Tin Hoa Thịnh Đốn - Một tuần sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu về tự do Internet ở thủ đô Washington của Hoa Kỳ, Phó Phụ tá Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động là ông Daniel Baer, đã tới Hà Nội ngày 23 tháng 2 và tham gia các hoạt động liên quan đến vấn đề truyền thông xã hội cũng như tự do Internet. Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho đài VOA trong tuần qua, ông Baer cho biết đã đề cập với giới hữu trách địa phương về tin tức Facebook bị chặn ở Việt Nam. Ông Daniel Baer dẫn lời Ngoại trưởng Hillary Clinton nói một mạng Internet cởi mở mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ông cho biết khi đến Hà Nội, ông có sử dụng Facebook và vào được trang này tại khách sạn, nhưng ông biết một số người không thể vào được trang này từ các nơi khác. Ông đã nêu vấn đề này trong cuộc thảo luận với giới chức Bộ Thông tin và Truyền thông, và nhấn mạnh là Việt Nam không được tùy ý hoặc ngầm chặn các trang web. Ông nghĩ rằng họ nghe và hiểu những gì ông đã nêu ra. Ông Bayer nói Hà Nội thường tự hào về tỷ lệ người dùng Internet gia tăng ở Việt Nam, nhưng ông nêu lên quan điểm rằng tỷ lệ đó chỉ là một phần, bởi lẽ giá trị của Internet chỉ có thể được xác định bởi việc vào được mạng Internet. Về mặt nhân quyền, Ngoại trưởng Clinton đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ ủng hộ mạng Internet tự do, liên kết với luồng thông tin tự do, nơi mọi người có thể tự do bày tỏ ý kiến trên mạng mà không sợ bị trừng phạt. Còn về khía cạnh kinh tế, Hoa Kỳ nghĩ rằng một mạng Internet sẽ mang lại các lợi ích về lâu về dài, bởi lẽ một mạng Internet tự do nơi các ý kiến được đem ra trao đổi và thảo luận, rồi dẫn tới ý kiến đồng thuận hay thậm chí bất đồng, sẽ giúp dẫn tới sự đổi mới trong nền kinh tế, và mang lại lợi ích phát triển lâu dài. Việc Nhà cầm quyền Việt Nam ngăn chặn Internet và các trang mạng xã hội đã là đề tài chỉ trích của nhiều quốc gia Tây phương, nhưng Hà Nội rất lo sợ một làn sóng dân chủ theo kiểu tại Trung Đông và Bắc Phi, nên vẫn tiếp tục đàn áp và bắt giữ giới blogger cũng như kiểm soát chặt chẽ mạng lưới Internet theo lối của Trung cộng.
SBTN