- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nhân Nghĩ Về Khái Hưng

20 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 36652)

w_hopluu104_final3-100_0_148x300_1Khái Hưng đã chết như thế nào? Từ rất lâu, mỗi lần gặp lại tên Khái Hưng, tôi lại nghĩ đến điều đó và cùng lúc tôi vẫn muốn biết Khái Hưng, cùng Tự-lực văn-đoàn, cũng như tất cả những người ở thế hệ Khái Hưng đã làm cách mạng như thế nào, họ đã nghĩ gì, làm gì. Họ đã hoạt động trong giai đoạn kháng chiến giải phóng dân tộc ra sao?

Tại sao Cộng sản thủ tiêu Khái Hưng? tôi nhớ câu thơ ấy của Thanh Tâm Tuyền. Khái Hưng đã bị thủ tiêu, điều ấy đã chắc. Hồi còn nhỏ ở Hà-nội, đọc một tờ tuần báo vào khoảng năm 1950 gì đó tôi có được thấy trong một thiên hồi ký, không nhớ tên tác giả, không nhớ rõ tên thiên hồi ký, tôi chỉ nhớ thiên hồi ký mô tả lại những ngày tù tội của các chiến sĩ quốc gia bị V.M. bắt giam, trong thiên hồi ký có một đoạn tác giả cho biết đã gặp Khái Hưng trong một trại giam ở Việt Bắc, tác giả cho biết lúc đó Khái Hưng ốm yếu, bị đi kiết vì bị hành hạ và cuộc sống đầy ải của nhà tù, rồi Khái Hưng chết ở đây, những chiến sĩ quốc gia, những bạn của Khái Hưng đã đẵn tre làm phên quấn xác Khái Hưng thay quan tài và an táng trong một khu rừng ở Đại-từ, những điều này tôi nhớ mơ hồ lắm và cùng đó hình như tác giả còn nói ngày Khái Hưng chết là 17-11 năm 1947. Tôi không nhớ rõ, nhưng trí óc tôi còn mường tượng nên viết ra, nó không nhằm cung cấp chính xác một tài liệu, mà tôi chỉ muốn ghi lại những điều mà trong tâm tưởng tôi hai chữ Khái Hưng vẫn có lúc nhớ đến.

Trong thời gian làm tờ Văn Nghệ tại nhà in ở đường Cô Bắc tình cờ tôi được nghe truyện về Khái Hưng, người nói chuyện giới thiệu là một người cháu về đằng bà Khái Hưng, người này nói chính ông đã gặp Khái Hưng lần cuối vào ngay buổi chiều cán bộ V.M. bắt Khái Hưng dẫn đi, bọn cán bộ này là một thứ du kích tự vệ xã, Khái Hưng mặc quần áo thường, mang theo một chiếc chăn dạ màu cứt ngựa, người kể truyện gặp Khái Hưng ở đầu làng, Khái Hưng có nét mặt rầu rầu buồn bã mỉm cười và giơ tay chào. Sau đó, người nói chuyện bảo dù rất kín, mấy tên du kích đã lộ ra rằng họ bỏ Khái Hưng vào bao bố đâm chết rồi quăng xuống sông.

Không hiểu ngoài những điều mơ hồ, không có gì làm bằng chứng kia, còn có những điều nào khác được kể về cái chết của Khái Hưng? Có điều Khái Hưng đã chết. Khái Hưng đã chết thực và tác phẩm cuối cùng của Khái Hưng -theo như ghi chép- để lại cho chúng ta là tác phẩm Băn khoăn, trước khi Khái Hưng bước vào đoạn đường tranh đấu cách mạng cùng các bạn, cùng toàn dân để giải phóng dân tộc và Khái Hưng đã chết trong cuộc tranh đấu đó.

Nghĩ về cái chết của Khái Hưng, cùng lúc tôi nghĩ đến cái chết khác của các chiến sĩ quốc gia kéo theo sự thất bại của những người quốc gia trong lúc đối đầu với Cộng-sản, tôi muốn tìm hiểu và rút ra từ đó những nguyên nhân đưa đến hoàn cảnh lịch sử đương thời mà với chúng tôi buộc phải có trách nhiệm. Trở về khung cảnh, những hoạt động của sau năm 1901 khi Đông-Kinh Nghĩa-thục phải ngưng hoạt động, sau năm 1924 chiến khu Yên-thế của Hoàng Hoa Thám bị tan, sau năm 1930 Nguyễn Thái Học bị chết ở Yên-báy, Tự-lực văn-đoàn với Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thế Lữ, Thạch Lam, Tú Mỡ ... hoạt động trên mặt trận báo chí, văn chương không phải chỉ là để làm báo, làm văn chương, mà những công việc của nhóm đã chứng minh rõ, họ chỉ dùng văn chương báo chí để hoạt động cách mạng, hay nói khác đi, nhẹ hơn, đúng hơn dùng văn chương báo chí cho một vận động cải cách xã hội theo tinh thần Tây-phương. Những gì đã được viết ra trên báo Phong Hóa, báo Ngày Nay, cùng các tác phẩm đã minh chứng điều này. Sau bao nhiêu năm bế môn tỏa cảng, người Tây-học, người trí thức mới của thế hệ 1930 đã nhận thấy sức mạnh của Tây-phương, cụ thể là nền đô hộ của người Pháp, người trí thức mới nhận ra sự bại trận, nô lệ của mình: xã hội ta lạc hậu, tinh thần Nho-giáo suy đồi, hủ lậu, dân ta cực khổ thất học, với quá nhiều tệ đoan, mê tín. Họ thấy rõ muốn thoát cảnh lệ thuộc trước hết phải nâng cao dân trí, cải cách xã hội. Và họ đã làm. Các tác phẩm văn chương của Tự-lực văn-đoàn đã đóng một vai trò lớn trong công việc này: mô tả tranh chấp mới cũ, đề cao đời sống mới. Trên căn bản chấp nhận tinh thần tự do, dân quyền của những nhà tư tưởng đã làm thành cuộc cách mạng tư sản 1789 của Pháp. Lý thuyết gia chỉ đạo của Tự-lực văn-đoàn là Hoàng Đạo đã viết: Mười điều tâm niệm, Nhất Linh đã viết Đoạn tuyệt, Khái Hưng đã viết Nửa chừng xuân. Trên phương diện xã hội đã đưa ra phong trào Ánh Sáng. Sau cùng Tự-lực văn-đoàn thành đảng Hưng Việt hoạt động cách mạng, kéo liền theo đó, Khái Hưng chết. Nhất Linh bỏ ghế bộ trưởng chạy sang Tầu, Hoàng Đạo chết ở Tầu, Tú Mỡ, Thế Lữ ở lại với Cộng-sản, còn một mình Nhất Linh bơ vơ, lạc lõng ở Miền Nam đề cao văn chương vượt thời gian không gian, và với chính bản thân chọn cái chết chống lại chế độ Ngô Đình Diệm.

Suốt một lịch sử kéo dào ba mươi năm, trong đó liên tiếp 20 năm chiến tranh trên quê hương chúng ta, nếu đổ tội cho cái vận nước mình khốn khổ, khốn nạn thì không nói làm gì nữa, nhưng nói đến trách nhiệm của những ai tự nhận như một chiến sỹ quốc gia thì chúng ta phải nhận chúng ta đã thua, chúng ta phải chịu trách nhiệm nghiêm khắc với hiện tình, và từ đó phải nhận định: từ những vận động của thế hệ 1930, qua cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc đến nay, cuộc cách mạng phải có của chúng ta vẫn chưa chấm dứt, vì chúng ta vẫn chưa có một mẫu người mới, một xã hội mới được xây dựng trên một ý thức hệ Việt mới. Có phải tôi đã nói lông bông lang bang, vì tôi đang viết những gì về Khái Hưng không? Có thể phải mà cũng có thể không vì tôi đã nghĩ đến nó khi nhớ lại những điều Khái Hưng đã viết, và cái chết của Khái Hưng để lại cho tôi. Và vì tôi, chính tôi, đang có những vấn đề đặt ra: văn chương với xã hội, văn chương với cách mạng, sự liên hệ của người cầm bút với xã hội, quê hương và nhất nữa khi đặt mình là nhà văn tôi phải làm gì? Có văn chương nghệ thuật thuần túy không?

Trong số các tác phẩm của Khái Hưng, cuốn được ghi cuối cùng là Băn khoăn, cuốn sách hình như đã được viết ngay vào lúc đầu những hoạt động cách mạng của tác giả cùng với lúc Nhất Linh viết cuốn Bướm trắng. Tôi vẫn tự hỏi: tại sao giữa tác phẩm và đời sống tác giả lại không có một chút liên hệ nào như vậy. Tại sao Nhất Linh và Khái Hưng lại viết được hai tác phẩm thuần túy như thế vào giữa lúc họ bắt đầu hoạt động cách mạng. Có thực Băn khoănBướm trắng đã được viết lúc ấy hay đã viết từ trước mà mãi lúc đó mới in ra?

Hơn nữa Nhất Linh đã viết Đôi bạn, và tôi nhớ có đọc được một vài số báo nào đó Khái Hưng viết truyện Xiềng xích rõ ràng là những tác phẩm liên can mật thiết đến tư tưởng và đời sống tác giả trong xã hội đương thời ấy.

Có hai tác phẩm của Khái Hưng tôi lưu giữ mà với chủ quan tôi cho là quan trọng và giá trị là Tiêu-sơn tráng sĩBăn khoăn. Cuốn trên tôi thích có lẽ một phần vì nhân vật Phạm Thái, một nhân vật vừa là chiến sĩ, vừa là tu sĩ, vừa là nghệ sĩ mà Khái Hưng đã làm sống lại được, còn cuốn sau, tôi cho đó là một tiểu thuyết rất mới của thời đó, và cho đến bây giờ nữa về nội dung đã cho tôi một phần nào lý do sự thất bại của những trí thức mới trong giai đoạn lịch sử vừa qua.

Băn khoăn của Khái Hưng muốn nói là "băn khoăn" của ai? Của Cảnh chăng? Cậu sinh viên trường luật học giỏi đã hai mươi nhăm tuổi đang yên ổn học hành... nhưng sang năm thứ ba một hôm như chợt lởn vởn trong đầu chàng câu hỏi: "Học để làm gì, và đỗ để làm gì?" Rồi câu hỏi trở thành ám ảnh dòng dã hàng tháng, ám ảnh kỳ cho tới khi nẩy ra câu trả lời mới thôi. Câu trả lời ấy là: "Học để chẳng làm gì ráo. Đỗ cũng chẳng ích lợi gì cho chàng, cho tương lai của chàng." Rồi chàng lý luận ầm ỹ trong thâm tâm để tìm nguyên tắc, quan niệm, ý nghĩa của sự sống, của đời mình. Luận lý cho tới lúc đến một kết cục chán nản, đau đớn. sống không mục đích, đời là vô vị. Cảnh không học nữa, và mới bắt đầu một cuộc phiêu lưu, dấn mình vào cuộc sống chơi bời. "Muốn thì được" Cảnh thường nói. Mà khi người ta giàu như Cảnh thì người ta lại càng dễ được cái người ta muốn. Vì thế mà ngay đêm hôm ấy Cảnh đã trở nên tình nhân người yêu của bạn. Khi đã phạm tội, hai người ngỏ với nhau những ý riêng của mình rồi ôm nhau cười ngất.

Liên bảo Cảnh:

- Đối với bọn chúng ta chả còn cái gì chúng ta cho là thiêng liêng nữa.

Cảnh lạnh lùng:

- Rõ em khéo nói kiểu cách!... Và ở cái thời gian khoa học này, đến thần thánh cũng đã mất hết thiêng liêng đối với lòng tín ngưỡng thành kính của người đời, thì còn cái gì đáng gọi là thiêng liêng nữa. Họa chăng chỉ có cái tính xác thịt, cái thú vui hiện tại đáng gọi là thiêng liêng cho một cái gì". Rồi Cảnh yêu Lan Hương, rồi yêu Hảo, ăn chơi, đánh bạc, bán cả nhà của bố cho, sau chót bỏ đi, đi đâu, phải chăng đó là cái "băn khoăn" Khái Hưng muốn nói?

Hay cái "băn khoăn" đó là cái "băn khoăn" của ông Thanh Đức, xuất thân từ một gia đình buôn bán, cai thầu, kinh doanh, và ông đi theo con đường ấy, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền, đến mỏ, đến đồn điền, cho ngay tới khi đang đánh bạc với một người tình mà ông đã say đắm theo đuổi nghe nói đến cơ hội làm giàu cũng rũ áo đứng lên ngay. Hoằng, người đang ngồi cùng chiếu bạc đã phê phán: "Kim tiền! Trời ơi! Kim tiền! Kim tiền làm cho người ta quên hết ghét, yêu, thù, tức để chỉ nghĩ đến nó, chỉ nhớ đến nó, chỉ chạy theo một nó. Kim tiền vạn tuế! Sống mãi trong xã hội này, thì một ngày kia tôi điên thật." Chừng như với ông Thanh Đức tiền có thể mua được tất, mua người này một đêm, mua người kia một đêm, mua nhà, mua mỏ, mua nhân nghĩa danh vọng. Như vậy ông Thanh Đức "băn khoăn" cái gì, "băn khoăn" vì không lấy được Hảo chăng?

Hay cái "băn khoăn" đó là "băn khoăn" của Hảo, con gái độc nhất của bà án, giàu có, trẻ đẹp, 20 tuổi sống một cuộc đời nhung lụa với bên cạnh vô số bậc thượng lưu trí thức, vô số thanh niên tân học tán tỉnh, một người mà bố con Thanh Đức cùng yêu, cùng muốn chiếm đoạt mà cuối cùng lại lấy một người khác. Phải chăng "băn khoăn" bày tỏ tâm trạng lưỡng lự khi lực chọn trước vô số người trước mặt mình của Hảo?

Ba nhân vật Cảnh, ông Thanh Đức, cô Hảo là chính trong câu chuyện "băn khoăn" của Khái Hưng. Thời gian của tác phẩm ngắn ngủi, khởi đầu từ lúc có tin ông Thanh Đức muốn tục huyền cho tới khi cô Hảo, người con gái mà ông Thanh Đức theo đuổi, báo tin lấy ông huyện Tô thì chấm dứt.

Khung cảnh xã hội "một đời nhiễu loạn, vô gia đình giáo dục, vô gia đình luân lý", đưa thanh niên đến nhận định "sinh ra ở đời để mà sung sướng, để mà thỏa mãn, chớ không phải để khổ sở; để than phiền, hay để theo đuổi một mục đích viển vông nào." Khung cảnh của một xã hội thượng lưu với rượu, với cà-phê rum ngây ngất, với những canh bạc không nghĩ đến ăn thua; với một phút quyết định đã đủ phương tiện để rời Hà-nội đi Sầm-sơn tắm biển, rồi từ Sầm-sơn đi Hải-phòng coi chớp bóng, ngủ với gái, với sinh viên luật thấy chẳng cần phải thi đỗ, với bác sĩ có bịnh viện giao cho người phụ trông nom, với những cô gái mà tất cả các bạn đều là tình nhân chung chăn chung gối, chán người này đổi người khác, một xã hội mà ngay trong đó đã có người phán xét... "thấy đám thanh niên sống không mục đích, hay với mục đích độc nhất là sự chơi bời phóng lãng thì em ghê sợ... cho họ quá, và tiếc cho họ nữa... Những bực thanh niên trí thức như anh Đoan em mà chịu khó làm việc, làm việc với lòng tín ngưỡng thì... hay biết bao, có ích cho đồng bào biết bao?".

Những nhà luân lý đã từng nói đến những truyện của Sagan thời hậu chiến vô luân, mà có ai nhớ đến rằng, chính đời sống vô luân, cảnh chồng chung vợ chạ, cảnh đề cao thú vui xác thịt đã có trong tác phẩm Khái Hưng từ thời tiền chiến ở Việt Nam.

Trình bày câu chuyện Băn khoăn của Khái Hưng tới đây, tôi ngưng lại để trở về nhận định tôi đã đưa ra: vì sao người trí thức Tây-học đã thất bại trong giai đoạn vừa qua khi lãnh đạo tranh đấu.

Lớp trí thức mới sinh ra sai khi tinh thần Văn-Thân khởi nghĩa đã hết, sau khi lớp trí thức Nho học đã tàn, và người Pháp đã mang văn hóa Tây-phương vào đào tạo một lớp người mới. Từ tình thế lụn bại của tinh thần quốc gia đó, người trí thức Tây-học chạy theo ngay, hạ bệ cái cũ một cách tàn tệ, kịch liệt, và cái mới chói lòa trước mắt làm họ không nhìn thấy gì nữa. Họ du nhập đơn phương, không lựa lọc, không nhìn chính vào mình. Họ lên án nhà Nho câu nệ khuôn bó theo Khổng-học, thì chính họ lại bước theo con đường đó để đến với Tây-học, và tạo ra một lớp trí thức mất gốc, rơi vào cái thực trạng mà cuốn Băn khoăn của Khái Hưng đã phản ảnh. Với lớp người như thế, với tư tưởng như thế, họ làm sao không thất bại, phải chăng, đó chính là điều "băn khoăn" của Khái Hưng?

Lỗi lầm của lớp trí thứ Tây-học từ ngay lúc đầu đã gây ra, đưa đến hiện trạng này, và ngày nay, lớp thanh niên mới, với bài học cũ của lịch sử, đã nhận ra chưa trách nhiệm của mình từ ngay trên căn bản tư tưởng trong cuộc dấn thân mà họ phải thực hiện. Hay họ đang tiếp tục đi trên con đường mòn nối dài khi xưa mà họ cố tình làm ngơ như không biết?

Nhưng tôi vẫn tự hỏi: vì sao giữa lúc bước chân vào cuộc tranh đấu cách mạng mà Khái Hưng lại viết được Băn khoăn? Không hề có ảnh hưởng giữa đời sống và tư tưởng tác giả với tác phẩm sao?

Dương Nghiễm Mậu
11-1964
Văn, số 22, ngày 15-11-1964

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Ba 201911:38 SA(Xem: 21101)
Mảnh giấy không đề tên người nhận, cũng chẳng ký tên người viết, song tôi thuộc tuồng chữ của Thiện, cái tuồng chữ với những phụ âm d, đ, t, th, k, kh, vân vân... đâm thẳng lên trời và cao hơn bình thường như muốn nổi loạn, và những nguyên âm thấp, cam phận, tự nén. Bên dưới hai câu thơ là dòng chữ vỏn vẹn: "Nếu không đoán được ai là tác giả của hai câu thơ trên thì sẽ không về nữa."
20 Tháng Hai 20198:42 CH(Xem: 24031)
Hôm nay, một ngày đầu năm, nơi tôi ở trời lấm tấm mưa và sương mù còn giăng mắc mặc dù đã 10 giờ sáng. Có lẽ không hạnh phúc nào bằng ngồi trước lò sưởi với ly cà phê và vài cuốn sách -- chính xác thì phải nói là với mấy Web sites sách điện tử, hay e-book, trên cái iPad. Bằng hữu ở xa, giờ già cả cũng ít hoặc hết còn đi thăm nhau được. Ngoài trao đổi điện thư ngày một thưa thớt, chỉ còn cái thú làm bạn với sách. Thú thật chưa bao giờ tôi đọc sách báo nhiều như những lúc về sau này.
25 Tháng Giêng 20198:02 CH(Xem: 24955)
Từ Huế ra đến Quảng Trị mấy ngày đầu năm 2019 là những ngày ủ dột mưa. Sau bài viết: Đi tìm bức tượng Mẹ và Con, tác phẩm bị lãng quên của Mai Chửng ở Hải ngoại. VOA 07.06.2018, tôi có ước muốn trở lại thăm Nhà thờ Đức Mẹ La Vang Quận Hải Lăng Quảng Trị, nơi đã từng có một quần thể tượng nghệ thuật tôn giáo của Giáo sư điêu khắc Lê Ngọc Huệ cùng đám môn sinh trong đó có Mai Chửng với chủ đề Mười Lăm Sự Mầu Nhiệm Mân Côi. (3)
03 Tháng Giêng 201910:50 CH(Xem: 21115)
Đêm ấy, một đêm Giáng Sinh rất lạ, sau ngày giải phóng đất nước một năm.1976. Là đêm Giáng Sinh thứ ba, tính luôn cái năm tôi đi sư phạm xa nhà, tôi không còn cùng bát phố với lũ bạn ngoại đạo trong cái thành phố nhỏ nhoi yêu mến tôi đã sống; nhưng vẫn da diết nhớ Giáng Sinh với những chiếc xe hoa lấp lánh, diễn hành dưới màn mưa lạnh, quanh mấy con phố nhỏ; những cỗ xe luôn mang đến một không gian tượi mới và tràn trề hy vọng. Khi còn hy vọng, là người ta còn mơ ước. Khi còn mơ ước,là người ta còn tin yêu cuộc sống này.Và người ta luôn trông chờ điều đó.
04 Tháng Mười Hai 201811:05 CH(Xem: 22815)
Từ một vùng đất hoang vu của dân tộc thiểu số thuộc bộ tộc K'Ho hiện nay, sau khám phá của bác sĩ Yersin (tháng 6 năm 1893), người Pháp đã quy hoạch và xây dựng lên thành phố Đàlạt. Đàlạt trở thành một trung tâm du lịch và giáo dục của Đông Dương trong nửa đầu thế kỷ 20.
11 Tháng Mười 201811:48 CH(Xem: 23840)
Lễ Quốc Tang của Chủ tịch nước Trần Đại Quang dù được tổ chức trọng thể tại cả ba nơi Sài Gòn, Hà Nội, Ninh Bình; và mặc dù nghĩa trang của ông rất lớn, nó chiếm một diện tích lên đến gần 30,000 m2, chúng ta vẫn thấy sự ra đi của ông rất mờ nhạt.
07 Tháng Mười 20189:13 SA(Xem: 24047)
Sinh ngày 6/10 Nhâm Ngọ, tức 13/11/1942, tại thôn “Me Vừng,” làng Phụng Viện thượng Hải Dương, Bình Giang, Hải Dương—nhưng trên khai sinh, đề ngày 6/0/1942—tôi có một lá tử vi khá kỳ lạ. Giáo sư Nguyễn Bỉnh Tuyên—một lãnh tụ Đại Việt Quốc Xã, thày dạy kèm chữ Pháp cho tôi trong hai năm Đệ Tam, Đệ Nhị (1957-1959)—nói tôi có số “ở tù;” nên “ở lính” có thể giải thích như ở tù. Mãi tới năm 1971, bác Phan Vọng Húc—bạn cha tôi ở Hải Dương, phụ thân nhà thơ Phan Lạc Giang Đông—mới đưa ra lời giải đoán khá chính xác: Tôi có số “Ngựa Trời,” sẽ xuất ngoại, đỗ đại khoa, và thọ tới hơn 70.
13 Tháng Chín 20189:07 CH(Xem: 23683)
Sáng nay vừa ra khỏi ngân hàng, tôi ghé vào siêu thị mua tấm thiệp sinh nhật cho ba chồng. Dòng chữ được giác bạc ngoài tấm thiệp đề "For a great Dad..." đầy yêu thương, trân trọng. Vừa lúc đó tôi nhận được điện thoại từ chị gái. Linh cảm bất ổn vì lúc đó đã 10 giờ tối ở VN. Giọng chị hớt hãi "Yến ơi, Ba đi rồi...". Trên tay tôi vẫn cầm tấm thiệp. Vài giây trước đó khi đứng chọn tấm thiệp vừa ý nhất, tôi chợt nghĩ "Vì sao mình chưa bao giờ có được may mắn tặng cho ba mình tấm thiệp nào có nội dung như vậy. Vì sao ba mình không là một người great Dad như bao nhiêu người vẫn tự hào tặng thiệp cho ba họ trong ngày sinh nhật như chồng mình vẫn làm mỗi năm?".
24 Tháng Tám 20187:38 CH(Xem: 25852)
Tôi khởi viết những trang Nhật Ký Cuối Đời này, từ đầu năm 2016, sau ngày mẹ tôi từ trần tại Los Angeles, CA, ngày 27/11 Ất Mùi, tức Thứ Tư, 6/1/2016. Mẹ sinh ngày 7/3 Mậu Ngọ [7/4/1918], tại Phụng Viện thượng, Bình Giang, Hải Dương, thọ 99 tuổi ta. Cha tôi, sinh ngày 27/3 Mậu Ngọ [27/4/1918], mất sớm, ngày 8/3 Kỷ Mùi [4/4/1979], khi mới 62 tuổi, ở Sài Gòn. Khi gia đình ly tán—tôi lưu vong ra hải ngoại, anh trai tôi bị đưa ra bắc “cải tạo”—thuật ngữ tuyên truyền xảo quyệt của những người tự nhận Cộng Sản, dù chẳng hiểu Cộng Sản là gì, và trên thực chẩt, chỉ vẹt nhái theo Trung Cộng, vì Karl Marx và Friedrich Engels không hề nói đến góp chung tài sản, mà chỉ hoang tưởng ngợi ca một xã hội nguyên thủy công hữu [communism].
17 Tháng Bảy 20182:02 CH(Xem: 22830)
Có thể nói Luật Đặc Khu và cuộc trấn áp ngày 17/6 đã biến những người dân VN bình thường trở thành những nhà hoạt động. Và đó là khởi đầu một “cuộc chiến” mới. Trong cuộc chiến này, nhà cầm quyền Hà Nội sẽ phải đương đầu với một sức mạnh mà họ thầm hiểu rằng với nó; quân đội, súng ống, xe tăng,… hỏa lực dù mạnh thế nào cũng chỉ là bùn đất!