- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Máu Quỷ Luân Lưu

25 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 29899)

w-pdf-hl95final3-final5pdf-100-271_0_134x300_1Tám giờ sáng ngày thứ Bẩy, trong căn phòng nhỏ hình hộp vuông chật hẹp của khu chung cư ẩm thấp, tối tăm, và nghèo nàn, có hai bóng người đang ngồi đối diện bên bàn ăn kê sát ngay bên khung cửa sổ bằng kiếng. Trên mặt bàn gỗ loang lổ những vết cáu bẩn là một chung trà nhạt loãng màu vàng và một ly càfe đậm đặc. Thành phố vào xuân, trời bắt đầu mưa. Mây xám kéo tới nhuộm đen kịt một khoảng trời. Bên ngoài khung cửa sổ, mưa cuối tháng Tư nặng hạt đào xới đất cỏ khu phố, mưa lay động rác rưởi phủ che con đường nhựa chạy ngang qua khu chung cư. Bên trong khung cửa sổ, ánh vàng héo úa trên trần nhà buông rơi chiếu đục hai khuôn mặt, mẹ già mặt xương xương khắc khổ, con mặt trái trứng gà con so tối xám. Hai khuôn mặt vừa uống vừa nói chuyện, câu chuyện thỉnh thoảng có những đoạn ngắt quãng tương tự như rạp hát rẻ tiền tối ám đang chiếu phim đen trắng của những thập niên ba mươi. Thoạt tiên là chuyện trong hãng xưởng, chuyện người em gái, dì Nga mới mang bà Hằng vào làm trong hãng Sony hàn chì những cái board chằng chịt chi chít những màng nhền nhện của mạch điện tử, khói chì bay ngập lỗ mũi. Nghe bà Hằng nhắc đến khói chì, Hoàng nói,

- Mẹ phải cẩn thận, khói chì bay vào phổi nguy hiểm lắm!

- Thì chết là cùng chứ gì!!!

Trước câu trả lời lạnh lùng và khuôn mặt bất cần của bà Hằng, Hoàng khựng lại một giây, nhưng rồi cô lại nhanh chóng đổi sang chuyện khác, giọng điệu cố gắng làm ra vẻ tự nhiên,

- Kỳ này mẹ biết chi không, tụi con họp hành liên miên trong bệnh viện, sáng họp, chiều cũng họp, cuối tuần lại họp, họp nhiều đến nỗi nhiều khi con ngủ từ trong ruột ngủ ra, mắt thì vẫn cứ mở thao láo, tai vẫn cứ vểnh lên nghe ngóng, nhưng hồn và xác lơ mơ ngớ ngẩn như người uống thuốc chống bệnh trầm cảm.

Bà Hằng liếc nhìn cái bụng nây nẩy của cô con gái, giọng nhuốm vẻ cay đắng,

- Coi chừng cho lộn toa thuốc. Phước đâu không thấy lại chỉ thấy họa! Cả họ nhà Đào giờ này bỗng dưng trở nên gần như tuyệt tự…

Thế là chấm dứt câu chuyện của hãng xưởng và của bệnh viện.

Bên ngoài trời cao tiếp tục cầm từng gầu nước đổ ướt phố phường. Nhìn màu vàng nhạt của chung trà, nhìn màu đen đặc của ly càfe, rồi nhìn những hạt mưa trắng xóa đang bay xiên xiên bên khung cửa sổ có cây phong vươn cao những nhánh cây, bà Hằng đổi sang chuyện thời tiết,

- Năm nay mưa sớm. Gần một tuần rồi, cái xe tự nhiên trở chứng. Sáng, đề máy, máy nổ khục khặc như người ho lao, rồi tắt ngúm. Nhờ người đưa vào trong tiệm, lúc đó mới biết xe bị chảy nhớt. Xe hư nằm trong tiệm chờ sửa, cho nên không có xe đi làm... Cậy cục vất vả một hồi mới đặt được chân lên sàn nhà của hãng điện tử Sony. Không có tay trong, đố mà vô được. Bây giờ chẳng lẽ chỉ vì cái xe chảy nhớt mà lại mất việc. Hên là nhà còn có chị có em. Mẹ đành phải năn nỉ dì Nga cho quá giang. Gần một tuần rồi, sáng dì Nga đón đi, chiều lại chở về. Hôm qua trời cũng đổ mưa bong bóng vỡ da vỡ thịt, đường trơn như bôi mỡ! Dì Nga lái xe chậm như rùa, thiên hạ bóp còi đòi qua mặt. Nhưng dì ấy mặt vẫn tỉnh bơ, lại còn quay kiếng xe xuống cự nự, "Bộ ở đây có người đi ăn cướp nhà băng hay sao?".

Đoạn phim đen trắng tiếp tục chớp giật những tia sáng và tiếng sè sè của máy quay phim. Bà Hằng bất ngờ cất tiếng hỏi,

- Vậy là cuối năm nay con sẽ làm đám cưới?

Chỉ đợi có thế, Hoàng sốt sắng gật đầu,

- Vâng, tụi con đang mua nhà khu ngoại ô. Đám cưới xong sẽ dọn về nhà mới…

Bà Hằng đưa chung trà lên miệng uống một hớp, giọng vẫn lạnh tanh,

- Bên Mỹ đời sống cá nhân riêng tư. Mẹ già người ta chở thẳng vào viện dưỡng lão cho tiện việc. Nếu cuối năm nay con lập gia đình, mẹ sẽ bỏ căn chung cư này, dọn về ở chung với dì chú Nga. Khỏi phải nhờ vả, làm phiền ai…

Qua khung cửa sổ vương vãi những hạt mưa, Hoàng nhìn thấy một chú chim non đứng rũ cánh bơ vơ trên cành cây phong. Buông nhẹ ly càfe xuống mặt bàn gỗ, cô gái xoa nắn làn da bụng,

- Con muốn mẹ về ở với con. Con hứa cứ mỗi cuối tuần, mặc cho mưa bão trơn trợt đường phố, mặc cho công việc bận rộn trong bệnh viện, con sẽ không để dì Nga đưa đón mẹ đi làm nữa...

Bà Hằng cười nhếch mép, nửa đùa nửa thật,

- Cô có chắc hay không?

Hoàng gật đầu, ánh mắt cương quyết,

- Mẹ hay nói tính con giống y như tính của bà ngoại, không hay nói chuyện giỡn chơi.

Bà Hằng tự dưng thở dài, khuôn mặt trở nên trầm tư xa vắng,

- Bà ngoại cứ hay nói, "Một mẹ nuôi được mười con, nhưng mười con không nuôi nổi một mẹ". Nói đâu xa xôi, ông bà cụ sinh ra bà ngoại đó, cụ bà chịu đau rứt ruột sinh ra được bẩy người con, bỏ mất bốn, trong đó bà ngoại là chị cả. Ông bà cụ nuôi đủ ba người, hai cậu con trai học thành tài, cậu Hai học ở Pháp, cậu Út tốt nghiệp đại học tại Mỹ, rồi gả chồng lấy vợ đầy đủ cho một cô con gái và hai cậu con trai. Cậu lớn học ở Tây về, lấy gái Hà Nội, phố hàng Đào, đám cưới lớn nhất tổng, nơi nơi nức tiếng đám cưới giết mấy bò mổ bao nhiêu heo, dựng rạp lớn hơn cả rạp của tuồng chèo trên Hà Nội kéo về múa hát trong ngày hội thánh Trần của làng. Trước ngày rước dâu, làng xóm xôn xao bởi có người nhìn thấy rùa vàng to bằng cái phản bơi lội trên dòng sông Cái ngay khúc uốn cong như hình rồng vàng băng ngang qua làng. Làng này thời trước đã có thầy địa lý đi ngang qua, nhìn địa thế của làng nằm cạnh con sông, đã từng phán, "Làng uốn cong theo con nước mang hình rồng vàng, đúng ra đất này linh địa. Nếu có thêm rùa vàng, đất này là đất nhị linh. Nhưng thế đất của làng là long đầu thực long vỹ, máu quỷ luân lưu từ đời cha sang đời con!". Tin rùa vàng hiện lên ứng lời của thầy địa lý năm xưa xôn xao cả mấy tổng. Người người tấp nập kéo về khúc sông nơi có rùa vàng hiện lên. Đợi mãi chưa ai thấy rùa vàng xuất hiện trên mặt sông Cái, nhưng cô dâu mặc áo gấm vàng, đội khăn xếp vàng, nhẹ gót hài vàng từ trên xe ô tô sang trọng bước xuống cổng làng. Người của mấy tổng bỏ khúc sông, kéo nhau đứng kín mít hai bên đường xem mặt hoa khôi Hà Nội. Pháo đốt mừng thiếu nữ Hà thành về làm dâu trong làng đỏ đậm phủ kín mấy cây số đường làng. Rước dâu chỉ gọi là rước vậy thôi, chứ trước ngày cưới, cụ bà đã bỏ tiền ra tậu nguyên một căn biệt thự cho hai vợ chồng cậu Hai trên Hà Nội rồi.

Bà Hằng chép miệng,

- Tới phiên đám cưới của cậu Út, giàu con út, khó con út, cụ bà bán vàng đi, mua nhà cho cậu Út. Đám cưới cậu Út cũng không thua kém cậu Hai mặc dù rùa vàng không hiện lên. Mợ Út người Sài Gòn, quen ăn trắng mặt trơn, đôi đũa đầu nào đầu to đầu nào đầu nhỏ cũng không biết. Hôm đám cưới, mợ đeo xuyến vàng chật cổ. Mợ Út là đào chánh của đoàn cải lương Nam Bộ nổi tiếng trong Sài Gòn, cho nên đám cưới của cậu Út kéo dài nguyên một tuần lễ. Tối nào nhà trai cũng dựng rạp ngay tại sân đình diễn tuồng cải lương. Người của mấy tổng lại xôn xao kéo về, lần này không phải để xem mặt rùa vàng, nhưng trầm trồ khen ngợi đào kép ở trong Nam mặt bôi phấn môi tô son mắt kẻ chì đẹp hơn tranh vẽ. Cũng như cậu mợ Hai, cậu mợ Út cũng được một căn biệt thự cạnh Hồ Hoàn Kiếm.

Bà Hằng thở dài,

- Nhưng rồi biến cố 54 đổ chụp xuống. Hai cụ, bà ngoại, cậu mợ Hai, và cậu mợ Út bỏ của chạy lấy người xuống tàu di cư vào Nam. Thế là tay trắng lại hoàn trắng tay. Nhưng cụ bà, người đàn bà quậy nước lã ra hồ, không chịu thua số mệnh. Mặc dù cụ ông vào trong Nam, thời tiết nóng, lạ nước lạ cái, mắt tự nhiên kéo màng, hóa ra mù dở, cụ bà một mình xông pha kiếm vốn đi buôn vải. Được mấy năm, công việc buôn bán phát đạt, cụ bà lại mở thêm mấy tiệm bán vải nữa, một ở Đà Nẵng, một ở Đà Lạt, một ở Cần Thơ. Thế là nhà của cụ bà, một căn biệt thự khang trang, ngày ngày người ăn người ở người làm đi ra đi vô tấp nập. Thoạt tiên, khi cụ bà chưa bán căn biệt thự, chưa bán những cửa tiệm ở Sài Gòn và ở những thành phố, cả hai cậu và cả hai mợ ngày ngày thay phiên nhau ghé vào nhà, "Vợ chồng con chào thầy u! Chúng con mời thầy u về nhà con ăn cơm tối nay. Vâng, tối mai cũng được. Dạ, vâng, cuối tuần thì thật là tuyệt. Thầy u dạy sao, chúng con phận con phận cái đâu dám nói chi. Vâng, cũng chỉ là cơm rau cà muối mà thôi". Có mợ còn khéo ăn khéo nói, "U nhìn đến là đẹp. Tóc cứ đen lay láy không điểm một sợi bạc. Nhìn cứ như mệnh phụ phu nhân. Con mà được một phần như u thì đã không có chuyện để mà nói. Cơ nghiệp đồ sộ của nhà mình đúng là một tay của u dựng nên". Nhưng ngày định mệnh rồi cũng đến khi cụ bà tối hôm đó té lăn ra trên sàn nhà tắm, bất tỉnh. Chở vào nhà thương, cụ bà lưỡi cứng đơ ngọng nghịu. Gần nửa năm sau, cụ bà mới dần dần hồi phục, dù không được như xưa, nhưng cũng là một tám một mười. Riêng cụ ông, mắt kéo màng ngày càng dầy đặc, cầm chén cơm trắng trên tay, ruồi đậu đen đặc như xôi đậu đen mà vẫn không hay biết chi. Cuối cùng, cụ bà quyết định bán biệt thự bán tiệm. Nhà bán rồi, tiệm bán rồi, tiền chia làm hai phần cho hai cậu, mỗi cậu một phần. Cụ bà nói, "Con gái là con người ta. Con dâu đích thực mẹ cha mua về", bởi thế, bà ngoại không nhìn thấy một xu một hào từ tiền bán nhà bán tiệm của cụ bà. Bù lại, hai mợ, mỗi mợ cầm tiền bán nhà bán tiệm đi mua vàng, một phần đào đất chôn, phần vàng còn lại đánh kiềng đánh vòng đeo đỏ cả cổ cả tay. Không biết chuyện, hàng xóm hồi đó đồn đại cậu Hai trúng thầu sở Mỹ, riêng cậu Út đi sang Miên đào trúng tượng Phật vàng. Nhà bán rồi, tiệm bán rồi, cụ bà nói, "Thôi, bây giờ thầy u chỉ còn tụi con. Tối mai họp đại gia đình ở nhà vợ chồng cậu Hai". Buổi họp tối hôm đó đủ mặt mọi người, cụ ông, cụ bà, và năm người con. Cụ bà cất giọng khai mạc, "Sáu mươi mấy năm nay, thầy u lớn lên bên dòng sông Cái, thầy con thông suốt chữ nho, làm thầy đồ, nhưng đồng hào đồng kẽm không đủ bỏ ruột tượng. Hên là nhà u có ruộng thượng đẳng điền, u lại còn có nghề riêng buôn bán tơ lụa ghe thuyền tấp nập trên sông Cái ghé vào nhà mua lụa Hà Đông bán gấm Thượng Hải. Bởi thế, mới ra cơ nghiệp. Nhưng bây giờ tuổi già bóng xế, thầy u đã bàn bạc với nhau. Thôi, bây giờ thầy u quyết định nghỉ ngơi hưu dưỡng vui với con đùa với cháu. Bây giờ nhà bán rồi, bốn tiệm vải u cũng đã buông. Thôi, thì bây giờ trẻ cậy cha, già cậy con, thầy u chỉ còn biết nương tựa vào tụi con". Cụ bà nói chưa xong, cậu Út đã khai mào, "Hai cụ quen ở biệt thự rộng rãi, có người hầu người hạ. Nhà con chật hẹp lắm! Các cháu còn nhỏ. Con nghĩ thầy u ở với vợ chồng chúng con thì quả là không tiện". Ngồi vuốt mấy sợi râu mọc lưa thưa dưới cằm, cậu Hai dè dặt, "Vợ chồng con cũng xin lỗi thầy u! Tụi con thì hiếm muộn, không con, nhưng nhà cửa cũng đơn chiếc, chỉ có mỗi một căn phòng nhỏ như cái lỗ mũi, phòng kia là phòng đọc sách, làm sao thầy u về ở với vợ chồng con cho được?". Là chị Cả trong nhà, bà ngoại năn nỉ, "Thôi, gia cảnh của mấy cậu ấy còn chật vật, còn nhiều khó khăn lắm, con xin thầy u về ở với con và hai cháu". Nhưng cụ bà cau mày dứt khoát, "Chuyện phường chèo! Ở với con gái, thiên hạ người ta cười vào mặt, nói thầy u hữu nữ vô nam, không có con trai cho nên rúc đầu vào nhà con gái!". Cuối cùng, hai cụ về ở với vợ chồng cậu Hai. Ở với vợ chồng con trai lớn mới được một tháng, mắt cụ ông màng kéo dày đặc, lần này mù luôn đôi mắt! Thầy thuốc nói tại khí uất bốc lên đốt cháy hai con ngươi! Riêng cụ bà, mới ở với vợ chồng con trai được một tuần, bệnh cũ tái phát, cụ té ngã bất tỉnh hai lần trong cùng một ngày, sáng một lần, tối thêm một lần nữa, lần nào miệng cũng trào máu đỏ lòm! Đúng một tháng, sau ngày dọn vô căn phòng đọc sách của cậu Hai, trong khi cụ ông đang sờ soạng tường gạch lần đi trong đêm tối, cụ bà nằm xuống, đôi mắt không nhắm lại! Cậu Hai, rồi tới cậu Út, hai cậu thay phiên nhau vuốt mắt mẹ, nhưng đôi mắt của cụ bà vẫn mở trừng trừng! Khi mợ Hai mặc quần áo lụa mỡ gà ghé vào phòng, xác cụ bà tự nhiên mở miệng hộc ra từng búng máu. Bà ngoại đang bán hàng ở trên chợ, nghe tin dữ chạy về. Bóng bà ngoại vừa đổ xuống trên thi thể của cụ bà, máu đỏ từ hai khóe miệng ngưng thôi chảy, nhưng cụ bà vẫn không chịu nhắm mắt lại. Sau cùng, quỳ bên xác mẹ, bà ngoại vừa khóc vừa lâm râm khấn vái, "Thầy và tụi con xin lỗi u! U nhắm mắt lại đi". Bà ngoại vừa khấn xong, mắt cụ bà chầm chậm đóng lại. Sau đám tang của cụ bà, cụ ông không bước chân vô phòng đọc sách của cậu Hai nữa, nhưng lấy chiếu đơn trải ra nằm ngủ ở ngay dưới chân cầu thang. Cậu Hai cậu Út xúm vào năn nỉ xin lỗi, nhưng cụ ông không nói chi, tiếp tục yên lặng quay mặt vào tường. Sau cùng, bà ngoại gặp mặt cậu Hai cậu Út, "Chị xin phép hai cậu để chị rước thầy về nhà tiện việc chăm nom". Khi nhận ra giọng con gái, cụ ông mới thôi không quay vô đối diện bóng mình trên bức tường gạch...

Nhìn màu vàng đục của bóng điện bám bụi buông tỏa hắt hiu trong căn phòng, bà Hằng đổi hướng câu chuyện,

- Cách đây mấy hôm, điện thoại reo vang ầm ĩ trong nhà. Nhắc lên. Tưởng ai, hóa ra quảng cáo bán bảo hiểm nhân thọ.

Bà Hằng chép miệng, thở dài,

- Năm nay đã sáu mươi rồi. Thời gian sao trôi qua lẹ như cơn gió thoảng. Mới ngày nào thôi mà bây giờ tóc đã muối nhiều hơn tiêu. Thiệt, chẳng mấy chốc mà cũng xuôi tay nhắm mắt.

Hoàng lắc đầu,

- Mẹ có dòng máu của cụ ông, sống gần trăm tuổi mà vẫn không lẫn. Mẹ hay nói, "Bốn chín chưa qua, năm ba đã tới". Nhưng mà năm nay mẹ đã sáu mươi. Tuổi hạn của mẹ đã qua, con bây giờ đã trưởng thành, lại có công việc làm vững chắc, mẹ đã nhẹ gánh nợ đời...

Bà Hằng hít sâu vào buồng ngực,

- Nhẹ gánh nợ đời… Thì cũng mong là như vậy!

Rồi thở dài, trầm trầm giọng,

- Hồi đó bà ngoại có mang song thai. Nhưng dì Nga chui ra sau hai phút. Có lẽ bởi vậy dì ấy hay than thở, "Thiệt tình! Hồi xưa lấy chồng, nợ chồng, bây giờ sinh con, nợ con. Không hiểu chị nghĩ sao, chứ em thì em thấy con cái thời bây giờ đến là khó hiểu! Là mẹ, mình có bổn phận phải lo lắng, khuyên răn dạy dỗ, thì nó vùng vằng nhăn nhó, ‘Mẹ nói nhiều quá! Con nhức đầu, chịu không nổi!’. Mà chị thấy con Lan rồi đó, con gái con đứa mà nó mặc quần jean rách mông rách đùi, trễ xuống quá rốn, lộ cả quần lót, áo thun thì ngắn cũn ca cũn cỡn như may thiếu vải, lòi cả xú-chiêng. Nhìn cứ y như người nhà thổ. Mà chị coi, mình rứt ruột đẻ ra nó, thế mà mới mở miệng ra nói được mấy câu là nó nhăn nhó mặt mày, quay mông quay đít vô mặt bố mẹ không thèm nói một câu, bỏ đi thẳng vào phòng. Thiệt tình em thấy con cái thời bây giờ, chúng nó quý bạn hơn là quý bố mẹ. Em thì chỉ muốn con Lan nó học hành đàng hoàng. Khi ra trường có công ăn việc làm đâu vào đó, khi đó nó muốn làm chi thì làm. Cho nên có lần, thấy thằng bạn học người Mỹ của con Lan cứ hay ghé vào nhà rủ nó đi chơi, chị biết mà, con gái mới lớn, thịt da đang nây nẩy, mà quần áo thì thiếu trước hở sau như vậy, khôn ba năm, dại một giờ, cho nên có một bữa em chặn thằng bạn của nó ngay tại cửa nhà, ‘Tôi xin cậu, cậu đừng bước chân tới nhà tôi nữa. Hãy để cho con gái của tôi có thì giờ học hành’. Nghe em nói như vậy, con Lan quay đi bỏ về phòng. Ngày hôm sau, chị biết chi không, nó bỏ học. Hai năm liền, nó không đi học, cũng không đi làm, chỉ nằm ở nhà. Em hỏi tại sao? Nó nói, ‘Chứ không phải mẹ chỉ muốn con ở nhà với mẹ, không đi đâu hết? Giờ mẹ vừa lòng hay chưa?"’.

Bà Hằng thở dài nhìn qua khung cửa,

- Mà nghĩ cho cùng, từ xưa tới nay cứ sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó. Hồi xưa lúc mới lớn, bà ngoại nói chi, dì Nga cũng cãi bà ngoại leo lẻo. Khoảng năm 70 hồi đó có cái mode cắt tà áo dài ngắn lên tới đầu gối. Hai chị em thích vô cùng. Nhưng sợ bà ngoại, mẹ không dám mặc. Dì Nga thì khác, không những cắt ngắn tà áo dài lên tới quá đầu gối, mà còn may luôn mấy cái quần ống bát, loe ra thật bự. Nhưng may thì may vậy thôi, chứ không dám mặc ở nhà, mà phải đợi bà ngoại đi vắng, rồi dì ấy mới dám mặc áo dài ngắn quá đầu gối, xỏ vào người cái quần ống bát rộng thùng thình tới nỗi nhét mấy trái banh vào còn vừa, chuẩn bị đi bát phố với bồ. Nhưng có một lần, sáng hôm đó, như thường lệ bà ngoại lại xách giỏ đi ra phố mở cửa tiệm chuyên bán vải. Bóng bà ngoại vừa biến mất sau cánh cửa, người bạn trai của dì Nga phóng xe C90 tới đón dì Nga đi chơi. Thật không ngờ, xe C90 vừa rồ máy chuẩn bị lao ra ngoài đường thì bà ngoại xuất hiện ngay tại cửa nhà. Bạn trai của dì Nga nhanh miệng, "Con chào bác ạ! Con xin phép bác cho con chở ‘chị’ Nga đi học lớp luyện thi Tú Tài ạ". Nghe người bạn của con gái cất tiếng chào, bà ngoại mặt vẫn lạnh tanh, không chào lại. Thấy dì Nga với quần ống bát áo dài cắt ngắn tà đang ngồi trên chiếc xe Suzuki của người thanh niên, bà ngoại mặt không đổi sắc, yên lặng đi thẳng xuống nhà bếp, cầm con dao sắc lên nước bóng ngời, để ngay giữa nhà, rồi nói, rõ từng chữ, "Con muốn chính tự con xé, hay con để mẹ làm chuyện đó cho con?". Dì Nga đứng yên, ngón tay co thắt, mặt tái xanh ngắt, bờ môi run run, đôi mắt mở to nhìn người bạn trai đang đứng bất động như pho tượng đá. Thấy tình hình căng thẳng, mẹ nháy mắt với người bạn trai của dì Nga ra hiệu về đi, rồi đi thẳng tới chỗ dì Nga đang đứng, mẹ run run nói với bà, "Mẹ! Mẹ! Mẹ để con nói với em". Nói vừa xong, mẹ kéo dì Nga ra khỏi phòng khách. Thoạt tiên dì Nga chống cự, "Chị buông tôi ra". Mẹ năn nỉ, "Đi, đi xuống nhà bếp với chị". Mẹ vừa xô đẩy dì Nga, vừa tiếp tục năn nỉ, "Nga, đi, đi xuống nhà bếp". Đẩy một hồi, dì Nga cũng phải chịu thua. Kéo được dì Nga xuống nhà bếp, mẹ thấy hai hàng nước mắt buông rơi từ khuôn mặt phấn hồng của dì Nga. Lúc đó mẹ còn nhớ câu nói của bà ngoại đuổi vọng theo sau, "Con với cái! Cho hai đứa mày ở ngoài Bắc liếm lá đầu đường thì tụi bay mới biết! Ăn không có mà ăn, ở đó mà quần loe với ống bát, áo dài với áo ngắn cũn ca cũn cỡn cứ y như cô đầu nhà thổ! Không sợ miệng lưỡi thế gian, họ nhổ vào mặt cho!".

Bà Hằng dừng lại, giơ cao hai tay xóc xóc, bới lại mớ tóc củ hành,

- Dì Nga bữa đó ngồi khóc như mưa dưới nhà bếp. Vừa khóc, dì Nga vừa thút thít nói, "Mẹ không coi đời con gái của em ra chi!". Trong khi đó, chậm rãi bước từng bước đi xuống dưới nhà bếp, bà ngoại cất giọng, "Bố chúng mày chết đã lâu. Tao thì còn sống, đã ngồi trên bàn thờ đâu để chị em nhà mày đốt nhang đốt khói, ngồi khóc như cha chết mẹ chết thế kia?". Thấy bà ngoại nói như vậy, dì Nga tự nhiên ngưng những dòng nước mắt nóng hổi. Đẩy mẹ sang một bên, dì Nga mặt tỉnh khô đứng dậy, đi ra bồn nước rửa mặt, rồi thay quần áo. Mặc áo dài đen, quần đen vào, y như người có tang, dì Nga lấy xe Honda phóng ra ngoài cửa ngõ, biến mất dạng. Một tuần sau, bà ngoại và mẹ đón taxi lên nhà chú Thảo, em ruột của ông ngoại. Trước mặt cô chú Thảo, bà ngoại nói, "Hôm nay chị qua đây có câu chuyện muốn trình bày với vợ chồng cô chú. Ông bà mình hay nói con dại cái mang, trước tiên chị cám ơn cô chú đã cho cháu Nga có người cơm bưng nước rót trong mấy ngày hôm nay. Ơn này sống chị để dạ, chết chị mang theo. Bây giờ thì chị xin phép vợ chồng cô chú cho chị mấy phút để nói riêng với cháu". Quay sang dì Nga vẫn đang trong bộ quần áo đen của tang chế, bà ngoại nhẩn nha nói, "Mẹ bỏ công việc buôn bán ngày hôm nay. Mất cả bạc vạn! Nhưng cũng không sao. Bây giờ con hoặc theo mẹ về lại nhà để tang mẹ hoặc ở đây để vợ chồng cô chú Thảo nuôi cả đời. Nếu con không về, mai mốt xác tôi có lạnh, cô cũng không phải về nhà chịu tang làm chi, bởi tôi không muốn cái cảnh của cụ bà năm xưa xảy ra một lần nữa trong gia tộc của nhà mình". Nghe bà ngoại nói rõ ràng và dứt khoát như vậy, cô chú Thảo rồi mẹ phải xúm vào năn nỉ, dỗ ngọt, dỗ nhạt để dì Nga chịu cởi bộ áo đen, lên xe taxi đi theo bà ngoại và mẹ về lại nhà.

Hoàng nói,

- Dì Nga thì con còn lạ chi. Hồi mẹ chưa qua đây, mà lúc ấy bà ngoại sắp sang Mỹ, dì ấy kể cho con nghe chuyện chú Khương ngần ngại không muốn mang bà ngoại về nhà, viện cớ nhà chật, không có phòng riêng cho bà. Thấy chú Khương cứ lừng khừng, dì Nga cự nự, "Tui mang mẹ về nhà. Anh không thích thì tui với anh ra tòa, gặp quan tòa xé giấy, xin thôi!".

Bà Hằng nhận xét,

- Dì Nga tính khí giống như bà ngoại, nhưng bà ngoại thâm trầm và sâu sắc hơn. Thêm nữa, bà ngoại tính tình kín đáo, không hay than thở về con cái. Những khó khăn xảy đến trong cuộc đời, trong gia đình, bà ngoại ít khi mở miệng nói cho ai nghe. Có lẽ tại bà ngoại giống tính của cụ bà, mà cũng có thể tại bà ngoại ở góa quá sớm. Mới lấy chồng được một năm, ông ngoại bị bệnh đậu mùa, mất đi trong khi bà ngoại đang có song thai, mẹ và dì Nga. Bà ngoại phải cáng đáng công việc trong gia đình một mình quen rồi, cho nên ít khi mẹ thấy bà ngoại thở than hay là ngồi lê đôi mách kể chuyện mình và chuyện của người khác. Nhưng với con cái trong nhà, bà ngoại rất nghiêm khắc. Bà ngoại đã nói một là một, hai là hai. Không làm theo ý của bà là ăn không ngon ngủ không yên với bà. Nửa đêm về sáng, bà cũng lôi dậy bắt phải rửa đống chén mà bà đã bắt phải rửa sau bữa cơm chiều. Không chịu ngồi dậy, bà chửi cho như tát nước vào mặt, "Cứ nằm ưỡn người ra như trâu chết thối, như quân nhà thổ!".

Hoàng nhíu đôi chân mày,

- Nghe mẹ kể chuyện về bà ngoại mà sao con lạnh cả người. Con không hiểu tại sao bà ngoại lại có thể nói được những câu tàn nhẫn như vậy?

Bà Hằng chép miệng,

- Bà ngoại giống cụ bà y như lột. Con nhìn hình cụ bà ở trên bàn thờ thì biết liền. Nhiều khi thấy bà ngoại ngồi một mình trong phòng, mẹ giật mình tưởng là cụ bà đội mồ sống dậy! Có một lần bà ngoại nói với mẹ là cụ bà khó tính lắm, nói lỡ miệng một câu, hở môi một chữ là bị bà cụ mắng ngay trước mặt họ hàng, "Con gái con đứa, nham nham nhở nhở chưa nói đã cười, chưa thấy người đã thấy tiếng!". Hồi đó cụ ông làm thầy đồ, dạy con cái của tứ phương thiên hạ, nhưng cụ bà không cho bà ngoại đi học, cụ nói, "Đừng có chó mặc váy lĩnh! Con gái đi học để làm gì? Học chữ để viết thư cho giai à!" Bà ngoại nói không hiểu tại sao cụ bà lại rất ghét hát chèo. Hội hè trong làng, cụ không bao giờ nhòm ngó, vãng lai, hoặc là ghé mắt. Hồi cậu Út mở miệng đòi cưới mợ Út, cụ bà thoạt tiên phản đối quyết liệt khi biết mợ Út là đào chánh của đoàn cải lương Nam Bộ. Về sau, khi biết mợ Út là con gái của quan Đốc ở trong Sài Gòn, thuộc gia đình vọng tộc, ruộng vườn cò bay thẳng cánh ở trong Nam, khi đó cụ bà mới đổi ý. Cụ bà hay nói, "Hay ho gì cái phường xướng ca vô loại! Không rước cửa trước thì cũng lại chỉ rình rình mở cửa sau mà thôi!". Nhận ra tiếng trống hội từ đình làng chiều chiều rục rã dân làng, cụ bĩu môi, "Lại cái tuồng mèo mả gà đồng kêu réo gọi nhau. Rồi xem, mấy ngày nữa lại khối nhà trong làng bị bôi tro trét trấu vào mặt cho mà coi!". Ghét hát chèo, ghét hội hè, cụ không những cấm con cái mà còn cấm tất cả những người làm trong nhà không ai được bén mảng hoặc là bước chân tới cổng đình tham dự những cuộc rước xách được tổ chức hằng năm. Nhưng cấm thì cấm, đã nhiều lần bà ngoại vẫn len lén cụ bà trốn đi xem chèo ở đình làng, mặc dù biết nếu lỡ cụ bà mà bắt gặp, thì chỉ có mà chết nhừ đòn với cụ bà. Ngày đó rồi cũng tới, bà ngoại kể chuyện, "Chiều hôm đó, mẹ đang trốn ở trong buồng đứng chải tóc, thì bất ngờ cụ bà bước vào. Thấy mẹ mặc áo mới, yếm màu hồng đào, cụ bà bước thẳng tới. Kéo ghì mớ tóc dài của mẹ xuống, cụ bà lôi mẹ tới cột gỗ lim chống đỡ những cột xà ngang của căn buồng, rồi cột tóc mẹ thật chặt chung quanh cột lim như rắn hổ cuộn tròn chung quanh cột gỗ. Lúc đó, mẹ sợ quá, đứng yên, không dám nhúc nhích, cũng không dám mở miệng van xin. Tới nửa đêm, cụ ông khe khẽ bước vào buồng. Vừa gỡ tóc mẹ ra khỏi cột gỗ lim, cụ ông vừa nói, ‘Nó là con gái chưa có chồng! Bà cũng phải giữ cái duyên cho nó một chút chứ’. Cụ bà nói như rít giữa hai hàm răng, ‘Nhà này không phải là nhà thổ!"’.

Bà Hằng tiếp tục nói,

-Thời gian trôi qua, vòng quay vũ trụ tiếp tục xoay tròn… Hồi xưa không biết bao nhiêu lần mẹ và dì Nga than thở với nhau, "Mẹ tính khó như quỷ!". Nhưng mẹ khác với dì Nga ở chỗ bà ngoại nói gì thì nói, dì Nga mặt cứ tỉnh bơ đường mình, mình đi. Còn mẹ, mẹ ít khi cãi lại lời bà ngoại lắm. Học lớp Mười Hai xong, đang chuẩn bị học thi Tú Tài, thì bà ngoại nói với mẹ, "Học như vậy là đủ rồi. Con là con gái, cụ bà nói con gái cũng không cần phải học chữ nhiều làm chi. Thôi, ở nhà phụ giúp mẹ buôn bán". Thế là mẹ bỏ học…

Bà Hằng dừng lại. Thấy mẹ yên lặng khá lâu, Hoàng ngẩng đầu lên nhìn chờ đợi. Bà Hằng nhìn con, nhìn cái bụng nây nẩy o tròn của Hoàng,

- Sáng nay, mẹ gọi con về đây bởi vì mẹ có chuyện muốn nói…

Hoàng bối rối ngước nhìn mẹ.

…Chiều thứ Sáu hôm đó sau bữa cơm tối, Hoàng nói với bà Hằng,

- Mẹ nghĩ sao nếu con lập gia đình?

- Ai vậy?

- Mẹ biết người này mà. Danny người bạn thời trung học của con, hay ghé vào nhà mình xin phép mẹ dẫn con đi chơi cuối tuần đó.

Sau một thoáng, bà Hằng nói,

- Mẹ biết hôn nhân là chuyện riêng tư của con. Nhưng hôn nhân dị chủng mẹ e sẽ không bền lâu. Chưa kể, đừng có quên trong nhà họ Đào, con là bác sĩ, có danh có phận…

Hoàng nói nho nhỏ,

- Con đã có thai, hơn một tháng rồi!

Nghe Hoàng nói, bà Hằng buông rơi ly thủy tinh trên tay. Mặt tái xanh, bà đứng dậy, không nói một câu, bỏ đi thẳng vào trong buồng. Thấy mẹ bỏ đi, Hoàng cũng đứng dậy, lái xe đi mất. Tối hôm đó, vừa mở cửa bước vào phòng khách của căn chung cư, Hoàng đã thấy bà Hằng ngồi ở ghế dáng vẻ chờ đợi.

- Mẹ có chuyện muốn nói với con.

Hoàng rón rén ngồi xuống phía đối diện với mẹ nhìn bà Hằng nhẩn nha,

- Bao nhiêu năm nay mẹ nuôi con khôn lớn. Có Trời Phật chứng giám, chưa bao giờ mẹ năn nỉ xin con bất cứ một điều chi. Bây giờ thì mẹ mở miệng xin con. Nếu cần, mẹ quỳ lậy con! Mẹ không đồng ý con lấy người ngoại quốc, mà lại là Mỹ đen. Ai lại hoa nhài cắm bãi cứt trâu như thế? Rồi làm sao mẹ ngước mắt nhìn họ hàng, nhìn bà con, nhìn hàng xóm?

Nghe bà Hằng nói, Hoàng ngồi yên, mặt không đổi sắc,

- Con biết hồi xưa, khi bà ngoại nói mẹ bỏ học ở nhà phụ bà buôn bán, mẹ vâng lời bà ngoại, bỏ thi cử, bỏ người tình. Nhưng con xin lỗi mẹ, chuyện hôn nhân là chuyện mà chính mẹ cũng đã từng nói đó là chuyện riêng tư của mỗi cá nhân. Nếu mẹ đồng ý với cuộc hôn nhân của con, con cám ơn mẹ thật nhiều. Nhưng nếu mẹ không đồng ý, con đành phải xin lỗi mẹ vậy.

Nghe con gái nói, bà Hằng đứng lên, lưng thẳng băng. Vừa bỏ đi, bà Hằng vừa nói,

-Nếu con đã quyết, mẹ cũng không cản. Nhưng nhà mình mấy đời rồi không có ai làm cô đầu, gái nhảy! Nếu con lấy chà và Mỹ đen, con không có mẹ nữa… Cô đừng bao giờ gọi tôi là mẹ nữa!

Sáng hôm sau, Hoàng dọn ra khỏi căn chung cư của hai mẹ con…

Rời bỏ dòng tư tưởng về một khoảng thời gian đã trôi qua, Hoàng lắng nghe bà Hằng trầm trầm giọng nói,

- Con Lan chết rồi, mới chiều hôm qua. Bị xe hơi đụng, xe bốc cháy! Xác của nó biến thành than, nhận không ra mặt. Bây giờ chỉ còn có con là người duy nhất của dòng họ Đào.

Nhìn đôi mắt bắt đầu long lanh đỏ hoe hoe của con gái, bà Hằng kể chuyện,

- Có một chuyện này mẹ chưa bao giờ kể cho con nghe. Bà ngoại nói là cố ông sinh ra cụ bà trước khi lập gia đình có tư tình với một người hát ả đào thanh sắc và vẻ đẹp nổi tiếng cả mấy tổng. Không biết vì sao, cố ông cuối cùng ruồng rẫy cô gái khiến người này uất ức gieo mình xuống dòng sông Cái trong khi cô ta đang có mang được mấy tháng. Tới ngày mở cửa mả, hồn của cô gái nhập vào ông bõ của dòng họ Đào. Giữa thanh thiên bạch nhật, ông bõ cất tiếng giọng the thé như đàn bà hát hồng hồng tuyết tuyết nguyền rủa gia cang của nhà họ Đào bắt đầu từ nay sẽ,

Long đầu thực long vỹ,

Máu quỷ luân lưu!

Mấy đời tuyệt tự,

Hữu sinh vô dưỡng,

Hữu nữ tuyệt nam!

Đúng như lời nguyền của cô gái, cố ông lấy mấy người vợ, sinh ra được mấy người con trai, nhưng hữu sinh vô dưỡng, bởi sinh được người con trai nào, chết người con trai đó. Cố bà, trước khi có thai cụ bà, một ngày kia, con mắt bên tay trái tự nhiên đổi màu đỏ rực như than hồng. Mang cố bà đi chữa bệnh, thầy thuốc nói nếu không mổ lấy ra con mắt trái, con mắt còn lại chắc chắn sẽ bị hư theo, lúc đó thì vô phương cứu chữa! Thế là cố bà trở thành người một mắt. Dân trong làng xì xào nói với nhau, "Hổ thọt một chân, gái chột một mắt!". Một thời gian sau, cụ cố có thai sinh ra cụ bà. Cụ bà là người con duy nhất của họ Đào. Tới phiên cụ bà, sinh được bẩy người con, nhưng nuôi chỉ được ba người, bà ngoại, cậu Hai, và cậu Út. Bây giờ cậu Hai đã chết trong trại cải tạo. Cậu mợ Hai không có con! Người ta nói bởi mợ Hai cây khô không lộc, người độc không con. Riêng vợ chồng cậu Út cùng con cái đã biến mất trên biển Đông từ năm 80. Không ai nghe nói hoặc nhận được bất cứ một mảnh tin tức gì về chuyến tàu định mệnh này. Họ nhà Đào từ ngoài Bắc vô trong miền Nam chỉ có bà ngoại. Bà ngoại thì chỉ sinh được hai người con gái, mẹ và dì Nga. Dì Nga sinh được con Lan. Bây giờ con Lan chết rồi! Chỉ còn mình con là gái họ Đào.

Bà Hằng khuôn mặt trở nên u ám,

-Từ hồi con dọn ra ở riêng, mấy đêm liền mẹ mất ngủ, bởi tự nhiên mẹ nhớ lại câu chuyện xưa của nhà họ Đào. Mẹ thắc mắc không biết bao giờ cái thế long đầu thực long vỹ, đầu rồng nuốt đuôi rồng của làng mình sẽ biến đổi, không biết bao giờ lời nguyền thuả xưa của cô gái chết oan trên dòng sông Cái sẽ biến tan, để nghiệp chướng sẽ thôi không còn lưu truyền trong dòng máu của họ Đào nhà mình nữa?

Hoàng hít hơi vào thật sâu. Cô quay nhìn ra ngoài bên khung cửa. Ngoài đường mưa bão đã ngừng rơi. Trời tạnh mưa, khung cửa sổ u tối của căn chung cư chuyển sang màu xanh ngắt bởi màu xanh nõn của lá phong mới. Chú chim lông đỏ đậm trên cành cây phong há mỏ vàng tươi cất cao tiếng hót. Xù xù sợi lông, đập đập đôi cánh, rũ rũ bụi mưa, chú chim nhấc cao thân mình lao tới. Dõi nhìn theo bóng chim non dần dần khuất bóng vào trong bầu trời trong xanh, Hoàng nghĩ tới hài nhi trong bụng đã gần năm tháng. Sáng nay, bác sĩ khám thai nói thai nhi là một bé gái, rất khỏe mạnh. Hoàng sờ sờ xoa nắn bụng. Nhận ra bàn tay ấm áp của mẹ, hài nhi chòi đạp mừng vui. Hoàng quay lại nhìn mẹ, bà Hằng ngồi yên lặng. Trong luồng sáng vàng đục của căn phòng, cô thấy hình dạng của mẹ nhập nhòe sáng tỏ. Dụi mắt, Hoàng tưởng bà ngoại đang ngồi ngay trước mặt. Cô gái bàng hoàng nhận ra mẹ mình ngày càng giống y như bà ngoại. Nhìn vào trong gương, hít sâu vào trong lồng ngực, Hoàng âu lo ngắm nhìn bóng dáng của chính mình. Không biết mình sẽ giống ai?

Nhìn vào trong gương thêm một lần nữa, bác sĩ Hoàng thắc mắc không biết nghiệp chướng trong dòng máu của nhà họ Đào là do nhiễm sắc thể trong huyết mạch di truyền luân lưu từ đời này sang đời kia, hay là do con học nơi mẹ, mẹ học nơi bà, bà học nơi cụ bà, hoặc là do cả hai.

Nếu bởi con học nơi mẹ, vị bác sĩ hít sâu vào trong ngực, thì thật là dễ giải quyết, bởi vì đây chỉ là một chọn lựa cá nhân. Nếu vậy, Hoàng nghĩ cô sẽ cố gắng thuyết phục để mẹ dọn về căn nhà mới và tham dự lễ cưới của mình sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

Nhưng nếu, Hoàng ngần ngại, nếu nghiệp chướng của nhà họ Đào là do bởi những vòng xoáy tròn của nhiễm sắc thể di truyền. Nếu đúng là vậy, Hoàng lo ngại nhớ tới thế long đầu thực long vỹ của miếng đất mà nàng chưa bao giờ nhìn thấy. Trời tạo thế đất uốn cong theo hình móng ngựa, thì chỉ có trời cao mới giải gỡ được thế đất thấp. Cô gái liếc ra nhìn bên ngoài khung cửa sổ, màu xanh của lá mới và của cỏ mới sau cơn mưa tiếp tục trải dài ngút ngàn cả một khoảng không gian. Cô gái nhớ tới trận mưa hồng thủy từ trời cao trong Kinh Thánh đã từng quét sạch bụi bậm rác rưởi của trần gian. Cô gái nhận ra sau cơn mưa, con đường ngập tràn rác rưởi trước mặt khu chung cư chợt trở nên sạch bóng với không một tì vết, không một cọng rác. Bên khung cửa sổ, cô gái khám phá ra khả năng tẩy rửa một thời bụi bậm rác rưởi ở dưới trần gian của những hạt mưa từ trên trời cao. Cô gái của dòng họ Đào quyết định giơ tay đẩy cao cửa kiếng của khung cửa. Mùi thơm nồng nàn của đất trần gian ướt đẫm nước mưa thiên đàng ngập tràn nguyên cả một căn phòng chật hẹp như đang muốn tẩy sạch mùi thuốc ê-te trong bệnh viện của người con, mùi khói chì trong hãng điện tử của người mẹ, và mùi tanh hôi của máu quỷ luân lưu trong dòng máu của nhà họ Đào từ bao lâu nay.

nguyễn trung tây

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Mười Một 20248:37 CH(Xem: 756)
Tuy Hòa, nơi tôi sống quãng đời thơ ấu, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp. Ai từng đi qua Tuy Hòa, nhìn lên Tháp Nhạn đứng hiên ngang trên đỉnh núi, soi mình bên dòng Đà Giang lững lờ trôi, đều ngậm ngùi cho nền văn minh một thời rất huy hoàng của nước Chiêm Thành.
02 Tháng Mười Một 202412:17 SA(Xem: 2581)
Anh Phước là con ông cậu ruột của tôi. Nhà tôi ở kế bên nhà anh. Anh thứ nhất mà cũng là con duy nhất của cậu tôi nên anh em chúng tôi thường gọi anh là anh Hai Phước. / Anh mồ côi cha từ thuở chưa lọt lòng. Anh có tuổi thơ thật “dữ dội”. (Tuổi thơ dữ dội- tên tác phẩm của nhà văn Phùng Quán). Trong tác phẩm, các cậu thiếu niên trẻ tuổi ấy đều có một câu chuyện riêng đầy cảm xúc, những hoàn cảnh éo le không ngờ tới nhưng họ vẫn đối diện bằng tinh thần lạc quan, vui vẻ. Mỗi người có một số phận riêng và tôi nhìn thấy hình ảnh một thế hệ và bóng dáng anh cũng có phần trong đó.
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 3362)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 3538)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
23 Tháng Chín 202412:02 SA(Xem: 3647)
Cây thị tỏa bóng mát thâm u giữa cánh đồng, đón những ngọn gió lồng lộng mát rượi từ phương xa thổi lại, đây là nơi các bác nông dân nghỉ ngơi tránh cái nóng ban trưa, hoặc các khách bộ hành nghỉ chân trên con đường thiên lý mệt mỏi. Đây là nơi lũ trẻ của trường tiểu học cộng đồng Hòa Do thường tụ tập nô đùa trong những ngày nghỉ học.
22 Tháng Chín 202411:17 CH(Xem: 3980)
Chắc bạn cũng có nghe câu chuyện về ông Phó Thủ Tướng Đức gốc Việt, từng là đứa trẻ mồ côi bên Việt Nam. Tôi thật sự cảm động muốn khóc, không phải vì ông là người có tài, đẹp trai, ăn nói khôn ngoan hay làm lớn mà vì nếu cha mẹ nuôi không mang ông về Đức, có thể hôm nay ông cũng đã là kẻ lang thang đầu đường xó chợ ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam. Bạn tôi muốn kể cho quý vị nghe về một đứa trẻ bụi đời, lang thang đầu đường xó chợ trên đất Hoa Kỳ, nhờ mẹ nuôi Việt Nam mang về chăm sóc, dậy dỗ đã trở nên người hữu dụng.
12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 4816)
Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc: “Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.” Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.
12 Tháng Chín 20242:26 CH(Xem: 4500)
Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.
18 Tháng Tám 20242:40 SA(Xem: 5398)
Thu Yến sinh ra trong một gia đình công chức bình thường ở nông thôn thuộc một xã miền Tây Nam Bộ. Ba má Yến là nhân viên văn phòng tại một đợn vị sản xuất và phân phối vật tư nông nghiệp vùng ven Tây Đô. Nhà có ba chị em. Chị Hai là Thu Miên hơn Thu Yến ba tuổi nhưng bị khiếm khuyết, chậm phát triển bẩm sinh nên không đi học được chỉ quanh quẩn ở nhà với em. Đứa em trai út cũng bị khiếm khuyết về thể trạng, thường xuyên bị động kinh nên cũng chậm lớn không đi học được. Như vậy trong ba đứa con, chỉ có Thu Yến là xinh xắn, thông minh. Vì thế Yến là niềm kỳ vọng duy nhất của ba mẹ có thể ăn học nên người sau này phụ giúp ba mẹ nuôi chị và em, chăm lo gia đình.
15 Tháng Tám 202412:35 SA(Xem: 5604)
Những khối gạch đá đen trùi trũi trong ánh trăng lu chìm giữa những đám mây nặng trĩu đè lên thành Kim Lăng (Nam Kinh). Tiếng quạ kêu thảng thốt. Trong Viện Thái y, hơn chục viên Ngự y chắp tay cúi đầu vẻ ăn năn biết lỗi, xếp hàng trước viên Tổng quản của Hồng Vũ đế đang cao giọng: - Các vị Ngự y! Hoàng đế rất tức giận, và hoàn toàn thất vọng về các vị! Được hưởng ân huệ của triều đình không ít, nhưng đã mấy tuần trăng rồi, tính mạng vàng ngọc của Vương phi trao cho các vị, các vị đã làm được gì? Hơi thở của Vương phi ngày một mỏng manh như sợi cước…