Theo nguôn tin từ RFI - Đầu tháng Tư vừa qua, có một sự kiện văn hóa quan trọng. Đó là tác phẩm "Biển và Chim bói cá " của nhà văn Bùi Ngọc Tấn được trao giải thưởng mang tên nhà văn Pháp chuyên viết về biển Henri Queffélec (1910 - 1992), nhằm tôn vinh những tác phẩm viết về biển trên thế giới. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn nổi tiếng với tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000, nói về nhà tù, trại cải tạo ở Việt Nam, mà bản thân ông đã từng là một chứng nhân bất đắc dĩ. Sau khi ra tù, nhà văn Bùi Ngọc Tấn được nhận vào làm việc tại một xí nghiệp hải sản ở thành phố Hải Phòng. Hai mươi năm gắn bó với những người làm nghề biển đã cho ông chất liệu để làm nên cuốn tiểu thuyết này. Tiểu thuyết "Biển và Chim bói cá" xuất bản ở Việt Nam năm 2009, được tái bản năm 2010, sau đó được dịch giả Tây Hà chuyển sang tiếng Pháp. Cuốn sách được nhà xuất bản l'Aube phát hành năm 2011, với tựa đề La mer et le martin-pêcheu. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn là tác giả của ba cuốn tiểu thuyết bị tịch thu trước khi xuất bản, bị giam giữ nhiều năm, rồi cuốn tiểu thuyết thứ tư lại bị thu hồi và tiêu hủy, chưa kể bao nỗi gian truân trong cuộc đời. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn giải thích : Đây là một quyển sử thi về sự tan rã. Sử thi không chỉ là để nói về chuyện thành lập cái này, cái kia. Trong cái tan rã, có những cái rất bi hùng. Tan rã ở đây là về ý thức hệ, từ chỗ tuyệt đối tin tưởng, rồi đến hoang mang dao động rồi mất lòng tin ; tan rã từ chỗ đoàn kết gắn bó với nhau trở nên rời rạc, phân rã, mỗi người một kiểu ; tan rã trong tình bè bạn, tan rã trong tình đồng chí, tan rã trong một tổ chức, một lý thuyết tổ chức chỉ đạo sản xuất...