- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Không Một Ai Lắng Nghe Khi Tôi Nói

14 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 12019)

tramtu_0_300x240_1Lưu Diệu Vân chuyển ngữ

Annette Sanford: nhà văn người Mỹ, hiện đang sống ở Texas, bắt đầu viết văn vào giữa năm 1970, đã nhận được hai giải học bổng của National Endowment for The Arts, tác giả của ba tuyển tập truyện ngắn và tiểu thuyết: Lasting Attachments, Eleanor & Abel: A Romance, và Crossing Shattuck Bridge. Truyện ngắn Nobody Listens When I Talk (Không Một Ai Lắng Nghe Khi Tôi Nói) là một trong những tác phẩm được ưa chuộng nhất của bà. Đã được đưa vào tuyển tập Chuyện Ngắn Châu Mỹ Hay Nhất Năm 2001. Chuyện miêu tả một cách thật sinh động về quá trình trưởng thành của một thiếu nữ đang vào tuổi dậy thì.

 

Hãy tìm tôi trên chiếc xích đu. Bằng sắt, loại dùng để ở ngoài hiên, đã được mẹ tôi bọc vải bạt sọc cam. Tôi đang nghỉ hè. Mùa hè thứ mười sáu, nhưng là mùa hè đầu tiên tôi được chơi xích đu. Có thể nói tôi đang ở đây vì cái chân bị gãy (thật tình là đau lắm) hoặc là vì tai tôi có vấn đề hoặc vì tôi có một người cha nghiêm khắc. Có thể nói rằng tôi thích được một mình, tôi đang trau dồi trí tuệ, đang ngẫm nghĩ về trạng thái của vũ trụ. Tôi có thể nói thật nhiều điều, nhưng không có ai lắng nghe khi tôi lên tiếng, nên tôi đã không nói. Có nói. Tuy rằng không thường xuyên. Và điều đó làm mọi người lo lắng.

Chẳng hạn như mẹ tôi. Bà lảng vảng. Bà sáng ngời trong cái ghế đan bằng liễu gai, ngồi gần chỗ tay vịn cầu thang và lâu lâu lại nhìn chòng chọc vào tôi. Bà mặc chiếc đầm màu xanh dương kẻ ca rô hoặc chiếc áo màu xanh lục viền đường chữ chi tím bên dưới cái tạp dề tôi mua tặng bà vào dịp lễ Giáng Sinh. Bà nắm chặt tấm vải phủi bụi hoặc cái chổi hoặc phụ trang dành cho phụ nữ của tờ báo Windsor Chronicle.

"Marilyn," bà nói, "một đứa con gái độ tuổi con phải nên năng nổ và làm việc gì đó."

Làm việc gì đó đối với bà là quét dọn ga-ra hoặc vá quần áo lót. Làm việc gì đó đối với tôi là bơi lội, cưỡi trên một chiếc xe mô tô, chơi trượt nước. Theo bà thì con gái ở tuổi tôi nên là một thiếu nữ tập sự chuyện nấu cơm ba bữa, dọn lên bàn ăn đúng giờ, và sàn nhà bếp phải bóng loáng, nhưng bà cũng sẽ hạnh phúc lắm nếu được nhìn thấy tôi nhảy điệu vũ gà điên nếu điều đó có thể khiến tôi ngồi dậy.

Tôi cứ nằm sóng soài. Tôi không thích làm điều mẹ muốn, và tôi không thể làm điều tôi ước muốn. Sự thật là hiện giờ, tôi không thích hợp ở bất kỳ chỗ nào. Trừ ngồi trên chiếc xích đu. Vì lẽ đó tôi đang ngồi đây đọc sách.

 

Cha tôi về vào buổi chiều. Ông đã làm việc cả ngày trong văn phòng có máy lạnh bị hỏng, hoặc giao tiếp với một vị khách mà chờ đến năm giờ kém năm mới quyết định sẽ đầu tư vào một công ty khác. Ông ngồi phịch xuống cái ghế liễu gai và đàm luận với bóng ma của mẹ tôi.

"Marilyn," ông nói, "một đứa con gái xinh đẹp như con phải nên nhận thức rõ là nó may mắn biết chừng nào."

May mắn đối với ông là không có việc gì phải lo lắng ở lứa tuổi mười sáu. Cha tôi lớn lên ở Utopia, nơi mà mọi người từ hai đến hai mươi sống trong niềm sung sướng vĩnh viễn. Nếu ông đang độ tuổi mười sáu thì ông chắc hẳn sẽ có một chiếc xe mô tô và một cô gái xinh đẹp ngồi phía sau lưng. Nhưng người đó sẽ không phải là tôi. Nếu ông đang độ tuổi mười sáu ông đã không phải là cha tôi, ông sẽ không nhìn đến tôi dù chỉ bằng nửa mắt.

 

Lâu lâu bạn tôi đến chơi. Tôi nhường một nửa chiếc xích đu và nó ngồi đấy như bà thầy lên đồng và thổi bong bóng kẹo gôm. Nó có thể làm thế mà trông vẫn cao quý. Khi nó chớp mắt, bọn con trai chết sững.

"Marilyn," nó nói, "một đứa con gái như bạn cần nhiều kinh nghiệm với nhiều người đàn ông khác nhau."

Nó quyết kiếm cho tôi một cuộc hẹn với anh họ của nó. Với em trai của chị dâu nó. Với cháu trai của ông thuyết giáo ở Syracuse. Nó sẽ sắp xếp cho tôi một ngồi chỗ nơi băng ghế xe sau với một người hợp với tôi, và chúng tôi sẽ ăn bắp rang và xem phim tại bãi chiếu bóng ngoài trời và mong đến giờ được về nhà.

 

Tôi có thể nói. Tôi không phải là hạng con gái như thế. Tôi có thể nói. Ai đó phải hôn tôi nồng nàn, mua tặng tôi hoa violet, nằm trên đường sắt xe lửa Amtrak nếu muốn có được cái liếc nhìn vô tình của tôi.

Nhưng ai sẽ lắng nghe?

Nên tôi chỉ nói, "Không." Tôi nói, "Có lẽ để tuần sau đi." Rồi tôi nằm trên chiếc xích đu, ngắm nhìn tinh tú bừng rực sáng rồi thắc mắc tại sao tôi đã không chịu đi chơi.

 

Khi bạn nằm trên chiếc xích đu cả ngày, bạn sẽ ghi nhớ rất nhiều thứ. Bạn nhắm nghiền hai mắt và lắng nghe những con châu chấu ngân nga trong tàng cây du và ngẫm nghĩ mình là ai.

Bạn nhớ lại lúc mình lên sáu, cứ vùi khóc trong tấm khăn trải giường nhung xanh chỉ vì cậu của bạn đã cười nhạo con voi thiếu mất cặp ngà của mình. Bạn đã vẽ tặng riêng cho cậu. Bạn có bao giờ biết gì về cái ngà voi đâu.

Bạn nhớ đến lần nằm trên chiếc gường sắt thật to ở nhà ông nội, lắng nghe nước trong bể chảy róc rách lên những viên đá ngoài cửa sổ, yên tâm là mình đang an toàn vì bạn còn bé con và mọi người ai cũng yêu thương bạn. Bạn nhớ đến vũ hội huy hoàng của lớp nhảy múa lúc bạn được mười hai tuổi, mặc chiếc áo đầm màu hồng, ruy băng buộc trên tóc và cao hơn đứa con trai đi cùng đến một cái đầu. Mẹ của nó đã làm một đóa hoa cài ngực cho bạn, và chùm hoa cứ cạ vào mũi đứa con trai khi hai người khiêu vũ. Bạn tự gạt mình rằng đứa con trai bỏ đi cũng vì chuyện này, nhưng khi bạn đang trong tuổi mười sáu nằm trên chiếc xích đu, bạn biết rõ hơi hám của sự thiếu lòng tin trộn lẫn với mùi hoa hồng và hoa oải hương là điều đã khiến bạn phải ngồi chờ đợi nó tại chiếc ghế nơi đại sảnh.

Khi bạn nằm trên chiếc xích đu nguyên cả ngày, bạn sống trong thế giới bạn chỉ được đọc qua trong sách. Bạn lê cái chân trần đi tới đi lui trên sàn nhà và nghe bài hát phát ra từ những sợi dây xích, nhưng bạn thật tình không phải là chính mình.

Bạn là người đàn bà đứng cạnh bàn, đọc một lá thư từ cái hộp đựng đầy những lá thư khác. Một người đàn ông đã chết viết ra chúng. Khuôn mặt người đàn ông trẻ như bạn, Người đàn ông đã quen nhìn bé con ngủ qua khung cửa sổ nơi những chiếc tàu lướt ngang. Người đàn ông còn mơ đến cái chết của chính mình và chép ra một trích đoạn thánh ca: Tháng ngày của ta là cây cỏ, ban sáng sum suê, buổi chiều sẽ héo tàn và bị cắt ngang.

Bạn là người cha đang đếm dấu vết rạn nứt trên lề đường dưới chân. Bạn đã chờ một khoảng thời gian thật dài ở trạm xe lửa để đợi chuyến tàu mang đến đứa trẻ đang đi bên cạnh bạn và nó nói, Mẹ bắt buộc con phải đến đây dù rằng con rất ghét cha.

Bạn là một người con gái, có thai, đang một mình trong chiếc xe đậu trên con đường ven làng quê. Bạn cùng dòng dõi với con bò nâu đang gặm cỏ ở phía bên kia hàng rào. Bạn đang ướt mèm và bầy nhầy và mù lòa, cuộn tròn trong bụng con bò chờ đợi giờ ra đời. Bạn đang đau ốm đến buồn nôn.

Bạn là người con trai trong căn phòng có chấn song nơi cửa sổ, là một người đàn bà già nua nằm trên tấm trải giường trắng đang nhìn Chúa mắc kẹt trong cái khung hình, là một đứa trẻ mang vết sẹo trên mặt.

Khi bạn không phải là chính mình thì thực chất của bạn trở nên khác thường: mạnh mẽ, và thuộc về vạn vật … chắc chắn sẽ có thu hoạch… hãy cứ vui lòng mà buồn bã. Bạn là câu đố có hàng trăm câu trả lời, một bản nhạc có hàng ngàn giai điệu.

Khi bạn nằm trên chiếc xích đu suốt cả mùa hè, mùa thu đến trước khi bạn kịp nhận ra. Những chiếc lá du bỗng trải đầy trên ngõ, và bạn đã qua tuổi mười bảy được ba ngày.

Đã đến giờ thức dậy.

Mẹ tôi vẫn đeo cái tạp dề đứng trong nhà bếp, đang rán bít-tết cho buổi tối. Tôi ngồi nơi bàn và đang ăn một trái nho. Tôi có thể nói. Đừng bận tâm đến quần áo lót. Khi thời khắc cần đến, con sẽ biết vá chúng. Con biết nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa và biết yêu thương đứa con gái bơ vơ. Con đã quan sát cả một mùa hè.

Thay vào đó, tôi ngáp dài, và bà nhìn tôi. "Suốt cả mùa hè," bà nói, và lắc đầu.

Trong phòng xem tivi, nhà khí tượng học hứa sẽ có mưa. Tôi hôn lên trán cha nơi tóc không còn mọc được nữa và áp má mình vào râu ông. Tôi có thể nói. Con thật sự rất xinh đẹp như cha đã nói.

"Hãy thử đọc thứ gì nhẹ nhàng hơn để thay đổi không khí," cha nói, và đưa tôi tập sách tranh khôi hài. Tôi cuộn tròn trên ghế sofa và gọi điện cho đứa bạn gái. Nó bảo nó đã hôn anh chàng chơi kèn trompet. Anh ta có đôi môi thật quyến rũ. Nó nói đồ tắm hai mảnh đang bán hạ giá, những người đàn ông tóc vàng sẽ bị hói đầu trước tiên, bùn rất tốt cho làn da.

Tôi có thể nói với nó, Mùa Hè đã qua. Tôi có thể nói, Con người được sanh ra rồi chết đi và lại được tái sanh. Mọi thứ còn lại chỉ là điều vụn vặt. Tôi có thể nói,

Hoa hồng màu đỏ,

Hoa violet màu xanh.

Tôi đã trưởng thành,

Nhưng bạn thì vẫn vậy

Tuy nhiên, tôi đã không nói thế. Lời nói đó sẽ làm nó đau lòng. Vả lại, đâu có ai lắng nghe khi tôi nói.

 

Đôi khi ngay cả chính tôi cũng vậy.

Annette Sanford
Lưu Diệu Vân chuyển ngữ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 75171)
Ở mức độ cao hơn một tiểu thuyết khiêu dâm, Florence Dugas dẫn người đọc tiến dần đến chỗ thưà nhận nỗi đau và sự chối từ hiện hưũ, mà nguyên nhân bắt nguồn từ một tuổi thơ bất hạnh. Viết thẳng tay bằng một văn phong sống sượng - nhưng không trơ trẽn - Florence Dugas, với tự truyện Thống Muội , đã bóc trần mọi tình huống, gây xót xa, băn khoăn, trăn trở nơi người đọc. Là giáo sư kịch nghệ của hàn lâm viện kịch nghệ tại Pháp, cô cho xuất bản Thống Muội năm 1996, lúc 28 tuổi.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 77683)
Hoàng Chính chuyển ngữ từ Peeling trong tập truyện "The Fat Man in History" của Peter Carey. Peter Carey, tiểu thuyết gia người Úc, sinh ngày 7 tháng 5, 1943, hai lần đoạt giải Man Booker với các cuốn "Oscar and Lucinda" (1988) và "True History of the Kelly Gang" (2001). Hiện Peter Carey dạy đại học tại New York.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 73325)
Vichto Olegovich Pelevin sinh ngày 22.11.1967 tại Moskva, trong một gia đình quân nhân. Năm 1989 Pelevin thi vào trường đại học năng lượng, từ 1989-1990 học hàm thụ trường đại học viết văn Maxime Gorki. Pelevin bắt đầu sáng tác vào giữa những năm 80, mười năm sau, chưa đầy ba mươi tuổi, có trong tay hơn chục tiểu thuyết, truyện vừa và năm-sáu tập truyện ngắn, anh đã trở thành "hiện tượng bí hiểm nhất và nổi tiếng nhất trong thế hệ các nhà văn hậu Xô Viết".
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 74504)
Hắn tỉnh lại đột ngột. Bốn năm người thanh niên đang kéo hắn ra từ dưới lườn xe. Hắn nếm được vị mặn và máu, một đầu gối bị đau, và khi bị nhấc bổng, hắn phát rên, không chịu nổi sự đụng chạm trên cánh tay mặt. Những tiếng nói như không thuộc về những khuôn mặt treo ở trên hắn đang bông đùa vỗ về và bảo hắn yên tâm.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 82944)
Khi tòa báo đề nghị tôi tham gia viết về các nhà văn mà giá trị được cường điệu cao hơn giá trị thật của chính họ, tôi đã nghĩ sẽ từ chối. Tại sao phải tự mình tạo thêm kẻ thù một cách miễn phí? Rồi Robbe-Grillet xuất hiện trong đầu.
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 10472)
Lisa St. Aubin de Terán - sinh ngày 2 tháng 10 năm 1953 – là tác giả người Anh với trên hai mươi tác phẩm đã xuất bản gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ và hồi ký. Bà đã nhận ba giải thưởng văn chương: giải Somerset Maugham cho tiểu thuyết Keepers of the House, giải John Llewellyn Rhys cho tác phẩm The Slow Train to Milan, và giải Eric Gregory cho thơ.
20 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 12223)
...Tôi sẽ không bao giờ lấy chồng. Không lấy ông nào hết. Tôi rành đàn ông quá. Tôi đã chứng kiến sự phản trắc của họ, tôi cũng đã từng tiếp tay cho họ nữa. Tháo dây kéo, cởi móc và đồng thuận với những động tác mờ ám. Tôi đã từng là tòng phạm, tham gia những tội ác có mưu tính. Tôi đắc tội cố tình làm những người đàn bà khác đau khổ. Tôi thù oán và tàn bạo, tôi có thể làm bất cứ chuyện gì.
17 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 10688)
Simon Van Booy: những con chim nhỏ Lưu Diệu Vân & Hoàng Chính : chuyển ngữ Tôi vừa tròn mười lăm tuổi khi thức giấc sáng nay. Mỗi năm qua như một lần khoác thêm lớp áo mới lên trên những lớp cũ. Để đôi khi tôi thọc tay vào những chiếc túi ấu thơ và moi ra những món đồ.
17 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 10977)
Fuentès không bao giờ che giấu sự đam mê của mình dành cho Balzac. Đến mức sắp xếp tác phẩm như một Hài kịch nhân loại a[1] mang tính trần thế Mễ-tây-cơ, với đông đúc nhân vật làm người đọc dễ dàng thất lạc, dù tự nguyện, giống như du khách có thể đi lạc giữa Mexico, thủ đô khổng lồ, tỏa rộng tứ phía, ngây ngất dị kỳ.
17 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 12389)
Nhà văn Pháp-Á Căn Đình Julio Cortázar (1914-1984) đã khai sáng chủ nghĩa hiện thực phi thường mà những văn bản ngắn, đang tái xuất hiện, cô đọng sức mạnh. Dấn thân chính trị nhưng nhà văn không xúc phạm độc giả theo cách đánh tráo văn chương với tải đạo hay tích lũy những nhượng bộ khiến bút pháp bị nhấn chìm vào thể loại tầm thường của văn tranh đấu. Julio Cortázar là một bậc thầy châu Mỹ La-tinh của dòng văn chương huyễn ảo.