- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mô Phật

19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 100371)
ntlam_hodinhnghiem-content

1. Lên năm thứ hai, lớp tôi có được một người mẫu mới. Một người con gái. Áng chừng hai mươi bốn hai mươi lăm, và như thế chị ấy lớn tuổi hơn bọn tôi. Chị còn trẻ, rất trẻ, nhưng nhìn chị, không là thầy bói, tôi vẫn biết người ấy có một cuộc sống chẳng mấy vui. Điều gì đó hiển hiện quanh người chị, bao phủ lên, tác động rõ trên gương mặt làm kẻ ngắm nhìn phải bật ra một nhận xét ban đầu: Buồn.
Tôi chưa là họa sĩ, tôi còn là sinh viên trường Mỹ thuật. Phải thêm ba năm nữa mới thi tốt nghiệp. Và từ giã ngôi trường cổ kính ấy, không chắc tất cả học viên đều trở thành họa sĩ. Khi ngó sâu vào đôi mắt chị, ngắm trọn vẹn khuôn mặt có hơi gầy kia, tôi biết sẽ khó mà lột tả, vẽ lên mặt giấy cái hư hao phiền muộn luôn ám trên dung nhan kia. Nhưng giờ hình họa của bọn tôi chỉ đặt nặng ở phần tổng thể. Chị sẽ ngồi trên bục, giữa căn phòng luôn đóng kín cửa. Tùy góc cạnh khi dựng giá vẽ, bạn sẽ tóm gọn cái nhân dáng kia, cân đối, hoàn chỉnh, đặt giữa khung giấy hình chữ nhật. Khi đo đạc, bạn sẽ dùng cái đầu người mẫu làm đơn vị chuẩn. Chị ấy không cao, khoảng một thước sáu hai, từ đỉnh đầu tới gót chân sẽ cho ra một kết quả: dài 6 đầu rưỡi nếu đứng thẳng.
Giống như một lề luật chẳng cần soạn thảo, người mẫu mới sẽ không khỏa thân toàn phần thời gian đầu. Chị ấy tần ngần cởi áo, rụt rè cởi quần, ái ngại ngồi xuống chiếc ghế đã được định vị đánh dấu bằng phấn trắng. Đồ lót chị dùng có vẻ như hàng nội địa, thô, dày, rẻ tiền; nói chung là xấu. Tựa như ta dùng kéo để cắt cụt cái quần đùi, xẻo bớt cái áo thun. Mặc nó chắc không có cảm giác thoải mái dễ chịu. Nhưng cởi nó ra, trước mười lăm cặp mắt luôn nheo luôn ngó luôn tọc mạch luôn muốn lột truồng sự vật, e sẽ mang cái cảm tưởng mình đang bị tra tấn. Yêu cầu đặt ra: Ngồi yên càng lâu càng tốt, tối thiểu thì mười lăm phút. Ngạc nhiên thay, chị ngồi không cục cựa gần cả nửa giờ. Ngồi chẳng vọng động, hơn cả thiền giả. Bởi vì ngồi im re và phơi bày ở dáng vẻ một sự cam chịu, nhẫn nại trong câm lặng.
Mùa đông ở Huế, không nói bạn cũng mường tượng ra được cái tái tê kì lạ của nó. Không gian luôn ẩm thấp, gió luôn xao động trên hàng lá cây mù u cây nhãn cây bàng cây phượng cây sầu đông mọc suốt chiều dài con đường bên ngoài cổng trường. Tất cả chúng đều loáng ướt, sụt sùi, run rẩy. Màu trời thì âm u, ẩm đục, ám tối. Nó xuống thấp để nuốt chửng hình dáng lá cờ treo rũ trên đỉnh cột. Tôi luôn để ý đến cái xô sắt dùng đựng than. Tôi sẽ quạt, thổi, để nó cháy lên những ngọn lửa nhỏ bé hầu giúp chị ấy chống đỡ cái lạnh chút nào hay chút đó. Cái “máy sưởi” kì quái ấy đặt cạnh chỗ chị và nó có vẻ yếu đuối luôn để cho heo may hàn khí trấn áp. Da chị tái xanh, vú chị có lẽ sẽ đang thu nhỏ lại với da nổi hột. Mắt chị đặt để vào khoảng không, đâu đó ở góc phòng. Thỉnh thoảng tia nhìn quét vội ngang tôi. Chẳng lâu, nhưng tôi cũng cảm nhận được nó ngầm nhắn gửi một lời cám ơn.

Một hôm, khi lên văn phòng để ký nhận tiền học bổng, tôi thấy chị cũng đứng đợi lãnh tiền. Người thư ký phụ trách gọi tên và đó là lần đầu tôi biết cô người mẫu luôn rụt rè kia mang tên Hoa. Không dọ hỏi, nhưng tôi hình dung được số tiền khiêm nhường mà chị sẽ nhận cho công việc làm người mẫu. Tôi lấy xe đạp rón rén bên chị và mạnh dạn đưa ra lời đề nghị:
- Chị đi mô, tôi sẽ chở. Về nhà hay ghé chợ?
- Đừng… Không đi chợ. Mà nhà thì ở chỗ xa lắm.
Trời thương, trời tạnh, trời không mưa. Nếu mưa tôi sẽ bỏ mặc chị. Trời chẳng nắng, nhưng khô ráo. Thứ thời tiết khiến người ta thèm ngồi cùng nhau bên cốc cà phê, nhất là người ta đang có rủng rỉnh chút tiền trong túi.
- Không chợ mà chẳng nhà, như rứa là chị rảnh. Cứ leo lên đi, tụi mình tìm quán cà phê. Chị Hoa tính sao?
Hoa không biết tính làm răng. Tôi nghĩ vậy. Dùng dằng nửa muốn nửa không. Tôi đoán thế.
- Một người đi bộ, một đứa đạp xe quờ quạng bên hông. Có phí cả một buổi chiều không?
- Uống cà phê để làm gì?
Mái tóc làm che gương mặt. Một gương mặt luôn cắm cúi khi bước, làm như con đường nhiều chông gai và sợ bàn chân dẫm phải. Từ nhỏ tới lớn, tôi chưa bao giờ đón nghe một câu hỏi kì cục như vậy. Ở lớp mẫu giáo, có thể nghe hỏi: Ăn cơm để làm gì? Dạ thưa cô, ăn cơm để sống.
- Không cứ là cà phê, uống thứ khác cũng được. Người ta vào quán vì khung cảnh ở đó có vẻ hợp cho những tâm sự.
- Nếu chẳng có tâm sự thì vào đó có phí không?
- Không phí. Tuyệt đối không.
Tôi để Hoa toàn quyền lựa chọn địa điểm. Hoa chẳng nặng, tôi chẳng nhọc khi thồ cái nhân dáng tôi vẽ cả mấy chục lần. Nhắm mắt, tôi có thể mường tượng ra vị trí những nốt ruồi ẩn hiện thầm kín trên da thịt Hoa. Tôi đã dời đôi giá vẽ ở đủ mọi góc cạnh. Tôi đã “ăn tươi nuốt sống” cơ thể Hoa từ trước ra sau. Tôi ngủ, vắng những mộng mơ. Thảng hoặc, chiêm bao rất đỗi ngắn ngủi sật sừ: Tôi ôm Hoa đứng hôn nhau trên ngọn đồi trọc, cỏ cây cằn cỗi và ở đường chân trời thì sắc sảo một nhát cọ đỏ bệt ngang, chảy máu.

2. Tựa vết dầu đang chảy loang, người ta đồng loạt bỏ chạy, tôi cũng chạy. Người ta hốt hoảng, tôi cũng mặt cắt chẳng còn giọt máu. Người ta bồng bế nhau chất chồng lên xe đò, tôi vác mạng không bám đu như thằng lơ xe chính hiệu: Tới luôn bác tài! Người ta khản tiếng ơi ới gọi nhau xa bầy lẻ bạn, tôi ngậm câm lòng rất chật những hoang mang. Người ta ngó lui, như ngó những cột mốc kỉ niệm đang gắn xuống Quốc lộ 1. Huế ơi, tạm biệt hay vĩnh biệt? Tôi cũng ngó lui, “tha hồ mây trắng bay”!
Vào Đà-nẵng tôi ở đậu nhà bà con, đường Hùng Vương, gần chợ Cồn. Tôi hay ra ngồi quán cóc ở lề đường ngó sự hỗn loạn luôn thay đổi bộ mặt quanh chỗ ngồi thường trực những tiếng động điếc con ráy. Tôi ngồi như một kẻ bị chứng bệnh mộng du. Trầm kha, nhợt nhạt. Lòng tôi bình lặng một cách kì lạ. Tựa một mặt hồ mà những âm thanh đang gây nhiễu loạn kia chẳng rơi được vào trong tôi để làm gợn lên những con sóng. Vì sao? Tôi tự lí giải. Vì nếu chết tôi chẳng có gì để phải sợ hãi. Một đứa cô đơn, một đứa trơ trọi giữa cuộc đời này nó chẳng có gì để bận tâm, hối tiếc. Tôi ngồi, tôi uống cà phê bít tất, uống nước trà nguội, uống câu giờ và có khi bất ngờ, uống cả câu thơ của Nguyễn Đức Sơn: “Tôi về lắng cả buổi chiều, nghe chim ăn trái rụng đều như kinh”. Tôi ngồi, như bức phù điêu đang hồi ẩn hiện rêu xanh. Ba hồn chín viá lộn lui khi tai mơ hồ vọng dội tiếng ai vừa gọi tên tôi. Đã ba ngày vất vưởng, giờ mới có người nhận diện. Giọng vỡ ra, ôi êm ả biết dường nào!
- Nghiêm, vô đây khi mô?
Tôi hoàn hồn và tôi chết điếng. Đứng rất sát, rất gần, rất kề cận bên tôi là Hoa. Hoa của một áo quần lụa là có phần tươm tất. Hoa của một che đậy giữa chốn ta bà. Gần quá, tôi rất muốn ôm Hoa, đưa tay ra là đụng phải, để hiểu, hoàn toàn nó không là ảo ảnh.
- Vô đã ba ngày. Đã ba ngày, cứ ngồi như ri đây!
- Nói nghe thảm. Uống thêm ly cà phê nữa hí? Hoa đãi.
Tôi đùa: Uống cà phê để làm gì? Hoa mắng: Con khỉ. Hoa ngồi xuống ghế đẩu, sát tôi. Lưng dựa vào tường một công sở đã di tản nhân viên. Tôi ngửi được mùi một hương hoa. Có thể Hoa vừa gội đầu xong, hoặc thứ mùi đó từ cơ thể, từ nách Hoa phát tiết ra. Tôi không biết. Tôi u mê ám chướng. Tôi vẫn luôn là đứa con trai lạc loài. Hoa vuốt tóc tôi, ngó tôi lâu, rồi bình phẩm: Hốc hác quá! Vào Đà-nẵng, ở chốn lạ, con người đâm dạn dĩ. Ở Huế, cho tiền Hoa cũng không dám rờ rịt. Lộ liễu quá. Đúng không?
Hoa dắt tôi về chỗ Hoa ở, đâu đó gần cầu Vồng. Lối đi quanh co, con nít mình trần đứng đầy đường với bụi vàng đất cát. Nhà nhỏ, những phòng không gắn cửa, lay động ở đó là tấm vải buông rủ làm màn. Hoa vén màn, phòng kê chiếc giường, thêm cái tủ nhỏ, sít sao, vừa đủ diện tích. Muốn ngồi, chỉ có giường là nơi đặt đít. Giường trải chiếu, in lem luốc chữ Phúc nằm chật chội trong vòng tròn. Chữ Phúc bốc mùi, không là mùi của ẩm mục thiếu nắng mốc meo. Một đứa bé chạy ào vào, hộc tốc. Môi khô, hơi thở gấp: “Chị Lệ, chị Lệ có khách đợi”. Hoa ngó tôi, Hoa dùng tay đẩy thằng nhỏ ra khỏi phòng: “Em nói lại với họ là bữa ni chị không đi. Chị bị cảm, nhức đầu chóng mặt, buồn nôn. Hiểu không? Mai mốt hẵng tính”. Hoa trút bỏ áo quần. Tôi quen thuộc với cơ thể ấy, nhưng vùng kín đáo của Hoa là nơi chưa một thằng sinh viên mỹ thuật nào được ngắm nhìn, ngoại trừ tôi, hôm nay.
- Để Hoa chỉ cho xem cái ni.
Hoa kéo tấm màn. Phiá sau, dán trên ô kính cửa sổ là tấm giấy cứng vẽ hình một thiếu nữ mặc đồ lót ngồi trên ghế. Bản vẽ vụng, chẳng mấy đẹp kia có viết tên tôi bên dưới. Đó là bài làm cách đây đã hai tháng và bài tập ấy mang điểm B. Tôi ngây mặt ra. Hoa kéo tôi đi từ ngờ vực này đến ngạc nhiên khác. Khi chạy trốn, tôi chỉ mang theo cái mong manh của một phận người. Đã di tản, sao Hoa còn nhọc lòng toan tính, ôm đồm mang theo đồ đoàn những thứ vô bổ?
- Không biết nữa. Hoa nói với người trưởng lớp, xin bức này để làm kỉ niệm. Mỗi tối, trước khi ngủ, Hoa đều ngắm nó khoảng năm phút. Hoa tự hỏi: Bao lâu nữa thì mình sẽ tàn tạ, chẳng còn được như trong tranh?
Hoa ôm cứng lấy tôi. Hoa bảo: Hãy yêu Hoa đi. Nắng buổi chiều chiếu rọi xuyên qua bản vẽ làm rách nát từng đường trên cơ thể Hoa. Tôi nằm dát người trên chiếu, nghe tiếng súng nổ và hiểu Đà-nẵng đang cơn hấp hối.

3. Có thể, tôi chấm dứt chuyện kể ngang đây. Nhưng, có điều này tôi muốn thưa thêm: Cách đây hai tuần, một người bạn cũ, một họa sĩ tự do đang sống ở Huế, có viết trong email: “… mày còn nhớ cô người mẫu 6 đầu rưỡi năm xưa không? Người đẹp đang là ni cô, mùa lụt bão vừa rồi, em làm việc thiện phát chẩn giúp đỡ những kẻ bất hạnh…” Lúc đó, tôi đã ngồi nhắm mắt lại trước màn hình rất lâu. Tai tôi như nghe được giọng nói nhỏ nhẹ của Hoa hôm nào, một ngày của quá vãng: Tên hai đứa mình ghép lại sẽ tựa như tên một cuốn kinh: Hoa Nghiêm.
Phải, tôi nhắm mắt ngồi rất lâu. Lâu gần bằng một mộng mị khi thiếp ngủ. Tôi tắt computer. Tôi đi đốt thắp một cây hương. Tôi cúi đầu: Mô Phật!

Hồ Đình Nghiêm

Canada
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 56286)
Con đường thơ của Nguyễn Lãm Thắng có nhiều bước chuyển. Sau “Điệp ngữ tình”, “Giấc mơ buổi sáng” (333 bài thơ thiếu nhi), anh thử nghiệm, gieo hạt giống thơ của mình vào thế trận khác: thế trận đời. Thế trận này đã đánh dấu tiếng nói riêng cho “họng đêm” [ *] trong hành trình sáng - tạo - thi ca của anh. Anh gần như đoạn tuyệt hẳn cái nhìn trong trẻo của “Điệp ngữ tình”, cái hồn nhiên thơ trẻ của “Giấc mơ buổi sáng” để ném vào “họng đêm” cái nhìn từ góc độ người mù và “có thể nói nhiều về điều không thể nói”.
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 65714)
Đ àn chim với những con Rose breasted màu nâu nhạt, ngực đỏ;con Western King with fledgling cũng màu nâu nhưng cái cái ngực vàng hườm; con Red headed woodpecker mình gọi là chim gõ kiến có cái đầu màu đỏ, con Indigo Bunting tròn như con sáo quê nhà, nhưng lại xanh biếc như da trời. Tất cả bọn chúng, mỗi buổi sáng, theo nhau về ríu rít trong vườn nhà tôi...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 54199)
N guyễn Phi Khanh sinh năm 1355 và mất năm 1428[1] (có thuyết nói ông sinh năm 1336, mất năm 1408[2]), quê ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Tây (có thuyết nói ông còn có quê thứ hai ở Chi Ngại, Chí Linh, Hải Dương). Ông tên thật là Nguyễn Ứng Long, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống võ tướng. Nhưng ông lại là người say mê văn chương...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 63296)
Tôi chìm vào một giấc mơ, giấc mơ có những sợi dây bé xíu đan vào nhau thành những mắt lưới. Tôi đi tìm một thế giới, nỗi đau oán thù bị xóa bỏ, chỉ còn tôi với thế giới ấy.
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 60092)
B ài này được viết theo lời yêu cầu của một số người trẻ trong đó nhiều người là sinh viên đại học nhằm bổ khuyết cho sự hiểu biết của anh chị em này nói riêng và giới trẻ Việt Nam nói chung về vị vua cuối cùng của Nhà Nguyễn nhân dịp 100 năm năm sinh của ông cũng như về một giai đoạn lịch sử có quá nhiều góc tối hay góc khuất, luôn cả oan khuất và cũng nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ 2013 ...
06 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 70179)
Bây giờ đã bước sang một ngày khác một ngày như và không như mọi ngày không còn nợ nần nào để tính sổ không còn niềm vui nào để cho đi hay giữ lại nỗi buồn...
11 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 93481)
Cuộc Họp Báo Nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền - 10/12/2012
10 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 90876)
S au hơn ba mươi năm kết thúc chiến tranh, những đề tài về chiến tranh dường như cũng biến mất trên văn đàn chính thống Việt Nam. Chúng đã đầu thai kiếp khác hoặc tìm cách trốn ra nước ngoài. Ngồi hong váy ướt, tập truyện mới nhất của Võ Thị Hảo hội đủ hai yếu tố: đầu thai kiếp khác mà vẫn phải chạy ra nước ngoài, tháng 7 năm 2012, tủ sách Thi Văn Hồng Lĩnh của Bùi Xuân Quang ở Paris, xuất bản.
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 94686)
Một trong những vấn nạn, nếu không phải nghi án, lịch sử cận đại còn gây nhiều tranh luận là vấn đề âm mưu ve vãn [flirtation] Cộng Sản Hà Nội của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm (1897-1963) trong hai năm 1962-1963. Nhiều học giả thế giới đã cố gắng đưa ra những giải thích về vấn đề này. Người cho rằng anh em họ Ngô không còn biết lý lẽ [no longer be rational] nữa trước áp lực Mỹ. (1) Người cho rằng họ Ngô chỉ muốn blackmail hay chơi một ván bài poker với Mỹ. (2) Người cho rằng họ Ngô thực sự muốn nói chuyện với miền Bắc, (3) và nếu không có cuộc đảo chính 1/11/1963, Cộng Sản đã chiếm miền Nam vào cuối năm 1963.
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 93396)
Cuối năm 1961, đầu năm 1962, các viên chức VNCH liên tục thúc dục Pháp can thiệp và yểm trợ. Ngày 21/12/1961, Đại sứ Phạm Khắc Hy gửi thư cho Charles Lucet, ngỏ ý muốn liên lạc với Pháp. Hơn nửa tháng sau, ngày 7/1/1962, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu gặp đại diện Pháp, xác nhận ý muốn liên lạc. Trương Vĩnh Lễ, Chủ tịch Quốc Hội, cũng tiết lộ với giới ngoại giao Pháp ở Sài Gòn là Nhu muốn Pháp tái khẳng định lập trường, vì Sài Gòn có cảm tưởng Paris đang nghiêng dần về phía Hà Nội.( 152)