- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Ba Năm Sau

18 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 34869)
blank1.

Anh gặp và quen biết Luy từ một người bạn gái trong bữa họp mặt cuối năm của nhóm Người mẫu "Thác loạn" cách đây 3 năm. Lần gặp đó không có gì đặc biệt. Anh chỉ nói chuyện với cô bạn gái người Singapore ấy vài câu, mà toàn là chuyện vớ vẩn. Tiện thể, anh biết Luy không nghề ngỗng gì. Biểu diễn thời trang nghiệp dư chứ không có tham vọng gì to tát. "Tạt qua, ghé qua", thế thôi. 29 tuổi. Không sống cố định nơi nào. Công việc bấp bênh, ít bạn. Ấn tượng về Luy thế nên rất thoáng qua. Anh chỉ nhớ rằng gã là một kẻ dễ nhìn, đôi mắt có chút gì đó cuồng loạn nhưng ngây thơ, cái vẻ bề ngoài ấy.

Trong buổi chiều gần như tuyệt vọng, anh gặp lại Luy ở quán cà phê ngoài trời X. Vừa kịp nhận ra anh, Luy lao đến, ôm sát & ghì chặt như thể 2 người bạn tri kỉ đã lâu không gặp. Người gã trông rám nắng nhưng tươi tắn và mạnh khoẻ, râu ria cắt tỉa cẩn thận. Gã bảo có sô diễn ở khách sạn New World vào lúc 8 giờ tối, sau đó sẽ tham gia party và đi bar suốt đêm. "Kiểu như vậy". "Thế à. Nhưng trong danh sách tao đâu thấy tên mày?". "Tao đổi nghệ danh rồi. Andy Trần. Mày thấy thế nào. Nếu không quen, mày có thể gọi tên cũ hay bất kỳ cái tên nào mày thích cũng được". Chúng tôi tào lao ở quán cà phê đó một lát rồi đứng dậy. Gã bảo muốn chơi bowling và có ý định rủ rê tôi. "Được thôi". Tôi đột nhiên thấy mến gã dễ sợ và cái gật đầu không chút đắn đo trên khiến tôi vui vẻ lạ lùng. Chúng tôi lên tầng 4 của tòa nhà X chơi đến toát mồ hôi, sau đó tiếp tục ghé mắt đến mấy trò trẻ con khác: gắp thú nhồi bông, đua xe, nhảy theo điệu nhạc vvv… Luy bảo thèm kem Ý và chút gì đó the the. "Nước bạc hà"- tôi nghĩ: "Một ly nước bạc hà và 2 phần kem cà phê với thật nhiều đậu phộng". Xong, tôi đến chỗ quầy nước tự động quẳng thêm một đống tiền xu. Tôi thì đang thèm 1 chai bia. Loại nào cũng được, miễn là bia. Kể cả thuốc lá. Hiệu nào cũng tốt. 

"Bây giờ mày làm gì?"

"Ở Việt Nam hả? Mục đích chính là chia tay với cô bạn gái người Pháp (đang học ngành ngôn ngữ ở Việt Nam) mà mãi chưa tìm ra lý do. Mục đích phụ là chơi bời, lêu lổng, hưởng thụ không khí, yêu bất cứ người nào ở đây"- Luy nhe răng cười rồi nháy mắt- "Cô ấy là Hoa, cũng là người mẫu đấy. Nói chung, mọi chuyện cũng chẳng phức tạp gì".

 

2.

Chúng tôi ghé bar The Stranger vào lúc 12 giờ đêm trước khi kết thúc sô diễn trước nửa tiếng. Hai đứa đi cửa sau để không phải bắt gặp Hoa đang đứng ôm bó hoa to đùng trước cổng khách sạn, chờ. Luy chạy chiếc mô tô phân khối lớn màu vàng, rồ ga phóng như điên. Giống tất cả quán bar khác, chiếc loa như mụ già khó tính vô cớ phát điên chuyện gì đó, trong lỗ tai tôi. Trên sàn, đám người nhảy múa cuồng loạn. Trên sân khấu, các vũ nữ vặn vẹo đủ kiểu. Cảnh vật trông rất khá và Luy có vẻ phấn khích lắm. Tìm được cái bàn còn trống nằm trong góc khuất, vừa kịp gọi rượu thì mới biết gã đã biến mất tự khi nào. Thì ra Luy đã tiến đến giữa sàn, nhảy múa theo kiểu nào đó, thật quái đản, không sao hiểu được. Khi hơi thấm mệt, gã lao người về phía tôi, nốc rượu ừng ực (trước đó, gã bỏ vào ly 3 viên thuốc màu xanh lá mạ), rồi trở lại sàn và nhảy càng ngày hăng. Những người có mặt ngay tại đó vỗ tay tán thưởng cũng hăng không kém. Gã cười rất to. Mọi người cũng cười. Rất to. Rất to. Gã làm cho bọn họ vừa nhảy vừa cười. Rất to. Nhưng tiếng cười nghe có gì đó hết sức trống trải và vô ơn. Cái "rất to" ấy. 

Cuối cùng, gã say đến nổi không thể tự điều chỉnh mình về khách sạn, tôi phải trở thành tài xế bất đắc dĩ cho gã. Bây giờ là 4 giờ sáng, đường phố vẫn còn tối thẫm và người đi lại thưa thớt như là chưa từng thấy. Vài tiếng nữa có lẽ con người mới túa ra đường mang theo hơi nóng chói gắt ồn ào của mùa hè câm lặng (hay là sẽ chỉ là cảnh tượng hoang vắng và là chết chóc không người). Vài tiếng nữa tôi sẽ ngồi trên chiếc ghế gỗ mục lại nhai bánh mì nhét bơ lại cà phê đen không đường không đá sau khi nấu một nồi cơm cho mèo và chó ăn cả ngày. Gã và tôi là 2 kẻ cuối cùng rời khỏi The Stranger. Chúng tôi gửi rượu còn thừa ở quầy bar, "Mai tôi ghé nữa"- giọng gã lè nhè, đáng ghét. 

Trước 15 tuổi, Luy đi rất nhiều. Gia đình gã luôn luôn thay đổi chỗ ở đến nỗi Luy không biết mình có nhà hay không. Sau khi cha mẹ ly dị, gã quyết định theo cha vì thích nhìn thấy ông đọc báo vào lúc 3 giờ sáng bên cạnh điếu thuốc màu vàng, cặp kính lão đã cũ, mãi mãi. Cuối cùng ông già 58 tuổi cũng quyết định định cư ở một vùng ngoại ô của nước Pháp, quận Seine- Saint- Denis. Ở đó có cây Muỗng lá xanh rụng vào tháng 12, tháng 4, tháng 7 bị biến đổi màu sắc qua khung cửa kính đỏ. Ngôi nhà nhỏ 4 phòng ngủ nhìn ra công viên có đầy loại cây ấy. Những cuộc bạo loạn nổ súng vô cớ, những vụ thanh trừng diễn ra âm thầm, sự tuyệt vọng của thanh niên di dân gốc Bắc Phi và những bà già thất nghiệp thảnh thơi ngắm hồ vào buổi chiều thật muộn; tất cả hòa trộn vào không khí không gian Pháp ấy một cảm giác mơ hồ muối mặn khủng khiếp. Nhưng lý do chắc là quan trọng hơn cả là vì ông ấy có tình nhân ở đó. Một người gốc Á, là công dân Hàn Quốc, 28 tuổi. Mẹ cô cũng là gốc Á nhưng là người Việt. "Việt Nam ấy mà, cũng chẳng gì đáng nói". 

Sống với cha chỉ là một cách nói. Gã không thường ở nhà. Nếu có thì cũng là một hình ảnh gì đó khó hiểu khó đoán khó nắm bắt, trong đời sống, một nơi xa lạ hơn cả sự xa lạ. Đó chưa từng là cảm giác cô độc mà là một sở thích. Chỉ đơn thuần sở thích. Một sở thích bước ra từ thứ ánh sáng chói lòa điên đặc. Gã không nghĩ đến bất kỳ cuộc tồn tại nào ở xung quanh, bên trong mình, bên ngoài mình, hay ở chính giữa lòng hồ sâu rộng. Ở đâu gã cũng có thể qua đêm được. Tìm quên. Sống được. Gầm cầu. Trên giường. Dưới hố. Singapore. Nhật Bản. Châu Phi. Tiếng ồn nào gã cũng chịu được, ngủ được. Gã luôn là mình. Luôn luôn là một kẻ không mình. Luôn luôn không là một định nghĩa nào. Kẻ luôn không [cần] một mối liên hệ nào rõ ràng với tất cả [không] thế giới. 

Bây giờ thì gã đang ở với tôi. Nôn thốc nôn tháo trong toilet, cố lết thân mình ra khỏi nơi chốn ấy thì ngã lăn đùng, ngủ say như chết. Gã không còn thấy gì hết. Không biết gì hết. Tôi chỉ chực phát khùng. Tôi ghét nhìn cảnh này. Tôi chưa bao giờ lâm vào tình trạng tồi tệ này, nhất là tôi không biết trút giận vào đầu ai cả. Không biết cấu xé không biết đâm thủng vào ai [nơi đâu] cả. Vậy mà khi vừa tỉnh dậy, gã tỉnh rụi như không. Lần đầu cũng như lần cuối, nhưng tôi nói, tôi không thích nhìn cảnh này. Tuyệt đối không. Tôi chưa từng lâm vào tình trạng này. Và tuyệt đối không muốn lâm vào tình trạng này. Luy ừ. Luy cười. Ánh cười sắc và nghiêm nghị. Luy bảo biết rồi. Luy sẽ một mình. Luy không cho tôi xem cảnh này nữa. Luy cười nghiêm nghị nhưng nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng đến nỗi tôi nghĩ Luy chưa từng có ẩn ý trong bất kì hành động nào từ trước đến giờ. Chỉ là nhẹ nhàng thôi. Trong những cuộc vui náo nhiệt sau này, rồi sẽ không có tôi. Luy chắc như thế. Không lần nào nữa. Luy cam đoan. Tôi nghĩ với giọng điệu dịu dàng nhưng khắc nghiệt ấy, Luy có thể giết người, để chứng minh điều gì đó với tôi. Luy đồng ý. Tôi ừ. Tôi cười. Tôi đồng ý. Tôi bảo thế nhé. Lần đầu cũng như lần cuối. Và đúng là Luy đã giữ lời hứa. Luy đã bảo rồi mà. Không tôi, Luy vẫn đi bar thường xuyên. Chính xác là "mọi ngày". Hết bar này đến bar khác. Tôi biết gã vẫn không bỏ cái tật quậy tưng quán và làm những trò khó kiểm soát. Nhưng cứ vào thời điểm từ 2-4 giờ sáng, lúc tôi đang chìm trong giấc mơ tuyệt đẹp thì thế nào điện thoại gã cũng reo lên bất chấp và kiên nhẫn. Trong túi Luy luôn có mảnh giấy ghi số điện thoại của tôi. Tay pha chế gọi tôi lập tức đến quán X, Y, Z để vác xác gã về bằng cái giọng nhiều khi rất thiếu kiềm chế. Luôn luôn. Tôi phải đưa gã về khách sạn. Luôn luôn. Khi đánh răng, súc miệng xong, gã lập tức gọi điện thoại cho tôi thắc mắc rằng hôm qua trông gã bét nhè cỡ nào, tóc tai ra sao, quần áo tệ bạc lắm không? Tóm lại là: "Tệ quá phải không mày? Tao chắc chết mất". Luôn luôn như vậy. Luy đấy. Luy, bạn tôi đấy. Luôn luôn như thế. Nhưng rất tiếc là tôi không biết tại sao mình lại không cảm thấy khó chịu hoặc tỏ ra giận dữ vì cái cú điện thoại chết tiệt ấy 

"Mày không thế sống như thế này mãi được", tôi nói.

"Hãy cứ mặc tao"- Luy chải đầu chậm rãi rồi quay lưng lại và nhìn thẳng vào mắt tôi, ánh nhìn như xoáy như muốn đóng đinh vào đầu. Cái nhìn bất động, xuyên thấu.

"Mày điên rồi". 

Không hiểu sao Hoa lại biết tất cả nên không tìm cớ ghét bỏ Luy, thậm chí, là ngược lại. Hoa có thể đi suốt đêm với Luy, đi bất kì đâu, sử dụng rất ít hoặc tất cả thời gian, tùy Luy quyết định. Hoa có thể chạy xe phân khối lớn đưa Luy về khách sạn, ủi áo cho gã vào lúc sáng sớm và gọi thức ăn lúc trưa khi Luy đang trong toilet đánh răng, rửa mặt. Hoa có thể giới thiệu nhiều sô diễn thời trang hơn nữa nếu Luy muốn. Hoa có thể… Hoa có thể…. nhưng Luy không thể. Luy không thể tất cả. Luy sống trong cụm từ "không thể". Chỉ đơn giản là "không thể". Vì vậy khi phát cáu chuyện gì đó, Hoa chỉ biết gọi cho tôi để xả stress, hoặc đập phá đồ đạc gần tầm tay với hoặc hét như điên như dại hoặc nằm dài chết. Thỉnh thoảng, cô ấy đến khách sạn Hoa Anh Đào, chỗ gã thuê, để thấy gã say bét nhè hơn 5 phút rồi lủi thủi trở về nhà. Vậy mà khi gặp gã vào buổi xế chiều, khi gã ngồi đối diện cô trong một không gian tràn đầy âm nhạc thì Hoa quên hết. Hoa rạng ngời và tuyệt đối tươi trẻ như là chưa từng thế bao giờ.

 

3.

Tôi không ngờ mình lại đưa gã ra sân bay vào một sáng mưa tồi tệ ở Tân Sơn Nhất. Gã bảo cuối cùng mọi chuyện cũng xong xuôi, không còn gì bận lòng nữa và nhất là gã chán Việt Nam rồi, chán luôn cô bạn gái, luôn tôi. Miệng Luy cười to hết cỡ, rồi gã siết chặt tôi như lần gặp gỡ cách đây 3 năm, nhưng lần này cảm giác của tôi thật lạ. Cảm giác như sẽ lâu lắm, chúng tôi mới được gặp nhau [thật ra là không bao giờ nữa]. Nhưng khi Luy đi rồi, tôi phát hiện sự trống vắng điên rồ đã bao bọc, ngấu nghiến tôi một cách độc ác. Nằm thượt trên giường, tôi chợt nghĩ đời sống này thật buồn tẻ biết bao. Điện thoại bất thần reo lên như tiếng động mắc kẹt trong bóng tối thối nát, nhưng trong thâm tâm, tôi thầm cảm ơn vì nó như kéo tôi trở lại đời sống này và nhanh chóng xóa tan cảm giác nhớp nháp của cơn mưa đến từ đám lá ủ mục vô danh.

"Hoa đây. Anh rảnh không. Cà phê nhé!"

"Ừ"- tôi trả lời một cách vô thức.

"Vậy hẹn anh ở chỗ cũ".

"Quán Bà Già"- tôi thầm nghĩ. 

Rồi tôi giật mình nhớ Hoa không giã từ Luy ở sân bay. Chính xác là không có ai ngoài tôi. Sao thế nhỉ? Bây giờ tôi mới phát hiện là Luy đã ra đi một cách khó hiểu. Trời cứ mưa mãi và tôi, tôi đang ngồi trong căn phòng đơn độc, tôi đang nhìn ra không gian phía ngoài mê mãi, tôi đang... Sao thế nhỉ, tôi tự hỏi. Đáng lẽ phải từ chối Hoa mới đúng. Nhưng tôi nhanh chóng gạt phăng ý nghĩ này. 30 phút sau tôi đến quán Bà Già thì thấy Hoa đã ở đó.

"Em đến lâu chưa?"

"Nãy giờ. Anh uống gì?"

"1 tách cà phê nóng".

"Đêm qua em mơ một giấc lạ quá, anh ạ- Hoa nói mà không nhìn mặt tôi- Em lái chiếc ô tô đen không nhìn rõ hiệu, bảng số. Đến đoạn đường đèo, em chẳng thấy mình đâu cả mà chỉ có chiếc xe. Nó tự đổ xuống. Nó tự và có vẻ mất lái", giọng cô bình tĩnh và từ tốn.

"Có lẽ em gặp ác mộng- tôi thong thả- Giờ thì em đã ổn chưa?".

"Em không biết. Nhưng đêm nay em ghé chỗ anh được không? Em không thể một mình được. Chỉ đêm nay thôi."- Hoa nói rất nhanh như sợ tôi từ chối.

Tôi "Ừ" theo bản năng tăm tối nào đó.

"Đêm nay thôi. Đêm nay. Em sẽ ghé lúc 8 giờ"

"Lúc nào cũng được mà"- tôi khẳng định.

Chúng tôi đứng dậy và cùng rời khỏi quán. Ly cà phê vẫn còn nguyên đấy và ly cam vắt của Hoa cũng vậy. Cuộc trò chuyện kết thúc quá nhanh, chính tôi cũng không thể nào ngờ. Trời vẫn mưa dai đẵng. Quán Bà Già trông lại càng vắng vẻ hơn bao giờ hết. Tôi tự hỏi rốt cuộc, tôi đã đến đây và đã gặp Hoa thật ư? Là sự thật ư? "Em có thể đến bất cứ lúc nào"- Tôi nghĩ chắc mình điên mất rồi.

 

4.

Mười một giờ khuya, Hoa mới đến, khi tôi nhắm mắt được khoảng nửa tiếng. Mưa vẫn dồn dập ngoài mái hiên. Hoa đến mang theo mùi rượu phảng phất, chắc là cô ấy đã uống cái gì đó trước khi đến đây. 

"Xin lỗi em đến muộn. Em quên mình có một sô diễn".

"Em vào đi. Đã ăn uống gì chưa". Tôi đỡ lấy cái áo khoác của Hoa. Tôi nhìn phía sau lưng cô chiếc taxi quay ngược đầu xe, tiến ra bóng tối mịt mù. Ánh đèn xe đỏ hắt hiu, nhỏ xíu dần biến mất từ chỗ ánh nhìn nông cạn ấy. Đóng cửa lại, tôi vẫn nghe gió tạt mạnh vào mặt, rét câm, mê dại.

"Anh có cái gì uống không". Hoa ngồi co cụm trên ghế sa-lông lên tiếng.

"Nước ngọt và bia. Em thích uống gì".

"Gì cũng được. À, em nghĩ là có khi bia thì tốt hơn"

Ngừng một lúc, Hoa nói "Em thấy mình thất lạc kinh khủng" rồi xua tay trước mặt như thể nước mưa đã che kín gương mặt của mình.

"Đôi khi chúng ta như thế". Tôi chăm chú nhìn Hoa nhưng biết rõ là Hoa không nghe thấy tiếng tôi. Hoa đang chìm trong suy nghĩ và tránh xa mọi va chạm đến từ [không] thế giới. Mắt Hoa dại và lơ đễnh. Thật tình, tôi thấy khó quá. Ở cạnh một người phụ nữ vào lúc gần nửa đêm, uống bia và nói về nỗi buồn vô cớ xâm chiếm tâm hồn. Đây là lần đầu tiên tôi bị kẹt vào hoàn cảnh này và không biết làm cách nào để thoát ra được. Tôi đâm ghét cái tình thế bị động này. Nên tôi phải nói cái gì đó, bất cứ cái gì. Một sự sáo rỗng càng tốt. 

"Khi quen, Luy bảo chẳng thể giúp được gì em cả. "Không. Không"- em nói- "Em đâu cần cái gì…".

Một lát sau, tôi lên tiếng:

"Vì cớ gì em thích gã?"

"Em cũng không rõ nữa. Còn anh, sao anh thân được với anh ấy?"

"Chắc vì gã hơi… điên". Tôi cười lớn và Hoa thì bật cười, trong bóng tối im hơi. Nụ cười hiếm hoi của một ngày nặng nề phủ kín.

"Hết bia rồi. Anh mua một ít nữa nhé. Em đói không. Anh mua cái gì ăn nhé"- Tôi nhìn đồng hồ. Bây giờ đã là 2 giờ sáng, buồn ngủ quá sức nhưng tôi không còn cách nào khác trừ việc hết sức kiên nhẫn- "Ở gần đây thôi. Chờ anh 5 phút". Trước khi đi, tôi đã kịp thời uống 1 tách cà phê thật nóng pha đặc một cách kín đáo để chống lại cơn buồn ngủ chết người có thể hạ gục tôi vào một thời điểm khó đoán.

"Ừ. Cái gì cũng được. Nhưng anh hãy cố về nhanh". 

Tôi đi bộ ra đường. Trời tối mịt. Mưa làm đám khí dày lạnh và ướt hơn nhưng tôi cảm thấy dễ chịu vô cùng. Gần nhà có một siêu thị mở cửa suốt đêm; khi tôi bước vào thì thấy quầy ăn vắng vẻ và các quầy khác cũng thế. Tôi thong thả mua chả lụa, mấy gói mì và một ít rau sống. 2 người đàn ông còn rất trẻ, khoảng 22- 23 tuổi và một cô gái đội mũ sụp khoảng 17 tuổi vừa bước vào. "Họ đến khách sạn để uống rượu và ngủ với nhau". Tôi nghĩ thầm. Tôi tính tiền và trở về nhà. Cô gái 17 tuổi không hiểu sao chạy vụt ra đường mặc cho 2 chàng trai gọi lớn. Thế là thế nào ấy nhỉ? Tôi chậm chạp đi về phía nhà mình. Tôi sẽ nấu món mì cho tôi và Hoa, sau đó cả hai lại uống bia, nói chuyện tiếp. Nói chuyện gì cũng được, dù sau đêm nay tôi cũng không ngủ được trọn vẹn và việc có một cô gái xinh đẹp trong nhà cũng không phải là giải pháp tồi. Trong khi đó thì tôi có thể chờ điện thoại của Luy. Nhưng khi tôi về đến nhà thì thấy Hoa đã ngủ tự lúc nào. Cô nằm nghiêng, tay buông dịu nhẹ. Cái cô gái này thật lạ. Tôi đi nấu một ít nước nóng, làm tô mì thôi, tôi đói quá rồi. 

"Mày hả. Mày đang làm gì vậy"

"Nấu mì. Còn mày đang sống chết ở đâu vậy?"

"Pháp"

"Ngôi nhà ngoại ô của mày à?"

"Ừ. Tạm thời là vậy"

"Sao lại về Pháp? Tao tưởng mày ghé ở đâu đó rồi chứ"

"Kế hoạch bị thay đổi rồi mày ạ. Tao tự nhiên muốn về Pháp xem thế nào".

"Có em gái nào ở đó hả?"

Luy cười to. "Ở Pháp ư? Tao không thích yêu người nào đang sống ở Pháp đâu. Tao định….." gã bỗng dừng lại…

"Cưới vợ, có con, xây nhà, bán đất hả?"

"Làm sao biết được chuyện này- gã lại cười - Nếu Hoa có hỏi gì thì mày trả lời giúp tao nhé. Trả lời kiểu nào cũng được"

"Hoa đang ở đây này"

"Thế à."- Luy ngập ngừng- "Cô ấy ổn chứ?"

-"Tao không biết. Mày đi mà hỏi Hoa ấy. Thế bao giờ chúng ta gặp nhau?"

"Thế bao giờ chúng ta gặp nhau à? " Gã lặp lại lời tôi "Tao không biết. Nhưng tao hy vọng không còn gặp lại mày nữa". Gã lại cười "rất to" trong điện thoại.

"Ừ. Vậy thì gửi mày lời chúc tốt lành!" 

Vừa bỏ máy xuống, tôi nghe tiếng Hoa vang lên [dù cô ấy đang trong tư thế nằm nghiêng, vùi mặt vào chiếc sa-lông xám ấm, giọng nói nhè nhẹ như đang mơ]:

"Luy gọi cho anh hả?"

"Ừ"

"Anh ấy khỏe không?"

"Ừ"

"Anh ấy có nhắc gì đến em không?"

"Có. Bảo em giữ gìn sức khỏe và quên gã đi"

"Anh ấy có nói là mình đang ở đâu không?"

"Không. Không phải ở Ấn độ, Ý, hay Hàn Quốc. Là một chỗ khác. Nhưng luôn nhớ chúng ta"

"Vậy à. Thế thì tốt" 

5.

Ba ngày sau, tôi gặp lại Hoa trong một khách sạn sang trọng. Chúng tôi cụng ly, thảo luận về các mẫu thiết kế năm nay và nói nhiều chuyện khác nữa, nhiều đến nỗi tôi không sao nhớ hết. Có điều Hoa không nhắc đến Luy một lần nào và cũng không đá động gì đến lần ở lại với tôi vào cái đêm mà cô ấy hết sức hoảng loạn, đơn độc.

Hàn Anh

30/04/2009

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Mười Một 20248:37 CH(Xem: 756)
Tuy Hòa, nơi tôi sống quãng đời thơ ấu, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp. Ai từng đi qua Tuy Hòa, nhìn lên Tháp Nhạn đứng hiên ngang trên đỉnh núi, soi mình bên dòng Đà Giang lững lờ trôi, đều ngậm ngùi cho nền văn minh một thời rất huy hoàng của nước Chiêm Thành.
02 Tháng Mười Một 202412:17 SA(Xem: 2581)
Anh Phước là con ông cậu ruột của tôi. Nhà tôi ở kế bên nhà anh. Anh thứ nhất mà cũng là con duy nhất của cậu tôi nên anh em chúng tôi thường gọi anh là anh Hai Phước. / Anh mồ côi cha từ thuở chưa lọt lòng. Anh có tuổi thơ thật “dữ dội”. (Tuổi thơ dữ dội- tên tác phẩm của nhà văn Phùng Quán). Trong tác phẩm, các cậu thiếu niên trẻ tuổi ấy đều có một câu chuyện riêng đầy cảm xúc, những hoàn cảnh éo le không ngờ tới nhưng họ vẫn đối diện bằng tinh thần lạc quan, vui vẻ. Mỗi người có một số phận riêng và tôi nhìn thấy hình ảnh một thế hệ và bóng dáng anh cũng có phần trong đó.
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 3362)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 3538)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
23 Tháng Chín 202412:02 SA(Xem: 3647)
Cây thị tỏa bóng mát thâm u giữa cánh đồng, đón những ngọn gió lồng lộng mát rượi từ phương xa thổi lại, đây là nơi các bác nông dân nghỉ ngơi tránh cái nóng ban trưa, hoặc các khách bộ hành nghỉ chân trên con đường thiên lý mệt mỏi. Đây là nơi lũ trẻ của trường tiểu học cộng đồng Hòa Do thường tụ tập nô đùa trong những ngày nghỉ học.
22 Tháng Chín 202411:17 CH(Xem: 3980)
Chắc bạn cũng có nghe câu chuyện về ông Phó Thủ Tướng Đức gốc Việt, từng là đứa trẻ mồ côi bên Việt Nam. Tôi thật sự cảm động muốn khóc, không phải vì ông là người có tài, đẹp trai, ăn nói khôn ngoan hay làm lớn mà vì nếu cha mẹ nuôi không mang ông về Đức, có thể hôm nay ông cũng đã là kẻ lang thang đầu đường xó chợ ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam. Bạn tôi muốn kể cho quý vị nghe về một đứa trẻ bụi đời, lang thang đầu đường xó chợ trên đất Hoa Kỳ, nhờ mẹ nuôi Việt Nam mang về chăm sóc, dậy dỗ đã trở nên người hữu dụng.
12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 4816)
Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc: “Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.” Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.
12 Tháng Chín 20242:26 CH(Xem: 4500)
Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.
18 Tháng Tám 20242:40 SA(Xem: 5398)
Thu Yến sinh ra trong một gia đình công chức bình thường ở nông thôn thuộc một xã miền Tây Nam Bộ. Ba má Yến là nhân viên văn phòng tại một đợn vị sản xuất và phân phối vật tư nông nghiệp vùng ven Tây Đô. Nhà có ba chị em. Chị Hai là Thu Miên hơn Thu Yến ba tuổi nhưng bị khiếm khuyết, chậm phát triển bẩm sinh nên không đi học được chỉ quanh quẩn ở nhà với em. Đứa em trai út cũng bị khiếm khuyết về thể trạng, thường xuyên bị động kinh nên cũng chậm lớn không đi học được. Như vậy trong ba đứa con, chỉ có Thu Yến là xinh xắn, thông minh. Vì thế Yến là niềm kỳ vọng duy nhất của ba mẹ có thể ăn học nên người sau này phụ giúp ba mẹ nuôi chị và em, chăm lo gia đình.
15 Tháng Tám 202412:35 SA(Xem: 5604)
Những khối gạch đá đen trùi trũi trong ánh trăng lu chìm giữa những đám mây nặng trĩu đè lên thành Kim Lăng (Nam Kinh). Tiếng quạ kêu thảng thốt. Trong Viện Thái y, hơn chục viên Ngự y chắp tay cúi đầu vẻ ăn năn biết lỗi, xếp hàng trước viên Tổng quản của Hồng Vũ đế đang cao giọng: - Các vị Ngự y! Hoàng đế rất tức giận, và hoàn toàn thất vọng về các vị! Được hưởng ân huệ của triều đình không ít, nhưng đã mấy tuần trăng rồi, tính mạng vàng ngọc của Vương phi trao cho các vị, các vị đã làm được gì? Hơi thở của Vương phi ngày một mỏng manh như sợi cước…