- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Chữ

26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 28597)

songthao_hl110_0_300x114_1Chữ là thứ những người viết chúng tôi vầy vò hàng ngày. Nhà văn Hồ Đình Nghiêm dùng chữ "vọc". Viết văn, làm thơ là công việc "vọc chữ"! Nghe ra như trò chơi của con trẻ. Ngẫm ra thì đúng là một trò chơi. Ngẫm vào thì trò chơi này quả là mệt. Những con chữ như những con lươn. Chúng trườn, lách, quẫy, lủi bằng cái thân hình nhơn nhớt trơn tuột. Nắm được chúng mệt bở hơi tai. Chắc vì vậy nên chẳng có mấy nhà văn nhà thơ có được một bộ vó đầy đặn!

Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc còn làm tới hơn. Ông mổ những con chữ để vạch bụng chúng ra xem trong bụng chúng có những gì mà rắc rối như vậy. Chẳng hạn như một chữ thông thường chúng ta gặp hàng ngày là chữ "vợ chồng". Chúng ta nói và nghe, người nói và người nghe ai cũng hiểu vợ chồng là cái chi chi. Như vậy chữ "vợ chồng" đã làm tròn nhiệm vụ của nó là biểu thị một ý niệm mà khi nói lên ai cũng hiểu. Dễ tính như chúng ta thì như vậy là đóng hồ sơ! Chẳng có gì phải bàn. Nhưng rắc rối như ông Nguyễn Hưng Quốc thì phải dò cho tới ngọn nguồn rạch sông. Do đâu mà việc hai người kết hợp với nhau trong hôn nhân lại được chỉ thị là "vợ" và "chồng". Theo Giáo sư Nguyễn Văn Trung thì "chồng" là chồng lên trên. Còn "chữ vợ phải chăng là vơ, vớ, đọc trại đi, theo giọng nặng; nếu thế, chữ vợ chỉ thị việc quơ lấy quàng lên, vơ vào, phù hợp với việc chồng lên trong hành động luyến ái?" Nghe ra cũng có lý. Nhưng ông Quốc vẫn còn ngờ vực. Ông đi tìm thêm. Ông đọc cuốn "Phương Ngữ Bình Trị Thiên" của Võ Xuân Trang mới biết là ở Bình Trị Thiên người ta thường nói trại âm "v" ra âm "b". Thí dụ như "vú" biến thành "bụ", "vá" áo biến thành "bá" áo, "vả" vào miệng biến thành "bả" vào miệng. Như vậy có sự hoán chuyển trong âm "v" và "b". Sự hoán chuyển này xảy ra rất thường trong những từ Hán Việt như "bái" chữ Hán sang "vái" chữ Việt, chữ "bích" sang "vách", chữ "bút" sang "viết" chẳng hạn. Ông Quốc lại đọc trong cuốn "Giáo Trình Lịch Sử Ngữ Âm Tiếng Việt" của Nguyễn Tài Cẩn để biết là sự hoán chuyễn "b / v" kéo dài khá lâu cho tới tận bây giờ vẫn còn có những từ tồn tại song song với nhau như "băm" và "vằm" thịt, "be" và "ve" rượu, "bíu" và "víu", "béo" và "véo" (đùi non?)! Và ông Nguyễn Hưng Quốc kết lại: " ‘Vợ chồng’ như thế thực chất là "bợ chồng". "Bợ": từ dưới nâng lên; "chồng": từ trên úp xuống. Danh từ "bợ chồng" diễn tả tư thế thân mật giữa hai người nam nữ khi ăn ở với nhau. Cách gọi tên khá thật thà như thế kể cũng thú vị đấy chứ?". Thú vị quá đi chứ. Tôi khoái chữ "bợ" này. Nó chỉ thị sự hưởng ứng tích cực của người…bợ!

Ông Nguyễn Hưng Quốc còn viết nhiều bài rất thú vị trên blog của ông nằm trong website của đài VOA để chẻ chữ ra. Như bụng, cọp và chó. Nhưng nếu cứ mải miết đi theo ông Giáo sư tài hoa này thì đến tết Congo cũng chưa hết chuyện. Nhưng bỏ thì tiếc nên theo ông một bước nữa thôi, bước…đút vào, rút ra! Chúng ta theo ông: "Mới đây, đọc báo, không hiểu tại sao, tình cờ tôi lại chú ý đến chữ "đút" trong một câu văn không có gì đặc biệt: "Chị ấy đút vội lá thư vào túi quần..." Từ chữ "đút" ấy, tôi chợt liên tưởng đến chữ "rút": cả hai từ làm thành một cặp phản nghĩa: đút (vào) / rút (ra).Điều làm tôi ngạc nhiên là cả hai từ đều có phần vần giống nhau: "-ÚT". Chúng chỉ khác nhau ở phụ âm đầu mà thôi: một chữ bắt đầu bằng phụ âm "đ-" (đút) và một chữ bằng phụ âm "r- " (rút). Hơn nữa, cả từ "đút" lẫn từ "rút", tuy phản nghĩa, nhưng lại có một điểm giống nhau: cả hai đều ám chỉ sự di chuyển từ không gian này sang không gian khác. "Đút" cái gì vào túi hay "rút" cái gì từ túi ra cũng đều là sự chuyển động từ không gian trong túi đến không gian ngoài túi hoặc ngược lại. Tôi nghĩ ngay đến những động từ có vần "-ÚT" khác trong tiếng Việt và thấy có khá nhiều từ cũng có nghĩa tương tự. "Hút" là động tác đưa nước hoặc không khí vào miệng. "Mút" cũng là động tác đưa cái gì vào miệng, nhưng khác "hút" ở chỗ vật thể được "mút" thường là cái gì đặc. "Trút" là đổ cái gì xuống. "Vút" là bay từ dưới lên trên. "Cút" là đi từ nơi này đến nơi khác do bị xua đuổi. "Nút" hay "gút" là cái gì chặn lại, phân làm hai không gian khác nhau. "Sút" là tuột, là suy, là giảm so với một điểm chuẩn nào đó.Thay dấu sắc (ÚT) bằng dấu nặng (ỤT), ý nghĩa chung ở trên vẫn không thay đổi. "Trụt" hay "tụt" là di chuyển từ trên xuống dưới. "Vụt" là di chuyển thật nhanh, thường là theo chiều ngang. "Lụt" là nước dâng lên quá một giới hạn không gian nào đó. "Cụt" là bị cắt ngang, không cho phát triển trong không gian. "Đụt" (mưa) là núp ở một không gian nào đó, nhỏ hơn, để tránh mưa ngoài trời".

Đút và rút, chúng ta làm rất thường và rất…vô tư! Nay vừa làm vừa phân tích coi bộ lấn cấn dữ. Nhưng phải công nhận là ông Nguyễn Hưng Quốc có cái nhìn rất tinh tế đánh thức chữ nghĩa dậy. Nhưng cũng rắc rối hơn! Chơi với chữ hàng ngày như chúng tôi tưởng nhẹ nhàng nay có phần vất vả. Ông Quốc bồi thêm: "Nếu chịu khó quan sát, chúng ta sẽ phát hiện trong những chữ quen thuộc chúng ta thường sử dụng hàng ngày ẩn giấu những quy luật bí ẩn lạ lùng. Tính chất bí ẩn ấy có thể nói là vô cùng vô tận, dẫu tìm kiếm cả đời cũng không hết được. Điều này khiến cho không ai có thể an tâm là mình am tường tiếng Việt. Ngay cả những nhà văn hay nhà thơ thuộc loại lừng lẫy nhất vẫn luôn luôn có cảm tưởng ngôn ngữ là một cái gì lạ lùng vô hạn".

Nhà văn hài hước nổi tiếng người Đức Moritj Saphir là người nắm đầu được con chữ. Chữ đối với ông chắc chẳng có gì lạ lùng. Ông dùng chúng một cách…đanh đá. Một lần kia ông cãi vã với một nhà thơ vốn không thích chi ông. Ông nhà thơ trịnh trọng nói: "Thưa ngài Saphir, ngài viết chỉ vì tiền, còn tôi viết vì danh dự." Nhà văn Saphir đớp lại liền: " Vâng, mỗi chúng ta viết chính vì cái mà chúng ta thiếu!"

Chữ từ miệng nhà văn mang tính gây hấn nhưng chính những con chữ không gây hấn như vậy. Chữ cũng như cục bột mặc bàn tay con người nhào nặn. Hiền lành hay dữ dằn đều do tay con người. Khổ một cái là con người có chữ hay không có chữ đều muốn…vọc chữ. Chữ viết cũng như chữ nói. Một sư ông tu trên núi, mỗi tháng một lần, sư cưỡi con ngựa cái xuống chợ mua thực phẩm. Trên núi cao ít cỏ nên con ngựa gầy nhom, xương khu lồi ra làm lộ hẳn bộ phận giống cái của con ngựa. Sư ông ngồi trên ngựa, vừa tới làng mạc thì bị dân làng bỉ thử: "Coi kìa, ông lão cưỡi con ngựa cái ốm nhom giơ cả khu ra!". Là người tu hành nhưng sư ông vẫn tức khí. Khi tới chợ ông ghé vào tiệm bán giấy viết mua một xấp giấy súc, ghé hàng bún mua một gói bún. Ông trở ra, trét bún vào khu ngựa rồi vỗ giấy dán kín lên. Dân làng thấy lạ, bu lại coi, có người hỏi xách mé: "Này lão hòa thượng, ông làm cái quái chi vậy?" Ông sư chẳng buồn ngước mắt lên, nhỏ nhẹ trả lời: "Có gì lạ đâu mà hỏi. Tôi chỉ che miệng thế gian ấy mà!"

Chữ nghĩa như vậy kể là sắc. Chữ nghĩa của ông bố vợ dưới đây thật đáng…đấm. Mùng một tết, anh con rể, vốn làm trong hãng rượu, mang chai rượu quý tới biếu bố vợ. Anh cung kính nói: "Thưa ba, con mang chai rượu quý nhất trong hãng tới chúc tuổi ba để ba dùng trong những ngày xuân". Ông bố vợ nhìn chai rượu, cắc cớ hỏi lại: " Thế sau những ngày xuân thì tôi không được dùng rượu nữa à?" Không hiểu do đâu mà có câu "bố vợ phải đấm" chứ ông bố vợ này xứng đáng với món quà thượng cẳng tay là cái chắc!

Chữ có bên tối bên sáng. Bên sáng thì nói sao hiểu vậy, bên tối thì nói thẳng nhưng hiểu thì quanh co. Cái "miệng thế gian" của nhà sư xuống núi là một thứ chữ thuộc bên tối. Nói vậy mà không phải vậy. Chữ nghĩa như vậy là thứ lăng ba vi bộ. Nói bên này hiểu bên kia. Bến phà Cần Thơ nay đã bị khai tử khi chiếc cầu mới được khánh thành. Ngày còn phà, những cô bé bán hàng rong chạy đôn chạy đáo, vừa chạy vừa rao hàng. Cô bé bán ví bóp kháu khỉnh ngây thơ rao vang: "Bóp đi, bóp đi! Bóp trên 5 ngàn, bóp dưới 7 ngàn, bóp bên trái bóp bên phải cùng giá! Bóp da 7 ngàn, bóp lông 13 ngàn, bóp ngoài 3 ngàn, bóp trong 8 ngàn! Bóp đi, bóp đi! Mại dzô, mại dzô! Bóp em rẻ nhất rồi! Bóp đi, bóp đi". Chữ nghĩa của em bé nhẩy cẫng, tiếng rao là danh từ nhưng mọi người cười tủm tỉm. Trong đầu chữ đã hoán chuyển từ danh từ ra động từ. Bóp đi, bóp đi!

Viết là trải chữ trên giấy. Chữ nọ tiếp nối chữ kia. Nếu cứ trải liền tù tì thì chữ sẽ rối mù lên. Bởi vậy nên, trong cách viết, ngoài những con chữ còn có những thứ mà ta gọi là dấu để phân biệt ra câu ra đoạn. Thiếu chúng là chữ trở nên loạng quạng, nghĩa chữ sẽ vặn vẹo ra một hướng khác. Trong một nhà hàng ăn lớn và đắt khách, chủ nhân phải phân công cho các người làm bếp và phụ bếp rõ ràng hầu cho công việc chạy nhanh. Bản phân công trong bếp được viết rất chi tiết. Chỉ thiếu dấu. Người ta đọc được như sau: "Cô Lan cắt tiết anh Hùng nhổ lông cô Ngọc luộc trứng anh Sơn mổ bụng cô Đào lột da anh Hải rửa chim cô Lài bóp mềm cô Thắm bằm nhừ cô Tuyết xào giòn".

Ông chủ nhà hàng chữ nghĩa như vậy thì ông chủ garage sửa xe cũng chữ nghĩa không kém. Lại còn hơn đứt ở chỗ có dấu phân chia câu cú đàng hoàng. Ông chủ nhận xe của khách quen rồi ghi công việc phải làm trên bảng để công nhân cứ theo đó mà sửa. Nhìn lên tấm bảng, thấy như sau: " Thêm nhớt cho cô Liên. Hai lít / Bugi ông Hoàng yếu. Cạo / Bác Anh yếu điện. Sạc / Bà Thắm tuột dây ăm-bray-da. Thay / Rửa cô Hà".

Nếu đọc những hàng chữ trên mà bạn cười thì rõ ràng bạn đã không hiểu chữ nghĩa theo bên phải mà bẻ quẹo qua bên trái. Lỗi không tại chữ mà tại cái đầu bạn. Nhưng nếu cái đầu bạn cứ theo sát bên phải thì chán chết. Bạn biết đọc nhưng không thấu hết cái tinh quái của chữ.

Chữ là một thứ tinh quái. Có chữ…chính qui cũng như có chữ đi bên lề. Đó là trường hợp những chữ lóng. Chữ lóng là thứ chữ bạn bè với không gian và thời gian chúng được sản sinh. Thời nào có chữ đó. Như chữ "cảnh sát". Thời tây thuộc địa, cảnh sát luôn có cái dùi cui cài bên lưng, tiếng Pháp kêu là cái matraque. Cảnh sát dính liền với cái matraque nên ông cảnh sát biến thành "mã tà". Thời trước 75, sinh viên biểu tình liên miên khiến cảnh sát phải ra tay dẹp. Hình ảnh người cảnh sát đi đôi với sự hung hăng. Không khá! Bèn có sự…tâm lý chiến. Thành phố Sài Gòn bỗng nở rộ những tấm bích chương: "Cảnh sát là bạn dân". Anh bạn này khó thân quá nên tương kế tựu kế, để chỉ một ông mã tà, người ta mai mỉa dùng chữ "bạn dân"! Tới thời sau 75 thì mấy ông bạn dân này mất điểm nặng. Chuyên chặn xe đòi hối lộ, nhũng nhiễu dân và nhất là đuổi hàng rong. Cảnh sát thời này mặc quần áo vàng nên các anh chị em lao động bán hàng rong đã gọi mấy ông "bạn dân" này là "bò vàng". Nghe mà nhớ lại câu hát: một đàn bò vào thành phố!

Cuộc đổi đời tháng tư 75 kéo theo một loạt những chữ thấm thía. Để chỉ hành động của các cán bộ ngoài Bắc vào nhận họ hàng với những người trong Nam rồi xin đồ mang về, người ta có cụm từ: "người Nam nhận họ người Bắc nhận hàng". Chữ "họ hàng" được cắt ra một cách thâm thúy.

Có những từ mới do người Bắc mang vào. Người ta hay nhắc tới chữ KAMA do nhà văn Nguyễn Tuân mang vào Nam. KAMA không phài là tiếng ngoại quốc mà là chữ được ghép từ bốn chữ đầu của câu "không ai mời ai". Nghĩa là rủ đi ăn nhưng tiền ai nấy trả, hồn ai nấy giữ, cái mà dân chơi ngày xưa gọi là chơi theo lối Mỹ.

Dân Việt trong nước ngày nay rất sính nói tiếng Mỹ, thứ tiếng Mỹ rất sáng tạo. Có một chữ lóng trong nước tôi nghe được rất thường trong những lần về Việt Nam: chảnh! Lúc đầu nghe chẳng hiểu chi cả, được giải thích mới biết đó là chữ lóng có nghĩa là "kênh kiệu". Con nhỏ đó chảnh lắm! Với phong trào sính tiếng Mỹ cộng thêm với một chút óc…đố vui để học, chữ "chảnh" được Anh hóa thành "lemon question". Bạn có nhận ra chữ chảnh không? Đó là "chanh hỏi" thành ra chảnh!

Chữ nghĩa lang bang như vậy thật hết ý! Nhớ những ngảy mới ở tù gọi là cải tạo về, tôi cũng lang bang trong thành phố cũ của mình, không việc làm, không tiền bạc, không tương lai nhưng cái dạ dày của cả nhà vẫn đòi hỏi được lấp đầy mỗi ngày. Để lấy ngắn nuôi dài, chúng tôi chỉ còn có một việc làm: chà đồ nhôm! Đồ nhôm đâu mà chà. Đó là tiếng lóng của chữ "chôm đồ nhà". Gọi là chôm cho thêm phần bi thảm chứ thực ra mỗi ngày nhìn khắp quanh nhà xem có thứ gì bán được để mua…bo bo thì mang ra chợ trời phát mãi!

Chà đồ nhôm, chôm đồ nhà, thứ tiếng lóng này thực ra là tiếng nói lái. Hình thức chữ nghĩa vặn vẹo này đã có từ lâu. Chuyện nói lái nổi đình nổi đám nhất là chuyện bức hoành phi tặng Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm hồi tây lận. Chắc nhiều bạn đã biết chuyện này nhưng cứ kể lại cho chắc ăn. Nhân một ngày mừng chi đó của Thủ Tướng Tâm, một cụ đồ tặng Thủ Tướng một bức hoành phi trên đó có ghi bốn chữ Hán: Đại Điểm Quần Thần. Ông Thủ Tướng dân tây thích lắm, mang treo ở phòng khách. Sau có một vị thâm nho diễn nôm một cách vòng vo nhưng rất thâm thúy ý đồ của nhà nho tác giả bốn chữ hoành phi này. Dịch ra từng chữ: Đại là "to", Điểm là "chấm", Quần là "bầy", Thần là "tôi". "Chấm to" nói lái thành "chó Tâm", "bầy tôi" lái thành "bồi tây". Bức hoành phi là một câu mát mẻ: Chó Tâm bồi tây!

Đèo Ngang là cái đèo nằm ngang phè phè được Bà Huyện Thanh Quan bê vào văn học đâm ra nổi tiếng. Một anh cán bộ vượt đèo trên đường từ Bắc vào Nam chẳng thấy tiều cũng chẳng thấy rợ chi mà chỉ thấy vất vả. Bèn vặc: "Nước ta có cái đèo nằm ngang này nên làm ăn không khấm khá được! Đèo chó gì lại tên là Đèo Ngang! Vậy thì cả nước Đang Nghèo là phải. Chúng ta cần kiến nghị trên đổi tên coi có khấm khá hơn không?". Mọi người bàn cãi om sòm, một anh đề nghị: "Ta đổi quách thành Đèo Nghếch đi". Trước những bộ mặt ngơ ngác, anh giải thích: "Đèo Nghếch là Đếch Nghèo, thế thì nghèo thế đíu nào được!". Vậy là đổi tên. Cán bộ hết nghèo thiệt! Dân có còn nghèo hay không, đếch cần biết. Có tiền có bạc, ăn uống sung sướng, no cơm ấm cật dậm dật cả bầy. Vậy là bùng nổ dân số. Làm sao để kế hoạch? Lại phài tính tới chuyện đổi lại tên đèo. Anh cán bộ có sáng kiến đổi tên lần trước lại được hỏi ý kiến. Anh nhẩn nha: "Đổi quách là Đèo Đứng coi có khá hơn không?" Anh này lại chơi trò nói lái. Đèo Đứng! Không…trồng người thì làm sao ra baby được!

Bắc , Trung, Nam, qua ba miền đất nước chữ nghĩa cũng biến dạng. Biến tới mức xa lạ với nhau. Kể từ cuộc di cư từ Bắc vào miền Trung và Nam, con người Việt Nam cùng chung nòi giống nay mới có nhiều dịp chung chạ. Chữ nghĩa tuy khác biệt nhưng lòng người không khác biệt. Em gái Bắc Ninh, anh trai Biên Hòa, em xứ Thanh Nghệ, anh nhà Cà Mau cứ loạn xạ mần ăn với nhau. Khác mà vẫn hòa đồng. Chữ nghĩa không làm mặt lạ.

Lấy chồng răng gọi mụ o ?
Anh trai lấy vợ, mình thành mụ o
Mụ o hiền hậu khỏi lo
Mụ o nhiều chuyện là mụ o "dọn" mồm
Tối qua thì nói "khi hôm"
Hoàng hôn : "Chạng vạng", nghe run quá trời
Sớm mơi mang "chủi xuốt cươi"
Sài Gòn nghe thấy thì cười bò lăn

 

Đó là thơ Huế- Sàigòn của ông Cai Vĩnh. Đoạn thơ Sàigòn-Hà Nội sau đây không có tên tác giả tôi nhặt được trên net.

Nam thời mập mạp, Bắc cho là béo

Khi Nam khen béo, Bắc bảo là ngậy

Bắc quậy sướng phê, Nam rên đã quá!

Bắc khoái đi phà, Nam thường qua bắc

Bắc nhắc môi giới, Nam liền giới thiệu

Nam ít khi điệu, Bắc hay làm dáng

Tán mà không thật, Bắc bảo là điêu

Giỡn hớt hơi nhiều, Nam kêu là xạo

Bắc nạo bằng gươm, Nam thọt bằng kiếm

Nam mê phiếm, Bắc thích đùa.

Bắc vua bia bọt, Nam chúa la-de.

 

Chữ nghĩa khác biệt nhưng không đối nghịch. Sau nhiều năm sống bên nhau, tiếng Bắc, tiếng Trung, tiếng Nam hình như mất đi cái ranh giới địa lý mà chỉ còn thân cận nhau trong tình đồng hương. Tổ tiên làm chi có Trung Nam Bắc! Chữ nghĩa của tổ tiên mà chúng ta trìu mến gọi là tiếng mẹ đẻ đã theo chúng ta trong bước chân di tản. Chúng ta đã có cả một nền văn học bên ngoài chốn quê cha đất tổ. Và những người viết từng sống với chữ nghĩa sẽ chẳng bao giờ rời xa những con chữ.

 

Chữ nghĩa và tôi sẽ xuống mồ

Mai này cỏ mọc sắc xanh mơ

Ai đi ngang để cành hoa xuống

Là cũng cho đời một chút Thơ!

(Trần Vấn Lệ)

 

Song Thao
Canada 05/2010

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Tám 20153:27 SA(Xem: 31618)
Thời đó, và có thể còn đậm nét ở thế hệ của tôi (1940), văn nghệ, văn chương theo định nghĩa của Xuân Diệu là “run với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Mây gió trăng, sao, bầu trời xanh biền biệt vẫn là những đề tài muôn thưở của văn hoá, văn học. Thiên nhiên vẫn mãi là cái nền để thị hiện sự hiện hữu và tâm cảm của con người. Cái vở tuồng đời sống cần có mộït sân khấu để người ta yêu nhau, ghét nhau, ham muốn, thù hận, chiến tranh. Mặt trời lên, mang hơi ấm và sự bao bọc yên bình, đêm về với niềm đe doạ nhưng cũng đầy quyến rũ của một vũ trụ thăm thẳm “thiên la địa võng” vây bủa chung quanh.
04 Tháng Tám 20151:25 SA(Xem: 30963)
“ Tôi nhìn người đàn bà qua lớp gương mờ - tái nhợt như một cái xác chết di động. Gương mặt người đàn bà còn tinh tươm những trăn trở, héo úa. Cơn hoảng loạn còn in sâu vào đồng tử, nó trao tráo như mắt của một con cá đang mắc vào chiếc lao móc.”
01 Tháng Tám 20153:20 CH(Xem: 31286)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu. Đoàn Khuê định cư ở Canada, anh có một lối viết thật đặc biệt... Nói một cách khác là Đoàn Khuê viết "trúng tim đen" và thật hay. Chúng tôi hân hạnh mời quí bạn đọc và văn hữu cùng đi vào thế giới tạp bút của tác giả "Tạp bút, tìm tôi".
21 Tháng Bảy 20154:54 CH(Xem: 27809)
Căn phòng im như một góc quá khứ, dù Má chỉ mới rời nhà chưa quá một tuần. Mây ngồi lên chiếc giường đôi, chỗ Má vẫn nằm. Tấm chăn phủ giường xô lệch, chiếc xe đẩy tay của Má đứng xéo góc với tủ đựng quần áo, soi bóng cô đơn trong tấm gương.
07 Tháng Bảy 20152:08 SA(Xem: 27951)
“ Bản quyền cho những công trình trí tuệ đã tự động có hiệu lực ngay từ phút đầu khi được sáng tạo mà không cần phải được xác nhận hay công bố. Tác giả không cần phải đăng ký, hoặc xin biên lai bản quyền (copy right) ở những quốc gia sở tại .
17 Tháng Năm 20155:10 SA(Xem: 30792)
…Tôi bước lên những bậc thềm mịn rêu, bước chậm, sợ mình sẽ bị trượt ra sau, cái ngã ngửa chẳng khác nào cái rớt xuống trần gian đầy ngỡ ngàng của hai chàng Lưu Nguyễn. Tôi chưa muốn thế, tôi đang muốn sống cõi phi thực kia với từng rung động e dè chậm chậm, để nghe chạm vào cánh cổng đã hoen rỉ tháng năm, và dù nhẹ nhàng đến thế nào cũng sẽ ghê răng bởi tiếng rít của một cánh cửa lâu ngày không mở.
14 Tháng Năm 201510:01 CH(Xem: 29857)
Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Nguyễn Việt Thanh với lối viết nhẹ nhàng và sâu lắng sẽ đưa chúng ta trở về nông thôn Việt Nam bằng những “Ao làng”, “Nắm lá ngày Đoan ngọ”, và lối đánh bắt cá độc đáo của rất ít người và bây giờ cũng không còn ai sử dụng nữa đó là “Bơi dể”. Chúng tôi trân trọng gởi đến quí văn hữu và độc giả những tản văn của Nguyễn Việt Thanh.
14 Tháng Năm 20159:34 CH(Xem: 29892)
Trong số mười người chúng tôi bị bắt bởi chiến dịch khủng bố mùa thu tháng 9 năm 2008 thì Ông Nguyễn Kim Nhàn là người duy nhất hiện vẫn đang còn bị tù đày. Tôi thường gọi những người dân oan như ông, như chị Trần Ngọc Anh, chị Phạm Thị Lộc, vợ chồng chị Cấn Thị Thêu... là “dân oan hóa dân chủ” vì họ đã không chỉ dừng lại ở việc đòi quyền lợi chính đáng cho bản thân và gia đình mình, mà đã tham gia vào các công việc, các phong trào đấu tranh vì Nhân quyền, Tự do và Dân chủ.
07 Tháng Ba 20153:05 CH(Xem: 34180)
LTS: Trong những ngày đầu năm Ất Mùi 2015 Tạp Chí Hợp Lưu nhận được bài viết của tác giả Kim Long viết về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Kim Long là bút hiệu của một nhà nghiên cứu khoa học. Vì sự tế nhị cùng nhậy cảm, và để tránh những hiểu lầm không cần thiết, chúng tôi sẽ sẵn sàng đăng trên Hợp Lưu những phát biểu (nếu có) của những vị đã viết về Thanh Tâm Tuyền mà tác giả Kim Long có đề cập trong bài. Hợp Lưu trân trọng gởi đến quí bạn đọc và quí văn hữu bài “Viết nhân ngày giỗ thứ chin của nhà văn nhà thơ Thanh Tâm Tuyền”. TẠP CHÍ HỢP LƯU
26 Tháng Hai 20154:33 SA(Xem: 30785)
Nah có nghĩa là Không, và em bảo em đã đi hết vòng tròn của chữ không trong đạo phật rồi. Đối với tôi, em là một loài chim lạ, con chim tuyết trong bài hát Snowbird của ca nhạc sĩ xứ Quebec, Gene MacLellan.