Trong thời gian vừa qua có nhiều biến động trên thế giới. Từ các cuộc cách mạng tại Trung Đông và Bắc Phi bởi khát vọng Dân Chủ-Tự Do của khối đông quần chúng, đến thiên tai xẩy ra trong ngày 11 tháng 3 tại tỉnh Sendai của Nhật.
Thiên tai kinh hoàng tại xứ Phù Tang khiến người Việt liên tưởng tới nguy cơ đang đe dọa quê hương với kế hoạch khai thác bâu-xít mà giới chuyên môn khoa học kỹ thuật, và dư luận cả nước đã đồng loạt báo động. Bên cạnh đó, là kế hoạch xây dựng những nhà máy điện nguyên tử trong những ngày sắp tới tại Ninh Thuận và một vài nơi khác; trong khi Việt Nam chưa có một đội ngũ chuyên viên về kỹ thuật nguyên tử để điều hành nhà máy. Trong trường hợp bị bùng vỡ, bốc cháy, phóng xạ như hiện nay ở Nhật. Việt Nam sẽ đối phó với như thế nào... nếu tai họa nguyên tử xẩy ra?!
Việt Nam đã trải qua cuộc chiến dài và tàn khốc để thống nhất đất nước với nhiều triệu sinh mạng đã chết của cả hai miền Nam Bắc. Tuy nhiên, 36 năm sau chiến tranh, những di chứng vẫn chưa phai mờ trong tâm khảm nhiều người. Và, đất nước đã thống nhất, đã “độc lập”, nhưng những quyền “tự do căn bản” vẫn là giấc mơ của người dân Việt...
Qua chiến tranh, Việt Nam đã chịu biết bao đau thương tan nát. Bằng những hình ảnh và những trang viết, Hợp Lưu 113 sẽ đưa chúng ta một lần nữa... lội qua chiến tranh. Nhìn lại, không phải để đào sâu thêm sự thù hận bởi biên giới chính trị, mà để suy nghiệm về cuộc chiến Việt Nam như những “trận hậu chấn” dần dần tan vào lịch sử. Và sự thật lịch sử đã chứng minh, triều đại nào rồi cũng qua, chỉ có dân tộc là trường tồn.
Hợp Lưu 113 được mở đầu bằng bài khảo cứu “Phía Bên Kia Cuộc Cách Mạng 1945: Đế Quốc Việt Nam (3-8/1945)” được trích từ Phần II, “The End of An Era” [Đoạn Kết của Một Thời Đại], của Luận án Tiến sĩ [Ph.D.] sử học “Political and Social Change in Viet Nam between 1940 and 1946” đệ trình tại Đại học Wisconsin-Madison vào tháng 2/1984 của Sử gia Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu. Do chính tác giả chuyển ngữ và hiệu đính từ nguyên bản tiếng Anh.
Hợp Lưu 113 phần nhận định với bài viết “Nỗi niềm thế hệ trong ký và tự truyện của Văn học Di dân Việt Nam” của Nguyễn Hạnh Nguyên, một người viết trẻ, sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, nhìn về quá khứ xuyên qua tâm tư của thế hệ sinh trưởng trong thập niên 60 ở miền Nam, từ sau biến cố lịch sử 30 tháng 4 năm 1975. Và Lê Quỳnh Mai với bài phỏng vấn nhà phê bình văn học Thụy Khuê, dành riêng cho Hợp Lưu.
Hợp Lưu 113, chúng tôi xin dành gần một phần ba số trang đặc biệt để đăng những bài viết về nhà văn Cao Xuân Huy, đồng thời trích đăng một số sáng tác trong hai tác phẩm “Tháng Ba Gãy Súng” và “Vài mẩu chuyện” của Cao Xuân Huy như một nén hương thân kính gởi đến anh thay lời từ biệt.
Ngoài ra là những sáng tác mới nhất của các văn thi hữu khắp nơi. Và sau cùng là các mục thường xuyên, Phiếm Luận với Song Thao, Mạn Đàm Văn Học với Trần Thiện Đạo...Kể từ số nầy, Vũ Thúy Vi vì bận việc riêng, xin tạm ngưng phụ trách mục Tin Sách một vài kỳ... Hợp Lưu xin cảm ơn những nhiếp ảnh gia và hãng thông tấn American Press về những tác phẩm ảnh mà Hợp Lưu mạn phép dùng trong số nầy.
Khi báo sắp lên khuôn, chúng tôi được tin nhà văn Phạm Công Thiện và nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã vĩnh viễn ra đi, Tạp Chí Hợp Lưu và văn thi hữu trong ngoài Việt Nam xin kính gởi đến tang quyến lời thành kính phân ưu.
Kính chúc quí độc giả và văn hữu có những ngày tháng yên lành và nhiều sức khoẻ.
Tạp Chí Hợp Lưu
Gửi ý kiến của bạn