1. KHÁI NIỆM KẾT CẤU VÀ CÁC BÌNH DIỆN CỦA NÓ
Chúng tôi thấy cần thiết phải chỉ ra một điều là, khi chúng ta bình giá kết cấu một tác phẩm nào đó, việc đầu tiên không phải là đem kết cấu tác phẩm đó so sánh với kết cấu một tác phẩm nào khác, càng không nên lấy những tổng kết chung chung có sẵn kiểu "chặt chẽ hài hoà", "gọn gàng cân đối" hoặc "trùng điệp ẩn hiện", "mạch lạc khúc chiết" v.v... làm tiêu chuẩn để đánh đánh giá thành bại của kết cấu một tác phẩm cụ thể. Rõ ràng, không một sự vật nào tồn tại mà không kết cấu; sự tồn tại của bản thân sự vật khẳng định sự tồn tại kết cấu của nó. Ngược lại cũng vậy. Trong nghệ thuật, kết cấu là một hiện tượng chức năng, chỉ có thông qua phân tích trực tiếp mới phát hiện được giá trị thực sự và vẻ đẹp độc đáo của nó, cũng chỉ thông qua sự phân tích trực tiếp đó chúng ta mới giải thích được ý nghĩa của sự tồn tại của kết cấu tác phẩm. Kết cấu là liên hệ cơ bản trong quan hệ giữa hình thức và nội dung tác phẩm văn học. Trong tác phẩm tự sự, kết cấu là cơ sở của hình thức truyện mà đồng thời cũng là một cách bao quát của nội dung câu chuyện. Các loại tài liệu-chất liệu đời sống thông qua sự tổ hợp đa tầng thứ, đa chiều kích của kết cấu hình thành nên hình thức nghệ thuật mang nội dung tự sự cụ thể. Vì vậy, phân tích kết cấu tự sự (analyse Structure du récit) là một trọng điểm trong nghiên cứu văn học tự sự.
Thế nhưng, cho đến nay dường như các nhà nghiên cứu còn thiếu đi một quan niệm rõ ràng về ý nghĩa và chức năng nghệ thuật thực sự của kết cấu. Các nhà nghiên cứu có lúc lấy việc nghiên cứu "câu chuyện"/"truyện" của tác phẩm làm nội dung chủ yếu trong việc tìm hiểu kết cấu tác phẩm, đem kết cấu sinh động của tác phẩm cụ thể xem thành một thực thể cố định để phân tích và miêu tả. Đối với những nhà nghiên cứu này mà nói, kết cấu dường như chỉ có tính cách một danh từ. Có lúc các nhà nghiên cứu vô hình trung thoát ly văn bản tác phẩm, trên thực tế chỉ bàn đến vấn đề nhà văn lựa chọn các tài liệu cuộc sống cùng chuyện nhà văn làm thế nào để sắp xếp, tái cấu trúc chúng vào tác phẩm, tức chỉ nhấn mạnh một cách phiến diện tính chất động từ của thuật ngữ kết cấu.
Thực ra, thuật ngữ kết cấu vừa có tính chất của một danh từ mà cũng có cái nghĩa động từ. Trước hết đối với nhà văn mà nói, kết cấu là có tính động từ. Nhà văn lựa chọn đề tài, tiến hành cấu trúc lại tài liệu hiện thực đời sống. Kế đó, trên phương diện văn bản tác phẩm mà nói, kết cấu chính là chỉ sự tổ chức các nhân tố nghệ thuật đã được xác định vào bố cục văn bản cụ thể. Lúc này, kết cấu chính là có tính cách của một danh từ. Cuối cùng, quá trình đọc hiểu tác phẩm yêu cầu độc giả tiến hành một sự tìm hiểu song song đồng thời với quá trình đọc rồi tiếp liền đó là một sự bao quát tổng thể tác phẩm sau khi đọc có tính chất cấu trúc hoá, để rồi có thể có được một hình dung trong ký ức về một nội dung hoàn chỉnh (the achieved content). Kết cấu ở đây tương đương với việc độc giả trên cơ sở văn bản tác phẩm cụ thể cấu trúc lại một hình tượng trong ký ức của sự đọc. Đây là quá trình động, trong quá trình này mà nói, kết cấu cũng có ý nghĩa như là một động từ.
Tóm lại tư duy kết cấu vừa hiện diện trong quá trình sáng tác mà cũng tồn tại trong quá trình tiếp nhận tác phẩm thông qua hành động đọc hiểu.
Chúng tôi cho rằng, tồn tại cần khắc phục trong nghiên cứu kết cấu tác phẩm tự sự hiện nay chính là, vô hình trung làm lẫn lộn các bình diện trong nội hàm khái niệm kết cấu khi phân tích kết cấu một tác phẩm cụ thể. Còn lý luận truyền thống về nghiên cứu kết cấu của Trung Quốc, cái lý luận được gọi dưới tên chương pháp xuyên dệt () hoặc văn lý (カ - Texture) cũng khó lòng đối ứng với vừa vặn với các bình diện của khái niệm kết cấu mà chúng tôi vừa phân tách. Lý luận truyền thống nghiên cứu kết cấu gọi là chương pháp - văn lý nói trên cũng thường dung hợp các bình diện kết cấu tác phẩm mà chúng tôi vừa phân tách trên vào trong những bình luận phê bình cảm ngộ tràn đầy hình ảnh ẩn dụ. Lý luận này khả dĩ còn thích hợp với những tác phẩm tự sự có một hệ thống tình tiết được tổ chức thành cốt truyện rõ ràng (Kim Thánh Thán đối với Thuỷ Hử, Mao Tôn Cương đối với Tam Quốc). Gặp phải một tác phẩm mà câu chuyện được tự sự không theo lối bám vào logic nhân quả-thời gian xuyên suốt cốt truyện, một tác phẩm mà không gian tính của kết cấu chỉnh thể rất nổi bật như trường hợp Nho lâm ngoại sử thì lý luận văn pháp truyền thống đó tỏ ra rất lúng túng.
Như chúng ta đã biết, bản thân thuật ngữ kết cấu được mượn từ hội hoạ và kiến trúc. Kết cấu chính là tổ hợp những tài liệu khác nhau trong một không gian nhất định nhằm hoàn thành công trình hợp lý tối đa về cấu trúc, thoả mãn đến mức cao nhất mục đích đã định của công trình. Trên đại thể, hoàn toàn có thể nhìn nhận vấn đề kết cấu tác phẩm văn học dưới một giác độ như vậy. Thực tế công việc kết cấu tác phẩm văn học chính là "nhào trộn" kinh nghiệm đời sống nhân sinh trong vật liệu ngôn từ để xây dựng thành tác phẩm cụ thể. Kết cấu một sáng tác ngôn từ chính là mô thức tổ chức chỉnh thể nghệ thuật cá biệt-cụ thể; cho dù là trong sáng tác bằng sự viết hay trong tiếp nhận bằng sự đọc, kết cấu luôn là một lối kiến cấu sinh động mà cũng là một sự trừu tượng nhất định; nó là theo dõi sống động mà cũng là hình dung tĩnh tại.
Chúng tôi cho rằng, nếu phải phân tích kết cấu tác phẩm văn học, chúng ta một mặt vừa phải phân tách kết cấu văn bản trần thuật và kết cấu hình tượng tác phẩm, mặt khác lại còn cần chú ý tách bạch hai quá trình khác biệt - quá trình sáng tác/viết tác phẩm và quá trình tiếp nhận/đọc tác phẩm. Khi nghiên cứu kết cấu một tác phẩm tự sự cụ thể, cả hai phương diện kết cấu kết cấu văn bản trần thuật và kết cấu hình tượng tác phẩm phải được nhìn nhận lần lượt trong cả hai quá trình này.
Khái niệm kết cấu là một công cụ lý luận quan trọng trong phê bình phân tích tiểu thuyết. Rõ ràng, tiểu thuyết là một hoạt động của nghệ thuật tự sự ngôn từ, do vậy kết cấu tiểu thuyết phải được tìm hiểu trên cơ sở quan sát cả ba bình diện sáng tác (viết), văn bản (tác phẩm tri giác bằng sự đọc), tiếp nhận (đọc hiểu giải mã). Trong quá trình sáng tác, tác giả tổ chức các tài liệu đời sống và kinh nghiệm nhân sinh, bỏ đi chỗ "thừa", lấy vào chỗ "thiếu", dung hợp thành những bức tranh nghệ thuật được khái quát theo những quy luật thẩm mỹ nhất định. Việc tổ chức này chính là quá trình xây dựng kết cấu hình tượng tác phẩm. Nói cụ thể, đó chính là nghệ thuật đem những nội dung khác biệt về không gian-thời gian thống nhất lại với nhau. Nghệ thuật đem các nhân tố tinh thần và vật chất; sống động, lưu chuyển và tĩnh tại, tồn tại sẵn; hữu hạn và vô hạn; chủ quan và khách quan… kết hợp thành hình tượng tác phẩm thống nhất. Trong ý nghĩa này mà nói, kết cấu chính là sáng tác. Kết cấu hình tượng tác phẩm sản sinh đồng thời với ý đồ nghệ thuật và được cụ thể hoá dần theo chân sự tiến triển của hình tượng nghệ thuật. Sau cùng, kết cấu hình tượng tác phẩm sẽ được xác định bằng văn bản tác phẩm, ngoại hiện ra ở sắp xếp bố cục, ngoại hiện ra trong việc đem nội dung hình tượng thực tế hóa vào các phiến đoạn trần thuật mà truyền thống vẫn gọi bằng các thuật ngữ chương, đoạn, khổ truyện, hoặc nói dãy phiến đoạn theo trình tự sẽ định (Sequence) – tức chính là cái quá trình của kết cấu văn bản trần thuật. Nhà văn không phải là sáng tạo xong "kết cấu hình tượng tác phẩm" rồi sau đó mới tiến hành "kết cấu văn bản trần thuật". Trong thực tế sáng tác, hai việc đó là đồng thời, là bóng hình xuôi ngược có nhau. Kết cấu phản ánh quá trình nhà văn nhằm biểu đạt một chân lý nghệ thuật trong một cấu trúc chỉnh thể ngôn từ cụ thể mà hiến thân cho cuộc vật lộn với các tài liệu kinh ngiệm nhân sinh. Kết cấu đương nhiên cũng thể hiện chính quá trình vận động của tư duy nghệ thuật của nhà văn. Tư tưởng sinh động của nhà văn biểu hiện ở bản thân kết cấu. Chọn dùng một phương án kết cấu nào, chung quy là nhằm nâng cao tác động nghệ thuật và sức mạnh biểu hiện chủ đề cho đề tài tác phẩm.
Trong khoảng sáng tác hoàn tất và trước lúc được đọc, tác phẩm là tồn tại bởi chuỗi ngôn từ với trường độ nhất định mà kết cấu của nó hãy còn chưa được tái phát hiện. Chỉ lúc văn bản tác phẩm đi vào giao lưu tiếp nhận (hoặc nói tiêu thụ), kinh qua sự đọc, tác phẩm mới được tổ chức, xây dựng lại bởi một hoạt động tư duy đọc-tiếp nhận có tính chất tái kết cấu đối tượng trong đọc. Trong quá trình tiếp nhận tác phẩm bằng việc đọc, có sự tồn tại của hoạt động tương hỗ giữa kết cấu văn bản trần thuật và kết cấu hình tượng tác phẩm. Văn bản tác phẩm kinh qua sự đọc trở thành văn bản được kết cấu.
Theo cách hiểu trên, khái niệm kết cấu ở đây rõ ràng vừa có tính cách danh từ mà cũng có tính cách động từ. Do vậy, phải thấy rằng kết cấu trong thực tế dường như là một thuật ngữ chỉ chung những hoạt động sinh thành đa chiều chứ không thể là một từ với hàm nghĩa cứng đờ. Đặt tác phẩm trong quá trình sáng tác/viết – tiếp nhận/đọc để tìm hiểu, chúng ta mới thấy được kết cấu tác phẩm chính là một quá trình, quá trình mà trong đó nó được "tháo dỡ" – "lắp ghép" liên tục. Độc giả luôn đọc tác phẩm với một vốn nhận thức cá biệt, cụ thể. Đọc chính là trong phạm vi tri giác kết cấu văn bản làm tái hiện, sản sinh nên một kết cấu hình tượng tác phẩm. Đây là một quá trình luôn đổi mới. Một bạn đọc bình thường hoàn toàn có thể kiểm chứng điều đó chỉ dựa vào kinh nghiệm đọc lại một tác phẩm nào đó. Một mặt, chính vốn hiểu biết riêng phát huy lúc đọc làm cho sự đổi mới đó diễn ra không ngừng. Mặt khác trong quá trình đọc, sức lý giải đối các nhân tố văn bản tác phẩm ngày một tăng, điều đó cũng sẽ không ngừng tác động đến nhận thức của độc giả về kết cấu tác phẩm trên cả hai phương diện văn bản trần thuật và thế giới hình tượng. Hình dung về kết cấu tạm thời định hình trong óc độc giả tăng cường khả năng nhận thức nghệ thuật cho độc giả, do vậy sẽ mở rộng ngưỡng văn hoá đọc cho độc giả. Và thế là độc giả lại tiến vào vòng tuần hoàn mới của sự kết cấu hoá tác phẩm. Giờ đây thay vì nói kết cấu đó chính là sáng tác ta lại có thể nói đọc đó chính là kết cấu. Cả hai hành động đều là để tạo dựng tác phẩm. Như vậy, kết cấu không thể là cố định hoá trên nguyên tắc. Kết cấu tồn tại trên cơ sở văn bản (văn tự ngôn từ) cố định, nhưng sinh thành và tác dụng trong quá trình tiếp nhận (đọc hiểu giao lưu). Theo cách hiểu như vậy về kết cấu thì chúng ta thấy mọi đơn vị tổ chức tác phẩm từ một ký hiệu (sign) văn tự nhỏ nhất cho đến cả hệ thống (system) hình tượng, tất thảy đều nằm trong phạm vi của kết cấu.
Phê bình giải thích và phân tích tác phẩm về mặt kết cấu chủ yếu là xác định kết cấu văn bản trần thuật (constative) và quan sát sinh thành kết cấu hình tượng (image) tác phẩm trong tiếp nhận. Việc xác định kết cấu văn bản trần thuật tiến hành được là nhờ căn cứ vào việc phân tích chuỗi ngôn từ văn bản tồn tại khách quan. Nhà nghiên cứu trên cơ sở một nhận thức chung về phong cách thể loại, sẽ đặc biệt chú ý đến những tín hiệu thông tin có tính cách đánh dấu hình thức để tìm hiểu kết cấu văn bản trần thuật. Những thông tin có tính cách đánh dấu hình thức trong chuỗi ngôn từ trần thuật văn bản chính là các yếu tố bố cục bề mặt văn bản như nhan đề, đề từ, tên chương, dấu ngắt các khổ truyện, các con số đánh dấu các trường đoạn, phần vĩ thanh, thậm chí một số từ, cụm từ nào đó… Kết cấu văn bản trần thuật này làm hình thành một kết cấu hình tượng bao gồm trong đó hệ thống hình tượng nhân vật, trật tự chuỗi sự kiện, hệ thống tình tiết trong một khung không-thời gian nhất định... Chúng nhập thành một chỉnh thể sống động trong ký ức tạo dựng nhờ vào việc đọc hiểu tác phẩm.
Quan điểm thông thường về kết cấu tác phẩm văn học thường lẫn lộn hai bình diện trên của kết cấu. Chúng tôi cho rằng trong một sự đọc hiểu đặc thù - nghiên cứu phê bình, nhận thức về kết cấu tác phẩm tự sự phải lưu tâm đến ba điểm sau:
1. Cái gọi là quá trình kết cấu của nhà văn thường lại được phán đoán dựa trên cái văn bản kết cấu hoá mà nhà phê bình xác định cho mình sau khi đọc tác phẩm. Đọc tức là chuyển một văn bản văn tự (như ta thấy tuyệt đại đa số tác phẩm tự sự ngày nay đều in thành sách) thành một câu chuyện trong ký ức, câu chuyện trong ký ức này chính là cái mà chúng tôi gọi là văn bản kết cấu hoá vừa nói ở trên.
2. Nhà phê bình nhận diện và mô tả kết cấu văn bản trần thuật rồi phân tích kết cấu hình tượng tác phẩm. Mục đích cao nhất là xác định một cái khung nhận thức phù hợp với thực tế tác phẩm. Sự sinh thành kết cấu hình tượng từ văn bản diễn ra nhờ sự đọc-tiếp nhận của người đọc. Trong quá trình này khó mà nói đến một sự cố định hay như nhất. Thế nhưng cái mà nhà phê bình và lý luận theo đuổi chính là một cách đọc tiến gần tới cái dường như là cách đọc chung đối các tác phẩm cụ thể, giống như hình học có một cách đọc chung đối với các hình khối cụ thể vậy. Nhà phê bình càng đặc biệt chú trọng quan sát văn bản, để tâm theo dõi và tìm kiếm các thông tin có tính cách đánh dấu hình thức trong văn bản tự sự. Nhà phê bình xuất phát từ một lập trường tiếp nhận tự giác được ý thức cao độ, chú ý đặc biệt đến mối quan hệ chuyển hoá không ngừng giữa kết cấu văn bản trần thuật và kết cấu hình tượng.
3. Nhìn theo quan điểm của chủ nghĩa cấu trúc, kết cấu văn bản trần thuật và kết cấu hình tượng tác phẩm đều thuộc kết cấu bề nổi, tức kết cấu của tổ chức hệ thống lời nói sản sinh trên cơ sở của một cấu trúc tầng sâu ngôn ngữ cụ thể. Chủ nghĩa cấu trúc có tham vọng phát hiện các quan hệ hữu hạn trong cấu trúc tầng sâu đó, hi vọng dùng các một số quan hệ ngôn ngữ đó vào việc giải thích các hiện tượng văn học cụ thể. Không thể phủ nhận được cống hiến của các nhà cấu trúc luận trong việc phân tích kết cấu tầng sâu của văn học (từ truyện dân gian, tác phẩm tự sự văn học viết kinh điển cho đến thơ trũ tình nói chung). Thế nhưng, trong quá trình tìm kiếm những nhân tố cấu trúc phổ quát, chủ nghĩa cấu trúc đã xem nhẹ biểu hiện sinh động và vẻ đẹp cá biệt của kết cấu tác phẩm cụ thể. Kết cấu tác phẩm cụ thể có thể phản ánh những quan hệ nằm sâu trong lòng một cấu trúc ngôn ngữ, thậm chí là cấu trúc của cả một nền văn hoá, thế nhưng kết cấu cụ thể đó bao giờ cũng là một vẻ đẹp cá biệt không lắp lại của tư duy nghệ thuật cụ thể.
Mặt khác, trong tư cách là một phương diện của hình thức nghệ thuật, kết cấu cũng không thể chỉ là hệ thống của các kỹ xảo và thủ pháp được tổng kết. Kết cấu tác phẩm phục vụ cho nhiệm vụ nghệ thuật cụ thể, nó không thể thoát ly khỏi sự biểu đạt nội dung nhất định. Kết cấu tác phẩm là tổ chức ngữ ngôn trình hiện một vẻ đẹp cá biệt, bởi vì nó không chỉ được tổ chức theo khuôn mẫu của một truyền thống thể tài. Chủ yếu hơn, nó là sản phẩm trực tiếp của sự phát hiện và tái tạo mô hình thế giới hiện thực trong/bằng nghệ thuật (ngôn từ). Giá trị thực sự của sự tồn tại kết cấu tác phẩm cụ thể là ở chỗ kết cấu đó khác biệt với kết cấu của tất cả các tác phẩm khác.
2. XEM XÉT KẾT CẤU TÁC PHẨM VĂN HỌC TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ HỌC HIỆN ĐẠI
Ngôn ngữ học cấu trúc luận đã đề xuất sự đối lập giữa ngôn ngữ (langue) và lời nói(parole), đó chính là sự đối lập giữa bình diện ngữ đoạn và bình diện ngữ nghĩa. Bình diện ngữ đoạn chỉ quan hệ kết hợp (in praesentia), tức quan hệ giữa tất cả các yếu tố có mặt trên trục tuyến tính, có tính chất hoán dụ (the metonimic). Còn bình diện ngữ nghĩa chỉ quan hệ liên tưởng (in absentia), tức mối quan hệ giữa tất cả các yếu tố hiện diện trong văn bản với các yếu tố tương đồng hoặc tương phản tồn tại trong văn cảnh - mối quan hệ có tính chất ẩn dụ (the metaphoric).
Xem xét từ góc độ đó, ta thấy kết cấu văn bản trần thuật của tác phẩm văn học hiện diện trên bình diện ngữ đoạn, còn kết cấu hình tượng tác phẩm thì tồn tại ở bình diện ngữ nghĩa. Vì vậy kết cấu văn bản trần thuật mang các đặc trưng của quan hệ ngữ đoạn, nó là một một chuỗi tổ hợp các kí hiệu đặc định với một độ dài tuyến tính (continuum) cụ thể, không đảo lộn trật tự trước sau trên dưới, tồn tại một cách hiển hiện. Phân tích kết cấu văn bản trần thuật chính là thao tác trên trục ngữ đoạn, mà việc đầu tiên là mô tả được trên tổng thể bố cục của văn bản tác phẩm. Phân tích kết cấu hình tượng tác phẩm lại diễn ra trên bình diễn ngữ nghĩa. Kết cấu hình tượng lại có những đặc trưng của quan hệ ngữ nghĩa, nó là một tập hợp kí hiệu tiềm tại hiển hiện lên nhờ liên tưởng, nó phụ thuộc vào ngữ cảm ngữ thức của tiếp nhận đọc.
Nói một cách đơn giản, mỗi một tác phẩm ngôn từ chính là sự kết hợp giữa sáng tác và tiếp nhận, kết hợp giữa viết và đọc, giữa nghĩa và chữ, giữa từ và vật, là một giao lưu giữa sau khi đã-viết-ra-rồi-được-đọc-xong. Sự kết hợp đó ảnh xạ vào trong hai phía, bên này cũng như bên kia trong sự kết hợp đó.
Trong quá trình sáng tác, sự hình thành kết cấu trần thuật diễn ra trên trục ngữ đoạn, nhà văn sáng tác chính là kể/viết hoặc nói - biến một câu chuyện thành truyện. Công việc kết cấu hình tượng chính là xâm nhập đề tài, sắp xếp, tổ chức, kiến lập hệ thống nhân vật–sự kiện. Cả kết cấu hình tượng lẫn kết cấu trần thuật đều được tiến hành đồng thời, không thể nào biệt lập với nhau. Trên thực tế, tác giả chính là đang tiến hành một sự phân đoạn, khoanh vùng các phương diện đời sống, tái cấu trúc chúng bằng kí hiệu ngôn từ–văn tự cụ thể, kế đó rất có thể tác giả lại tiếp tục sắp xếp các nội dung, các mảng hình tượng theo một trật tự nhất định, móc nối các đoạn truyện, liên kết các đơn nguyên tự sự, cơ cấu tất cả vào vào một khung văn bản có một "Mở đầu" – "Chính văn" – "Kết thúc" nhất định. Nói một cách khái quát - hiện thực hoá một thế giới hình tượng bằng văn bản văn tự. Mỗi một văn bản tự sự chính là một mô hình hữu hạn được tạo nên từ một thế giới vô hạn. Trong mô hình đó, phần mở đầu cũng như phần kết thúc, xét về mặt công năng mô hình hoá văn bản là tương tự như khung của bức tranh hay đương viền sân khấu kịch diễn. Có điều khi đã so sánh như vậy thì chúng ta đã đem những đặc tính hình thức khả cảm của kết cấu văn bản trần thuật đồ thức hoá. Và như thế chúng ta chính là đã bước vào quá trình tiếp nhận đọc-lí giải tác phẩm rồi.
Trong quá trình tiếp nhận đọc-lý giải tác phẩm, sự phân tích của chúng ta đối kết cấu văn bản trần thuật cũng không biệt lập với nhau, chúng là đồng thời, tương hỗ tương thành (productive). Về mối quan hệ hỗ động giữa hai phương diện kết cấu (trần thuật và hình tượng) trong tiếp nhận đọc, chúng tôi đã phân tích qua. Nếu như tiến thêm một bước, suy nghĩ đến sự phân biệt hai bình diện ngữ nghĩa và ngữ đoạn, thì chúng ta có thể nói thêm rằng - hành vi đọc tiếp nhận tác phẩm khiến cho chuỗi ngôn từ trần thuật tuyến tính chuyển hoá thành một bức tranh, nói đúng hơn là một cuốn phim, một thế giới hình tượng. Kết cấu trần thuật mặt chữ trên giấy thông qua sự đọc chuyển hoá thành kết cấu lập thể trong kí ức cá nhân. Chúng tôi cho rằng mọi hành động phê bình - đọc tác phẩm đều thế tất phải đề cập đến việc nhận thức, phân tích kết cấu tác phẩm. Mọi vấn đề của phê bình văn học xưa hay nay, từ thuyết mô phỏng của thi học truyền thống châu Âu đến việc sử dụng, tìm hiểu điển tích điển cố, văn liệu trong từ chương học và phê bình khảo cứu Trung Hoa; từ cách đọc văn bản tác phẩm cụ thể trong thế tương giao với các văn bản khác (đồng đại hoặc lịch đạ i- cách đọc intertextualitté) cho đến mĩ học tiếp nhận... tất thảy đều - tự giác hay bản năng, bị cuốn hút vào trong quá trình nhận thức và phân tích kết cấu. Thực ra sử dụng điển cố, môtip hoặc cách đọc liên văn bản càng được giải thích một cách triệt để hơn trong lí luận liên văn bản của M.Bakhtin. V.Shklovsky từng nói rằng, một loạt tác phẩm văn học khác cũng như năng lực liên tưởng của độc giả mỗi thời đại tạo cho chúng ta một bối cảnh văn hoá để đọc hiểu một tác phẩm văn học cụ thể.
Nói tóm lại, sự phân định kết cấu văn bản trần thuật và kết cấu hình tượng là một thao tác đối lập nhị nguyên luận (binaryopposition). Thế nhưng chúng ta không thể tôn sùng một thứ nhị nguyên luận (binaisime) tuyệt đối. Bởi vì, cho dù là trong quá trình sáng tác hay trong quá trình đọc, hai bình diện kết cấu luôn là hỗ động, đồng thời, tồn tại dựa vào nhau. Hai bình diện kết cấu tồn tại trong một quan hệ chuyển hoá lẫn nhau.
Ngoài ra, khi nói đến kết cấu hình tượng tác phẩm, chúng ta còn phải đặc biệt chú ý đến tính đặc thù của kết cấu văn học. Có thể nói, bất cứ một nghệ thuật kiến lập trên cơ sở tổ hợp kí hiệu, đều là sản phẩm của các quan hệ kết hợp và liên tưởng. Nhưng văn học khác với các nghệ thuật khác ở chỗ, nó không phải là hệ thống tượng trưng cơ sở mà là một hệ thống tượng trưng thứ cấp. Trên một một ý nghĩa nhất định mà nói, nghệ thuật văn học không giống với những các nghệ thuật trực tiếp sử dụng kí hiệu trực quan, khả cảm như hội hoạ, điêu khắc... Văn học sử dụng ngôn từ làm môi giới/công cụ/chất liệu nghệ thuật, mà văn bản tác phẩm văn học cũng khác với ngôn từ phổ thông hay văn xuôi thực dụng. Cái gọi là ngôn từ lời nói dùng để/dùng trong sáng tác văn chương không bao giờ là thứ có sẵn, hiểu theo nghĩa vật chất kiểu không dùng thì để đó. Hiện nay, từ cách đặt vấn đề to tát phong cách ngôn ngữ một tác giả cho đến việc nêu thành một mục nhỏ trong phần tìm hiểu hình thức tác phẩm sau khi đã phân tích phương diện nội dung - mục ngôn ngữ hoặc lời văn trong các bài làm văn, luận văn suy cho cùng chỉ là những việc không sai mà cũng chẳng đúng, vô thưởng vô phạt, quen thuộc chả kém gì câu cửa miệng của giảng văn ngày nay – "thông qua tác phẩm này nhà văn đã nói lên…" hoặc "chỉ có vỏn vẹn mấy từ mà nhà văn đã vẽ lên hình ảnh bức tranh…" Chúng ta phải biết rằng trong văn chương, đặc biệt trong tiểu thuyết, không một phát ngôn nào, câu nói nào có thể được hiểu một cách trực tiếp như là một câu nói trong sinh hoạt thực tế (việc chú thẳng tên nhà văn bên dưới một câu nào đó dẫn trích từ tiểu thuyết của ông ta lại là một chuyện khác). Điều này khiến cho tác phẩm văn học khác biệt với các tác phẩm nghệ thuật khác về bản chất và đặc trưng kết cấu. Việc kết hợp chuyển hoá giữa văn bản và hình tượng đã nói ở trên suy cho cùng được thực hiện thông qua sự đọc (phê bình nghiên cứu trên thực tế cũng là một sự đọc đặc thù, đọc chuyên nghiệp). Lí luận của Tz.Todorov trình bày trong Poétique cũng như lí luận về sự "cụ thể hoá" tác phẩm văn học của nhà mỹ học Ba Lan Ingarden và lí thuyết "cấu trúc mời gọi của tác phẩm văn học" đề xuất bởi Wolfgang Iser, đại biểu của mĩ học tiếp nhận Đức - càng giúp ta thấy rõ hơn điều đó.
Chúng tôi sẽ cố gắng lược đồ hoá nội dung toàn bộ vấn đề thành lược đồ dưới đây :
3. MỞ RỘNG LÝ THUYẾT KẾT CẤU ĐỒNG ĐẲNG CỦA JACOBSON SANG LĨNH VỰC TIỂU THUYẾT
Vấn đề "Nguyên tắc đối đẳng kết cấu" được R.Jacobson (1896-1982) khởi xướng khi nghiên cứu thơ. Nói một cách ngắn gọn "nguyên tắc đối đẳng" chính là hoạt động kết cấu đem các yếu tố trên trục lựa chọn (trục ngữ nghĩa) chiếu xạ, ứng hiện, sắp xếp ra trên trục tổ hợp (trục tuyến tính), tạo nên một sự tiếp nhận đối đẳng. Theo cách hiểu của chúng tôi, điều đó cũng khiến cho chức năng lựa chọn (substitution) có tính chất tiềm tại có thể biểu hiện ra trên trục kết hợp có tính chất tiếp nối (contiguity). Mai Tổ Lâm và Cao Hữu Công phát triển và bổ cứu luận đề của Jacobson trong nghiên cứu luật thi Trung Hoa. Nhân tiện hai học giả cũng nêu vấn đề có khả năng vận dụng nguyên tắc trên vào các phạm vi bên ngoài thơ. Gợi ý đó cổ vũ chúng tôi thử nghiệm vấn đề nghiên cứu kết cấu tiểu thuyết theo tinh thần lí thuyết đối đẳng của ngôn ngữ học cấu trúc luận. Như đã nói, thuyết nguyên tắc đối đẳng trong kết cấu thơ được khởi xướng bởi Jacobson. Công trình Đường thi ma lực đã triển khai luận điểm của Jacobson vào thực tiễn thơ cổ điển Trung Hoa. Tác giả Mai Hữu Công và Mai Tổ Lâm trích dẫn Jacobson:
Đặc biệt đáng chú ý là, cái đặc trưng nội tại mà một bài thơ không thể thiếu được là gì? Muốn trả lời câu hỏi này, chúng ta phải nhớ lại hai loại mô hình sắp xếp được sử dụng trong trong hành vi ngôn ngữ: lựa chọn và tổ hợp. Nếu chủ đề của một đoạn văn là "trẻ em", thì người nói sẽ lựa chọn một danh từ ít nhiều tương tự trong các vốn từ hiện có, như trẻ con (child), nhi đồng (kid), cậu bé (youngster), đứa bé (tot), tất cả những từ này đều đẳng trị trên một phương diện nào đó. Tiếp theo, khi trần thuật về chủ ngữ đó, người nói có thể lựa chọn một vị ngữ cùng loại như ngủ (sleeps), ngủ thiếp (dozes), ngủ gật (nods), chợp mắt (naps). Cuối cùng đem từ đã lựa chọn dùng một chuỗi lời tổ hợp lại. Sự lựa chọn nảy sinh trên cơ sở đồng đẳng, trên cơ sở giống nhau và khác nhau, đồng nghĩa và trái nghĩa; còn trong quá trình tổ hợp, việc xây dựng trật tự lời nói thì dựa vào cơ sở kề nhau. Chức năng của thơ là đem nguyên tắc đồng đẳng từ quá trình chọn lựa chuyển vào quá trình tổ hợp. Đồng đẳng trở thành biện pháp tạo thành trật tự của lời thơ. Trong thơ một âm tiết có thể đồng đẳng với một bất kỳ một âm tiết nào khác trong cùng một trật tự lời thơ, trọng âm với trọng âm, phi trọng âm với phi trọng âm, âm dài với âm dài, âm ngắn với âm ngắn, giới hạn từ với giới hạn từ, không có giới hạn từ với không có giới hạn từ, chỗ ngừng cú pháp với chỗ ngừng cú pháp, không có chỗ ngừng với không có chỗ ngừng đều phải ngang nhau. Âm tiết biến thành đơn vị đo lường, âm ngắn và trọng âm cũng như vậy.
Trên đây là một đoạn kinh điển mà Jacobson viết để giải thích vấn đề nguyên tắc đối đẳng trong kết cấu thơ. Bây giờ đây, vấn đề đặt ra cho chúng tôi là - có thể vận dụng nguyên tắc đối đẳng vào trong nghiên cứu kết cấu tiểu thuyết được hay không? Đáp án là có thể. Chúng tôi khẳng định vấn đề từ các hướng như sau:
1. Thuyết nguyên tắc đối đẳng được đề xuất trực tiếp ở lĩnh vực thơ. Thế nhưng lí luận này chính là thiết lập trên sự đối lập giữa một bên là ngôn ngữ phổ thông với một bên là các thể loại ngệ thuật ngôn từ. Tác giả Đường thi ma lực tổng kết về vấn đề này: "R.Jacobson đặc biệt chỉ ra hai điểm khác biệt giữa ngôn ngữ phổ thông và ngôn ngữ có tính thơ: 1) Trong ngôn ngữ phổ thông hàng ngày, nguyên tắc đối đẳng hoạt động ở bên ngoài chuỗi ngôn từ kết hợp tuyến tính (tức cũng là nói nguyên tắc đồng đẳng phát huy tác dụng trong bình diện ngôn ngữ chứ không phải là trong bình diện lời nói. Phần in đậm do chúng tôi nhấn mạnh - LTT), còn trong ngôn ngữ có tính thơ (hoạt động nghệ thuật ngôn từ) nguyên tắc đối đẳng lại phát huy tác dụng trực tiếp ngay trong chuỗi lời trên văn bản. 2) Trong ngôn ngữ thông thường, ngữ pháp liên kết các thành phần ngôn ngữ tương cận, còn trong ngôn ngữ tính thơ, sự hạn định của ngữ pháp tỏ ra không thích hợp nữa; các thành phần ngôn ngữ không tương cận có thể thông qua nguyên tắc đối đẳng kết hợp lại với nhau thành một văn bản nhất định." (Đường thi ma lực, tr.122; bản dịch tiếng Việt Sức hấp dẫn của thơ Đường, tr.222).
Điều rõ ràng là, tiểu thuyết đương nhiên cũng thuộc phạm vi ngôn ngữ tính thơ, vì vậy không có lí do gì để có thể cự tuyệt việc vận dụng nguyên tắc đối đẳng vào trong việc nghiên cứu tiểu thuyết. Thực ra thậm chí nếu ta coi toàn bộ một nền văn hoá là kho ngôn ngữ tiềm tại của mỗi một văn bản tác phẩm tự sự cụ thể thì ta càng có điều kiện xem xét tác dụng của nguyên tắc đồng đẳng (hiểu theo nghĩa rộng). Nguyên tắc đồng đẳng lúc đó sẽ khiến cho các tác phẩm đó tham gia vào trong cấu trúc của cả một nền văn hoá. Đây chính là lúc ta thấy việc viện dẫn các điển cố-điển tích, việc chế biến các mô tip văn học, việc sử dụng có biến hoá các "giai thoại", các "tích chuyện", việc khảo cứu các nguyên mẫu nhân vật, việc mô phỏng hình thức thể loại, việc giễu nhại đề tài giữa các tác phẩm... tất cả những thứ đó đều chứng minh cho sự tồn tại của quan hệ đối đẳng nào đó giữa tác phẩm mà ta đang đọc với các nhân tố khác hiện diện trong nền văn hoá. Quan hệ đối đẳng không ngừng được mở rộng và đào sâu tuỳ vào độ trưởng thành văn hoá của kẻ tiếp nhận. Ngưỡng văn hoá đọc càng cao thì liên tưởng đối đẳng đó càng phong phú. Mặt khác, đối với độc giả mà nói, trong quá trình đọc một tác phẩm, các yếu tố tương cận (chương này với chương kia, nhân vật và nhân vật, các câu chuyện nhỏ trong tiểu thuyết, thậm chí từng từ với từng từ, đoạn trước và đoạn sau...) trong văn bản tiểu thuyết đều thông qua nguyên tắc đối đẳng mà tập hợp thành hình tượng truyện.
Vả chăng, như chính tác giả Đường thi ma lực đã nói - "nguyên tắc đối đẳng chỉ là một nguyên tắc mà thơ ca tuân theo" (tr.144), trong thơ cũng còn phải vận dụng phương thức kết nối suy lí (vốn là phổ biến trong cú pháp văn xuôi). Liên cuối của thất ngôn bát cú Đường luật chẳng hạn là một ví dụ. Rõ ràng thơ và tiểu thuyết trên phương diện tổ chức kết cấu ngôn từ không phải tồn tại một sự đối lập nước lửa. Phê bình của Mai Tổ Lâm và Cao Hữu Công (Đường thi ma lực, tr.181) đối với Jacobson càng khiến chúng tôi không còn băn khoăn gì trong dự định vận dụng nguyên tắc đối đẳng vào nghiên cứu kết cấu tiểu thuyết. Hai ông nói: "Nếu mở rộng nguyên tắc đối đẳng vào phạm vi ngoài thơ, chúng ta liền bước từ văn bản thẳng đến bối cảnh, và hệ quả sẽ là sự vất bỏ quan điểm cơ bản của ngôn ngữ học cấu trúc luận và trường phái phê bình mới. "Hệ quả đó – sự vứt bỏ quan điểm cơ bản của ngôn ngữ học cấu trúc luận có thể xảy ra hay không chúng tôi không dám lạm bàn. Điều chắc chắn là nếu mở rộng nguyên tắc đối đẳng, chúng ta quả thật sẽ bước thẳng từ văn bản (hiểu là một bài thơ, một thiên truyện, cuốn tiểu thuyết) vào bối cảnh lớn – tiếp nhận văn hoá tổng thể.
2. Vậy thì trong phạm vi tiểu thuyết, vận dụng lí thuyết nguyên tắc đối đẳng vào bình diện nào càng tỏ ra thích hợp nhất? Jacobson cũng như Cao Hữu Công và Mai Tổ Lâm quan sát hoạt động chuyển hoá xâm nhập từ "quá trình lựa chọn" vào "quá trình tổ hợp" của nguyên tắc đối đẳng chủ yếu ở trên trục tổ hợp (văn bản bài thơ), tức cũng chính là phát hiện sự chiếu xạ của nguyên tắc đối đẳng trên chuỗi ngôn từ văn bản. Jacobson nói nguyên tắc đối đẳng trở thành thủ pháp kết cấu của chuỗi câu thơ. Thế nhưng nếu chúng ta mở rộng vấn đề một chút, chúng ta sẽ thấy được, trong tiểu thuyết thủ pháp này (nguyên tắc đối đẳng) lại phát huy mạnh trong cấu trúc hình tượng tác phẩm chứ không chỉ biểu hiện trên trục tổ hợp của chuỗi trật tự ngôn từ (tức kết cấu văn bản trần thuật mà chúng tôi đã nói ở trước). Điều đó có nghĩa là, chúng ta trong quá trình đọc - quá trình đem chuỗi trật tự ngôn từ văn bản một tiểu thuyết chuyển hoá thành hình tượng sống động, cũng sẽ đồng thời quan sát được hoạt động của nguyên tắc đối đẳng trong tư cách là một thủ pháp kết cấu của thế giới hình tượng.
Có không ít những tác phẩm mà tác giả của chúng dường như không muốn dùng các thủ pháp ám thị dòng tự sự biên niên tính của câu chuyện tiểu thuyết. Sự trần thuật có tính chất suy luận phân tích nhằm chỉ rõ các quan hệ chuyển tiếp thời gian cũng như quan hệ nhân quả vốn rất căn bản trong văn xuôi tự sự ngược lại bị "mờ nhạt" đi một cách cố ý hoặc nói cách khác, quan hệ ngữ đoạn trên trục tổ hợp không mạnh. Tình hình đó khiến cho các thành phần trần thuật tương cận trực tiếp kết nối cũng cứ dễ dàng được đồng đẳng hoá, còn những hình tượng cách xa nhau (ví dụ hai nhân vật không quen biết nhau, hai cảnh trần thuật, thậm chí hai chi tiết, hai câu nói ở những chương, tập cách nhau rất xa) do một quan hệ tương đồng/ tương dị hết sức kín đáo và hàm súc nào đó mà trở nên đối đẳng với nhau trên trục liên tưởng (association). Đó chính là sự biểu hiện cụ thể của hoạt động nguyên tắc đồng đẳng trong kết cấu hình tượng tác phẩm tự sự.
Không phân biệt rõ hai bình diện của kết cấu tác phẩm - kết cấu văn bản trần thuật thao tác trên trục tổ hợp và kết cấu hình tượng thao tác trên trục liên tưởng, càng không chú ý đến quan hệ chuyển hoá giữa hai bình diện đó đã trở thành một thực tế trong nghiên cứu kết cấu tác phẩm tự sự bằng lời hiện nay.
Như đã nói ở trước, tổ chức hệ thống tiết đoạn bố cục được gọi khái quát thành kết cấu văn bản trần thuật chính là một sự viết ra - hoặc nói văn tự hoá, vật chất hoá của cấu trúc tác phẩm. Chỉ trên cơ sở phân tích được phương diện kết cấu văn bản trần thuật mới có thể xác định được kết cấu hình tượng mà rường cột là hệ thống nhân vật-sự kiện. Trong mỗi tác phẩm cụ thể, quan hệ ngữ đoạn (in praesentia) và quan hệ ngữ nghĩa (in absentia) là tồn tại tương hỗ. Trong quá trình tiếp nhận tác phẩm hai quan hệ đó chuyển hoá lẫn nhau. Tz. Todorov đã nói đến vấn đề này trong Poétique de la Prose: "Sự chuyển hóa của văn bản tuyến tính thành thế giới tưởng tượng có thể thực hiện được nhờ một số lượng lớn những thông báo có trong văn bản. Tất nhiên số lượng dù lớn song cũng không phải là tất cả (đây chính là "sự công thức hóa" của văn bản văn học mà Ingarden đã đề cập đến) bởi vì tên của "sự vật" không bao giờ nói hết được về bản thân sự vật."
Trước đó, khi bàn đến việc phân tích văn bản văn học, Todorov đã chỉ rõ: "Trước hết chúng tôi phân chia tất cả các kiểu tương quan và quan hệ trong văn bản văn học mà chúng tôi quan sát được thành hai nhóm lớn: một là những quan hệ của các yếu tố cùng hiện diện trong văn bản (những quan hệ inpraesentia), hai là những quan hệ giữa các yếu tố hiện diện trong văn bản và các yếu tố vắng mặt trong đó (những quan hệ in absentia). Những quan hệ này khác nhau cả về bản chất, cả về chức năng mà chúng thực hành.
Cũng như mọi sự phân chia nói chung, việc phân chia ở đây không thể xem là tuyệt đối. Các yếu tố về hình thức là vắng mặt trong văn bản, song đôi khi lại hiện diện một cách hết sức rõ ràng trong kí ức tập thể độc giả ở một thời đại nhất định, và như vậy là thực tế là chúng ta gặp ở đây loại quan hệ in praesentia. Ngược lại, những phần khác nhau của một cuốn sách dài nằm ở những quãng cách rất xa nhau, khi ấy thì quan hệ giữa chúng thực ra không khác mấy với loại quan hệ in absentia. Tuy vậy, sự phân chia này cho phép chúng ta thực hiện việc phân loại bước đầu đối với các yếu tố cấu trúc của tác phẩm văn học".
Trường hợp thứ hai mà Todorov đề cập đến - trường hợp quan hệ in praesentia của các yếu tố cách xa nhau trên một văn bản có khả năng chuyển hoá thanh quan hệ in absentia - theo chúng tôi chính là hiện tượng mà ngôn ngữ học gọi là quan hệ đồng liệt liên tưởng (cordination asociative). Điều này không quá khó hiểu, nó cũng là kinh nghiệm chung của những ai đã đọc những bộ tiểu thuyết dài hơi. Nói riêng về trường hợp thứ hai. Chúng tôi cho rằng trong trường hợp này mà nói, tất cả việc sử dụng điển cố- điển tích, lối viết/đọc vận dụng tính chất liên văn bản (intertualité), cả hình thức tác giả hay nhà xuất bản chú thích trong văn bản tác phẩm, sự tiếp nối trong liên tưởng giữa các nhân tố trong văn bản với các yếu tố ngoài văn bản hình thành do chẳng hạn, lời bình điểm (đặc biệt là văn bản tác phẩm in kèm lời bình giữa các hàng. Các bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc hầu hết đều có những bản bình điểm nổi tiếng) đều có thể xem là ví dụ về việc quan hệ in praesentia chuyển hoá thành quan hệ in absentia.
Thêm một điểm nữa, chúng ta không nên tuyệt đối hoá sự phân biệt quan hệ in praesentia giữa các yếu tố đồng hiện trong một văn bản tác phẩm và quan hệ giữa các yếu tố đồng tồn trong văn bản này với các yếu tố vắng mặt trên văn bản (nhưng hiện diện trên trục liên tưởng). Trong những văn bản tiểu thuyết dài hơi, hai yếu tố cách nhau rất xa - đến mức có lúc độc giả "quên" sự tồn tại của chúng - lại có khả năng bị "kéo" lại bên nhau trong chốc lát khi đọc sách. Mượn thuật ngôn ngữ học mà nói, đó chính là hiện tượng liên tưởng theo trục tổ hợp chiều ngang (asociation suntagmatique). Lúc đó quan hệ giữa các yếu tố này vẫn là quan hệ in praesentia. Vì vậy chúng tôi mạnh dạn cho rằng vận dụng thuyết nguyên tắc đối đẳng giải thích hai nhóm quan hệ in praesentia và in absentia trong cấu trúc tác phẩm văn học có lẽ sẽ linh hoạt, uyển chuyển hơn là dùng khái niệm chuyển hoá giữa hai mối quan hệ để thuyết minh vấn đề cấu trúc kết cấu tác phẩm tự sự. Vậy thì hoàn toàn có thể nói trong thơ trữ tình hay trong tác phẩm truyện, dù ở trên kết cấu văn bản trần thuật thể hiện quan hệ ngữ đoạn hay trong kết cấu hình tượng thể hiện quan hệ ngữ nghĩa, chúng ta đều nhận thấy hoạt động của nguyên tắc đối đẳng tham gia vào kết cấu tác phẩm. Tác phẩm hiểu theo nghĩa văn bản văn tự kinh qua sự đọc mà trở nên. Còn kết cấu do vậy cũng phải được hiểu là không chỉ là chuyện của một mình tác giả. Sáng tác và tiếp nhận suy cho cùng đó đều là kết cấu. Không hiểu như thế, mọi phân tích về kết cấu tác phẩm văn học cùng lắm cũng chỉ là những mô tả hình học phẳng trong lúc đối tượng của ta cần một sự tưởng tượng của hình học không gian, thậm chí là hình học không gian xạ ảnh. Mượn cách nói của vật lí học, hoàn toàn có thể nêu câu hỏi - Trong cái vũ trụ của lời-nói-viết-đọc, nghiên cứu kết cấu tác phẩm văn chương có khác gì sự kết hợp thuyết tương đối với cơ học lượng tử mà vật lí học đương đại đang cố gắng?
Lê thời-tân
2004-2008
Chú Thích:
1 Chúng tôi phân biệt cách dùng hai thuật ngữ văn bản (text) và thoại ngữ (disscours).
2.Terence Hawkcs, Chủ nghĩa cấu trúc và ký hiệu học, Thượng Hải dịch văn xuất bản xã, 1997.
3.Trần Đình Sử, Chương XV - Kết cấu tác phẩm văn học trong sách Lý luận văn học, Nxb.Giáo dục, 2002 (tập thể tác giả).
4.Xin xem, chẳng hạn: Trịnh Bá Đĩnh, Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Trung tâm quốc học-Nxb.Văn học.
5. Phân tích tác phẩm truyện và tiểu thuyết trong các cấp học hiện nay như chúng tôi đọc thấy thường vẫn là một thứ làm thịt để dọn bữa gần như cùng một thực đơn. Đại thể thì trước lúc dọn bữa theo cùng một dàn bài đó cũng có mời khách món khai vị quen thuộc - tóm tắt tác phẩm. Còn như phân tích một hình tượng nhân vật thì như là đang phân tích một người với hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân có thật ngoài đời chứ không phải là như đối với một con người trên trang giấy. Các tiêu chí phân tích nội dung tác phẩm và hình tượng nhân vật phần đa đều nhuốm mùi đạo đức-xã hội học. Kết quả là các thầy cô cảm thấy đó không phải là văn khoa, khá lắm thì cũng chỉ là một thứ từ chương học. Giảng văn như MC dẫn chương trình, không hiếm khi còn khiến người nghe liên tưởng đến phong cách của những người chủ hôn đám cưới. Học sinh thì hoặc là thấy học văn quá khó hoặc lại cho cái hay cái đẹp của văn chương chẳng qua là mấy phép tu từ.
6. R.Jacobson, Closing Statement: Linguisitcs and Poetcs in trong Style in Language, biên tập bởi Thomas A. Sebeoc. Cambridge, Mass.: MIT Press, 1960. Liên quan đến cấu trúc luận ngôn ngữ học Jacobson, có thể xem thêm R.Jacobson, Two types of language and Two Types of Aphasic Disturbances in trong Slected writings, II (the Hague: Mouton, 1971). La Cương trong Chương I sách Tự sự học đạo luận (Vân Nam xuất bản xã, 1999) có giới thiệu khái quát các luận điểm căn bản của Jacobson.
7. Mai Tổ Lâm&Cao Hữu Công, Đường thi ma lực, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1998 (Bản dịch tiếng Việt: Sức hấp dẫn của thơ Đường của Trần Đình Sử và Lê Tẩm, Nxb. Văn học, 2000). Cao và Mai lần đầu tiên vận dụng nguyên tắc đối đẳng vào nghiên cứu thơ luật Trung Quốc trong bài Đường thi ngữ ý, công bố trên Harvard Journal of Asiatic Studies, 38(1978). Công trình này không chỉ là một cột mốc trên con đường vận dụng ngôn ngữ học hiện đại vào nghiên cứu thơ Đường, đồng thời cũng là một bổ sung có giá trị cho lý luận Jacobson. Bản dịch tiếng Trung đầu tiên công trình này đăng trong Hoàng Tuyên Phạm, Phiên dịch dữ ngữ ý chi gian, Đài Bắc, Liên Kinh, 1976.
8. Trong quá trình tiếp xúc với một số tác phẩm văn học tự sự cổ điển Trung Quốc chúng tôi nhận thấy biểu hiện rõ rệt của nguyên tắc kết cấu đối đẳng trong rất nhiều tác phẩm lớn. Chúng tôi cho rằng, nếu có thể vận dụng nguyên tắc đối đẳng của Jacobson vào tìm hiểu kết cấu tác phẩm tự sự, mà ở đây là tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc thì rất có khả năng Nho lâm ngoại sử là ví dụ thích hợp nhất. Nho lâm ngoại sử chính là một cách tân về mặt kết cấu trong lịch sử tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Trong một thời gian rất dài cuộc cải cách đó đã không có người tiếp nối. Lỗ Tấn dường như phần nào cảm nhận được điều này khi cho rằng Nho lâm ngoại sử là một hiện tượng hi hữu không người tiếp nối (nguyên văn "dĩ thành tuyệt hưởng"). Nho lâm ngoại sử bản dich tiếng Việt Chuyện làng Nho (Phan Võ-Nhữ Thành dịch).
9. Nguyên văn tiếng Anh: "The poetic function projects the principle of equivalence from the axis of seletion into the axis of combination". "the principle" trong tiếng Hán còn được dịch là "nguyên lí". Theo sự lựa chọn của cá nhân, chúng tôi tán đồng cách dịch "nguyên lí" trong trường hợp nói về hành vi ngôn ngữ phổ thông - nhấn mạnh ý khách quan. Ngược lại khi bàn đến hành vi ngôn ngũ tính thơ (sáng tác nghệ thuật ngôn từ) có thể dịch thành "nguyên tắc". Nhân tiện nói thêm, bản dịch tiếng Việt - Sức hấp dẫn của thơ Đường- sử dụng cụm từ "nguyên tắc đồng đẳng". Chúng tôi vẫn gọi nhất quán trong suốt bài viết này cách gọi "nguyên tắc đối đẳng". Độc giả có thể tham khảo Cao Xuân Hạo. Giáo sư dịch từ tiếng Pháp: "Chức năng thi ca đem nguyên lí tương đương của trục tuyển lựa chiếu lên trục kết hợp".
10 . Tác giả bài Luận về hành vi ngôn ngữ cũng có một sự phân biệt "cách dùng có tính thơ đối ngôn ngữ" (a poetical use of language) và "sự vận dụng ngôn ngữ trong thơ" (the use of language in poetry). Xin xem Lí luận phê bình văn học: Từ Platon đến nay, Bắc kinh đại học xuất bản xã, tr.123.
11. Đó có lẽ là điểm khác nhau giữa tiếp nhận âm nhạc và tiếp nhận tự sự ngôn từ cho dù cả hai đều là những nghệ thuật thời gian. Mặc dù văn xuôi tự sự có cái quán tính dắt câu chuyện cũng như người theo dõi "xuôi" đến một điểm dừng – cái điểm mà ta vẫn thường thấy nơi trang cuối cùng của một cuốn tiểu thuyết, trang có một chữ "HẾT" viết in, trong lúc diễn tấu bản nhạc có thể luyến láy tô đi vẽ lại làm hình thành nên cái tạm gọi là hình tượng giai điệu. Về mặt này mà nói nhạc và thơ lại gần gũi nhau hơn. Thơ không phải là "xuôi" câu nối câu theo dòng câu chuyện, mà là "lộn lại" hàng gióng hàng soi ngắm các hình ảnh cảm xúc. Đây chỉ là cảm nhận sơ sài của chúng tôi – độc thính giả nghiệp dư nhưng là người từng đọc kỹ những đoạn như "Ngay các nhà âm nhạc học cũng đã thấy rõ rằng chiều thời gian chỉ là một cái khung chất liệu cho âm nhạc mà thôi, vì tuy âm nhạc chính là "sự khải thị của thời gian", song trên bình diện mỹ học, âm nhạc lệ thuộc rất nhiều vào cấu trúc của chính nó, và một giai điệu không thể coi chỉ như là một chuỗi âm thanh kế tiếp trong thời gian, vì "âm thanh tồn tại đồng thời với kỷ niệm của nó, và kỷ niệm của một âm thanh vẫn còn là một âm thanh". … …" (Đây là đoạn mà Cao Xuân Hạo viết để phản biện lại ý so sánh trong dòng ngữ lưu "…Tất cả chỉ trải dài trên một tuyến, cũng giống như trong âm nhạc vậy" của Saussure. Xin xem Ferdinand De Saussure, Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Nxb. KHXH, bản in 2005, tr.20~21. Đoạn trên dẫn từ Lời nói đầu của người dịch).
12. Tiến thêm một bước, chúng tôi nêu vấn đề nguyên tắc đồng đẳng có thích hợp với các văn bản tự sự của văn học Trung quốc cổ hay không? Nhìn chung, các văn bản tự sự Trung Quốc so với tiểu thuyết phương Tây có lẽ càng tỏ ra thích hợp với việc phân tích kết cấu theo nguyên tắc đối đẳng cấu trúc luận. Mọi người đều thừa nhận, thơ trữ tình với phương thức tư duy không gian vật tượng tính chiếm một địa vị rất cao trong văn hoá Trung Hoa. Ảnh hưởng của một truyền thống thơ ca thâm hậu như thế vào trong nhiều tầng văn hoá, trong đó có văn xuôi tự sự là một điều rõ ràng. C.Jung từng dùng cụm từ "tính đồng đại" để miêu tả phương thức tư duy của người Trung Quốc. Tất cả những điều đó đều tác động một cách sâu sắc đến kết cấu tiểu thuyết Trung Quốc. Ngô Kính Tử có lẽ là một tác gia tiêu biểu nhất trong số các tiểu thuyết gia cổ điển Trung Hoa tự phát hoặc có ý thức vận dụng nguyên tắc đối đẳng trong cấu trúc tiểu thuyết của mình. Cảm giác không gian vật tượng tính mà Nho lâm ngoại sử để lại cho người đọc là rất rõ nét. Đương nhiên ta cũng còn có thể nghĩ đến Sử Ký của Tư Mã Thiên mặc dù truyền thống vốn không xem đó là một cuốn tiểu thuyết.
13. Về các khái niệm quan trọng này xin xem lại từ Ferdinand De Saussure, Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Nxb.KHXH, bản in 2005. Chúng tôi đặc biệt dẫn ra đây một đoạn trong Lời nói đầu của người dịch: "Dĩ nhiên Saussure, dù muốn dù không, cũng phải thừa nhận rằng trục kết hợp (axe syntagmatique) không phải chỉ có những mối quan hệ tuyến tính (cái trước cái sau). Giữa một hình vị được thể hiện bằng một nguyên âm và một hình vị được thể hiện bằng một sự chuyển biến âm sắc (umlaut), giữa một câu và một ngữ điệu, sự kết hợp đều đồng thời. Trục kết hợp là trục của những quan hệ in praesentia. Nó không hề bao gồm trật tự kế tiếp trong thời gian như một điều kiện tiên quyết." (tr.22; Cao Xuân Hạo).
14. Tzvetan Todorov, Poetique de la Prose, Paris: Seuil, 1971. Hai đoạn trích trên dẫn theo Trịnh Bá Đĩnh, Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb.Văn học-Trung tâm nghiên cứu quốc học, tr.467 và 457.
15. Các thuật ngữ này dẫn từ Giáo trình ngôn ngữ học đại cương lần III (Ferdinan de Saussure: Troisième cours de linguistique générale). Đỗ Hữu Tường dịch, Thượng Hải nhân dân xuất bản xã, 2002. Ở ta đã từng có bản dịch Cours de linguistique générale của Cao Xuân Hạo. Hy vọng sẽ có thêm bản dịch Troisième cours de linguistique générale.