- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Truyện Ngắn Hay Thập Niên 80 - G

26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 31980)
vodinh

Võ Đình

G đến trong đời tôi một cách hết sức bất ngờ, vào ngày cuối tháng Mười dương lịch, Halloween Day. Tôi nhớ đúng ngày đó mặc dù nhiều năm đã trôi qua: Trong ký ức tôi hình ảnh của G. cũng là hình ảnh của vàng kim, vàng kim của lá thu và bí ngô.

Hôm đó khí trời ấm áp, gió thổi hây hây, lá vàng rụng đầy vườn. Nhưng khi chiều về, se se lạnh, sương mù lan xuống từ trên núi, trong sương đã nghe có ít nhiều cái rét mướt của những vùng băng tuyết xa xôi. Tôi vừa đặt bút xuống bàn, bỗng nghe tiếng gọi rộn rã từ nhà dưới. Tôi vụt chạy xuống gác, vào phòng khách; vợ tôi và hai con chúng tôi đang nép mình vào cánh cửa lớn trông ra ngoài hiên. Trước đó có mấy giây đồng hồ ba mẹ con kêu gọi ầm ĩ, bây giờ lại ngồi bất động như bị thôi miên, như sợ rằng chỉ một cử động, một hơi thở mạnh, cũng đủ làm cho hình ảnh mình đang chiêm ngưỡng tan biến đi mất.

Tôi lại gần. Yên, đứa con gái lớn năm đó đã mười sáu, quay lại tôi, mắt long lanh, một ngón tay để ngang môi. Hiểu ý, tôi nhìn ra bên ngoài cửa kính. Và lập tức tôi nín thở: Ngoài hiên, một con chim lớn, thật lớn, đứng im lìm. Con chim đứng nghiêng, và chúng tôi sững sờ ngắm cái ngoại hình của nó trong một lúc lâu, thật lâu. Bỗng nhiên nó từ từ quay đầu lại, nhìn về phía chúng tôi, rồi khoan thai bước ra vườn. Không hẹn mà chúng tôi cùng thở phào, nhẹ nhõm: Giây phút mê hoặc chấm dứt. Chúng tôi chen chúc cố nhìn kỹ hơn con chim kỳ lạ đang chậm rãi bước ra vườn. ” Trời”, ”Đẹp quá”, ”Tuyệt trần”, chúng tôi xuýt xoa. Vợ tôi đưa mắt nhìn tôi, và tôi biết nàng đang nghĩ gì.

Trong đời, năm thì mười họa, ta may mắn được nhìn thấy một cái gì đó đẹp đẽ lạ thường, đẹp và lạ đến một độ, như người ta vẫn thường nói, ”không chịu” được. Cái may mắn đó đến với ta, cùng lúc với một cảm giác đau nhói trong tâm can. Vụt đau rồi hết. Nhưng cái đau sắc cạnh ngắn ngủi đó như có một tác dụng tống mạnh máu ta trong huyết quản, làm cho chân tay ấm hẳn lên và tim đập rộn ràng. Cái đau vụt đến vụt đi, nhưng liền sau đó, ta có cảm tưởng cả thân xác lẫn tâm thần như mới được tắm gội sạch bong. Và lúc ấy ta mới sực nhận ra. À, cái đau nhói đó thực tình đâu phải là một cái ”đau”, nó chính là niềm ”vui”, một niềm vui đã đến với ta một cách quá mãnh liệt, quá bất ngờ, nếu không nói là quá sỗ sàng!

Hôm đó, tôi đau nhói như thế khi thấy con chim lạ đứng ngoài hiên, im lìm trong ánh sáng vàng kim lãng đãng sương chiều. Vợ tôi thì thầm: ”Gabriel, Thiên thần Gabriel...”. ” Chính Gabriel”, tôi cũng chặc lưỡi đồng ý, “đúng hơn phải nói là Gabrielle... Chim mái mà, Độc nhãn Gabrielle!”

“Độc nhãn? Ba nói gì lạ vậy!” Tôi chưa kịp phân bua, cháu trai thứ của tôi, Ba, đã quay lại mẹ và chị: ”Ba nói phải quá! Khi nó quay đầu nhìn vào nhà, con thấy nó chỉ có một mắt mà thôi à! Mắt kia trông giống hệt cái nút vậy đó, một cái nút bạc!” Thằng bé mới lên tám mà đã tinh mắt lắm.

Tôi đâu phải là kẻ chuyên môn về chuyện chim chóc, thế mà nhìn Gabrielle, G., tôi đã tin chắc đó là một con mái. G. lớn lắm, lớn gần như một con ngỗng cỡ bự, nhưng với một tấm thân thon dài, kiều diễm, một tấm thân nữ lưu. Đường cong vuốt nhẹ từ lưng xuống rồi tuôn ra sau thành chiếc đuôi dài mướt dịu. Nhưng tấm thân con chim kỳ lạ cả đời tôi chưa từng thấy đó tuyệt đẹp ở cái ngực đầy tròn như phần nở của một chiếc độc bình. Bộ ngực càng dâng lên càng căng lên, càng phồng ra, rồi thong dong eo lại, rồi vút trở nên chiếc cổ thanh tú. Chiếc cổ uốn vào rồi ưỡn ra, rồi tém lại thành cái đầu nhỏ xíu ấy - tôi nghĩ đến những chiếc trâm vàng của mấy mệnh phụ trong tranh cổ Tàu. Tôi không kịp thấy mắt - đúng hơn, ngươi - G. màu gì, chỉ nhớ con mắt tốt có đường viền xanh màu đồng rỉ. Còn mắt kia, một con mắt mù chăng, thật tình thằng Ba đã tả rất đúng, quả giống hệt một cái nút nhỏ, một cái nút bạc.

Hình thù con chim lạ tuyệt mỹ đến độ làm tôi sững sờ, mãi một lúc sau tôi nhận thấy là nó có, phải nói là nó toát ra, nó ửng lên, hai màu: Một màu xám bồ câu lấp loáng ánh hồng đào và bạc ròng, và màu kia là một màu lục, màu lục của ngọc thạch ”tourmaline”, với những phản ánh li ti huyết dụ và hỏa hoàng!

Ba kéo tay tôi: ”Ba, ba, sao lại Gabrielle? Ta đặt tên khác được không ba?” Lúc ấy G. đã đi quá hàng dậu trường xuân bao quanh hiên nhà và đang đứng bất động cạnh cây mận ở góc sân. Vợ tôi quay lại hai con: ”Ấy, các con không biết đấy, chứ ở quê nhà chúng ta, ai cũng tin rằng bỗng nhiên có con chim lạ đến hiên thì sớm muộn thế nào cũng có tin mừng... Có người lại cho rằng chim lạ đến nhà có nghĩa là có tri kỷ, có bạn rất thân từ xa bất ngờ đến chơi... Nói gì bên nhà, bên này ai cũng biết chuyện ngày xửa ngày xưa Thiên Thần Gabriel hiện ra báo cho Đức Mẹ Đồng Trinh biết là Người sẽ mang ra đời chú bé Giê-su...”

Mẹ vừa dứt lời, hai đứa đã chạy ùa ra vườn. Ba kéo tay chị năn nỉ: ”Đi, chị Yên, ta xua Gabrielle vào trong đồng kia đi chị!”. ” Đồng” là phần đất trước nhà, trước kia cỏ dại và cây leo tùm lum, cắt dọn mấy cũng không xuể, chúng tôi đành căng rào lưới sắt, rồi thả gia súc vào đấy cho tha hồ đi lại tự do. Nghe Ba nói vậy, tôi vội chạy ra:

“Thôi, vào nhà ngay bây giờ, để yên nó!”.

Mặt trời đã lặn bên kia núi, chúng tôi vẫn còn dùng dằng ở hiên nhà, đứng ngắm con chim lạ. G. có một dáng đi tuyệt đẹp, khoan thai một cách yêu kiều mà vô cùng tự nhiên. Thong dong, từ tốn, mà uyển chuyển dịu dàng như một làn khói vấn vương thoảng dần vào không gian. G. cất một chân lên, duỗi ra dài trong một động tác vừa gọn gàng vừa dung dị, rồi đặt chân xuống một cách vững vàng, đúng đắn, không sái một ly đất. Rồi lại cất chân kia lên, duỗi ra... Thỉnh thoảng G. lại nghiêng đầu, phía bên này, rồi phía bên kia, chỉ nghiêng một tí thôi, trong một khắc giây, nghiêng đầu như để kiểm điểm, không như để duyệt qua cả một cơ đồ hai bên mình, như một nữ chúa xuất cung. Điều kỳ lạ, tôi để ý, G. cũng nghiêng đầu về phía con mắt mù, như thể hạ nút nhỏ tí, kín mít, hạt nút bạc là một con mắt hoàn toàn lành mạnh.

Gió chiều hây hây đã ngừng thổi. Sương mù tràn xuống đầy cánh đồng trước nhà, bây giờ trông không khác gì một khoảng biển trời bất động. Trong ánh hoàng hôn nhợt nhạt, cây phượng ta trước sân đen sầm hẳn lại. Bỗng nhiên từ trong bóng tối đó G. vụt bay lên. Từ dưới tàn lá tựa mái nhà của cây phượng, cánh con chim lạ bung xòe như một cái dù lớn bất thần mở ra. Tôi thấy, tôi nghĩ rằng tôi thấy được một ánh lửa lòe sáng; có lẽ một tia nắng nào đó, lưu lạc trên núi kia, bỗng tìm được lối về, hấp tấp phóng lui để hòa mình vào bóng tà huy, và trong lúc vội vã đã va phải con mắt lành của Gabrielle...

***

Đêm Halloween ấy, chúng tôi không loay hoay với chuyện tinh ma phù thủy, cắt gọt bí ngô làm đầu quỷ sứ như hằng năm. Mỗi người một cách, ai nấy còn đang xúc động bởi cuộc viếng thăm của G. Hai chị em Yên và Ba bàn qua tính lại, không biết G. có sẽ trở lại nữa không, có cách gì hay nhất, nếu G. trở lại, để bắt được nó. Năm đó, Ba còn nhỏ lắm, đối với Ba, G. không chỉ là một hình ảnh tuyệt vời; thằng bé muốn bắt G. để nuôi, để ”săn sóc”, như Ba đã nuôi biết bao thứ trước kia. Chuột Tàu, thỏ, rùa, sóc... Nhưng rồi sau một thời gian ngắn, chú chán, chú không săn sóc nữa, chú ”quên” thêm thức ăn, ”quên” thay nước trong. Rồi khi mẹ chú hoặc tôi nhắc nhở, chú mới sực nhớ ra và chạy ùa đến mấy đứa bạn tí hon, thay cơm, thay nước tùm lum...

Ba thì muốn bắt con chim bỏ lồng, còn Yên, năm đó lớn hơn Ba đến tám tuổi, làm bộ người lớn, khăng khăng bảo em ta không nên bắt chim, hãy để nó tự do đi lại, v.v... Nhưng bỗng nhiên, giữa bữa cơm tối Yên đầu hàng, biểu đồng tình. Nó nói: ”Ba mẹ thấy không? Thật tình đâu phải như nhốt một con hoàng anh hay một con vẹt vào lồng! Con tính nếu ta bắt được G,. rồi làm sao dạy cho nó quen mình đi, rồi ta cứ để nó đi lại tự do... Vừa là chim nhà, vừa là chim trời! Ba mẹ xem, cứ tưởng tượng, bà con bạn bè đến chơi, sẽ thấy cái gì? Gabrielle! Cao quí làm sao, đẹp đẽ làm sao! Xám bồ câu nhá, lục ngọc thạch nhá, và hoàng kim nhá, Gabrielle đóng khung bởi khuôn cửa lớn ba mới sơn đỏ thật đẹp hôm nào!...” Tôi nhìn vợ, thấy nàng có vẻ chịu hình ảnh đó quá rồi. Chính ngay với tôi, hình ảnh đó cũng là hình ảnh khi tôi nhìn thấy con chim lạ đầu tiên.

Trong giây khắc đó, vạn vật như thể dừng lại, nín thở. Sắc đẹp của con chim lớn quá kỳ diệu, quá sức tưởng tượng, đến cái độ tôi tưởng chẳng những không cảm nhận được, mà còn không chịu đựng được. Lá rụng tơi tả quanh mình, nhưng G. vẫn đứng yên giữa sân xi-măng, lông lá không mảy may xao xuyến; trên đầu G. cái ”vương miện” với dăm lông mao nhỏ rí, cuối lông xòa ra thành bông hoa tí ti, mấy cái trâm vàng ấy, chỉ mấy cái ấy thôi, rung rinh khe khẽ như sợi dây đàn ngay sau lúc âm thanh mới bay xa... Trong giây khắc đó, tôi tưởng như tôi đã được một sức mạnh huyền bí nào nắm bổng bay về quá khứ, bay về một thời xa xăm nào ở miền Viễn Đông, và lúc đó, tiền thân của tôi, một bậc vương giả, một nhà hàn nho, hay một bác nông dân, tình cờ bước ra sân trước, và thình lình được nhìn lại mặt một người bạn thiết, một người thân ruột, sau những năm dài âm dương cách biệt.

Chiều Halloween năm đó, tôi không nghĩ đến ngay niềm tin truyền thống Đông phương về sự chim lạ đến nhà. Nhưng nhìn thấy G., tôi đã nhận ra G. là một con Kỳ Điểu, một người Bạn, một Thiên Thần. Thiên Thần đã đến nơi, và đấy, G. đứng đó trong giây khắc đó, như một phép lạ, tất cả mọi sự Hiển Diện tuyệt vời... Ngày hôm sau, tôi còn nhớ, là một ngày trong tuần, các trường mở cửa. Vợ con tôi dùng dằng mãi rồi cũng phải đi ngủ vì đêm đã khá khuya. Tôi ngồi lại một mình ở nhà dưới, với ngọn lửa củi cháy tí tách trong lò.

Tôi ngồi đọc sách một hồi lâu. Nhưng tâm trí tôi cứ phất phơ đâu đâu. Tôi nghĩ đến những người thân yêu ruột thịt, những bạn bè chí thiết ở nơi xa xôi, trong cõi đời này hay ở thế giới bên kia.

Tôi loay hoay vớ vẩn mãi với những ý tưởng về tình yêu, về sự ly biệt, về khổ đau và chết chóc. Và tôi nghĩ đến G. Từ đâu chẳng rõ, bỗng nhiên G. bay đến chốn này, hạ xuống, đứng giữa hiên nhà chúng tôi, đứng im lìm trong lúc chúng tôi nín thở nhìn ra qua cửa kính. Tôi có cảm tưởng rõ rệt là G. đã đến để cho chúng tôi biết rằng mọi sự đều an lành tự tại, mọi người, bất kể ở đâu, bất kể trong hoàn cảnh nào, đều được ”như thường”. G. đâu có phải là Thiên Thần của sự Sống, cũng không phải là Sứ Giả của Tử Thần. Chỉ có một điều mà thôi, G. muốn nói với chúng tôi: Tất cả đều an nhiên, phải biết, phải hiểu như thế. G. đã đến, đã hạ xuống, đứng yên, đã khoan thai bước những bước một trong sân nhà chúng tôi. Rồi G. vụt bay đi, và có ngọn lửa lòe cháy trong mắt vì một tia nắng lạc lối trong chiều tà đã vụng về cuống quít va phải mắt G. Và tôi biết, nhìn mấy thanh củi cháy rụi trong lò, ngọn lửa lòe sáng trong mắt G. đó là cái phương cách đặc biệt của G. để tung lên chúng tôi một trận mưa pháo bông, như trong một cuộc liên hoan.

Tôi đẩy cửa kính lớn sang một bên, bước ra vườn trước. Đêm yên tĩnh, se lạnh. Cây cối im lìm. Sương mù mới ban chiều tràn đầy cánh đồng cỏ nay đã tan biến đâu mất.

Bên kia thung lũng đen ngòm, chênh chếch hướng Đông, ánh sáng mờ mịt của tỉnh lỵ nhỏ bé gần nhất. Ngước lên nhìn trời sao lưa thưa, tôi tự hỏi không biết G. đã bay về đâu.

Đêm đó tôi ngủ không yên, mộng mị lôi thôi. Một lần tôi đánh thót vùng dậy, hình như tôi nghe một tiếng kêu. Nửa nằm, nửa ngồi, tôi lắng tai nghe ngóng một lúc thật lâu. Tôi ngờ là tôi đã nghe tiếng kêu đó trong mơ, nhưng tôi cứ chỏng tai chờ đợi. Chưa bao giờ trong đời tôi từng nghe một tiếng kêu như thế. Tiếng kêu có một âm hưởng kỳ lạ, có tính chất kim khí, một thứ tiếng đồng, tiếng sắt. Nhưng kỳ lạ thay, tôi tin chắc tiếng kêu đó, nếu có thật, chỉ có thể phát ra từ cuống họng của một sinh vật, một động vật, có xương thịt, có máu nóng.

***

Sáng hôm sau, ngày Các Thánh -All Saints Day- trời đẹp, tôi còn nhớ kỹ, đẹp quá, một trong những ngày bỗng nhiên giữa cái cảnh thê lương tàn tạ của mùa thu chết, nắng lại vàng rực, trời xanh rờn, không ấm không lạnh, tuyệt quá đến nỗi ta ngẩn ngơ bàng hoàng không dám tin có thật. Trước khi điểm tâm, tôi ra vườn cho súc vật ăn uống. Trong khi bầy gà tới tấp mổ bắp, tôi lẻn vào chuồng lượm trứng. Bỗng nhiên một tiếng ầm! Cả cái mái tôn rung chuyển trên đầu. Tôi vụt chạy ra, nhìn lên.

Gabrielle! G. đã về lại, rực rỡ trong nắng thu. G. đang chậm rãi khép hai chiếc cánh lớn lại sát thân. Hôm trước G. bất ngờ hiện ra trước mắt chúng tôi, trong khu vườn rậm, một chiều tà, đã đem lại cho chúng tôi, đúng hơn, cho chính tôi, cái cảm tưởng rằng G. không phải chỉ là một con chim lạ lùng đẹp đẽ, mà chính là một thứ chim thần, một thánh điểu. Nhưng bây giờ, sáng hôm sau đó, trước mắt tôi quả có một con chim vô cùng đẹp lạ, chính thị là một con chim thật. Toàn thân óng ánh màu xám bồ câu lung linh, còn màu lục thì đúng là màu ”tourmaline”, một thứ ngọc thạch rất hiếm, rất quí. Và sáng đó, tôi còn thấy thêm một điều nữa: Con mắt lành của G. có một màu vàng chìm chìm, tối tối, như loại hoàng kim những đồ nữ trang thượng cổ. Trên mái tôn rỉ sét của cái chuồng gà xiêu vẹo, G. đứng thản nhiên bất động. Tôi đứng cách con chim lớn không đầy ba thước tây. Bất kể sự gần gũi ấy, bất kể thực tại rõ rệt trước mắt ấy, trong óc tôi vẫn còn giữ nguyên vẹn khối lửa cháy lòe trong mắt G. tối hôm trước. G. nhìn tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi, nhìn với con mắt lành màu vàng cổ, bao quanh với những nét viền màu đồng rỉ như mắt xếch những tài tử hát bội. Tôi không cầm được. Tôi mỉm cười hỏi: ”Nàng là ai?”

Trong sân chuồng bao quanh bởi màn lưới sắt, đàn gà mái gà con mổ bắp, chạy lui chạy lại, chen bên này lấn bên kia, trong khi Lửa và Vôi, hai con gà trống vĩ đại (một con đỏ, một con trắng!) làm bộ tịch giữa đám thê nhi của chúng.

Tôi nhìn lên mái tôi gọi: ”Này, xin mời nàng xuống xơi vài hạt nhé!”, và tôi vãi một đám bắp xuống đất bên ngoài màn lưới. Tôi không ngờ: G. xòe hai cánh lớn, trườn xuống mái chuồng gà. Cái cách ăn uống đi lại của con chim lạ thật giống nhau. G. vươn chiếc cổ dài ra, một động tác vừa căng thẳng vừa uyển chuyển, rồi đầu cúi xuống, chậm rãi, vững vàng, nhưng êm dịu như đôi chân của một vũ công cổ điển.

Tôi đứng xem G. một lúc lâu, nhưng đám hạt bắp vẫn còn như nguyên... Thình lình Lửa ở đâu chạy ra - chính tôi quên đóng cửa chuồng! - sau lưng là Vôi và vài con gà mái. Lửa nhảy xổ lại, lông cổ phồng ra trông thật hung hãn. Nhưng G. đã vượt khỏi tầm cựa của con gà trống khổng lồ. Lần thứ hai, tôi nghe tiếng kêu kỳ lạ, tiếng kêu tôi đã nghe một lần tối hôm trước mà cứ ngỡ là nghe trong mơ. G. kêu một tiếng ngắn, rồi bay vụt lên, cánh xòe rộng như cánh đại bàng. G. bay vượt những cành, những lá trong khu rừng thưa, bay cao dần, rồi biến mất.

Chiều hôm ấy, khi vợ con tôi, kẻ đi dạy, người đi học về nhà, tôi kể chuyện G. đã trở lại. Và tôi cho mọi người biết tôi quyết định giữ lại con chim lạ. Cả hai chị em Yên, Ba mừng rỡ là G. đã quay về, nhưng càng hân hoan khi biết cha chúng đồng ý bắt nuôi.

Chỉ vợ tôi là có vẻ thờ ơ với ý kiến đó. Nhưng nàng không nói lên điều gì để phản đối cha con chúng tôi. Có lẽ nàng biết rằng ngoài sự kiện tự nó đã là một phép lạ đáng chiêm ngưỡng, G. đã trở nên, đối với tôi, một thực tại vô cùng quý báu, một cái gì đó mà chỉ có tôi mới biết được nguồn gốc và giá trị. Cũng có lẽ, tôi rất ngờ, nàng tiên đoán thấy được những ý nghĩ của tôi về G. tối hôm trước khi ngồi một mình trước lò củi cháy tàn. Rất có thể vợ tôi đã biết đến và chấp nhận cái tham lam ham hố của tôi. G. đã đến, đã cho chúng tôi biết là tất cả mọi người thân yêu, mọi việc xa gần, trong cõi đời này hay ở thế giới bên kia, đều xong xuôi, đâu vào đó, không có gì thắc mắc nghi hoặc. Nhưng thế vẫn chưa đủ.

Tôi đòi hỏi nhiều hơn. Tôi muốn được thấy một lần nữa, hai lần, một ngàn vạn lần nữa, ngọn lửa cháy lòe khi tia nắng lạc loài tìm được lối về từ bên kia núi tối chạm phải con mắt vàng cổ của G. Con mắt mà mới sáng hôm đó còn nhìn thẳng vào tôi với một cái nhìn vừa xa xôi, vừa hiền hòa, vừa bao dung. Cái nhìn đó đã làm cho tôi càng thèm khát được biết rõ thêm, được an ủi vỗ về thêm, được nắm chặt trong tay một thứ bảo đảm kiên cố nào đó không có gì làm sứt mẻ được.

Và như thế đấy, tôi quyết định bắt giữ con chim lạ. Không để làm một thứ gia súc như Ba muốn làm. Cũng không để làm một thứ đồ trang trí như ý kiến của Yên. Tôi sẽ bắt giữ G. như bắt chộp lấy được một ảo giác biết thở, biết bay, một giấc mơ mà ta còn có thể nhìn thấy được khi đã tỉnh giấc. Chưa gì tôi đã tưởng tượng đến những lúc rình mò bất thần bắt gặp G. Tôi sẽ xúc cảm lần nữa với cái ”đau” vụt đến vụt đi, tôi muốn nói đến cái đau mà chính thật là cái vui vô cùng mãnh liệt thình lình được thấy tận mắt, nhìn tận mặt, một người thân ruột, một người bạn thiết, sau bao năm sống ly chết biệt. Chưa gì tôi đã nghĩ đến những chiều tà khi ánh nắng chỉ còn lại vài nét lê thê, tôi sẽ nhón nhén đến núp sau cánh cửa lớn và chờ đợi G. Và nếu may mắn, tôi sẽ thấy lại được, một lần nữa, trận mưa pháo bông bùng cháy tung lên từ con mắt vàng...

***

G. không trở lại, cả tuần lễ đó. Nhưng đến tối thứ bảy, vợ chồng con cái tôi đã dựng xong ”biệt thự” cho G. Cả ngày chúng tôi hì hục làm việc: Đóng cọc, căng lưới sắt quanh một mảng lớn của cánh đồng trước nhà. Từ những cọc cây cao hơn, chúng tôi căng lưới lên cả phía trên. Thực tình mà nói, ”biệt thự” ấy, nếu so với những ”chuồng” chim vĩ đại ở Sở Thú thì chẳng ra cái gì, nhưng cũng đủ không gian cho một con chim vóc dáng như G. chẳng những đi lại được bên trong mà còn ”bay” lên ”bay” xuống. Chúng tôi an ủi nau: Chật chội thật nhưng không đến nỗi chật chội quá! Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm. Với vài mảnh gỗ, dăm thước dây thép và lưới kẽm, tôi đóng một cái bẫy.

Tôi hết sức đóng làm sao để nếu G. có bị sập vào thì dù vùng vẫy mấy cũng không bị thương tích. Tôi hăm hở làm việc. Nhưng đôi lần, tôi bỗng dừng tay, sững sờ. Tôi ngạc nhiên - và hơi xấu hổ - thấy tim đập mạnh. Thì ra tôi bắt chộp được mình đang chờ đợi, thấp thỏm, hân hoan như một đứa trẻ chờ mẹ về. Một cảm xúc mà đã từ quá lâu, quá lâu, như bao người khác, tôi không còn được thấy trong lòng.

Ngày qua ngày lại, tuần này trôi đi tuần khác đến, mới đó đã giữa tháng Một dương lịch. Cây cối đã trơ trụi quá nhiều, thế mà G. vẫn chưa trở lại. Ngồi ở bàn làm việc, tôi có thể nhìn xuyên qua phần trên, vốn là kính trong của cánh cửa sau. Chia cách mặt hậu của căn nhà với cánh rừng thưa là một bờ đất cao với những tảng đá nằm ngổn ngang. Tôi phóng mắt từ những tảng đá ấy, vượt khoảng bờ đất, lên đồi, lên cao mãi, cho đến đỉnh núi san sát cây cối đã trụi lá trên nền trời đông màu thiếc lạnh. Tôi hay ngừng tay, nhìn lên, chờ đợi. Thật vô lý, nhưng tôi vẫn tin tưởng là một giây khắc nào đó, tô sẽ ngẩng lên đúng ngay vào lúc G. bay qua khoảng trời đất đóng gọn trong khung kính vuông đó: Như một cái chớp lòe sáng, một hào quang bùng lên với hai màu ngọc thạch và hoàng kim...

Nhưng tôi đã hoài công chờ đợ. Hai đứa Yên và Ba bận rộn bài vở cùng nhiều thứ lăng nhăng khác, xem như đã quên mất G. Và tôi nghĩ thầm, vợ tôi có vẻ như thở phào nhẹ nhõm, trút bỏ được một mối lo âu. Tôi biết nàng đã yên chí là con chim lạ sẽ không bao giờ quay lại nữa.

***

Cuối tháng Một dương lịch, đúng trước ngày sinh nhật của tôi, trời trở lạnh da diết, một ngày thật lạnh đầu tiên của mùa đông năm ấy. Đứng ở gác thượng nhìn ra, tôi thấy được cái ”chuồng chim” chúng tôi xây dưới cánh đồng cỏ. Đêm qua sương giá có rơi, bọc trắng màn lưới sắt, sáng ra nhìn tưởng những tấm lụa thêu ngân tuyến. Tôi thoáng nghĩ, điệu này e G. không trở lại nữa, chỉ còn có nước tháo gỗ tháo lưới, hạ cái ”chuồng chim” đi cho xong chuyện. Trong thâm tâm, tôi chẳng biết làm gì hơn là chấp nhận một ý niệm hiển nhiên; một cái gì đó thật đẹp đẽ, thật hiếm có đã đến, rồi đã bỏ đi, chỉ có thế thôi.

Vợ con tôi thường mừng tuổi tôi một ngày sớm hơn để cho trùng với ngày cha mẹ sinh tôi ra bên kia trái đất. Tối đến, cả nhà vui vầy ăn một bữa cơm thật đặc biệt, tặng quà, mở quà, v.v... Giờ đi ngủ rồi cũng đến, mọi người ríu rít lên gác. Chỉ còn tơi ngồi lại xem chừng mấy khúc củi lớn để chúng cháy cho thật hết.

Và lần đầu tiên, cả ngày hôm đó, tôi nghĩ đến G. khi bất chợt thấy tuyết rơi lả tả bên ngoài. Tôi đứng dậy, đẩy cửa kính lớn, nhìn ra hiên. Từ lúc nào không rõ, tuyết đã rơi có đến hai ba phân trên nền xi măng. Bỗng nhiên tôi choáng váng, một nỗi xót xa tràn trụa trong lòng. G. đã bay về một khu rừng xa xôi hoang vắng nào? Về một đỉnh núi trơ trọi héo hon nào? Trong đêm khuya tối tăm lạnh lẽo, tuyết rơi không một tiếng động, bộ lông vũ màu lục ”tourmaline” và xà cừ đó có giữ được khô, được ấm không? Tôi nghĩ đến con mắt mù của G., con mắt giống hệt một hạt nút bạc. Tôi nghĩ đến con mắt lành của G., con mắt lành màu vàng cổ, ánh vàng nay chắc đã tắt rồi trong đêm đen mịt mùng... Hôm đó là ngày sinh nhật của tôi, thế mà tôi đóng cửa tắt đèn, trong lòng buồn bã lẫn lộn một nỗi thấp thỏm, một cảm giác rờn rợn bất an.

Quá nửa đêm, nửa ngủ nửa thức, tôi tưởng tôi nghe tiếng kêu của G. Nhưng tôi nghĩ tuyết rơi mạnh như thế G. đâu có quanh quẩn ở đây. Chắc thế nào cũng đã trốn vào trong một hốc đá nào đó trên núi.

Nhưng tôi lại giật mình thức giấc. Hoàn toàn tỉnh ngủ, tôi nghe rõ ràng, một lần nữa, tiếng kêu kỳ lạ, tiếng kêu như có chất đồng chất sắt. Không phải chỉ một lần thôi. Tiếng kêu vang vang tới tấp từ phía sau nhà. Phòng ngủ chúng tôi lại ở mặt hậu. Khi tuyết lạnh phất vào mặt, tôi mới biết là tôi đã một bước phóng ra vườn, tay cầm cái đèn ”pin” - thường vẫn nằm trên bàn nhỏ cạnh đầu giường. Tôi vụt chạy lên đồi, tai vang vang tiếng kêu kỳ dị.

Trong ánh sáng hình chổi của cây đèn ”pin”, cách độ mười thước, G. đang vùng vẫy cố thoát khỏi cái bẫy. Trời! Cái bẫy tôi đã đóng để bắt G. mà vì G. không trở lại, tôi đã lú lẫn quên mất! G. đã mắc bẫy thật và đã cao chạy xa bay rồi nếu một chiếc cánh không bị kẹt cứng dưới khung cửa làm bằng lưới sắt móc lò xo. Tôi càng lại gần, con chim lớn càng vùng vẫy dữ dội. Tôi không thấy rõ G. nữa; chỉ còn có cánh, có lông, có tuyết tung lên và tuyết rơi xuống. Bỗng một vật lớn phóng về phía tôi, va mạnh vào vai tôi, làm tôi chúi ngã sang một bên. Tôi lấy lại thăng bằng thì G. đã bay bổng lên không, và mang trên lưng cả bầu trời tuyết, là đà bay xuống đồi, rồi hạ xuống đậu ngay trên nóc nhà. Tôi vội vã chạy xuống, vừa chạy vừa dâng cao tay rọi đèn lên. Nổi bật trên nền trời tuyết đêm, G. vĩ đại lạ thường. G. đứng im lìm một lúc lâu trong khi tôi ở dưới nhìn lên. Rồi con kỳ điểu từ từ quay đầy nhìn xuống: Một ngọn lửa lòe cháy trong con mắt vàng! Trong khoảnh khắc, tôi thấy ngàn vạn tia lửa sáng rực như một trận mưa pháo bông từ trên trời rơi xuống cùng với hằng hà sa số bông tuyết. Tôi sững sờ nhìn lên. Con chim lớn dang hai cánh mênh mông, vỗ một cái nhẹ như không, rồi nhún mình bay bổng lên, bay vút vào bầu trời đêm tuyết. Lúc đó tôi mới nhận ra tôi đứng trong bóng tối, không áo choàng, không giày dép. Và tôi run bắn cả người.

***

Sáng hôm sau, trời nắng sáng, trong và lạnh, vợ tôi và các con đã rời nhà trước khi tôi thức dậy; mọi người đã ngủ ngon lành suốt đêm, không hay biết gì.

Mặc quần áo ấm xong, công việc đầu tiên của tôi sáng đó là lên đồi sau, về phía chuồng gà, xem lại cái bẫy tôi đã dại dột quên bẵng để cho G. phải sập vào. Nhìn quang cảnh bừa bãi trước mặt, tôi nghẹn ngào: Lông chim rải rác bốn bề, mặt tuyết trầy trợt nát bấy, máu thấm vào tuyết lan ra nhiều vạt đỏ hồng. Tôi đủ hiểu là G. đã vùng vẫy mãnh liệt thật lâu để thoát thân trước khi tôi nghe được tiếng kêu mà cầm đèn chạy lên.

Tôi cúi nhặt một cái lông cánh, một cái lông dài màu lục mà tôi vẫn thường ví với ngọc thạch ”tourmaline”. Tôi nhìn cái lông chim hồi lâu, rồi tôi dim mắt, chìa cái lông ra theo hướng ánh mặt trời. Rồi tôi xoay nó lại qua chiều khác, để nó ngược lại hướng ánh mặt trời. Nhưng cái lông chim tuyệt đẹp chỉ còn là một màu lục tầm thường, không phản ánh hỏa hoàng và huyết dụ nữa như tôi đã từng thấy khi nó còn dính liền nguyên vẹn với hình hài của G.

Sáng ấy, tôi đã nói, là ngày sinh nhật của tôi, giờ Tây-Bán-Cầu, trời rất đẹp, tôi đứng đó, một con người đã trưởng thành, một gã đàn ông xưa nay vẫn kiêu căng về cái ”gươm đàn nửa gánh” của hắn, một đấng tu mi. Thế mà tôi thấy rậm rực, run run trong lòng. Một tí ti nữa, chỉ một tí ti nữa thôi, thì tôi đã đưa tay lên ôm mặt khóc, như một đứa trẻ con...

Võ Đình (1979)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 738)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 952)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
23 Tháng Chín 202412:02 SA(Xem: 1220)
Cây thị tỏa bóng mát thâm u giữa cánh đồng, đón những ngọn gió lồng lộng mát rượi từ phương xa thổi lại, đây là nơi các bác nông dân nghỉ ngơi tránh cái nóng ban trưa, hoặc các khách bộ hành nghỉ chân trên con đường thiên lý mệt mỏi. Đây là nơi lũ trẻ của trường tiểu học cộng đồng Hòa Do thường tụ tập nô đùa trong những ngày nghỉ học.
22 Tháng Chín 202411:17 CH(Xem: 1434)
Chắc bạn cũng có nghe câu chuyện về ông Phó Thủ Tướng Đức gốc Việt, từng là đứa trẻ mồ côi bên Việt Nam. Tôi thật sự cảm động muốn khóc, không phải vì ông là người có tài, đẹp trai, ăn nói khôn ngoan hay làm lớn mà vì nếu cha mẹ nuôi không mang ông về Đức, có thể hôm nay ông cũng đã là kẻ lang thang đầu đường xó chợ ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam. Bạn tôi muốn kể cho quý vị nghe về một đứa trẻ bụi đời, lang thang đầu đường xó chợ trên đất Hoa Kỳ, nhờ mẹ nuôi Việt Nam mang về chăm sóc, dậy dỗ đã trở nên người hữu dụng.
12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 2555)
Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc: “Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.” Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.
12 Tháng Chín 20242:26 CH(Xem: 1823)
Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.
18 Tháng Tám 20242:40 SA(Xem: 3331)
Thu Yến sinh ra trong một gia đình công chức bình thường ở nông thôn thuộc một xã miền Tây Nam Bộ. Ba má Yến là nhân viên văn phòng tại một đợn vị sản xuất và phân phối vật tư nông nghiệp vùng ven Tây Đô. Nhà có ba chị em. Chị Hai là Thu Miên hơn Thu Yến ba tuổi nhưng bị khiếm khuyết, chậm phát triển bẩm sinh nên không đi học được chỉ quanh quẩn ở nhà với em. Đứa em trai út cũng bị khiếm khuyết về thể trạng, thường xuyên bị động kinh nên cũng chậm lớn không đi học được. Như vậy trong ba đứa con, chỉ có Thu Yến là xinh xắn, thông minh. Vì thế Yến là niềm kỳ vọng duy nhất của ba mẹ có thể ăn học nên người sau này phụ giúp ba mẹ nuôi chị và em, chăm lo gia đình.
15 Tháng Tám 202412:35 SA(Xem: 3444)
Những khối gạch đá đen trùi trũi trong ánh trăng lu chìm giữa những đám mây nặng trĩu đè lên thành Kim Lăng (Nam Kinh). Tiếng quạ kêu thảng thốt. Trong Viện Thái y, hơn chục viên Ngự y chắp tay cúi đầu vẻ ăn năn biết lỗi, xếp hàng trước viên Tổng quản của Hồng Vũ đế đang cao giọng: - Các vị Ngự y! Hoàng đế rất tức giận, và hoàn toàn thất vọng về các vị! Được hưởng ân huệ của triều đình không ít, nhưng đã mấy tuần trăng rồi, tính mạng vàng ngọc của Vương phi trao cho các vị, các vị đã làm được gì? Hơi thở của Vương phi ngày một mỏng manh như sợi cước…
17 Tháng Bảy 20244:12 CH(Xem: 4208)
Nàng ngồi lặng lẽ trên ghế sô-pha. Chiếc váy màu đen mở ra khoảng trống vô hình. Hai cánh tay rã rời đặt lên thành ghế. Ánh đèn màu nhập nhòa hắt trên phố vắng. Nàng ngồi chờ hắn về. Hắn sẽ đi trên chiếc xe bịt kín màu đen, gương mặt lạnh lùng. Hắn có mùi đàn ông pha hương gai cầu. Gót giày thường lấm một thứ gì đó rất ít, nhưng cũng đủ cho nàng phát hiện ra: cát bờ sông, bùn đất quánh đặc, than cháy, hoặc thứ gì không màu mùi vị mà lẩn quất xô đẩy chen lấn tanh tanh mùi đỏ nhầy nhụa. Hắn không thích nàng nói gì. Chỉ sở hữu một cách chậm rãi và ngông cuồng. Sau đó hắn đưa cho nàng một tập những tờ màu xanh. Chuông điện thoại reo. Nàng nhích người ể oải đứng lên với cái máy, ể oải a lô. Cánh tay mỏi đã có thể đưa lên, chậm rãi như chờ sự đồng lõa. Phía bên kia im lặng. Lạ thật, có lẽ ai nhầm máy. Ném máy xuống bàn, nàng lại co chân lên ghế trong tư thế chuẩn bị ngủ. Nhưng rồi điện thoại lại reo. Nàng không buồn đứng dậy nữa. Tự nhiên cơn buồn ngủ kéo đến. Nhưng chuông cứ reo...
17 Tháng Bảy 202411:26 SA(Xem: 3732)
Sáng hôm đó, lễ đón tân sinh viên trường ĐH Kinh Tế diễn ra thật vui. Đặc biệt mấy anh sinh viên lớp trên lúc nào cũng háo hức chào đón tân sinh viên hơn cả. Hoàng Tùng cũng vậy, anh cùng với nhóm bạn hôm nay đến trường sớm hơn mọi khi. Áo quần thẳng nếp, đầu tóc gọn ghẽ phong thái lịch lãm nhất có thể. Trong buổi này có nhóm tân sinh viên nữ làm anh và nhóm bạn chú ý nhất là ba em trong trang phục áo dài trắng, vàng và xanh thiên thanh ngồi gần nhau bên góc trái hội trường