Lời Giới Thiệu: Pinckney Benedict sinh năm 1964, tốt nghiệp cử nhân năm 1986 tại Đại Học Princeton, bằng Cao Học tại trường Đại Học Iowa năm 1988 và qua chương trình Viết Văn, dưới sự huấn luyện của nữ văn hào Joyce Carol Oates. Benedict xuất bản tuyển tập truyện ngắn đầu tiên Town Smokes (1987) lúc 23 tuổi. Tuyển tập truyện ngắn tiếp theo, The Wrecking Yard và quyển tiểu thuyết Dogs of God, đều được liệt vào danh sách tiểu thuyết hay từ tờ báo New York Times. Chuyện ngắn của ông xuất hiện trên các tờ báo văn chương danh tiếng, Esquire, Zoetrope, Ontario Review, Grazia của Ý, Gunzo xứ Nhật, tuyển tập Oxford về các chuyện ngắn Hoa Kỳ, và đã hai lần được tuyển vào tập truyện ngắn hay nhất trong năm, O. Henry Award. Benedict cũng được nhiều giải văn chương, như giải văn chương của Anh quốc, Steinbeck Award, Nelson Algreen Award của tờ Chicago Tribune v.v.. Văn phong ông đầy cảm xúc, sống thực và nam tính qua các nhân vật gan góc, hành động bén như dao cạo trong một bối cảnh sống thực. Làm nền cho các câu chuyện là dải đất phong phú miền Nam Hoa Kỳ, nơi ông lớn lên từ trang trại của gia đình ở bang West Virginia. Pinckney Benedict được xem là một trong những nhà văn trẻ sáng chói của thế hệ trẻ, văn giới Hoa Kỳ. Benedict là giáo sư văn chương Anh tại nhiều đại học của Hoa Kỳ: Hope, bang Michigan, đại học Ohio State, Oberlin College và Princeton. Hiện ông là giáo sư văn chương tại đại học Southern Illinois University, Carbondale. Truyện ngắn sau đây Miracle Boy được tuyển vào tuyển tập truyện ngắn, O. Henry Award năm 1999. O. Henry Award, mang tên văn hào O. Henry, bút danh của William Sydney Porter, người có tiếng thần kỳ về truyện ngắn, là giải duy nhất hàng năm trao cho truyện ngắn. Miracle Boy cũng sẽ là tựa cho tuyển tập truyện ngắn sẽ xuất bản năm 2009.
Trần Viết Minh-Thanh
Ba đứa Thằn Lằn, Geronimo và Kem Eskimo muốn xem vết sẹo. Ê thằng kỳ diệu, cho tụi tao coi mấy vết sẹo của mày, chúng la to.
Rồi ngày nọ, sau giờ học, cả ba chực sẵn đàng sau phòng chứa dụng cụ, nằm tận tít xa sau sân banh hình con thoi, cuối trường cấp 2, sát nhà McClung, chúng dồn thằng Kỳ Diệu vào một góc. Kỳ Diệu lúc nào cũng về nhà ngả này, nó bước qua mấy bậc cấp để qua hàng rào bọc cánh đồng, với dáng điệu kỳ khôi, chân kéo lê, chống trên cây gậy đầu cong do ông già nó làm. Nhà của ông già nó nằm bên kia nhà của gia đình McClung.
Cho chúng tao coi vết sẹo. Cả ba đứa: Thằn Lằn, Geronimo và Eskimo, đều biết đến tai nạn và vụ thằng Kỳ Diệu được gắn chân lại. Tít lớn của tờ báo tỉnh đã phong cho nó danh xưng: Cậu Bé Kỳ Diệu. Chân của cậu bé Kỳ Diệu đã được gắn lại sau tám tiếng đồng hồ phẫu thuật. Tất cả mọi người trong trường đều biết, tất cả mọi người trong tỉnh cũng thế. Đây là một tỉnh nhỏ. Chuyện xảy ra mấy năm trước cơ, nhưng tai nạn tầm cỡ như vậy lưu lại trong lòng dân tỉnh lâu dài.
Thằn Lằn, Geronimo và Eskimo muốn xem chỗ cái chân được khâu lại. Chúng muốn biết điều được gọi kỳ diệu là như thế nào. Chúng từng biết những điều xảy ra trong Kinh Thánh – bụi gai bốc cháy, Lazarus trỗi dậy từ cõi chết – và chính những sự việc này làm cho chúng càng tò mò thêm
Thằng Kỳ Diệu không muốn cho chúng xem. Nó lắc đầu khi tụi nó hỏi: Cho tụi tao xem vết sẹo. Kỳ Diệu là một thằng bé béo tròn, nhất là khoảng bụng và hông sườn. Nó không chơi thể thao được như ba thằng Thằn Lằn, Geronimo và Eskimo. Chân thằng nhỏ cong quặp lại và nó mang đôi giầy ống brogans tới mắt cá – màu đậm, nặng như giá trị chữa bệnh. Nó bận quần màu đen dài, cỡ lớn hơn nó, ống quần dài tới mắt cá, một bên tay cầm theo cây gậy.
Thằn Lằn, Geronimo và Eskimo hỏi nó lần cuối – chúng đã kiên nhẫn lắm rồi bởi vì thằng này tàn tật – cuối cùng tụi nó đè thằng nhỏ xuống sàn. Thằng Eskimo ngồi lên đầu Kỳ Diệu, còn hai thằng kia cởi quần, giầy và vớ của nó. Chúng liệng vớ và quần lên dãy hàng rào sắt cong quẹo. Một cái vớ trắng dầy mắc phải một dây kẽm gai rỉ trên đỉnh hàng rào. Chúng cột hai ống quần lại với nhau thành một cái thắt lớn rồi thẩy quần lên cao. Đôi giầy ống, chúng cột giây lại với nhau và liệng thật cao lên không trung, đôi giầy rớt tòng teng trên sợi dây điện treo trên đầu. Kỳ Diệu không mảy may nói gì trong suốt thời gian ba đứa làm việc này. Thằng Eskimo chụp cây gậy và thẩy vô bụi rậm.
Sau đó ba đứa đè thằng Kỳ Diệu xuống sàn, săm soi khúc mắt cá chân và mấy đường sẹo phẳng lì, khúc da trắng bạch, có khoảng da hồng đỏ, tim tím hơi sưng chung quanh các vết sẹo.
Chẳng có gì là kỳ diệu cả, thằng Eskimo nói. Thằng Kỳ Diệu không chống cự chút nào. Nó nằm yên, nhìn về phía khác. Mấy con bò giống Hereford (1) của gia đình McClung đã từ lúc nào đi lần tới bờ rào, coi bộ chúng bị khích động, tưởng đâu có người tới cho chúng ăn. Quả là một đàn bò đẹp mã, mặt trắng, da láng, thân hình chắc nịch, sắp được đem ra chợ một ngày không xa.
- Coi bộ chỉ là một đám sẹo lộn xộn thôi, thằng Eskimo lại nói.
Thằng Eskimo và Geronino là hai anh em. Gần đây thôi, ông già của hai thằng này vừa mới mất ba phần tư của bàn tay trái vì sức chém của máy căng hàng rào kẽm gai, nhưng chẳng còn gì để gắn lại.
- Điều kỳ diệu xảy ra hàng ngày chung quanh chúng ta. Thằng Kỳ Diệu lên tiếng.
Thằn Lằn, Geronimo và Eskimo ngừng quay bàn chân của thằng nhỏ từ phía này qua phía nọ như thể đang nghịch chân một người chết. Giọng của Kỳ Diệu mềm, trong trẻo, và ba thằng ngừng lại để lại lắng nghe nó nói.
- Cái gì? Geronimo hỏi lại, nó dùng chính bàn chân của Kỳ Diệu thúc một cái.
- Chúa Jêsus, Chúa làm cho người què đi lại đươc. Và Chúa cũng cho tao đi lại được.
- Nhưng mà trước đây mày đâu có què, Geronimo trả lời. Chẳng nhẽ Chúa Jêsus lấy chân mày đi để rồi gắn chân mày lại sao?
Kỳ Diệu không nói gì nữa. Lúc đó thì Thằn Lằn, Geronimo và Eskimo mới để ý là Kỳ Diệu đang khóc. Cả khuôn mặt của nó láng, ướt đẫm nước mắt, nước mũi. Khuôn mặt thằng nhỏ đẫm nước mắt, phần dưới không có quần, chân không giầy vớ, thân thể cong queo chỉ độc có cái quần lót, nằm trên sàn, cây gậy của nó trong bụi rậm. Ba thằng nhắm chừng không xong. Chúng tính bỏ thằng nhỏ lại rồi đi mất, nhưng cuối cùng tụi nó lôi thằng nhỏ dậy kiếm vớ và quần cho nó, xong giúp nó mặc quần và vớ vào. Thằng nhỏ vẫn khóc trong lúc tụi nó làm công việc này. Rồi Eskimo trao cây gậy cho nó một cách trịnh trọng. Chúng bàn nhau trong chốc lát là có nên lấy đôi giầy của nó xuống không, lúc đó đang lủng lẳng trên cột điện trên đầu. Cuối cùng tụi nó quyết định là đã làm đủ quá rồi, để cho thằng nhỏ trở về nhà được rồi.
Chính ra ông già Kỳ Diệu là người đã cứa chân nó. Lúc đó ông đang cắt bắp làm xila. Ông đang lái máy hiệu Agri-King 1370 thì bánh xe phía trước bị gẫy vì cắt phải mấy cùi bắp cứng, đụng phải một ổ rắn. Mấy con rắn hổ mang bò ra khỏi hang. Đầu mũi của chiếc máy húc xuống đất, đuôi xe ngả sang một phía, và thằng Kỳ Diệu bị tuột khỏi sườn xe nơi nó đang đứng.
Ông già Kỳ Diệu không thể tưởng tượng được mắt mình. Ông tắt máy, luống cuống chạy xuống khỏi cái ghế cao. Nước mắt chảy dài, ông kéo thằng con ra khỏi hàm của cái máy cắt xila, và thấy cái máy đã cắt hai chân thằng nhỏ.
Phải nói hành động nhanh trí của ông sau đó đáng khâm phục!
Ông từ tốn đặt thân hình tàn tật của nó xuống mặt đất. Ông phải xua mấy con rắn hổ mang đang bò tán loạn sang một bên mới làm được điều này. Một cái băng cầm máu ông làm bằng cái dây lưng quần, còn cái băng kia ông dùng cái khăn quàng luôn mang sẵn trong túi quần sau. Sau đó ông loay hoay với một bên máy như một con khỉ. Ông dùng đôi bàn tay trần của mình lục lọi cái máy nặng và ướt.
Tại nơi bố nó đặt nó nằm trên mặt đất, thằng nhỏ có thể trông thấy cái máy đang quay.
Nó biết rằng đôi chân của nó bị cắt đứt. Nó biết ông già nó đang kiếm cái gì trên đó. Nó biết rõ như vậy.
Ông già Kỳ Diệu gọi điện thoại cho má Thằn Lằn. Ông mách cho má nó biết ba thằng Thằn Lằn, Geronimo và Eskimo đã làm gì với thằng Kỳ Diệu. Ông cho biết là ba thằng tụi nó đã lấy giầy của Kỳ Diệu. Làm như vậy tệ quá, ăn cắp giầy của một thằng bé không thể chống trả được tụi nó. Ngày hôm sau, ông già thằng Kỳ Diệu tới nhà má Thằn Lằn, có Kỳ Diệu đi cùng. Thằn Lằn nghĩ thôi rồi kỳ này thế nào ông già thằng Kỳ Diệu cũng đánh toe khói nó ra vì nó dự phần phá thằng Kỳ Diệu. Nó nghĩ chắc Kỳ Diệu có mặt để chứng kiến màn trừng phạt nó. Ông già Thằn Lằn đã bỏ đi từ lâu rồi, má nó thì không bao giờ đánh nó, như vậy chắc hẳn ông già Kỳ Diệu sẽ là người thi hành công việc này.
Mà không, má Thằn Lằn cho hai đứa, Thằn Lằn và Kỳ Diệu ngồi trong phòng khách chung với nhau. Bà đem cho hai đứa nước coca lạnh và hai cái bánh mì phó mách nướng. Rồi bà để hai đứa cùng xem TV với nhau. Một chương trình cũ đang chiếu trên truyền hình, có tựa là Khủng Long. Mấy con vật khổng lồ rượt đuổi nhau trên màn hình và đuổi mấy con người nhỏ tị tẹo. Đáng lý ra đây là chương trình mà Thằn Lằn khoái lắm, nhưng lúc này thì đầu óc của nó không làm chi chú tâm được. Kỳ Diệu ngồi trên chiếc ghế bành màu nâu, có lưng tựa nghiêng tới nghiêng lui, trước đây ghế này là của ông già Thằn Lằn. Hai đứa ăn trên cái khay nhỏ, mỗi khi Kỳ Diệu uống hết ly coca thì má Thằn Lằn lại đổ đầy ly khác cho nó. Má nó cũng cho nó thêm nước uống, bà nhìn nó bằng cặp mắt dọ hỏi, nhưng Thằn Lằn không thể nào đọc được ý nghĩ của má nó qua cặp mắt nhìn đó. Đến ly coca thứ ba, Thằn Lằn bắt đầu cảm thấy hơi khó chịu trong người, nhưng Kỳ Diệu vẫn ngồi ngay ngắn, uống nước ngọt và xem phim Khủng Long một cách say sưa, thỉnh thoảng nó ợ một cái thật nhẹ. Có đôi lúc Thằn Lằn thấy đôi môi của Kỳ Diệu mắp máy như muốn nói cái gì, nhưng suốt buổi cả hai không nói với nhau một tiếng. Ông già Kỳ Diệu ngồi trước hiên nhà Thằn Lằn, nhìn mông lung về phía Tây, những ngọn đồi chập chùng nơi rặng núi Blue Ridge, thỉnh thoảng hớp vài ngụm trà đá má Thằn Lằn đem tới, ông không rời chỗ cho đến khi chương trình Khủng Long xong và tới lúc đem Kỳ Diệu về nhà.
Geronimo và Eskimo thì bị ông già tụi nó đánh cho một trận nên thân. Ông cầm cái thắt lưng da trâu trong bàn tay còn xử dụng được, rồi bắt hai đứa nó tuột quần xuống chịu đòn, mỗi lần quất xong ông lại bắt tụi nó cám ơn ông. Hai đứa nó không thể tin được hình phạt mà Thằn Lằn đã chịu. Thằng Geronimo nói, đó là sự khác biệt giữa căn nhà được điều khiển bởi đàn bà thay vì đàn ông.
Hàng ngày Thằn Lằn đều thấy đôi giầy của Kỳ Diệu, nhờ đôi quai mà giầy vẫn còn treo tòng teng trên giây điện thuộc khu vực của nhà họ McClung. Thằn Lằn cứ hy vọng là dây giầy sẽ bị mục vì ở ngoài trời lâu, và đôi giầy sẽ rơi xuống để nó khỏi trông thấy đôi giầy đó nữa, nhưng đôi giầy vẫn lì lợm ở trên cao. Giờ ra chơi đôi mắt nó cứ bị cuốn hút phải nhìn đôi giầy. Nó nghĩ rằng cả trường đều biết về đôi giầy và tất nhiên ai cũng biết là đôi giầy đó của ai. Thằn Lằn cũng nghĩ là Kỳ Diệu cũng thấy đôi giầy của nó hàng ngày. Nó thắc mắc không hiểu Kỳ Diệu nghĩ gì về đôi giầy của nó, treo lủng lẳng như một chiến tích, dưới trời nắng đẹp hay trong gió mưa. Nằm gọn lỏn bên nhau, đầu và mũi chơ vơ trên cao, ôm ấp nhau như các con chó tìm chỗ ấm. Không hiểu Kỳ Diệu có lo lắng cho đôi giầy của nó không?
Thế là tại trường, nó lén xem xét khuôn mặt Kỳ Diệu coi có dấu hiệu chi tỏ sự lo âu. Kỳ Diệu cũng như thường lệ. Nó mang một đôi giầy mới hiệu Keds màu đen, có vẻ hơi lớn số hơn cỡ chân nó. Nó lê thân hình từ nơi này sang nơi khác, cây gậy đập lên sàn lát thảm nhựa.
- Tao sẽ lấy đôi giầy đó xuống. Một ngày nọ Thằn Lằn tuyên bố với hai thằng Geronimo và Eskimo. Bấy giờ đã vào Xuân, trời có hôm lạnh, hôm ấm, mùa đông vẫn còn quanh quẩn với những ngày trời tối. Mùa của banh bóng chầy, ba thằng đang cùng nhau ngồi trên ghế xem trận banh. Geronimo và Eskimo hình như không hiểu Thằn Lằn đang nói về đôi giầy nào, chúng bận theo dõi trận chơi.
- Giầy của thằng Kỳ Diệu. Thằn Lằn nói. Hai đứa Geronimo và Eskimo ngước mắt nhìn đôi giầy một vài giây. Một ngọn gió mát nhẹ thổi đôi giầy quay theo chiều kim đồng hồ, rồi từ từ đôi giầy lại quay ngược chiều.
- Mày đừng nên đụng vào đồi giầy đó, Eskimo nói.
- Giựt điện bây giờ, Geronimo thêm vào.
- Có thể bị rớt té chết không chừng, Eskimo lại phát biểu.
Thằn Lằn không nói gì thêm nữa. Nó dán mắt vào đôi giầy, trong khi trận banh vẫn diễn tiến chậm rãi. Bỗng nó thấy dáng bé nhỏ của thằng Kỳ Diệu, trong bộ đồ đen, trông như một ông giảng đạo, người cong hình dấu hỏi, đang di chuyển dưới đôi giầy của nó, rồi thằng nhỏ khập khiễng leo qua các bục của hàng rào, lết người qua tuốt sân cỏ phía bên kia.
Hàng cây dương chắn gió đã bắt đầu khoe màu sắc huy hoàng của mùa thu. Không khí mát lạnh, những cây bắp chưa cắt trong vườn quanh nhà bố con thằng Kỳ Diệu chạm vào nhau kêu cọt kẹt, lạch cạch như đang chuyện trò. Thằng Kỳ Diệu (mà lúc đó nó chưa là thằng Kỳ Diệu, mấy phút sau nữa nó mới mang danh đó) ngồi trên cái chắn bên sườn xe máy cưa, xem ông già nó làm việc. Chẳng bao lâu nữa Kỳ Diệu sẽ thả máy bay trắng trên cánh đồng rạ. Chẳng bao lâu nữa với khẩu Remington hai nòng, 12 phát, ông già nó sẽ nổ mấy tiếng làm đàn bồ câu vỗ cánh bay vù lên và Kỳ Diệu sẽ sung sướng chạy lượm chim cho bố. Khi tuyết rơi, Kỳ Diệu sẽ theo bố vào rừng, đi kiếm mấy con nai mập nhờ bắp, chúng có rất nhiều trong vùng này. Hai bố con sẽ thả một ống muối tại một khoảng đất cây thưa mà ông già nó biết, cạnh con suối nhỏ, rồi cả hai ngồi chồm hổm, kiên nhẫn đợi trong bụi rặm cây dương, chờ bắn con nai tới liếm muối.
Thằn Lằn làm một cuộc nghiên cứu đôi giầy. Đôi giầy treo lủng lẳng thật rõ ràng chỉ cách cột điện cỡ một mét, như vậy thì chỉ có cách dùng cột điện thôi. Nó đã từng thấy mấy ông thợ điện leo lên cột một cách dễ dàng nhờ đôi giầy đinh và dây đai bề ngang rộng để giữ thân hình, nhưng lúc này nó không tài nào nghĩ cách kiếm ra mấy đồ dùng đó. Cuối cùng nó dùng dây đai dụng cụ ông già nó để lại, thắt chặt vào bụng, gom thêm cái búa và bỏ vào bọc của dây đai mấy cái đinh sáu phân. Một tối nửa đêm, Thằn Lằn trèo qua cửa sổ phòng ngủ, leo xuống đất qua cây phong mọc cạnh phòng. Nó làm cuộc hành trình bốn dặm, lúc đi, lúc nhảy từ quốc lộ chính đến trường học. Đêm đó thung lũng Seneca trời lạnh cóng làm thằng nhỏ suýt đóng băng. Thằn Lằn núp vào rãnh đất quanh vệ đường khi có xe chạy qua. Nó không muốn ai đó ngừng xe lại cho nó đi quá giang, hay thắc mắc nó đang tính chuyện gì vậy. Trên đường tới trường Thằn Lằn đi qua mấy căn nhà, nhiều căn đèn tắt tối đen, nhưng cũng có vài căn còn sáng đèn. Nó biết một trong những căn nhà đó là nhà thằng Kỳ Diệu, vài trăm thước cách con lộ chính sau lùm cây walnut, lưng nhà dựa ngọn đồi cũ kỹ. Nhưng trong màn đêm, nó không thể phân biệt được căn nào là nhà thằng Kỳ Diệu.
Kế hoạch của Thằn Lằn là như thế này: đóng đinh vào cột điện khoảng hai mét rưỡi khỏi mặt đất, rồi đứng một chân trên đó, từ đó đóng tiếp cái đinh cao hơn. Rồi nó sẽ leo lên cái đinh thứ nhì bằng chân kia, lại đóng cái đinh thứ ba, cứ thế tiếp tục, leo cao lên từ đinh này tới đinh tiếp cho tới khi tới được cái máy chuyển điện, tiếng kêu lè xè, nằm tuốt trên đỉnh của cột. Nó hình dung sẽ một tay ôm cột điện, choàng người qua và bằng cái tay còn lại lôi được đôi giầy, như là hái trái cây vậy.
Đinh đầu tiên được đóng thật chắc và giữ được thân thể nó ngon lành. Nó ôm cột điện thật chặt, gỗ cây điện gồ ghề chà vào da mặt nó. Nó thò tay vào trong bọc đai, lần mò lấy ra một cái đinh nữa và đóng lên cột. Nó leo lên cây đinh thứ hai. Tay nó bắt đầu run khi đóng tới cái đinh thứ ba. Nó đứng trong thế lưng cong với một độ nghiêng vụng về, một bên vai bám chặt vào cột, chưa gì nó cảm được sức căng nơi lưng và các bắp thịt ở cánh tay.
Mấy cái đinh sau không có gì là khó đóng, chẳng bao lâu nó đã đứng trên mặt đất vài mét, người bám vào cột điện. Trong thời gian Thằn Lằn làm việc, mặt trăng đã lên cao, phong cảnh bên dưới sáng trưng. Nó nhìn chung quanh, sân banh hình con thoi, mấy đường gạch làm lối cho cầu thủ chạy đã cũ mòn, mấy gò ụ cũng gần sụp, cũng như các bao cát dùng làm điểm tới. Từ độ cao nó nhận xét tới cái mái ngói của nhà dụng cụ, mái tôn nổi đầy những đường rỉ sét, có đoạn cong vòng, bắt đầu muốn bung lên. Trước đây nó chưa bao giờ để ý tới tình trạng của khu vực này.
Nó làm một cái ngửa lưng thẳng và cố gắng không ngáp. Nó bắt đầu cảm thấy mệt và ước gì có thể bỏ cuộc. Nó nhìn lên trời. Không có gió, đôi giầy đứng im lìm như thể là đôi giầy trong một bức tranh vẽ. Nó moi móc một cái đinh nữa từ bọc đai ra, chùi vào tóc cho nhờn, dựa vai vào cột điện, chuyển đinh qua tay trái và đóng vào cột. Và cái nữa, và cái nữa. Quần áo nó lây mùi sơn creosote của thân cây, mắt nó bắt đầu cay và chảy nước. Mỗi khi nó nhìn xuống mặt đất, nó lại ngạc nhiên thấy mình đã lên khá cao.
Mấy con bò giống của nhà McClung tìm đến nó, làm thành nửa vòng tròn dưới cột điện, nhâm nhi cỏ dại mọc dọc bờ rào. Lứa bò này khác lứa bò mùa thu. Đàn bò này trẻ hơn và cũng rất đẹp. Thằn Lằn mừng có tụi nó đó, bởi nó có cảm giác cô đơn một mình trên cao. Trong mấy giây, chợt hình ảnh thằng Kỳ Diệu ngồi trước máy truyền hình hiện lên, mắt đăm đăm nhìn vào máy, quai hàm nhai tới nhai lui, nửa miếng bánh mì phó mách nướng trên tay.
Đàn bò thân mật đứng kề nhau, thân thể rắn chắc chạm nhẹ vào nhau. Mùi bò đưa tới mũi nó, đậm đặc, ẩm và nóng như mùi mạc cưa, nó bỗng muốn leo xuống cột, đứng lặng im giữa đàn bò. Chắc là ấm lắm! Nó tưởng tượng đưa tay ôm cổ một con bò, tựa đầu vào làn da ấm và đôi vai bắp thịt dầy cộm. Cái đinh nó đang cầm trong mấy ngón tay tê dại rồi tuột và rơi xuống đầu con bò đầu đàn, tiếng kêu nhỏ leng keng. Con bò rống một tiếng, lắc đôi tai tỏ vẻ khó chịu. Cả đàn đủng đỉnh rời chỗ đi sang khoảng sân khác trong cánh đồng, ánh trăng bạc chiếu xuống lưng trông rõ những sợi lông cong cong.
Chiếc đinh Thằn Lằn đang đứng bắt đầu xiêu vẹo một cách nguy hiểm, nó vội vàng đóng ngay một cái khác trên cao. Nó kẹp thật chặt cột điện bằng hai đầu gối, không để cho cái đinh-chỉ-muốn-rơi-xuống phải chịu sức nặng của thân thể nó. Đùi nó móc phải một cái dằm lớn, làm nó đau nhói. Tay nó đụng phải một cái đinh bị cong làm sướt mặt sau của bàn tay. Nó đưa tay lên miệng, hút máu ở mấy khủy tay bị thương, rồi tiếp tục làm việc, lấy búa nện cái đinh. Cái đinh dầy cong theo lực của cái búa. Thằn Lằn kêu khẽ một tiếng với ý nghĩ nếu bị rơi xuống đất. Nó đóng một cái nữa và cái đinh ghim chặt vào gỗ thông. Một cái đóng nữa, đinh dán thật chặt khi nó thử kéo đinh ra. Nó lại leo lên. Đứng trên cái đinh, nó thấy tầm mắt mình ngang bằng cái máy chuyển điện trên đầu cột. Đôi giầy của Kỳ Diệu tòng teng cỡ một mét đàng sau lưng nó. Thằn Lằn cảm thấy hết hơi, nó ôm choàng cái máy chuyển điện. Hơi lạnh của kim loại chuyền vào tay nó. Nó biết dòng điện nguy hiểm nhưng đồng thời có cảm giác an toàn. Thật nhanh, nó chuyển lực sang cánh tay, để có thể nghiêng đầu nhìn thấy đôi giầy. Trên đầu nó mấy sợi dây điện giăng ngang qua mặt trăng, ánh sáng rọi xuống các đường dây điện, cái máy phai màu gắn liền vào cột và máy cách điện bằng gốm. Một ý nghĩ thoáng lên đầu Thằn Lằn: Mấy đường giây này truyền điện khắp mọi nhà trong thung lũng!
Nó ngoái cổ ra xa hơn và trông thấy đôi giầy. Cũng vẫn còn đó. Đôi giầy mòn mỏi bởi trời mưa nắng, và trông cũ kỹ như cả triệu năm, một vật phải được trưng bày trong bảo tàng viện ở một nơi nào đó, có một cái mảnh giấy trắng kèm theo với dòng chữ: GIẦY CỦA CẬU BÉ KỲ DIỆU. Mũi giầy bị nứt, phồng lên to, gần tách rời ra phần dưới, miệng giầy thòi ra một cách kỳ quái. Thằn Lằn đưa tay thử với tới đôi giầy. Gần tới, nhưng chưa được!
Nó nới vòng tay một tí, người nghiêng khỏi cột. Cánh tay mà nó ôm máy chuyển điện run run vì ráng sức, mà trong lòng tin tưởng là sức mạnh của chính mình có thể giữ cho khỏi ngả. Nó cố gắng trườn người dài thêm ra. Đầu ngón tay kéo căng của nó đụng vào đế một chiếc giầy làm cho cả đôi giầy đong đưa. Đôi giầy quay ngược phía nó rồi quay trở lại. Nó chụp hụt, đôi giầy lại quay đi. Lần này nó chụp được một chiếc giầy. Nó giựt mạnh, nhưng đôi giầy vẫn kiên trì. Lắc thêm cái nữa và sợi dây giầy bắt đầu lung lay. Lần thứ ba, cái lắc mạnh làm người nó muốn bật ra khỏi nơi nó đang bám, dây giầy bật khỏi giây điện. Nó ôm được một chiếc vào người, còn chiếc kia rơi xuống đất bên dưới đánh thùm một cái to. Nó tự hỏi không hiểu nếu nó bị rơi xuống thì tiếng động có giống tiếng động của chiếc giầy rơi không. Chiếc giầy nó chụp được là chiếc giầy chân trái.
Dưới ánh trăng, Thằn Lằn có thể thấy mọi vật rõ như ban ngày. Đàng xa xa của cánh đồng là đàn bò của gia đình McClung, mông quay về phía nó, hàng cây chắn gió ngoài xa nữa, và tuốt bên ngoài là căn nhà có cửa sổ, đèn còn rọi sáng. Nó biết đó là căn nhà của thằng Kỳ Diệu. Đó đây trong cái bát cạn thung lũng Seneca một vài căn nhà còn sáng đèn. Một chiếc xe hơi bò trên quốc lộ về phía nó. Những lằn điện cảnh báo màu đỏ trên chòi canh chớp từng khoảng cách về phía Bắc. Thằn Lằn hơi ngạc nhiên khi nhận ra là thung lũng nơi nó sống thật nhỏ bé. Nó có thể đi bộ một cách dễ dàng qua thung lũng, chỉ mất độ một ngày thôi. Những mô đất nhấp nhô nằm chật một vùng. Tất cả những gì thân quen đang ở trong tầm mắt của nó. Như thể nó sống trong lòng bàn tay, nó chợt ví von.
Nó kẹp chiếc giầy chân trái của Kỳ Diệu vào một bên nách và bắt đầu leo xuống.
Khi Thằn Lằn còn nhỏ, ông già nó làm đồ chơi cho nó. Ông tự làm lấy bằng gỗ: con vụ, yên ngựa nhỏ xíu, xe tải và súng, súng cà nông có xe móc chở đạn giống y như các xe được trưng bày trước Tòa án quận. Ông đặc biệt làm một cái bullroarer (2), tiếng kêu thật to khi ông quay vù vù qua đầu, nhưng lúc đó Thằn Lằn nhỏ quá chưa xài tới, và ông có làm một người gỗ Limber Jack (3). Con búp bê gỗ này có thể nhảy khi ba nó hát: "Có một lão già lang bang gần cửa địa ngục. Nếu lão chưa chết, thì lão vẫn còn sống đâu đó gần đấy." Thằn Lằn thích nhất là cái thang Jacob (4), một cái thang làm thật tinh xảo, nhiều miếng gỗ cột lại bằng mấy sợi dây da, có thể kéo dài tới ba feet. Mỗi khi dở nghiêng một bậc thang, bậc thang sau búng ra làm thành một tiếng kêu, và bậc thang tiếp, rồi bậc thang nữa, lần lượt rơi xuống. Sau khi tất cả bậc thang rơi xuống, cái thang Jacob vẫn cùng một chiều dài, nhưng với Thằn Lằn mỗi lần là mỗi khác, có khi trông nó dài hơn, có khi ngắn đi, có một sự thay đổi nào đó. Nó chơi với cái thang hàng giờ, đôi mắt đăm đăm nhìn vào các bậc thang chạy cuồn cuộn như một dòng nước. Nó muốn biết sự bí mật của cái thang. Thiệt là thằng ngốc, ba nó bảo với má nó như vậy.
- Mày nghĩ là con trai tao muốn chơi với mấy thằng cà chớn như mày sao?
Thằn Lằn muốn giải thích là mình nó làm việc này. Hai thằng Geronimo và Eskimo đang ngủ yên ở nhà, chúng chẳng biết tí gì về việc Thằn Lằn làm cả. Ông già thằng Kỳ Diệu đứng trước cánh cửa có lưới chắn đang đóng, hai tay chắp xéo trên ngực, điếu thuốc lá ngậm một bên miệng. Hàng lang đàng sau lưng ông tối đen.
- Cháu tới không phải để nói chuyện với nó. Thằn Lằn trả lời. Cháu chỉ đem đôi giầy trả nó thôi.
Nó chìa đôi giầy ra trước mắt, nhưng ông già của Kỳ Diệu không thèm đặt mắt tới.
- Má mày không biết mày như thế nào, giọng ông già Kỳ Diệu có vẻ mệt mỏi nhưng bình tĩnh, nhưng tao biết mẩn mày.
Thằn Lằn lại chìa đôi giầy ra.
- Mày nghĩ là nó muốn đôi giầy đó sao? Ông già Kỳ Diệu lại nói. Nó có đôi giầy mới rồi. Nó có đôi giầy khác rồi.
Thằn Lằn không nói gì. Nó cứ đứng yên một chỗ.
- Để đôi giầy xuống đó đi. Ông già Kỳ Diệu nói, đưa mắt vào một góc của sân trước nhà.
- Cháu xin lỗi. Tay vẫn ôm đôi giầy, Thằn Lằn lí nhí nói với cảm giác nghẹn ở cuống họng.
- Tao không phải là người mày phải xin lỗi.
Thằng Kỳ Diệu xuất hiện ở hàng lang. Thằn Lằn thấy nó đàng sau thân hình rắn chắc của ông già nó. Nó bận một bộ đồ ngủ màu vàng. Thằn Lằn chưa bao giờ thấy nó bận màu gì khác hơn là màu đen.
- Ba ơi. Nó lên tiếng. Hai cánh tay của bộ đồ rộng quá như nuốt chửng cả hai cánh tay nó, và đôi ống quần lùng thùng quấn chân nó. Nó đi tới một cách thận trọng. Không có cây gậy nên một tay nó chống vào bờ tường.
Ông già nó thì vẫn nhìn chăm chăm vào Thằn Lằn. Ông bảo, cùng với một giọng mệt nhọc như đã dùng với Thằn Lằn: Đi ngủ đi con.
- Sao ba?
Kỳ Diệu đi qua mặt ông già nó, ông lùi một bước nhường nó. Tới cửa, nó ép đôi bàn tay mập vào khung. Nó nhìn Thằn Lằn với cặp mắt mở lớn ngạc nhiên. Xuyên qua khung cửa lưới, thằng Kỳ Diệu là một hình ảnh màu vàng sáng chói, trông nó giống con chim hay con bướm. Và Thằn Lằn ngạc nhiên thấy nó bé tí. Kỳ Diệu dán sát mặt vào cửa lưới. Nếu cửa không bị khóa, chắc có lẽ cánh cửa đã mở toang và nó sẽ ngã theo. Nó gật đầu thật mạnh chào Thằn Lằn, rồi bẽn lẽn cúi đầu xuống. Thằn Lằn không thể ngờ là Kỳ Diệu có vẻ vui khi thấy nó. Kỳ Diệu cong cong các ngón tay ngoắc Thằn Lằn, miệng nó mỉm cười, một nụ cười ngập ngừng. Thằn Lằn đứng yên. Trong đầu nó bỗng văng vẳng tiếng hát của ông già nó, người đã bỏ nó đi từ lâu, cùng tiếng lách cách như tiếng nhạc đệm đi kèm: đó là tiếng các bậc thang Limber Jack. Kỳ Diệu lại đưa tay ngoắc lần nữa, và lần này thì Thằn Lằn vấp váp bước thêm một bước về phía trước. Nó giơ đôi giầy đã hỏng ra trước mặt. Nó đưa đôi giầy lên như thể đưa một món quà.
Trần Viết Minh-Thanh
chuyển ngữ
Chú thích:
(1) Hereford: một loại bò giống từ Anh đem sang Mỹ.
(2) Bullroarer: một loại nhạc khí đánh trong các nghi lễ, cũng là một vật dụng mà các bộ lạc dùng để truyền tin từ xa tới.
(3) Limber Jack: Con búp bê gỗ hình đàn ông, món đồ chơi xuất phát cuối thế kỷ 18, nhảy điệu clogging giống như tap dance, là điệu mà anh hát rong thời đó trình diễn.
(4) Thang Jacob: Trong Thánh Kinh, Jacob nằm mơ được thiên thần cho một cái thang. Jacob đã leo thang lên tới Thiên Đàng. Theo Do Thái giáo thì cái thang Jacob là cái cầu nối giữa Thiên Đàng và Hạ giới.