đâu, mà là quạ trắng. Người làng bảo cụ già quá nên lú lẫn rồi, làm gì có quạ trắng. Cụ Thi ngước đôi mắt mờ đục ra phía sông Ngân bảo cò thì không có tiếng kêu thảm thiết, bi thương như thế.
Bờ sông vắng vẻ, chiếc thuyền nan đậu ở khá xa, nhập nhòa như vì sao những đêm trời đổi gió. Đợi mãi. Đợi mãi mà chẳng thấy nàng. Nhưng chỉ nhìn thấy cái chấm nhỏ mờ xa lan tỏa trên sông Châu theo những vòng sóng nước là tôi thấy an lòng.
 
Sẽ chẳng có chuyện gì nếu như hắn không tham lam bảo bà đồng nát sẽ đổi thật nhiều xương để lấy một chiếc vòng bạc. Hắn định sẽ tặng cái vòng ấy cho nàng. Hắn muốn biến cái vòng bạc thành chiếc khóa, ràng buộc sự vẫy vùng của mắt môi con gái. Buổi chiều hôm ấy, khi lũ trẻ trâu còn hò hét om sòm ngoài bãi đất hoang, khi con Lanh khóc rấm rứt bên bụi hoa mua vì thằng Hùng đã chộp ngay đứa con gái khác, bà đồng nát vào tận nhà hắn. Bà kinh hãi nói chuyện với bố mẹ hắn. Lúc ra về, bà ta đứng thật lâu nhìn bãi đất trống, mắt long lên như nhập đồng. Bố hắn cầm bó hương khấn vái tứ phương. Buổi chiều ấy, người trong làng nhìn thấy bà đồng nát đứng chết trân như một bộ hài cốt trong chiếc tiểu sành vừa được dựng dậy, đến đôi mắt những đứa trẻ trâu cũng long lên như nhập đồng. Khuôn mặt chúng không còn thơ ngây, bầu bĩnh mà khô quắt queo như những chiếc đầu lâu và không sao giấu nổi hàm răng vàng xỉn. Hắn bị mẹ lôi xềnh xệch về nhà. Lũ trẻ làng cũng bị cấm tiệt không được bén mảng đến chơi ở khu đất trống. Hắn hậm hực bà đồng nát tinh ranh như mụ phù thủy, số xương quá nhiều khiến bà ta sinh nghi. Dù sao hắn vẫn là thủ lĩnh. Hắn còn tinh ranh hơn vì đã lừa được bà ta, giấu được người lớn trong thời gian khá dài. Hắn sắp qua cái tuổi chăn trâu, cắt cỏ. Hắn quyết định sẽ vẫn ra bờ sông nhưng chỉ đi một mình thôi. Không có cái kho “lương thảo” kia hắn vẫn có thể mua cho nàng một chiếc vòng ràng buộc sự vẫy vùng con gái. Dạo này, thuyền lớn ngoài biển hay lui vào trú ngụ ở khúc sông, mấy thằng lái tàu cũng hay nhảy phốc sang chiếc thuyền nan nhà nàng…xin ít lửa. Hắn đứng bờ sông bên này tức lộn ruột nhưng không làm gì được. Mấy thằng lái tàu ấy trông cao to vằn vện, lại có nhiều tiền bạc, nhiều cửu vạn. Những con mắt đỏ đòng đọc nhìn như muốn lột trần từng lớp vải trên người nàng. Người cha say lướt khướt được biếu xén đồ ăn, chè thuốc đắc ý cười phe phé. Mẹ nàng vẫn câm lặng. Mấy năm tàu thuyền qua lại khúc sông này bà già xọp đi. Đôi tay gân guốc đã không còn đủ sức để đẩy đứa con gái lặn xuống dòng sông xanh ngắt như ngày nó còn nhỏ nữa.

Một bàn tay đặt nhẹ lên vai tôi. Tôi giật thót mình quay lại. Nàng đứng trước mặt tôi khi tôi chưa kịp thét lên vì sợ hãi. Hình như nàng vừa tắm xong. Tóc nàng, mắt nàng, cả môi nàng nữa đều sũng nước. Tôi hỏi nàng sao lại ở đây. Nàng bảo nàng đợi tôi. Tôi như không nghe thấy gì, tôi nghĩ nàng nhầm tôi với thằng Hùng “nanh” chăng. Nhưng nàng nhìn tôi hồi lâu và mỉm cười độ lượng. Nàng bảo nàng không nhầm. Dưới ánh trăng, tôi ngỡ ngàng vì mắt nàng sao lại quá sâu, quá buồn đến thế. Dòng nước còn có mùa cạn mùa mưa, mắt nàng như dòng sông mùa lũ cuồn cuộn biết bao oan ức, nỗi niềm. Trước đó, tôi nơm nớp sợ khi cơn mưa lũ ập về sẽ khiến lòng sông rộng hơn, sâu hơn gấp bội. Và khi ấy, nàng cũng xa tôi hơn. Mấy năm ròng chẳng có cơn mưa lũ, mà hình như tôi sắp đánh mất nàng. Những chuyến tàu có đèn pha sáng rừng rực một khúc sông Châu như lũ cướp trắng trợn và hung bạo. Mỗi ngày lại thấy chiếc thuyền nan liêu xiêu của gia đình nàng trôi gần hơn về phía biển. Những ngày tháng ấy, tôi đã chẳng làm gì. Thằng Hùng “nanh” ngổ ngáo, tai tiếng một thời cũng trở nên bất lực. Những con tàu biển lừng lững xa hoa cứ đêm đến lại kéo từng hồi còi dài buốt óc. Từ những thằng chủ tàu cho đến cửu vạn đua nhau nhảy lên bờ chích hút ma túy và tán tỉnh, ăn nằm với con gái làng. Cái làng bé nhỏ của tôi như bị nứt toác thành nhiều mảnh vụn. Mọi thứ trở nên rối rắm, hoang mang và đổ vỡ thực sự kể từ khi con Lanh chửi cha chửi mẹ rồi ôm quần áo nhảy xuống tàu. Loạn. Loạn hết cả rồi. Đêm đêm giọng cha tôi ngậm đầy nước mắt. Ông bảo: Mày lo liệu mà học hành rồi tao biên thư cho mẹ mày bảo bà ấy đưa mày lên phố. Những ngày tháng giông gió ập đến trên dòng sông Châu, tôi đã chẳng làm gì. Tâm trí tôi chỉ vướng víu mãi một câu hỏi: Tại sao tôi phải xa nàng.

Mày…khốn nạn. Hắn xô thằng bạn ngã sóng xoài trên bãi đất hoang. Hắn không ngờ thằng bạn nối khố ấy cũng lại đem lòng yêu nàng. Hắn không ngờ đã có những đổi thay không lường trước được kể từ cái lần hắn rủ thằng bạn ra bờ sông xem trộm nàng tắm đêm.
Nhưng mày…mày cũng yêu sao? Tôi mở mắt trừng trừng nhìn hắn như khép tội. Trong kí ức của tôi còn nguyên những trò chơi giữa lũ con trai và con gái, còn nguyên những giọt nước mắt mu muội của con Lanh sau cụm hoa mua, còn nguyên những cái thọc tay vào cạp quần... Tôi chưa khi nào nghĩ rằng thằng Hùng “nanh” đã yêu nàng thật lòng. Những ý nghĩ dung tục của hắn thì làm sao xứng đáng.
Cái khốn nạn của mày là ở đó, mày nghĩ chỉ cái loại được học hành như mày mới biết yêu thôi ư. Dưới ánh trăng sáng lạnh, hai bóng người đổ dài thành hai vệt đen lặng ngắt. Hắn lạnh lùng bảo: Tao mới chỉ dám đụng chạm đến nàng trong ý nghĩ. Còn mày, mày xem lại mình đi?
Cả hai chúng ta đều hèn cả. Chúng ta chỉ biết yêu mà chẳng biết phải làm gì. Khu đất hoang bốn bề xao xác gió. Dường như quanh đây đang có rất nhiều người. Có cả những tiếng rì rầm vang vọng. Những linh hồn ấy đang sống dậy, hồi sinh từ những cụm cỏ lầu âu quá buồn, quá xanh đang tan xõa xượi dưới chân như từng mảng tóc. Dường như sự quả báo đang ập lên mảnh đất bạc bẽo này. Cả làng đều nghe thấy có tiếng quạ kêu ai oán dọc sông Châu vào đêm giông gió ấy. Người ta bảo nàng bị thằng chủ tàu cưỡng bức không còn lựa chọn nào khác phải bước lên tàu theo hắn. Nhưng cũng có người bảo nàng tự nguyện đi theo, thằng chủ tàu cưu mang cả cha mẹ nàng nữa. Mờ sáng hôm sau, hai bóng người chạy ra đến bờ sông đã không thấy con thuyền nan đâu. Dòng sông Châu vẫn cuồn cuộn chảy. Từng tảng bọt rừng đục ngầu trôi từ phía thượng nguồn báo trước một mùa mưa lũ sắp về. Những ngày sau đó, tất cả tàu biển đều được lệnh phải rời khỏi khúc sông để đỗ vào cảng mới.

Mấy hôm vừa rồi thời tiết thật ẩm ương. Nắng qua cửa sổ đã nhạt dần tiếp đến là những cơn mưa phùn nhếch nhác. Tôi rời Hà Nội ngay trong đêm, vội vàng như trốn chạy. Phòng còn lại hai thằng. Hạ vẫn đến rồi đi thật vội. Ở xứ sở mù sương xa tít, tôi nhói tai vì giọng thằng bạn gắt gỏng trong điện thoại. Mày về ngay đi, Hạ của mày như con dở hơi. Nó lôi ở đâu về bao nhiêu là huệ trắng, nó còn thắp hương cho những bức tranh của mày. Thỉnh thoảng, Hạ vẫn thường gây chuyện. Nhưng câu chuyện lần này khác hẳn tính cách phóng khoáng quá mức của em và vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Tôi bảo bọn nó tạm chuồn đi đâu đó. Mặc kệ Hạ cứ làm những gì mình thích. Mãi rồi cũng chán thôi. Nói với hai thằng kia thì mạnh mồm như vậy nhưng Hạ làm tôi sốc thật sự. Một nửa hồ nghi ấy giờ đang đứng đối diện với tôi, ngay trên tầng thượng nhà nghỉ giữa nơi heo hút này. Hạ nói như ra lệnh. Đưa em về đi. Xem nơi ấy còn lại gì mà anh nhớ. Lời nói của Hạ như gió xộc vào làm mắt mũi tôi cay xè. Bỗng dưng thấy thương thằng Hùng quá. Bao nhiêu năm, tôi ngắm nghía, mường tượng ra nàng từ những cô gái trong tranh là bấy nhiêu năm hắn lang thang kiếm tìm mà vô vọng. Hắn quyết định dừng lại những chuyến giang hồ dọc ngang sau một đêm mưa ân ái qua đường. Người đàn bà ấy hỏi hắn mãi một câu: Em ở đây sao anh cứ phải đi tìm. Hắn giật thót mình bỏ đi, nhưng rốt cục lại quay về ăn đời ở kiếp. Trong ý nghĩ của chúng tôi, chiếc thuyền nan như tảng bọt rừng liêu xiêu trôi nổi theo năm tháng trên sông Châu đã cùng nàng vĩnh viễn lặn xuống dòng sông thăm thẳm.
Lữ Thị Mai
Hà Nội VN

 





Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Mười 20236:02 CH(Xem: 4768)
Sau mấy stt. của hắn trên MXH về chuyện vu cáo tồi tệ của vài vị “chức sắc” ở Hội Kiều học (Hội khoa học nghiên cứu Nguyễn Du & Truyện Kiều), cô con gái hắn - sinh viên năm thứ hai ĐH KHXH&NV vừa về tới nhà đã xộc tới bàn làm việc của hắn, với gương mặt đỏ bừng mà ngày thường vẫn lạnh như bà hoàng Băng giá, nó tức tối chất vấn, như hành hạ ông bố đã thất bại đủ thứ và đang khốn khổ đủ điều
16 Tháng Mười 20235:52 CH(Xem: 4566)
Tôi có duyên với chợ nên đi về cuối đường đời thì dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cái chợ, nhớ nhất là cái thời còn buôn bán ở chợ nên đến bây giờ cả trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ thấy chợ, nơi ấy là nhà là kỷ niệm ăn sâu nhất không quên được.
16 Tháng Mười 20235:20 CH(Xem: 5026)
Nắng lạc lõng nắng tàn trên hè phố / Chiều bơ vơ chiều té xuống sông / Tôi im lặng tôi ngồi nghe sóng vỗ / Đời vô thường nên có cũng như không
16 Tháng Mười 20235:01 CH(Xem: 5508)
phương đông có quê hương là mặt trời / phương tây có thành phố đầy cổ tích / gửi về nàng chìm đắm / thanh thản những đóa hoa mộc lan / thì thầm điều to nhỏ / trong khu vườn hoang dã / ngơ ngác như mây mưa…
16 Tháng Mười 20234:35 CH(Xem: 5212)
Bay đi từ cánh đồng nào thân cò của mẹ / Chắt chiu hạt gạo đồng tiền / Mười đứa con nhân lên mười lần thương khó / Một trăm ngã nhọc nhằn vạn nẻo đắng cay
16 Tháng Mười 20234:16 CH(Xem: 4586)
Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]
07 Tháng Mười 202311:06 CH(Xem: 4952)
...Mai Ninh, Trần Vũ, Lê thị Thấm Vân vẫn viết về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đã qua. Trần Diệu Hằng với Vũ điệu của loài công, Mưa đất lạ và Chôm chôm yêu dấu vẫn là những tập truyện ngắn liên quan cuộc sống người tỵ nạn, đến tâm tình từ góc độ một người tỵ nạn. Lê thị Huệ với Bụi Hồng, Kỷ niệm với Mỵ Anh và Rồng rắn vẫn là những soi chiếu vào tâm tình những cảnh đời của nếp sống di dân qua hình ảnh cô sinh viên thuở trước và bây giờ. Nhưng người ta vẫn nhận ra đề tài về tính dục vẫn là nét trổi bật trong các truyện của các nhà văn kể trên (trừ Trần Diệu Hằng). Thứ văn chương với đề tài có xu hướng trổi bật về tính dục đã mở đầu như một thứ cách mạng tình dục trong tiểu thuyết. Trước đây thì cũng có Tuý Hồng, Lệ Hằng, Thụy Vũ... cũng đậm mà chưa đặc, chưa đủ mặn. Ai là người đánh trống, cầm cờ về đề tài này? Có thể là Trần Vũ, Trân Sa hay Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An và nhất là Lê thị Thấm Vân. Truyện sẽ không viết, sẽ không đọc, nếu không có trai gái.
23 Tháng Chín 202310:53 CH(Xem: 7190)
Trong những thập niên tới—khi các văn khố hoàn toàn mở rộng—chúng ta mới có thể biết rõ ai là người Việt đầu tiên đã đến Mỹ và tiếp cận với nền chính trị Mỹ. Cách nào đi nữa, Bùi Viện khó thể là nhân vật này… /... Nguyễn Sinh Côn—dưới bí danh Paul Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc—có thể là người Việt đầu tiên đến Mỹ, và chắc chắn là người đầu tiên nghiên cứu hệ thống chính trị Mỹ… /... Phần tư thế kỷ sau, Nguyễn Sinh Côn—với bí danh Hồ Chí Minh—thực sự móc nối được với cơ quan tình báo chiến lược (OSS) Mỹ, được tặng bí danh “Lucius,” rồi bước vào Hà Nội giữa cao trào cách mạng 1945.[lvii] Mặc dù Liên bang Mỹ đã chọn thái độ “hands-off” [không can thiệp] khi liên quân Pháp-Bri-tên khởi đầu cuộc tái xâm lăng Việt Nam năm 1945, / ...cũng như thiết lập sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, qua cuộc bầu cử quốc hội 1946 và bản Hiến Pháp 9/11/1946...—đồng thời có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp suốt 8 năm kế tiếp.
21 Tháng Chín 20232:50 CH(Xem: 6518)
Mùa thu trải ra trải ra / Từng bước chân trên ngọn cỏ khô / Có em chạy băng qua cánh đồng hoang tưởng / Nụ hôn vội một sáng ướt mưa / Có phải em và mùa thu / Chia tay và nỗi buồn có thật / Như mưa / Rơi xuống đời nhau.
15 Tháng Chín 202312:19 SA(Xem: 4661)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Anh Nguyễn Văn Cử, Pháp Danh Gelek Gamba / Cựu học sinh Chu Văn An và Trần Lục / Cựu Sĩ Quan Võ Bị Thủ Đức, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa / Sinh ngày 16 tháng 4 năm 1944 tại Hải Phòng, Việt Nam / Đã quá vãng ngày 22 tháng 8 năm 2023 / tại San Jose, California / Hưởng thọ 79 tuổi