Trần Vũ
Tôi biết Huệ đã lâu. Từ lúc Huệ còn niên thiếu, những trận mưa rào còn bất chợt đổ về qua qua ấp Tây Sơn, thứ mưa nóng và ẩm của vùng Qui Nhơn sỏi đá. Suốt quãng đời niên thiếu, hình như Huệ chỉ đi chơi xa có hai lần. Một lần lên Phú Xuân và một lần bơi xuồng băng ngang đầm Thị Nại. Cả hai lần, lần nào cũng có hai anh lớn của Huệ: Nhạc và Lữ.
Hôm ấy ám trời, cả một mặt đầm gợn sắc mây, mưa lướt thướt mỏng như những cánh chuồn rù rì vẩn vơ trên mặt nước. Nhạc bản tính tục tằn không ngớt lầm bầm trong miệng, quở trách trời đất. Nhạc quở những hạt mưa nhỏ mọn đương vãi xuống khoang thuyền làm hỏng cuộc vui. Lữ không nói gì, chỉ im lặng nhìn những cánh bèo nổi lặng lờ như không muốn trôi, trong ba anh em Lữ là người ít cá tánh nhất. Ánh mắt Lữ, lúc nào cũng phảng phất nghĩ ngợi, một chút buồn, một chút thiền vị vu vơ, chứa mà không chứa đạo Phật. Đợi Lữ leo lên ngồi rồi Huệ mới lấy sức, dẫm chân xuống nước, đẩy xuồng cho xa bờ. Những đám lau lác đác, già nua, xanh điệp tách dần ra cho đến lúc không còn trông thấy nữa. Nhạc làu bàu hối Huệ bơi ra giữa đầm. Nhạc ngồi ở mũi xuồng, đúng chỗ, đúng vai vị của người con cả. Đầm Thị Nại không biết tự thưở nào mang tâm trạng u uất ui ui trên mặt nước, ngay dưới mưa cũng phẳng lì không gợn sóng. Tiếng động duy nhất phát ra từ mái chèo khoắng nước trong tay Huệ. Huệ cũng ít nói, nhưng không câm lặng như Lữ, chỉ nói những khi cần, cùng những gì đáng nói. Tôi ngắm những bắp cơ trên cánh tay Huệ thong thả nhịp nhàng dầm mái, rồi vạc nước về sau, nhấc lên rồi lại thả xuống, cử động thuần nhất đến độ trông như Huệ không hề chú tâm đến việc bơi xuồng. Nhưng có nhìn vào đôi mắt Huệ thì mới biết Huệ tập trung lắm. Hướng xuồng đi không chệch, không lệch về trái, không thả sang phải, thẳng tắp theo một hướng đi mà Huệ tự chọn lấy.
Mặt nước u tịch, im lìm, chốc chốc lại vang tiếng khạc nhổ của Nhạc. Nhạc mắng Lữ và Huệ chọn đi đâu không đi, ra chỗ buồn tênh. Thái độ gắt gỏng cộc tính của Nhạc, hơn một thói quen, thành thứ nền nếp trong nhà đến độ Lữ và Huệ không buồn chú ý. Suốt buổi đi chơi, ba anh em không ai vãn chuyện. Gần về, Huệ chỉ nói một câu duy nhất:
- Nước ở đầm này bao nhiêu đời không thay, vừa đục, vừa tanh, mai mốt có quyền chức, tôi sẽ cho thay nước.
Nhạc đang ngồi xếp bằng ở mui, nghe Huệ nói, liền khạc thêm đờm xuống đầm, cho là chuyện không đâu. Còn Lữ nói một câu vô thưởng vô phạt:
- Đầm này không sạch bằng cửa sông đổ ra An Nhơn.
Huệ cũng không bằng lòng, gắt:
- An Nhơn cũng không sạch.
Những khi giận, hai tròng đỏ trong mắt Huệ lập lòe lửa, tất cả thần khí dữ dội hiện lên ở đồng tử, nên nhìn rất sợ. Nhạc và Lữ biết rõ tánh Huệ nên im lặng không nói thêm điều gì. Đoạn đường từ đầm về bờ, chỉ còn tiếng mái chèo Huệ sục sạo cắm xuống mặt nước. Sông xẻ hai bên mạn xuồng, trong ba anh em bao giờ Huệ cũng là người cầm mái, tạo ra sóng.
*
Lần ra Phú Xuân thứ nhất, trong đời Huệ, có lẽ cũng là lần quan trọng nhất. Phú Xuân ở vào thời điểm đó mang sắc đẹp của một người đàn bà cực kỳ sắc sảo, nhưng đã chung chạ quá nhiều, sau bao nhiêu đời chồng đâm ủ ê, bệ rạc. Song trong đôi mắt của Huệ, xuyên qua cặp mắt của Lữ, trước cái nhìn ham muốn của Nhạc, Phú Xuân giữ nguyên vẹn nét lộng lẫy, thứ lộng lẫy tìm thấy trên yếm gấm viền thêu mà những người con gái ở ấp Tây Sơn, huyện Phù Ly không có để mặc trên mình. Hôm ba anh em Huệ tới Phú Xuân, trời cũng vần mưa, nhưng không phải thứ mưa dông cẩu thả, ít nước nhiều hơi không đủ làm mọc những ruộng lúa phì nhiêu quanh thành Qui Nhơn. Mưa ở Phú Xuân là những váng mưa ngà ngọc, buông như buông trướng, kiêu sa đổ đều lên mái tường thành cung điện của Nguyễn Vương. Nhạc đã trưởng thành, nhưng không bao giờ chững, không đủ sức kềm chế trước vẻ lẳng lơ lộ liểu, da thịt mời gọi của Phú Xuân. Vẫn bản chất tham lam của người đã chọn cho mình nghề biện lại, Nhạc vỗ đùi rồi để bàn tay ở lại tự mân mê như đang sờ nắn chỗ kín của một người đàn bà chốn kinh kỳ:
- Trên đời được làm Nguyễn Vương thì mới đáng sống!
- Anh làm Nguyễn Vương cho tôi một chỗ trong cung, tôi thích dãy lầu nóc giá chiêng phía hữu.
Lữ cảm hứng từ tham vọng của Nhạc, góp ý.
Mưa vẫn ướt mặt ba người. Những hột mưa đài các lạnh lẽo tiếp tục rưới xuống dinh thự nhà Chúa. Song mưa không làm tắt nỗi ánh lửa cháy rập rờn trong đôi mắt Huệ. Tia lửa ngời lên như muốn táp vào mặt Nhạc.
- Sống chỉ ao ước như Nguyễn Vương là một kiếp sống ngu xuẩn. Mà được như Nguyễn Vương cũng chưa phải là tất !
Nhạc quay phắt lại, giận gữ vì bị xúc phạm, nhưng chất cộc cằn thô tục ngồn ngộn trong con người Nhạc chưa kịp phát ra đã chạm phải ngọn lửa nóng bỏng ở đôi mắt Huệ đành nén giọng, chỉ rít qua kẽ răng:
- Thế nào mới không ngu xuẩn, mới gọi là tất ?
- Giết Nguyễn thì được Nguyễn, giết Trịnh thì được thêm Trịnh, Nam lẫn Bắc Hà thế mới gọi là Đế !
Buổi trưa ở Phú Xuân, Huệ khơi dậy lần đầu tiên ý niệm vương đế. Cái ý niệm phải thực hiện để khỏi sống kiếp người ngu xuẩn. Năm đó Huệ chỉ mới mười sáu tuổi, lứa tuổi thật thà và hay ước vọng. Huệ mơ ước, nhưng không đủ thật thà để nói với Nhạc cái người dẹp Nguyễn, diệt Trịnh xưng Đế phải là mình. Sau này khi đã toại ước, Huệ cũng không còn là Huệ ở đầm Thị Nại, ao ước có quyền chức để thay nước đầm đã quá cũ kỹ, nổi rêu xanh. Huệ chỉ nghĩ tới việc giết người để lấy phần người chết. Ở khía cạnh đó thì Huệ vẫn mãi mãi là Huệ. Nhưng có điều Huệ không ngờ ở đất Bắc Hà, có một người cũng nghĩ như Huệ. Song đó lại là chuyện khác.
*
Tháng sáu năm Bính Ngọ 1786, Thăng Long như bầy heo nái nằm đợi người tới giết. Tâm trạng của vua Lê Hiển Tông trong cung Vạn Thọ là tâm trạng của con heo nái xề suốt bốn mươi bảy năm ở ngôi, chỉ làm nổi một việc là cho thê thiếp lâm bồn hai mươi mốt vị công chúa. Cảnh Trịnh Khải bị thọc tiết ở làng Hạ Lôi, tỉnh Phúc Yên sau khi bại trận thê thảm trước quân Tây Sơn ngay cửa Tây Long, càng làm long thể vua Lê thêm bất an, hoang mang, cực kỳ lo lắng. Trong khuê phòng, Ngọc Hân như lửa cháy. Suốt mấy đêm liền, canh này qua canh khác, Ngọc Hân bồn chồn trong tiếng trống giục điểm canh. Đã đành cái tin Trịnh Khải mất mạng ở làng Hạ Lôi làm nàng thỏa mãn. Ngọc Hân không ngớt bắt kẻ hầu kể đi kể lại chi tiết cảnh Trịnh Khải rút dao tự đâm cổ chết. Máu Trịnh Khải đỏ gấc? đỏ bầm? hay đỏ tươi như thảm điều lót chân cho Khải mỗi lần hắn ghé qua cung Vạn Thọ? Trịnh Khải trong mỗi bữa ăn ở phủ Chúa, khi yến tiệc tàn thường vung tay quát tả hữu:
- Đem mấy cân thịt thừa qua cung Vạn Thọ kẻo lão già chết đói!
Ngọc Hân nhớ đời những câu mỉa mai ấy. Hai bàn tay nàng bấu chặt lấy tấm màn nhung vì phẫn. Ngọc Hân đã thề độc sẽ rửa mối nhục cho vua cha, nhưng bay giờ Trịnh Khải thác rồi, mà không bởi tay nàng, khiến Ngọc Hân tuy thỏa mãn nhưng chưa hả dạ. Nụ cười trên môi Trịnh Khải, nụ cười mang nốt ruồi dư giật giật mỗi khi chiếc cằm bạnh ra phán lệnh còn sống trong trí não Ngọc Hân. Nàng nghiêng người nắm ghì lấy tay nhũ mẫu, giọng kích động :
- Rồi sao nữa? Máu hắn chảy nhiều không? Hấp hối trong bao lâu? Có rống gào không?
- Bẩm nghe bảo Chúa đau đớn lắm, lúc chết gào tên "Huệ".
Thoắt cái, Ngọc Hân buông tay nhũ mẫu. Tấm trướng bao phủ đất không che được những nghĩ ngợi rối rắm trong đầu Ngọc Hân chỉ trực trào ra ngoài. Nhũ mẫu nàng vẫn nhắc đến tên con người đã làm kinh thiên động địa đất Bắc Hà. Nguyễn còn, Trịnh còn, thì Lê không phất. Nguyễn vong, Trịnh diệt, nhưng còn Tây Sơn thì Lê cũng mạt. Tất cả bỗng trở nên giản dị trong đầu Ngọc Hân. Nàng với tay lấy tráp phấn son rồi gọi nhũ mẫu đi lấy xiêm áo cho mình.
Năm Bính Ngọ, Ngọc Hân chỉ mới mười sáu tuổi, nhưng mang tất cả nhan sắc của Bắc Hà. Ngọc Hân biết mình đẹp, và biết sắc đẹp là vũ khí duy nhất của người đàn bà. Nàng dồi phấn lên mặt, chăm chỉ chuốt lông mày. Những ngón tay tỉ mỉ kẻ viền mắt, đánh thật sắc khóe mắt vốn đã sắc lịm bén như nước lam nhìn ai thường hớp hồn kẻ đó. Ngọc Hân không vội, chậm rãi dồn hết công phu vào việc trang điểm. Lúc bà nhũ mẫu mang xiêm y tới sau lưng, người bà chợt rợn lên vì hình ảnh lúc ấy trước mặt, không phải hình ảnh điểm trang thông thường, mà là cái cảnh của một người con gái sắp thành đàn bà ngồi đánh mắt như đang mài dao, mải miết cho đến lúc bản thép nhọn, bén ngời.
Ngọc Hân thay áo, thứ hàng lụa mỏng mát rượi chảy mềm trên thân thể nàng. Dăm cánh hoa cúc vàng điểm lăn tăn ở chéo áo như hé mình bung cánh nở đẹp lạ thường ở mỗi bước chân uyển chuyển của Ngọc Hân. Hôm nay Huệ và Chỉnh vào gặp vua Lê. Ngọc Hân quát nhũ mẫu lấy giấy bút cho mình làm vội bài phú để lấy lòng Huệ. Ngọc Hân chấm bút vào mực, nóng nảy viết thoăn thoắt một lúc 164 câu. Trong lúc sơ ý, nàng để ống tay áo nhúng vào liễn mực thấm loang một góc. Đến khi đọc lại đến đoạn mà nay áo vải cờ đào... mới chợt nhận thấy tay áo mình bị ố. Chỗ lụa lấm đen làm nàng khó chịu, toan đi thay, nhưng rồi chợt nghĩ biết đâu chỗ mực lem ấy sẽ làm Huệ cảm động. Ngọc Hân đọc lại bài phú, lời lẽ nhún nhường mà sắc, các thanh chập vào nhau như tiếng dây chuông rung ở cửa lầu phủ Chúa. Huệ là kẻ biền võ, nhưng đọc thì ắt phải xúc động. Đã có tiếng trống hiệu đón người ngựa của Tây Sơn vào cung Vạn Thọ, Ngọc Hân búi lại tóc, tra thêm chiếc trâm cài có nạm ngọc, dấu hiệu của trinh tiết không thể thiếu trong buổi ra mắt đầu tiên. Âm trống chưa dứt và tiếng đập mạnh của trái tim trong lồng ngực làm nàng nghe như tiếng chân Huệ dõng dạc bước lên điện. Cái con người đang nắm vận mệnh Bắc Hà, Ngọc Hân quyết chiếm cho bằng được, trả bất cứ giá nào kể cả bán thân xác. Nhũ mẫu gọi hai tỳ nữ đi theo nàng, lúc ra khỏi khuê phòng, Ngọc Hân không quên đem theo bài phú xếp trong áo.
*
Hữu đô đốc Tây Sơn Nguyễn Hữu Chỉnh dõng dạc đi lại, điệu bộ của con lang đi theo chấm mút bữa ăn còn sót của hổ. Khuôn mặt Chỉnh dài, cái cằm nhọn, cánh mũi mỏng quá độ dễ làm liên tưởng đến mỏ quạ. Chỉnh nói chuyện nhưng không nhìn Hiển Tông xem như không có. Ngọc Hân vừa giận, vừa thất vọng. Huệ không đến, Chỉnh đi lại một mình bàn chuyện tấn phong Nguyên Súy cho Huệ ở điện Kính Thiên. Vua Lê – con heo già – chỉ biết giương đôi mắt lờ đờ thở ì ạch, tán đồng, thứ công việc mà người ta đãi công bằng chiếc ngai sơn son thếp vàng lâu ngày tróc lở như lên hủi. Xong chuyện, Chỉnh cho vua Lê lui gót rồng, còn lại một mình hắn cười khẩy săm soi sàm sỡ nhìn Ngọc Hân. Khóe miệng Chỉnh khinh khỉnh, khẽ nhếch lên đuổi hết tả hữu ra ngoài, đai áo óp vào rồi phình ra theo nhịp thở có mùi trầu cay bám đỏ ở những kẽ răng Chỉnh mỗi lúc gần sát mặt Ngọc Hân. Chỉnh đưa đẩy mấy câu vu vơ bàn chuyện hôn nhân sắp tới, tia mắt chỉ chực dịp là thả vào ngấn cổ Ngọc Hân để đo lường sắc trắng của da thịt với vải lụa bạch. Ngọc Hân nhìn trừng Chỉnh, nhưng cái thế của nàng chưa cho phép đối đầu với Chỉnh. Chỉnh nắm Ngọc Hân như nắm chuôi dao, muốn chém vào đâu thì chém. Chỉnh xòe một bàn tay trước mặt Ngọc Hân, bàn tay có đeo chiếc nhẫn khảm phượng, phần thưởng thi Hương Cống của vua Lê ban cho Chỉnh lúc xưa.
- Thiên hạ vạn kẻ, nhưng nhân tài ở đất Bắc Hà chỉ một mình ta. Ta về với Tây Sơn, Bắc Hà chỉ là cái đất không!
Chỉnh hầm hè.
Chưa rõ Chỉnh muốn gì, Ngọc Hân nửa muốn bước lùi một bước để tránh hơi thở ám mùi trầu lẫn mùi giềng của gã, nhưng lại sợ Chỉnh khi mình chịu kém, nàng dùng dằng chưa biết tính sao. Chỉnh lại cất giọng:
- Cuộc hôn nhân này, phú quý vinh hoa chỗ nằm bên cạnh Thượng Công thì chớ quên ta.
Chỉnh vừa nói, bất ngờ chụp lấy vai Ngọc Hân, rồi lợi dụng Ngọc Hân đương bối rối, Chỉnh luồn ngay tay vào trong yếm ghì chặt lấy ngực nàng.
- Buông ra!
Ngọc Hân vùng vẫy, đẩy Chỉnh, cố lùi ra sau nhưng lưng đã chạm bức chắn bình phong. Vừa hổ ngươi, vừa nhục, Ngọc Hân vung tay tát trái Chỉnh. Song Chỉnh phản ứng bằng tất cả nhanh nhẹn tốc chiến của thủy quân Tây Sơn, bẻ quặt lấy tay nàng.
- Tri hô cầu cứu đi! Để cho Thăng Long rõ cái nhục của cung Vạn Thọ!
Chỉnh chồm người, gầm gừ, đầy đắc thắng, bàn tay vẫn luồn trong yếm đào, vừa mân mê, vừa đe dọa. Thư phòng vắng người, như tất cả đang đồng lõa với Chỉnh. Một bức hoành phi sau lưng Chỉnh chạm lộng đôi Giao Long đang cấu xé nhau như hoạt cảnh diễn ra. Ngọc Hân giận tím mặt. Bàn tay Chỉnh đọng mồ hôi ẩm ướt trên da thịt khiến nàng lợm giọng. Ở người con gái khác sẽ là mối nhục ngàn đời đưa đến tự vẫn, nhưng với Ngọc Hân đó là lối xử ngu xuẩn. Máu nóng dồn lên làm đôi mắt nàng vốn sắc sảo càng thêm sắc. Tia mắt Ngọc Hân dữ dội đến độ, đương suồng sả, Chỉnh lặng đi, choáng người, phải rút vội tay. Ngọn lửa đằng đằng sát khí trong mắt Ngọc Hân, Chỉnh đã trông thấy nhiều lần trong đôi mắt Huệ. Đôi mắt của kẻ hiếu sát, đã quả quyết làm gì là làm cho đến cùng. Châu thân Chỉnh lạnh toát, mồ hôi bất ngờ vả ra ở sống lưng. Ánh mắt đương cháy lập lòe của Ngọc Hân rõ ràng là ánh mắt của Huệ, cái nhìn trừng phạt của Huệ trước cảnh hành quyết. Lần vào Gia Định tàn sát tập thể các chú khách, Huệ đã nhìn những xác người Minh Hương bằng cặp mắt của Ngọc Hân đang nhìn Chỉnh lúc này. Chỉnh cảm thấy khó chịu, khô ở đầu lưỡi, gượng gạo sửa lại đai áo. Ngọc Hân tiếp tục nhìn trừng trừng cho tới lúc Chỉnh phải quày quả bỏ ra. Ngọn gió luồn từ cánh cửa Chỉnh không khép thổi lùa thốc qua gian phòng. Những lá thế kỳ, cườm hoa mừng chiến thắng Tây Sơn diệt Trịnh treo khắp nhà như cung Vạn Thọ đang có lễ tang. Khuôn mặt Ngọc Hân vẫn tím xanh vì giận dữ. Nếp vải xổ ở ngực áo như còn bày năm dấu tay Chỉnh in trên mình nàng. Ý nghĩ căm ghét quan lính Tây Sơn càng tăng trong đầu Ngọc Hân. Đến lúc nắng xếch qua riềm cửa, rọi lòe khóm trúc trồng ở chậu đồng, Ngọc Hân mới bỏ vào trong, nhưng bàn tay Chỉnh cũng đã theo nàng vào khuê phòng.
Suốt trưa đó, Ngọc Hân bứt rứt, khó chịu, ý nghĩ có mối thù chưa trả làm nàng như đứng trên giàn hỏa. Đến chiều, bức bối không sao chịu nổi, Ngọc Hân sai thị tỳ cùng nô tài khiêng kiệu đưa nàng ra cửa Tuyên Vũ xem bêu xác Trịnh Khải. Tất cả những uất ức của Ngọc Hân như được trút ra khi trông thấy thủ cấp nhà Chúa. Đầu mắc một nơi, xác phanh một góc. Cả xác của Nguyễn Noãn gia thần Trịnh Khải và Đỗ Thế Long bị quy phản dìm chết ở sông Phú Lương cũng được vớt về căng lên cho mọi người làm gương. Ngọc Hân nhìn ngắm chăm chăm từng nét mặt của Trịnh Khải, từ cặp mắt trợn ngược, nốt ruồi dư mà lúc sinh tiền Khải thường hay vân vê, đến lỗ dao sâu hoắm ở cổ họng và những sợi gân còn vướng mắc đong đưa lòng thòng bên dưới. Ngọc Hân cảm thấy hả dạ, cúi xuống lần lần khăn san cầm ở tay ra vẻ xúc động, nhưng kỳ thực là để che dấu nụ cười thỏa mãn, cực sung sướng. Lần đầu tiên nàng khám phá ra hiệu quả của những xác chết có thể giải bày mọi uất ức trong người mình. Ngọc Hân lấy móng tay vẽ mơ màng lên khăn tay. Hai gã nô tài đợi lâu, dợm chân định đưa kiệu về, Ngọc Hân đã ngửng phắt lên bắt ngừng, để nàng được dịp ngắm Trịnh Khải cho thỏa thích. Nhưng lần này ở chỗ móc xác Trịnh Khải, Ngọc Hân mường tượng ra thủ cấp của Chỉnh.
*
Đám cưới của Huệ sau chiến thắng vang dội được xem là một ngày trọng thể. Trong phủ Chúa, binh lính Tây Sơn tạm đóng đại bản doanh, người con rể của Thăng Long đi lại với tất cả dáng vẻ của một con hổ sau bữa tiệc hoẵng. Huệ ở thời kỳ này đã khác xa Huệ của Thị Nại, hay Huệ của Phú Xuân. Trong phủ Chúa, chốn sang trọng lộng lẫy nhất Thăng Long từng mảng da beo lớn trải làm thảm lót chân, Huệ đi lại trên đó và khạc nhổ cũng trên đó. Những tấm khiên lớn bằng đồng bóng loáng soi khuôn mặt Huệ đỏ sần lên vì rượu. Tả đô đốc Vũ Văn Nhậm nhắc:
- Sắp tới giờ, Thượng Công nên đi rước dâu.
Huệ đang dùng đoản đao bổ đôi quả cau, quẹt vôi rồi ăn sống, buông đao, ngửng lên nhìn Nhậm. Huệ thấy Nhậm y như lời Chỉnh thường rỉ tai: Vũ Văn Nhậm hữu dõng vô mưu, đầu óc trống trải, tựa như một cánh đồng khô, không hoa, không lúa. Huệ gắt:
- Ta dẫn mấy vạn quân ra đây, đánh một trận dẹp yên thiên hạ, lão già họ Lê, dòng họ, ngai vàng lão thuộc về ta như trâu bò, đất đai, người ngợm của Bắc Hà. Việc gì phải đi đón! Đem con nộp thì ta lấy!
Chỉnh từ nãy ngồi ở ghế trường kỷ, không ngớt rót rượu cho Huệ, nghe Nhậm bị mắng, khẽ nhếch môi nhưng không cười. Chỉnh vươn tay bẻ một nụ vạn thọ cắm vàng hoe trong lọ độc bình.
- Ý của Tả đô đốc là muốn Thượng Công giữ tiếng. Bề ngoài mình vẫn mang danh nghĩa phù Lê. Sá gì cái chức Nguyên Súy, Dực Chính Phù Vận Uy Quốc Công. Ngai vàng của Hiển Tông, Thượng Công muốn ngồi lúc nào bọn tôi cũng kéo sẵn!
Mấy lời của Chỉnh làm đẹp lòng Huệ. Đang bẳn gắt, Huệ trở ra vui. Lại dùng đoản đao chém cổ bầu rượu. Hiểu lòng Huệ như Chỉnh, thiên hạ không có mấy người, kể cả Ngô Thì Nhậm sau này khi Huệ ra Bắc lần thứ nhì thu phục được. Vui vẻ nên Huệ trở nên hào phóng, trở lại trướng ngồi. Sau lưng Huệ là một tấm cờ đào to bản vẽ chính giữa một chữ "Tâm" thật lớn. Huệ vẫn hãnh diện về cách đãi người của mình, không "Dũng", không "Mưu", nhưng chính cái "Tâm" mà Huệ tự nhận là thiên tài lớn. Quân Tây Sơn đi đến đâu, Huệ cấm không được tơ hào, nhưng dân các vùng phải nuôi ăn và cúng góp. Huệ sai Nhậm:
- Thằng Chỉnh nói hợp ý ta ta. Ngươi xuất kho hai trăm lạng vàng, hai nghìn lạng bạc, hai chục tấm đoạn mang sang cung Vạn Thọ, nói là của ta thí cho!
- Lễ vật cầu hôn của Thượng Công dâng lên Hiến Tông.
Chỉnh chữa lại.
Nhậm từ nãy nóng bừng mặt vì mấy lời bàn của Chỉnh, nhưng vốn chậm chạp, còn lúng túng chưa kiếm được cách "phóng trả lao", thì Huệ đã giục:
- Thằng chết bầm! Còn đứng đó!
Nhậm vội vã cúi chào lãnh mệnh đi. Nhậm đi khuất, chất hào phóng trong người Huệ cũng tan đi. Huệ đâm tiếc của, nhưng ngại nói ra mất mặt trước bề tôi, đành hỏi vờ:
- Ta xuất kho nhiều như thế, liệu đủ chăng?
- Thấm vào đâu!
Chỉnh vẫn vân vê nụ vạn thọ, trả lời. Những cánh vàng mềm mềm áp trong tay khiến Chỉnh vụt nhớ tới Ngọc Hân, nhớ sắc đẹp mê hồn mà sắc sảo, Chỉnh lỡ đụng vào đứt tay, vết thương không khép miệng. Tự nhiên Chỉnh ghen tức với Huệ, vò nát nụ vạn thọ, mỉa:
- Dân Bắc Hà chăm cúng góp. Thượng Công muốn bao nhiêu trong kho cũng có!
Nhưng Huệ không hiểu thâm ý, mãn nguyện ngả người lên bệ Chúa. Cuối tháng sáu, tiết trời Thăng Long đã chực bước sang tháng bảy nên hầm bức. Huệ cởi hẳn chiến bào nằm duỗi người dang vai như dáng nằm của loài hổ chùi mình trên cỏ trước cơn rượn đực. Chỉnh biết ý Huệ không còn muốn tiếp chuyện, lẳng lặng bỏ về. Những cánh vạn thọ còn dính ở kẽ tay khiến lòng Chỉnh bâng khuâng, vừa tiếc Ngọc Hân, nửa giận Huệ. Mưu phản ngấm ngầm từ lúc đó.
*
Đêm hợp cẩn của Ngọc Hân, mưa xé qua rèm trướng phủ Chúa. Tất cả hầm bức của ban ngày nổ tung xuống nóc lầu Tửu Các. Trước đây là chỗ riêng của Trịnh Cẩn. Tiếng sấm dậy vạch chớp những đường dài lòe rực nơi ô cửa. Tâm thần Ngọc Hân dao động theo dông bão trộn lẫn những bối rối lo lắng tìm cách khuất phục Huệ. Nằm một mình trên chiếc giường của Trịnh Cẩn, Ngọc Hân không ngớt nghĩ ngợi tới những người con gái đã vào nằm trong lòng giường này. Từ thời Trịnh Tùng Bình An Vương đến Tôn Đô Vương là Trịnh Cán, tính ra tất cả chín đời Chúa, hai trăm mười ba năm ròng rã. Bao nhiêu người con gái tan xương nát thịt dưới mình Chúa? Bây giờ tới phiên Ngọc Hân. Nếu không là Huệ, thì trước sau nàng cũng phải thất thân với Trịnh Khải. Trước sau Ngọc Hân cũng phải trao thân cho kẻ nắm quyền ở Bắc Hà, như cánh cửa ải phải đi qua. Việc quan trọng là sau khi qua ải, phải làm thế nào để khôi phục vương triều Lê. Ngọc Hân cắn môi, day trở một lúc rồi không nằm được nữa, những kèo cột chống rường và thượng lương chống đỡ nóc lầu như cứ muốn ngã vật đè lên đầu nàng. Ngọc Hân bực bỏ ngồi dậy, xoay mặt vào vách đợi Huệ.
Đêm khuya lắm. Tiếng trống kéo dài thõng thượt chạy xoáy qua khắp hành lang. Huệ vẫn còn ngồi uống với bọn Chỉnh, Nhậm. Uống theo kiểu Tây Sơn, từng cối, từng thau, khi uống vục mặt vào chậu cho ướt hết tóc tai. Rượu là thứ rượu đế của làng Vân ngoại thành Thăng Long cay xè lưỡi, nhưng xuống đến cổ thì ngọt lừ hương vị của men rượu hạ thổ như đưa hết âm khí của đất Bắc Hà vào mình, khiến bao nhiêu nước trong người Huệ theo mồ hôi xuất hạn đầm đìa, như muốn dành chỗ để chứa rượu. Uống đến thau chót, Nhậm đã say lắm, nhưng còn sực nhớ điều gì, khuyên Huệ:
- Lầu Tử Các ngày xưa là chỗ ở của Trịnh Cán, làm Chúa chưa đầy hai tháng thì bị truất, Thượng Công hợp cẩn ở đó không nên!
- Thượng Công oai vũ uy dũng, cho sống thì sống, bắt chết phải chết, cớ sao phải sợ?
Chỉnh ngà say, nhưng cũng cất giọng, theo thói tật hễ Nhậm bàn điều gì thì Chỉnh phải bác đi. Huệ lừ lừ dốc hết thau rượu, rồi đứng lên, hai ngọn lửa trong mắt vẫn không suy suyển, rượu chỉ làm sức cháy phừng lên mãnh liệt hơn.
- Đạo làm tướng không biết sợ! Chỉ có mệnh trời mới hại được ta!
Huệ tiện tay lật bàn. Chỉnh và Nhậm ngã chúi xuống nền nhà. Nhậm nhằm cơn, ói mửa tung tóe. Chỉnh vừa lấy tay lau mặt, vừa gạt chén đĩa thau chậu quanh mình, nhìn Huệ hậm hực cố gượng dậy. Song Huệ đã lừng lững bỏ đi. Ánh đèn lồng treo ở xà thượng, về khuya, vắt lên lưng Huệ những vằn vện của cột mái trông như tấm lưng hổ đi kiếm mồi.
*
Lúc Huệ dẫm chân lên thang lầu Tử Các, mùi xạ hương tẩm trong chăn gối bỗng tan mất nhường cho hơi rượu nồng nặc. Chưa trông thấy, nhưng Ngọc Hân biết ngay Huệ đến. Nàng xoay mặt đợi, hơi nép vào tấm màn thêu quanh giường. Đã chuẩn bị sẵn, nhưng lúc Huệ đẩy cánh cửa gỗ nặng nề chạm long ly qui phượng, rồi giật mạnh tấm màn gấm che ngoài, Ngọc Hân cũng thót người sợ hãi. Tia lửa lập lòe từ mắt Huệ cháy rờn rợn như muốn đốt nàng. Huệ quả như lời đồn đãi, vai to bè hơn vai tê giác, mặt vuông ván gỗ. Huệ cất tiếng nói. Giọng ồ ề vỡ ra như tiếng thác đổ vào giữa khuya. Huệ nói gì, Ngọc Hân không hiểu, hơi rượu ngập ngụa kèm theo chữ mất chữ còn phát ra từ thân hình quá đẫy đà chỉ chực đổ xuống. Giọng vỡ của Huệ làm Ngọc Hân nhớ tới lời đồn, trước đây giọng Huệ thanh, từ khi kéo quân ra Rạch Gầm đánh quân Xiêm tự nhiên mất giọng, tiếng bể như tiếng rạch nước đổ xuống trũng sâu. Dân dã bảo là điềm trời không thuận cho Huệ diệt Nguyễn Ánh. Ngọc Hân níu lấy vải mền, bao nhiêu quả quyết như tan vụn trước mặt Huệ. Nhưng Ngọc Hân không muốn bị khuất phục, không muốn Huệ cưỡng chiếm mình như cưỡng chiếm dinh thự, trâu bò của Bắc Hà. Nàng nhìn trừng trừng Huệ. Cái nhìn của con thú sắp bị cắt tiết. Cái nhìn của Ngọc Hân có thể làm chùn tay Chỉnh, nhưng với Huệ – uy-vũ-dũng – cái nhìn chỉ làm cho Huệ đang say bỗng sôi gan. Huệ chụp lấy ngực áo cưới của Ngọc Hân xé toạc. Bằng hành động của con mãnh thú, Huệ xô ngã sấp Ngọc Hân ra giường, tháo dây đai quật xối xả lên tấm lưng mảnh dễ tưởng như giải lụa bạch đang oằn mình chịu đòn. Huệ quất như thúc voi, thúc ngựa, tiếng roi đánh chát chúa tóe lửa vun vút cuồng nộ. Rồi không kềm chế được, như Nguyễn Nhạc ngày xưa mất tự chủ trước da thịt mời gọi của Phú Xuân, Huệ đè ngửa lên biểu tượng trinh trắng của Thăng Long. Những bắp cơ Huệ còn nhớp nháp mồ hôi quấn lấy mình Ngọc Hân đang nghiến chặt răng chịu đựng. Huệ vục xuống gáy Ngọc Hân cắn như xé thịt. Dáng đè của Huệ, hai đùi chống xuống giường, mình trần phủ lên người Ngọc Hân y như dáng hổ đang ngoạm hoãng. Đến lúc Huệ bắt Ngọc Hân co hai đầu gối, thì nàng quá đau đớn không dằn được, bật tiếng kêu nấc trong đêm tối. Huệ nghe tiếng nấc, khoái cảm càng tăng lên như những lúc chứng kiến hành quyết. Đao phủ Tây Sơn xử trảm bằng cách chém ngửa nghịch nhân, mã tấu phập xuống tiếng thét của tội đồ bị đứt ngang ở cuống họng chỉ phát ra được tiếng nấc khô. Tiếng nấc khô của Ngọc Hân lúc nãy.
Mùi mỡ trong đèn chai cháy èo uột ngọn lửa lúc tối lúc sáng, căn phòng của Trịnh Cán đóng xong vai trò lịch sử rơi chìm vào giấc ngủ đẫm mùi rượu đế của Huệ. Cơn dông chùng xuống sau gần suốt đêm quất qua lầu Tử Các. Những hột mưa gai sắc như muốn trổ mái bắn xuống mình Ngọc Hân ẩm ướt, tủi hổ. Lúc cơn mưa tạnh hẳn, bóng trăng bắt đầu lấp ló, chạy ngang trên trục xà hạ, thì Ngọc Hân không còn thấy đau đớn, chỉ trông rõ xác Huệ bị bêu ở Tuyên Vũ. Thói đời phong kiến, nợ máu phải trả bằng máu. Ngọc Hân chấm tay vào giọt máu còn rỉ ra ở bụng mình, đưa lên môi, máu của họ Lê phải trả bằng máu của Tây Sơn.
*
Lúc tôi ra Thăng Long, tiết trời tháng bảy nặng nề lắm. Những cánh lá bàng to như xác trâu mộng, rụng ì ạch xuống kinh thành đã cũ mục, dậy mùi cũ kỹ, từ triều đại đến máu huyết. Huệ đợi tôi ở phủ Chúa, Huệ hơi ngượng, tia mắt dữ dội của Huệ nhìn lên tấm vải cờ đào vẽ chữ "Tâm". Nhưng rồi như nhận ra chữ "Tâm" không đúng với lối hành xử của mình, Huệ lại nhìn xuống ngón chân bị dập từ thưở thiếu thời, máu bầm làm đen móng. Trong thiên hạ, có lẽ chỉ mình tôi là Huệ không dám hành xử chữ "Tâm", dùng ngọn lửa của đôi mắt để đốt… Huệ sai Nhậm lấy rượu ra uống. Tôi cùng uống thố rượu mời của Huệ. Giống như thời ở Qui Nhơn, hết thố này qua thố khác, hết chậu này sang chậu khác, bao giờ Huệ cũng say trước tôi. Tôi được trời phú cho khả năng ngậm rượu. Rượu tôi uống vào, bao nhiêu cũng chảy sang mình Huệ. Làm như thân thể cả hai nối với nhau bằng một sợi giây vô hình. Uống một lát, rồi Huệ quát đuổi Nhậm và Chỉnh ra. Phủ Chúa lộng lẫy mà lạnh lẽo sự lẻ loi cô độc của Huệ. Tôi nhắc chuyện Nhạc ở Qui Nhơn không bằng lòng việc Huệ ra Bắc. Thái Đức sắp kéo binh ra. Nhưng Huệ thờ ơ lắm, không để tâm, hay không xem Nhạc ra gì. Nhìn mấy bông vạn thọ cắm vụng về trong lọ, tôi hỏi Huệ:
- Phủ Nguyên Súy sao chưng thứ bông quê mùa này? Đất Bắc Hà không thiếu hoa đẹp, hồng gai, phong lan, thủy tiên, hoa loa đỏ...
- Ta không biết thưởng hoa!
Huệ lắc đầu, chán chường đáp. Rồi không dằn được, trong vật vã của cơn say, Huệ kể hằng đêm phải lôi Ngọc Hân ra đánh mới thỏa mãn. Khuôn mặt Huệ lúc đó đau khổ lắm. Huệ lại kể hôm giữa tháng bảy, "con heo già" mất, Hoàng Tôn Lê Duy Kỳ lên ở ngôi. Ý Huệ không thuận, bởi Huệ muốn ngồi trên ngôi báu đó, nhưng lòng dân chưa ngã ngũ. Lễ Thành Phục Huệ đưa Ngọc Hân về lãnh tang, trước linh sàng Hiển Tông, Huệ nóng nảy sai Nhậm chém một viên Tả Phiên triều Lê, chỉ bởi hắn dám cười cách đọc điếu văn của Huệ. Lúc chém: Nhậm cằm dao chém ngửa, máu bắn cả vào ỷ Hiển Tông đặt trên linh sàng nơi cửa Đông. Thủ cấp Huệ sai bỏ trên mâm bạc đặt lên áo quan vua làm kinh động khắp thành. Thân nhân người có tội hay biết, chạy đến cửa cung kêu khóc. Huệ cũng sai chém. Tính ra lúc động quan, chém cả thảy mười bảy người. Càng kể, hai mắt Huệ càng ngầu đỏ vẩn đục. Huệ ngồi trên một chiếc rương to, hai người ôm không hết. Như muốn cởi hết tâm sự lòng, Huệ đứng dậy, chậm rãi mở rương, bên trong chồng chất từng xấp phướng. Từ trong chiếc rương hòm như bốc lên cả một khối chì chiết. Lá phướng dài dằng dặc chép đen nghịt tên tuổi những người Huệ đã đích thân sai chém. Có đến cả trăm, nghìn tên, đó là chưa kể những người do quan lính Tây Sơn tự ý giết. Huệ lần giở, lá phướng di chuyển rơi thõng xuống rương, rơi đến đâu tên tuổi người chết bật ra đến đó. Đến phần phướng trắng, Huệ dừng lại. Cả mình mẩy tôi đều rợn lên vì ở phần phướng còn trống, Huệ đã nối sẵn, dài gấp năm sáu lần lá phướng đã chép. Và cái tên cuối cùng được ghi sẵn là hai chữ rắn rỏi: Nguyễn Nhạc!
Không khí trong phủ Chúa lúc đó nặng nề, u uẩn không sao thở được. Người tôi khô đi vì sợ. Tấm bản đồ Huệ cho vẽ treo cạnh đầu hổ, phía Tây vẽ hết biên giới Tiêm La, phía Bắc lên hết vùng Lưỡng Quảng, còn phía Nam qua khỏi Vĩnh Trấn chấm biển. Gió đẩy tấm bản đồ lắc lơ, như nhắc nhủ những tham vọng của Huệ. Những tham vọng đã vượt xa ngày đầu tiên lên Phú Xuân. Lúc đó Huệ chỉ nghĩ tới Nam, Bắc Hà, bây giờ ngọn lửa trong đôi mắt Huệ cháy lan đến những vùng khác. Nơi nào có đất, có người, thì coi như của Huệ. Huệ đã thay đổi, chỉ có Nguyễn Nhạc còn bằng lòng mãi với chiếc ngai của Nguyễn Vương. Lần ở phủ Chúa, là lần duy nhất Huệ thố lộ tâm sự với tôi nhiều như vậy. Ở đầm Thị Nại, Huệ chỉ mở miệng một hai câu, phơi cả lòng mình cất trong rương là quá nhiều. Nên Huệ trở ngay lại với tính bẳn gắt. Khạc nhổ, lầm bầm chửi rủa, đóng mạnh rương, rồi trở ra bàn gục mặt vào thau rượu. Huệ uống tới lúc ngủ quên trong thau. Tôi đỡ Huệ dậy, dìu đặt nằm ở bệ Chúa. Từng cánh vạn thọ vàng rụng rây rắc xuống lồng ngực Huệ, thở đều đặn nhịp sống của đất nước. Buổi trưa xác xao đến độ buồn tẻ, tiếng ngựa hí, tiếng trống dồn binh không có, vắng lặng tẻ nhạt, chỉ lâu lâu mới có tiếng quân cờ Chỉnh và Nhậm đang đánh, đập lẻ tẻ ngoài mặt phản.
Tôi đứng một mình một lúc không biết làm gì, lần ra Bắc này gặp Huệ sao tôi không được vui, lòng cứ phân vân vì những biến chuyển nội tại đang xảy ra. Tên Nhạc chép trên lá phướng như một vết dao cắt ruột. Lương tri tôi khổ sở nghĩ ngợi, bỏ mắt Huệ hành xử chữ "Tâm" với Nhạc sẽ là vết nhơ muôn đời. Nghĩ tới lui không được kế gì, tôi đành bỏ ra xem Chỉnh và Nhậm đánh cờ.
Thế cờ của Chỉnh sáng lắm, linh hoạt, xảo quyệt, quyền biến. Đôi mã giao chân xấn xổ tạt bên hữu, nhảy bên tả, áp đảo Nhậm trông thấy. Ở ngoài nhìn thì Nhậm có vẻ lúng túng, xoay trở chậm chạp. Công không ồ ạt, chỉ lo thủ, xây đắp tường thành, bẫy Tượng, gểnh Sĩ. Chẳng mấy chốc Chỉnh đã xua hết quân sang sông. Cống Chỉnh đánh cờ bằng phong thái tự tin của mình ngày xưa đi thi Hương Cống, tin ở tài biện luận xuất chúng, trước sau thì Chỉnh cũng đỗ. Nhưng đánh càng lâu, thế cờ càng đổi khác. Nhậm nếu chậm chạp, nhưng một khi đã làm xong hết những công việc chậm chạp của mình thì trở thành một pháo đài kiên cố. Quân Nhậm còn đủ Sĩ Tượng, năm Chốt giàn đồng, hai Pháo Thần Công, trong lúc Chỉnh chỉ còn độc mỗi một mình một ngựa. Chỉnh lùi mã về Bắc, hy vọng cố thủ, nhưng cung vua đã mất hết Sĩ Tượng, thế trận của Chỉnh trống trải, toang hoác, Nhậm muốn vào ra lúc nào tùy ý. Kết cuộc ván cờ không có gì lạ, Nhậm kiêu hãnh trong lúc Chỉnh bực bội.
Tôi đứng im theo dõi, ván cờ định mệnh, muốn bàn với Chỉnh, Nhậm khuyên Huệ đừng giết Nhạc, tránh cảnh nồi da sáo thịt. Song nhìn khuôn mặt họ, cằm nhọn lưỡi cày của Chỉnh, vai u thịt bắp nồn nận ở Nhậm, tôi hiểu họ không có giá trị gì với Huệ. Cái người khuyên Huệ đãi chữ "Tâm" đích thực với Nhạc, chỉ có thể là tôi, vào lúc thời cơ thuận tiện nhất.
Chỉnh và Nhậm còn đang tranh cãi, Chỉnh đòi bày lại cờ, Nhậm dứt khoát tuyên bố mình đã thắng Chỉnh, cờ soái về tay, cả hai không ngờ Huệ đã thức giấc từ lúc nào. Huệ đưa tay chụp bắt quân Tướng của Nhậm, cả bọn mới đực ra rồi vội vã cúi chào. Vẻ mặt Huệ lúc đó, không còn biểu hiện thành thật nào nữa, Huệ đã ra khỏi trạng thái tâm sự với tôi lúc nãy, trở lại nguyên vẹn vai trò Chúa Tây Sơn.
- Đất Đại Việt chỉ có một chủ!
Huệ quát bằng giọng Rạch Gầm, bốn ngón cái và trỏ bẻ đôi quân tướng của Nhậm.
*
Đêm ở phủ Chúa, Huệ bước chân lên lầu Tử Các, lòng âm ỉ cơn say. Sống với Huệ hơn ba tháng, Ngọc Hân đã biết những thói quen chung chạ của Huệ. Thứ thói quen của chứng bệnh thường thấy đi kèm với bệnh cuồng sát. Lẳng lặng, tự nguyện, không đợi Huệ bắt, nàng cởi xiêm áo đến quỳ trước chân giường. Cái liếc mắt của Ngọc Hân ném về phía Huệ sắc đến nổi gai. Huệ lấy roi, không phải dây đai của đêm hợp cẩn, mà là thứ roi gai của quản tượng dùng quất voi khi lâm trận. Ngọc Hân uốn lưng đợi, tóc xoã chảy xuống nền đá, không trang sức, không cả chiếc vòng cổ truyền của con gái Bắc Hà, chỉ một dấu thẹo đỏ do sắt nung ở vai. Vết thẹo đã lên da non nhưng đoán được dấu tỉ ấn của Huệ. Hai ba tấm màn gấm dụ buông quanh chỗ Ngọc Hân quỳ, Huệ tiến tới một bước, hai bước, rồi vung tay quất. Đầu roi vút tiếng rít như rạch rách tấm màn gấm. Ngọc Hân oằn người bấu cứng lấy trụ giường. Huệ đã say máu, những chấm máu li ti tím bầm nổi trên lưng Ngọc Hân trông như vệt ong đốt, hay những giọt mực son rỏ lên vũng sữa, Huệ vung tay tới tấp.
Khác với đêm hợp cẩn, Ngọc Hân rên rỉ, oằn oại kêu rất lớn. Nhưng nếu Ngọc Hân đau đớn, thì nỗi đau đớn đầy đắc thắng. Huệ quất roi như một kẻ suốt đời hành nghề tra tấn, không được đánh người thì không biết phải làm gì. Huệ bị ràng buộc vào người đàn bà mà mãi mãi từ đây, hằng đêm Huệ phải tìm đến. Khuôn mặt Huệ toát ra vẻ mãn nguyện, thỏa mãn. Huệ chỉ buông roi khi Ngọc Hân đã ngã khụy dưới chân giường. Cảnh giao hoan của Huệ với Ngọc Hân, cũng không còn là cảnh cưỡng bức ban đầu, nếu dáng ngồi đè của Huệ vẫn in dáng hổ nhai mồi, thì hai cườm tay Ngọc Hân đã quấn chặt lấy cổ Huệ, và trên lưng Huệ đầy những vết cào của một con sư tử cái.
*
Tôi chơi với Hân từ thưở bé. Từ thưở Hân còn ưa chơi ô quan trong sân cung Vạn Thọ. Bao giờ tôi cũng về phe Hân. Vua Lê có hai mươi mốt vị công chúa, họ thường nhiếc tôi là cái đuôi của Hân. Tôi với Hân như đôi bạn, chẳng vậy mà ngày xuất giá, Hân chỉ mang theo mình tôi để hầu cận, người nhũ mẫu nuôi Hân từ thưở lọt lòng, Hân cũng không thiết. Hân mặc bộ áo lụa có thêu bông cúc, thân áo mềm như cuống hoa hải đường chỉ nở một lần rồi chết. Tôi lấy thau nước cho Hân rửa mặt. Nhìn khuôn mặt đẹp, mà nét mày não nùng, tôi không khỏi xúc động. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao người xưa nói: hôn nhân, điền thổ, vạn cố chi thù! Đất đai ở Bắc Hà này là của họ Lê, Hân tin như mấy đời nhà Lê tin vào mệnh trời, thế nước có hưng thì cũng có suy, nhưng bản mệnh họ Lê là trị vì trăm họ. Hân lấy gương lược chải lại tóc, lúc cong tay búi tó, Hân chợt chú ý chỗ ống tay áo mình lấm mực. Hân thõng tay nghĩ ngợi, rồi quay phắt lại hỏi tôi:
- Bài phú hôm nọ còn giữ không?
- Bẩm còn.
- Đưa đây!
Hân hơi gắt, mỗi lần mưu tính chuyện gì, Hân thường trở nên nóng nảy. Tôi hấp tấp chạy tìm lục trong số rương hòm vật dụng của Hân mang theo sang phủ Chúa. Mấy chiếc hài cườm, dăm cây quạt bông, một tập Chinh Phụ Ngâm ép ở giữa là bài phú. Hân sai tôi lấy bút, mài mực ra liễn. Hân đọc suốt lại 164 câu, rồi chữa, bỏ những đoạn mừng Tây Sơn vào Thăng Long, vẫn giữ nguyên những đoạn kể chiến công, chỉ thêm thắt chữa lại cho bài phú trở thành bài văn tế Huệ. Hân bảo tôi đè giấy, để mình ghi tựa. Ba chữ "Ai Tư Văn" sắc như dao khắc trên mặt gỗ. Nhẩm đi nhẩm lại, Hân nói với tôi vẫn câu "Mà nay áo vải cờ đào" là hay hơn cả. Không nói ra, nhưng nhìn đôi môi khinh bỉ, tôi hiểu Hân muốn ám chỉ ba anh em Huệ xuất thân dân dã, đầu đường xó chợ nhờ vận may mà có quyền bính, chứ không thuộc dòng dõi quý tộc vương đế chính thống lâu đời như Hân. Âm hưởng của bài tế não lòng làm tôi rợn.
- Phu nhân viết chi những lời ai oán. Thượng Công đã mệnh một đâu?
- Rồi sẽ mệnh một! Viết sẵn sau này sẽ có dịp dùng!
Hân đập mạnh tay xuống mặt bàn, rồi như sực nhớ ra điều gì, cầm lại bút, nhúng mực nắn nót đề ở cuối bài tế ba chữ: Lê Ngọc Hân. Hình như Hân do dự một giây rồi mới hạ bút quả quyết thêm vào hai chữ: Công Chúa. Không phải Nguyên Súy phu nhân, nhưng mãi mãi là Công Chúa Lê Ngọc Hân, không bao giờ là người của Tây Sơn. Làm xong bài tế, Hân có vẻ vui thích lắm. Ánh mắt long lanh như buổi trưa cùng tôi đứng ở Nghênh Phong Lầu nhìn xuống sân phủ, đám vệ sĩ của Huệ loay hoay trui nướng cóc. Mùi cóc nướng, mùi thịt ướp sả, khói than, mồ hôi, da thịt trai tráng nồng nặc cả bao lơn. Trong bọn có gã vệ sĩ riêng của Huệ, người đen như cột đình, to lớn, kềnh càng chẳng khác một con khổng tượng. Gã vệ sĩ "cột đình" nắm hai chân sau cóc xé toạc nhai nhồm nhoàm, vừa ăn vừa lấy đoản côn đánh thùng thùng vào tấm khiên lớn đeo ở vai. Tấm thớt lưng săn chắc hung đỏ như thứ đồng dùng đúc lư, tưởng đứng đâu là chôn vững vàng xuống mặt đất vậy mà bất ngờ đổ kềnh, ngã nhào chúi sấp người đập mặt vào bếp lửa. Cái "cột đình" dẫy lên, hai tay co giật, hai chân đạp đạp như đôi chân của loài ếch. Gã trợn ngược mắt, xủi bọt ở mép rồi đứng tròng. Cả đám lính xô vội vỉ cóc đang nướng chảy mỡ, rùng rùng kéo chạy. Quang cảnh diễn ra thật gấp. Hân bấm mạnh tay tôi như khám phá ra điều gì. Miếng mật cóc đắng gã "cột đình" ăn phải, không ngờ ám ảnh Hân. Khi rỗi ngồi một mình, Hân thường ấp tay lên tay tôi, nhắc lại chuyện mật cóc ấy. Con khổng tượng, con thú lớn nhất của loài thú cũng có thể bị giết bởi thứ mật của con vật bé nhỏ nhất.
Tôi kéo tay Hân, rủ ra ngoài bao lơn. Lầu Tử Các vắng lặng, trống trải, từng lớp bụi bay mờ trong nắng. Lá trúc rắc đầy bực tam cấp. Hân ngồi xuống bên cạnh tôi, lúc nãy sắc sảo linh hoạt bao nhiêu, bây giờ thẫn thờ như mất hồn. Hân sống như người bệnh trí từ hôm về với Huệ. Đêm đêm chứng kiến cảnh Hân chịu đòn, tâm thần tôi tan nát. Tôi thân thiết với Hân như hai chị em song sinh, cùng cha, cùng mẹ, cùng một nỗi lòng con gái mới lớn, kê vai lãnh trọng trách trung hưng nhà Lê chẳng khác đội đá vá trời. Ngày mai Thái Đức đưa quân vào thành, rồi Huệ chuyển quân về Nam. Từ nhỏ tôi với Hân chưa bao giờ rời Thăng Long một bước, giờ phải xa kinh thành, qua xứ Nghệ hiểm trở để ra Phú Xuân. Đường vô xứ Nghệ quanh co... Tôi chắc lưỡi. Gió thổi phất những lọn tóc mai của Hân bay sẽ như sợi chỉ loảng. Màu hoa loa đỏ treo ở chậu bình bao lơn, cũng thẫn thờ đỏ như màu gấc ở đĩa xôi cúng vua Lê đặt ngoài hiên đã nguội khói. Mắt Hân nhìn về phía cung Vạn Thọ xa vắng. Hân bất chợt hỏi:
- Nguyễn vong, Trịnh mạt, Tây Sơn diệt thì thiên hạ chỉ còn cách phù Lê phải không?
Hân lấy chân du di tới lui trên mặt tam cấp, hỏi lại: Có phải không? Tôi siết tay Hân. Những đường gân xanh đã lờ mờ nổi lên trên bàn tay mảnh khảnh, những đường gân của nặng nhọc tinh thần.
- Huệ này! Thằng Nhậm có ý đồ riêng, thằng Chỉnh không ngay thẳng, hắn lại trêu tôi, tìm cớ mà giết đi để trừ họa!
Hân nhìn tôi đăm đăm, như đang nói chuyện với Huệ. Giọng trong trẻo tỉnh táo quá độ và ánh mắt khô ráo làm tôi hoảng:
- Phu nhân! Tôi đây mà!
- Láo! Vua băng sao không quỳ xuống!
Hân lồng lên. Nhưng rồi lại đổ rũ người ra khóc nức nở. Nhục cha chưa trả, đã nhục con. Tang lễ vua Hiển Tông, tôi cùng nằm với Hân trên đất, cho đô tùy khiêng linh cửu dẫm lên như một nghĩa cử trả ơn cuối cùng. Huệ thì đứng dõng dạc, ngạo mạn, người ngựa lồng lộng cờ đào như diễn tập. Họ Lê đã mạt thật rồi!
Chính sử của mỗi triều chép mỗi khác. Sau này tôi vẫn tự hỏi: những âm mưu của Ngọc Hân là đáng thương hay đáng tội? Chép trong chính sử Tây Sơn thì đáng tội. Xét theo sử triều Lê thì đáng phục. Nhưng sống trong một đất nước chỉ biết lấy chữ ‘‘Sát’’ làm chuẩn thì mới thật đáng thương.
Mấy lá trúc vàng, rây rắc gió cuốn rụng xuống Thăng Long xao xác hơn bao giờ.
Trần Vũ
20/ 01/ 1992
© Copyright Trần Vũ
Gửi ý kiến của bạn