- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

HÀ NỘI BA MƯƠI SÁU PHỐ PHƯỜNG

15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 103519)
hanoi36_banmai-content

(*)

 

Hà nội ba mươi sáu phố phường,
Lòng chàng có để một tơ vương.
Chàng qua chiều ấy qua chiều khác,
Góp lại đường đi: vạn dặm đường
.(1)

 

Hà Nội với gió heo may, với tà áo dài của Mai trên đường Cổ Ngư một chiều thu trong “Nửa chừng xuân” đã hút hồn tôi từ thuở nhỏ. Hà Nội trong ký ức tôi đẹp như một bài thơ qua các trang tiểu thuyết diễm tình của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam…

Tôi đến Hà Nội lần đầu tiên, khi đất nước đã hòa bình hơn 30 năm.

Trời còn rất sớm, tôi háo hức trông chờ ánh nắng đầu tiên của đất Bắc để đắm chìm trong dòng ký ức tưởng tượng của mình.

Đất Bắc của những vị vua anh linh, nơi xây dựng bờ cõi đầu tiên của nước Việt. Tôi yêu đất nước mình, nên tôi yêu đất Bắc.

Người đàn bà Bắc đầu tiên tôi gặp là một bà già đã về hưu đang đi tập thể dục buổi sáng, nghe giọng miền Nam bà sốt sắng dẫn đường đến tận địa chỉ tôi tìm kiếm. Ký túc xá Đại học Bách Khoa Hà Nội dành cho sinh viên nước ngoài nhộn nhịp vào cuối tuần, các nhóm sinh viên tụ tập đi dã ngoại. Một sinh viên Hàn quốc chỉ lối cho tôi, cô bạn gái người gốc Phi tóc xoăn tít đang níu tay anh, có vẻ nóng lòng vì xe sắp chạy.

 

Lớp tập huấn thi nâng ngạch chuyên viên chính ngành giáo dục của cả nước được sắp xếp ở nơi này. Các phòng ký túc xá dành cho sinh viên nước ngoài đầy đủ tiện nghi, tuy nhiên phòng trọ xây từ thời bao cấp, nên trang thiết bị đã cũ nhiều. Chúng tôi có một tuần chuẩn bị bài trước khi thi. Mọi người đều cảm thấy nôn nóng.

 

Nôn nóng như buổi chiều qua hồ Hoàn Kiếm, tôi chạy dưới cơn mưa bất chợt tìm nơi trú ẩn, kem Tràng Tiền lạnh băng tan trong tôi. Cầu Thê Húc người gác dan đuổi du khách vì đến giờ đóng cửa, một nhóm thanh niên đang đập bài xoành xoạch bên gốc cây cổ thụ cạnh chân cầu. “Trèo qua đây đi em, anh làm vài phô, địa chỉ ở đâu anh giao tận nơi”. Người chụp ảnh lôi kéo tôi trèo qua rào để đứng trên cầu chụp hình kỷ niệm. Trời chập choạng tối, và tôi bắt đầu sợ. Tôi chạy thoát thân ra ngoài đón taxi về ký túc xá. Hai cô bạn cùng phòng nghe tôi kể cười nghả nghiêng, dẫn tôi đi ăn đêm. Trên vỉa hè thấp thoáng những bóng đèn “hột vịt”, các sinh viên ngồi lúp xúp húp cháo và ăn hột vịt lộn với rau ngãi cứu. Sống trong khu này, tôi trở lại thời sinh viên. Thời sinh viên, những năm 80 với bao kinh ngạc! Khi hỏi một người bạn miền Bắc, ở ngoài này chắc bạn đã đọc nhiều sách của Tự lực văn đoàn, thuộc nhiều thơ tiền chiến trong phong trào “Thơ Mới”? Tôi choáng khi nghe bạn nói chưa bao giờ biết đến tiểu thuyết “Đoạn tuyệt”, “Nửa chừng xuân,”, “Trống Mái”, “Hồn bướm mơ tiên”, Gánh hàng hoa”, “Nhà mẹ Lê”…, chưa từng đọc những bài thơ tình của Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Huy Cận, Nguyễn Bính, Đinh Hùng… Ngạc nhiên khi trong chương trình đại học, sách hướng dẫn giảng dạy Văn học lớp mười một phần văn học lãng mạn chỉ giới thiệu bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mạc Tử, với lời ghi chú dòng văn thơ tiểu tư sản chỉ tham khảo bài này không giảng dạy trong trường học. Và dĩ nhiên thơ văn Miền Nam trước năm 1975 hoàn toàn vắng bóng. Một lũ thế hệ chúng tôi được rèn luyện lý tưởng sống và chết như Pavel Corsaghin trong Thép đã tôi thế đấy: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...”. Và lũ chúng tôi đã tin như vậy.

Ở trường, thầy giáo bảo văn chương miền Nam, nhạc vàng sướt mướt là sản phẩm đồi trụy, dân trí thức là thành phần tiểu tư sản…nông dân, công nhân là tinh túy của đất nước. Tập thể là trên hết, triệt tiêu cá nhân con người. Tôi được dạy những bài thơ hùng tráng kiểu như “ngắm thẳng quân thù mà bắn”; những cuốn tiểu thuyết ca ngợi tinh thần anh dũng kiên cường, giống như “Chị Út tịch”, một đất nước mà ra ngỏ là gặp anh hùng… về nhà tôi quên hết, tôi trùm mền đọc thơ tình Xuân Diệu, Nguyên Sa, hát nhạc vàng Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, thả hồn theo “Vòng tay học trò” của Nguyễn Thị Hoàng. Mơ bay trên thảo nguyên cùng Quách Tĩnh trong “Thần điêu đại hiệp” của Kim Dung. Như thế, tôi trở thành sản phẩm của hai chế độ. Của từ chương, giáo điều mà tôi phải học và nền giáo dục tôi đã hấp thụ trong gia đình ấm áp tuy giữa một miền Nam chiến tranh. Hai hệ thống giáo dục đánh nhau chan chát. Thế nhưng, văn chương, tiểu thuyết in ấn trong miền Nam trước 75 đã ngấm vào trong máu thịt tôi rồi.

 

..., những ngày ấu thơ, chiều nào tôi cũng chạy qua nhà sách chú Thiện để chờ xe Thư đem báo và truyện tranh thiếu nhi nóng hổi từng kỳ. Tôi mê sách từ thưở nhỏ, đọc tất cả những gì tôi bắt gặp trên kệ sách. Từ truyện tuổi hoa, hoa xanh, hoa đỏ, hoa đen, hoa tím, đến truyện tranh thiếu nhi Lữ Hân-Phi Lục, Tin Tin, Xì trum, Phan Tân-Sĩ Phú-Vượn đốm, Lucky Lucke…truyện dịch “Tấm lòng vàng”, “Tâm hồn cao thượng”, “Vô gia đình”, “Hai mươi ngàn dặm dưới đáy biển”… rồi tò mò đọc truyện người lớn của Nhã Ca, Túy Hồng, Chu Tử, truyện gián điệp gay cấn với điệp viên Z-28 hào hoa, tủ sách Tự lực văn đoàn của Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam.

Tôi nhớ cái lạnh cắt da của xứ Bắc mà mẹ con Nhà mẹ Lê nghèo khổ phải nằm trên ổ rơm lấy chiếu cuốn quanh người, tôi nhớ người vợ hy sinh đã tự thả tay mình chìm dưới dòng nước lũ để người chồng có sức bơi vào bờ trong Anh phải sống. Tôi nhớ cô hàng xén răng đen lóng lánh gánh hàng rong e ấp dưới nắng thu. Và tôi mê ba mươi sáu phố phường Hà Nội từ khi đọc Thạch Lam.

 

 hanoi36_banmai2

(**)

 

Ba mươi sáu phố phường Hà Nội một buổi chiều hè tôi lang thang từng con phố nhỏ, những căn nhà hẹp sâu hun hút, mái ngói rêu phong tôi không tìm đâu ra được hình ảnh của những ngôi nhà cổ. Tất cả đã đổi thay theo thời gian, thời kinh tế thị trường “tấc đất tấc vàng”, các mặt tiền đều cơi nới, nhấp nhô, khoác lên mình bộ mặt hào nhoáng, đèn neon xanh đỏ. Tôi vào phố Hàng Đào tìm căn nhà cũ của gia đình Trần Vũ, căn nhà hai tầng số 47 của cụ Trần Viết Phú, ông ngoại Vũ, giờ đây là cửa hàng thời trang, mong tìm hình ảnh mà Vũ mô tả trong ký, nhưng tất cả thật đổi khác. Cụ Trần Viết Phú bị Việt Minh hành quyết và con cháu lưu lạc vào Nam rồi ra biển. Bạn tôi đánh mất đất Bắc, còn tôi ngơ ngác trên đất Bắc. Tôi ngước nhìn xem mẹ Vũ ngày xưa có đứng trong ô cửa tầng hai, nép mình bên rèm để ngắm các chàng trai Trường Bưởi(2) dạo phố mỗi chiều xuân. Cuối cùng, bà làm dâu trong một gia đình thương gia người Hoa nhưng nhất quyết giữ nếp sống người Việt trong gia đình mình. Giáo dục con theo phong tục người Việt, nói tiếng Việt, ăn món Việt. Không cho các con mình học tiếng Tàu, không cho con mình gọi bố bằng Pá như những gia đình Tàu khác. Tôi hiểu vì sao ngày xưa đất nước tôi bị Tàu đô hộ ngàn năm nhưng vẫn không bị khuất phục, không bị đồng hóa, chính nhờ những người đàn bà Việt Nam thầm lặng này. Họ là những người giữ lửa cho hồn dân tộc. Còn các thiếu nữ Việt nam thời nay?

 

Tôi lang thang trên phố mong tìm thấy hình ảnh thiếu nữ Hà Nội duyên dáng xưa, mà các chàng trai vệ quốc quân trên Đường Biên giới đêm đêm vẫn luôn mơ về Hà Nội bóng Kiều thơm trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Thật trái ngược, trên các phố tôi chỉ thấy những thiếu nữ tóc “xù lông nhím”, áo hai dây, khoe ngực và phơi rún nhún nhảy trên đường.

 

Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê, vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ hộ. Tiểu thuyết có sức mạnh kỳ diệu giúp tôi tiêu thời gian cho sự vĩnh cửu. Bỏ vài ngày đọc một quyển tiểu thuyết, nếu là văn chương thật, nhân vật và cảnh vật sẽ sống mãi trong lòng mình. Nhưng ngày nay tuổi trẻ cũng đã hết mê sách như thời Nhất Linh.

 

Hà Nội thanh lịch, yêu kiều mà tôi yêu, là Hà Nội của một thời đại khác, của những người đã khuất, giờ đã xa, xa lắm rồi. Những hàng quà của Thạch Lam trong ba mươi sáu phố phường vẫn còn, nhưng đã biến dạng thành phở quát, cháo chửi đến không còn nhận ra là các văn nhân tao nhã đã từng ăn ở đây.

 

Đất Bắc có còn xao xuyến hồn tôi như trong ký ức, bằng tài hoa của một Thạch Lam hay một Nguyễn Bính.

 

Hà Nội ba mươi sáu phố phường,
Lòng chàng đã dứt một tơ vương,
Chàng qua chiều ấy qua chiều khác,
-Có một người đi giữa đám tang.

 

15.1.2011

----------------------

(1) Hà nội ba mươi sáu phố phường – thơ Nguyễn Bính

(2) Trường Bưởi được Pháp thành lập từ năm 1908, nhằm đào tạo nhân viên cho bộ máy cai trị tại Bắc Kỳ. Sau năm 1945 đổi tên thành trường Chu Văn An.

 (*) Tranh “Cô gái mùa thu Hà Nội” - Văn Len

 (**) Tranh “Phố cổ Hà Nội” – Bùi Xuân Phái

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 96998)
T ôi đọc xong tập truyện"Giấc mơ" của Phạm Phương, mất mấy hôm lúc nào cũng vất vưởng tâm trạng của người không rõ mình đang thế nào. Tôi bị khuấy động. Giống như kẻ lâu ngày quen sống yên ổn, bàng quan, bỗng bị một cú đánh bất ngờ, bản năng sững lại một tí, ngớ người ra một tí, rồi mới chợt hồi lại, rồi mới cảm được nỗi đau nhân thế mà người trẻ tuổi này "nhắc nhở". Đúng hơn, cô ta tự bạch và tôi bị chạnh lòng.
12 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 101828)
.. .Ở ngoài đời, nó khuất sau những khuôn mặt đạo đức hay ra vẻ đạo đức. Trên mạng, những nickname không hề giấu diếm ham muốn, không hề tỏ ra quan cách, chỉ muốn thỏa mãn và tất nhiên là im lặng ...
28 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 94231)
H ợp Lưu 116 với tranh bìa Biến khúc tháng 11 của họa sĩ Đinh Cường được gởi đến quí độc giả và văn hữu như những bước chân đi qua mùa Đông để vào mùa Xuân nắng ấm, bằng những đổi thay, những hy vọng, để hướng về tương lai với những đều tốt đẹp. Tựa chuyện chuyển thể từ phim câm đến phim có tiếng nói, từ trang báo viết tay đến liên mạng toàn cầu. Chấp nhận đổi thay để sinh tồn. [...] duy chỉ có một điều không thay đổi, đó là giá trị của những bài vở trong từng số báo của Hợp Lưu.
28 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 95141)
“Nước là một trong những cơ hội lớn về ngoại giao và phát triển trong thời đại chúng ta. Không phải mỗi ngày chúng ta tìm được một vấn đề mà hiệu quả về ngoại giao và phát triển giúp cứu sống hàng triệu sinh mạng, cứu đói, tăng sức mạnh phụ nữ...Nước chính là chủ đề quan trọng đó.” Hillary Rodham Clinton, World Water Day 2010.
27 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 101279)
“ B ây giờ tôi mới hiểu: thì ra con người đối với Hồ Chí Minh chẳng là cái gì. Ông mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới, sao vàng năm cánh mộng hồn quanh. Con rồng, ai cũng biết, là biểu tượng của nhà vua. Ông mơ cưỡi nó thì ông đâu phải là một người trong chúng ta.[...] Con người là vốn quý nhất , tôi từng nghe ông nói với mọi người trong lần gặp anh hùng La Văn Cầu ở Thác Dẫng, mùa thu năm 1950. Stalin cũng nói thế. Mao Trạch-đông cũng nói thế.Mà đúng: con người chỉ là vốn thôi, để kinh doanh cái gì đó. Khi là vốn, nó thôi là Người ,” (Vũ Thư Hiên)
27 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 130934)
C ó bữa niềm vui chui qua cái trôn kim Gõ cửa và nói Đã đến giờ thay ca! Nhưng tôi từ chối Tôi yêu nỗi buồn của mình Nó nhen lên ngọn lửa Từ tâm từ tâm...
25 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 127636)
l ời đã chết từ khi vượt cạn đi tìm nhau mới biết con đường gần mà lại vòng vèo như ruột non ruột già nên câu thơ có hình đa giác
23 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 127354)
C huyến xe Kinh kỳ đi xuống phía anh phố nguyên từng nắm người nguyên từng gói cười nguyên từng lố khóc nguyên từng chén ô hô...
22 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 103704)
N hà văn Lữ Thị Mai kết duyên cùng .. .
21 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 100689)
Q ua những bài dạy sử địa từ cấp đồng ấu tiểu học của thế kỷ XX-XXI, sách giáo khoa chữ Việt mới (dựa trên chữ cái Latin, tiêu biểu là cuốn bài giảng sử ký và địa dư dùng cho các lớp Dự bị và Sơ đẳng bậc tiểu học của Trần Trọng Kim và Đỗ Đình Phúc xuất bản lần đầu năm 1927) lịch sử Việt Nam khởi từ nhà Hồng Bàng (2879-258 Trước Tây Lịch [TTL] kỷ nguyên), với mười tám [18] vua Hùng hay Hùng vương [Xiong wang].