- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Triết Lý Loài Ngựa, Trốn Tìm, Khúc Bi Ca

14 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 118288)

Triết lý loài ngựa


Vòm trời vỡ vụn
Bầy ngựa hoang đói khát tuyệt vọng trước bụi xương rồng
Những chiếc gai nhọn sắc tứa ra giọt giọt sữa độc
Chiếc lưỡi đói cỏ làm sao có thể chạm vào?
Màu trắng quay cuồng họng khát.

Thách thức ma mị
Châm ngòi cuộc chiến giữa những cái chết.

Bầy ngựa già im lặng
Lũ ngựa non gõ móng bồn chồn
Hai sự lựa chọn cho một kết thúc?

Phía sau ngựa mẹ là ngựa con mới sinh
Gánh nặng bầy đàn, sức mạnh bầy đàn trong cuộc di cư…

Không do dự.
Ngựa mẹ điềm nhiên cắn, nhai, nuốt từng mảng gai xương rồng
Sữa căng dần bầu vú...

Dõi theo đàn ngựa hoang tung vó sáng gầm trời
Thầm cảm phục hành động ngựa mẹ
Mạnh hơn triết lý đời.

 

Trốn tìm


Tựa lòng vào mạn ca dao
Đăm đăm rình vớt trái đào chưa rơi.

Sau khoảng sáng rực rỡ nêm chặt ảo ảnh
Người đàn bà ôm vinh quang thả lên bến nhớ
Rong ruổi trò chơi trốn tìm.

Người Đàn Ông của nàng
Hình như không có thật!

Lạc giữa biển mắt dấu hỏi
Không đôi mắt sói hoang!
Từng lọn sóng gieo trên không gian
Nở mùa hạt lép.

Người Đàn Ông của nàng
Hình như không có thật!

Lạ lẫm ngôn ngữ tay đói vòng xiết
Thói quen lột truồng ý tưởng
Đâu bàn tay vẽ cảm giác thịt da thanh khiết?

Người Đàn Ông của nàng
Hình như không có thật!

Tuyệt vọng?...

Không phải từ ánh nhìn
Không thể qua bàn tay
Nàng thấy Người Đàn Ông của mình bằng cảm giác cuộc chơi trốn tìm...

Người Đàn Ông của nàng
Hình như không có thật!

 

Khúc bi ca


Xin đừng thốt lời tàn nhẫn
Đời thừa thãi đắng cay
Xin đừng trách người cha sau mùa thai nghén
Chuốt ánh trăm năm dệt tấm liệm
Đón con mình.

Hãy mở nắp ngôi nhà vĩnh hằng
Đón linh hồn văng ra từ muôn xác chữ
Hay vung ly rượu nhỏ
Chia đều cơn khát ngày mai?

Khi bình minh lướt trên cánh nắng
Hoàng hôn bò lê nẻo mây
Niềm vui qua, nỗi buồn lắng đọng
Ngàn cao nhuộm ánh bao dung?

Không còn đứa con
Không có người cha!
Chỉ loài cỏ dại.

Quằn quại trên nấm mồ nhân loại cằn kiệt đến độ không thể cằn kiệt hơn được nữa
Rên rỉ Khúc Bi Ca
Và bầu mắt vũ trụ chưa hề khép dù không còn tồn tại
Nhuộm biếc hồn ta!..


 Tạ Thị Thu Hà

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 98821)
Chồng tôi hành nghề kỳ quặc: Kiểm tra trí nhớ của con người. Lấy anh tôi mới khám phá, anh thường xuyên theo dõi những giấc mơ của mình. "Em có thai phải không?" Sau tháng đầu tiên Công đã dọ hỏi. Tôi lắc đầu tươi tỉnh. Giấc mơ đêm khuya còn sáng hồng bụ bẫm bắp chân hài nhi. Tôi biết chắc tôi chưa có mang, nhưng làm sao Công biết tôi đã nằm mơ thấy đứa trẻ? Sáu tháng hạnh phúc trôi qua như gió hắt mặt hồ.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 32248)
Đến nay người mình thấy Tây học rực rỡ mà cái học của ta khi xưa mập mờ không rõ, sách vở không có mấy, liền cho cái học của ta không có gì. Đó là một điều mà các học giả trong nước nên chú ý mà xét cho kỹ, đừng để cái hình thức bề ngoài làm hại mất cái cốt yếu bề trong. Nho Giáo tuy không gây thành được cái văn minh vật chất như Tây học, nhưng vẫn có cái đặc tính đào tạo ra được cái nhân cách, có phẩm giá tôn quí.
23 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 110661)
Tin từ quê hương cho biết tin vui cuối cùng nguyên văn, “các vị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Huế đã hứa cấp... khoảng một ngàn mét vuông đất để xây dựng Khu lưu niệm” Trịnh Công Sơn. Tin cũng cho biết Nhà Nước, cũng như thân nhân Trịnh Công Sơn, không dính líu gì đến việc xây dựng và nội dung trưng bày khu lưu niệm này.
23 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 128066)
Ngủ đi nhé à ơi, cái sâu làm tổ, cái bọ đi chùa, chuồn chuồn thì bơi (Tặng Kiên và sự điên rồ của đêm)
31 Tháng Mười 200712:00 SA(Xem: 84040)
... lịch sử Việt Nam, dưới mắt nhiều học giả thế giới, chỉ là một thứ câu chuyện thêm thắt vào [anecdotes] chính sách và sự can thiệp của các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Hoa, Pháp, Bri-tên, Nhật, v.. v... Người Việt cũng có lý do riêng để không muốn thấy có một tiểu sử chính xác về Diệm, từ chính trị, tôn giáo, tới ý thức hệ. Nên chẳng ngạc nhiên khi khối văn chương hiện hữu về họ Ngô hay Đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa tràn ngập những lời “cung văn” hoặc “đào mộ,” bất chấp sự thực... Bài viết này nhằm điền vào khoảng trống nói trên.