Anh có thật xương rồng
Hay xương người nghĩa khí
Ngã xuống rồi hóa thân?
Phùng Quán
“Gió thổi mùa thu hương cốm mới…” Câu thơ của Nguyễn Đình Thi luôn gợi nhớ tới những buổi sáng Hà Nội rất mát rất trong của những ngày còn thơ ấu. Do đó năm 1994, chúng tôi chọn đúng mùa Cốm để về thăm lại Hà Nội sau nhiều năm sống ở hải ngoại. Chúng tôi dẫn theo cô út, vì cô bé còn đang đi học không vướng bận gia đình hay công việc làm như các anh chị nó.
Cũng vào thời gian đó chúng tôi tình cờ đọc được bài báo cũ của Phùng Quán viết chuyện về thăm Nguyễn Hữu Đang, một bậc đàn anh trong nhóm Nhân Văn mà Phùng Quán vẫn ngưỡng mộ và cùng chung chí hướng xây dựng một xã hội lý tưởng. Sau đó họ đã theo nhau sa vào mấy chục năm tù đày điêu đứng.
Riêng tôi, dù đã theo dõi vụ án Nhân Văn từ hồi còn ít tuổi, vì vào những năm giữa thập niên 1950, báo chí miền Nam đã luôn luôn nhắc đến vụ này, tôi không chú ý nhiều đến nhân vật Nguyễn Hữu Đang mà lại thuộc lòng những lời thơ khẳng khái của Phùng Quán:
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Ngoài ra tôi được biết những tên tuổi khác trong nhóm như Phan Khôi,Trần Dần, Phùng Cung, Hoàng Cầm … là do những thơ văn của họ được phổ biến. Trong trí tưởng tôi, họ như những nhân vật trong huyền thoại hay trong truyện cổ tích.
Như nhiều người, khi đọc bài “Tìm Thăm Nguyễn Hữu Đang” của Phùng Quán, chúng tôi rất xúc động. Cụ là một người xuất sắc về đủ mọi lãnh vực: văn chương, khoa học, chính trị, thông thạo nhiều thứ tiếng, mà suốt hơn 50 năm qua đã bị đọa đầy đến cùng cực. Chồng tôi thì liên tưởng đến những nhân vật trong truyện kiếm hiệp, Nguyễn Hữu Đang như một Lệnh Hồ Xung bị đầy xuống hắc lao dưới lòng đất, chân tay cùm kẹp đêm ngày, sống mà như chết trong bóng tối mịt mùng, bao năm mới thoát ra được để lại nhìn thấy ánh mặt trời. Cụ Đang càng đáng phục là dù phải sống trong tình huống cơ cực mà phong cách ngôn từ của cụ vẫn an nhiên như một bậc vương giả trí thức “Anh lôi dưới gầm giường ra một cái xô tôn thủng đáy, đặt lên miệng xô tấm ván gỗ: Đây là bàn ăn, anh giới thiệu và vần tiếp ra hai cái vại muối dưa sứt miệng. Còn đây là ghế ngồi, vừa vững chãi lại vừa mát. Chú thử ngồi mà xem, có khác gì ngồi trên đôn sứ đời Minh?”
Thức ăn của cụ thì toàn là cóc, nhái. Và cô đơn đến độ phải đeo lục lạc vào thắt lưng để nghe tiếng kêu loong coong mà thấy đỡ đơn độc. Nhưng mối ưu tư nhất của ông già này là làm sao lúc chết không làm phiền đến ai “Ở đây, nơi quê hương bản quán, tôi đã chọn sẵn chỗ nằm để chết…Đấy dưới chân bụi tre có một chỗ trũng, phủ đầy lá tre rụng…tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó trước khi nhắm mắt xuôi tay”.
Tôi rùng mình, nhớ lại câu thơ của Tô Thùy Yên:
Sống ở trên đời ghê gớm quá
Mà ta sống được có kỳ không?
Chúng tôi suy nghĩ mãi là nên mang món quà gì biếu ông cụ? Chưa quen biết, không dám mạo muội biếu tiền vì sợ xúc phạm, mà ở Việt Nam những năm đó có tiền chưa chắc đã có vật dụng tốt để mua. Đọc lại cảnh sống của cụ, chúng tôi quyết định đem về một cái túi ngủ (sleeping bag), có lẽ là đắc dụng, tuy nó chiếm hết một phần tư chiếc va li lớn.
Ra khỏi phi trường Nội Bài, sau khi đã lo xong thủ tục, ba vợ chồng con cái chúng tôi bước ngay vào bầu không khí nóng và ẩm của Hà Nội. Trong số họ hàng bà con ra đón, đi đầu thấy có một ông già cao lớn tóc trắng mặc áo sơ-mi đỏ xậm, ông anh họ của chúng tôi vội giới thiệu đây là nhà thơ Hoàng Cầm. Dù vẫn biết sẽ về gặp nhà thơ vì ông là người cùng quê vừa là bạn học với những anh chị lớn tuổi trong họ nhưng chúng tôi ngạc nhiên không ngờ ông lại cất công ra tận phi trường đón chúng tôi.
Sau buổi tối hàn huyên và sắp đặt chương trình tại khách sạn, ngày hôm sau chúng tôi cùng mấy người trong họ và cả nhà thơ Hoàng Cầm về thăm quê cũ và viếng mộ cha tôi. Xong việc, người em họ lớn tuổi hẹn ngày đưa chúng tôi đến gặp cụ Đang tại nhà Phùng Quán vì cụ gần như thường xuyên ở đó. Tôi không ngờ Phùng Quán vẫn còn sống và chị Quán lại là em của bạn chị tôi. Trái đất thật là nhỏ.
Bữa đó là ngày 9 tháng 9 năm 1994, một ngày Hà Nội có liễu rủ mượt mà, nắng thu trải ánh vàng dịu trên mặt hồ Tây gợn sóng. Khu tập thể trường Chu Văn An trông hoang dã, cây cối um-tùm. Căn nhà của Phùng Quán nhìn ra mặt hồ thoáng mát. Phía sau là một căn gác đã được anh dựng lên bằng những gỗ và tranh nhặt nhạnh được để tiếp các bạn. Anh đặt tên là “Chòi Ngó Sóng”.
Bước chân vào cổng, chúng tôi gặp ngay một ông trông chưa có vẻ già lắm, mặc sơ mi cộc tay màu xanh, tóc cũng hớt ngắn, dáng vẻ dắn dỏi nhanh nhẹn. Tôi cúi đầu chào “Thưa… chắc đây là ông Phùng Quán?”. Hưng, người em họ tôi cười “Không, đây là bác Đang”. Tôi sửng sốt nghĩ thầm: Trời đất, tính ra năm nay cụ đã ngoài 80 mà sao trông cụ trẻ thế này? Đi theo cụ, qua một cái bể non bộ có những bông hoa súng vươn trên mặt nước và lối đi rải rác mấy chậu lan, chúng tôi tới gian có bàn nước là chỗ tiếp khách, chị Bội Trâm, vợ anh Quán tươi cười ra đón. Trông chị nhỏ nhắn, phong thái lịch thiệp mà cương nghị, rõ ra một người đã qua nhiều thử thách trong đời. Một ông già cao gầy, mặc bộ bà ba trắng ngà, tóc búi củ hành sau gáy, râu tóc muối nhiều hơn tiêu, nước da màu đồng, đang ngồi trên ghế tràng kỷ. Thấy chúng tôi ông vội xỏ chân vào dép đứng lên chào. Đây mới thật là nhà thơ Phùng Quán. Năm đó anh mới có 63 tuổi, mà tôi tưởng anh già hơn nhiều. Và anh vẫn còn sống. Thế mới lạ. Sau này chị Trâm nói chuyện, chính Quyên con gái anh chị học ở đại học Hà Nội, thầy giáo nhắc đến nhóm Nhân Văn và nói là Phùng Quán đã chết rồi, mấy người bạn nhìn cháu cười, Quyên phải nói “Thưa thầy, bố con vẫn còn sống”. Trách gì người ở xa ngàn dặm như chúng tôi.
Sau khi đã nhận anh em thứ bậc do tình quen biết giữa hai gia đình, nhà tôi nhắc đến bài viết của anh Quán về cụ Đang đã là động lực khiến chúng tôi đến thăm ngày hôm nay. Anh đứng lên lấy tặng chúng tôi cuốn Trăng Hoàng Cung và cho chúng tôi xem xấp hình chụp buổi lễ thọ cụ Đang năm ngoái khi cụ 80 tuổi, gọi là “Lễ Mừng Sống Dai”.
Bữa đó anh tặng cụ Đang một chậu xương rồng và đọc bài thơ:
Cây chi cây lạ lùng
Không cành cũng không lá
Chỉ toàn thân với thân
Mà thân thì dựng ngược
Như gậy gộc nghĩa quân
Toàn những góc với cạnh
Lại tua tủa gai chông
Nhựa độc hơn bọ nẹt
Gai buốt nhọn hơn gươm
Người nghèo đem luộc kỹ
Ăn lại lành thay cơm
Mọc lên từ cát lửa
Hồn vẫn xanh mát trong
Che chở người lương thiện
Trộm cướp đều ngại ngùng
Cây như một biểu tượng
Đời gọi cây xương rồng
Xương rồng ơi, xương rồng
Anh có thật xương rồng
Hay xương người nghĩa khí
Ngã xuống rồi hóa thân?
Cụ Đang hào hứng nói thêm:
- Hôm đó có đủ mặt
anh em, cũng đến một trăm người: Trần Dần, Lê Đạt,
Phùng Cung, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, Hữu Mai chủ tịch Hội Nhà Văn … Hôm đó là không
bàn, không ghế, thịt heo quay cứ chặt ra lót lá chuối. Có lạc
rang và một thùng rượu lớn, ai muốn cứ việc đến múc, tôi chỉ mời mỗi người một
chén đầu tiên.
Chị Trâm giải thích:
- Chúng tôi nghĩ nếu cụ Đang còn ở mãi nông thôn, không ai biết đến, nên báo chí cứ bảo là cụ chết rồi. Anh em bàn định là phải làm cho cụ Đang“sống dậy”. Nhưng phải cẩn thận vì mình vẫn là đối tượng đang bị theo dõi. Hôm đó mọi người ngồi hết cả từ trong nhà ra tới bên ngoài. Có anh Phùng Cung nói lời chúc mừng đầu tiên, cụ Đang phát biểu rồi tới anh Quán. Nhưng nói gì xong là đánh máy, in ra rồi phát cho mọi người để sau này không ai xuyên tạc được là mình nói đến chính trị.
Anh Quán cười, nhấm một ngụm nước trà:
- Nói thật với chị, tính tôi vẫn lười, nhưng hôm nay biết thế nào anh chị cũng đến, tôi
phải đi đón anh Đang. Tôi đạp xe sang nhà Phùng Cung bảo thằng cháu “Mày đi với chú
đèo cụ Đang giúp chú một quãng”, vì cũng mệt mà xa lắm.
Chị Quán đỡ lời:
- Nhà cụ Đang tận Nghĩa Đô. Cụ ở trên căn hộ lầu năm, nhưng nhờ trời qua bao nhiêu gian khổ mà cụ vẫn còn được như vậy.
Cụ Đang cười hồn nhiên:
- Bình thường thì tôi có bốn cái khỏe: Ăn khoẻ, ngủ khỏe, nói khỏe và đạp xe khoẻ.
Ăn thì tôi phải ăn hết 3 lạng gạo mới đủ no, ngủ thì tôi ngủ 8 tiếng, nói thì hội trường đông đến 500 người, micro tôi gạt ra một bên, chỉ nói tiếng không cũng đủ nghe rồi. Còn đi xe đạp thì mỗi ngày tôi đạp 50, 60 cây số giữa trời nắng chang chang là thường. Nhưng bây giờ cũng bắt đầu thấy mệt, vác cái xe đạp lên lầu năm cũng đã thấy nặng lắm.
Nhà tôi hỏi:
- Thưa cụ, bây giờ cụ đang viết gì?
- Tôi cũng muốn tranh thủ cái thời gian này để viết, nhưng mà cũng rất tiếc là từ nay cho đến lúc chết cũng chẳng còn bao lâu, không hiểu có viết được nhiều không, nhưng còn viết được ngày nào thì cứ viết, còn nước còn tát. Khi mình còn ở trong nhà tù thì không nghĩ là triển vọng nó thế nào cả, vì không biết lúc nào được thả về, không biết lúc nào sống, lúc nào chết, nên chỉ cố thích ứng với trại giam mà thôi. …Vì cái chỗ tôi bị giam giữ không giống như những nơi giam giữ khác…Ở nơi đó nguyên tắc đã đến là không về, bất kể án phạt của anh là bao nhiêu, chung thân, 10 năm hay 20 năm cũng vậy. Khi người ta đưa đến đấy là ngầm cái ý là không về, cứ ở đó vĩnh viễn, cho nên tôi đã không nghĩ ngợi gì… Tới giờ này được thả ra và ngồi viết cũng có vấn đề là mình phải nắm được tình hình xã hội, phải có một lượng thông tin cho đủ nhiều. 35 năm nay, tôi sống cách ly với xã hội, đủ biết là sự lạc hậu về tinh thần rất lớn: Người ta đọc đến hàng ngàn cuốn sách, mình chưa đọc cuốn nào. Người ta đọc đến hàng vạn bài báo mình chưa đọc bài nào. Người ta dự đến hàng trăm buổi họp mình chưa dự một buổi nào. Thế là lạc hậu lắm. Lạc hậu về số lượng thông tin như thế thì rất khó khăn, vì khi viết ra không biết người ta đã viết chưa, có trái ngược không, có trùng hợp không, hay có khi lại còn bị lôi thôi. Ếch ngồi đáy giếng viết ra, dù những chuyện riêng tư, cũng sợ không ăn khớp với trình độ chung của người đọc và cái nhu cầu chung của xã hội, nên tôi càng thấy khó…”.
Sau khi ngồi nghe anh Quán vừa uống trà, hút thuốc lào vừa đọc những bài thơ đắc ý của anh, chúng tôi được mời lên Chòi Ngó Sóng để ngắm cảnh Hồ Tây về chiều và xem những bút tích cuả các văn hữu đề tặng. Thấy cụ Đang còn có vẻ muốn nói một điều gì, anh Quán nhìn ông bạn như chờ đợi.
Cụ Đang cất tiếng:
- Thường thì sự cảm động làm người ta trở nên vụng về lúng túng. Lúng túng trong ngôn ngữ, trong cử chỉ. Nhân đây tôi cũng nói đến một chi tiết vui, là tôi có để ý đến chị (Tôi kêu thầm: Chết rồi, chuyện gì đây?)... là đi đã lâu mà về trông vẫn còn trẻ trung thế này. Mà theo ý riêng của tôi, ở nước ngoài đã lâu, thường là phải Âu hóa trong tinh thần, Âu hóa về ngoại hình. Do cứ nghĩ như thế về tuyệt đại đa số các bà con ta ở nước ngoài về, tự nhiên tôi để ý đến mái tóc của chị.
Đáng lẽ ra, hợp lý ra là phải uốn cho giống người ta, cho hòa hợp với những người xung quanh, chứ trông khác người ta không có lợi, nhưng sao mái tóc của chị lại như thế này? Tôi muốn hỏi tại sao lắm, nhưng tôi hỏi mà xin chị đừng trả lời. Vì không có câu trả lời thì tôi mới có toàn quyền suy diễn theo ý tôi. Tôi chợt nghĩ một lúc nào đó, tôi sẽ viết một bài. Thơ tôi không biết làm, nhưng tôi sẽ viết về buổi gặp gỡ anh chị và cháu ngày hôm nay và về mái tóc của chị. Và chị cứ để tôi cái quyền nghĩ mái tóc của chị mang một ý nghĩa là lúc nào cũng mang tổ quốc quê hương trên đầu. Có thể là không đúng nhưng chị cứ cho tôi cái quyền đó.
Nghe cụ nói, anh Quán đưa mắt tò mò nhìn lại tôi và chị Trâm nói thêm mấy câu đùa vui phụ họa. Vợ chồng tôi chỉ nhìn nhau cười và cám ơn cụ.
Ngày hôm sau gặp ở nhà hàng, với một số người trong họ hàng chúng tôi và có cả Hoàng Cầm, Phùng Quán, cụ ký tặng chúng tôi bài viết “Bộ Vòng Sơ-men”, hồi ký về mối tình duy nhất trong đời cụ:
Mùa hè năm 1946, trong khung cảnh Hà Nội nhộn nhịp tưng bừng, chàng trai hào hoa, đầy quyền lực Nguyễn Hữu Đang tình cờ được gặp một cô gái tuyệt sắc tên Huyền Nhiên là em họ của một người bạn. Dù đang hăng say hoạt động chống Pháp với nhiều trách nhiệm quan trọng, chàng đã để lòng rung động về sắc đẹp và trí thông minh của cô. Hai người đã đi đến hứa hẹn và thể hiện là chàng đã trân trọng tặng Huyền Nhiên một bộ vòng sơ-men bằng bạc (một bộ vòng đeo tay các cô gái trẻ thời trước rất ưa thích gồm có bảy chiếc vòng thanh mảnh, tượng trưng cho bảy ngày trong tuần, nên gọi là vòng semaine)
Nhưng khi đó chiến tranh đến hồi sôi động, quân Pháp đã đánh đến Hải Phòng, dân Hà Nội phải tản cư. Và chàng trai thời chiến lao vào bóng tối hoạt động. Sau chín năm xa cách vì ly loạn và tiếp theo đó là vụ án Nhân Văn, gần 35 năm tù đày với 15 năm biệt giam, chàng trai ngày xưa giờ đã trở thành một cụ già đơn độc nghèo khó.
Khi bị đưa về an trí ở Trà Vy, Thái Bình, cụ nhận được tin người xưa, goá chồng đã lâu, mới từ trần trong một bệnh viện. Trước khi lìa đời bà nhờ tháo bỏ chiếc nhẫn và chuỗi hạt để lại cho gia đình, bà chỉ xin đeo vào tay cho bà bộ vòng sơ-men mà bà vẫn giữ trên tủ thờ để mang theo xuống mộ phần.
Trở lại Hoa Kỳ, chúng tôi nhận được thư anh Phùng Quán có đoạn:
“..Anh ngồi bên cửa sổ nhìn ra Hồ Tây đầy sương mù và cạnh anh là anh Đang đang ngủ say, đắp chiếc chăn “hồ cừu” vợ chồng em tặng. Anh bỗng nhớ câu thơ của Nguyễn Du “Gió lạnh cả thế gian thổi thốc vào một người đơn độc”. Với tấm lòng và công trình của hai em và cháu đã ngăn bớt làn gió lạnh đó..
Trong nhóm bạn hữu quen thuộc, nhiều người đã đọc về cụ Đang, rất cảm phục lý tưởng và nghị lực kiên cường của cụ, họ đã chung góp cùng chúng tôi ít nhiều gửi về làm quà biếu cụ.
Ít lâu sau chúng tôi lại nhận được tin cụ qua anh Quán là cụ Đang đã được cấp một căn hộ 35 mét vuông ở khu Trung Ương, hưởng lương hưu Thứ Trưởng. Chúng tôi rất vui, thế là đời sống của cụ sẽ được ổn định.
Tết
Bính Tý, 1996, lại nhận được lá thư dài kín 4 trang giấy của cụ:
Hà Nội ngày 22-2-96
… “Hoàn cảnh của tôi thì đã được cải thiện từng bước: Tháng 5-95 tôi đã được
phân phối nhà ở loại trung bình , diện tích … như thế là tương đối dễ chịu…Tôi
vẫn sống một mình, tự nấu lấy ăn một cách
đơn giản… Nếu rồi ra người ta trả lại đầy đủ quyền lợi chính đáng của tôi (cấp
bậc Bộ Trưởng và thâm niên cách mạng từ năm 1930)…Nhưng
khả năng ấy còn xa…
Theo sự mong muốn thiết tha của tôi, mà cũng là sự mong muốn của bạn bè và
những người chuộng sự thật về lịch sử, tôi đang cố gắng bố trí sinh hoạt hàng
ngày sao cho hợp lý để có nhiều thì giờ tập trung viết hồi ký…
Hai bạn ạ,
Tôi có chút hạnh phúc là sức khoẻ tốt… Ngoài ra, cuộc sống cuối đời của tôi còn
tình yêu thương của những bạn tốt như hai bạn.
Dù xa nhau nửa vòng trái đất, các bạn vẫn nghĩ đến tôi …. Xin chúc các
bạn sống lâu hơn tôi và thành công trong mọi mong muốn, chủ trương, hành động.
Xiết chặt tay,
Nguyễn Hữu Đang”
Những lời lẽ trong thư của cụ luôn làm chúng tôi cảm động và áy náy vì nghĩ mình đã làm được gì cho một người như cụ Đang mà được cụ coi như người thân và giãi bày tâm sự. Phải chăng chúng tôi đã đến đúng thời, đúng chỗ, khi mà những người trong nhóm Nhân Văn vừa được tạm “cởi trói”, họ còn đang dè dặt hít thở bầu không khí tự do thì chúng tôi đem đến chút gió mát từ bên ngoài về?
*
*
*
Cuối mùa thu năm 2001, cả gia đình chúng tôi hẹn nhau cùng về gặp ở Hà Nội và chúng tôi sẽ đưa các con đi dọc từ Bắc xuống Nam để thăm lại quê hương xứ sở.
Tới Hà Nội, chúng tôi đến thăm chị Bội Trâm và cụ Đang ở quán ăn Vọng Ba Lâu, hậu thân của “Chòi Ngó Sóng” ngày xưa. Quán này do chị Trâm chung với một cô giáo bạn mở ra làm phương tiện sinh sống. Cháu của cụ Đang sẽ đưa cụ bằng xe ôm tới gặp chúng tôi.
Khu tập thể trường Chu Văn An cạnh Hồ Tây không còn đìu hiu lau lách như ngày nào, thay vào đó là cảnh hàng quán đông đúc, taxi chạy tới chạy lui nườm nượp.Khu nhà cũ không còn nhận ra. Buổi tối đèn mắc như sao, nhưng tôi chỉ nhớ nhà hàng có cầu thang lên khá rộng rãi. Chúng tôi chọn ngồi ở một bàn dưới nhà sát bờ hồ. Đâu còn Phùng Quán, đâu còn “Chòi Ngó Sóng” với những bài thơ đề trên vách mà một chiều thu năm xưa tôi hỏi “Hoàng Hạc Lâu của anh phải không?”
Tối nay chỉ có gia đình tôi ngồi với cụ Đang vì chị Trâm còn phải chạy tới chạy lui bận rộn trông nhà hàng. Tính ra cụ đã 88 tuổi, trông sắc diện cụ đã khác năm xưa nhiều. Lưng cụ còng hơn, trông cụ như nhỏ đi, tóc cụ đã bạc hết, tai cụ đã không còn nghe được nữa. Điều này chúng tôi biết từ ít lâu nay và đã sửa soạn giấy tờ để bút đàm. Khi đọc những hàng chữ viết còn cứng cáp rất đẹp và lời văn sắc gọn, tôi thấy cụ vẫn rất minh mẫn và chưa mất cái tính chất dí dỏm trong cảm nghĩ.
Tôi viết:
- Xin kính chào cụ. Mừng cụ vẫn mạnh. Cám ơn cụ đã hỏi thăm chúng tôi khi bà chị tôi về thăm.
Cụ viết trả lời:
- Tôi vẫn nhớ buổi gặp bà An, bà mặc áo dài Việt Nam may bằng gấm quí, hoa rất đẹp.
Ít khi tôi được tiếp một vị khách sang trọng và ân cần đến thế. (Ký: Nguyễn Hữu Đang)
Tôi lại viết tiếp:
- Thưa cụ, bà An có chiếu lại cuốn phim thấy cụ rất vui và khoẻ mạnh. Cụ mua được máy nghe chưa ạ?
- Tôi chưa có máy nghe vì ông bạn mà tôi gửi tiền và nhờ tìm mua còn mắc bận nhiều việc quá kể cả việc xây ngôi nhà 4 tầng. Vả lại bệnh điếc của tôi đã dịu đi làm cho tôi tin tưởng ở cái triển vọng tai trở lại bình thường. Cũng là ỷ lại vào cái số phận tốt như ông bà và cháu Thuấn Anh mong muốn (Ký: Nguyễn Hữu Đang)
Chồng tôi viết:
- Thưa cụ, cụ cũng nên xúc tiến sớm để có máy nghe, để được bình thường. Hôm nay chúng tôi và các cháu có vào thăm Viện Bảo Tàng và có thấy hình cụ.
Cụ trả lời:
- Cái hình ấy không có nhà nhiếp ảnh nào chụp được. Đây là do một sĩ quan tình báo Mỹ tên Thomas chụp từ xa bằng máy đặc biệt. Sau này nhà viết sử Mỹ là David Marr đã đưa vào cuốn sử của ông “The Revolution 1945”. Nếu tôi nhớ đúng thì hồi trước chính ông đã chụp photocopy gửi cho tôi chương ấy. Hôm nay tôi có dịp cảm tạ tấm lòng ân cần của bạn. Cảm ơn! Cảm ơn! (Ký: Nguyễn Hữu Đang)
Nhà tôi lại viết:
- Cụ còn nhớ nhiều quá. Lúc tôi đọc cuốn sử, thấy họ nhắc đến tên cụ mấy lần nên mới in ra gửi cụ. Hôm nay nếu cụ không nhắc lại thì tôi cũng quên rồi. Nghe nói cụ có viết hồi ký, cụ đã viết xong chưa?
- Đã bắt đầu. Cách nay 3 hôm, người ta đem đến cho tôi một triệu đồng đề nghị tôi viết và tôi đã nhận lời.
Sau mỗi câu đàm thoại, cụ lại ký tên rất trang trọng. Tôi thầm nghĩ chắc cụ vẫn quen hành xử như hồi còn làm Thứ Trưởng bộ Thông Tin và Tuyên Truyền cách nay hơn nửa thế kỷ? Hay cụ tưởng đang phải “làm việc” với quản giáo? Tôi không biết giả thuyết nào đúng.
Đưa cụ về bằng taxi, trời tối,
xóm nhỏ chỗ nào cũng giống chỗ nào. Người ta ngồi la liệt ở hàng
quán vỉa hè. Cụ cũng không rõ lối vào. Dĩ nhiên là chúng tôi cũng chịu thua.
Sau anh taxi phải theo cùng vào xóm hỏi thăm, có vài người nhận ra cụ và dẫn chúng tôi về đến căn hộ của cụ bây giờ nằm trên
tầng hai. Sức khoẻ bây giờ đã khác xưa, cụ không còn đạp xe được nữa, nói gì
50, 60 cây số mỗi ngày hay vác xe đạp lên tận lầu năm. Đi đâu là phải có người
chở cụ đi. Hèn chi cụ không nhớ đường về nhà.
Chung lối lên cầu thang là một
căn hộ khác, không thấy ai, nhưng có tiếng chó sủa oăng oẳng sau lần cửa đóng. Trong
căn phòng cụ ở, nhiều vật dụng lặt vặt cùng sách vở hình ảnh bầy rải rác trên mấy chiếc bàn nhỏ trong phòng.
Tôi nhìn thấy có hình cụ và một nhạc sĩ
lão thành, có chữ ký của nhạc sĩ dưới lời đề tặng “Yêu Anh”, hình khác cùng một
nhà văn có tiếng, với lời xưng tụng “Người
Dựng Nóc Nhà” và nhiều hình ảnh tài liệu khác. Tôi chú ý đến bức hình khá lớn
treo trên tường gần cửa ra vào. Ảnh một người đàn bà đẹp, tuổi trung niên vấn tóc
trần, nét mặt thanh thoát. Tôi khẽ hỏi cụ: “Đây có phải là bà Huyền Nhiên mà cụ
viết trong truyện?”. Không nghe rõ nhưng
cụ hiểu tôi hỏi gì, cụ gật đầu “Phải, hôm qua là ngày giỗ bà ấy. Năm nào các
con bà cũng đến đón tôi đến dự đám giỗ của bà”.
Tôi nhìn quanh. Một cụ già
dù nay đã được phục hồi lương bổng, nhưng ở một mình hiu quạnh giữa một thành
phố đông người, không biết cụ có thấy ấm lòng hơn những ngày bị an trí ở Thái
Bình, phải đeo lục lạc để nghe tiếng reo cho đỡ cô đơn?
Quay ra cửa tôi còn nghe thấy cụ nói chuyện với nhà tôi, hẹn sẽ gửi cho anh giấy tờ hình ảnh gì đó. Tôi chào cụ, cúi đầu đi xuống cầu thang, lòng thầm nghĩ cụ đã già quá rồi, chắc gì đã có lần gặp lại?
Cụ đã qua đời với tuổi 94. Sống suốt một đời đấu tranh gian khổ, nhưng cụ đã ra đi trong sự tiếc thương, quí trọng của mọi người dành cho một bậc hào kiệt (chữ của Phùng Quán).
Nhớ buổi tối năm 1994 khi ra khỏi tiệm ăn, cụ lại nói: “Tôi sẽ viết về mái tóc của bà, tôi sẽ đặt tên là Mái Tóc Quê Hương”. Tôi cũng chỉ mỉm cười vâng dạ, nghĩ thầm sau suốt một đời bị tù đày vùi dập cụ vẫn chưa bị “tẩy não”, chưa bị mất đi cái tính mơ mộng lãng mạn của một thanh niên Hà Nội năm nào.
Đời sống bận rộn, ngày nọ tiếp ngày kia, năm lại năm qua nơi xứ người, tôi đã không còn nhớ nhiều chi tiết của những lần gặp mặt xưa kia, nếu không nhờ vào những cuốn băng thâu hình, thâu tiếng cùng những bút tích của cụ.
Giở lại những kỷ vật ngày nào, nghe lại Phùng Quán, Hoàng Cầm đọc thơ, nghe tiếng nói sang sảng của cụ Đang, tôi có cảm tưởng họ như những nhân vật trong cuốn truyện cổ tích hồi tôi còn nhỏ, trong một thời điểm nào đó đã hiện ra, chia sẻ với chúng tôi một khoảng thời gian thật ngắn ngủi và nay họ lại quay trở về những trang sách huyền thoại, cổ tích của tôi.
NGUYỄN-ĐẶNG BẮC NINH