- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cuộc Truất Phế Bảo Đại, 23/10/1955 (phần 1 Của 4)

05 Tháng Tư 20093:11 SA(Xem: 92128)

cuoctruatphebaodai_0_236x300_1LTS: Nhân dịp kỷ niệm 34 năm ngày thất thủ Sài Gòn, cũng nên nhìn lại biến cố giúp khai sinh chế độ Việt Nam Cộng Hòa [VNCH, 1955-1975], tức cuộc trưng cầu dân ý 23/10/1955.

Bài này đã in trong Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (Houston: Văn Hóa, 2004), và được hiệu đính bốn năm qua nhờ những tài liệu văn khố Phủ Tổng thống và Thủ tướng VNCH hiện lưu trữ tại Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia II (thành phố HCM, tức Sài Gòn).

Ngày 23/10/1955 đánh dấu một biến cố lịch sử quan trọng tại miền Nam vĩ tuyến 17, phần còn lại của chế độ Quốc Gia Việt Nam [QGVN]. Ngày này, theo cơ quan tuyên truyền của chính phủ QGVN, khoảng 5.8 triệu cử tri đi dự buổi Trưng Cầu Dân Ý, lựa chọn lãnh tụ. Một bên là Quốc trưởng Bảo Đại (1913-1997), ông vua cuối nhà Nguyễn, cũng người đã "sáng lập" chế độ QGVN từ năm 1949. Người khác đang thực sự cai trị miền Nam "Tự do," "chí sĩ" Ngô Đình Diệm (1897-1963), mới được Bảo Đại cử làm Thủ tướng toàn quyền (kiêm nhiệm Tổng Tư lệnh Quân đội) hơn một năm trước. Khi kết quả được Bùi Văn Thinh công bố ngày 26/10, Diệm về đầu với 5,721,735 phiếu (98.2%). Bảo Đại–đang ở Pháp, hình nộm và bích chương, khẩu hiệu tố cáo là "tàn tích phong kiến, tay sai thực dân" dàn dựng khắp nơi–được 63,107 phiếu (1.1%).( 1)

Mặc dù những lời tố cáo gian lận sôi nổi dư luận (đặc biệt là tỉ số 97.8% tổng số cử tri di bầu, trong khi đa số nông dân không biết đọc hay viết, các giáo phái và Việt Minh kêu gọi tẩy chay),(2) ba ngày sau, 26/10, Diệm–với một "Thiên mệnh" hay "Õn Trên" mới–tự phong làm Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa [VNCH]. Ba ngày sau nữa, 29/10, Diệm thành lập chính phủ VNCH đầu tiên. Chính phủ "cách mạng Nhân Vị" này gồm hầu hết nhân viên của chính phủ QGVN cải tổ ngày 10/5/1955. Chỉ đổi chức "Tổng trưởng" thành "Bộ trưởng;" và, Bộ trưởng Trần Văn Mẹo kiêm giữ Bộ Kinh tế.( 3)

Nửa thế kỷ qua, cuộc truất phế Bảo Đại thường chỉ được đề cập dưới ánh sáng nội tình chính trị Việt Nam, giao tình cá nhân giữa Bảo Đại và Diệm, cùng giá trị đạo đức nhị nguyên kiểu "phản bội" hay "cách mạng." Biến cố mà nhiều người chờ đợi sau gần một năm biểu tình chống phong kiến, thực dân để biểu lộ khí thế cách mạng và tinh thần độc lập này chỉ là kịch bản địa phương cuối cùng. Thực ra, đây là một biến cố lịch sử chi phối nặng nề bởi nhiều ảnh hưởng quốc tế thuộc cả hai phe Cộng Sản và Tư Bản, trên bối cảnh của cuộc chiến tranh lạnh 1947-1991.

I. BỐI CẢNH CHIẾN TRANH LẠNH:

Bảo Đại là một lá bài chính trị của Pháp, được sự ủng hộ của Giáo hội Vatican và siêu cường Mỹ, để giúp Pháp "ý thức hệ hóa" cuộc tái chiếm Đông Dương. Đây là thí nghiệm chính trị cuối cùng của Pháp sau nhiều thí nghiệm khác như Nam Kỳ Quốc tự trị, Tây kỳ tự trị, v.. v... Từ năm 1949, ông vua cuối nhà Nguyễn–đã thoái vị vào tháng 8/1945 với câu tuyên bố bất hủ, "Thà làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ"–được đánh bóng lên thành biểu tượng của những người Việt yêu nước chân chính không Cộng Sản hay chống Cộng, thường tự xưng và được biết như "người quốc gia." Nhưng phe chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] của Hồ Chí Minh–mà nòng cốt do Đảng Cộng Sản Đông Dương [CSĐD] chi phối–không những có khả năng tồn tại trước đạo quân viễn chinh Pháp với vũ khí tối tân mà ngày càng vững mạnh hơn, nhất là từ sau khi Đảng Cộng Sản Trung Hoa [CSTH] chiếm được Hoa lục, đánh đuổi Tưởng Giới Thạch chạy ra Đài Loan năm 1949. Từ năm 1950, nhờ sự yểm trợ của Liên Sô và cố vấn quân sự cũng như chính trị Trung Cộng, chính phủ VNDCCH thoát khỏi vòng vây của quân Pháp, đánh thông thương vùng biên giới Hoa-Việt, và thành lập được sáu đại đoàn (sư đoàn) chính qui.( 4) Từ năm 1952-1953, Việt Minh cũng bắt đầu mở rộng chiến tranh vào vùng trung du và châu thổ sông Hồng, mở rộng lãnh thổ kiểm soát hành chính. Quân viễn chinh Pháp bị rút vào thế thụ động, phòng thủ hơn tấn công.

Trước viễn ảnh không thể thắng trận, và thực trạng khó khăn về kinh tế-tài chính, mùa Thu 1953, chính phủ Joseph Laniel (6/1953-6/1954) tìm cách nghị hòa. Cả Mat-scơ-va lẫn Bắc Kinh đều tiếp tay cho Pháp giải quyết vấn đề Đông Dương. Từ đầu năm 1954, Mat-scơ-va và Bắc Kinh không ngừng áp lực Hồ phải chấp nhận chia cắt Việt Nam.

Laniel còn đẩy mạnh hơn việc "kiện toàn độc lập" cho chế độ QGVN và chấp thuận "Kế hoạch [Henri] Navarre," nhằm gia tăng Quân đội QGVN, giao cho người Việt trách nhiệm bình định, hầu tập trung các đơn vị Liên Hiệp Pháp để đáp ứng với các đại đoàn chính qui Việt Minh. Tháng 7/1953, Pháp đồng ý trả độc lập hoàn toàn cho QGVN.( 5)

Những bất lợi quân sự của Pháp tại Lào và vùng Tây Bắc Bắc Việt (vùng Thái tự trị, ZANO)–với điểm nổ Điện Biên Phủ–càng khiến Mỹ quan tâm hơn. Mỹ không thể đơn độc tham chiến vào Đông Dương, cần một liên minh quân sự nào đó. Chính phủ Dwight D. "Ike" Eisenhower (1953-1961), ít nữa vào đầu năm 1954, quyết định rằng "Thất trận ở Đông Dương sẽ gây đại họa cho Đông Nam Á. Mỹ sẵn sàng viện trợ 800 triệu Mỹ Kim cho tài khóa 1954, và ngân khoản tương tự cho tài khóa 1955. Tuy nhiên, đô-la Mỹ, và quân đội Pháp chưa đủ–cần sự tham gia của dân Việt. Mỹ muốn Pháp tiếp tục tham chiến ở Đông Dương, và sẵn sàng tài trợ, nhưng cũng muốn tạo một chính phủ quốc gia bản xứ đủ mạnh, đứng vững hai chân trên mặt đất.( 6)

Ngày 16/1/1954, Eisenhower thiết lập một Ủy Ban Đặc Biệt nghiên cứu về Đông Nam Á, gồm Tướng Walter B. Smith, Roger Keyes, Đề đốc Arthur Radford, Allen Dulles (CIA), và C.D. Jackson. Ngày 5/4, ủy ban trên cho rằng chính sách trong Nghị quyết NSC 5405 ngày 16/1/1954 vẫn còn hiệu lực [valid], và đề nghị phải đả bại Cộng Sản ở Đông Nam Á nói chung, Đông Dương nói riêng, có hay không có sự trợ giúp của các cường quốc Âu Châu.

Nhưng Bri-tên của Winston Churchill không muốn tham chiến ở Đông Nam Á, và khuyên Mỹ chẳng nên can thiệp. Bởi thế, dù Pháp hai lần xin thực hiện kế hoạch "Vulture" [Vautour] vào ngày 4/4 và 22/4–tức dùng không lực đánh tan các đại đơn vị Việt Minh ở Điện Biên Phủ, kể cả việc sử dụng bom nguyên tử nhỏ–kế hoạch này phải hủy bỏ.

Khi Hội nghị Geneva về Đông Dương bắt đầu khai mạc ngày 8/5, Mỹ chỉ tham gia như quan sát viên. Đồng thời Mỹ muốn bảo đảm quyền tự quyết và vẹn toàn lãnh thổ của những quốc gia trong vùng Đông Nam Á, giúp họ không bị lọt vào khối "đế quốc Cộng Sản độc tài."( 7)

Trước viễn ảnh Pháp ngưng bắn với Việt Minh, chính phủ Eisenhower cố tìm cách giữ cho bằng được một phần Việt Nam, cùng hai quốc gia lân cận Lào-Kampuchea. Mỹ muốn thực hiện một sách lược tay ba Mỹ-Pháp-Việt. Phần lãnh thổ còn lại của Quốc Gia Việt Nam sẽ được hoàn toàn độc lập, do một lãnh tụ "thực sự quốc gia," và "chống Cộng" cầm đầu; với sự trợ giúp của lực lượng viễn chinh Pháp, và nguồn tài trợ Mỹ. Vì khủng hoảng tài chính, và vì chưa muốn mất Đông Dương, chính phủ Pháp đồng ý.

Con cờ Việt Nam "tự do" khá phức tạp. Bảo Đại tiêu biểu cho sự "hợp pháp" của chế độ Quốc Gia trong phe Thế giới tự do, nhưng không có khả năng lãnh đạo, lười biếng, ít chăm lo đến quốc sự và cũng chẳng có vai trò nào khác hơn một lớp màn che cửa. Ngày 20/1/1951, chẳng hạn, Đại sứ Donald Heath cho rằng Bảo Đại vẫn còn tự ti mặc cảm với Việt Minh; và có lẽ Bảo Đại là "tay trùm chăn hàng đầu."( 8) Khoảng một năm sau, ngày 12/5/1952, Heath ghi nhận rằng Bảo Đại và Hồ Chí Minh mỗi người cai trị khoảng 11 triệu dân. Phe Bảo Đại có đông quân số, vũ khí tối tân, phi cơ, tàu chiến, các phương tiện vận chuyển, và tài lực dồi dào; trong khi Việt Minh [VM] chỉ có một số vũ khí của Trung Cộng viện trợ. Mỗi năm, Pháp tiêu hàng tỉ Mỹ Kim tại Đông Dương; Mỹ cũng viện trợ ngày một nhiều, có thể lên tới một tỉ vào cuối tài khoá 1953. Tuy nhiên, phe Pháp-Bảo Đại vẫn chưa thể chiến thắng. Trước hết, quân sĩ VM được học tập chính trị, giữ được thế lưu động, có Trung Hoa làm hậu cần an toàn, và ngày một gia tăng viện trợ khiến kéo dài cuộc chiến. Ngoài những yếu tố trên, chính phủ Hồ hữu hiệu hơn, quyết tâm hơn, và làm ăn hăng say hơn chính phủ "hợp pháp;" Hồ, có công an mạnh hơn, tuyên truyền khôn khéo hơn và ý thức hệ Cộng sản, có thể bắt buộc hoặc thuyết phục dân chúng đóng thuế cao hơn–thông thường dành ra một nửa tổng số thu nhập quốc gia cho nỗ lực chiến tranh. Tại vùng Pháp kiểm soát, có sự thiếu tin tưởng và ngay cả thù hận Pháp, chồng chất qua giai đoạn bảo hộ và cũng khởi nguồn từ sự khác biệt chủng tộc. Giải pháp duy nhất là Bảo Đại sẽ tạm thời nắm chức Thủ tướng, và mời những người có khả năng như Nguyễn Hữu Trí hay Ngô Đình Diệm vào nội các, với chức vụ Phó Thủ Tướng. Heath đề nghị cả Pháp lẫn Bảo Đại phải hành động ngay: Pháp cần tuyên bố quyết tham chiến ở Đông Dương tới cùng, ra tuyên ngôn về một chính sách "tiến hoá" đối với nền độc lập của Việt Nam. Cần sửa đổi một số điều khoản lỗi thời trong Hiệp định 8/3/1949 và Hiệp ước Pau. Phải đẩy mạnh hơn việc thiết lập Quân đội Việt Nam [QĐVN], khuyến khích mở rộng thương mại với các nước Á châu không Cộng Sản và Nhật, khuyến khích việc phát triển tài chính, như ngân hàng và đầu tư. (9)

Tuy nhiên, tình hình chiến sự của Pháp ngày càng suy thoái. Pháp chỉ có khả năng kéo dài ngày chiến bại hơn hy vọng chiến thắng. Tại các khu vực Pháp kiểm soát, 5 chính phủ Quốc Gia thay nhau bộc lộ sự bất lực. Sự sinh tồn của các chính phủ này hoàn toàn tùy thuộc vào quân lực viễn chinh Pháp và viện trợ Mỹ, qua Pháp. Bởi vậy, Mỹ áp lực Pháp trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam, hầu tạo một chính phủ thực sự quốc gia. Bảo Đại sẽ được giữ làm vì, nhưng chức Thủ tướng phải trao cho một người "quốc gia" chưa từng xuất hiện trên khấu. Hai nhân vật được lưu ý nhất là đương kim Thủ Hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí, và Ngô Đình Diệm, đang "tu học" tại Mỹ. Đại sứ Heath muốn ủng hộ một chế độ quân chủ lập hiến, với những cơ sở mô phỏng theo Mỹ như Thượng viện, Tối cao pháp viện.( 10)

Ngày 24/4/1954, hai ngày trước khi Hội nghị Geneva khai mạc, Ngoại trưởng Foster Dulles và Heath rất hài lòng với lời tuyên bố của Bảo Đại rằng người Việt chưa đánh trận Điện Biên Phủ của họ, và sẽ tiếp tục chiến đấu nếu Pháp triệt thoái khỏi Đông Dương.( 11) Ngày 14/5, tức một tuần sau ngày Điện Biên Phủ thất thủ (7/5), Oat-shinh-tân muốn Bảo Đại về nước ngay. Nếu Bảo Đại không đồng ý, cần nói thẳng rằng Mỹ và Pháp phải xét lại chính sách với chế độ QGVN. ( 12) Tướng Smith cũng nói với Ngoại trưởng Nguyễn Quốc Định tại Geneva rằng Bảo Đại không thể vắng mặt tại Việt Nam giữa lúc tình thế cực kỳ trầm trọng. ( 13)

Ngày 17/5, Đại biện Mỹ tại Sài Gòn, Robert McClintock, yêu cầu BNG khuyến khích Bảo Đại hồi hương ngay. Trường hợp Bảo Đại không chịu về, Pháp và Mỹ sẽ vận động các phần tử địa phương truất phế Bảo Đại và thành lập một Hội Đồng Phụ Chính [Council of Regency], gồm có Bửu Lộc, Trần Văn Hữu, Lê Hữu Từ hoặc Ngô Đình Diệm. Thủ hiến Trí có thể được giao lập chính phủ.( 14) Tuy nhiên, ngày 20/5, Heath cho biết cần chịu đựng thí nghiệm Bảo Đại thêm một thời gian.( 15) Lý do chính là Pháp và Mỹ đang kiểm nghiệm vai trò Ngô Đình Diệm. Do Pháp tiến cử, ngày 24/5, phái đoàn Mỹ tham dự Hội nghị Geneva gặp Diệm tại Tòa Đại sứ Mỹ ở Paris. Dù không tin Diệm sẽ thành công, các viên chức Mỹ vẫn chấp nhận Diệm vì những người tiền nhiệm quá tồi dở.( 16)

Diệm, tưởng nên lược nhắc, năm 1950, đã cùng "anh" là Giám mục Thục qua Mỹ xin viện trợ. Sau chuyến hành hương tại Vatican, Diệm trở lại Paris. Qua trung gian Nguyễn Trung Vinh và Bửu Kĩnh, Diệm gửi thư riêng cho Bảo Đại, xin làm Thủ Tướng.( 17) Sau đó, Diệm trở lại Mỹ "nghiên cứu thể chế chính quyền Mỹ và tu học về tôn giáo." Dù cư ngụ trong các tu viện dưới quyền Hồng Y Francis Spellman, Diệm được đi diễn thuyết từ Chicago tới Đại học Cornell (Ithaca, New York), gặp gỡ viên chức Ngoại Giao, cùng các nhân vật quyền thế Mỹ như Thẩm phán Tối cao Pháp viện William O. Douglass, TNS Mike Mansfield, John F. Kennedy, Dân biểu Walter H. Judd, v.. v.... để rao bán một cuộc thánh chiến chống Cộng ở Việt Nam, dựa trên khối giáo dân Ki-tô. Năm 1953, Diệm qua Belgium, trú ngụ tại chủng viện Benedictine ở Saint-André-lès-Bruges, một trung tâm truyền giáo về vùng Viễn Đông. Tại đây, Diệm kết thân với Linh mục Raymond J. de Jaegher, người sẽ trở thành Giám đốc Hội Thái Bình Dương Tự Do [Free Pacific Association] tại Sài Gòn.( 18) Ưu thế của Diệm là khối giáo mục Ki-tô, lực lượng đã thống trị nền chính trị bản xứ từ 1862, nếu chẳng phải sớm hơn.( 19)

Do những dàn xếp hậu trường, ngày 14/5/1954, Bảo Đại mời Diệm qua Paris bàn việc. Ba ngày sau, Bảo Đại bí mật gặp Thứ trưởng Ngoại Giao Smith, xin Mỹ can thiệp, và cử Ngô Đình Luyện (1914-1990), em út nhà họ Ngô, làm đại diện liên lạc với Mỹ. Ngày 18/5, Luyện xin gặp Smith, dò ý về việc Diệm thay Bửu Lộc. Ngày 24/5, Diệm xác nhận chi tiết này. Theo Diệm, Bảo Đại cử Diệm về nước tham quan, vì Bửu Lộc cố tình trì hoãn không chịu hồi hương, và đã bị cách chức.( 20) Vì lý do nào đó, Diệm không về nước ngay như dự trù.

Để chuẩn bị cho Diệm hồi hương, ngày 4/6/1954, chính phủ Laniel ký tắt [paraphé] Hiệp ước trả độc lập cho Việt Nam. Hiệp ước này gồm hai văn kiện chính: độc lập và hợp tác. Hai ngày sau, 6/6, Laniel cho Diệm thay Bửu Lộc.( 21)

Ngày 8/6–đúng ngày Ferdinand Frédéric Dupont thay Jacques Jacquet làm Bộ trưởng Các Quốc Gia Liên Kết–Đại sứ Bruce báo cáo là Diệm có thể làm Thủ tướng.( 22) Tại Sài Gòn, ngày 12/6, Bửu Lộc tiết lộ sẽ từ chức để Diệm lên thay. Hôm sau, 13/6, Maurice Dejean, Phụ tá dân sự của Cao ủy Paul Ely từ ngày 3/6, xác nhận tin này. Tại Paris, ngày 14/6, Diệm cũng tuyên bố với Đại sứ Mỹ Douglas Dillon, rằng sắp được làm Thủ Tướng.( 23)

Một số viên chức Pháp-Mỹ tại Việt Nam không tán thành cả hai giải pháp Bảo Đại hồi hương hay Diệm, và đề nghị thành lập một chính phủ "đoàn kết quốc gia." Tướng Alessandri, Cố vấn quân sự của Bảo Đại, nói với McClintock: "Bảo Đại đã bỏ lỡ mọi cơ hội. Việc hồi hương của Bảo Đại sẽ mang đến nhiều tai hại hơn lợi ích."( 24) Tướng Francois de Langlade cho rằng nếu Bảo Đại về nước chẳng khác gì lập lại kinh nghiệm Tưởng Giới Thạch. Trung tá Jean Léon Leroy, cựu Tư lệnh lực lượng Ki-tô giáo [UMDC] Bình Đại tuyên bố "chúng tôi chẳng muốn Cộng Sản hay quan chức. Chúng tôi không muốn Bảo Đại."( 25)

Chủ Nhật, 13/6, Dejean tiết lộ với McClintock rằng sẽ yêu cầu Bảo Đại lập tam đầu chế Lộc-Tâm-Hữu. Tâm sẽ giữ Quốc Phòng-Nội Vụ; Hữu, Tài Chính-Kinh tế Quốc Gia; và Bửu Lộc, Ngoại Giao. Nguyễn Hữu Trí tiếp tục chức Thủ hiến Bắc Việt. McClintock đồng ý và yêu cầu Smith đề nghị tương tự với Bảo Đại.( 26) Chiều 15/6, trước khi về nước tham khảo, Ely cũng nói với McClintock rằng Diệm khó nối kết được các giai tầng xã hội, cần lập một chính phủ đoàn kết, gồm Lộc, Tâm và Hữu. Khi Ely hỏi ý kiến McClintock là ông ta có nên gặp Bảo Đại chăng, McClintock đáp chẳng mang lại kết quả gì. Nếu Bảo Đại về nước do áp lực tại Pháp chỉ tạo thêm nhức đầu hơn là sống ở Riveria. Bảo Đại, theo McClintock, đã hết thời.( 27)

Thực ra, từ tháng 5/1954, McClintock đã yêu cầu cho Bảo Đại thoái vị. Cả hai chính phủ Mỹ và Pháp, theo McClintock, đã quá tử tế với thân chủ người Việt. Nếu muốn độc lập họ phải hành động như những người độc lập. Đã đến lúc cắt cuống rốn cho đứa trẻ lớn lên. [The time had come to sever the umblical cord and to make the baby grow up.]"( 28)

Giữa thời gian này, Laniel từ chức. Ngày 17/6, Pierre Mendès-France được ủy nhiệm làm Thủ tướng, sau khi hứa sẽ từ chức nếu không đạt được một hiệp ước với Việt Minh trong vòng 4 tuần lễ. (29) Diệm xin Mendès-France được toàn quyền tới mùa Thu 1954, nhưng Thủ tướng Pháp rất e ngại về quan điểm không thương thuyết, không chia đôi đất nước của Diệm. Ngày 21/6, Diệm nhờ Heath can thiệp, tự tin sẽ thành công, vì mình là "người nổi danh chỉ thua Hồ Chí Minh" [I am best known figure in Vietnam after Ho Chi Minh]. ( 30)

Ngày 26/6, Diệm đặt chân xuống Sài Gòn giữa tình thế cực kỳ hỗn loạn. Tướng Raoul Salan đã cho lệnh triệt thoái bốn tỉnh miền Nam Bắc Việt. Diệm nhiều lần can thiệp, nhưng Salan chỉ đồng ý cho quân đội QGVN thay Pháp giữ các tỉnh này. Ngày 29/6, Diệm cùng Nhu gặp McClintock, yêu cầu Mỹ áp lực Pháp đừng bỏ rơi Bắc Việt như một củ khoai nóng. Diệm còn yêu cầu di tản một số dân châu thổ sông Hồng, đặc biệt là giáo dân Ki-tô, trong trường hợp chia đôi đất nước. McClintock cho biết đã hai lần yêu cầu tương tự với Oat-shinh-tân (ngày 17 & 22/6/1954). Ngày 1/7, Dulles chỉ thị Đại sứ tại Paris can thiệp với Mendès-France về việc di tản châu thổ sông Hồng; và lưu ý Mendès-France về mối quan tâm của Mỹ với giáo dân Bùi Chu/Phát Diệm.

Buổi gặp mặt Diệm-Nhu ngày 3/7 khiến McClintock cực kỳ thất vọng. Diệm than phiền về thái độ của Salan. Nhu than phiền về cuộc di tản Bùi Chu. Theo Nhu, oanh tạc cơ Pháp đã giết chết "từ 10,000 tới 20,000 giáo dân khi họ muốn vượt cầu ra bãi xuống tàu. Dân chúng Nam Định cũng bị bỏ lại. Xe Pháp chỉ chịu chở thường dân với giá 100 đồng mỗi người." McClintock nhận xét: "Hai người được giao trọng trách thành lập một chính phủ mới của Việt Nam đang điên rồ ném [quả banh] thù hận vào người Pháp]." Theo McClintock, "Diệm là nhà tiên tri không có lời rao giảng [a messiah without a message]." Ông ta biểu lộ quan điểm nông cạn và cái ta to lớn khiến ông ta là con người khó khăn để liên hệ. Chính sách duy nhất của ông ta là xin viện trợ tức khắc của Mỹ trên mọi lãnh vực, kể cả việc cứu trợ dân di cư, huấn luyện binh sĩ và trang bị vũ khí." [Diem exhibited a narrowness of view and egotism which will make him a difficult man to deal with. His only formulated policy is to ask [for] immediate American assistance in every form including refugee relief, training of troops and armed military intervention].( 31)

II. GIAI ĐOẠN HẬU GENEVA (7/1954-5/1955):

Sau Hiệp định Geneva 1954, QGVN chỉ còn lại từ vĩ tuyến 17 về phía Nam. Vì đại diện QGVN không được thảo luận hay ký Hiệp định, Diệm vẫn tự cho mình là Thủ tướng toàn quyền cả miền Bắc. Thực tế, Diệm chỉ còn cai quản miền Nam, dưới sự che chở của liên minh Pháp-Mỹ: quân đội Liên Hiệp Pháp và viện trợ Mỹ.( 32)

Việc duy trì đạo quân viễn chinh Pháp không có gì trở ngại. Theo tinh thần Hiệp định Geneva, Pháp phải triệt thoái quân khỏi Đông Dương trong vòng 2 năm. Nhưng vì muốn duy trì ảnh hưởng ở Đông Dương, Pháp đồng ý sẽ giữ một số quân vừa đủ bảo đảm an ninh nội bộ, nếu Mỹ chấp thuận chi viện. Tiền phí tổn dự trù vào khoảng 400 triệu Mỹ Kim. Bởi thế, ngày 27/7, trong khi nói chuyện với Đại sứ Dillon, Tổng trưởng Các Quốc Gia Liên Kết Charles Guy La Chambre tiết lộ rằng Tướng Augustin Guillaume, Tổng Tham Mưu trưởng Pháp, đã đồng ý việc Bảo Đại xin giữ quân Pháp tại Việt Nam.( 33)

Điểm khác biệt giữa Pháp và Mỹ là cách viện trợ cho ba chính phủ bản xứ Đông Dương. Mỹ muốn viện trợ trực tiếp, trong khi Pháp muốn viện trợ qua Pháp. Ngày 27/7, La Chambre yêu cầu Mỹ tiếp tục viện trợ qua Pháp.( 34) Nhưng hai ngày sau, 29/7, Quốc Hội Mỹ chấp thuận Dự Luật viện trợ trực tiếp cho Đông Dương.( 35)

Điểm dị biệt khác là nhân vật sẽ được giao phó vai trò lãnh đạo miền Nam. Cả Pháp lẫn Mỹ đều có ý tái duyệt xét vai trò "dụng cụ hữu ích" của Bảo Đại. Một số người muốn duy trì Bảo Đại và chế độ quân chủ lập hiến. Người muốn giữ Bảo Đại thêm một thời gian, chờ ngày tìm ra một lãnh tụ đủ sức lôi kéo sự ủng hộ của các phe nhóm. Lại có người muốn bỏ hẳn Bảo Đại, thành lập chế độ Cộng Hòa.

Ngày 27/7, La Chambre nói với Đại sứ Dillon là cần loại dần Bảo Đại để thành lập một chế độ cộng hoà ở miền Nam.( 36) Ngày 30/7, La Chambre giải thích thêm rằng hiện Bảo Đại vẫn còn chỗ dụng, sẽ loại khi thời cơ đến.( 37) Dịp cuối tuần 31/7-1/8/1954, La Chambre tái xác nhận cần chuẩn bị truất phế Bảo Đại, và thành lập chế độ Cộng Hoà trong những tháng tới. Bửu Lộc có thể tham gia chính phủ mới để không bị mang tiếng.( 38) Giữa tháng 8/1954, La Chambre từ chối tiếp kiến Bảo Đại. Ngày 31/8, khi Bảo Đại sai Nguyễn Đệ đến gặp La Chambre và Ely đề nghị cho hồi hương [vào ngày 2/9], Ely khuyên Bảo Đại đừng nên về nước, và thêm rằng bất cứ ai do Bảo Đại đề cử đều bị "nhiễm độc vì long ân của Bảo Đại," sẽ chẳng làm được điều gì hữu ích.( 39) Ngày 25/9, khi gặp Smith tại Oat-shinh-tân, La Chambre lại nói có thể loại bỏ Bảo Đại vĩnh viễn qua cách bầu cử Quốc hội. Smith đồng ý.( 40)

Điểm khác biệt quan trọng giữa Pháp và Mỹ là Ngô Đình Diệm. Các viên chức Pháp cho rằng Diệm, dù với toàn quyền dân và quân sự, không đủ khả năng lãnh đạo chế độ chống Cộng miền Nam, và muốn thay Diệm ngay sau ngày ký Hiệp ước Geneva. Một chuyên viên Pháp trong ban tham mưu của Tướng Ely từng nhận định rằng một lãnh tụ đủ khả năng duy trì miền Nam chống Cộng "đã chết [Nguyễn Hữu Trí], hoặc còn đang ở tuổi ấu thơ, hoặc chưa sinh ra đời." (41) Tháng 6/1954, khi được tin Diệm sẽ thay Bửu Lộc, Maurice Dejean nghĩ rằng Diệm quá thiển cận, quá cứng rắn, quá không tưởng, và quá trong sạch để có một cơ hội lập nên một chính phủ mạnh ở Việt Nam. ( 42)

Ngày 30/7, khi Bộ Ngoại Giao Mỹ chỉ thị Dillon gặp La Chambre về Diệm, La Chambre cho biết chưa đủ yếu tố để thẩm giá. Sẽ cử Claude Cheysson, nguyên phụ tá Cố vấn chính trị cho Cao Ủy, qua tham quan Việt Nam. Nhưng trong khi chờ quyết định chót, La Chambre muốn Diệm mở rộng chính phủ, mời những người như Hữu, Tâm. Đối với miền Nam Việt Nam, Pháp sẽ trả hoàn toàn độc lập. Một số công sở sẽ được bàn giao ngày 31/7/1954.( 43)

Dịp cuối tháng 7/1954 La Chambre nhận định rằng phải lập một chính phủ đại diện cho toàn miền Nam; chuẩn bị cải cách ruộng đất;(44) chuẩn bị truất phế Bảo Đại, và thành lập chế độ Cộng Hoà trong những tháng tới. Nhưng Diệm không đủ khả năng thực hiện những chương trình trên; Diệm chỉ có thể là một Tổng Trưởng. Trong chính phủ mới, Diệm có thể nắm Bộ Nội vụ hay Quốc Phòng. Tuy nhiên, chẳng có gì phải gấp gáp. Cứ chờ Diệm lo việc di cư cho xong. Có thể thay vào tháng 11/1954 là sớm nhất.( 45)

Hơn nữa, Pháp còn có quyền lợi kinh tế và văn hóa ở miền Bắc, nên muốn duy trì một tòa Tổng Đại biểu ở Hà Nội, và thành lập một công ty hỗn hợp Pháp-CSViệt Nam. (46) Mendès-France còn không hài lòng với lập trường chống Cộng cực đoan của Diệm. Các phụ tá của Mendès-France muốn lập một chính phủ khuynh tả (leftist) hoặc ôn hòa (moderate). (47) Trong số các ứng cử viên của họ có Bửu Hội, người sẽ tháp tùng Jacques Raphael-Leygues về Đông Dương.( 48) Ngoài ra, một số viên chức Pháp khác muốn sử dụng những cựu cộng viên như Hữu, Tâm, Xuân, v.. v...

Trong khi đó, Diệm ngày một bộc lộ thái độ bài Pháp. Không rõ tinh thần chống Pháp này do Diệm muốn mượn chiêu bài "đả thực" hầu thu phục nhân tâm, chứng tỏ lập trường "thân Mỹ", hay một lý do nào khác. (Ely và một số viên chức Pháp cho rằng Diệm muốn chia rẽ Pháp-Mỹ.)

Phần vì bị ràng buộc bởi Hiệp ước Geneva, phần vì muốn chiều lòng Mỹ, Mendès-France tạm thời yểm trợ Diệm, với điều kiện phải tìm một giải-pháp-khác-Diệm, tức tìm người khác làm Thủ tướng. Pháp cũng thuận tham gia Liên Minh phòng thủ Đông Nam Á [Southeast Asian Collective Defense Treaties Organization, hay SEATO], mô phỏng theo Liên Minh Bắc Đại Tây Dương [North Atlantic Treaties Organization, tức NATO] ở Âu châu. Đổi lại, Mỹ đồng ý trả quân phí cho Pháp tại Đông Dương trong tài khóa 1954.( 49)

Chính phủ Eisenhower thực ra chẳng mấy lạc quan về Diệm. Trên nguyên tắc, Mỹ muốn yểm trợ một chính phủ quốc gia chân chính, chống Cộng và đủ khả năng đương đầu với Cộng Sản. Để thành công, Mỹ muốn Pháp: (a) trả độc lập cho Việt Nam; và, (b) giữ quân Pháp tại Đông Dương, nhưng giảm bớt sự kiểm soát quân sự, kinh tế và chính trị.( 50)

Như một cá nhân, Diệm có cá tính khiến viên chức Mỹ e ngại. Ngày 13/11/1953, Đại sứ Heath tự hỏi với thái độ ương ngạnh liệu Diệm có khả năng tổ chức và cầm đầu một chính phủ.( 51) Ngày 24/5/1954, viên chức Mỹ đánh giá Diệm như thứ "religious mystic" hay "yogi-like mystic." (52) Ngày 3/7, sau khi Diệm quyết định sẽ lập chính phủ, McClintock, đại biện Mỹ ở Sài Gòn trong dịp Heath tham dự Hội nghị Geneva, nhận xét Diệm là "nhà tiên tri không có lời rao giảng"; chính sách duy nhất là xin viện trợ Mỹ tức khắc. (53)

Thực ra, mục đích của Mỹ là "được Pháp chấp thuận và tích cực ủng hộ" chính sách "thành lập và tăng cường Việt Nam Tự Do cho tới giữa năm 1956 khi Tổng tuyển cử được tổ chức," và yểm trợ Kampuchea và Lào. (54) Mỹ còn muốn viện trợ trực tiếp cho ba nước Đông Dương. (55) Viện trợ sẽ qua cách phối hợp tay ba ở Sài Gòn, Phnom Penh và Vientianne, do chính quyền địa phương làm chủ tịch. Viện trợ Mỹ cũng được phân biệt rõ ràng với viện trợ Pháp.( 56) Mỹ sẽ viện trợ cho quân Pháp tới cuối tài khóa 1954 (sẽ gia hạn tới ngày 21/7/1955); nhưng tài khóa 1955 sẽ xét lại.( 57)

Từ tháng 6/1954 tới tháng 5/1955 là giai đoạn thử lửa của Diệm.( 58) Nước Mỹ "không kết hôn" với bất cứ cá nhân nào các viên chức Mỹ nhiều lần khẳng định.( 59)

III. "PHÉP LẠ" MỸ:

Từ tháng 8/1954, Pháp đã có ý thay Diệm, nhưng Mỹ ra công yểm trợ. Chính nhờ những phép lạ Mỹ này, Diệm nẩy sinh ảo giác rằng "Õn Trên" đã an bài cho họ Ngô trở thành "cứu tinh" [savior] của người chống Cộng và dân tộc Việt. Ảo giác này khiến họ Ngô chìm đắm trong vũng lầy quyền lực, đưa đến những cái chết thê thảm vào tháng 11/1963. (60)

Buổi tối 6/9/1954, khi dự Hội nghị SEATO ở Manila, La Chambre nói với Dulles rằng chính phủ Diệm quá bất lực. Thủ tướng xứng đáng phải đủ khả năng đoàn kết các phe phái. La Chambre đề nghị Xuân, Hữu, hoặc Bửu Hội thay Diệm, với Tâm lo Bộ Nội Vụ. Dulles không đồng ý, nói cách tốt nhất là duy trì Diệm; với điều kiện Diệm mở rộng chính phủ. TNS Mike Mansfield (1903-2001), lãnh tụ khối đa số Thượng viện, thêm rằng Diệm là cơ hội cuối cùng cho Việt Nam.( 61)

Ngày 6/9 này, Dejean nói với Bảo Đại tại Cannes: "Chính phủ Diệm là một thất bại hoàn toàn. Bị cô lập, Thủ tướng [Diệm] không còn trông vào chỗ dựa nào nữa. Chống lại ông ta có các giáo phái, quân đội, đại đa số người Ki-tô Giáo, và đa số những chính khách.... Chưa bao giờ tại Việt Nam có tình trạng trống vắng quyền lực đến thế." Và yêu cầu Bảo Đại phải sớm quyết định.( 62)

Trong mùa Hè-Thu 1954, khi Tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng Tham Mưu trưởng, chống lại Diệm, các viên chức Mỹ tích cực can thiệp. Tối ngày 11/9, Heath và Mansfield ghé thăm Daridan, được Daridan hứa Pháp sẽ giữ trung lập và ngăn chặn mọi biện pháp võ lực.( 63) Tướng John W. O’Daniel, Tư lệnh MAAG, cũng thuyết phục Hinh hợp tác với Diệm.( 64) Nhưng theo Heath, Hinh cũng phải ra đi. Cuộc đương đầu giữa Diệm và Hinh là vấn đề nguyên tắc: giới dân sự phải chỉ huy phe quân sự.( 65)

Ngày 13/9/1954, khi Bảo Đại muốn thay chính phủ, Heath đề nghị BNG yêu cầu Bảo Đại tạm ngưng vì chẳng có ai khá hơn Diệm.( 66) Sau khi Bảo Đại muốn cử Lê Văn "Bảy" Viễn (1904-1971) làm Thủ tướng, ngày 21/9, Bộ Ngoại Giao Mỹ gửi công điện cho Sài Gòn và Paris, khẳng định ủng hộ Diệm; và chống việc Bình Xuyên cầm quyền. (67)

Ngày 16/9, Heath cũng đã cực lực phản đối khi Ely và Daridan ép Diệm nhận Tâm vào chính phủ, với lời đe dọa nếu Diệm không nghe theo, chính phủ được đếm từng ngày.( 68) Hôm sau, 17/9, Thứ trưởng Smith cho lệnh Đại sứ Paris gặp ngay Mendès-France hoặc La Chambre, chuyển lời Smith: "Viện trợ Mỹ không thể cấp cho một chính phủ không được người Quốc Gia ủng hộ." (69) Ngày 18/9, Heath cũng nói với Ely rằng "Mỹ đã tiêu những số tiền khổng lồ ở đây và việc này chỉ có thể biện minh bằng sự thiết lập một chính phủ đủ khả năng chiến thắng Cộng Sản. Một chính phủ như thế phải là một chế độ quốc gia thứ thực."( 70)

Ngày 18/9, Mendès-France quyết định gửi La Chambre và Ely qua Oat-shinh-tân dự hội nghị về Đông Dương từ ngày 27 tới 29/9/1954.

Tại Sài Gòn, ngày 23/9, khi được công điện của Bảo Đại "cởi bỏ cho Diệm lời thề trung thành và kế tục mà ông đã dâng lên Quốc trưởng," và giúp Diệm thoát được gánh nặng do thực trạng gây nên–tức yêu cầu từ chức một cách lịch sự–Diệm lập tức xin Mỹ can thiệp, và Heath đề nghị thượng cấp áp lực Bảo Đại hủy bỏ hoặc đình hoãn ý định thay Diệm. (71)

Smith bèn chỉ thị cho Đại sứ Paris cử người gặp Bảo Đại, yêu cầu khích lệ Diệm tiếp tục cầm quyền.( 72) Dillon không tán thành, vì thấy cần Pháp hợp tác trong việc duy trì miền Nam chống Cộng.( 73) Nhưng Smith thúc dục Dillon trực tiếp gặp Bảo Đại hoặc qua chính phủ Pháp vì không muốn chính phủ Diệm bị đổ giữa lúc hội nghị Pháp-Mỹ diễn ra ở Oat-shinh-tân. Ngày 24/9, Dillon gặp Ely ở Paris, và Ely đồng ý gửi Dejean xuống Cannes gặp Bảo Đại.( 74)

Trong khi đó, Diệm cũng viết thư cho Bảo Đại, thông báo đang cải tổ chính phủ. Diệm không quên nhấn mạnh rằng việc cải tổ này được Mỹ ủng hộ, và, Mỹ sẽ không viện trợ cho bất cứ ai cướp chính quyền bằng võ lực.( 75)

A. MẬT ƯỚC MỸ-PHÁP 29/9/1954:

Trước ngày hội chính thức, La Chambre cùng Ely gặp riêng Thứ trưởng Smith và Phụ tá Ngoại trưởng Walter S. Robertson, đặc trách Đông Nam Á Vụ, tại Bộ Ngoại giao Mỹ sáng ngày Thứ Bảy, 25/9, để tìm hiểu lập trường Mỹ. La Chambre nói với Smith rằng suốt ba tháng qua Pháp đã yểm trợ Diệm, nhưng Diệm thiếu khả năng, và thật khó cai trị khi chống lại quân đội và cảnh sát (Bình Xuyên). Tuy nhiên, nếu Diệm đủ khả năng ổn định tình thế, Pháp sẽ tiếp tục ủng hộ. Smith và Robertson không đồng ý. Họ cho La Chambre biết rằng TNS Mansfield coi Diệm là Thủ tướng hàng đầu mà miền Nam có được. Mặc dù chính phủ Diệm bất lực, và cá nhân Diệm vụng về, nhưng Diệm lương thiện và là một nhà ái quốc chân chính. Vấn đề cần biết là quân đội có theo gương Cao Đài và Hòa Hảo để liên kết với Diệm. Phần bọn côn đồ Bình Xuyên cần phải loại bỏ.( 76)

Về số phận Bảo Đại, hồ sơ hai phe có điểm dị biệt. Theo La Chambre và Ely, Smith nói trong tương lai sẽ loại bỏ cả Bảo Đại.( 77) Theo Smith, chính La Chambre tuyên bố Bảo Đại sẽ bị loại một cách hợp pháp sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ. Bầu cử Quốc hội để định chế hóa nhà nước là một biện pháp, nhưng phải tránh không để Cộng Sản lợi dụng. Smith chỉ đồng ý với La Chambre.( 78)

Bộ trưởng Tài Chánh Edgar Faure, đang ở Mỹ trong một sứ mệnh khác, cũng tham dự phiên họp ngày 29/9/1954. (Đại diện Mỹ: Smith và Harold Stassen). La Chambre đồng ý yểm trợ Diệm [France and US support Diem in establishing and maintenance of strong anti-Communist and Nationalist government and to that end will jointly urge all anti-Communist elements in Vietnam to cooperate fully with Diem government to counter vigorously Viet Minh and build strong free Vietnam]. (79)

Buổi chiều ngày 29/9, Mỹ và Pháp ký mật ước [Minute of Understanding] ủng hộ Diệm và chính phủ chống Cộng. Pháp hứa trả tự trị cho Việt Nam càng sớm càng tốt. Việc bàn giao các cơ sở hành chính, kinh tế sẽ hoàn tất vào cuối tháng 12/1954.( 80) Tuy nhiên ngày 2/10, Bộ Ngoại Giao Pháp gửi thư cho Bộ Các Quốc Gia Liên Hiệp, thông báo bỏ câu "yểm trợ chính phủ Diệm" trong mật ước ngày 29/9/1954.( 81) Nói cách khác, Pháp chỉ còn ủng hộ nguyên tắc chính phủ chống Cộng ở miền Nam, không nhất thiết do một cá nhân nào cầm đầu.

Trong khi đó, ngày 28/9, Dejean gặp Bảo Đại tại Cannes, nói cả Mỹ và Pháp đều muốn Bảo Đại chỉ thị Hinh và Bình Xuyên ủng hộ Diệm. Bảo Đại tỏ ý ngạc nhiên về việc "can thiệp bất bình thường" của Mỹ và Pháp, "không phù hợp với tình trạng độc lập của Việt Nam." Bảo Đại nghĩ Diệm cần rời chính quyền để chiến thắng Việt Minh. Và đề cử Xuân thay thế. Được tin này, ngày 29/9, Heath khẳng định có thể xây dựng một chính phủ mạnh quanh Diệm, và xin qua Pháp trong vòng 4 ngày để thuyết phục Bảo Đại rút lại quyết định cách chức Diệm.( 82) Ngày 1/10, Bảo Đại lại chỉ thị Diệm phải mời thêm Xuân, Hinh và Viễn vào chính phủ. Xuân sẽ được chức [Phó] Thủ tướng].( 83) Nhưng khi gặp Heath ngày 3/10, Bảo Đại nói không chống việc giữ Diệm làm Thủ tướng. Bảo Đại cũng giải thích rằng lệnh bắt Diệm nhận quân nhân [Xuân, Hinh và Bảy Viễn] vào chính phủ là "lầm lẫn khi thảo văn thư [drafting error]." Tuy nhiên, phải giữ Hinh làm Tổng Tham Mưu trưởng. Phần Diệm, dù trong sạch và lương thiện, không có khả năng của một lãnh tụ và cũng chẳng thông minh gì lắm. Bảo Đại muốn có dịp về nước; nhưng Heath nói dư luận chẳng hâm mộ gì Bảo Đại.( 84)

Ngày 15/10, sau chuyến thăm Đông Dương giữa lúc cuộc tranh chấp Hinh-Diệm đang lên cao độ, TNS Mansfield nhìn nhận Diệm không phải là lãnh đạo lý tưởng, nhưng Mỹ không ủng hộ một cá nhân nào, chỉ ủng hộ một chế độ chống Cộng. Hiện nay, Diệm là người duy nhất. Yêu cầu ngưng viện trợ nếu Diệm bị lật đổ.( 85) Đây là lần thứ ba "ngưng viện trợ" được sử dụng để áp lực Pháp.

Ngày 23/10/1954, Heath chuyển cho Diệm thư riêng của Eisenhower (bản nháp thư đã được chấp thuận từ ngày 28/9): Mỹ sẽ viện trợ trực tiếp cho Nam Việt Nam và huấn luyện QĐQG. Ngày 4/11, nhân viên Mỹ ở Paris gặp Bảo Đại. Năm ngày sau, 9/11, Bảo Đại gọi Hinh và Xuân qua Pháp. Đồng thời, cho lệnh Bảy Viễn hợp tác với Diệm.( 86)

Thủ tướng Mendès-France, trong cuộc thảo luận 17-20/11/1954, cho rằng Nam Việt Nam khó mà đạt được tự trị hoàn toàn vào tháng 7/1955, và việc tăng cường huấn luyện viên Mỹ vi phạm Hiệp ước Geneva. Sự hoài nghi về ý định của đồng minh khiến giao tình Mỹ-Pháp bị căng thẳng. Ngày 30/11, khi gặp William Gibson, Daridan trút mọi tội lỗi lên đầu các cơ quan tình báo Mỹ tại Việt Nam. Ngày 2/12, La Chambre tuyên bố muốn thấy một chính phủ vững mạnh ở Sài Gòn vào khoảng ngày 15/1/1955, bằng không sẽ phải cứu xét việc triệt thoái quân viễn chinh Pháp.

B. MẬT ƯỚC ELY-COLLINS (13/12/1954):

Thời gian này, do áp lực tại Mỹ rằng Heath thân Pháp, Dulles gửi qua Việt Nam Tướng J. Lawton Collins. Collins, một Tướng hồi hưu, được Đại tá Andrew J. Goodpaster, cố vấn quân sự của Eisenhower, tiến cử. Collins được tước hiệu đại diện Tổng thống với quyền hành rộng rãi và chức vụ Đại sứ. Nhiệm vụ cấp thời là giúp đỡ và ổn định cùng tăng cường cho chính phủ Diệm. Collins tới Sài Gòn ngày 8/11/1954 với chỉ thị phải nghiên cứu tình hình miền Nam và đề nghị lên Eisenhower nên hay không nên can thiệp sâu hơn vào Đông Dương ["to assess the situation and see whether a viable military position could be created."]. ( 87)

Sự hiện diện của Collins phần nào giải quyết nhanh chóng vụ tranh chấp Hinh-Diệm. Collins cũng thảo luận với Ely về những điều cần làm ở Nam Việt Nam và ngày 13/12/1954 hai người ký một mật ước 7 điểm. Mật ước này khẳng định yểm trợ một miền Nam tự do, chống Cộng. Pháp hứa sẽ trả quyền tự trị hoàn toàn cho miền Nam trước ngày 1/7/1955; và cơ quan MAAG Mỹ sẽ huấn luyện Quân Đội QGVN từ tháng 2/1955, dưới quyền tổng quát của Tổng Tư lệnh Đông Dương. Đổi lại, Mỹ viện trợ 100 triệu Mỹ kim cho quân viễn chinh Liên Hiệp Pháp tại Việt Nam.( 88)

Ngày 16/12, BNG và QP Mỹ chấp thuận thoả ước này. Nhưng Pháp không hài lòng, vì chỉ được 1/4 số quân viện đòi hỏi. Bởi thế, Mendès-France không phê chuẩn.( 89)

C. KẾ HOẠCH LOẠI DIỆM CỦA ELY & COLLINS:

Tháng 12/1954, Collins bắt đầu thất vọng về Diệm; nhất là từ sau ngày Diệm không chịu cử Phan Huy Quát làm Tổng trưởng Quốc Phòng. Collins đưa ra hai giải pháp: (a) Yêu cầu Bảo Đại bổ nhiệm Quát làm Thủ tướng; và (b) Đích thân Bảo Đại về nước trong tình trạng khẩn cấp.( 90)

Kenneth T. Young, Giám đốc Sở Philippines và Đông Nam Á Vụ, không đồng ý. Ngày 15/12, Young giải thích với Collins rằng nên để chính người Việt chọn lựa lãnh đạo của họ. Pháp muốn chọn người thay Bảo Đại mà họ có thể ảnh hưởng. Việc thay Diệm lúc này tạo nhiều rắc rối và hỗn loạn hơn. Hơn nữa, TNS Mansfield, Chủ tịch Khối đa số Thượng viện, yểm trợ Diệm.( 91)

Ngày 16/12, Collins đành đề nghị với Oat-shinh-tân: (a) Yểm trợ Diệm một thời gian nữa; nhưng Mỹ không khởi đầu một chương trình viện trợ đặc biệt nào; (b) Nghiên cứu khẩn cấp việc Bảo Đại hồi hương; (c) Nếu sau một thời gian mà Diệm không chứng tỏ dấu hiệu tiến bộ, và nếu chính phủ Mỹ đồng ý, sẽ cho Bảo Đại hồi hương tức khắc; (d) Nếu Bảo Đại không chấp nhận được, và nếu Diệm tiếp tục biểu lộ sự thiếu khả năng đoàn kết các phe nhóm, cần duyệt xét lại chính sách của Mỹ tại Đông Nam Á–rút khỏi Nam Việt Nam (như đã đề cập ngày 13/12/1954).( 92)

Đại sứ Heath, lúc này đã trở về Bộ Ngoại Giao, không đồng ý. Theo Heath, Dulles chủ trương trì hoãn [buying time] để giúp Lào, Miên và Thái Lan mạnh hơn; trong khi đề nghị của Collins chỉ nhắm giải quyết tức khắc vấn đề trước ngày 1/1/1955. Diệm là người quốc gia đầu tiên nắm quyền Thủ tướng. "Ông ta chống Pháp, chống Cộng và cá nhân trong sạch. Ông ta bất lực về chính trị, cứng đầu và đa nghi." [He is politically inept, stubborn and suspicious.] Có bằng chứng cho thấy Pháp không muốn Diệm thành công. La Chambre (tháng 9/1954) và Mendès-France (tháng 11/1954) đã miễn cưỡng chấp nhận lập luận của Mỹ rằng sự ủng hộ Diệm chính yếu là do thiếu một ứng cử viên khá hơn, có thể giảm áp lực trên Diệm nhưng chưa đủ để Pháp hoàn toàn ủng hộ Diệm. Hơn nữa, Diệm là người duy nhất phục vụ đắc lực mục tiêu của Mỹ. Phần Bảo Đại không có người ủng hộ ở Việt Nam và quá khứ chứng tỏ ông ta không biết cai trị. [there is no one to take his place who would serve U.S. objectives any better. Bao Dai’s lack of support in Viet Nam and his past demonstrations of inability to govern]. Mối lo sợ rằng 300 triệu MK quân viện và uy tín nước Mỹ sẽ bị mất trong việc duy trì một nước Việt Nam tự do là chính đáng, nhưng ngưng yểm trợ [Diệm] lúc này còn mang lại hậu quả tai hại hơn. (93)

Mansfield cũng chống lại đề nghị của Collins. Theo Mansfield, Bảo Đại là một yếu tố làm nguy hại, cách nào bây giờ trở thành giúp đỡ. Nên lưu ý rằng Bảo Đại từng hợp tác với Cộng Sản. Việc cổ võ cho Bảo Đại về nước có thể là một sách lược của Pháp để tạo nên một thứ hòa ước với Cộng Sản miền Bắc."( 94)

Ngày 15/12, Collins đề nghị Diệm nhận Y sĩ Phan Huy Quát vào chính phủ, nhưng Diệm nói các giáo phái sẽ chống lại, và bổ nhiệm Hồ Thông Minh làm Tổng trưởng Quốc Phòng. [Ngày 13/12, đã có thư nặc danh gửi đến từng nhà, tố cáo Quát là tay sai thứ hai của Đặc sứ Collins] Ngày 16/12, Diệm nói không muốn cử Bảy Viễn làm Tổng trưởng Nội Vụ, nhưng sẵn sàng nhận Bảy Viễn làm Quốc Vụ Khanh, cho Bảy Viễn một ghế trong Hội Đồng Quốc Phòng và chịu trách nhiệm Bộ Thanh Niên.( 95)

Ngày 17/12, Smith yêu cầu Dulles, đang ở Paris, hỏi Mandès-France về sự hồi hương của Bảo Đại trong tương lai. Theo Smith, Diệm phải lo ngay việc cải cách ruộng đất và tái tổ chức quân đội. Mỹ không nhất thiết chống lại việc Bảy Viễn nắm Bộ Nội Vụ miễn hồ Bảy Viễn dẹp bỏ môn bài độc quyền khai thác cờ bạc. Diệm cũng không nhất thiết phải loại Lai Văn Sang. Về Quát, có thể qua Mỹ chữa bệnh.( 96)

Phụ chú :

1. CĐ 146, ngày 29/11/1955, Reinhardt gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:589-594; Chester L. Cooper, The Lost Crusade: America in Vietnam (New York: Dodd, Mead & Co., 1970), tr. 151; Bernard Fall, The Two Vietnams: A Political and Military Analysis, rev. ed. (New York: Praeger, 1964), tr. 257. Trong tháng 10/1955, Ban Bí thư Đảng Lao Động Việt Nam [LĐVN] đã phát động một chiến dịch qui mô và rộng rãi để đánh phá cuộc trưng cầu dân ý–"một phong trào quần chúng rộng rãi chống âm mưu Mỹ-Diệm" tại Nam bộ và Liên khu V, cũng như qua hệ thống tuyên truyền miền Bắc. Xem Điện ngày 9/10/1955 và 10/10/1955, Ban Bí thư TW gửi XUNB và Khu V, Văn Kiện Đảng Toàn Tập [VKĐTT], 16:1955, 2002:634-636, 637-639; và Chỉ thị BBT ngày18/10/1955 [Nguyễn Duy Trinh ký]; Ibid., 2002:640-643. Xem thêm phê bình của Joseph Buttinger infra.

2. Donald Lancaster, The Emancipation of French Indochina (London: Oxford Univ. Press, 1961), 398.

3. Đoàn Thêm, Việc từng ngày, 1945-1963, tr. 185. Ngày 16/5/1956, Nguyễn Ngọc Thơ–mới thành công trong việc bắt sống Ba Cụt ngày 13/4/1956–được cử làm Bộ trưởng Kinh tế. Paul Ngô Trọng Hiếu cầm đầu cơ quan Công Dân Vụ.

4. Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây (Hà Nội: 2001), 294-297, 309-311, 318, 328, 3, 347-352; và Đường tới Điện Biên Phủ (Hà Nội: 2001); 12-17,39-42, 48, 52-53, 83, 93-94; 101-102; Qiang Zhai, China & The Vietnam Wars, 1950-1975 (Chapel Hill: Univ. of South Carolina Press, 2000), pp. 10-33; Chen Jian, "China and the First Indochina War, 1950-1954;" China Quarterly, No. 133 (March 1993), pp. 85-110.

5. SHAT (Vincennes), 1K 233, carton 1; Chính Đạo, VNNB, 1939-1945, I-B: 1947-1954, tr. 389-390.

6. FRUS, 1952-1954, XIII:981; "Statement of Policy by the National Security Council on United States Objectives and Courses of Action With Respect to Southeast Asia [NSC 5405, Jan 16, 1954]; The Pentagon Papers (Gravel edition), 1971 (I:435-443 [Doc. 20]). [Sẽ dẫn The Pentagon Papers (Gravel)]

7. CĐ ngày 12/5/1954, Dulles gửi Smith; The Pentagon Papers (Gravel), 1971:I:507.

8. FRUS, 1951, VI:355-357; Chính Đạo, VNNB, 1939-1945, I-B: 1947-1954, tr. 224-225.

9. FRUS, 1952-1954, XIII, I:134-41; Chính Đạo, VNNB, 1939-1945, I-B: 1947-1954, tr. 285-286. Quân đội Quốc Gia Việt Nam, dũ đã bắt đầu được xúc tiến tổ chức từ năm 1949, chỉ chính thức thành hình từ ngày 8/3/1952, khi Trung tá Không Quân Pháp Nguyễn Văn Hinh, cựu Chánh Võ Phòng của Quốc trưởng Bảo Đại, được bổ nhiệm làm Tổng Tham Mưu Trưởng, với cấp bậc Thiếu Tướng. Người giúp xây dựng nên Quân đội Quốc Gia Việt Nam là Đại Tướng Jean de Lattre de Tassigny, Cao ủy kiêm Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp trong hai năm 1950-1951.

10. Năm chính phủ Quốc Gia từ 1948 tới 1954 là Nguyễn Văn Xuân ([6/1948] 1/7/1949-1/1950), Nguyễn Phan Long (21/1-27/4/1950), Trần Văn Hữu (6/5/1950-5/5/1952), Nguyễn Văn Tâm (6/5/1952-16/12/1953) và Bửu Lộc (11/1-6/7/1954). Bảo Đại tin rằng Giáo hội Ki-tô là một phần tử giúp ổn định và yểm trợ một chính phủ quốc gia theo chế độ quân chủ. Giám mục Thục hay Diệm không chống lại Bảo Đại hay chế độ quân chủ vì sự tranh chấp gia đình. Thực ra, mặc dù Diệm đối lập, nhưng rất muốn nối lại liên hệ với bậc quân vương cũ. Về các giáo phái, sự trung thành của họ không bảo đảm một phần vì tham vọng, phần vì Pháp trả lương. (Heath đề nghị Pháp ngưng trả lương các đơn vị này); FRUS, 1952-1954, XIII:2:980.

11. " Memorandum of Conversation by Heath," Paris, 24/4/1954; FRUS, 1952-1954, XIII:2:1385. Trong khối thông tin tuyên truyền, ba tiếng "Điện Biên Phủ" đã được khai thác quá mức. Phe Cộng Sản từng khích động tinh thần "Điện Biên Phủ" để đấu tố địa chủ phong kiến, hay gọi chiến dịch oanh tạc Hà Nội mùa Giáng Sinh 1972 là "Điện Biên Phủ trên không." Về thực chất chiến dịch Điện Biên Phủ, xem Chính Đạo, "Từ Điện Biên Phủ tới Geneva;" Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (Houston: Văn Hóa, 2004).

12. FRUS, 1952-1954, XVI:800; XIII:2:1576n1.

13. CĐ 2756, 13/6/1954, Saigon gửi BNG; FRUS, 1952-1954, XIII:2:1686.

14. CĐ 2419, 17/5/1954, Saigon gửi BNG; FRUS, 1952-1954, XIII:2:1576-1577. Theo McClintock, điều này không có gì bảo đảm sẽ thành công. Sẽ cần giữ Bảo Đại ở Sài Gòn và áp lực Bảo Đại phải làm việc; CĐ 2576, ngày 13/6/1954, Sài Gòn gửi BNG; FRUS, 1952-1954, XIII:2:1686.

15. Ibid., XVI:857; Ibid., XIII:2:1577n4.

16. CĐ 4521 ngày 24/5/1954, Paris gửi BNG; FRUS, 1952-1954, XIII:2:1609; CĐ ngày 26/5/1954; Ibid., 2:1614-15; CĐ 4862, 15/6/1954, Paris gửi BNG; Ibid., 2:1695-96; Philip E. Catton, Diem’s Final Failure: Prelude to America’s War in Vietnam (Lawrence, Kansas: Univ. Press of Kansas, 2002), pp. 7-8.

17. FRUS, 1951, VI:348, 359-361; Chính Đạo, VNNB, I-B: 1947-1954, tr. 222, 226..

18. Fall, Two Vietnams, 1964:243-244. Trụ sở Việt Nam Tự Do Thái Bình Dương Hiệp Hội đặt tại 992 đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn. Năm 1958, de Jaegher có dịp qua Mỹ và được Phó Tổng thống Richard M. Nixon tiếp kiến ngày 25/7/1958. Ngày 11/11/1960, đích thân de Jaegher gặp Đại sứ Elbridge Durbrow chuyển lời yêu cầu của Diệm xin đưa Thủy Quân Lục Chiến Mỹ vào chiếm phi trường Tân Sơn Nhất trong tay lực lượng Nhảy Dù đảo chính, nhưng Durbrow không đồng ý; Chính Đạo, VNNB, 1939-1975, I-C: 1955-1963, tr. 186. Xem thêm Cooper, Lost Crusade, 1970:124-127.

19. Ngày 17/6/1954, Dulles gửi công điện cho phái đoàn Mỹ ở Geneva, lưu ý Pháp [Chauvel] về điều kiện di tản quân Pháp, và giáo dân Ki-tô Việt; The Pentagon Papers (Gravel), I:531 [Doc. 190]) Ngày 18/7 và rồi 21/7/1954, tại Hội nghị Geneva, Ngoại trưởng Đỗ cũng nêu lên vấn đề hai giáo phận Bùi Chu-Phát Diệm; SHAT (Vincennes), 10H 246. Về vai trò Ki-tô giáo trong cuộc xâm lăng và "bảo hộ" của Pháp, xem Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, 1883-1945, 3 tập (Houston: Văn Hóa, 1999-2000); Cao Huy Thuần, Les missionnaires et la politique coloniale francỄaise au Vietnam (1857-1914) (New Haven: Yale Center for International & Asia Studies, 1990); Patrick J. N. Tuck, French Catholic Missionaries and the Politics of Imperialism in Vietnam, 1857-1914: A Documentary Survey. (London: Liverpool Univ. Press, 1987).

20. CĐ Secto 234, 17/5/1954, Geneva gửi BNG; FRUS, 1952-1954, XVI:829-831; Memoranda ngày 18 & 19/5/1954; Ibid., XVI:843-846, 848-849; CĐ 4521 ngày 24/5/1954, Paris gửi BNG; FRUS, 1952-1954, XIII:2:1608-9.

21. Theo Ely, điều này có nghĩa chúng chưa có hiệu lực công pháp quốc tế; SHAT (Vincennes), 1K 233, d. 40; Cooper, Lost Crusade 1970:128.

22. CĐ số 4756, 8/6/1954 (751G.00/6-854); FRUS, 1952-1954, XIII:2:1695n1.

23. CĐ 2756, ngày 13/6/1954, Sài Gòn gửi BNG; FRUS, 1952-1954, XIII:2:1685; CĐ 4862, 15/6/1954, Paris gửi BNG; Ibid. XIII: 2:1695-1696. [Trong hơn một giờ độc thoại, Diệm chỉ trích mọi người, từ Bảo Đại trở xuống. Nói sẽ thay Hinh, và sẽ yêu cầu Ely cho Quân đội QGVN nhiều tự trị hơn. Sẽ thay đại diện tại Geneva. Muốn Mỹ gia tăng viện trợ trực tiếp. Diệm còn tố cáo Bửu Lộc đang chuyển ngân bất hợp pháp ra ngoại quốc, và có lẽ chính Bửu Lộc đã tiết lộ cho báo chí tin Diệm sắp về nước] Dillon nghĩ rằng nếu Diệm làm Thủ tướng, trách nhiệm của Mỹ sẽ nhiều hơn. (Ibid, XIII:2:1696)

24. FRUS, 1952-1954, XIII:2:1690.

25. CĐ 2765, ngày 14/6/1954, FRUS, 1952-1954, XIII:2:1690-1691.

26. CĐ 2756, 13/6/1954, Saigon gửi BNG; FRUS, 1952-1954, XIII:2:1686.

27. FRUS, 1952-1954, XIII:2:1698; CĐ 2765, ngày 14/6/1954, Ibid., XIII:2:1690-1691.

28. CĐ 2786, 15/6/1954, Sài Gòn gửi BNG; FRUS, 1952-1954, XIII:2:1696-1698.

29. AAN, 1954, Débats, pp:2992-2994; FRUS, 1952-1954, XIII:1721n2.

30. CĐ 1978, ngày 21/6/1954; Paris gửi BNG; FRUS, 1952-1954, XIII:2:1727-1728.

31. FRUS, 1952-1954, X III:2:1718, 1729, 1763, 1772, 1783-1784

32. Thực ra Diệm còn muốn Mỹ huấn luyện và cử cố vấn theo các đơn vị Việt Nam [while he would prefer the US to undertake the complete training of Vietnam forces, including sending of US officers into combat with Vietnam troops as advisers]; FRUS, 1952-1954, XIII:2:1762.

33. FRUS, 1952-1954, XIII, 2:1879-81, 1923. Quân viễn chinh Pháp, ngoài nhiệm vụ chiến lược ngăn chặn Cộng Sản, còn giữ nhiệm vụ truyền tin, tiếp vận và huấn luện cho QĐQGVN.

34. FRUS, 1952-1954, XIII, 2:1879-81.

35. Theo Heath, Việt Nam cần 315 triệu MK quân viện. Kinh viện chắc phải cao hơn ngân khoản 25 triệu đã trù liệu; FRUS, 1952-1954, XIII:2:1890.

36. FRUS, 1952-1954, XIII, 2:1879-81. Ngoài ra, La Chambre cũng thông báo cho Ely biết là sẽ bổ nhiệm Sainteny làm Tổng Đại biểu tại Hà-Nội; SHAT, 1K 233, carton 40.

37. FRUS, 1952-1954, XIII:2:1896-7.

38. FRUS, 1952-1954, XIII:2:1920-1.

39. FRUS, 1952-1954, XIII:2:2007-10.

40. CĐ 1217, ngày 25/9/1954 [6:58 ngày 26/9/1954, BNG gửi Sài Gòn; FRUS, 1952-1954, XIII:2:2071.

41. SHAT (Vincennes), 1K 233, d. 40.

42. CĐ 2756, ngày 13/6/1954, Sài Gòn gửi BNG; FRUS, 1952-1954, XIII:2:1685.

43. FRUS, 1952-1954, XIII:2:1896-7.

44. Kế hoạch cải cách ruộng đất khởi đầu từ năm 1955, với hai Dụ số 2 (1/1955) và số 7 (2/1955), nhưng cuộc đánh dẹp Bình Xuyên và các giáo phái khiến việc thi hành lỏng lẻo. Mãi tới mùa Thu 1956, Diệm mới có một kế hoạch chặt chẽ hơn, qua Dụ số 57 (10/1956) để phát động cuộc "cách mạng nhân vị." Dụ số 57 ngày 22/10/1956 cho phép mỗi địa chủ được quyền giữ lại 100 hectare (mẫu tây) ruộng, không kể ruộng đất làm bãi chăn nuôi hay trồng cây công nghiệp (cao su, cà-phê, mía, v.. v...) Xem Wolf Ladejinsky, "Agrarian Reform in the Republic of Vietnam;" trong Wesley R. Fishel (ed), Problem of Freedom: South Vietnam Since Independence (NY: Free Press of Glencoe, 1961), tr 153-175; Catton, Diem’s Final Failure, 2002:51-71. Nhu cầu cải cách điền địa này nhằm làm giảm hiệu lực của chính sách cải cách ruộng đất rập khuôn Trung Cộng của chính phủ Hồ Chí Minh đã chính thức phát động từ đầu năm 1953, nhằm "xóa bỏ hệ thống sản xuất phong kiến." Trên mặt trận tuyên truyền, người ta chỉ được giải thích là lấy ruộng đất của "địa chủ phong kiến, Việt Gian ác ôn" chia cho người nghèo, với khẩu hiệu người cày có ruộng. Trên thực tế, để tiêu diệt cái gọi là chế độ sản xuất phong kiến, chính phủ Hồ áp dụng "công lý bần nông," tức các phiên tòa đấu tố, bắt ép những người bị qui ép vào thành phần địa chủ, cường hào, ác ôn hay Việt Gian phải nhận cả những tội lỗi họ chưa bao giờ vi phạm; rồi sau đó xử tử hình, hạ tầng công tác hay tập trung cải tạo. Con dê tế thần trong đợt thí điểm đầu tiên ở Thái Nguyên là bà Cát Hanh [Thành] Long tức Nguyễn Thị Năm, một chủ đồn điền đã ủng hộ kháng chiến từ đầu, nhưng bị Hồ Đức Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông Lâm, Phó Chủ Nhiệm UBCCRĐ TW, kết tội "cường hào gian ác," "cùng với tay chân đã làm chết 300 mạng nông dân trong đồn điền của nó.. .;" Báo cáo tại kỳ họp thứ 4 của Quốc Hội VNDCCH (20-26/3/1955) [tr. 2]; Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia [TTLTQG] 3 (Hà Nội), Quốc Hội [QH], HS 11. Số nạn nhân của kế sách CCRĐ được ước lượng từ 15,000 tới 50,000 người; Catton, 2002; Brocheux, 2003. Cần nhấn mạnh, mục tiêu chiến lược của CCRĐ vào thời gian này, bên cạnh quyết tâm "tiêu hủy giai cấp địa chủ phong kiến," nhắm mở rộng sự kiểm soát các làng xã, tiêu diệt khả năng chống đối của địa chủ, gia tăng thu nhập lương thực và thuế, gia tăng số người nhập ngũ và "dân công" phục vụ nhu cầu chiến trường (lên tới hơn 100,000 trong chiến dịch Điện Biên Phủ). Mãi tới sau đợt cải cách ruộng đất thứ 5 vào mùa Xuân-Hè 1956–trong không khí chống đối, bất mãn khắp nơi, kể cả biến cố nông dân Quỳnh Lưu nổi dạy, Võ Nguyên Giáp phải mang quân lính đến đánh dẹp–Hồ mới họp Hội nghị TWĐ lần thứ 10 (khóa II, 8-10/1956), nhìn nhận khuyết điểm, tự chỉ trích và phê bình; rồi tự mình thay Trường Chinh làm Tổng Bí thư, và trừng phạt chiếu lệ những cán bộ điều khiển chính sách cải cách ruộng đất. TTLTQG 3 (Hà Nội) có môt số tư liệu của Kho Quốc Hội đã giải mật. Bộ Văn Kiện Đảng Toàn Tập cũng in lại khá đầy đủ những nghị quyết và chỉ thị cơ bản về chính sách CCRĐ của Đảng Cộng Sản từ năm 1949 tới 1957. Xem, Chính Đạo, "Mặt Trận Nông Thôn: Từ Cải Cách Ruộng Đất tới Ấp Chiến Lược;" Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng, tập II (Houston: Văn Hóa, 2006, đang in).

45. FRUS, 1952-1954, XIII:2:1920-1; The Pentagon Papers (Gravel), I:214.

46. Đầu năm 1955, kế hoạch công ty hỗn hợp này phải hủy bỏ.

47. Tel 1795, Paris to DC; FRUS, 1955-1957, I:13-14.

48. FRUS, 1952-1954, XIII:2:1898.

49. FRUS, 1952-1954, XIII:2:1728-1729.

50. The Pentagon Papers (Gravel), I:213.

51. FRUS, 1952-1954, XIII:1:862.

52. FRUS, 1952-1954, XIII:2:1609.

53. CĐ ngày 4/7/1954, Sài Gòn gửi BNG; FRUS, 1952-1954, XIII:2:1783-1784.

54. Phiếu trình ngày 25/9/1954 của Robertson, Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách Đông Nam Á vụ, gửi Dulles (do Kenneth T. Young thảo); FRUS, 1952-1954, XIII:2:2062.

55. Từ ngày 18/8/1954, Dulles đã thông báo cho Mendès-France việc này; CĐ 610, 18/8/1954, BNG gửi Paris; FRUS, 1952-1954, XIII:2:1967.

56. Phiếu trình ngày 25/9/1954 của Robertson gửi Dulles (do Kenneth T. Young thảo); FRUS, 1952-1954, XIII:2:2063.

57. FRUS, 1952-1954, Ibid. XIII:2:2065.

58. FRUS, 1952-1954, XIII:2:2070; CĐ 1217, ngày 25/9/1954 [6:58 ngày 26/9/1954 VN], BNG gửi Sài Gòn; FRUS, 1952-1954, XIII:2:2071.

59. Xem phiếu trình ngày 25/9/1954 của Robertson, Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách Đông Nam Á vụ, gửi Dulles (do Kenneth T. Young thảo); FRUS, 1952-1954, XIII:2:2063; Biên bản buổi nói chuyện giữa Dulles và Đại sứ Pháp tại Oat-shinh-tân ngày 18/4/1955; FRUS, 1955-1957, I:258. Học giả Catton gọi liên hệ Mỹ-Diệm là một "Shotgun wedding;" 2002:5ff.

60. Xem "’Phiến Cộng’ trong Dinh Gia Long;" Cuộc thánh chiến chống Cộng (Houston: Văn Hóa, 2004), tr. 305-383. Đã được hiệu đính năm 2005, phổ biến trên Chuyển Luân online (Australia), tháng 11/2005. Những người đối lập thì chua chát gọi Diệm là "ma tinh." Xem, chẳng hạn, Phạm Văn Liễu, Trả Ta Sông Núi, 3 tập (Houston: Văn Hoá, 2003-2004). Đây là một trong những hồi ký xuất sắc nhất của miền Nam. Cựu Đại tá Liễu từng tham gia cuộc đảo chính hụt 11/11/1960 và phải lưu vong qua Kampuchea ba năm.

61. FRUS, 1952-1954, XIII:2:2007-10. Mãi tới tháng 12/1962 Mansfield, một học giả về Đông Nam Á, mới đủ can đảm nhìn nhận sự thiếu khả năng của Ngô Đình Diệm; nhưng vẫn cho rằng Diệm là cơ hội cuối cùng, nên đề nghị tái duyệt xét chính sách yểm trợ miền Nam. Xem "’Phiến Cộng’ trong Dinh Gia Long;" Cuộc thánh chiến chống Cộng, 2004:326-327, 450n52.

62. Báo cáo ngày 10/9/1954, Dejean gửi Ely; SHAT (Vincennes), 1K 233, d. 40.

63. FRUS 1951-1952, XIII:2:2020.

64. CĐ 987, 13/9/1954, Heath gửi BNG; FRUS 1951-1952, XIII:2:2021n1. Xem thêm thư ngày 16/9/1954, Heath gửi Robertson; US-Vietnam, 1945-1967; Bk 10:753-755. Tuy nhiên ngày 17/9, Heath tỏ ý lo ngại rằng cảm tình của O’Daniel dành cho Hinh có thể gây nên những hậu quả bất lợi; CĐ 1069, 17/9/1954, Heath gửi BNG; FRUS 1951-1952, XIII:2:2021n1.

65. FRUS 1951-1952, XIII:2:2030-2031.

66. Tel 995, 13/9/1954, to BNG; FRUS 1951-1952, XIII:2:2025

67. CĐ 1144, ngày 21/9/1954, BNG gửi Sài Gòn; FRUS 1951-1952, XIII:2044n2.

68. FRUS, 1952-1954, XIII:2:2033.

69. FRUS, 1952-1954, XIII:2:2035.

70. FRUS, 1952-1954, XIII:2:2036, 2035n6.

71. FRUS, 1952-1954, XIII:2048.

72. FRUS, 1952-1954, XIII:2052-2053.

73. CĐ số 1233 từ Paris, ngày 23/9/ 1954; 751G.13/9-2354; FRUS 1951-1952, XIII: 2053.

74. FRUS 1951-1952, XIII:2053n5.

75. FRUS 1951-1952, XIII:2048. Chính phủ liên hiệp, mở rộng này thường bị lãng quên trong các nghiên cứu về Việt Nam. Nó bao gồm đại diện của các giáo phái và một số đảng chính trị, đặc biệt là nhóm Tinh Thần của Trần Văn Đỗ–một thành viên nòng cốt của Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng, mới được phép chính thức hoạt động từ ngày 25/8/1954. Xem Đoàn Thêm, 157; Chính Đạo, VNNB, IB: 1947-1954, 1997:420, 434. Ngày 10/5/1955, sau khi biết Mỹ ủng hộ không điều kiện, Diệm thành lập "chính phủ của một người," với hai cố vấn Nhu và Luyện, và hai nhân vật quyền thế phía sau ngai vàng là Giám mục Thục và Cố vấn chỉ đạo miền Trung Cẩn.

76. SHAT (Vincennes), 1K 233, carton 40; CĐ 1217, ngày 25/9/1954, BNG gửi Sài Gòn; FRUS, 1952-1954, XIII:2:2070-2071.

77. SHAT (Vincennes), 1K 233, carton 40.

78. FRUS, 1952-1954, XIII:2:2078, 2071.

79. CĐ 1240, Smith gửi Sài Gòn; FRUS, 1952-1954, XIII:2:2080-2081; CĐ ngày 27/9/1954, Paris gửi BNG; Ibid., XIII:2:2082-2084. [Ngày 27/9, từ Paris, Đại sứ Dillon thông báo đã bảo Raphael-Leygues là không thể chấp nhận được Bửu Lộc; FRUS, 1952-1954, XIII, 2:2083, n4)].

80. Xem thông cáo chung ngày 29/9/1954; FRUS, 1952-1954, XIII:2:2097-2098. Về nội dung của mật ước, xem Ibid, XIII:2:2098-2102. [Ngày 1/10/1954, từ Oat-shinh-tân, Bonnet báo cáo tổng quát về Hội nghị Mỹ-Pháp: Smith nói Diệm không phải là một giải pháp lý tưởng, nhưng hiện tại Mỹ thấy đó là giải pháp duy nhất. Mỹ muốn biến Việt Nam thành một xứ mạnh và giàu có, dù có tổng tuyển cử năm 1956 hay chăng; và sẽ cắt giảm buôn bán giữa hai miền. Chống lại giải pháp một chính phủ liên hiệp giữa hai miền; SHAT (Vincennes), 1K 233, carton 40].

81. SHAT (Vincennes), 1K 233, carton 40.

82. FRUS, 1952-1954, XIII:2:2093.

83. CĐ 1250, 28/9/1954, BNG gửi Sài Gòn; FRUS, 1952-1954, XIII:2:2081n3.

84. FRUS, 1952-1954, XIII:2:2116. [Thứ Bảy, 9/10, Diệm trả lời Bảo Đại là cần suy nghĩ thêm về việc mở rộng chính phủ].

85. FRUS, 1952-1954, XIII:2:2145-2146; US Congress, Senate, Committee on Foreign Relations, 83rd Congress, 2d Session, Report on Indochina, Report of Senator Mike Mansfield on a Study Mission to Vietnam, Cambodia and Laos, Oct 15, 1954 (Washington, DC: GPO, 1954).

86. FRUS, 1952-1954, XIII:2:2238. 10/11/1954, Diệm viết thư cho Bảo Đại tái xác nhận lòng trung thành. 19/11/1954: Hinh rời Sài Gòn qua Pháp. Vỹ tạm thời kiêm nhiệm. 29/11/1954: Bảo Đại cách chức T/TMT của Hinh. 11/12/1954: Diệm cử Thiếu tướng Lê Văn Tÿ làm Tổng Tham Mưu trưởng (thay Vỹ, được cử làm Tổng Thanh Tra).

87. FRUS, 1952-1954, XIII, 1:827; Spector, Advice and Support: The Early Years, 1941-1960, p. 232. Theo Collins, Dulles cho rằng triển vọng thành công ở Việt Nam chỉ được một phần mười ["only one in ten."]; J. Lawton Collins, Lightning Joe: An Autobiography (Baton Rouge: Louisiana State Univ. Press, 1979), tr. 379.

88. FRUS, 1952-1954, XIII, 2:2366-2368; Ibid., 1955-1957, I:1n1.

89. SHAT (Vincennes), 1K 233, d.40.

90. FRUS, 1952-1954, XIII, 2:2365-2366; US-Vietnam Relations, 1945-1967, Bk 10, IV:A3:20.

91. Ibid., 1955-1957, I:2.

92. Tel. 2303, 16/12/1954, Collins to BNG; FRUS, 1952-1954, XIII:2:2379.

93. "Memorandum of Ronald R. Heath to Robertson (17/12/1954); FRUS, 1952-1954, XIII:2:2391-2392; US-Vietnam Relations, 1945-1967, Bk 10, IV:A3:21-22; The Pentagon Papers (Gravel), I:226-227.

94. Tel 2273, 17/12/1954, BNG to Paris; FRUS, 1952-1954, XIII:2:2393-2394. Lập luận "từng cộng tác với HCM" này hơi lạ. Năm 1945, tưởng nên ghi nhận, Ngô Đình Nhu, bộ óc chính trị của họ Ngô, từng được cử làm Giám đốc Lưu trữ Quốc Gia của chính phủ Hồ Chí Minh. (Tác giả đa tạ Giáo sư/Tiến sĩ Dương Dình Nham, cựu Giám đốc TTLTQG 2 (TP/HCM), đã trao tặng một phóng ảnh tư liệu mang chữ ký Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội Vụ, và Vũ Đình Hoè, Bộ trưởng Quốc Gia Giáo Dục.

95. FRUS, 1952-1954, XIII:2:2396-2398.

96. FRUS, 1952-1954, XIII:2395-2396.

Copyright 2009 by Chieu N. Vu All Rights Reserved

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 88002)
Khái Hưng gốc làng Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Dương–nơi chính quyền Bảo hộ Pháp từng dùng bom đạn san bằng sau cuộc khởi nghĩa mùa Xuân năm 1930 của Việt Nam Quốc Dân Đảng [VNQDĐ]. Thân phụ là Trần Mỹ, Tuần phủ Phú Thọ [Thái Bình?].
01 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 108834)
có một thời đạn bom bay qua tình trai trẻ có những hẹn hò hình như đã phôi pha có một xấp phong bì nào vàng úa trong tay ta và có lẻ tình yêu là một điều rất thật
29 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 79034)
Mọi Rợ văn hóa [cultural barbarism]. Thoạt nghe có vẻ lạ tai, nhưng suy nghĩ kỹ, mới thấy thấm thía. Đọc cổ thư Trung Hoa, thường thấy những người tự xưng là “người Hoa hạ” rất tự hào về tập tục đội mũ, mặc áo, dinh thự nguy nga, ăn uống tiếp khách ngồi bàn, ngồi ghế, có chữ viết, sách vở.
22 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 113837)
Buổi sáng Hilton café nguội em đã ủ nó trong đôi tay em đã gắng giữ nó khỏi nguội bằng những giọt nước mắt nóng...
16 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 120033)
Nhà văn Nhật Tiến, trong phần phát biểu cảm tưởng tại đám giỗ anh ở phòng sinh hoạt Người Việt, đã kể lại một chuyện cảm động, đó là niềm xúc động đẫm nước mắt khi cầm tờ báo Người Việt trên tay ở trong trại tị nạn vào năm 1979 sau khi ông và những thuyền nhân đồng hành còn sống sót, trong đó có cả cặp ký giả tên tuổi Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, sau một thời gian bị hải tặc bắt, giam cầm và hành hạ trên đảo Ko Kra trong Vịnh Thái Lan suốt cả tháng trời.
16 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 120622)
Chàng hôn tôi. Bỗng tôi cảm thấy đau nhói lên ở phía sau lưng vì chiếc móc soutien bị cấn vào vách ván. Tôi dướn người về phía trước làm như đáp trả lại nụ hôn vội vàng của Vị nhưng thật ra là để tránh cho phiến lưng bị chàng ép mãi vào vách. ...Chúng tôi vẫn im lặng hôn nhau. Tôi nhắm khít mắt khi Vị yêu tôi. Nắng rực rỡ đổ xuống, vách ván nóng cùng với hơi thở hâm hấp nóng của Vị không ngớt phả vào cổ vào mặt. Tôi cắn chặt răng để ngăn một tiếng khóc tội nghiệp. Quả thật chưa bao giờ tôi có thể tưởng tượng chúng tôi lại có lúc trở nên khốn đốn như lúc này.
15 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 111905)
Tôi chạy tìm tôi, ngày đã cạn Thắp đèn phủ dụ đám phù du Năm tháng lại trôi , chân lại bước Tôi còn nương tựa bóng thiên thu
15 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 95189)
Saburo Sakai đã trở thành một huyền thoại “sống” ở Nhật Bản trong suốt thời đệ nhị thế chiến. Khắp nơi, các phi công Nhật Bản đã nói đến những chiến công không thể tưởng tượng được của Sakai với tất cả sự nể phục.
09 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 93432)
LTS:Sinh trưởng trong một gia đình Bắc di cư và trải qua tuổi thơ ở Tam Kỳ, Nguyễn Xuân Tường Vy vượt biên đến Phi Luật Tân năm 14 tuổi. Tốt nghiệp cử nhân Sinh Hóa ở San José, Nguyễn Xuân Tường Vy thuộc lớp người viết mới, vừa xuất hiện, của Văn học Di dân Việt Nam. Tạp Chí Hợp Lưu
17 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 164050)
Tìm hiểu về rùa Hoàn Kiếm chúng ta hãy đi ngược trở lại những trang sử Việt Nam , chính sử cũng như huyền sử, và những bài viết thực tế đương thời đã được lưu trữ trong các mạng lưới. Khi đọc những dữ liệu trên, nhiều người sẽ có một cảm tưởng những dữ kiện về rùa không được thống nhất cả về huyền sử lẫn thực tế, và có những vấn đề cần được thảo luận.