Bố hẹn sẽ đến thăm chúng tôi vào dịp nghỉ lễ Tạ Ơn. Như thường lệ, bố gọi điện thoại báo trước ngày đến. Bố vừa mừng thượng thọ. Tám mươi nhưng bố còn minh mẫn và tráng kiện. Bố vẫn một mình lái xe đi thăm con cháu ở hai miền nam bắc California. Mỗi nơi bố ở lại vài hôm. Đọc sách, làm vườn, thăm viếng bạn bè. Rồi lại đi. Tôi xin nghỉ việc vài ngày chuẩn bị đón bố.
Anna vừa vào lớp sáu. Năm học bắt đầu hai tuần trước. Bài tập đầu tiên của Anna là viết về một đất nước mình mơ ước được đến thăm. Con bé chọn viết về Việt Nam. Tôi bảo chờ ông ngoại đến. Ông là Việt Nam.
Buổi sáng mặt trời chưa lên. Căn bếp tối mờ nhưng Kiên đã hiện diện. Anh vẫn quen pha cà phê mỗi sáng như ngày còn đi làm. Kiên bị mất việc từ nửa năm nay. Tháng đầu anh thong thả rửa ấm tách pha cà phê, điệu bộ nhàn nhã như muốn tận hưởng từng thời khắc quý báu. Sang tháng thứ hai, anh nóng nảy hơn, nước rửa ly tách bắt đầu văng vãi quanh bồn. Tháng thứ ba, anh bắt đầu bồn chồn. Đơn xin việc gửi đi không thấy hồi âm. Tháng thứ tư, anh cau có, bẳn gắt. Tháng thứ năm, tinh thần Kiên suy sụp, sự chán nản bộc lộ qua cử chỉ. Mỗi sáng anh vẫn dậy sớm pha cà phê, súc ấm rào rào, nước rửa văng tung toé chung quanh. Sáu tháng thật dài cho một người rỗi việc.
“Em nấu gì sớm thế?”
Tôi soạn tủ lạnh bầy ra các thứ làm bữa chiều đón bố. Từ ngày mẹ mất bố sống một mình, tự chăm sóc, tự nấu ăn lấy. Bố sống giản dị, ăn uống chừng mực. Có bố đến, tôi nấu những món ăn bố thích. Canh rau đay, cà ghém chấm mắm tôm, cá thu kho gừng, rau mồng tơi nấu bỗng. Những món ăn thuần túy quê hương mẹ dạy tôi ngày xưa. Kho cá sao cho nhừ mà không nát. Hấp xôi sao cho hạt nếp chín mềm để cả ngày không khô. Cà pháo phải lựa trái vừa chín, cuống còn tươi, muối lên mới giòn mà không dai. Trong lúc đám bạn tôi ăn hamburger ở McDonald và uống Coca Cola, tôi chôn chân trong bếp với mẹ.
“Bố đến chơi bao giờ mới về?”
Kiên hỏi bên tách cà phê mới pha. Khói tỏa mờ ánh mắt anh đỏ kè.
“Bố đến chơi anh không ngại, nhưng bố nói nhiều quá, nói mãi một chuyện.”
Tôi kéo rèm cửa sổ. Vài sợi nắng lọt sàn bếp. Ánh sáng yếu ớt ngày cuối thu không đủ háo hức. Nghĩ đến phải nghe lại những câu chuyện của bố tôi cũng ngán. Cuộc đời bố tám mươi năm đằng đẵng ký ức. Ký ức người già phong phú đã hẳn. Kể về quá khứ là nhân đôi, nhân năm, nhân trăm lần ký ức thật. Óc bố chật ních lịch sử. Tôi tưởng tượng đến diện tích óc của bố đang tăng kích thước theo mỗi lần kể. Bố có thật nhiều chuyện để kể. Thời điểm nào ở xã hội Mỹ bố cũng có thể phân tích và liên hệ đến bối cảnh Việt Nam. Tám mươi năm cuộc đời, ký ức bố trải dài từ năm đói Ất Dậu, thời Tự Lực Văn Đoàn, thời ông Diệm, thời ông Thiệu, thời Giải Phóng cho đến ngày nay. Thế đấy, như tôi bảo Anna. Bố là Việt Nam.
My grandfather is Vietnamese, Anna viết câu đầu tiên lên trang giấy. Tôi nói không phải. Ông là Việt Nam. Ông không phải là một người Việt Nam. Anna lắc đầu không hiểu. Tôi lại bảo chờ ông ngoại đến.
Kiên đem cà phê ra phòng khách, chúi đầu vào chương trình gì đó trên tivi. Từ ngày mất việc, Kiên làm bạn với tivi và ghế sofa trong phòng khách. Ngoài những bữa ăn và vài giờ phải đi đến Sở thất nghiệp tìm việc làm, Kiên nằm lì ở sofa. Mới đầu anh chỉ xem tivi vào ban ngày khi Anna đi học và tôi đi làm. Một tuần sau thì sofa trở thành giường ngủ của anh. Tôi đi làm về anh vẫn còn mặc pijama, đầu tóc rối bù chưa chải. Anh vặn tivi nhỏ xuống nhưng không tắt. Máy pha cà phê vẫn đỏ như lúc tôi đi.
Tôi bước ra hiên trước. Mùa thu treo trên ngọn thông trước nhà. Sắc thông xanh sáng mãi những giấc mơ. Buổi sáng về thật nhẹ. Tôi nhìn ra sông. Mặt nước lung linh mờ ảo. Sương sớm lãng đãng quanh nhánh liễu mềm. Lác đác vài bóng người chạy bộ. Những đôi chân kiên nhẫn đều đặn. Một ngày nào đó những hình ảnh trước mắt sẽ trở thành ký ức của tôi. Rặng thông xanh, mặt nước dát sương, và những người chạy bộ. Lúc ấy, tôi có còn minh mẫn nhớ từng chi tiết như bố không? Tôi sẽ kể cho Anna và con cái của nó ký ức của tôi về ngày hôm nay. Tôi có sẽ bắt đầu với câu nói bất hủ của bố? Các cô bây giờ sướng, không như bố ngày xưa! Ký ức của tôi không chỉ ở thời đại tôi sống, nó còn bao gồm cả ký ức của bố về ông bà nội, ông bà cố. Tôi nhắm mắt lại, hình dung đến ông cố dung dăng với đám trẻ trong xóm. Áo trắng ngời ngời trong xuất nắng dịu của miền Bắc vào thu. Bà cố ngồi xệp trong gian bếp mù bồ hóng, thổi cơm bằng rơm phơi khô. Tôi tưởng tượng đến nét mặt ông nội, đôi mắt già nua chợt sáng khi ông cất giọng hát. Giọng ông đục mà hơi vẫn còn dài. Mình ơi có đi bờ hồ, cùng ta ăn kem kẹo dừa. Xin mình (là) đừng từ chối. Nếu mình ao ước cái chi. Xuyến vàng, xuyến vàng giầy nhung. Bít tất đen dây cườm ô đầm. Hiện lên trong tôi khung cảnh êm đềm của hồ Tây Hà Nội. Nhánh phượng xanh thắm nhoài soi bóng nước. Anh phu đánh xe nhàn nhã quanh hồ. Ông đếm bước bên bà dịu dàng. Mái tóc bà vấn cao thanh nhã để lộ làn da cổ trắng ngần e ấp trong tấm áo dài nhung màu huyết dụ.
Ngày xưa, như Anna bây giờ, tôi muốn tìm hiểu về quá khứ của bố của mẹ. Quá khứ là dấu vết của đời sống bố mẹ đã đi qua. Tôi khao khát được biết lịch sử của quê hương qua ký ức của người lớn. Có sách vở nào trung thực hơn kinh nghiệm bản thân? Nhưng xã hội tôi đang sống không còn liên hệ gì đến quá khứ của gia đình nữa. Cuộc đời vẫn trôi không hề dừng lại. Giống như dòng sông vẫn chảy dù ta không thấy sự chuyển dịch của nước. Tôi tự hỏi sống với quá khứ có phải là muốn thoát ra khỏi thực tại, để trở về với thời huy hoàng một lần đã qua. Những người thanh niên như bố đã sinh ra và lớn lên trong chiến tranh; họ chỉ biết sống với bom đạn và khói lửa. Khi bước ra khỏi chiến tranh, họ không biết sống thế nào trong thời bình. Nước Mỹ êm đềm quá, yên tĩnh quá, mới mẻ quá. Khi đi du lịch, bố chỉ thích về Việt Nam vì nơi đó chứa đựng ấn tích của cuộc đời bố. Tôi rủ bố đi Âu Châu, bố từ chối. Cảnh đẹp, người sang nhưng bố vẫn dửng dưng, không sao gắn bó được. Bố nhìn Âu Châu như đứa bé ngắm tháp Eiffel nghễu nghện bày trong tủ kính, say mê chiêm ngưỡng mà không ao ước giữ làm của riêng.
Tôi trở vào bếp. Bốn khoanh cá thu tươi rói nằm trong bồn nước. Tôi rửa cá để vào rổ cho ráo nước. Tôi bắc chảo lên bếp. Một chút dầu ăn, một chút tỏi băm nhuyễn, một chút lửa phi vàng. Kiên bỏ sofa luồn vào bếp. Anh bật máy hút khói và mở cửa sổ. Bốn lát cá thu sôi sèo sèo trong chảo. Kiên sợ mùi cá ảm vào thịt da như mùi quá khứ tắm mãi không sạch.
Nhà tôi mái ngói đỏ, giống như tất cả các nhà hàng xóm trên con đường Mystic. Một căn nhà lầu ba phòng ngủ nhìn ra sông. Mùa bão, nước sông dâng cao xấp xỏa mặt đường. Hai hàng thông cao vút lừng lững trước sân. Những cây thông tôi trồng khi Anna chào đời lớn nhanh rậm rạp. Cành vươn dài, lá đâm tua tủa. Hương thông nồng nàn mỗi sáng.
Bố đến vào buổi chiều. Hoàng hôn vàng thếp mặt sông. Gió reo trên những nhánh thông xanh thẫm.
“Ông đến, ông đến.”
Anna nhìn thấy xe bố từ cửa sổ phòng khách. Con bé chạy bổ ra sân. Bố giơ cánh tay lên cao cho Anna đánh đu. Con bé đong đưa trên tay ông như chú khỉ con nghịch ngợm. Tôi bất giác thấy mình năm lên sáu bố đặt ngồi lên vai đi khắp xóm. Lòng tôi bất chợt xốn xang. Một năm không gặp, tôi hình dung đến sự thay đổi của bố. Nhưng không, bố vẫn như năm ngoái, tựa như thời gian không ảnh hưởng đến bố. Mái tóc bạc bồng lên trong chiều. Ánh mắt vui tươi lấp lánh ẩn dưới đôi chân mày rậm.
Kiên kéo chiếc valise to phồng của bố lên thềm.
“Bố mang nhiều đồ thế?”
“Chỉ có ít đồ dùng cá nhân, còn toàn là sách cả.”
“Bố định ở chơi với cháu bao lâu?”
Tôi lừ mắt nhìn Kiên, cắt lời:
“Bố lái xe đường trường chắc mệt lắm, bố nghỉ tí rồi dùng cơm.”
“Lái xe vài tiếng ăn nhằm gì, đường ở đây êm ru, cứ như ngồi máy bay. Nhớ năm bảy mươi tư, bố lái xe Jeep từ Quảng Trị vào Đà Nẵng, đi qua đèo Hải Vân mà không khiếp à, sẩy tay là lọt xuống vực như chơi.”
“Lần đó xe bố bị pan giữa đường phải không?”
Kiên hỏi, đôi mày nhướng cao.
“Ừ, đúng là lần ấy đấy! Các cậu bây giờ sướng, không như bố ngày xưa. Đường sá rộng rãi, thẳng tuột, xe cứ chạy phom phom như thế có gì là mệt. Ôi, những ngày trong chiến tranh ấy mà, qua những đoạn đường rừng là cứ lo ngay ngáy...”
Kiên bày rượu ra bàn. Anna nhảy tót vào lòng ông, táy máy với chiếc nút áo màu bạc nơi cổ. Tôi sắp các thứ của bố vào phòng. Đời sống của bố thu gọn trong chiếc valise. Tôi run tay khi kéo khóa mở. Y như ngày đầu tiên về với Kiên, tôi khám phá đời sống của người đàn ông ở một mình. Nhưng bố khác Kiên. Valise của bố toàn sách. Sách chiến tranh và binh pháp các loại. Bố nghiên cứu chiến tranh Việt Nam từ thời dựng nước đến nay. Từ chiến tranh Việt-Pháp khi triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất, Giáp Tuất, đến chiến thắng Rạch Gầm, chiến thắng Đống Đa. Bố không chỉ say mê đọc về chiến tranh Việt Nam, mà cả chiến tranh của các nước trên thế giới. Bố đọc binh pháp Tôn Tử và các công trình nghiên cứu của Clausewitz, của Hart, của Summers. Thỉnh thoảng cao hứng, bố viết cả bài dài luận về các chiến thuật có thể áp dụng vào cuộc chiến Việt Nam hồi gây cấn nhất, giống như chiến tranh Việt Nam chưa chấm dứt, giống như bố là Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ McNamara bày binh bố trận.
Bố vẫn đang sống trong thời chinh chiến.
Trời chiều vàng chếch trên sông. Sóng nước lênh loang ánh hồng. Mặt trời chết đuối ngấp ngoải giữa hai làn ranh giới, không phân biệt được đêm ngày. Gió lùa từng đợt vào nhà. Hai người đàn ông uống gần hết chai cognac. Mặt Kiên đỏ bừng. Bố chếnh choáng hơi men. Tôi dọn những món ăn khoái khẩu của bố. Cà ghém muối giòn chấm mắm tôm. Màu mắm tím nhạt nổi bồng với chanh nõn. Tôi nêm chút đường cho dịu, rắc thêm vài khoanh ớt đỏ. Tô canh rau đay còn bốc khói, riêu cua hồng vun trên lá biếc.
Bố gắp một miếng cà, chấm lún vào chén mắm tôm, bỏ vào miệng nhai sồn sột. Mắt bố bừng sáng, giọng linh hoạt hẳn lên.
“Hồi bố đi tù ở Sơn La, mùa đông lạnh buốt. Lúc ấy đói lắm, cả ngày lao động mà bữa cơm chỉ được vài củ khoai bằng mấy đốt ngón tay. Bỏ củ khoai vào miệng là bao tử nó giật ngay lấy, nuốt chửng. Thành thử ăn xong mà cũng như chưa ăn, vẫn đói rã người. Đói quá chẳng ai ngủ được, thức suốt. Vùng ấy có loại chim lạ lắm. Cứ độ nửa đêm lại đến hú, giọng lanh lảnh. Tù ù ù ngu u u u. Tù ù ù ngu u u u. Thoạt đầu nghe nó hú chảy nước mắt. Nghe vài đêm cả đám tù bật cười. Chúng mình ngu thật! Chạy đâu không chạy, lại chạy ngay vào tù cả lũ thế này. Đúng là tù ngu thật!”
Kiên cắm cúi ăn không đáp lời. Anh trộn canh rau đay vào đầy chén. Canh đay trơn đưa cơm tuột thẳng vào cổ không cần nhai. Kiên nuốt ực.
“Đọc sách chiến tranh rồi nghiệm ra những điều thật hay. Quân Đức thua đau.”
Bố hớp ngụm rượu, khà một tiếng khoan khoái.
“Lúc ấy lính Đức đã tiến đến sát kinh thành Mạc Tư Khoa, đã trông thấy nóc điện Cẩm Linh vàng ối. Tháng Chạp năm 1941, sư đoàn 2 Panzer Das Reich chỉ còn cách Mạc Tư Khoa tám cây số! Chỉ còn tám cây số nữa là định mệnh thế giới thay đổi, định mệnh của các anh các cô cũng thay đổi.”
“Sao lại thay đổi?” Tôi hỏi, không phải vì tôi không biết đoạn kết bố sắp kể.
“Thay đổi tuyệt đối đi chứ lị. Nếu quân Đức chiến thắng, sẽ vĩnh viễn không còn quốc tế Cộng sản, sẽ không có Trung Hoa của Mao Trạch Đông, và Việt Nam khác bây giờ.”
Việt Nam khác bây giờ thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến chúng tôi nữa. Thời gian không thể quay ngược lại. Chúng tôi đã bỏ ra đi và sẽ không trở về. Anna sẽ lớn lên ở đất nước này, sẽ đi học, đi làm, lấy chồng, sinh con, về hưu, và chết ở đây. Chúng tôi rồi cũng sẽ chôn xác ở đây. Quá khứ chỉ còn là dấu vết của đời sống đã qua. Như câu chuyện bố đang kể tới lần thứ mấy trăm tôi không thể nhớ.
“Lúc ấy gia đình mình phát đạt. Bốn năm dãy phố cho thuê ở Sàigòn, một căn biệt thự ở Đà Lạt....”
Tôi cảm thấy hơi khó chịu khi bố lại bắt đầu nói về những ngày xưa cũ. Tôi đã thuộc những điều bố sắp nói. Từng câu, từng chữ, từng dấu chấm phẩy. Tôi nhớ từng diễn cảm trên mặt bố, cả sự hài lòng dâng tràn trong mắt khi bố chấm dứt câu chuyện.
“Gia đình mình danh giá đến thế!”
Tôi vẫn nhớ ngôi nhà cũ của chúng tôi ở Đà Lạt. Căn biệt thự xây theo kiến trúc Pháp, tường đá kiểu, cửa cuốn vòm, mái ngói đỏ. Khi chúng tôi bỏ đi, vài khung cửa kính đã rạn nứt và bậc thang gỗ ọp ẹp kêu rít dưới mỗi bước chân. Tôi vẫn mơ về ngôi nhà cũ trong giấc ngủ. Tôi vẫn đứng nơi sân thượng, nhìn xuống đồi thông xanh ngát. Tôi hít thở khí trời Đà Lạt vẫn giữa mùa mưa phơi phới. Lẫn trong tiếng thông reo có giọng cười bố phảng phất hơi men. Gia đình mình danh giá đến thế. Bố thì thầm trong hương thông thơm nức. Đà Lạt lênh đênh trong ký ức bố tám mươi năm sương mù.
“Chuyện xưa rồi bố. Thắng làm vua, thua làm giặc. Mình thua rồi, thua từ ba mươi lăm năm trước rồi. Đổi đời rồi, mình chẳng là ai cả ở xứ này nếu mình không có job, không có tiền.”
Kiên chống đũa, khiêu khích. Cả bàn ngơ ngác như vừa tỉnh dậy sau một giấc ngủ. Ánh mắt lấp lánh của bố chợt tối sầm. Miếng cà thơm ngậy nghẹn nơi cổ. Rặng thông đổ ụp xuống bàn. Nhựa thông chảy tướp lênh lang. Tôi quay nhìn Kiên. Vẻ thỏa mãn vừa lóe trong mắt Kiên vụt tắt.
Mưa bắt đầu bằng những tiếng gõ rời rạc vào cửa kính. Ráng chiều thoi thóp chợt biến mất. Sương mù trắng xóa dâng lên từ mặt sông. Gió bốc mạnh hơn. Gió rú trườn qua rặng thông trước nhà. Cơn giông đến nhanh không ngờ. Mưa đập gióng giả từng đợt. Mưa rải răm rắp lên mặt sông loang loáng. Các cửa kính đều đóng nhưng tôi có cảm tưởng tất cả đều mở toang. Mưa rơi quanh bàn ăn nơi chúng tôi đang ngồi bất động. Quá khứ vừa vỡ trong ký ức bố già nua. Từng mảnh nhọn cắt vào ánh mắt bố không còn lấp lánh. Ký ức của kẻ thua trận. Ký ức của người lưu vong. Ký ức của giấc mơ trở về. Gió xô từng chặp. Tôi nghe được tiếng nước chảy xiết ngoài sông. Trong tiếng mưa rơi có cả tiếng người kêu la và tiếng xe cứu thương hú vang. Tôi chạy ra cửa. Bờ sông lố nhố người. Hai xe cảnh sát nhấp nháy đèn đỏ. Hình như có người chạy bộ trượt chân. Tôi hoảng hốt bấu chặt tay Kiên. Mùa này nước sông đã lạnh lắm.
“Anh ra xem có giúp được không?”
Kiên mặc áo, mang giầy. Gia đình Kiên ba đời chài lưới. Kiên đi vượt biên hôi không tốn một đồng. Thỉnh thoảng Kiên kể cho tôi nghe hôm anh đi lưới cá đêm gặp ghe vượt biên. Anh vất lưới trèo lên ghe, bị chủ ghe đập một gậy xuýt chết.
“Có người nhái đang tìm rồi.”
Tôi kéo tay Kiên, khẩn khoản.
Kiên lừ tôi bằng một mắt, cởi giầy, treo lại áo trên mắc. Chúng tôi đứng bên cửa sổ, lặng yên cho đến khi người nhái vào bờ. Xác người đàn bà được nâng khỏi mặt nước. Mái tóc bết bùn nhiễu nước long tong.
Mưa vẫn đổ ràn rạt. Giông gió đã giảm nhưng mưa vẫn trút xuống không ngừng. Dòng sông soáy xiết, nước nhấp nhô đưa đẩy tựa sông đã vào đến tận hiên nhà. Mưa rơi khắc khoải như bố vừa hụt chân bước vào quá khứ. Tôi hình dung đến những giọt nước lăn lộn trên sông. Mưa đập dã dượi trên những nhánh thông. Mùi nhựa hăng nồng trong gió. Tôi hình dung đến rặng thông trước ngõ ngã rạp sáng mai. Mùa lạnh đã bắt đầu bằng cơn giông tối nay. Tôi có cảm tưởng mùa mưa năm nay sẽ kéo dài vô tận. Bỗng nhiên tôi sợ. Tôi sợ những cơn mưa mùa đông lạnh buốt. Tôi sợ những cơn bão sắp sửa ùa về. Rặng thông có chống chỏi được cho tới mùa xuân?
Tôi kéo rèm, đóng chặt cửa. Không gian tĩnh lặng bên trong vẫn không dập tắt nổi sự bàng hoàng vừa đến. Mái tóc bết nước của người đàn bà chập chờn ám ảnh. Tôi vào ra bần thần, tay chân bủn rủn. Kiên trở về ghế sofa cố định. Bố cắm cúi trên trang vở của Anna. Lưng bố còng, tóc bạc phơ. Những đốm đồi mồi trên da mặt thâm đen dưới ánh đèn. Khoé mắt nhăn nheo sụp xuống. Tôi nhìn khuôn mặt bố thay đổi lạ lùng. Buổi chiều bố về da vẫn căng mịn. Tôi biết bố đang còn hít thở hương thông Đà Lạt đậm thơm quá khứ.
Buổi sáng thức giấc, tôi vén rèm cửa nhìn ra ngoài. Vài vết xe hằn lưu lại bên bờ sông lũng nhũng nước. Mặt sông im lìm. Sương đóng từng vòng xoắn như khói thuốc. Tôi bỡ ngỡ nhìn những người chạy bộ lặng lẽ. Tất cả bình yên như đêm qua chưa từng có cơn mưa vỡ bờ. Dấu vết của một cuộc đời trượt chân chìm vào lòng sông. Mất hút.
Tôi nhìn vào sofa phòng khách tìm Kiên. Tivi tắt ngúm, bàn dọn sạch bong. Kiên đang ở trong bếp pha cà phê.
“Bố uống cà phê với sữa đặc phải không em?”
Kiên hỏi, ân cần. Ánh mắt Kiên ấm như vạt nắng hiếm hoi vừa lọt vào song cửa. Tôi hớp nhanh một ngụm cà phê trước khi chở Anna đi học. Con bé vừa ăn bánh mì vừa lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Đêm qua bố thức mãi với Anna. Hai ông cháu rì rầm đến quá nửa đêm. Tôi nhìn quầng mắt Anna thoáng mệt, hỏi con về bài viết tối qua. Anna gật đầu bảo đã viết xong. Tôi nhớ đã nói với con: ông ngoại là Việt Nam, ông không phải là một người Việt Nam. Vẻ im lặng bất thường của Anna làm tôi lo lắng. Tôi cắm cúi lái xe, thầm hỏi bố đã kể gì.
Tôi dừng xe ở cổng trường. Anna bỏ nốt miếng bánh mì cuối cùng vào miệng nhai ngồm ngoàm. Con bé quay nhìn tôi.
“Mẹ muốn đi thăm Việt Nam không?”
“Con đi với mẹ nhé?” Tôi dò hỏi.
Anna cắn môi, vẻ suy nghĩ. Tôi biết con đang có điều gì khó nói, phải cân nhắc. Con bé khéo léo, luôn sợ làm người khác buồn.
“Việt Nam chỉ có chiến tranh và trại cải tạo thôi hả mẹ?”
Tôi thảng thốt nhìn khuôn mặt Anna thoáng nét suy tư. Đôi mắt còn trong vắt như ước mơ một ngày được về thăm quê ngoại. Anna vẫn còn rất trẻ. Tuổi trẻ của những giấc mơ trong sáng đầy tin yêu về con người.
Tôi vẫn ngồi trong sân với tách cà phê bốc khói. Sương tỏa mênh mang từ mặt sông. Rặng thông xanh thẫm rì rầm như tiếng cầu kinh tiễn đưa bố về quá khứ. Nhiều năm đã trôi qua. Anna giờ ngấp nghé ngưỡng cửa đại học. Tôi vẫn chưa trả lời cho con.
nguyễn xuân tường vy
tháng 12, 2010
Gửi ý kiến của bạn