- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mùa Cua Lên Bãi (trích Đoạn Vu Quy)

18 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 10930)

namdao_0_160x300_1(…)

Tháng chín, mùa cua lên bãi. Tối hôm trước, Thẻo bảo đi ra miệt Bãi Bùng vắng người, kêu Tư sửa soạn sáng mai đi bắt cua. Ra khỏi nhà khi trời chưa hẳn sáng, hai đứa mò mẫm men theo rạch Tầu, lưng mỗi đứa đeo hai ba cái nơm, cái giỏ. Trong gió sớm, mùi bùn tanh tanh ngan ngát. Len lỏi dưới rặng đước trái chúc thẳng xuống như chỉ chực cắm xuống mặt đất, Tư quơ những bông đậu cộ tím biếc giắt lên tóc, khúc khích:

"Anh Thẻo hái hoa che đầu, trái đước rớt trúng là lủng đầu như chơi đó nghen!’’

Thẻo chỉ cười, tay quơ con dao bầu phạt bụi mở đường, lòng lâng lâng một niềm vui không tên. Ra đến bãi, biển mênh mông trải rộng, mặt trời loé những ánh hồng đầu ngày. Những cụm mây vắt ngang mầu đen như bị đốt cháy xém, loãng ra, biến dần đi, không dấu vết. Sóng thảnh thơi vỗ yên bờ, những con chim biển bay trắng một góc trời, cánh phản chiếu nắng mai mang mầu những ngọn lửa non mới thắp.

Thẻo cởi áo máng vô cây, mình trần, quần xà lỏn. Tư kéo quần bện thành những vòng lên đến háng, túm tóc buộc ngược, áo sắn lên ngang bụng. Hai đứa lui cui khều những con cua rúc vào khe đá lôi ra. Giương những cái còng mở hoác ra để tự vệ, những con cua quắp vào cây gậy, nhất định không buông, bị nhấc lên rồi gạt vào nơm, vào giỏ. Lật ngửa một con, Tư ép ngón tay lên mang, xuýt xoa : " Chắc thịt, anh Thẻo à. Chắc là cua cái, gạch đầy mai! Tối về, nấu canh bỏ bông súng với trái giác, là hết sẩy! ’’. Thẻo cười. Nó không nói, nhưng ánh mắt như bảo với Tư, rằng thiên nhiên tiếp tục hào phóng và con người cứ an bình thế này, thì đúng thế, hết sẩy. Nhìn lên, trời xanh ngắt. Xa xa, bóng một con tầu. Dưới đây, một Tư da đen ròn, áo cũng đen, quần cũng đen khiến phần da thịt xưa nay không nắng gió nên ngồn ngộn trắng muốt. Tư thấy Thẻo nhìn mình chằm chặp, quay đầu đi, lại lúi húi khều những con cua. Tự nhiên, Tư liếc nhìn Thẻo sượng sùng, tay kéo vạt áo xắn ngang bụng xuống.

Nắng bắt đầu chói chan phà vào mặt đất cái nóng khô khốc của một cái chảo gang đặt trên lửa. Thẻo xoè tay sấp nước lên mặt. Nó thấy Tư cười, khóe mép lung linh những giọt mồ hôi ứa ra li ti. Môi hơi cong lên như khoe hàm răng trắng, Tư chỉ đám nơm, giỏ trên cát, kêu:

"… Sắp đầy hết rồi. Nghỉ một lát nghe, anh Thẻo. Nóng quá chừng!’’

Thẻo lại cười. Nhìn con sóng biển đang đổ vào bờ, Thẻo rủ:

"Bơi một vòng, Tư. Nước mát lắm…’’

Không đợi Tư đáp, Thẻo lao mình chạy xuống bãi, đạp trên cát những vết chân hằn lõm xuống, mạnh mẽ, quả quyết. Tư bật cười, tiếng cười như tiếng chim. Tư chạy theo, mái tóc túm lại nay bỗng xổ ra, kéo thành một vệt dài đen tuyền ngược gió. Trầm mình vào giòng nước bảo bọc, Tư choáng ngợp trong cái chi đó mơ hồ nhưng thiệt thân thương nó cảm nhận nhưng không biết là gì. Vùng vẫy, Thẻo sải tay bơi vòng vòng quanh Tư như con cá lia thia vờn mồi. Xa bờ, nước mặn quánh đẩy thân thể nhẹ tưng, vô ý hớp phải mặn đến đắng ngắt. Nhìn vào, rừng mắm đã thẫm sắc xanh, che những cồn đất mới bồi như mẹ chắn gió cho con một ngày giông bão. Thẻo buột miệng hét " Hết sẩy, Tư ơi hết sẩy!’’. Tư cũng hét:’’ Cái chi mà hết sẩy?’’. Thẻo không biết trả lời ra sao. Ngôn ngữ của nó không đủ để nói cái điều hết sẩy nó thấy tràn ngập cuộc sống này, buổi sáng hôm nay, khi cua lên bãi và Tư ở đó, giữa những đợt sóng trắng tinh hiền hòa như giải lụa quàng vai thiếu nữ.

Hai đứa lên bờ. Thẻo thình lình chúi người ngã, chân trượt trên bùn, tay đập xuống nơi lổn nhổn đá. Tư với theo nhưng không kịp. Nhìn cánh tay Thẻo sây xát, Tư múc nước biển rửa vết thương rỉ máu cho Thẻo, miệng thì thào như an ủi trẻ thơ, không có sao đâu, không có sao đâu. Lấy áo Thẻo máng trên cây, Tư lau mặt, lau lưng, lau ngực cho Thẻo. Nhìn vết thương vẫn cứ rỉ máu, Tư nâng tay Thẻo lên, nói để cầm máu. Đặt miệng vào, Tư nhẹ nhàng liếm, hệt như mèo mẹ liếm lông mèo con. Thẻo lặng người, thầm nhủ, hết sẩy. Nó nhìn vào ngực Tư phập phồng dưới chiếc áo ướt bám sát vào da thịt. Cái gì đó, thúc đẩy. Nó nhẹ nhàng cởi áo Tư, nhắm mắt, áp mặt vào, cảm thấy bầu vú ấm lên, căng cứng. Tư rên nho nhỏ, giọng đứt quãng: "… Đừng, anh! Ôm bầu thì chết! ’’, tay đẩy đầu Thẻo ra. Thẻo vùng lên, nhổm dậy.

Chưa bao giờ Thẻo sợ đến vậy.

&

(…)

Thẻo bước theo Tư. Đến bờ kinh, Tư ngồi, mắt mọng đỏ, sưng vù. Thẻo lúng túng, không biết nói gì. Thình lình, Tư hò, tiếng mong manh tựa chút ánh sáng đang thở hắt trên đầu những cành đước chỉa ngang:

Ầu ơ ớ ơ…

Sóng đưa , sóng đưa (mà) hoa súng trôi xuôi

Sóng đưa xa lắc …mặc tui giữa dòng…

Ầu ơ ớ ơ…

Ầu ơ, ví dầu…

Cầu tre vắt vẻo chênh vênh

Vì ai nên cứ dấn mình bước qua

Ầu ơ ờ ơ

Sông sâu nước cuộn trôi xa

Dập dềnh là những kiếp hoa trái mùa…

Đêm lặng lẽ rơi xuống mảnh đất tang tóc đau thương. Thẻo biết, ở mức cuối của mọi chịu đựng, Tư chỉ còn tiếng hò của chính mình để vực dậy mà tiếp tục sống. Thẻo hiểu, đó là món quà độc nhất Tư có thể cho những người xung quanh trong những giây phút phải bám víu vào chút ý nghĩa của cuộc đời. Thẻo nhớ buổi đi bắt cua trên Bãi Bùng. Nó nhắm mắt, có cảm giác mặt mình vẫn còn áp vào da thịt Tư. Nó nhớ nó vùng dậy, xách giỏ, xách nơm cắm cúi đi trước, không dám nhìn lại Tư im lặng theo sau. Về đến nhà, Thẻo không nói không rằng, đi thẳng một mạch lên chùa tìm Sư. Hỏi Sư như dzậy có ôm bầu được không, Sư hỏi lại, như dzậy là làm sao. Khi nghe Thẻo kể xong, Sư bật cười. Cố nghiêm nghị, Sư trầm giọng:

" Dzậy thì chỉ sắp, chứ chưa ôm bầu. Lần sau, xa nó ra, chứ cứ như dzậy hoài thì rồi sẽ có ngày ôm bầu đó !’’

Tối về, Thẻo bảo với Tư, giọng ngượng ngùng:

" Chưa ôm bầu được đâu !’’

Trong đầu, Thẻo muốn thêm: " ... Rồi anh sẽ thưa với dì xin cưới hỏi em đàng hoàng. Lúc đó, ôm bầu là hết sẩy!’’, nhưng miệng khựng lại.

Cho tới nay, nó vẫn chưa nói gì. Đàn vịt chết hết, tương lai trụ vô đâu? Thẻo nhớ đến những vuông tôm, đến lời hứa hẹn dành ưu tiên cho những người như Thẻo đang xung phong làm việc không công cải thiện nền kinh tế. Tiếng hò đã tắt lịm, dăm cái bóng vạc lênh khênh trên ruộng xa biến mất, và gió ở đâu thốc cái lạnh chập chờ bốc lên từ những con kinh nước nhấp nhỉnh tràn bờ. Bỗng dưng, Thẻo chạnh lòng. Để tay lên vai Tư, nó nói, quả quyết:

" Tư à, đợi ít ngày nữa, khi được nuôi tôm, anh sẽ thưa với dì cho phép tụi mình lấy nhau…’’

Đặt tay lên tay Thẻo, Tư ròng ròng nước mắt… 

Nam Dao
(Canada)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Chín 20184:59 CH(Xem: 21717)
Rất khó kiểm chứng câu thơ đầu “Bàn tay ta làm nên tất cả”, nếu không có câu kế “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Chúng ta nên đọc lời ai điếu cho hai chữ “tất cả”. Đáng lẽ câu thơ đầu, với hai chữ này đã trở thành lời thách đố mênh mang bất định cho nhân loại sau hậu, nếu không có câu thơ sau. Tiếc! Đây là hai câu thơ không nên vợ nên chồng nhất trong các cặp đôi thơ hay.
23 Tháng Năm 20182:28 SA(Xem: 20528)
Mấy người đàn ông nhậu từ chiều đã bắt đầu hơi sỉn.Vân nhận ra điều đó vì giọng nói của họ trầm hẳn xuống, nhiều lúc đớ ra, ngập ngừng như mấy cậu con trai tán gái chưa có kinh nghiệm định mở miệng hùng hổ sẽ nói hết nhưng rồi lại nín thinh, chỉ còn lại nụ cuời nửa khờ khạo, nửa như liều lĩnh, ngượng nghịu, rồi cầm ly lên, làm một hớp nhỏ, rồi đặt ly xuống, quay cái ly vòng vòng, ngắm nghía đã đời rồi lại cuời mỉm chi, ngửng lên tiếp câu nói đang bỏ dở .
04 Tháng Tư 20161:56 CH(Xem: 27092)
Từ khi đưa Ngọc Hân công chúa về Phú Xuân, mặc dù rất mực yêu thương người vợ tài sắc vẹn toàn này, Nguyễn Huệ vẫn phải coi Bùi Thị Lan là chánh thất theo chỉ dụ của vua Thái Đức từ trước. Khi Bùi Đắc Tuyên đưa được mẹ con Bùi Thị Lan, Phạm Thị Liên và gia đình các tướng lãnh trốn thoát khỏi thành Hoàng Đế về Phú Xuân, Nguyễn Huệ đã để mẹ con Bùi Thị Lan ở trong thành Phú Xuân và cho sửa sang phủ Dương Xuân bên bờ nam sông Hương...
22 Tháng Ba 20154:25 SA(Xem: 31095)
Mặc kệ dân chúng nghèo đói, chính quyền phủ Quy Nhơn vẫn cho xúc tiến việc cải tiến, phát triển bến cảng Quy Nhơn thành một thương cảng lớn. Công trình bắt đầu khởi công vào đầu tháng tám thì tháng chín năm đó, một cơn bão lớn đã tràn qua các khu vực duyên hải từ Thuận Thành ra tận Quảng Nam. Bão to, mưa lớn rồi lũ lụt tràn xuống.
30 Tháng Mười Một 20144:10 CH(Xem: 34181)
LTS: Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu trở lại với bạn đọc bằng tác phẩm “Hầm Mộ” sau một thời gian khá lâu từ tập truyện “Bóng Đè” được xuất bản tại Việt Nam. Chúng tôi hân hạnh được gởi đến quí bạn đọc và văn hữu trích đoạn tác phẩm “Hầm Mộ” của Đỗ Hoàng Diệu. Tạp Chí Hợp Lưu
18 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 32055)
Đ ồng hồ cũng dừng lại đối với những người phải bỏ nước ra đi, sau khi ông Trần Mai Hạnh và bạn bè của ông vào Sài Gòn. Họ ra đi từng đợt: đợt di tản, đợt thuyền nhân, đợt đoàn tụ gia đình, đợt H.Ọ Mỗi đợt ra đi mang theo một loại quê hương, và trong hoài niệm, không ai muốn thay đổi hình ảnh thân yêu ấy. Bạn bè, nhà cửa, phố xá, tên đường tên đất, cả đến ngôn ngữ trao đổi thường ngày...giống như một cuốn phim đột ngột bị đứt, ngưng lại, thành tĩnh vật.
17 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 13306)
Giữa lúc biến cố Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988 đang gây xúc động sâu xa cho mọi con tim Việt Nam, Cao bắt liên lạc với Kham để hẹn gặp ở Berkerley trong buổi hội thảo "Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa".
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91121)
T răng non mới chớm lưỡi liềm, nhưng sao tôi nhức nhối lạ thường. Nhức từ bên trong, và cảm thấy cô đơn như chưa từng. Nấm mộ nhà thơ nhô lên, dưới ba thước đất là một nắm xương khô. Nhưng trên mặt đất này, thơ ông vẫn toả sáng những dòng đối chọi lại bệnh tật tàn khốc của ông bằng những niềm hạnh phúc hầu như không tưởng. Nhìn ra xa, biển tít tắp lấp lánh như dát gương. Dăm cánh buồm trắng những con thuyền câu về muộn nhấp nhô ẩn hiện.
26 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 78834)
H ải quân Hoàng gia Nhật dạy cho tôi một nghề nghiệp duy nhất: Phi công khu trục. Hủy diệt những kẻ thù của tổ quốc, bay và bắn. Tôi đã sống như vậy suốt 5 năm, trên những vùng trời Trung Hoa và Thái Bình dương. Tôi không biết đến đời sống nào khác ngoài đời sống của người lính.
23 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 82603)
T in tức về chỗ tàu sẽ vào bốc tưởng rằng rất kín đáo, rất bí mật, chỉ riêng Thủy Quân Lục Chiến biết, hóa ra đã có quá nhiều người biết. Chuyến tàu dành riêng cho tiểu đoàn 4, nhưng khi chúng tôi đến nơi, số người đã đứng đợi sẵn cũng có đến cả vài ngàn, xấp xỉ với số người đang chạy ngược chạy xuôi theo chiếc tàu.