- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Kẻ ngoại lai

19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 39004)
cungtichbien_ke_ngoai_lai
Để nhớ Iris, cơn bão Giáp Thìn


I.
Mãi đến buổi sáng hôm đó, nhiều tháng ngày sau Iris, trong đầu óc chú Tư khi đi ngang qua chợ Phú Nhuận, chợt thấy mụ hàng thịt ngồi với mấy cân thịt tim tím, bầy ruồi xanh bay vo ve, mùi súc vật chết dậy lên ngai ngái, mùi thích hợp nhất cho một cơn buồn nôn – một quá khứ kinh hoàng chợt thức giấc, thịt bò thức giấc. Quá khứ: người ta đã ăn toàn thịt súc vật chết từ miền núi nguồn trôi về, suốt những ngày Iris gieo thảm họa.
Iris đã mang về biển đông trên ngàn xác người, và để lại trước mặt Tư hằng trăm con vật chết. Đám thôn dân mang dao mác ra cánh đồng chết mổ thịt những con vật đã nằm yên tĩnh trên lầy bùn. Người ta nấu, luộc ăn một cách ngon lành. Đói. Vì chẳng còn thóc lúa, tất cả đã trôi đi, bốc bay; người ta chỉ còn, chỉ có thịt trâu bò, sống nhờ xác những con vật chết, có thể hôm sau bắt đầu thối, và thiêng.
*

Ngay giữa nền nhà một xác bò đã từ đâu trôi về. Sau chái hè một con bò cắm đầu xuống khoảng bùn lầy. Nửa đêm Tư thức giấc, dạo chơi trong không gian có những khối thịt mềm, trăng soi trên xác trâu bò, ánh sao loang loáng trên mấy cái sừng thiêng láng nhẫy. Có thể, từ bên này khung cửa, trong không gian chiều rỗng, cơn bão vừa lặng, nhìn qua bên kia chân cầu heo hút – đám lính địa phương ốm gầy cũng sống qua ngày nhờ thịt bò.Trên cánh đồng lạnh lẽo tanh tanh, Iris vừa tàn nhẫn đi qua, Tư có thể đếm được hàng trăm xác súc vật, như tảng đá nâu, có tảng màu đen, bất động, những đá tảng có hai cái sừng cong, nhọn.
Không bao lâu sau, khi những đá-tảng-có-sừng bốc hết mùi, vì thịt đã từ lâu trôi rữa, chỉ còn trơ cái khung xương. Bấy giờ, bầu trời sau cơn bão dữ, đã trở lại màu nắng, không gian rộng hơn, cỏ bắt đầu xanh màu mạ trên những thửa bùn khô ráo, đám thôn dân đi rảo đó đây, cả trong những cách rừng thưa, gom nhặt xương trâu bò. Đám xương khổng lồ này được bỏ vào những cái thùng phuy, người ta đun lửa nấu chúng trong nhiều ngày đêm. Khi xương đã rục mềm, chúng được đổ vào những chiếc chảo nhỏ hơn. Lại đun nấu một thời gian nữa, cho cô đặc. Gọi rằng “nấu cao”, như người sơn cước nấu xương cọp, gọi là cao hổ cốt.
Những nồi cao bò trâu này được rót vào những cái khung nhỏ, đóng gói bằng lá chuối non theo cách dân dã. Lúc này cao vừa dẻo vừa mềm như một loại kẹo dừa. Người thôn quê mang ra phố thị bán cho các thầy đông y, hoặc các nhà buôn đông dược bắc nam. Các nơi văn minh đóng gói loại cao trâu bò này bằng giấy màu, bọc ni lông, vào thùng cát tông, đóng nhãn hiệu màu sắc đẹp đẽ, bán đi khắp nước, gọi dỏm rằng cao hổ cốt, loại thuốc bổ thượng thặng; với giá một vốn mười lời. Đấy, con bò chết vẫn còn là một khởi nguyên cho những màn lừa mị.

*

Kể ra, Iris đã tàn phá khủng khiếp, đê điều vỡ tràn, cầu cống gãy sụp, nhà cửa ruộng vườn trôi tan, cả những ngọn đồi cũng trở nên thấp hơn trước vì nước dữ phăng đứt ngọn đồi. Nhưng trong cái bóng tối tai ương ấy, dân chúng quê tôi được những ngày ăn thừa protein, dù thịt trâu bò chết. Lại thu được một khoảng lợi nhuận không nhỏ từ cốt xương nấu cao bán ra phố thị. Người ta xây lại nhà, mái tranh trở thành mái ngói. Lúc leo trên mái để lợp mái nhà, người ta thường nhìn thấy bên dưới, trong nắng soi nền, là chiếc bàn thờ mới lập chút hương khói, đang thờ người thân thương vừa chết trôi.
Sau bão lụt Iris bạo tàn – mà thằng sinh viên, cháu chú Tư đã giải thích một cách lếu láo theo ngôn ngữ văn khoa của nó, rằng: “Đấy là một hình phạt mà Đấng tối cao muốn chúng ta biết thế nào là tai họa và phải biết đến uy danh Ngài” – Tư đã nhất mực lìa bỏ quê nhà.
Cái thằng văn khoa đại học sau đó ít lâu, bị động viên vào trường Thủ Đức; ra trường võ bị mang lon chuẩn úy, xớn xác lên biên giới đụng một trận chiến có xe tăng trọng pháo, rồi máu tự trong cái người nó phọt ra, cái đầu trên cần cổ tự gãy lìa. Hôm mang cậu văn khoa về tống táng, Tư khôi hài nghĩ: “Không ai nấu cao cái khung xương có chữ nghĩa. Nếu mà đem xác cốt bao người chết vì khổ nạn đạn bom lìa chia bắc-nam, mà nấu cao như cao trâu bò, rồi giả dạng cao hổ cốt bán ra thế giới. Khoản lợi nhuận thu vào có khi trùng tu được thân phận hẩm hiu hàng bao con người đang sống lây lất đó đây. Nhân nghĩa ở chỗ, nấu cao xương người chết nuôi người sống.”

II.
Việc lìa bỏ quê nhà, nơi có chôn cái rốn nhau còn máu sơ sinh lúc lọt lòng mẹ, là nỗi đau khôn cùng, nhưng Tư hiểu là không thể nào sống thêm một ngày trên quê hương đã rặt màu địa ngục, tâm linh què quặt, bám trôi trập trùng cơn mơ không đầu đuôi. Không thể lê lếch trong một hoang tàn chỉ thấy toàn nghĩa địa, trống rỗng vì thủy thần tàn độc đã cuốn sạch nguồn sống, chiến chinh đã thổi trôi tất cả mầm tươi. Nơi đây, giờ này, đi bao dặm đường cũng khó tìm một nụ hoa, nụ cười. Chú nhớ rõ đêm buồn bã. Trời đất trở dạ, gió rao báo bão. Sóng biển đông dội về những chấn động lạ thường. Từ xóm trên lão Truyện mang cây đèn bão xuống báo cho Tư biết đài phát thanh đang loan tin có một cơn bão lớn, có tên là Isis.
Trời tháng mười luôn gió mưa. Là tình chung giữa trời với người, nghĩ vậy, nên Tư chẳng lo lắng gì cho lắm. Đài khí tượng lâu lâu phóng ra vài cái tin giật gân có bão, bão đang tới. Ngư dân vội lao thuyển vào bờ, gồng gánh của cải con cái lên đồi nương. Rồi chả thấy một cơn bão dữ nào cả. Thành quen. Cho nên đêm ấy Tư ngủ ngon, khi bên ngoài trời đất đang mai phục bão lũ.
Gần sáng, Tư tức tốc thức giấc vì cơn nước trút đổ ác liệt chưa từng thấy. Mưa như sấm nổ trên mái nhà. Gió tứ bề điên rít. Như từ đâu lòng núi, từ đáy biển, dưới sâu ruột dạ địa cầu bão gió nứt toạt ra. Cả vườn cây bị nhổ gốc. Kèo cột rui mái đứt tung. Cái núi cái sông cái mặt đất vững chắc bây giờ điên đảo. Cái bồ lúa nặng chịch bốc nhảy như con bò điên.
Một màu trắng nước ngập kín không gian. Những chiếc xuồng lẻ loi băng qua con đường cái quan để tải người cứu nạn. Đám lính trấn giữ cái lô cốt đầu cầu bỏ cầu. Tất cả trèo lên đỉnh một ngọn ôm súng đợi trực thăng đến tiếp cứu. Xế chiều, đã bắt đầu nhìn ra có những xác chết trôi lềnh bềnh giữa dòng.
Tư ngồi vào cái thúng chai cùng vợ con chèo về chân đồi cao khi nước đã ngập đến mái tranh nhà, vào khoảng hai giờ chiều. Bất ngờ, thúng và người qua chỗ nước xoáy bị lật úp. Tư ôm chặt đứa con, bơi một tay chống chỏi với sức nước. Người vợ trôi nhanh.
Mấy ngày sau khi cơn lụt đã rã, Tư mới có đất để chôn người chung thủy. Không ai dám khâm liệm cái xác đã bốc mùi. Chú cầm cây gậy khều khều vào cái xác. Người đàn bà như được làm bằng một thứ đồ bột nhão ghê ghê. Tư phải can đảm lắm mới làm được cái việc quấn vải cái xác nhão, bó ngoài bằng một chiếc chiếu, thay cho áo quan. Chú bệu bạo nói mình ơi mình, khổ ải quá mình ơi, ông trời ổng giết mình chứ tui có bao giờ phụ tình. Ngày nay mỗi lần nhớ vợ xưa, chú Tư ra quán cóc uống một ly rượu đế Gò đen. Mùi nồng vị cay có thể làm phai cái mùi dĩ vãng âm âm thịt người.

*
Chôn vợ xong, Tư gửi đứa con sống sót cho Trại tế bần của Phật giáo nuôi dưỡng. Bán vội mấy thửa ruộng, thu vén ít của cải, lên đồi thăm mộ tổ tiên.Tư khấn vái, con đi là đi luôn, bái biệt đất đai cỏ mộ.
Thật ra Tư không là một người vô đạo. Mấy năm trước chính phủ kêu gọi đi lập nghiệp ở khu dinh điền Bình Tuy, hoặc đến vùng Quảng Phú của Buôn Mê Thuột, những nơi ấy đất đai phì nhiêu, dân chúng thưa thớt, điều kiện làm ăn dễ dàng, chính phủ sẽ tài trợ toàn bộ cái sống cho hai năm đầu lập nghiệp. Dễ sống quá. Vậy mà Tư nhất định không chịu rời bỏ quê nhà. Vì lưu luyến vườn rau cây cải, còn nghĩa vụ hương khói ông bà. Ra đi, chỉ nhớ ngọn gió nồm, cái nắng hanh Trung Việt đủ ray rứt tấc lòng. Nhưng ngày nay sự thế quá khắt khe. Cái chết đã tìm mọi cách đến với con người rồi. Không chết vì lý tưởng thì cũng ngỏm vì đếch có lý tưởng. Không chết vì ôn dịch thì cũng mòn dần với ám ảnh, kỷ niệm trong tâm can.
Ngày lên đường Tư buồn đứt bóng. Muốn ôm gốc cây gòn cây cau mà tâm sự. Chú xuống cuối xóm ngồi bên đứa cháu gái, con Xìn, khóc mùi mẫn. Xìn ơi, đời tao chưa bao giờ tao khóc. Hồi đi lính thợ ở bên tây bị mấy thằng tây đen say rượu rượt đánh, tao còn dám đánh lại, cháu à tao chưa bao giờ biết khóc.
Con Xìn, đứa cháu gái, ngồi thái thịt bò. Được lát nào nó cho ngay vào nồi nước đang sôi. Nó nuốt cái thứ thịt tai tái. Nó đói. Nắng mùa đông buồn vợi. Gió mù nắng lùa trên con đường quê heo hút.

III.
Một chiều, Tư đón chuyến xe muộn, ra Đà Nẵng. Trọ lại một đêm. Đèn ra-đa của quân đội Mỹ trên đỉnh Sơn Chà buồn lạ. Một đám lửa lẻ loi giữa đêm đen. Một con mắt soi thầm, tìm thù trong đêm quê nhà.
Trong tịch lặng phố phường giờ giới nghiêm, những tiếng rú gầm từ loạt phóng pháo cơ cất cánh rời phi trường. Tiếng phản lực cơ xa dần qua bên kia đèo Hải vân, hướng về phương bắc để trút bom xuống xóm làng, phố thị. Xe nhà binh chuyển bánh, cuộc hành quân về hướng ngoại ô. Đêm quê nhà đã rất tối tăm, bị chiếm đoạt bởi những hoang mị, hủy diệt.
Hôm sau Tư lên xe vào Nam. Đến Qui Nhơn trời vừa tối. Nhìn núi Tây trùng trùng hoàng hôn Tư muốn khóc. Buồn hơn cả thưở xưa xa, thời đệ nhị thế chiến, khi được quân đội Pháp đưa tới vùng biên giới xa lạ trong chiến tranh Pháp Đức. Hồi ấy chú là tên lính, mang danh lính-thợ-da-vàng, đi góp máu trong thân phận con dân xứ thuộc địa, phục vụ vì Đất Mẹ da trắng.

*
Sài gòn. Tư khăn gói vào trọ tại nhà một người quen biết tại Ngã tư Bảy Hiền. Lại tủi thân một lần nữa. Những người bà con xứ Quảng đã khôn ngoan rời quê hương sớm, bây giờ đã có cơ ngơi, ai nấy giàu có. Hàng khung cửi dệt vải máy chạy lanh canh, rộn rã suốt ngày cũng là một thứ ngôn ngữ mỉa mai sự lạc loài muộn màng của chú. Buổi trưa cùng một người bạn ra quán cóc ngồi uống chai la de, Tư nổi khùng chưởi đổng:
“Đ.m. hồi kia hay vầy tao ở bên Pháp. Biết số phận đi đâu cũng làm phu phen thà tao làm phu phen trên bến tàu xa lắc. Ở bên đó tao kham không nổi cái nhìn kể cả của tụi da trắng, tao mới về. Con tàu há mõm nhả tao ra ở bờ biển Đà Nẵng. Hồi này cách mạng thành công. Tao nắm nắm tay đưa lên ngang mái đầu chào cái chào Kách mệnh. Nhưng rồi đâu có được sống trọn vẹn. Số phận là cái hột súc sắc bụm tay đổ loong coong trong canh bạc. Bây giờ thấy rõ tao là kẻ ngoại lai. Đi đâu bây giờ. Tao chỉ là một tên cu ly trên năm mươi tuổi đầu.”
Tư làm thợ hồ. Từ đấy có cái tên Tư thợ Hồ thay cho tên cúng cơm Tư Bằng. Tư không chú trọng đến cái danh xưng. Chú nói người ta là vĩ nhân, là văn nhân, thi sĩ mới chọn một cái tên rồi giữ gìn tên tuổi. Mình vô danh, gọi gì chả được. Có khi mất cái tên là mất bớt đi một nỗi tủi nhục.
Tư cũng lịch sự, thông thạo nhiều thứ lắm, bởi đã từng sống bên tây mấy năm. Chú kể, thuở lưu lạc có một con đầm mê chú. Đấy là một con đầm lùn có phần điếc lác. Nằm chung với mụ đầm, chú như mắt kẹt giữa một bị thịt. Bây giờ ngồi trong quán cóc Bảy Hiền, Tư hãy còn nghe phảng phất mùi con đầm lùn điếc chen lẫn cái mùi bò Iris. Chỉ khác, là mùi một con vật nữ trần truồng trên giường ngủ với mùi một con vật chết trần trụi chỗ đầm lầy.

*
Mùi thịt và màu dĩ vãng là hai ám ảnh đeo đẳng Tư thợ hồ. Ngày làm ăn vất vả, đêm quái mị, hình ảnh hai người vợ, qua hai thời kỳ, lại hiện ra. Con đầm lùn có lần bị rượt đánh nằm sòng sượt, hai đùi vế trắng nõn, trên bến tàu vì tội trộm cắp. Cũng là một thây ma còn thở trong đáy cùng mạt rệp xã hội. Lại hiện ra trong mơ mị của Tư người vợ quê nhà thiếu quan quách…Trời nắng trong, trời kim tuyến Iris. Nàng trong chiếu bó, lướt thướt, bay bổng. Láng nhẫy cái chết trôi. Lầy nhầy bùn nước, như kem thoa mặt thoa tay. Hai con mắt chết trôi hai con ốc ngâm lâu ngày trong bùn… Tư lại mơ thấy người em trai chết trận trên đồi mộ cỏ may đất khô trắng màu sữa. Một nghìn chín trăm bốn sáu Pháp trở lại Đông dương, một chín bốn bảy, người em trai vác xẻng cuốc đi đào đường tiêu thổ kháng chiến. Nắng cháy bãi cát khô dài hàng trăm cây số, như một cái sa mạc nhỏ địa đầu xứ Quảng. Một vùng đất mẹ còm cõi tình nguyện sống với nước non. Người em trai theo đoàn người hát vang tiếng hát, bị máy bay Pháp bắn chết, cái xác nằm ngon lành trên một vũng máu tươi… Tư thấy hết, mơ suốt dài trong lòng bóng tối… Lại nghe âm vang la hoảng kêu cứu dưới gầm cầu nước lũ. Người cùng súc vật bị cuốn đi, trôi từ tốn, nhẹ nhàng như những cành khô. Những ghe mành nát tan khi Iris gầm thét…
Nửa khuya, Tư thợ hồ đứng sau hè nhà nhìn lên bầu trời Sài gòn. Ánh đèn nhấp nhô những lửa ma hoang. Chú ngậm ngùi khôn xiết. Xa lạ, biến đổi, lùi xa trong mơ hoặc. Dịch chuyển từ vực sâu hôm kia lên đỉnh trơ hôm nay. Tư nhận ra một điều:
“Sàigòn không phải là nơi dung thân của chú. Sàigòn cháy. Oái ăm thay, chú tìm đến Sàigòn trong khẩn thiết, một cần thiết nương tựa; không là tình cờ đi qua. Sàigòn, của chia rẽ, xuống cấp, của bao mầm đau số phận chinh chiến. Sài gòn cơn bụi của rã tan tro tàn”.
*
Một đêm, cái cảm giác phiêu dạt tới rợn người, giục giã Tư thợ hồ quy cố hương. Chú biết, việc quy hồi lúc này không là việc dễ dàng. Quê nhà cũng như cuộc đời chú: đi từ kiệt quệ này tới sụp đổ kia, từ lẻ loi buồn tẻ đến hoang tàn.
Tư lên Viện Hoá Đạo thăm đứa con mấy năm trước được các nhà sư mang vào nuôi dưỡng. Qua Thị Nghè thăm người bà con. Nghe hỏi:
“ Về để mà chết hà? Máu lửa tràn lan”.
“ Thà chết cũng cam”.
“Chết là ra đất. Vậy thì thành bụi đất phương nào chả được, há phải về quê?”

IV.
Máy bay bay vào địa phận Trung Việt. Trời mù trắng những mây. Trường sơn núi liền núi. Tư muốn được chết. Mong máy bay bị pháo cao xạ trong lòng núi bắn nổ tung. Vì chút gì che chắn mà xưa kia ta sống sót trong cuộc thế chiến thứ hai, dưới gót giày tàn bạo của thần tử ?
Sau cùng Tư cũng đã đặt bước chân tần ngần lên con đường dẫn về nơi tuổi nhỏ. Đó là một tỉnh lộ băng ngang qua con đường xuyên Việt, khởi đầu từ một làng cát biển, hướng về miệt nguồn. Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên. Xa xa một cái xóm nhỏ. Làng xưa đây. Một màu xanh héo của lá pha vàng, tương phản với khoảng cát trắng bao quanh.

*
Tư không còn nhận ra người quen biết ở Gò Đậu. Quân viễn chinh đã có mặt cùng khắp, dựng đồn lũy. Con đường máu trong núi rừng đã mở ra tới tận đồng bằng, vào trong lòng thành phố. Quân kháng chiến giờ đây không còn phục kích với những trái nổ lẻ loi, những trận đánh nhỏ cỡ tiểu đội. Mà là những trận chiến cỡ sư đoàn. Gò Đậu đã là cái bãi thử lửa. Máy bay đã thả hàng trăm tấn bom để tàn phá một khoảng núi rừng bên dưới sâu trong đất, là người.
Tìm kiếm không rõ ràng, nhưng Tư quả là đang đi tìm.
Làng trên đã là căn cứ lính ngoại quốc. Xóm dưới quần một bầy xe tăng. Xe ủi đất nằm chờ sớm mai ủi nốt những rừng thưa còn lại. Rừng đồi bạch hóa. Nơi đầu cầu, bọn lính nước ngoài có trắng có đen đứng gác. Không còn dấu vết cái lô cốt nhỏ nhoi từng nổi trôi trong mùa lũ Iris. Mà là một đồn lũy mênh mông kẽm gai, rào, mìn, trại lính. Cái đình làng còn lại một đống gạch vụn.
Tư nhớ con Xìn quá đỗi. Nhớ cái miệng thiếu nữ mười lăm gặm hạnh phúc là những lát thịt bò chết vừa trụng qua một lớp nước sôi.
*
Đời đổi thay do nhu cầu có mặt đám lính viễn chinh. Rất tạm bợ. Nhưng vô cùng nhộn nhịp. Quán cà phê, tiệm rượu, nhà hàng gái đĩ, tiệm giặt ủi. Bọn lính trắng đen nâu vàng đi lại xí lô xí là. Súng ống đầy người. Bầy gái quê ăn vận đơn sơ trong co ro quang gánh. Bọn gái thị thành đến đây vơ vét thời cơ, hở ngực phành mông.
Ngồi trên nền nhà thờ xưa trụi trơ. Chiều lung nắng. Tư khóc. Ngọn đồi nhỏ, nơi an nghỉ của tổ tiên, không còn một mộ bia, không phảng phất một dấu tích nào hương khói xưa. Đầy dấu xích xe tăng xe ủi đất. Người ta đã ủi sạch những mả mồ cây trái để tạo quãng trống, ngăn chặn những cuộc chuyển quân của bên kia. Trên con sông quê, chỉ lẻ loi vài chiếc đò ngang được lệnh phải cập ngay vào bến. Lính viễn chinh kiểm soát từng người, trong đám thôn dân. Sau cuộc kiểm soát, một đôi người tình nghi bị bắt, bị đưa về đồn. Ít khi thấy họ trở ra từ đồn lũy.
Tư lại hoảng loạn. Muốn đón xe trở về Đà Nẵng.
Muộn rồi. Đêm đen.
Những loạt súng sắc lạnh nổ vang. Tư bị một toán lính chặn lại xét hỏi. Chúng ném Tư lên xe chở về đồn. Sáng hôm sau, tại phòng an ninh Tư phải cung khai lý lịch. Lúc xẩm tối, khi ngang qua khoảng sân sau của doanh trại, tình cờ Tư nhận ra một khuôn mặt quen quen. Ôi, con Xìn. Tư kinh ngạc. Vì sao Xìn có mặt trong cái chốn hổ mang này. Mà sao Xìn đẫy đà, đẹp ra một cách lạ lùng.
Cô Xìn chợt thấy Tư, ngỡ ngàng một thoáng, rồi nhận ra người thân yêu, cô khóc òa. Cô ôm ngang hông người chú già nua, dắt chú vào phòng.
Phòng cư trú quân nhân là một căn hầm cá nhân được thiết lập kiên cố dành cho mỗi sĩ quan, từ đại úy trở lên. Chung quanh có hàng bao cát chất kín. Có một cửa lớn, vừa một người lọt qua, để ra vào. Một cửa nhỏ là lỗ châu mai. Đêm ấy trời trăng. Qua lỗ châu mai, mờ ảo những hàng kẽm gai chằng chịt, màu vàng trăng chen một trời sương buồn tẻ.
Xa nhau quá lâu. Bao là dâu bể. Cô cháu gái, bụng mang một cái thai đã nặng nề, cứ khóc tấm tức. Cô Xìn tâm sự bao la chuyện đời. Cô kể:
“Chú ôi, hôm ấy làm sao mà súng nổ nhiều quá, làm sao mà khói lửa thiêu đốt không chừa một cái gì, đốt ngay cả thịt da trẻ em. Cuộc đụng độ xảy ra từ hai giờ đêm hôm trước tới nửa buổi sáng hôm sau giữa lính viễn chinh và quân bên kia. Mờ sáng, đã thấy xác người rách nát, máu đỏ con đường bụi. Cháu cùng đám đông chạy lên đường cái quan thì gặp một đoàn xe tăng Mỹ. Một đám bà con hoảng loạn chạy ngược về xóm thì đụng phải một giàn súng cối và nhiều toán quân nón cối, ngụy trang cây lá đầy người. Máy bay từng đàn bay đến thả bom lửa tràn ngập. Cháu té sấp trên bờ mương nước. Sau đó bị lùa cùng rất đông thường dân vào trong cái đồn xa lạ này đây”.
Tư hỏi:
“Nhưng làm sao cháu không bị bắn bị tù, mà lại ở tình trạng này. Chú thấy cháu có vẻ sung túc, đẹp đẽ ra là nghĩa làm sao?
“ Chú ôi chuyện còn dài lắm. Một gái quê như cháu mà ôm ngủ với một người ngoại quốc. Cái bụng này, cái thai này, rồi cũng cho ra đời một đứa con lai. Nó là một nửa máu nửa thịt của cháu chú ôi. Thế này, hôm ấy cháu được đưa về đồn. Một ông Đại úy viễn chinh xét hỏi mọi người. Tới phiên cháu thì ông tách riêng ra. Buổi tối, ông đưa cháu vào phòng, cái phòng ôn dịch này đây, ông bảo ông thích cháu, bảo lãnh cho cháu. Chú ôi cháu phải làm sao? Ông nâng niu chìu chuộng cháu lắm. Ông viễn chinh bảo khi nào giải ngũ ông sẽ đem cháu ra đi, và là vợ suốt đời. Cháu rất cảm cái ơn cứu tử của ông viễn chinh. Nhưng thấy kỳ kỳ. Mà cháu…sợ quá”.
“Sợ cái gì?
“Sợ nhiều thứ lắm. Sợ cái thai đang nằm trong bụng. Sợ cả cái mơ thấy trong giấc ngủ”.
“Bình tĩnh nào cháu”
“Cháu đã man rợ rồi chú ôi…”

*

Cô Xìn kể lể. Rồi cô nức nở. Cô ôm siết người chú ốm o tội nghiệp. Như ôm một cái phao cứu rỗi. Như ôm một thân tộc mả mồ đã trôi giạt lênh đênh. Cả hai chú cháu lúc đó cùng ngồi trên chiếc giường đệm của Đại úy viễn chinh. Tư bàng hoàng chưa biết nói năng ra làm sao. Thế nào mà giải được cái tình thế oái ăm, mà chênh vênh, mà tuyệt bất ngờ.
Trăng vẫn rơ rỡ ngoài bãi hoang. Cỏ úa quấn quanh những hàng kẽm gai đen rỉ. Một vài đám sáng hỏa châu về khuya trôi minh mang, lờ đờ trong trời bạc. Một trời quê hương đang bị đoạt hồn.
Bỗng ông sĩ quan viễn chinh xuất hiện ngay bậc cửa. Cô gái thả người chú ra, và nói:
“Chồng cháu đó. Anh không biết nói tiếng Việt.”
Giọng cô khá nhẹ nhàng, thân ái. Nhưng liền đó, người viễn chinh nhấc ngang mũi súng, khuôn mặt lạnh lùng. Và, một loạt đạn nổ dòn. Nổ thẳng vào người cô gái và người chú già nua…

Cung Tích Biền
1968 – đọc lại 2008.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 507)
Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc: “Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.” Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.
12 Tháng Chín 20242:26 CH(Xem: 497)
Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.
18 Tháng Tám 20242:40 SA(Xem: 2237)
Thu Yến sinh ra trong một gia đình công chức bình thường ở nông thôn thuộc một xã miền Tây Nam Bộ. Ba má Yến là nhân viên văn phòng tại một đợn vị sản xuất và phân phối vật tư nông nghiệp vùng ven Tây Đô. Nhà có ba chị em. Chị Hai là Thu Miên hơn Thu Yến ba tuổi nhưng bị khiếm khuyết, chậm phát triển bẩm sinh nên không đi học được chỉ quanh quẩn ở nhà với em. Đứa em trai út cũng bị khiếm khuyết về thể trạng, thường xuyên bị động kinh nên cũng chậm lớn không đi học được. Như vậy trong ba đứa con, chỉ có Thu Yến là xinh xắn, thông minh. Vì thế Yến là niềm kỳ vọng duy nhất của ba mẹ có thể ăn học nên người sau này phụ giúp ba mẹ nuôi chị và em, chăm lo gia đình.
15 Tháng Tám 202412:35 SA(Xem: 2567)
Những khối gạch đá đen trùi trũi trong ánh trăng lu chìm giữa những đám mây nặng trĩu đè lên thành Kim Lăng (Nam Kinh). Tiếng quạ kêu thảng thốt. Trong Viện Thái y, hơn chục viên Ngự y chắp tay cúi đầu vẻ ăn năn biết lỗi, xếp hàng trước viên Tổng quản của Hồng Vũ đế đang cao giọng: - Các vị Ngự y! Hoàng đế rất tức giận, và hoàn toàn thất vọng về các vị! Được hưởng ân huệ của triều đình không ít, nhưng đã mấy tuần trăng rồi, tính mạng vàng ngọc của Vương phi trao cho các vị, các vị đã làm được gì? Hơi thở của Vương phi ngày một mỏng manh như sợi cước…
17 Tháng Bảy 20244:12 CH(Xem: 3277)
Nàng ngồi lặng lẽ trên ghế sô-pha. Chiếc váy màu đen mở ra khoảng trống vô hình. Hai cánh tay rã rời đặt lên thành ghế. Ánh đèn màu nhập nhòa hắt trên phố vắng. Nàng ngồi chờ hắn về. Hắn sẽ đi trên chiếc xe bịt kín màu đen, gương mặt lạnh lùng. Hắn có mùi đàn ông pha hương gai cầu. Gót giày thường lấm một thứ gì đó rất ít, nhưng cũng đủ cho nàng phát hiện ra: cát bờ sông, bùn đất quánh đặc, than cháy, hoặc thứ gì không màu mùi vị mà lẩn quất xô đẩy chen lấn tanh tanh mùi đỏ nhầy nhụa. Hắn không thích nàng nói gì. Chỉ sở hữu một cách chậm rãi và ngông cuồng. Sau đó hắn đưa cho nàng một tập những tờ màu xanh. Chuông điện thoại reo. Nàng nhích người ể oải đứng lên với cái máy, ể oải a lô. Cánh tay mỏi đã có thể đưa lên, chậm rãi như chờ sự đồng lõa. Phía bên kia im lặng. Lạ thật, có lẽ ai nhầm máy. Ném máy xuống bàn, nàng lại co chân lên ghế trong tư thế chuẩn bị ngủ. Nhưng rồi điện thoại lại reo. Nàng không buồn đứng dậy nữa. Tự nhiên cơn buồn ngủ kéo đến. Nhưng chuông cứ reo...
17 Tháng Bảy 202411:26 SA(Xem: 2851)
Sáng hôm đó, lễ đón tân sinh viên trường ĐH Kinh Tế diễn ra thật vui. Đặc biệt mấy anh sinh viên lớp trên lúc nào cũng háo hức chào đón tân sinh viên hơn cả. Hoàng Tùng cũng vậy, anh cùng với nhóm bạn hôm nay đến trường sớm hơn mọi khi. Áo quần thẳng nếp, đầu tóc gọn ghẽ phong thái lịch lãm nhất có thể. Trong buổi này có nhóm tân sinh viên nữ làm anh và nhóm bạn chú ý nhất là ba em trong trang phục áo dài trắng, vàng và xanh thiên thanh ngồi gần nhau bên góc trái hội trường
17 Tháng Bảy 20241:05 SA(Xem: 3141)
Mấy tuần qua, nổi lên thống trị thế giới thông tin cả vỉa hè lẫn chính thống là biết bao lời rao giảng ồn ào về Nhân Quả, Nghiệp báo Luân hồi từ không ít vị “mũ cao áo dài” trong giới tu hành đạo Phật nhằm dẫn dụ Phật tử và đông đảo dân chúng vào mê hồn trận “Cúng dường”, “Giải oan”, “Giải nghiệp”, “Thỉnh vong”, “Trục vong Thỉnh linh bào thai”, v.v. Hắn chợt nhớ lại mồn một cái chết bi thảm của một ông Giám đốc dường phải trả nghiệp báo của ông bằng một tai nạn khủng khiếp mà nhiều năm qua, hắn tìm mọi cách cố tình rũ bỏ khỏi trí nhớ mệt mỏi của hắn nhưng không sao làm nổi…
05 Tháng Bảy 202410:12 CH(Xem: 3501)
Hắn đắm mình cả giờ trong khung cảnh tịch mịch và thiêng liêng của ngôi chùa giữa mưa bụi đầu xuân miền châu thổ sông Hồng… Đó là chùa Hương Hải Thiền, xã Lệ Chi, Huyện Đông Anh Hà Nội, ngôi chùa lần đầu tiên hắn tới trong dịp về thắp hương tưởng niệm 10 năm Hòa thượng Thích Thông Lạc viên tịch.
15 Tháng Sáu 20244:23 SA(Xem: 4021)
Sau một tháng ròng rã ngoài khơi. Bành gọi điện thoại di động về nhà cho cô vợ yêu rằng con tàu anh đang ở hải phận Quy Nhơn. Bành nắm vô lăng từ suốt đêm qua sau khi rời khỏi hải phận ngư trường quen thuộc Trường Sa một vài hải lý. Đang trên đường trở về và hẳn sẽ có một chuyền bội thu. Gần bảy mươi con cá bò gù (cá ngừ đại dương), dự kiến khỏan trên ba tấn cá.
05 Tháng Sáu 20241:44 SA(Xem: 5088)
Toát mồ hôi, loạng choạng đứng dậy, nhìn cái túi thức ăn đầy sợ hãi. Tôi cầm lấy ném tất cả vào thùng rác, rồi lết trên vỉa hè gọi một chiếc taxi đưa đến khách sạn gần đấy. Tôi chỉ kịp gọi cho một ông bạn lính cũ, nói gọn lỏn “huỷ nhậu”, rồi vật ra giường. Nằm liệt. Tôi nhanh chóng chìm vào trong một cơn ác mộng. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của hai cô gái cùng chuyến tàu đêm năm nào. Họ đang bay ngay phía trên tôi, trong bầu trời mùa xuân đầy hoa thơm cỏ lạ chim hót ríu ran. Còn tôi đang nằm trong cái toa tàu đen sì nhìn lên.