- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Gia Phả

18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 92423)

 

 

giapha_tranvu
 Tranh Nguyễn Trọng Khôi

 

 

I

 

Tôi đi ở cho tộc Trần từ lâu lắm. Từ cuối đời Lý. Lúc Trần Thị chỉ vừa cắt nhau. Đêm tháo thai, sống cảnh sinh nở đầu đời nên tâm hồn tôi ngập kinh hãi. Máu từ cửa mình vợ Trần Lý chảy xối, bắn phun tung tóe như bát canh rau dền rơi vãi trên đất. Thứ canh đỏ thẫm, lợn cợn những nhau, thịt, chất nhờn. Trần Thị giẫy, vùng, đôi tay chới với cào cấu vươn tới trong động tác nắm tìm sự sống. Đã biết đi vào đời là đi vào khổ đau, nhưng tôi cũng không ngờ khổ đau to lớn tàn phá đến rách bươm cửa mình vợ Trần Lý. Mỗi cái quẫy mình là mỗi một vũng máu, trào ra, trào cho đến đầy thau. Máu bê bết chẳng khác một pháp trường.

 

Cánh tay mụ đỡ đưa cao lắm. Cánh tay lằn những sợi gân oan nghiệt. Miểng chai cắm lùi trong than hồng đỏ rực. Loại miểng chai sắc cạnh, bén nhọn chỉ dùng cho mỗi thứ công việc đành đoạn là cắt cổ người, hoặc nhẹ nhàng lắm: thọc huyết heo. Vợ Trần Lý co rúm như con lợn lôi ra sân bếp. Tôi nhắm mắt, đã hiểu mình sẽ không bao giờ lớn. Trần Thị mất mẹ ở hành động cưỡng ép chối bỏ tình mẫu tử đó. Cuống rốn nắm trong tay mụ đỡ hiểu được số mệnh, vùng vẫy, cựa quậy, tháo thân, cuống rốn như con rắn nước liều lĩnh kháng cự trước lúc bị chặt đầu. Miểng chai xắn xuống, xắn xuống, cứa mãi, thịt rách, gân đứt, máu phụt, vợ Trần Lý căng, đạp, thét la oằn oại gào trong mất mát. Trần Thị bật khóc, tiếng khóc đầu tiên vỡ òa khi cuống nhau nối mình vừa đứt. Máu tiếp tục phun. Nước mắt tôi chảy cho Trần Thị: Vào đời giữa máu me hung bạo.

 

 

 

 

II

 

 

 

 

 

Tôi về ở cho tộc Trần, như thế, từ sau đêm máu me ấy. Tộc Trần là một tộc lớn, ngự trị khắp phủ Xuân Trường. Hiếm ai ngờ một dòng họ còn sót lại từ thời Bắc Tống, kéo xuống lập nghiệp phương Nam khởi đi từ nghề đánh cá nhỏ mọn, sau một trăm năm lại hùng mạnh chừng ấy. Ở cho một gia tộc quyền thế, song công việc của tôi cực nhàn nhã. Ngày ngày theo chân Trần Thị, lẫm chẫm quanh vùng Hải Ấp, rồi lớn dần chạy nhảy bên bờ sông Thao. Trần Thị lớn vụt lên như lẵm lúa bát ngát mênh mông của tộc Trần. Sức sống của con sông Thao cuồn cuộn chảy buông mênh mang về Phú Thọ, cũng chở mang sắc đẹp của Trần Thị. Mỗi dòng sông ở đầu thế kỷ 13 mang một vẻ đẹp riêng, nhưng sông Thao mang vẻ đẹp của đất nước.

 

 Nhưng nếu tôi không bao giờ lớn, ở lại mãi mãi cái đêm sinh nở tàn bạo, thì Trần Thị trổ vươn như nhành lúa bắn mình đẹp đẽ. Nhành lúa đẹp tựa một ánh chớp sánh bừng rực rỡ, ửng hồng giữa bầu trời tối tăm tàn tạ cuối triều Lý. Chưa ý thức, song Trần Thị thường nắm tay tôi nhìn đăm ra khoảng sân sau, khoảng sân huyễn hoặc, lót đá vân lọt thỏm giữa lòng nhà lưa thưa nắng. Những tia nắng kỳ ảo lấp lánh lăn quăn khắp bức tường loang loáng vẽ nghìn tia ngũ sắc ngời ngời óng ả phản quang không ngớt trên mặt vại nước. Trần Thị kéo tay tôi ngồi xuống. Chúng tôi ngồi sát nhau tưởng chừng có thể nhập làm một, như thể tôi với Trần Thị chỉ là một - một người con gái nhiều giờ liền ngắm bức tường say mê. Nắng nung những ước vọng thầm kín trong tôi, còn khoảng tường vạch lên trước mắt Trần Thị vị trí của tộc Trần. Có lẽ trưa đó, Trần Thị cũng bắt đầu nhận biết vai trò của mình trước lịch sử khi đối diện khoảng tường soi nắng ấy. Nắng soi như chưa bao giờ được soi xuống từ mảnh ngói vỡ vàng chóe, lập lòe, rũ màu sắc, buông thả từng đường, từng mảng, từng cánh tay ôm choàng ngang bức tường rêu cũ kỹ xanh ố mờ thời gian. Cả bức tường vụt sống. Cả thời gian cũng vụt trỗi mình quẩy cuồng sáng lóa trong khóe mắt Trần Thị. Tiếng nước rỏ xuống sân nghe váng âm hắt dội giữa trưa vắng tịch mịch, chợt vang vang thành bước chân của những tên khổng lồ đuổi bắt thời gian. Thời gian của thời đại hay của định mệnh ? Gã khổng lồ mang thân xác tên tuổi tộc Trần - tôi rùng mình nhớ tới Thủ Độ - Trần Thị cũng rùng mình lúc tôi cởi cúc, tuột áo, bắt đầu múc nước từ bồn chứa xối cho Trần Thị tắm. Những ngón tay tôi xoa nắn, những ngón tay Trần Thị nắm lại. Mặt đất nở hoa. Không khí thơm sữa. Trần Thị khép hờ mắt, chỉ còn thân xác hiến dâng trọn vẹn. Tôi đuối vào giữa ngực Trần Thị, ngỡ mình sẽ hưởng những dòng máu chảy ấm bên trong, sẽ ôm lấy vào lòng thịt da run rẩy, sẽ ấp ủ thân thể trắng trong mềm nõn. Dưới trần mái âm u không tiếng động, ngón tay tôi ngẩn ngơ mê mẩn, những ngón tay Trần Thị chậm lắm níu chặt, kéo giữ bàn tay tôi ở lại, thúc hối nhịp nhàng nhịp nhàng từng khắc từng khoảnh khắc van lơn nài kéo. Tôi mê man xoa nắn, mân mê âu yếm. Trần Thị khép mở đùi rồi thõng hai tay ngửa mặt buông cho thể xác tận hưởng chút thiên nhiên mỏng manh đang lọt vào tòa nhà. Từng đốm sắc xanh mờ tối, nhảy múa lung linh như có lân tinh, tôi hôn tới đâu đốm sáng bốc thành ngọn lửa phụt cháy. Tôi nuốt lửa cuồn cuộn trên ngực Trần Thị nghe vang vang tiếng nước chảy róc rách, nhưng không chỉ có tiếng nuớc mà bất chợt tiếng đập cánh của bầy quạ đen thất thanh ầm ĩ trên mái vùng bay. Trần Thị giật mình bấu lấy tay tôi thảng thốt:

 

- Chị Đào! Thị sợ!

 

Mình mẫy ướt đẫm, tôi cũng sợ. Nhưng không phải nỗi sợ hãi vu vơ của cánh quạ đen tuyền đập phần phật quýnh quáng âm động giữa không gian vắng. Nhưng là nỗi sợ hãi sâu chín hun hút từ thịt da trắng ngần trong trẻo của Trần Thị như có nạm ngọc. Mỗi một hột nước là một hạt trân châu óng ánh không bao giờ tắt. Cánh tay tôi cứng sững không dám vươn tới, không bao giờ chạm vào được thân Trần Thị lõa thể đứng tắm giữa sân. Qua mí mắt Trần Thị tôi đã hiểu: Bức tường choáng ngợp. Rõ ràng Trần Thị không thuộc về tôi, nhưng thuộc về khoảng tường xây đắp hơn một trăm năm của tộc Trần. Bức tường đối diện, sừng sững, ngạo mạn đầy uy quyền đời đời không bao giờ sụp đổ. Cả tiếng nước rỉ, võng âm như bước chân của gã khổng lồ man dại chạy sấm sẩn sầm sầm cũng trở nên đe dọa... Nắng nghiêng dần, bức tường lùi vào bóng tối, tới lúc những giọt nắng cuối cùng từ trong gáo nhiễu bay thánh thót chạm đất, vỡ toang trên nền đá ẩm, thì hai chúng tôi mới bừng tỉnh. Khoảng tường cuốn hút kỳ lạ. Bở tường ủ ê hâm hấp. Bàn tay tôi trơ trẽn, buông vội tiếc rẻ vuông ngực trần mơn mởn, đầu vú nhọn nhú lên xuôi mềm mại tròn trĩnh trắng muốt thắt hẹp ở hông rồi lại nở vung ôm chặt lấy đáy thân Trần Thị. Trần Thị cắn môi nhìn tôi bẽn lẽn, một tiếng trống chùa vang xa nhắc nhở...

 

Tắm xong, tôi lấy xiêm áo cho Trần Thị thay. Vải lụa tím ngà thêu những nụ thủy tiên thôi còn e ấp, nhưng bắt đầu nở. Trần Thị xỏ ống tay áo, khép vạt, chéo áo lập lòe bâng quơ rộn ràng đàn bướm vàng rực. Trần Thị xoay mình ngắm, vạt áo xòe rộng ở gót chân, trong gương váy áo phập phồng phơi múa giống chiếc đuôi của loài công làm đẹp cho cơ ngơi tộc Trần. Tôi không khỏi ngăn mình liên tưởng Trần Thị cũng là một con công, song không phải một loài công nuôi, mà là thứ công để thịt. Chẳng phải ngẫu nhiên mà có câu tục ngữ: nem công, chả phượng. Trên đất nước này, loài vật đẹp đẽ nhất, cũng chỉ phục vụ cho một mục đích phàm phu nhất.

 

Chúng tôi bước ra gian thờ. Trần Thị nhắc tôi khép cửa. Căn buồng đóng lại, chỉ còn hương thơm thoang thoảng theo dấu chân Trần Thị. Công việc của tôi ngoài nuôi nấng Trần Thị, còn được giao trọng trách chăm sóc bàn thờ. Thứ trọng trách mà tộc Trần chỉ giao cho kẻ bất lực, không có khả năng chống đối, lật đổ tham vọng. Mỗi ngày tôi với Trần Thị quẩn quanh, chữa lại một cành vạn thọ cắm không ngay, treo thêm những vòng nhang xoắn, đốt cho khói hương không bao giờ đứt. Bột nhang vàng lấm tấm, tàn nhang cong oằn, tôi quét dọn tro than không ngừng rơi xuống. Trần Thị hay phụ tôi xếp những trái vải đỏ mọng, xoay những quả cam Bố Hạ phơi mặt vàng óng, rồi lau khắp lượt những mặt người quá cố. Chân dung Trần Kính vẽ bằng than chì như hãy còn sống, nhìn thèm muốn từ bắp chân Trần Thị lên quá đùi. Con ruột Trần Kính là Trần Hấp, cha đẻ của Trần Lý cũng nhìn Trần Thị như thôi miên. Cặp mắt hấp háy của bức vẽ truyền thần tôi lau tới đâu sáng quắc tới đó, muốn hớp hồn, níu kéo từ cổ tay trắng mịn của Trần Thị lục lọi mân mê cho đến tận bờ ngực con gái mềm vun. Tia mắt sờ soạng rờ rẫm. Tia mắt dâm dật ruột thịt. Trần Thị hốt hoảng đánh rơi mâm ngũ quả, những trái hồng quân lăn trên đất chạy trốn. Tôi cũng hốt hoảng bởi hiểu trong cái nhìn ham muốn thèm khát của Trần Hấp đầy dẫy những đòi hỏi chiếm hữu. Trần Thị tung chạy ra cửa, vụt đứng sững ngay lại: Tiếng vó ngựa dồn dập dã man phóng nước kiệu trên con đường đất đỏ bụi mù dẫn đến gian nhà thờ. Tim tôi cũng đập mạnh đứt quãng, cái con người hung hãn nắm vận mệnh tộc Trần đã đến. Yêu Trần Thị nhưng tôi bất lực, thứ bất lực của kẻ ở theo hầu một triều đại.

 

 

 

 

III

 

 

 

 

 

Tôi theo dạy chữ thánh hiền cho Thủ Độ từ tấm bé. Thứ chữ dùng làm đạo. Thứ đạo của người quân tử. Nhưng với Độ, không có thứ đạo nào hơn sức mạnh. Học hết Tam Tự Kinh, Độ không xem tôi như thầy nữa, nhưng coi như một thứ quân hầu đi theo sai việc. Độ sớm phát triển cơ thể. Bắp tay nở nang, bả vai đồ sộ. Phóng đao, đâm giáo, dùng đoản côn, tráng đinh khắp làng Tức Mặc không ai hơn Độ. Sự phát triển của cơ thể chỉ đưa đến gia tăng tính dục. Độ mạnh về đường sinh lý, những chiều đi tập võ về, Độ thường cởi trần trùng trục, đứng trần truồng khoe thân trước đám thôn nữ. Ai không muốn xem, Độ cho tiền bắt xem. Ai bỏ chạy, Độ rượt theo đánh. Chữ Thánh Hiền lúc đó chỉ còn là một mớ hình dáng tạp nham làm bẩn óc Độ. Có lần điểm mặt Trần Lý, Độ nói không nể nang:

 

- Ở đời không mưu, không đạt việc lớn!

 

Trần Lý cúi gầm mặt. Bản chất yếu đuối, trí não không hơn một kẻ đánh cá, Trần Lý không sao trấn áp, tranh được với trí xảo của Độ. Năm Kỷ Tỵ 1209, Độ mười lăm tuổi, mang sức vóc của loài vượn trắng. Trưa quất ngựa theo Độ đến gian nhà thờ của tộc Trần, tâm thần tôi đầy ray rứt của nhà nho bất lực với chữ nghĩa thả mặc dây cương cho môn sinh tìm tội lỗi.

 

Chiều đó, bầu trời bẩn lắm. Có nắng, nhưng cũng nhiều mây, thứ mây đen tối bao phủ trên nền trời đất nước. Độ thúc ngựa như điên, như dại. Nắng ruổi theo sau hớt hãi. Nhưng nếu nắng cuối triều Lý không đủ ấm, thì khi soi xuống mình Độ lại biến chất. Lúc vó ngựa của Độ rầm rập dẫm vào trong sân thì mặt trời đã trở nên cực hung hãn, mặt trời như có đúc vàng đặc cứng chật căng trên da mặt Độ phừng phừng lửa giận. Độ thắng ngựa, buộc chặt trước rào. Cả một gian nhà thờ vụt kinh hãi cung kính phủ phục đợi Độ. Đôi mắt Trần Kính sợ sệt trốn tránh. Cặp mắt Trần Hấp nhợt nhạt nhìn lảng vu vơ. Cả một dẫy chân dung cúi gầm mặt không dám ngẩng lên. Anh ruột Trần Thị là Trần Tự Khánh trông thấy Độ cũng vội vã bỏ trốn. Ở đời không mưu không đạt việc lớn. Song Độ không chỉ mưu mà còn có cả sức lực. Tất cả kẻ sống và kẻ chết trong gia tộc Trần đều biết. Độ đá bật cửa, giật mạnh tấm màn gấm che ngoài. Nắng xộc vào hung tợn hơn lũ ăn cướp soi trắng thịt da Trần Thị tái ngắt sợ hãi. Trần Thị luống cuống hỏi:

 

- Cậu Độ tới tìm tôi?

 

- Không tìm chị thì tìm ai? Tìm chó à?

 

Độ gầm. Giọng nói như tên bắn.

 

- Phải thằng Sam trốn giặc Quách Bốc về đây hỏi cưới chị?

 

- Tôi không biết!

 

Trần Thị co rúm mình lùi vào góc nhà. Độ sấn tới, vóc vạc không thua con dã nhân đeo cung kiếm. Sử quan triều sau, với lối chép sử biên niên cổ lỗ, không ai tả được đôi mắt Độ. Đôi mắt của kẻ nhất quyết nắm chức Điện Tiền Chỉ Huy Sứ năm mười lăm tuổi. Trần Thị kinh hãi lùi dần, lùi dần, cho tới khi bị Độ chụp lấp cằm bóp mạnh:

 

- Có phải chị nhận lời vì thằng Sam là hoàng thái tử ? Có phải?

 

- Cậu buông tôi ra!

 

- Có phải?

 

Độ tát Trần Thị một bạt tai ngã sấp. Máu ứa ra ngoài môi. Trần Thị bưng mặt, Độ đến siết cổ, Trần Thị cố dẫy, búi tóc xổ tung, những sợi tóc đen nhánh đổ vung vãi xuống phần ức trắng. Độ xé toạc ngực áo lột trần xuống tới lưng. Trần Thị gào la khóc lóc thở hổn hển.

 

- Tôi lạy cậu!

 

Trần Thị van lơn nhưng Độ không nghe, không ai có thể kềm chế đuợc Độ. Tôi run rẩy đứng chết trân sau cột nhà, không gian đặc quánh nỗi sợ sệt tê điếng, đã hiểu mình không sao giúp gì được cho Trần Thị, đã hiểu chữ Thánh Hiền chỉ là mớ chữ vô dụng. Số phần Trần Thị chỉ có thể do Trần Thị quyết định, nhưng Độ đã nắm lấy tóc kéo lôi đi. Trần Thị giẫy dụa, mười ngón tay bấu sướt trên nền đất cốt trì kéo mà không được. Độ ném Trần Thị ngã ngồi, rồi từ từ cỡi giáp. Hai bắp vai Độ lồi ra đen đỏ màu đồng. Nắng dát vàng khắp lưng bóng lưỡng, Độ đứng xoay lưng nên tôi chỉ trông thấy được những bắp cơ rắn rỏi chạy dọc từ cần cổ xuống gót chân Độ trần truồng thô lỗ. Trần Thị tái mặt. Đôi mắt của Độ dâm dật bệnh hoạn, nhưng cũng đầy thỏa mãn, Độ từ từ quay lại nhìn tôi hỏi:

 

- Chữ gì?

 

- Bẩm, chữ nhân.

 

Tôi lắp bắp. Độ phá ra cười, tiếng cười lồng lộng xuyên xoáy trên nóc nhà, rồi dội hắt xuống. Tiếng cười như có khảm gai. Không phải là Nhân mà là Dục, không phải Dục mà là Trí, không phải Trí nhưng là Dũng. Nhân, Trí, Dũng, Dục, Độ có đủ. Lấy thằng Sam là Trí, ăn ở với hắn là Dục, giết hắn là Dũng. Độ tiếp tục cười khùng khục đứng dạng chân, vươn tay phơi mình nhìn sững Trần Thị trong tư thế nham nhở. Trần Thị nhắm mắt úp mặt vào lòng bàn tay nức nở. Độ bỗng lầm lì cúi nhặt thanh mã nằm rơi trên nền đất. Tiếng cười im bặt.

 

- Tộc Lý là con ngựa này!

 

Độ chỉ con ngựa ô buộc ngoài máng. Tay chân tôi lạnh ngắt, người rã ra trong cơn sợ hãi, tôi đã hiểu Độ sắp làm gì. Độ lại nắm tóc kéo lôi Trần Thị lê lết trên mặt đất bắt nhìn quang cảnh. Hai cánh tay Độ hươi cao lắm, gân guốc, mạnh mẽ. Bản dao sáng lóa, suốt đời chưa bao giờ tôi trông thấy một thanh mã rùng rợn như thế, đôi mắt của Trần Thị mở căng khiếp đảm, đôi mắt của Độ hung bạo, đôi cánh tay vung lên rồi quất xuống bằng tất cả sức lực. Tiếng ngựa rống chói tai. Tiếng vó sắt đập tung như trống nện. Cần cổ con ngựa ô ngập lún bản đao vùng lên, từ chỗ vết thương thịt da máu me đổ trào ra như thác, máu ngập máng, máu lênh láng bắn phun lên nền đất. Tiếng rống khủng khiếp của con vật kêu thất thanh, cố giật ra khỏi rào buộc. Độ đã chém tiếp, thân thể trần truồng của Độ cũng vấy máu chém xối xả liền tay không ngừng nghỉ, mã tấu hươi lên rồi lại bổ xuống, máu tung như sóng, lớp lớp trào trào. Bản thép sáng lòe lòe sắc lạnh. Hình ảnh một kẻ trần truồng chém đầu ngựa trông kinh hãi. Chất thép rờn rợn. Hai chân trước của con vật đã khuỵu xuống, khoảng lưng đen nhẵn lềnh máu. Những móng ngựa nhồi xuống mặt đất chỉ còn là những vẫy vùng tuyệt vọng, thứ co thắt của ruột gan đứt đoạn. Máu ộc ra ở miệng, đôi mắt con vật đứng tròng nhìn trừng trừng lên nền trời bát ngát. Mình ngựa đã xụm xuống, Độ xắn lấy đầu giơ cao. Những ngón tay tôi thâm tím đi vì sợ. Cặp mắt con vật, chính là cặp mắt của Lý Huệ Tông sau này ở chùa Chân Giáo.

 

Độ bước trở lên thềm, người tắm máu, dáng dấp của tên khổng lồ cuồn cuộn thịt gân. Xét theo sách tướng, Độ có thiên mệnh, nhưng thần sắc lại nửa rắn, nửa rồng. Không làm vua mà lại coi vua. Độ nhìn Trần Thị say mê, vẻ say mê hung bạo.

 

- Chị yêu tôi không?

 

Độ cúi xuống, hôn vào giữa đôi môi run rẩy của Trần Thị, một bàn tay sờ soạng phần ức trắng, mân mê nơi đầu vú. Rồi bàn tay trườn xuống bụng, Trần Thị thót người, co rút mình mẩy. Nhưng cử chỉ đối kháng chót cùng đó chỉ làm Độ giận dữ:

 

- Trao thân cho tôi là trao thân cho đất nước. Hiến thân cho tôi là hiến thân cho tộc Trần! Cớ chi phải sợ? Hay chị muốn như con ngựa này?

 

Độ quát.

 

Buổi chiều đó, tộc Trần khởi nghiệp trên thân xác Trần Thị.

 

 

 

 

IV

 

 

 

 

 

U Đào đi ở cho dòng họ tôi, từ lâu lắm. Mỗi sáng u thường hay quẩn quơ trước bàn thờ, chữa lại hương án, rót nước, châm trà, rồi lau khắp lượt những mặt người quá vãng, từ tổ phụ, cố nội, bà, cho đến chú tôi mà ánh mắt cứ một ngày một nhạt phai trên bức vẽ. Không có ai trên bức vẽ mà u không biết. Từ cố có chiếc bình điếu bằng ngà khi làm đến chức Thái Sư có người dâng cây gậy bằng vàng lúc chết chôn theo, đến ông tôi từng đăng quang ở điện Thiên An, khi ông khuất chính u là người tự tay khâm liệm. Còn bà tôi theo lời u kể, chạy tản cư giặc Nguyên từ kinh sư về tới phủ Thiên Trường dọc đường trúng tên mà mất. Phút lâm chung bà không ngớt kêu tên cố. Tại sao lại kêu tên cố mà không là ông? U Đào không bao giờ giải thích cho tôi rõ.

 

U Đào như thế, đã ở với từng ấy người của họ Trần. Bây giờ trong bức vẽ nhìn ra, không biết họ có còn trông thấy u? Từ thuở tấm bé, tôi đã trông thấy chiếc bóng của u vật vờ, dật dờ, làm như u đã ở cho tộc Trần suốt nhiều kỷ. Không rõ từ khi nào, nhưng chiếc bóng của u đã ăn sâu lắm, chạm khảm vào trong trí não tôi như thể u chính là sự hiện diện của gian nhà thờ trong mỗi gia đình Việt, từ đời này qua đến đời khác, hết thế hệ này xuyên suốt thế hệ khác, luôn luôn ở đó bất di bất dịch.

 

Dạo ấy, mỗi sáng, qua khe hở của hai tấm ván ghép rời, lập lòe soi đỏ một tim đèn cầy thắp đêm ngày cạnh hương án, tôi đều trông thấy u Đào nhặt nhạnh từng cánh hoa tàn rụng rơi, vương vãi dưới gốc chân nhang. U quét tước tro hương, xếp lại những quả na, bày biện thêm những quả xoài cống từ đất Chiêm Thành vàng ửng màu cát. U không biết chữ, lại không có thì giờ đi nghe giảng kinh, nên đối với u dọn dẹp bàn thờ là một hành động hướng thượng. U rất chăm làm, ngày xưa Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị gọi u là sự tôi luyện của thời gian. Thời gian phơi trên mấy ngón tay trắng trẻo trẻ trung của u lúc vào ở cho tộc Trần, cần mẫn sắp xếp hai thếp nhang, đôi nến trắng, một cho khám thờ Phật và một đặt trước bài vị gia tiên. Vẫn động tác đó, nhưng thời gian đã bào mòn, ăn nhấm từng đầu ngón tay, khiến lớp da nhão nhoẹt nhăn nheo như thứ da bị ngâm nước lâu ngày chỉ chực lột để lộ xương. Nhưng hình như u không để ý mấy tới việc thịt da mình bị tàn phá. U vẫn cẩn trọng quét dọn bàn thờ. Xong xuôi tươm tất đâu đó rồi u mới lẳng lặng, lặng lẽ lên gác mời tôi:

 

- Mời Thiếu Đế xuống lễ.

 

Chiếc bóng tôi đi trước, chiếc bóng u già cỗi theo sau. Trẻ thơ, song tôi sớm có ý nghĩ: U Đào chỉ là một chiếc bóng mờ câm sẵn sàng tan biến nhập hẳn vào từng thớ gỗ, trộn lẫn cùng với mối mọt ở đà nhà mình. Chiếc bóng im lìm không động đậy nơi bức vách. Nếu không phải gia tộc Trần thì cũng là gia tộc khác. U sinh ra chỉ để đi ở, chấp nhận bất lực.

 

Tôi thắp nhang, van vái, rồi thỉnh một tiếng chuông rước thầy, cố, cùng các nội tổ về.

 

Quay lại trong thấy u, tôi lại tự hỏi: Tại sao gia phả của dòng họ Trần không thấy chép tên của u Đào? Dù u đã ở với chúng tôi nhiều kỷ. Cả một kiếp người, vậy mà u cũng chỉ giống giọt nước rỏ từ mái hiên điện xuống chậu kiểng, giọt nước kêu đánh “tạch“ trên tàu lá rồi chảy xuống đất vô tâm tích. Nếu nhìn từ toàn cảnh, tôi chính là cái chậu kiểng tiếp tục hứng giọt nước nhỏ mọn ấy chảy từ thân u Đào. Tôi, thái tử Ân - Trần Thiếu Đế - đứa trẻ được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, chăm sóc, chăm bón, để mong nối dõi cơ nghiệp của tộc Trần.

 

Song năm Kỷ Mão 1399, triều Trần đã bạc nhược lắm. Thượng Hoàng Thuận Tông bị Quý Ly chuyên quyền đầy ra ở Ngọc Thanh Quán huyện Đông Triều tỉnh Hải Dương. Tôi cũng phải rời cung Bảo Thanh về ở phủ Thiên Trường, mang danh hiệu Thiếu Đế mà không có quyền bính. Kẻ ăn, người ở trong nhà chỉ còn mỗi u Đào và bõ Phúc. Bõ Phúc cũng già lắm, lúc xưa là con của thầy đồ, được nội tổ Trần Hấp rước về dạy chữ Hán cho cụ cố Thủ Độ. Thầy đồ qua đời, con trai ở lại giúp việc rồi thành bõ. Lúc tôi bước chân ra sân, nắng rơi lác đác trên những tờ giấy chép chữ Thánh Hiền. Bõ Phúc đang ngồi lom khom phơi kinh sử, mặt bõ ngơ ngác, nói cười như mếu:

 

- Bẩm Thiếu Đế ra sân chầu?

 

- Đạo đã nát, chữ đã nhòe mực, bõ còn phơi làm chi?

 

Bõ nhướng mắt ngạc nhiên, những xấp kinh Luận Ngữ của Khổng Tử nhầu nát trong tay bõ. Những tấm giấy đen đũi chép Đạo Đức Kinh của Lão Tử ố vàng, thấm nước mềm ủng như bún. Bõ Phúc không hiểu tôi nói gì, lại cúi xuống chăm chỉ xếp từng tờ một, ngay ngắn, thẳng hàng. Những ngón tay già héo của bõ chậm chạp vuốt lại những trang Nam Hoa Kinh rồi bày trên mặt đá. Một cơn gió thổi bất ngờ làm chữ nghĩa bay tán loạn, bõ Phúc hối hả tất tả chạy đuổi theo cho tới lúc cả chiếc bóng bõ cùng những tờ giấymất hút. Sân đá lạnh câm. Không chiêng, không trống, không cờ hiệu, không cả tiếng hát của cung nga, tôi đứng trơ trọi một mình. Phủ Thiên Trường lúc xưa là nơi khởi phát của tộc Trần, về sau là nơi các thượng hoàng sau khi truyền ngôi cho thái tử về dưỡng lão. Chiếc nôi của triều đại mỗi ngày một cũ mục, suy tàn. Tiếng gió lay lắt mấy tấm rèm cửa.

 

Mãi đến chiều bõ Phúc mới lượm hết chữ Thánh Hiền trở về. Mặt mũi bõ phờ phạc, thở hổn hển. Trông bõ tội nghiệp. Tôi lại đứng xem bõ nhẫn nại phơi kinh sử. Tôi muốn tìm người hiến kế, nhưng không có ai khác, đành hỏi bõ:

 

- Quý Ly muốn soán ngôi, tôi còn nhỏ dại, phải làm sao?

 

Bõ Phúc đang ngồi xổm, lấy đá lèn giấy, nghe tôi hỏi bỗng ngửng phắt lên chỉ tay xuống ao quát:

 

- Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo! Trận này không phá giặc thề không trở lại khúc sông này nữa!

 

Vẻ mặt bõ Phúc đột ngột hùng dũng, quả quyết. Tiếng nói đanh thép của người bõ già làm tôi muốn khóc, không ngờ những lúc lâm nguy của gia tộc hãy còn người trung. Tôi ôm chầm lấy bõ Phúc, quỳ vội xuống đỡ bõ đứng dậy. Tôi vái sống bõ Phúc hai vái:

 

- Trời ơi! Mệnh trời chưa hết mới xui bõ về đây, thiên mệnh nhà Trần chưa hết, mai này về được kinh sư tôi nguyện không quên ơn cứu giúp! Vậy bõ có kế chi?

 

Bõ Phúc cũng xúc động lắm, hai vai run run, đưa tay vấn lại khăn nhiễu. Mặt bõ băn khoăn, hết quấn khăn lại vuốt vạt áo thâm, mãi mới ấp úng:

 

- Nhổ cỏ thì phải nhổ cả cái rễ nó đi!

 

Tôi sửng người chưa hiểu bõ Phúc muốn nói gì. Thấy bõ do dự, tôi gặng hỏi:

 

- Cỏ nào? Ở đâu?

 

Lúc ấy, tự nhiên mặt bõ Phúc mất hết thần khí, chỉ còn trơ lại thân xác khô vắt của một kẻ già. Nhìn vào đôi mắt bõ trống rỗng, ngơ ngác, hai đồng tử bạc phếch, lờ đờ, tôi chợt hiểu. Hai cha con bõ Phúc theo hầu nội tổ Thái Sư Thủ Độ và họ Trần đã quá lâu, về già chẳng còn biết gì nữa; chỉ lập lại những điều được rao truyền, nghe thấy. Tôi muốn giở cười, giở khóc, đâm giận mình thiếu lý trí, kế giữ ngôi báu không ai hỏi kẻ ở đợ trong nhà.

 

Lúc tôi quay trở vào trong, hàng liễu rũ đứng dưới sắc trời chiều chạng vạng, vẩn vơ chiếc bóng của bõ Phúc hãy còn ngồi lom khom ngờ nghệch phơi ủ chữ Thánh Hiền.

 

Đêm đó, sau bữa cơm, tôi hỏi u Đào:

 

- Tộc Trần chỉ còn mỗi mình tôi ư?

 

- Bẩm Thiếu Đế còn đông lắm.

 

U mỉm cười, hàm răng nhuộm đen tuyền làm vẻ mặt u thêm trắng. U nói u không bao giờ lớn, trước tôi không tin, bay giờ nhìn u đứng trong bóng tôi, vóc vạc nhỏ nhắn, hai tay xuôi mềm, hai chân bé bỏng, sau lớp da nhăn còn giữ dáng dấp thiếu nữ, tôi mới nhận ra u hãy còn rất trẻ. U bưng khay trà, rót vào chung kính cẩn mời:

 

- Bẩm Thiếu Đế ngự.

 

- U nói sao, tôi không hiểu. Đông là những ai?

 

- Bẩm tất cả.

 

U lại nhìn tôi do dự. Có điều gì bí ẩn u muốn dấu. Tôi nắm tay u, u run se sẽ, tôi cảm nhận rõ ràng mạch máu ấm giữa lòng tay u chảy mạnh. Có lẽ u chưa bao giờ biết đàn ông.

 

- U còn thương tộc Trần thì dẫn tôi đi gặp.

 

Đôi mắt u buồn lắm. Đôi mắt u nhìn kỹ trong veo như đáy sông Thao, phảng phất tia nhìn của Linh Từ Quốc Mẫu. Tôi ôm u vào lòng và u bật khóc. U Đào khóc nức nở, nước mắt u đầm đìa, những giọt nước mắt của bao nhiêu năm câm nín, cam chịu, của nhẫn nhục cô đơn. U nuôi tôi từ tấm bé, nhưng chưa bao giờ tôi thấy u khóc nhiều và thành thật như tối đó. Tôi biết u không thể nói, nên u phải khóc. Tôi cũng khóc, vì gia phả tộc Trần xuống tới đời tôi là hết. Quý Ly đã sai Phạm Khả Vĩnh đi giết thượng hoàng Thuận Tông, như ngày xưa nội tổ Thủ Độ sai thắt cổ Lý Huệ Tông chồng Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị ở chùa Chân Giáo. Vài hôm nữa chắc Quý Ly cũng cho người đến bắt ép tôi uống độc dược tự tử. Tôi úp mặt vào ngực u thổn thức. Nhưng u Đào đã lặng lẽ lạnh lẽo gỡ tay. Những giọt nước mắt của u sao mau cạn? Tôi đâm ngờ u không khóc cho tộc Trần.

 

- Bẩm Thiếu Đế đã đến tuần.

 

U đốt đèn lồng dẫn tôi vào sân trong. Khoảng sân lưa thưa gió, tối ám, nước rỉ hai bên vách tường lâu năm bám ẩm rêu. Khói nhang từ lư hương với vàng mã đốt liên tục cay nồng nặc. Bõ Phúc đứng đợi kéo ngai cho tôi ngồi. U Đào đốt thêm nhang đèn vàng mã. Tiếng nước nhiễu xuống vại nước nghe rõ mồn một. Cả một bức tường khổng lồ soi ánh trăng sáng như một trụ tháp nhà dát bạc. Bức tường sừng sững vĩ đại, bên trên khắc chi chít tên tuổi của những người trong tộc Trần, cùng những chiến công lừng lẫy từ trận Tây Kết, đến Hàm Tử Quan, Vân Đồn, Bạch Đằng, hội nghị Bình Than, Diên Hồng... Nghi tục của các vua Trần về ở phủ Thiên Trường là mỗi tối phải mặc niệm trước bức tường đã ghi chép chiến tích. Tôi cũng không thoát ra khỏi tập quán đó.

 

U Đào với bõ Phúc xá lạy rồi bước ra.

 

Chỉ còn tôi với chiếc ngai và bức tường mỗi lúc một sáng lộng lẫy. Ban đầu tôi tưởng là sáng trăng, song cứ mỗi lúc ánh sáng càng rực rỡ chiếu phát như bức tường là cả một khối ngọc khi ửng đỏ lúc long lanh ngời ngời. Ánh sáng huyễn hoặc thu hút đến độ tôi không sao rời mắt đi được. Người tôi mụ đi, chả trách bao nhiêu đời vua Trần đều say mê chiêm ngưỡng bức tường. Ánh sáng từ bức tường thấm vào người tôi tới đâu tê mê tới đó, máu như thông chảy trong cơ thể, sảng khoái, rã rượi, ngọt lịm như say, toàn thân tôi vẫn ngồi yên trong ngai mà như ân ái với nhiều cung nữ, với Chiêu Thánh, với Thuận Thiên, với Linh Từ Quốc Mẫu, với cả u Đào. Ánh sáng cứ một lúc một mãnh liệt từng vòng từng vòng lớn mãi. Ánh sáng chỉ thoi thóp tắt dần khi trời ửng sáng. Nhiều đêm, nhiều tháng sau, mỗi tối tôi đều đến với bức tường. Cho đến lúc tinh khí kiệt quệ, tôi mới hiểu thứ ánh sáng huyễn mộng đó đến từ hào quang của quá khứ.

 

 

TRẦN VŨ

6/1992

 

 

 

 

 

 

 

© Copyright Trần Vũ

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 120101)
Ơ i Hoài Khanh đang còn ở Biên Hoà tóc bạc phơ nhớ đêm giáng sinh nào lên Đà Lạt thăm Thiện Ơi Hoàng trúc Ly khuất mặt những câu thơ Thiện ngợi ca bởi Thiện là thi sĩ là hoạ sĩ lạ lùng kia đã đi qua rồi đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (7) Thiện đã về Thiện đã tới.
11 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 100187)
N hà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, dịch giả, giáo sư, cư sĩ Phật giáo Phạm Công Thiện vừa qua đời vào ngày 8 tháng 3 tức thứ ba vừa qua tại Houston Texas, hưởng thọ 71 tuổi, theo Cáo bạch của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ cũng như sự xác nhận của gia đình.
11 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 96044)
G iấc mơ thổ kể chuyện một lũ người hoá điên vì ám ảnh quá khứ. Quá khứ ở trong mọi ý nghĩ, đè nặng lên từng số phận. Quá khứ hằn dấu lên ngôn ngữ, trong những lời nói đã trở thành thói quen, được phát ra như những khẩu hiệu trơ cứng, như trong câu của Quý với Vĩnh lúc đi săn rồng “ Khẩn trương lên giặc lái đến bây giờ ”. Quá khứ ở trong từng thức ăn, đồ uống, trong giải trí, trong thịt rồng, tim phượng, trong “rượu Armagnac Marquis de Caussade, đóng chai năm 71” , và trong “trận World Cup của năm 66” .
10 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 99684)
... T iếng khóc thút thít hiền lành. Tiếng khóc của Toàn thời thơ ấu. Cánh cửa sổ mở rộng, không có chút nắng nào. Tôi nhìn bầu trời, màu trời đục lờ lợ. Đột nhiên tôi nhớ lại tất cả, nhớ từng chi tiết thật kỹ càng. Nhớ từ lúc đặt chân xuống thuyền vượt biên gặp hải tặc cho đến lúc Toàn hãm tôi mới đây. Nhớ cả câu nói của người lính thủy bị bắn. Nhưng mà... Trời ơi! Chuyện gì đã xảy ra? Chúng tôi còn ở Vũng Tàu hôm qua kia mà! Tôi gục xuống, Toàn quay lại mặt đầy thẹo. Vết thẹo. Trời ơi, buổi sáng.
08 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 102553)
... Ở đây các nhà thơ đều phải bỏ tiền ra in thơ. Mà họ có giầu gì cho cam. Phải dành dụm từng đồng, bớt xén tiền ăn của cả nhà, có khi đến mấy năm mới in được tập thơ. Mà in rồi chỉ đem đi tặng cũng đủ hết hơi. Thì ra trên thế gian này, thơ văn sinh ra để làm vất vả cho con người...
08 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 124968)
Thiên nhiên vừa khe khẽ đặt xuống con như viên sỏi trắng tinh khôi trên bãi cát bình an ấm áp viên sỏi cười với ánh mặt trời
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 94821)
Hư cấu trên năm, bẩy mảnh đời cóp nhặt tạo ra những nhân vật của truyện ngắn này. Chúng không là những người bằng xương bằng thịt, tức có thật, hoặc tưởng là mình có thật, kể cả (và nhất là) nhân vật mang danh xưng Tôi trong truyện. Tôi, phần não phải, nơi điều hành tâm và tình, trong truyện này mâu thuẫn với phần não trái, nhân vật tên Th, mang chức năng sai khiến lý tính. Khi mâu thuẫn biện chứng - lý và tình - bế tắc, thực tại mang tính định mệnh, một loại tổng hợp mang nét ngẫu nhiên, có người cho đó chính là chữ Duyên trong Phật pháp. Tác giả nói quanh, xin lỗi bạn. Có lẽ bạn muốn xem hắn kể chuyện thế nào cho thành truyện, thời giờ đâu mà viển vông.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 102227)
Ở Trung Quốc, màu đỏ có thể được nhìn như màu trắng. Hoặc không màu? Khi mà tất thảy đều mang sắc đỏ, con người ta bị mù màu tạm thời. Nhìn cái gì cũng thấy xanh biếc. Trong veo. Chẳng biết vì sao trâu bò thường rất căm ghét màu đỏ? Trăn cũng vậy? Nó có thấy trong veo và xanh biếc? Không giống với môi trường mà nó đang sống? Phải liều chết tranh đấu với con người để tìm lại chỗ của mình? Đấu bò? Có lẽ vì thế Trung Quốc không thể chơi môn thể thao này? Nhưng mặc áo đỏ ở Trung Quốc? Chẳng làm ai bận tâm. Chỉ như quả ớt chín ném thêm vào hũ tương ớt.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 119036)
Sáng sớm qua sông hái bông điên điển Áo sẽ thơm mùi cỏ dại hoa đồng Khi đêm về lòng nhớ mênh mông Tâm xanh biếc cả khung trời cao rộng.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 118889)
Lần đầu tiên đến Hà Nội, hẳn bất kỳ ai, nhìn thấy điều gì cũng dễ dàng xúc động, cũng làm gợi nhớ đến những hình ảnh bàng bạc trong ký ức đã gặp gỡ ở tiểu thuyết, thơ ca... Nhưng với tôi, đáng nhớ hơn cả, đó là những cô thiếu nữ Hà Nội.