- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tiếng kèn lá trên đỉnh Mã Pì Lèng

18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 98880)


vxtuu_hl109



Tôi lên Mã Pì Lèng dạy học.
Từ dưới chân núi, tôi cứ nhằm theo chòm bản thấp thoáng trong mỏm đá, tán cây mà leo lên. Trời nóng như đốt nương, vượt dốc, cổ họng khô rát, tưởng như mồ hôi đã cạn kiệt không thể chảy ra được nữa, thì bất chợt gặp một dòng nước từ trên núi chảy xuống, tràn qua cả mặt đường đá. Tôi hồ hởi phanh ngực áo, bỏ ca-táp, cởi dép rọ, đứng một lúc cho mát dịu lại, rồi mới thong thả rửa tay, rửa chân, xúc miệng ba lần, uống một ngụm, xong rồi mới lau mình, gội đầu... Các anh đã công tác ở vùng cao lâu năm, truyền cho tôi một kinh nghiệm là chớ có vồ vập thái quá, phải biết điềm nhiên. Người miền núi ai cũng thâm trầm, điềm đạm. Vả lại, đang nắng nóng mà lao xuống nước là dễ bị cảm nhập tâm như chơi.
Bản trên đỉnh núi, đi theo đường ngựa thì đỡ dốc, nhưng không biết bao giờ mới lên đến nơi. Thế là sẵn có dây thép to như ngón tay, lõng thõng bên vách núi, tôi liền đu người leo lên. Đây là những sợi dây an toàn của công nhân mở đường qua Mã Pì Lèng, qua mấy chục năm rồi, mà đến nay vẫn còn quấn chặt trên vách ta-luy dương.
Vừa leo tắt lên lưng chừng núi, tôi sững sờ khi nhìn thấy một cô gái người Mông Trắng, đẹp như tiên sa, đang lom khom đứng giặt giũ bên khe nước. Cô gái cũng giật mình hoảng sợ, khi đột nhiên nhìn thấy tôi như từ khe đá chui ra. Tôi định thần, vội nở nụ cười cầu thân:
- Giặt à?
Cô gái không nói gì, lại lặng lẽ giặt giũ. Tôi bèn ngồi nghỉ bên gốc cây cổ thụ cạnh khe nước. Bàn tay rộp máu và đầy gỉ sắt. Tôi thò tay xuống nước, xót ứa nước mắt, rồi thõng hai bàn tay trên đầu gối cho khô và lơ đãng ngắm nhìn mây trời đang từ đỉnh Mã Pì Lèng, bay sang bên kia biên giới. Cô gái Mông thì vẫn loay hoay với cái chậu gỗ tròn, đựng đầy nước tro bếp, ngâm cái váy vải lanh trắng rộng cỡ mười hai vuông. Trong cái quẩy tấu cạnh đó, còn vắt ngổn ngang mấy bộ quần áo tà pủ. Thôi chết, không khéo ban nãy mình gội đầu, rửa mặt và uống dòng nước này. Thảo nào... Tôi oẹ khan một cái. Cô gái giật mình quay lại, nhìn tôi trân trân. Tôi ngượng ngùng vội đứng dậy, lặng lẽ lên núi.

*
Tôi dạy lớp ghép. Lớp của tôi có hơn chục đứa trẻ. Chúng học rải rác ở tất cả các lớp của cấp một, nhưng ngồi chung một phòng học, gồm có sáu bộ bàn ghế. Đứa bé nào đến tuổi đi học thì được miễn học phí, được cấp sách vở, bút mực. Đứa nào bỏ học thì bị phạt. Con trai bỏ học bị phạt bảy quẩy tấu ngô, con gái bỏ học bị phạt chín quẩy tấu ngô.
Buổi sáng, khi sương tan là tôi lên lớp. Một cái bảng đen nứt nẻ, tôi dùng phấn trắng thạch cao kẻ bốn cột cho bốn lớp. Trên góc bảng, tôi cũng ghi đủ số học sinh có mặt và vắng mặt. Số học sinh vắng mặt đầu giờ là phổ biến. Bởi vì, vào lúc sớm tinh sương, những đứa trẻ lớn phải đi cắt cỏ bò và cỏ ngựa; khi về lớp thì quần áo, đầu tóc của chúng còn ướt sương mai, dính đầy hoa cỏ và bùn đất. Cả lớp ghép chỉ có một lớp trưởng là thằng Páo, con của trưởng bản Mí Tủa. Làm quan có nòi, làm cán bộ cũng thế.
Lớp ghép có cái dở nhưng cũng có cái hay: dở, nghĩa là chỉ một thày mà cùng một lúc, phải truyền thụ kiến thức của nhân loại cho ngần ấy thứ bậc trình độ, thì làm sao mà cụ thể và sâu sắc được; nhưng hay là ở chỗ, chúng có điều kiện ôn bài lớp dưới và đi trước thời đại khi nghe bài lớp trên. Bọn trẻ thông minh và luôn ghi nhớ hình phạt khi bỏ học. Có lần, tôi ra bài tập toán cho thằng Páo lớp trưởng: ông Mí Tủa đi nương, mang về sáu quẩy tấu ngô. Chị Mỷ (cô gái giặt bên khe nước mà tôi đã gặp) cũng đi nương và mang về ba quẩy tấu ngô nữa. Hỏi nhà Páo có mấy quẩy tấu ngô? Trong khi thằng Páo còn đang loay hoay tính toán, thì con bé lớp dưới đã nhanh nhảu đứng dậy, trả lời: “Bằng cái ngô phạt đứa gái bỏ học”. Cả lớp cười ầm lên. Tôi ngớ người.
Buổi tối, bên bếp lửa, ông Mí Tủa thường dạy tôi những bài hát cúng ma. Bà Mí Tủa thường dạy tôi những bài hát đám cưới. Củi thông cháy thơm thơm. Củi tống quá nổ lép bép. Rượu ngô nồng nàn thấm vào tận gan ruột, càng làm tôi hát say sưa. Mỷ và Páo cũng học theo những câu hát của bố mẹ. Có khi, hai hòn than nóng bỏng từ đôi mắt Mỷ bắn sang, khiến tôi lâng lâng. Đến khi ánh lửa từ đôi mắt tôi chiếu lại thì Mỷ lại đỏ mặt quay đi.
Tôi thường theo thằng Páo vào rừng bắt chim hoạ mi. Nó khéo tay, đan được những cái lồng trúc rất đẹp. Nó cũng lanh lợi và táo bạo, nên bắt được những con hoạ mi hót hay nhất vùng Mã Pì Lèng. Có hôm, tôi theo nó đi cắt cỏ ngựa. Nó dạy tôi ngắt lá thổi kèn. Thày chiêm tinh bảo tôi thuộc cung bảo bình (verseau), nên những gì thuộc về văn học, nghệ thuật và khoa học, kỹ thuật là tôi tiếp thu rất nhanh, nhất là cái khoản thổi kèn lá, để nhằm vào việc tỏ tình bằng dân ca Mông.
Một hôm chủ nhật, tôi lên phòng giáo dục trở về, qua gốc sa mu cổ thụ, nhác thấy bóng Mỷ đang cắt cỏ ngựa, thấp thoáng ven rừng. Tôi bèn ngắt lá đưa lên môi thổi tí te. Mỷ ngẩng lên nhìn thấy tôi, mặt đỏ bừng, rồi lại cắm cúi cắt cỏ. Tôi được đà thổi vóng lên:
“Em ơi!
Tình yêu đôi ta đẹp thế này...”
Bỗng Mỷ buông liềm, ôm tay. Tôi vội chạy lên, nín thở ngắt cái lá sau lưng, nhai giập ra đắp vào vết thương, rồi lại ngắt lá cỏ tranh, tước hai bên cạnh sắc và quấn ngón tay cho Mỷ, nom hệt như một dải băng xanh xanh. Mỷ toan ôm bó cỏ để về. Tôi vội giằng lấy, lui cui đội đi. Mỷ cun cút bước theo sau. Chợt có tiếng trẻ con ngọng nghịu trong bụi cây:
- Vở chùng, vở chùng... (Vợ chồng, vợ chồng).
Rồi nghe tiếng bụi cây xô dạt về phía bản. Tôi dừng chân, cười cười và nghếch mắt lên nhìn, nhưng bó cỏ bù xù trên đầu, khiến tôi không biết là đứa nào. Mỷ thì vội đứng cách xa tôi một quãng và chỉ tay, bặm môi hăm doạ bọn trẻ.
Cả bản chỉ có hơn chục nóc nhà. Nhà trưởng bản Mí Tủa to nhất, tuy mái cũng lợp cỏ tranh, nhưng vách lịa ván thông. Những ngôi nhà khác thì vách thưng bằng cây trúc. Mấy nhà mới chuyển đến thì ken tạm bằng cây ngô. Trưởng bản Mí Tủa cũng ít con nhất, chỉ có Mỷ và Páo thôi. Trưởng bản phàn nàn về chuyện không bắt được nhiều con. Tôi động viên:
- Nhà nước chỉ cho mỗi cặp vợ chồng đẻ từ một đến hai con thôi. Mình làm trưởng bản, gương mẫu là đúng lý.
Bà Mí tủa vừa tước lanh, vừa cười cười, nói chen vào:
- Mình biết ăn cái lá, hết đẻ thôi.
Tôi cười trừ, tán tếu:
- Ông bà trưởng bản đặt tên cho con giỏi đấy. Mỷ là cô tiên nhá, mà cũng đẹp như tiên. Páo là con rồng nhá, mà cũng giỏi như rồng.
Trưởng bản cười hơ hớ:
- Không biết bao giờ con Mỷ mới lấy chồng, thằng Páo mới lấy vợ, đẻ con, để tao được gọi là ông Dúng Tủa, Vản Tủa, cứ để mọi người phải gọi là Mí Tủa mãi thôi.
Mỷ liếc xéo tôi một cái, rồi lặng lẽ đứng dậy ra ngoài thái cỏ ngựa. Thằng Páo nhìn tôi chòng chọc.
Lớp học cũng chẳng khác gì nhà dân nghèo, cũng lợp cỏ tranh, cũng thưng cây trúc; chỉ khác là có những bộ bàn ghế học sinh. Chân bàn, chân ghế là những cọc gỗ tống quá chôn xuống nền nhà. Những cây trúc to, ghép lại, đặt lên trên những cái cọc thấp làm ghế ngồi. Những tấm gỗ thông đặt trên những cái cọc cao làm bàn viết. Buồng riêng của tôi ở ngay cuối lớp. Tôi xin đồn biên phòng mấy mảnh vải nhựa, căng xung quanh cho kín đáo và ấm cúng. Góc buồng có kê một cái trạn bát làm bằng trúc. Ba hòn đá đặt ở góc nhà làm bếp nấu ăn. Can rượu ngô lúc nào cũng túc trực bên cạnh. Đầu chái, tôi quây một cái buồng tắm. Đây là cái buồng tắm duy nhất trên đỉnh Mã Pì Lèng. Lớp học ở gần nhà trưởng bản. Người nhà trưởng bản mỗi khi qua lại đều phải đi sát buồng tôi. Tôi để ý, cứ mỗi khi tôi tắm là Mỷ không dám đi qua. Chờ cho tôi vào nhà, rồi mới căm cắm rảo bước. Tôi ngó qua khe trúc, giặng hắng một tiếng, tức thì Mỷ như mũi tên lao vọt qua. Tôi khoái chí cười một mình.
Bây giờ Mỷ hay đi cắt cỏ ngựa thay cho Páo. Tôi cũng hay lân la đến bên gốc sa mu cổ thụ, thổi kèn lá:
“Em ơi,
Đã nói nhiều nhưng ta chưa tỏ...”
Tiếng cắt cỏ ngừng bặt. Tôi hồi hộp dõi lên vạt rừng. Bỗng có tiếng kèn lá cất lên:
“Anh ơi!
Chúng mình dù tâm sự đẹp ngần nào...”
Chợt có tiếng trẻ con cười rúc rích trong bụi cây. Mỷ bốc một nắm đất ném rào rào. Bọn trẻ con lốc nhốc cõng nhau chạy lên bản. Thì ra, chúng đã rình mò. Tôi lững thững về bản, trong lòng lo sợ bọn trẻ con lẫn chuyện với trưởng bản. Nhưng tiếng kèn lá lại vút lên:
“Anh ơi,
Em muốn nói với anh bằng điều khác...”
Tôi thẫn thờ... Chiều biên cương tím biếc. Sương giăng mờ lũng núi. Tiếng chuông bò loong coong về bản. Khói lam quyện trên những mái tranh. Hun hút dưới chân núi, dòng sông Nho Quế nhạt nhoà như một dải thắt lưng xanh xanh, huyền huyền ảo ảo.
Tối hôm đó, như thường lệ, tôi lên nhà trưởng bản chơi. Vừa đến sân, tôi đã nghe tiếng trò chuyện rì rầm khác thường. Tiếng ông Mí Tủa: “Nhù già nhù, tử già tử - Bò là bò, trâu là trâu, không lẫn lộn được. Ta là người Mông trên núi, thày giáo là người Kinh dưới ruộng...”. Tiếng bà Mí Tủa: “Nó dạy học hết ba năm thôi. Về xuôi, nó bỏ mày”. Tiếng thằng Páo: “Tôi bảo Mỷ yêu thày giáo, không yêu, đứa khác nó yêu mất đấy”.
Mấy hôm sau, tôi bảo với trưởng bản là lên đồn biên phòng bàn chuyện “xoá mù”. Mỷ cũng xin đi ăn cưới cái bạn là Tiên ở xóm người Giấy bên sông Nho Quế. Nhưng kỳ thực, chúng tôi hẹn gặp nhau ở cầu Tràng Hương. Tôi cầm cành lá đợi Mỷ trên cầu. Một lúc, thấy bóng Mỷ dắt ngựa xuống núi, tôi liền ngậm lá, thổi một hồi:
“Em ơi,
Tình yêu đôi ta đẹp thế này
Đã nói nhiều nhưng đôi ta chưa tỏ
Vẫn còn điều bí ẩn ở thắt lưng em...”
Mỷ cũng buộc ngựa, thổi lá:
“Anh ơi,
Chúng mình dù tâm sự hay đến mấy
Nhưng gặp nhau
Em muốn nói cùng anh chưa tỏ
Nhưng vì chưa biết cõi lòng anh...”
Tôi cùng Mỷ dắt ngựa qua cầu. Mỷ sánh vai bước bên tôi. Cầu treo rung rinh in bóng hình nhạt nhoà trên sóng nước. Tôi ngây ngất như bước trên mây. Mỷ cũng bâng khuâng như lướt trên gió. Ngược dốc, Mỷ đẩy tôi lên ngựa, rồi nắm đuôi ngựa mà chạy theo. Khi ngựa qua sườn núi, Mỷ ngồi gọn trong lòng tôi trên lưng ngựa. Má đỏ au và thơm như táo chín, môi đỏ mọng như hoa đào ngậm sương, mắt nhìn thăm thẳm trời thu biên thuỳ, cánh tay trắng ngần của Mỷ quàng lên cổ tôi. Chúng tôi hôn nhau mê mải. Ngựa quen đường, phi nhong nhong. Đến đầu dốc, tôi xuống ngựa cho Mỷ về trước. Khi chia tay, Mỷ cúi xuống hôn tôi, khiến cái váy lanh trùm xuống cả vai... Mãi đến khi con ngựa sốt ruột bậm bạch gõ móng xuống đường mòn và vươn cổ hí vang, chúng tôi mới rời nhau.

*
- Thày giáo, Mỷ ăn lá ngón rồi.
Thằng Páo gọi thất thanh qua cửa liếp. Tôi vội cùng nó nhảy lên lưng ngựa, phóng như bay xuống bệnh viện huyện. Vừa phi, tôi vừa gọi Mỷ, vang động cả núi rừng. Xộc vào phòng cấp cứu, tôi thấy Mỷ chỉ còn thoi thót thở. Tôi nấc lên. Mỷ nhìn tôi đau đáu. Khuôn mặt Mỷ chợt rực rỡ, đẹp bội phần như tiên giáng trần trong giây lát, rồi đồng tử dãn dần. Bác sỹ lắc đầu tuyệt vọng. Ông Mí Tủa hộc lên một tiếng, rồi đi ra ngoài. Bà Mí Tủa gục bên xác Mỷ. Thằng Páo gào lên:
- Mỷ ơi, bố mẹ ưng ý rồi mà!
*
Ngôi mộ của Mỷ đặt dưới chân núi Mã Pì Lèng. Tuần nào cũng vậy, tôi từ bản lên phòng giáo dục và sáng thứ hai lại có mặt ở lớp. Đi qua, lần nào tôi cũng ngồi bên mộ, có hôm nửa đêm, có hôm trời sáng mới rời. Một đêm trăng suông, tôi ngồi bên mộ, sương ướt đầm vai áo, chợt nghe mơ hồ như có tiếng kèn lá từ trời cao vọng về:
“Anh ơi...
Đã nói với nhau nhiều nhưng chưa nói hết
Vẫn còn điều ngây ngất ở trong em...”
Có mùi hương toả ra ngào ngạt. Mỷ hiện lên, thấm hơi sương lạnh giá, ánh mắt nồng nàn như xưa, làn môi đằm thắm như xưa, khẽ cất tiếng thì thào như gió thoảng:
- Mỷ biết anh còn thương Mỷ nhiều, yêu Mỷ nhiều mà.
- Mỷ à, anh chỉ thương em thôi. Đất này chỉ có mình anh là đỉnh Mã Pì Lèng, cũng chỉ có mình em là sông Nho Quế thôi. Ta mãi bên nhau. Sao em vội bỏ anh mà đi, bố mẹ đồng ý rồi mà...
- Đá lở, cây đổ rồi, không làm lại được nữa đâu. Nhưng mà anh thương được cái Tiên ở bản người Giấy thì tốt đấy.
Tôi than khóc ầm cả lên. Dòng sông, đỉnh núi cũng đồng vọng ồi ồi... Giật mình tỉnh dậy, mới biết là mình nằm mê.
Lần sau, lại đến thăm mộ, tôi thấy một cô gái người Giấy giống Mỷ như hai giọt nước, liền hỏi:
- Cô là Tiên, phải không?
Cô gái gật đầu và bật cười khanh khách. Từ đấy, Tiên ngây ngây dại dại như bị ma làm, phục thuốc và cầu cúng mấy cũng không khỏi. Tiên cứ xé quần áo Giấy, đòi mặc quần áo Mông và gọi tên tôi thảm thiết.
Một đêm mưa to gió lớn, sấm rung đất chuyển. Mỷ lại hiện về, thì thầm:
- Mỷ biết cái lỗi rồi. Mỷ lại về với anh. Ngày mai, chờ ở gốc cay sa mu ngày xưa...
Hôm sau, trời quang mây tạnh, tôi ra thăm mộ Mỷ, thì sườn núi đã sạt lở, chẳng thấy ngôi mộ đâu nữa. Tôi buồn bã trở về, qua nẻo đường xưa, tới gốc sa mu cổ thụ, chợt sững sờ khi nhìn thấy một cô gái người Mông Trắng, đẹp như Mỷ, đang đứng bên khe nước. Cô gái cũng giật mình hoảng sợ khi đột nhiên nhìn thấy tôi như từ khe đá chui ra. Tôi định thần, vội nở nụ cười cầu thân:
- Mỷ à?
Cô gái không nói gì, lặng lẽ ứa hai hàng nước mắt.

Vũ Xuân Tửu
Tuyên Quang
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 56076)
Con đường thơ của Nguyễn Lãm Thắng có nhiều bước chuyển. Sau “Điệp ngữ tình”, “Giấc mơ buổi sáng” (333 bài thơ thiếu nhi), anh thử nghiệm, gieo hạt giống thơ của mình vào thế trận khác: thế trận đời. Thế trận này đã đánh dấu tiếng nói riêng cho “họng đêm” [ *] trong hành trình sáng - tạo - thi ca của anh. Anh gần như đoạn tuyệt hẳn cái nhìn trong trẻo của “Điệp ngữ tình”, cái hồn nhiên thơ trẻ của “Giấc mơ buổi sáng” để ném vào “họng đêm” cái nhìn từ góc độ người mù và “có thể nói nhiều về điều không thể nói”.
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 65505)
Đ àn chim với những con Rose breasted màu nâu nhạt, ngực đỏ;con Western King with fledgling cũng màu nâu nhưng cái cái ngực vàng hườm; con Red headed woodpecker mình gọi là chim gõ kiến có cái đầu màu đỏ, con Indigo Bunting tròn như con sáo quê nhà, nhưng lại xanh biếc như da trời. Tất cả bọn chúng, mỗi buổi sáng, theo nhau về ríu rít trong vườn nhà tôi...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 53986)
N guyễn Phi Khanh sinh năm 1355 và mất năm 1428[1] (có thuyết nói ông sinh năm 1336, mất năm 1408[2]), quê ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Tây (có thuyết nói ông còn có quê thứ hai ở Chi Ngại, Chí Linh, Hải Dương). Ông tên thật là Nguyễn Ứng Long, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống võ tướng. Nhưng ông lại là người say mê văn chương...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 63194)
Tôi chìm vào một giấc mơ, giấc mơ có những sợi dây bé xíu đan vào nhau thành những mắt lưới. Tôi đi tìm một thế giới, nỗi đau oán thù bị xóa bỏ, chỉ còn tôi với thế giới ấy.
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 60074)
B ài này được viết theo lời yêu cầu của một số người trẻ trong đó nhiều người là sinh viên đại học nhằm bổ khuyết cho sự hiểu biết của anh chị em này nói riêng và giới trẻ Việt Nam nói chung về vị vua cuối cùng của Nhà Nguyễn nhân dịp 100 năm năm sinh của ông cũng như về một giai đoạn lịch sử có quá nhiều góc tối hay góc khuất, luôn cả oan khuất và cũng nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ 2013 ...
06 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 70159)
Bây giờ đã bước sang một ngày khác một ngày như và không như mọi ngày không còn nợ nần nào để tính sổ không còn niềm vui nào để cho đi hay giữ lại nỗi buồn...
11 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 93465)
Cuộc Họp Báo Nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền - 10/12/2012
10 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 90858)
S au hơn ba mươi năm kết thúc chiến tranh, những đề tài về chiến tranh dường như cũng biến mất trên văn đàn chính thống Việt Nam. Chúng đã đầu thai kiếp khác hoặc tìm cách trốn ra nước ngoài. Ngồi hong váy ướt, tập truyện mới nhất của Võ Thị Hảo hội đủ hai yếu tố: đầu thai kiếp khác mà vẫn phải chạy ra nước ngoài, tháng 7 năm 2012, tủ sách Thi Văn Hồng Lĩnh của Bùi Xuân Quang ở Paris, xuất bản.
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 94536)
Một trong những vấn nạn, nếu không phải nghi án, lịch sử cận đại còn gây nhiều tranh luận là vấn đề âm mưu ve vãn [flirtation] Cộng Sản Hà Nội của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm (1897-1963) trong hai năm 1962-1963. Nhiều học giả thế giới đã cố gắng đưa ra những giải thích về vấn đề này. Người cho rằng anh em họ Ngô không còn biết lý lẽ [no longer be rational] nữa trước áp lực Mỹ. (1) Người cho rằng họ Ngô chỉ muốn blackmail hay chơi một ván bài poker với Mỹ. (2) Người cho rằng họ Ngô thực sự muốn nói chuyện với miền Bắc, (3) và nếu không có cuộc đảo chính 1/11/1963, Cộng Sản đã chiếm miền Nam vào cuối năm 1963.
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 93373)
Cuối năm 1961, đầu năm 1962, các viên chức VNCH liên tục thúc dục Pháp can thiệp và yểm trợ. Ngày 21/12/1961, Đại sứ Phạm Khắc Hy gửi thư cho Charles Lucet, ngỏ ý muốn liên lạc với Pháp. Hơn nửa tháng sau, ngày 7/1/1962, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu gặp đại diện Pháp, xác nhận ý muốn liên lạc. Trương Vĩnh Lễ, Chủ tịch Quốc Hội, cũng tiết lộ với giới ngoại giao Pháp ở Sài Gòn là Nhu muốn Pháp tái khẳng định lập trường, vì Sài Gòn có cảm tưởng Paris đang nghiêng dần về phía Hà Nội.( 152)