- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đọc "xóm Đạo" Của Nguyễn Ngọc Ngạn

26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 14217)

Tác giả "Xóm Đạo":

Tiểu sử : Nguyễn Ngọc Ngạn sinh ngày 4 tháng 5, 1946 tại Sơn Tây, Bắc Việt, cùng gia đình di cư vào miền Nam 1954. Theo học Nguyễn bá Tòng rồi Chu văn An. Sau khi tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài gòn, ông thường dạy học, năm 1975 bị bắt đi cải tạo tập trung. Năm 1978 được tha về, vượt biên tới Mã lai và viết tác phẩm đầu tiên "Những người đàn bà còn ở lại" trong trại tạm cư. Mới đầu định cư tại Vancouver, Canada, đến 1985 chuyển sang Toronto cho tới hiện nay.

Ông người có chiều cao… thuộc người Việt trung bình, ngoại hình dễ coi, có tài ăn nói nên dễ thành công trong đời sống. Bởi thế văn nghiệp cũng đa dạng, có thể chia làm 3 loại:

Loại để đọc : Đã viết khoảng 25 truyện dài và tập truyện, một số thuộc loại best-seller hải ngoại. Ngày nào chính quyền CS bãi bỏ lệnh cấm sách tiếng Việt hải ngoại, chắc sách của ông cũng sẽ bán chạy, ít nhất là thời kỳ đầu, trong nước. Lý do ông là một người kể truyện có tài, dùng một bút pháp của đời thường dễ hiểu nên sách ông đặc biệt thành công nơi phụ nữ.

Loại để nghe : Ông là nhà văn Việt đầu tiên đi vào địa hạt sách để nghe, audio book, đã sản xuất khoảng 60 sách loại này, với sự cộng tác của Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Aí Vân, Thanh Lan…, có số bán cũng cao như loại sách để đọc. Ông là cứu tinh cho mấy đứa cháu đã chán việc ngồi đọc sách cho ông bà nghe, và là bạn đường cho mấy người phải lái xe nhiều giờ mỗi ngày.

Loại nghe và nhìn : Năm 1992 ông cộng tác với Thuy Nga Productions , làm MC cho các tape "Paris by night", nâng cao số bán loại video này, được trả thù lao đủ sống không cần nguồn lợi tức nào khác. Điều đó không ngăn cản ông trong việc viết lách. Ông cũng như những nhà văn ăn khách các nước, như Delly của Pháp trước đây Danielle Steel của Mỹ bà giáo Rawling với Harry Potter ở Anh hiện nay mỗi đầu sách in cả triệu bản, mỗi đầu sách Nguyễn Ngọc Ngạn thường bán được ba bốn ngàn cuốn và nhiều cuốn đã tái bản tới lần thứ hai, như "Nắng qua phố cũ", "Xóm đạo"…(như thế kể là nhiều cho một cộng đồng Việt hải ngoại khoảng 3 triệu người).

Giới độc giả khoa bảng và thưởng ngoạn chọn lọc thường coi trọng những cuốn tiểu thuyết có chủ đề triết học hay "làm mới văn chương", đổi mới chữ nghĩa hay thể loại văn chương, dù những cuốn này đọc thường chán lắm, ít ai mua. Nhưng cuộc sống là dịch, là thay đổi không ngừng, thí dụ Stephen King, một tác giả chuyên môn best-seller của Mỹ, trước vẫn bị coi là nhà văn hạng B viết truyện giải trí lảm nhảm, gần đây bắt đầu được nâng cấp, gia nhập hàng ngũ các nhà văn loại A, tuy chưa được như các vị trưởng lão miệt vườn William Faulner, John Steinback… Vậy nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn của hải ngoại cũng xứng đáng được gọi là nhà văn như …vậy. Vả lại đâu có luật tắc nào bắt phải viết lãng đãng, khó hiểu, dẫn chứng đủ loại nhà văn triết gia cổ kim Đông Tây …hoặc viết như …hoặc giữ cho ngòi bút không tụt xuống dưới rốn trai hay gái như …(người viết tự kiểm duyệt bỏ danh sách này), mới thành văn chương đâu.

 

Vấn đề chống Cộng trong "Xóm đạo":

Trong nửa dưới thế kỷ 20, có một sự kiện nổi bật là : Đã là người Công giáo, đương nhiên chống Cộng . Thậm chí đến nỗi có một nhà văn thích viết sử, là Nguyên Vũ gần đây viết cả một bộ sách hai cuốn, gọi cuộc chiến vừa qua ở Việt nam, là "Cuộc thánh chiến chống Cộng". Câu hỏi đương nhiên cần đặt ra, là tại sao vậy?

Nguyễn Ngọc Ngạn đưa ra giải thích nhìn từ bên trong các xóm đạo lớn nhỏ của Việt nam: "Đối với người Công giáo, chống Cộng không phải là một chọn lựa, mà là một tín điều. Không phải là một lời khuyên, mà là sự bắt buộc! Thư Chung của các Giám Mục Đông dương gửi các tín hữu ngày 5 thg 10 năm 1951 mà mới đây chính cha Hảo đọc cho mọi người nghe, có đoạn mở đầu như sau:

"Vì tinh thần trách nhiệm quan trọng trước Thiên Chúa, vì mối tình tha thiết yêu quí anh em, chúng tôi thấy mình có nhiệm vụ quan hệ phải loan báo cho anh em biết đề phòng nạn Cộng sản duy vật, một nguy cơ trầm trọng nhất thời nay. Chủ nghĩa Cộng sản xung khắc tuyệt đối với Công giáo đến nỗi Đức Thánh Cha đã tuyên bố rằng: Không bao giờ có thể vừa theo Cộng sản vừa theo Công giáo được, và người Công giáo nào gia nhập đảng Cộng sản thì lập tức bị khai trừ khỏi Giáo hội. Chẳng những không được nhập đảng Cộng sản, mà anh em không thể cộng tác bất kỳ dưới hình thức nào."

Cũng tương tự như Thư Chung năm 51, các Giám Mục miền Nam sau này lại phổ biến thêm một lần nữa, ngày 2 thg 3 năm 1960 một Thư Chung khác có đoạn: "Người Công giáo phải phủ nhận lý thuyết Cộng sản và những áp dụng của nó đến tận cùng. Chúng ta phải dứt khoát bài trừ chủ nghĩa Duy vật vô thần và những áp dụng sai lạc của nó. Đức Giao hoàng Pio XI đã minh bạch tuyên bố kết án thuyết Cộng sản Duy Vật vô thần trong thông điệp Divini Redemptoris…".

Và để giáo dân không quên điều này, Kinh Tôn vương đọc hàng đêm trong mỗi gia đình trước khi đi ngủ, có câu tụng niệm rất cụ thể : "Gia đình con xin nguyện không theo thuyết Cộng sản vô thần!"

Như vậy trong cuộc chiến tranh Việt nam vừa qua, yếu tố những người Công giáo quyết tâm chống Cộng rõ ràng phát xuất từ trên xuống ( Giáo hội La mã), một yếu tố từ bên ngoài đưa tới, cũng như đảng CS miền Bắc quyết tâm đánh chiếm miền Nam, cũng là do các yếu tố bên ngoài đưa tới: chủ nghĩa Mác Lê từ Âu châu, chủ thuyết chống Mỹ đến người Việt nam cuối cùng của Mao Trạch Đông , để chia lại quyền lợi và ảnh hưởng tại miền Đông châu Á, nhất là phía đông nam giàu tài nguyên đủ loại.

Chỉ có một vài vấn đề phụ hơi khó hiểu. Thí dụ thứ nhất là sau khi giáo hoàng Pio XI và Staline qua đời, sự đối kháng giữa Cộng sản và Công giáo trên bình diện thế giới giảm bớt với chủ thuyết sống chung hoà bình của cả Krouchev lẫn hai Giáo hoàng kế tiếp, tại sao Gíáo Hội Công giáo VN và giáo dân vẫn tiếp tục giữ thái độ không đội trời chung với Cộng sản? Cứ tiếp tục tuân theo thánh lệnh của một Gíao hoàng đã qua đời lâu rồi, chứ không tuân theo lệnh Gíáo hoàng đương nhiệm.? Hồi đó có một người bạn Công giáo nói đùa: Là một con chiên, tôi phải tuân theo vị chủ chiên cao nhất là Gíao hoàng, chấp nhận sống chung hòa bình với Cộng sản. Nhưng nếu vậy thì tôi sẽ bị không thiếu gì giáo dân VN chụp cho cái nón cối to bự, khó sống. Nhưng mâu thuẫn đó còn có thể hiểu và bao dung được khi quân Cộng sản còn đang tấn công tới tấp trong thời kỳ nội chiến ở Việt nam…

Vấn đề phụ khó hiểu thứ hai, là sau 1975, sau khi đã tái định cư an toàn ơ các nước Tây phương, nhiều nhất ở Mỹ-Canada, không còn bóng dáng Cộng quân nào, trừ vài nhân viên sứ quán và thương mại, tại sao vẫn tồn tại những hội đoàn và báo chí chống Cộng hăng say hơn cả thời Việt nam Cộng hoà. .? Đã có nhiều lý giải được đưa ra: có một số người mắc bệnh hoang tưởng loại nhẹ, thấy những kẻ mình không ưa đều có vẻ như đang đội nón cối. Có người thích bộ môn phân tâm học, thì cho rằng có một số người thuộc loại sadistic, dùng chống cộng như một chiêu bài một võ khí để làm khổ, để chửi rủa những đồng hương khác, cho thoả mãn cái ngã cái ego "tôi chửi vậy tôi hiện hữu" (bạn đọc nào giỏi la-tanh xin dịch giùm câu này).. Dĩ nhiên có những người chống Cộng vì vendetta cho hả nỗi căm thù đã bị CS làm khổ, hành hạ khi còn ở trong nước mà trước sau không một ai nói lời xin lỗi. Hoặc chống Cộng vì chút lòng yêu quê hương cũ, và thương dân Việt (như người viết bài này và nhiều người khác), không muốn dân quê tiếp tục thiếu ăn như đã từng thiếu cả ngàn năm nay rồi, không muốn quốc gia cũ của mình lụi đụi , chậm tiến hoài …

 

Vấn đề tình dục trong "Xóm Đạo" :

Có thể có những độc giả thấy chữ "tình dục’, là lắc đầu chép miệng than: Lại tình dục…Làm thế nào được một khi Chúa tạo dựng ra ông Adam bà Eve, Chúa đã thảo chương, lập trình ngay từ trong nhiễm thể hai người những bản năng cơ bản, basic instincts, như bản năng sinh tồn và bản năng truyền giống – chẳng cứ loài người, bất cứ loài sinh vật nào cũng đều được trang bị hai bản năng này. Vậy nhắc, bàn tới tình dục, tới sex, hay là để những vấn đề đó ám ảnh, cũng là truyện tự nhiên thôi, là vâng theo ý Cha ý Chúa hay một đấng Tạo hoá, một đấng Tối cao, hay một ông Trời nào đó.

Bởi thế những ai, như các đấng giáo chủ sáng lập các tôn giáo hay các chế độ chuyên chính vô sản như Cộng sản hay xhcn, chuyên chính hữu sản như vua chúa thời xưa, hay Quốc Xã Phát-xít thời nay, đều tìm cách nắm giữ, quản lý, chi phối hai bản năng đó, nhất là bản năng truyền giống vì bản năng này đi kèm một khoái lạc vô biên (sự kiện này cũng được đấng tối cao thảo chương sẵn, để khuyến khích giao hợp, nếu không loài người đã, sẽ tuyệt chủng). Điều đầu tiên các vị giáo chủ sáng lập thường làm, là tìm cách thu lại trong tay mình quyền cho hay không cho giao hợp, hay hạn chế hành động này bằng cách đặt ra thêm các điều kiện. Thô sơ thì bằng cách dùng bạo lực thuần tuý, cách này chỉ khống chế đươc một số ít người, thua xa cách dùng một ý niệm, một lý tưởng nào đó. Hay nhất là sáng chế ra một sự vô nhiễm nguyên tội, và ý niệm tội lỗi (khi không còn vô nhiễm nữa), ở những nơi những người không có một ý niệm nào về vấn đề này, thí dụ dân các hải đảo nam Thái bình dương thế kỷ 18, 19, hay các bộ lạc bán khai núi rừng Amazone hiện nay. Nhà văn Anh Someset Maugham trong một truyện đã để cho nhân vật chính than: Chính các nhà truyền giáo Tây phương đã đem nhập cảng tội lỗi vào những "hòn đảo thần tiên" ở đại dương này, và trùm cái áo ngủ xấu xí của tu viện nữ tu lên thân hình vốn tự do như sóng và gió từ thủa khai thiên lập địa, của phụ nữ miền này.

Cha xứ trong "Xóm Đạo":

Theo Nguyễn Ngọc Ngạn trg 14 "Xóm đạo" : "Vào thời này (1955 và kế tiếp), khi mà giáo hội còn chịu ảnh hưởng nặng nề của xã hội phong kiến, các linh mục thường vẫn xử xự với tín hữu như một ông quan đối với dân đen, mà nói đúng ra thì có khi hơn cả một vị quan nữa. Bởi vì quan chỉ có thế quyền, còn cha thì nắm cả thế quyền lẫn thần quyền . Giáo dân sợ cha hơn sợ quan, bởi vốn người theo đạo thì linh hồn trọng hơn thể xác, cuộc sống đời sau quí hơn cuộc đời hiện tại."

Khi cha Xuân , cha xứ trong Xóm Đạo, biết Quyên, một cô gái có chồng nhưng ở lại ngoài Bắc, muốn lấy Thông, một giáo viên, nhân vật chính của truyện, cha tức tốc đuổi Thông ra khỏi phòng việc, cho lệnh gọi Quyên lên "bắt nằm xuống đánh năm roi vào đít và ra lệnh từ nay không được tiếp xúc với Thông nữa". Không những việc tình yêu và hôn nhân, những tội như trộm cắp đánh lộn, cũng đưa đến cha xứ xử, không cần nhờ đến cảnh sát.

Khi Mai, cô gái hoa khôi của xóm đạo và thầy Phán, một đại chủng sinh còn có hai năm nữa tốt nghiệp làm linh mục, yêu nhau, cả xóm đạo ồn lên, nhiều giáo dân biến thành các Peeping Tom nhìn qua khe cửa khe vách để tìm bằng cớ, như vụ tổng thống Clinton để cô sinh viên tập sự Lewinsky bú chim. Mặc dù về mặt đạo, thầy Phán có quyền bỏ không tu nữa để lấy vợ, về mặt đời Clinton có con chim muốn để cho ai bú cũng được, thứ truyện khuê phòng giữa trai gái trưởng thành, đâu có thể làm đổ bức tường nào trên Capitol mà Lưỡng viện Hoa kỳ cứ ồn lên, chúi đầu vào xem mấy giọt tinh khí đã khô trên áo cô Monica.. .Nói theo kiểu người Mỹ trắng: là sick rõ ràng. .. Ngay cả nhà giáo Thông cũng nhìn qua khe vách để thấy quang cảnh như sau: "Anh nín thở theo rõi cảnh tượng bên trong mà anh thấy được khá rõ nhờ ngọn đèn đặt ở bàn viết. Trên chiếc giường nhỏ kê sát vách, thầy Phán ngồi dựa lưng vào tường, duỗi thẳng hai chân. Mai ngồi trên lòng thầy, dạng hai chân ra, đưa lưng lại phía Thông.Hai cánh tay cô vòng qua ôm lấy cổ thầy Phán. Chiếc quần đen của cô máng trên nóc mùng, thòng hai ống xuống một khoảng dài cỡ hơn gang tay. Thầy Phán cúi xuống, úp mặt vào ngực Mai, hai bàn tay bấu lấy mông cô. Mai hơi ngửa cổ, nhắm mắt lại và rên nho nhỏ."

Dù chứng kiến cảnh như thế và bất đồng ý với hai người chưa có phép cha xứ đã "nam nữ quan hệ bất chính" (thành ngữ CS thường dùng để chỉ nam nữ liên hệ với nhau mà không báo cáo và được phép của "ban ngành đoàn thể" dưới thời bao cấp), nhưng là nhà giáo, anh chỉ nghĩ đến truyện can ngăn hai người trước khi quá trễ. Nhưng anh chưa làm được gì thì các bà giáo dân mộ đạo đã ra tay: "Xé xác nó ra! Đuổi cổ nó ra khỏi nhà thờ! Nó dám quyến rũ thầy! Làm ô danh Chúa!...Cùng với những lời chửi mắng, hàng chục bàn tay xúm vào, xé toang hết quần áo của Mai. Mai vừa khóc vừa cố thoát thân. Tất cả đồng ý với nhau là phải trừng trị đứa con gái khốn nạn đã quyến rũ thầy Phán khả kính của họ, làm thầy lung lay con đường tu hành! Từng miếng vải tung lên. Chiếc áo dài trắng, cái quần đen, cái áo lót, trong nháy mắt biến thành những mảnh vụn quăng đầy chung quanh!…Mai thì ngồi thụp xuống, hai tay che ngực, toàn thân chỉ còn cái quần lót nhỏ xíu. Một bà giơ chân đạp mạnh vào lưng, khiến cô ngã lăn ra. Các bà khác xúm lại, người thì chửi, người thì nắm tóc, rít lên đay nghiến…" (trg 42 Xóm Đạo)

Đến đây là vượt quá mức dạy dỗ bằng biện pháp mạnh, mà dám là gây thương tích nặng, thầy giáo Thông thương cô học trò cũ, bèn xông vô đám đông, miệng can ngăn tay cởi áo đang mặc khoác cho Mai, mở dường cho nàng chạy thoát về nhà. Ai cũng nể ông thày nên đám đông tự động giải tán khỏi hông nhà thờ. Nhưng bạo động như thế dễ mang lại phản ứng ngược: Mai xấu hổ bỏ giáo xứ lên Sài gòn học may, thầy Phán bỏ luôn con đường tu hành, đầu quân vào trường Võ bị Đà lạt. Rút kinh nghiệm vụ này, khi có kẻ phao đồn một cô gái xinh đẹp khác tên Phương dan díu với cha phó xứ Hảo, nhà giáo Thông vội tìm ngay mọi cách để minh oan cho hai người.

Có phải chỉ trong một giáo xứ Bắc kỳ di cư mới có những truyện như trên không? Chắc là không vì trong phim "Ryan’s daughter" đã chiếu ở Việt nam trước 1975, cô gái cưng của chủ quán rượu lấy chồng là giáo viên, đã ngoại tình với thiếu tá người Anh trưởng đồn binh dịa phương, cũng đã bị phụ nữ trong giáo xứ xúm lại xé đánh cho một trận tơi tả, như cô Mai trong "Xóm đạo". Để rồi có một kết cục buồn: viên sĩ quan tự sát, trường mất thày dạy, hai vợ chồng nạn nhân phải rời giáo xứ ra tỉnh trong sự ghẻ lạnh của tất cả. Gần đây nhất trong truyện ngắn "Nghĩa trang Đồng nhi" của nhà văn trẻ Lynh Bacardi, Sài gòn (báo điện tử Tiền Vệ), một cô gái điếm thuộc phe pro-life theo lệnh Giáo hoàng đã gia nhập một hội thiện nguyện do một "sơ" thành lập, chuyên đi nhặt những thai nhi bị phá bỏ, đem chôn cất tử tế. Khi các bà trong giáo xứ biết truyện làm điếm của cô , các bà tổ chức ngay một vụ đánh và xé cô gái bất hạnh này, cho rằng làm điếm là quá xấu xa để còn có thể làm việc thiện nguyện. Chưa hết , hôm sau còn triệu tập các ông chức sắc, kể cả công an khu vực, đến tận nhà cô gái, bắt ép cô một là từ bỏ làm điếm, hai là bị trục xuất ra khỏi nhà, giáo xứ…

Trở lại với "Xóm đạo" , không còn nàng Quyên để yêu vì cha xứ đã cấm, nhà giáo Thông lần này đi quan hệ với Trâm, cũng xinh đẹp nhưng thuộc một gia đình Phật tử lạc lõng trong giáo xứ nhưng gần nhà. Rất nhanh, đôi trẻ đi đến chỗ thân mật:

"Thông xoa nhẹ bàn tay trên lưng Trâm, bên ngoài lớp vải lụa dịu mát. Bàn tay anh vô tình đưa dần xuống và đặt trên mông Trâm. Cô vội vòng tay ra phía sau, lôi bàn tay Thông lên bắt trở lại vị trí cũ. Một lúc sau, Thông lùa bàn tay vào trong áo Trâm, cô cũng lại kéo bàn tay anh ra, làm Thông chợt mỉm cười trong bóng tối…Thông có thể nằm bên cô, có thể ôm ấp cô, nhưng tuyệt đối không được cởi quần áo và thậm chí lùa tay vào trong áo cũng không được! Với Thông như thế cũng là tốt rồi, anh chẳng đòi hỏi thêm. Mấy tháng chung giường với Quyên, anh còn dằn lòng không xâm phạm xác thịt, huống chi giờ này chỉ ở bên Trâm trong khoảng khắc!" (trg 444 sdd).

Khi nàng Mai trở về giáo xứ thăm gia đình, nàng ghé nhà thầy Thông xin ngủ nhờ. Nhà có một giường và nhiều muỗi nên : "Hai người ngồi hai đầu giường, xa hẳn nhau. Mai phủ tấm chăn ngang bụng, tựa lưng vào vách. Thông ngồi bó gối, tay cầm quạt nan liên tục phe phẩy cho đỡ ngượng. Nói chuyện thêm khoảng một tiếng nữa thì Mai mệt quá lăn ra ngủ thiếp đi. Cô nằm ngửa, mái tóc đen dầy xoã sang một bên. Trong ánh sáng lờ mờ, Thông vẫn nhìn thấy ngực Mai nhấp nhô lên xuống theo nhịp thở đều đặn. Anh quay đi, cố xua đuổi những tư tưởng vẩn đục vừa chợt ùa tới làm trái tim anh xao xuyến. Anh nhẹ nhàng đổi thế ngồi, lùi xuống phía chân Mai, tựa lưng vào vách…Rồi anh làm dấu Thánh Gíá, đọc vài câu kinh ngắn trước khi nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ." (trg 496 sdd).

 

Tạm hết:

Đọc "Xóm Đạo" đến đây người viết mới hiểu cái tiêu chuẩn bất thành văn khá phổ biến trong giới văn nghệ, kiểm duyệt và phê bình, là không được để ngòi bút tụt xuống dưới rốn người đàn bà. Xuống dưới là mặn, là dâm, văn chương mất hết giá trị, không thể vượt không gian và thời gian…Trước kia cứ tưởng tiêu chuẩn đó, cách thế yêu đương không ai cởi áo cởi quần nhau, là do Nhất Linh vẽ ra lần đầu trong cuốn "Giòng sông Thanh Thuỷ" khi cho nhân vật chính, một đàn ông trưởng thành sang miền Nam Trung hoa để làm cách mạng, đã nằm cạnh một phụ nữ trẻ đẹp qua một đêm chỉ nói truyện suông. Không giống nhà cách mạng Mỹ Jordan sang Tây ban nha giúp phe du kích đỏ, mới gặp cô đồng chí gái Maria, đã mắt la mày lét và trời vừa tối đã rủ con gái nhà người ta chui vào túi ngủ với mình, làm đủ thứ truyện, trong tác phẩm "From Whom Toll the Bell" của Hemmingway…

Bây giờ thì hiểu, mong là không sai cho lắm, rằng tiêu chuẩn văn chương không được ở dưới rốn người đàn bà, có lẽ phát xuất từ các xóm đạo Việt nam chăng? Vấn đề như thế còn nhiều tranh cãi, bây giờ hãy trở lại với anh chàng Thông ngoan đạo của chúng ta. Cứ mãi tuân theo giáo luật, vâng ý cha mãi nên đến cuối cuốn tiểu thuyết 612 trang này, các cô gái anh đã yêu không ai chờ đợi được, rủ nhau đi lấy chồng hết, để mặc chàng:

"Thông vẫn lảo đảo bước đi, dù chẳng biết đi đâu. Sài gòn đô hội này hình như chẳng phải là đất dung thân của anh. Nhưng ngay cả mái ấm đã năm năm cưu mang anh là Tân Hạ, tự dưng lúc này anh cũng chán ngấy, không còn muốn quay trở lại nữa".

THẾ-UYÊN
Tháng 9, 06 .Bothell.WA.USA

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Ba 202112:07 SA(Xem: 11047)
“Vòng Đai Xanh” của Ngô Thế Vinh được xem là một tiểu thuyết chiến tranh, được viết rất thực bởi một quân y sĩ xông pha ngoài trận tuyến. Cuộc chiến tự vệ của người dân Miền Nam chống xâm lược của Cộng Sản Miền Bắc kéo dài đến 15 năm (1960-75), nếu không nói đến hoạt động khủng bố, phá hoại 2-3 năm trước khi chiến tranh chính thức khai mào, cho nên chúng ta không thiếu những tác giả viết về cuộc chiến đó, cảm khái từ những mất mát, đổ vỡ, tan hoang của con người, của tuổi trẻ, của gia đình, của xã hội, của đất nước vì chiến tranh.
08 Tháng Chín 20209:38 CH(Xem: 12648)
Trong những ngày đang phải cố thủ tại gia một cách tuyệt vọng trước “kẻ thù vô hình” Corona virus giăng mắc, phong tỏa nơi nơi, “Mặt Trận Ở Sài Gòn” là một nguồn quên lãng lớn cơn đại dịch này. Trước hiện tại đang thêm phần đen tối không chỉ vì đại dịch Cô-Vy và nạn suy thoái/ lạm phát mà chủ yếu vì một chính tình thối nát, có khi người ta phải đi vay mượn một vài tia sáng từ quá khứ để có thể ngày qua ngày. Những câu chuyện cách đây cả 50 năm ở một nơi nay quá xa xôi bỗng dưng sống lại một cách da diết trong trí nhớ, trong con tim của mỗi chúng ta khi có “Mặt Trận Ở Sài Gòn” đặt đầu bàn ngủ (không phải gối đầu giường).
29 Tháng Tám 20202:15 CH(Xem: 13539)
Mặt trận ở Sài Gòn là một tuyển tập 12 truyện ngắn của Nhà văn Ngô Thế Vinh viết về kí ức thời chiến tranh vào thập niên 1970s, chủ yếu ở vùng núi rừng Tây Nguyên. Tuy có nhiều chứng nhân trong cuộc chiến, nhưng tác giả là một chứng nhân hiếm hoi ghi lại một giai đoạn chiến sự khốc liệt qua các câu chuyện được hư cấu hoá. Điểm đặc biệt của tập truyện ngắn này là có phiên bản tiếng Anh do một học giả ẩn danh dịch, có lẽ muốn chuyển tải đến độc giả nước ngoài về cái nhìn và suy tư của người lính phía VNCH.
02 Tháng Sáu 202010:06 CH(Xem: 15114)
Đã từ lâu tôi có một thói quen xấu, khi đọc thơ trí não tôi tự động phân loại rành rọt. Một: loại thi ca gây cho mình cảm hứng. Hai: loại không gây cảm hứng nếu không muốn nói làm mình mất hứng. Vậy mà lật tới lật lui, đọc đi đọc lại, tật xấu không nổi lên. Thay vào đó tôi thấy mình chăm chú lắng nghe. Tôi trở lại lần tay trên bìa sách, khoảng trắng với những vân vạch to nhỏ ngắn dài của biểu đồ tần số như phát lên một âm thanh vừa rè đục vừa trong vắt. Ở một nơi chừng như trống rỗng trắng xóa, ý tưởng mọc lên giữa âm thanh nhiễu loạn. Và bài Radio mùa hè tiếp tục văng vẳng
07 Tháng Mười Một 20198:36 CH(Xem: 19962)
Trong thời niên thiếu, anh cũng như một số bạn đều mê đọc tiểu thuyết, đọc thơ của các văn thi sĩ tiền chiến. Trong các nhóm nhà văn đó thì nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã ảnh hưởng đến anh nhiều nhất. Văn của họ nhẹ nhàng, trong sáng, với những truyện tình lãng mạn lồng trong khung cảnh quê hương đơn sơ và lúc nào cũng man mác tình yêu. Truyện của họ, không lúc nào thiếu trong tủ sách gia đình của anh. Trong nhóm đó, Nhất Linh được anh coi như một mẫu người lý tưởng, một nhà văn, một chiến sĩ cách mạng. Nhiều nhân vật trong truyện đã in sâu vào ký ức anh. Họ không những đã trở thành một phần đời sống của anh mà đôi khi lại là những giấc mộng không thành. Trong những năm cuối cuộc đời, ông xa lánh cảnh trần tục, như một tiên ông quy ẩn bên dòng suối Đa Mê của rừng lan Đà Lạt.
09 Tháng Bảy 201911:36 CH(Xem: 15402)
Đọc xong cuốn sách về một con người đã chết cách đây hơn nửa thế kỷ khi còn đương xuân, đương ở những năm tháng tiềm năng nhất về sức lực và trí lực, tự tôi dằn lòng nở một nụ cười lớn hạnh phúc cho riêng tôi.
04 Tháng Năm 201911:02 CH(Xem: 16093)
Bác Sĩ Ngô Thế Vinh chia xẻ với tôi một cuốn sách anh và các bạn anh đang soạn thảo. Cuốn sách về một cuộc đời rất ngắn của người bạn đồng nghiệp: Nghiêm Sỹ Tuấn, một Bác Sĩ Quân Y, một Thi Văn Sĩ , tử trận ở tuổi 31 tại Khe Sanh năm 1968 khi anh đang là Y Sĩ Trung Úy Tiểu Đoàn 6, Nhảy Dù.
07 Tháng Chín 20183:06 CH(Xem: 24959)
Đó là những bài thơ hiếm gặp trên đời này. Đó là thơ Lý Thừa Nghiệp. Đó là những dòng chữ làm chúng ta giựt mình ngay tức khắc. Như dường chữ nhảy ra khỏi trang giấy. Nhiều bài thơ của anh có sức mạnh làm tôi sững sờ, ngồi yên lặng lẽ, và dõi mắt nhìn cho tới dòng cuối bài thơ.
22 Tháng Tám 20155:48 CH(Xem: 26617)
Sau hai tập thơ đã ấn hành (Sinh Nhật Của Một Người Không Còn Trẻ, NXB Văn Mới, Califorina, 2009 - Những Giấc Mơ Tôi, NXB Văn Mới, California, 2013), cuối tháng 7.2015 vừa qua, nhà thơ Lữ Quỳnh đã ấn hành tiếp tập thơ thứ 3, "Mây Trong Những Giấc Mơ", với một tâm thức nhẹ nhàng, thanh thoát như Mây và một cảm xúc sâu lắng, nhưng rất an nhiên tự tại...
03 Tháng Mười Một 20142:39 SA(Xem: 29815)
“Đọc thơ Du Nguyên có cảm giác cô ấy góa chồng ngay giữa tuổi trẻ của mình” - đó là nhận định của nhà thơ Bình Nguyên Trang, khi đọcKhúc lêu hêu mùa Hè…