- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Sinh nhật một mình

06 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 106427)

 chucmungsinhnhat

chúm môi vờ thổi nến

ta chúc mừng cho ta

 

 

Tôi sinh vào một ngày tháng năm. Tôi không rõ ngày tôi chào đời là một ngày đẹp trời hay u ám. Nhưng trong tôi luôn mang sẵn niềm tin rằng tôi không được sinh ra dưới một ngôi sao may mắn. Bởi vì nếu số phận dành cho tôi sự ưu ái thì hẳn đã cho tôi một cuộc sống êm đềm, ít nỗi buồn và sự trắc trở hơn so với những gì tôi đã và đang trải qua.

 

 *

 

Tuổi thơ tôi trôi qua trong sự nghèo khó và cô đơn. Cuộc hôn nhân mai mối, sắp đặt của bố mẹ tôi không thể đem lại sự bền vững. Khi bố tôi rời bỏ gia đình đi tìm một cuộc sống mới, tôi còn quá nhỏ để hiểu điều gì vừa xảy ra. Tôi không nhớ được mẹ tôi có buồn nhiều không, có khóc nhiều không? Tôi chỉ nhớ mẹ tôi nói với tôi rằng bố tôi sẽ không bao giờ về nữa. Tôi không hiểu vì sao mẹ tôi nói thế. Tôi hỏi lại thì mẹ tôi trả lời : “lớn lên con sẽ hiểu”. Những lời ấy của mẹ gieo vào lòng tôi nỗi băn khoăn nhưng tôi không dám hỏi thêm. Tôi sợ mẹ giận. Một cảm giác nằng nặng dâng lên và đè lấy ngực tôi. Mấy chữ “bố sẽ không về nữa” ám ảnh tôi từ phút ấy và cho đến tận sau này, khi tôi đã hiểu tường tận mọi điều : tôi biết rằng, tôi đã thiếu đi không chỉ một người cha.

 

Từ đó, tôi dần xa lánh bạn bè vì sợ họ tò mò hỏi về gia đình mình. Tôi sẽ lúng túng không biết phải giải thích ra sao. Tôi lo bị họ chế giễu, cười nhạo là “không có bố”. Trên lớp, trong giờ giải lao tôi thường ngồi yên ở chỗ của mình. Rất ít khi tôi ra sân chơi đùa với các bạn. Ở nhà, tôi cũng chỉ có sách vở làm bạn. Niềm vui duy nhất với tôi lúc ấy là những điểm số. Mẹ tôi bận rộn mưu sinh nên không có nhiều thời gian quan tâm đến tôi. Tôi ngại làm phiền mẹ nên tôi cũng ít khi trò chuyện với mẹ.

 

 *

Khi tôi học lớp ba, một lần tôi nhận được thiếp mời sinh nhật từ người bạn cùng lớp. Cô bạn trao tận tay tôi tấm thiệp và nói tôi nhớ đến dự cho vui. Cầm tấm thiệp mà lòng tôi đầy phân vân : đi hay không? Tôi không biết nữa. Tôi chưa bao giờ dự một buổi sinh nhật nào cả. Tôi biết tặng quà gì cho bạn ấy. Ngập ngừng, tôi đã kể với mẹ. Mẹ khuyên tôi nên đi. Buổi tối, trên đường đến nhà bạn dự sinh nhật mà lòng tôi hồi hộp lo lắng. Món quà khiêm tốn trên tay khiến tôi thấy không tự tin. Nhưng khi đến nơi, tôi thấy các bạn trong lớp đã có mặt đông đủ. Nhìn các bạn hớn hở vui đùa, phút chốc nỗi e ngại trong tôi như tan biến. Tôi hòa cùng các bạn và chúng tôi đã có một buổi dự sinh nhật thật vui.

 

Thời gian tựa một dòng chảy không ngừng có thể khiến tôi quên đi nhiều thứ. Song có những điều để lại ấn tượng mạnh mẽ đến mức tôi không bao giờ quên được. Ví như lễ sinh nhật của T – cô bạn cùng lớp năm ấy đã trở thành một kỉ niệm theo suốt tuổi thơ tôi. Hình ảnh bạn tôi rạng rỡ trong bộ váy màu hồng bên cạnh chiếc bánh kem rất đẹp, rồi những bông hoa, những món quà, những lời chúc mừng đã không ít lần đi vào giấc mơ của tôi. Cứ mỗi năm qua đi, tôi lại ao ước, giá như một lần tôi được tổ chức sinh nhật để mời tất cả bạn bè đến chia vui. Nhưng tôi không dám thổ lộ với mẹ tôi ước muốn ấy. Khi đó, nhà tôi rất khó khăn. Tôi được đến trường học tập đã là một điều vô cùng hạnh phúc. Vì vậy, ước mơ về ngày sinh nhật là một điều gì đó thật xa vời và xa xỉ nữa đối với tôi. Nó tựa như những vì sao trên bầu trời mùa hè tôi thích ngắm nhìn nhưng không bao giờ tôi có thể chạm tay tới được.

 

Tuy chưa bao giờ tổ chức kỉ niệm ngày sinh nhật cho mình nhưng đôi khi tôi vẫn nhận được những món quà và lời chúc mừng. T – cô bạn lần đầu tiên mời tôi dự sinh nhật đã trở thành người bạn thân nhất của tôi. Tôi đã tâm sự với T về gia cảnh của mình. Tôi sẽ nỗ lực học thật giỏi để sau này có một công việc tốt. Và trong đó có cả ước mơ về một ngày sinh nhật vui vẻ, đầm ấm với thật nhiều lời chúc mừng từ mọi người. Có lẽ vì thấu hiểu nỗi lòng tôi, thương cảm cho tôi hay vì những tình cảm chân thành mà mỗi năm đến ngày sinh nhật tôi, T đều dành cho tôi những bất ngờ nho nhỏ. Khi thì một chú gấu bông dễ thương, khi thì cuốn sổ, khi thì chiếc thiệp handmade do T tự làm. Tôi đã giữ gìn và nâng niu những món quà tuy đơn sơ nhưng chứa đựng bao tình cảm mà T dành cho tôi. Đó thật sự là ngọn lửa đã sưởi ấm tâm hồn tôi, khiến tôi vơi bớt cô đơn và mặc cảm trong suốt những tháng ngày ấy.

 

 *

 

Khi tôi vào học cấp hai, cũng là khi cơ thể tôi bắt đầu dậy thì. Bên cạnh những biến đổi về thể chất thì suy nghĩ, tình cảm của tôi cũng có những thay đổi. Càng ngày tôi càng ý thức được về hoàn cảnh của mình : sự thờ ơ, vô trách nhiệm của bố tôi; sự vất vả cực khổ của mẹ tôi. Tôi ghét bố tôi, tôi thương mẹ tôi và tôi tủi buồn cho tôi. Thỉnh thoảng tôi nén khóc một mình hay chạnh lòng khi chứng kiến cảnh gia đình đầm ấm của bạn bè. Tôi luôn cố gắng học tập chăm chỉ, siêng năng như là một cách lấp đi nỗi buồn và sự trống trải trong lòng. Nhớ về những ngày ấy, không chỉ có sự buồn tủi mà đôi khi tôi cũng có được những niềm vui nho nhỏ như câu chuyện sau đây về ngày sinh nhật tuổi mười bốn và món quà của cậu bạn cùng lớp tên Q.

 

Tôi với Q ngồi chung bàn từ năm học lớp sáu. Q hay trêu tôi bằng cách kéo tóc và dọa sâu róm khiến tôi sợ. Nhưng bù lại, cứ mỗi lần đến lượt bàn tôi trực nhật là Q lại làm thay tôi tất cả. Vì những chuyện đó mà tôi với Q bị tụi bạn ở lớp ghép đôi trêu chọc. Buổi tối sinh nhật tôi, Q đến nhà, gọi tôi ra, lúng túng nói lời chúc mừng, đưa vào tay tôi gói quà rồi chạy mất. Tôi một mình đứng đó ngơ ngác, chưa kịp hiểu gì cả. Rồi khi đã vào nhà và hiểu ra mọi điều, tôi vừa vui lại vừa thấy giận Q. Vì không nén được tò mò, tôi thử mở gói quà ra : một quyển sổ nhật ký. Những nét chữ xấu như gà bới của Q trên tấm thiệp khiến lòng tôi nao nao một cảm xúc khó tả. Sau này khi đã trưởng thành, tôi hiểu đó là tình cảm trong sáng của tuổi học trò với những rung động hồn nhiên và cả một chút ngô nghê nữa. Lòng tôi thầm cám ơn Q nhưng sự kiêu hãnh của tôi không cho phép mình nhượng bộ. Tôi bí mật trả lại món quà ấy. Từ sau đó, chúng tôi không trò chuyện gì với nhau, thậm chí lảng tránh. Đôi khi, tôi muốn giải thích cho Q hiểu rằng tại sao tôi lại làm như vậy. Nhưng rồi lại thôi. Lên cấp ba, chúng tôi không học chung và cũng không liên lạc với nhau nữa. Chỉ là một kỉ niệm của thuở “tuổi hồng thơ ngây”. Biết là vậy mà đôi lúc nhớ lại, tôi vẫn thấy lòng mình bồi hồi. Có lẽ vì tôi đa cảm quá chăng? Tôi biết mình còn nợ Q một lời giải thích. Món quà sinh nhật mà Q tặng tôi năm ấy tôi đã không nhận, nhưng nó mãi mãi được cất giữ trong ký ức và nỗi nhớ của tôi.

 

Đối với tôi, tất cả những món quà mà bạn bè tặng cho tôi trong ngày sinh nhật không chỉ đơn giản là những đồ vật vô tri mà là biết bao tình cảm được gửi trao. Trong đó, có một món quà đã trở thành kỉ vật duy nhất của H – người bạn tôi không may đã mất vì bạo bệnh. Năm cuối cấp, cô giáo xếp tôi ngồi chung bàn với H. Mối quan hệ của chúng tôi vì vậy mà trở nên thân thiết hơn. Buổi học cuối cùng trước kì thi tốt nghiệp cũng trùng với ngày sinh nhật tôi. H đã tặng quà cho tôi với lời nhắn nhủ rằng hãy luôn nhớ về nhau. Món quà của H là hai chiếc kẹp tóc màu hồng xinh xắn. Tôi rất thích nhưng vì ít khi kẹp tóc nên tôi thường cất trong hộp. Rồi chúng tôi vào đại học, mỗi đứa học một nơi và ít khi gặp được nhau. Tôi loáng thoáng nghe tin H bị bệnh nặng nhưng lại từ chối không cho bất cứ ai tới thăm. Một buổi sáng chuẩn bị thi kết thúc môn chuyên ngành, tôi được báo tin H mất. Bàng hoàng, hụt hẫng và trống trải, một cảm giác nặng nề bủa vây lấy tôi. Đám tang H tôi không về dự vì không thể bỏ thi. Tôi chỉ biết âm thầm nguyện cầu cho linh hồn H an nghỉ ở cõi vĩnh hằng. Tôi mong H có thể lượng thứ cho sự vô tâm của tôi. Sự ra đi của H để lại một khoảng trống trong tâm hồn tôi. Mỗi lần nhớ về H, tôi lại mở chiếc hộp đựng hai chiếc kẹp tóc màu hồng mà H từng tặng cho tôi. Tôi mường tượng lại khuôn mặt xinh xắn và nụ cười rạng rỡ của bạn tôi. Tôi trách số phận tàn nhẫn khi lấy đi của tôi vĩnh viễn một người bạn. Rồi từ đây, mỗi khi đến ngày sinh nhật của mình, ký ức của tôi có H – như một kỉ niệm buồn, một sự tiếc nuối day dứt không nguôi.

 

 *

 

Vậy là … từ khi chào đời đến nay, tôi đã có hơn hai mươi sinh nhật một mình với đủ buồn vui. Trong thời gian đi học xa nhà, ngày sinh nhật, tôi thường mua một bó hoa hồng vàng coi như món quà tự mừng tuổi mình. Tôi yêu hoa hồng vàng vì màu sắc tươi tắn, hương thơm dễ chịu lại lâu tàn nên có thể chưng được khá lâu. Còn ý nghĩa tượng trưng của nó? Có người nói với tôi nó tượng trưng cho tình yêu kiêu sa rực rõ, có người lại nói nó tượng trưng cho tình yêu bị phản bội. Dù cho loài hoa ấy có tượng trưng cho điều gì đi nữa, với tôi không quan trọng. Chỉ biết rằng tôi yêu hoa hồng vàng như say mê những cuốn sách. Cũng vào mỗi dịp sinh nhật, tôi đều mua cho mình một cuốn sách làm kỉ niệm. Khi thì sách hướng dẫn nấu ăn, khi thì sách quà tặng cuộc sống hay tác phẩm văn học. Đọc sách với tôi không chỉ là một thói quen mà sách còn như người bạn bên tôi, chia sẻ cùng tôi những nỗi niềm.

 

Trước đây, tôi không mong lắm ngày sinh nhật mình và nó thường trôi qua một cách bình lặng. Sau tuổi mười sáu, để lưu giữ kỉ niệm tôi thường ghi nhật ký. Tôi viết vào đó những điều tôi đã làm được, chưa làm được và mơ ước cho tương lai. Nếu vào ngày sinh nhật không ít bạn bè của tôi được bố mẹ tổ chức kỉ niệm và tặng quà thì với tôi chỉ là một ngày bình thường như mọi ngày khác. Đã có những lúc tôi không khỏi cảm thấy ghen tị với họ nhưng rồi tôi thấy mình thật vô lý. Tuy sự quan tâm của bạn bè có thể đem tới cho tôi chút an ủi nhưng không thể nào bù đắp được nỗi buồn, sự thiếu vắng tình cảm của cha mẹ vào một ngày như thế. Tôi không biết giữa bố mẹ tôi có mâu thuẫn gì khiến họ phải chia tay nhau nhưng tôi đâu có tội tình gì, tại sao bố tôi bỏ rơi tôi. Để rồi tôi phải lớn lên trong sự bơ vơ, thiếu thốn và luôn thấy mặc cảm với bạn bè. Có bao nhiêu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của tôi, tôi cần lắm có người cha kề bên để định hướng cho những bước đi ấy. Hành động chối bỏ gia đình của bố tôi có thể giải thích bằng sự ích kỉ, vị kỉ không? Đã bao lần tôi băn khoăn với câu hỏi này mà chưa thể nào cắt nghĩa được cho mình một cách trọn vẹn.

 

 *

 

Ngày bé thơ, tôi thường mơ ước một lễ sinh nhật của riêng mình. Đó không chỉ là mơ ước mà còn là nỗi khao khát được sống trong sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc của gia đình. Mơ ước là gì? Nếu không phải là sự bất lực trong hiện tại. Có biết bao nhiêu những đứa trẻ khác đã từng ao ước như tôi? Và có bao lần họ đã âm thầm khóc vì tủi thân như tôi khi không may thiếu vắng cha mẹ hay bị cha mẹ bỏ rơi? Nhưng tôi luôn mong rằng, ít nhất họ cũng sẽ có được những sinh nhật vui vẻ, ấm áp với những món quà và lời chúc mừng như có lúc tôi đã được nhận từ những người tốt xung quanh mình.

 

Nếu có ai đó hỏi tôi rằng : sinh nhật một mình có buồn không? Sinh nhật một mình đương nhiên là buồn nếu như chỉ nghĩ đến sự thiệt thòi của bản thân. Với riêng tôi, chỉ cần một tin nhắn và dòng chữ “happy birthday” từ một ai đó thôi cũng đủ khiến tôi thấy ấm lòng. Đã có năm, tôi thức canh đúng thời khác chuyển sang ngày mới – ngày sinh nhật của mình. Và cùng một lúc tôi nhận được điện thoại chúc mừng của ba người bạn : ai cũng muốn được là người đầu tiên chúc mừng tôi. Nhớ lại thời khắc đó, tôi thật xúc động. Dư vị của nó dường như vương theo ký ức của tôi mãi cho tôi hiểu rằng hạnh phúc luôn có ở xung quanh đây và đôi khi đến từ những điều giản dị không ngờ.

 

Năm nay, tôi sẽ vẫn đón sinh nhật một mình nhưng không còn thấy cô đơn, lẻ loi. Thêm một sinh nhật đi qua là quỹ thời gian sống của tôi bị trừ bớt đi một năm. Tôi phải làm gì để không lãng phí thời gian ấy vì có nhiều nhặn gì khi mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống. Nên chăng hãy nỗ lực nhiều hơn cho những mục tiêu và dự định ở phía trước. Có đi mới tới, phải vậy không, tôi ?

 

Nguyễn Hạnh Nguyên

Hạ Long, tháng 5 - 2011

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 129751)
T ôi xin lỗi rất đau lòng nhưng phải nói ra ngày mất Hoàng Sa chỉ nửa nước đau thương căm hờn lũ giặc chỉ nửa nước sục sôi niềm đau mất đất
06 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 103790)
T in Việt Nam - Lời kêu gọi tuần hành phản đối ôn hòa cho sự kiện Trung Cộng ngang ngược trên biển Đông, xua đuổi ngư dân Việt Nam đã diễn ra thành công đến mức khó tin. Lời kêu gọi xuống đường tập hợp nhiều thành phần, biểu thị thái độ phản đối ở Saigon và Hà Nội vào ngày hôm qua, một lần nữa người ta chứng sức mạnh của giới trẻ và lòng yêu nước đã không thể nào ngăn chận nổi dù bị hăm dọa và trấn áp như thế nào.
04 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 113131)
L ịch sử 4000 năm đã minh chứng, ta mạnh địch lùi, ta lùi địch sẽ lấn lướt. Vậy tại sao chúng ta không biểu tình ôn hòa phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc, tai sao không rầm rộ kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý, đem Biển Đông ra đàm phán trước Liên Hiệp Quốc. Và quan trọng nữa, phải cho Trung Quốc biết ý chí quyết tâm giữ mỗi thước đất, mỗi thước biển của 90 triệu dân Việt. Hãy để tuổi trẻ Việt Nam nói lên tiếng nói tự trọng của một dân tộc, cho dù yếu sức cũng không đớn hèn.
02 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 96162)
"... B iểu hiện rực rỡ nhất của hoài niệm, là hoài niệm quê nhà, mà thực chất, cũng nằm trong chuỗi đơn cảm giác có tính cá nhân. Nên dễ nhận ra, chuỗi cảm giác đầu tiên là hướng về mô tả cảnh trí, phong vị tập quán, với một vóc dáng thi pháp ca dao đậm đà cảm hứng cội nguồn, đôi khi mang máng giọng điệu Tự Lực văn đoàn, đẹp, lãng mạn mà bùi ngùi.."
02 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 101417)
S áng nay Du về và tôi sẽ đi đón cô. Gã thầy thuốc có cái đầu trơn tuột chắc đã chán chê Du nên tôi vừa mở miệng là gật liền, gật mạnh và nhanh đến nỗi chút xíu nữa cái đầu kỳ dị của gã văng khỏi vai. [...] Du sẽ không còn lang thang dưới rặng dương liễu hay trên mái ngói lơ thơ những nhánh bồ đường vào những đêm khô nóng. Tôi sẽ không để cho ánh trăng tìm thấy cô.
02 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 93311)
Trong mọi cuộc chiến tranh, chiến tranh nào cũng vậy, không có kẻ thắng. Nhưng bao giờ cũng có một kẻ bại, một kẻ bại duy nhất - là nhân dân. [...] Đừng lừa dối nhân dân bằng những lời nói suông. Nhân dân rất sáng suốt. Người ta biết ai là người trung thực và kẻ nào là tên bịp bợm. Hãy nhớ lời Nguyễn Trãi “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.
26 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 117932)
S inh viên Việt Nam tốt nghiệp ở các trường giỏi trong nước khi ra nước ngoài tiếp tục học ở các trường cấp trên thường đạt thành công không mấy khó khăn. Thế nhưng, khi nhìn vào chương trình giáo dục của Việt Nam hiện nay và theo dõi báo động của các nhà giáo dục trong nước, khó thể phủ nhận một thực tế là giáo dục tại Việt nam đang có vấn đề, ở mức độ khủng hoảng. Khủng hoảng hiện diện trong rất nhiều lãnh vực khác nhau của giáo dục.
24 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 124306)
B ằng giọt nước rơi thầm khoảng nắng Bằng tiếng dương cầm Nhẹ sâu tháng năm Bằng ánh mắt tan vào mộng tưởng Xuyên qua em Cơ hồ mênh mông
15 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 97937)
T rường thơ Loạn manh nha từ nhóm thơ Bình Định với những tên tuổi như Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên. Đến năm 1936, nhận thấy tính khuynh hướng nổi trội trong sáng tác của từng người, Hàn Mặc Tử đã chủ trương thành lập trường thơ Loạn cùng với Yến Lan, Bích Khê và Chế Lan Viên. Từ đó mà trường thơ Loạn thực hiện cuộc hành trình đi từ âm vang Đường thi đến thung lũng đau thương , tràn bờ sang cả những bóng ma Hời trên tháp Chàm u uẩn, rồi chọn cho mình điểm dừng ở cuộc duy tân của Bích Khê.
15 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 107671)
C ơn mưa từ chiều đến giữa đêm vẫn chưa chấm dứt. Những cuộc hành hình liên tiếp bằng cách quấn rơm chung quanh kẻ bạo loạn rồi đốt giống như thui chó mấy ngày trước thịt vẫn còn khét. Sư bần thần đi lại trong thư phòng. Bất chợt một tiếng sét lớn sáng lòa đánh ngang cây gạo trước cổng chùa. Sư nghe thấy tiếng cây đổ vang dội trong tâm khảm. Điềm báo đến. Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, sư ngồi xuống, xếp bằng hai chân. Tịnh.