- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đại Hàn_lịch Sử, Công Nghê, Tôi . …và Em. Em Là Ai? Em Đến Từ Đâu?

18 Tháng Mười Hai 20246:46 CH(Xem: 977)
 
Người con gái VN- ảnh Đặng Hồng

"Người con gái Việt Nam da vàng" - ảnh Đặng Hồng

 

 

 

Vũ Khuê

Đại Hàn_Lịch sử, công nghê, tôi .

…và em. Em là ai? Em đến từ đâu? 

(Tạp Ký)

 

   Cuối thập kỉ 60 hay đầu đầu 70 gì đó. Bố tôi, một nhân viên khí tượng tại phi trường  Nha trang, có kể lại về câu chuyện về ngày Đại hội không quân của của câc nước Đông Nam Á, mà ông được tham dự. Theo ông, trong các đội bay, ông hết lời tán thưởng đội bay của nước Trung Hoa dân quốc ( Taiwan) đã có những phi trình biễu diễn thật đẹp ngoạn mục,  cùng những màn nhào lộn chết người gần như đạt đến đến giới hạn của đỉnh cao sức chịu đựng của phi công chứng tỏ sự dày công tập luyện. Còn về đội tuyển Cao ly, ông nhận xét cùng cái trề môi " Bình thường!"

    Tôi vẫn nhớ cái trề môi của ông! Dù đã hơn 1/2 thế kỉ.

   Trên phương diện cá nhân  nhận xét. Một điều rõ ràng là giá trị của đất nước và con người Hàn quốc ngày ấy, không mang ấn tượng lắm trong mắt người miền Nam trước năm 1975. Dù mang tiếng là Đồng Minh ,họ cũng chỉ là những người lính đánh thuê (hay tạm gọi là lính Lê Dương ,theo ngôn ngữ Pháp thuộc  còn rơi rớt lại trên đất nước này) . Những nông dân nghèo , thành phần xã hội phức tạp ,không nghề nghiệp ,không có tiền sinh sống, mưu sinh bằng cách đăng lính. Cái hình ảnh sắc nét và thực tế để củng cố nhận định của ba má tôi là đúng là hình ảnh của năm bảy anh lính trận xứ Kim chi đang tranh nhau cái xe dạp để tập đi trên đường Duy Tân _ Đường Trần Phú bây giờ ( trước bar số 2_ Viện Pastuer hiện nay). Có thể trong thước phim ngắn ấy cũng chứa đựng nhiều yêu tố hài hước và khơi dậy llòng thương hại cho những người lính khổ ải xa xứ, nên mỗi lúc nhắc lại chuyện đó trong gia đình,họ thường cười phá lên thật to nhưng ngắn …rồi khuôn mặt trở nên nghiêm nghị trở lại. Đôi mắt thoáng chút buồn hoặc lãng cái nhìn sang hướng khác như  mới phạm lỗi_ Dẫm lên nỗi đau của kẻ khác!

(Theo tôi được biêt, thời điểm này_ năm 1971-72, Nha Trang đã có loại xe Honda Dame, 67 của Nhật nhập cảng vào).

   Cuốn sách đầu tiên đưa tôi đến gần hơn với xứ sở này là cuốn sách tôi mượn được từ cậu tôi. Cuốn “ Những trận đánh đẫm máu trong lịch sử Thái Bình Dương” của danh tướng Douglass Marcthur. Cuốn sách chia làm 2 phần chính . Phần đầu là trận Okinawa, trận đánh kết thúc sứ mạng đế quốc của cường quốc Nhật bản và phần thứ hai là cuộc chiến tranh Cao Ly năm 1950 -1953,  hình thành 2 chính quyền  cho 2 đất nước riêng biệt.Băc Hàn và Nam Hàn . Bắc Hàn theo Liên Xô còn Nam Hàn ngã sang Mỹ. Lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới phân định.( Cuộc chiến này có rất nhiều sách báo, tư liệu phim ảnh….bạn có thể tham khảo từ nhiều nguồn).

  Nhìn theo trục Bắc Nam ,đất nước Cao ly cũng hơi cong như hình chữ S, nhưng  cân đối hơn. Một dãi đất hẹp và dài nằm hơi lệch , chếch về phía Bắc , nép vào Trung Hoa Đại lục. 3 mặt giáp biển.. Vĩ tuyến 38 chia đôi bán đảo naỳ thành 2 quốc gia riêng biệt. CHDCND Triều Tiên và Đại Hàn dân quốc .

***  

  

        Năm 1986, tức 10 năm sau đất nước thống nhất (30/04/1975) địa danh Đồi đại hàn vẫn thế. Vẫn giữ vị trí độc tôn , nằm án ngữ trên con đường độc đạo của tỉnh lộ 8, nối liền thị trấn Diên Khánh  với các làng mạc ,thị trấn nhỏ hơn, xa hơn  nằm ở phía Tây thành phố  Nha Trang. Nằm ở rìa ngôi làng có cái tên Đồng Dài, cao điểm này chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự. còn tất cả gần như là con số 0. Với độ cao khoảng 30 -40 m so với cánh đồng ruộng phẳng lì bên dưới,chạy dài từ Am Chúa, Diên Sơn lên đến tận Đất Sét, (Diên Lâm) nó có thể kiểm soát toàn bộ cánh đồng rộng lớn bên dưới và tất cả làng mạc trong phạm vi  có thể quan sát được bằng mắt thường, đồng thời cũng kiểm soát luôn cả một đoạn sông nơi bến đò Đồng Găng, một đoạn thượng lưu sông Cái và Hòn Dữ ( Một ngọn núi hiểm trở thuộc một nhánh của dãy Trường sơn đâm xuông đồng bằng_ Căn cứ lâu đời của  Cách mạng. Mảnh đất bằng phẳng rộng vài trăm thước vuông trên đỉnh đồi ,đầy cây mắt mèo, gai mắt cỡ  nơi đặt bốn khẩu 105 mm giám sát và sẵn sàng khai hỏa vào những hoạt động đáng ngờ của những sinh vật bên dưới nằm trong tầm với .Đồi Đại hàn như dung như tên gọi của nó , có khoảng một đại đội Đại hàn trấn giữ , những người lính thuộc sư đoàn Bạch Mã vào những  năm đó.

      Làng đẹp. Lâu đời và trù phú, so với một số ngôi làng ở miền Trung vào thời điểm ấy. Dân chúng hiền hòa, ngoan đạo. Ngôi nhà thờ với cái tháp chuông cao chót vót , thường vào lúc chạng vạng thả những tiếng chuông trầm đục như tiếng thở dài của một ông già , khắc vào không gian những vết chạm, ghi lại dấu mốc cho từng ngày dài đã đi qua. NHững lo âu, khắc khoải, niềm vui, nỗi buồn, từ khói lửa chiến tranh đến hòa bình , nó vân duy trì công việc của nó một cách cần mẫn . Hoan hỉ với những hồi chuông ngắn, dồn dập cho những sinh linh đỏ hỏn mới ra đời hay dài hơn, đục hơn bám đuổi mãi trên những bông lúa chin vàng trên cánh đồng gần đó.làm những bông lúa trĩu trệ hẳn xuống, như những giọt nước mắt , không chịu rời đi trên gò má của người quả phụ vừa nhận tin báo tử của chồng trong thời chinh chiến.

       Và trong những ngày hòa bình như vầy, nó cứ lẩn quẩn làm vướng víu những bước chân đang hối hả về nhà trong những buổi hoang hôn như những con nghé con bị kẹt giữa đôi chân mẹ, mặc những tiếng vun vút của ngọn roi tre, tiếng ví, thá của bọn mục đồng thúc giục.

  Những ngày  đầu tiên đi làm,lên bám chốt ở cái dốc Đại hàn, như một anh công nhân cầu đường  của tôi cứ bị khuấy động mãi bởi tiếng chuông từ cái nhà thờ trong làng.

 

 

***
 

        Công việc chính của bọn tôi là duy tu một quãng đường đá cấp phối (Lúc đó đường nhựa và betong không phổ biến như bây giờ), dài khoảng 50km tính từ thị xã Diên Khánh lên đến tận một thị trấn nhỏ miền cực Tây Khánh Bình. Nơi dân cư đa số là người dân tộc Rakley sinh sống. Công việc hầu như chỉ làm bằng thủ công. Cuốc, xẻng, xà beng, xe cải tiến ...  

   Đầu óc tôi còn đang ong ong với buổi tiệc rượu tối qua. Chả là cách đó mấy ngày, bọn tôi khui được một hầm ống túc( cartus) đạn pháo 105mm của tụi Đại hàn để lại. Chiếc Hồng Hà Trung quốc cũ xì phải ì ạch đến tận chuyến thứ hai mới chở hết .Thứ ống túc này rất được giá với những tay đầu nậu ve chai. Về thành phố, sau khi được chùi rửa , đánh bóng sáng choang, chúng sẽ nghiễm nghiên ngự trị trên những ngai vị cao quí , linh thiêng nhất trong nhà. Trở thành cái lục bình cắm hoa, bộ lư, bát cắm hương,ngày ngày có người lau chùi cẩn thận_ phủ quên cuộc đời xỉn bụi,  sặc mùi thuốc đạn lăn lóc, nơi xó rừng ...

 Mặt trời trở nên ối đỏ, dần dần chìm xuống sau dãy núi xa xa phía Tây. Không gian trước mặt nhòe dần. Cánh đồng lúa trổ đòng trước mắt dợn lên như  những con sóng nhẹ, lan dài đập vào những mỏm đá , đen sì nhô ra dưới chân Hòn Dữ.       

  _”  Ai đó mậy?” Tôi chống cây xà beng vừa né đường cho đàn trâu, vừa hất hàm ,hỏi thằng nhỏ loắt chắt  chạy sau. Đợi đám bụi đường lắng xuống, thằng nhóc mắt nhắm, mắt mở nhìn theo hướng tay tôi chỉ, miệng nói. “_ À Dì Sáu đó mà!”

_ Bả làm gì dưới đó giờ này?

_ Ai biết…Anh xuống hỏi bả đó. Bả bị khùng! Nói xong nó quay ngoắt người, vội chạy theo đàn trâu của mình. Đán bụi bầm đỏ lừ lừ tiến qua cổng làng ,bọn chó bắt đầu lên tiếng sủa ran, uy hiếp những con vật khổng lồ, đen trũi, với cặp mắt hiền lành, ngác ngơ.

Người con gái Việt Nam da vàng

Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín

Người con gái Việt Nam da vàng

Yêu quê hương nước măt lưng dòng….

 

       Lời đồng dao văng vẳng trong không gian , dưới ánh chiều . Cái giọng bắc, của một người đàn bà. Nghe là lạ, trên cánh đồng miền Nam.

   Xa xa, bên dưới đồi Đại hàn, nơi cánh đồng óng lên một màu vàng ánh kim của lúa non vừa chín tới, nơi không gian mênh mông của cánh đồng bị thắt nghẽn bởi chân rết của ngọn núi Hòn Dữ và ngọn đồi mà tôi đang đứng, nơi lằn ranh tranh chấp ngày trước của hai bên xuất hiện dáng đi tật nguyền  của một người đàn bà trong cái áo bà ba đã xỉn màu, cái quần đen lấm bùn xắn ống thấp, ống cao; cái nón lá vành nát bươm; tay cầm nhánh roi tre bước tập tễnh theo bờ ruộng, trên đường về làng. Cái chân bên trái bị dị tật, cho nên cứ mỗi bước chân chị phải ngưng lại kéo lê nó lên, đặt ở vị trí mới ngang tầm mình , trước khi rướn mình tới trước với bước chân mới, trong một sự xoay người nặng nề. Diễn tả là vậy, nhưng sau tất cả một loạt những động tác không dễ dàng và hoàn toàn vướng víu  ấy một khoảng không gian trống vắng trong màu vàng óng ả cùng từng mảng tối rời rạc của buổi hoàng hôn đến sớm đã bị bỏ lại phía sau. Người đàn bà nhích lại gần hơn phía con đường cái quan.trong khi vẫn thả hồn trong bài đồng dao của chính mình.

Người con gái Viet nam da vàng

Yêu quê hương như yêu người yếu kém

Người con gái ngồi mơ thanh binh

Yêu quê hương như đã yêu mình

 

 Qua giọng hát ấy tôi không dám khẳng định rằng đó là bài nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ họ Trịnh hay tiếng lòng của con người lạc sâu trong thế giới vô thức Nhiều lúc tôi trong tai tôi cứ chen vào giọng hát ma mị của Khánh Ly,nhưng không, nó không có sự hoàn hảo  của một người ca sĩ. Một quãng giọng hát chợt đứt quãng,nghe ngèn ngẹn; lúc được ,lúc mất.

        _ Con nhỏ hát hay thiệt hả mày? Cậu Tám lẳng lặng đứng phía sau lúc nào không biết, lên tiếng hỏi

        _ Ừa! Bả hát thiệt hay!Tôi gật gù

Tôi cúa đứng tựa vào gốc xoài cụt ngọn, dõng tai lắng nghe âm giọng văng vẳng lại từ cánh đồng lúa phía dưới,cho đến khi tiếng hát yếu dần rồi dừng lại. Đôi môi tôi vẫn còn lẩm nhẩm đoạn điệp khúc như một quán tính thường thấy. Mặc kệ cậu Tám với gương mặt đen sam, trơ như phỗng, đứng sát bên cạnh, hơi thở nồng nực mùi thuốc lá.

Em chưa thấy quê hương thanh bình

Em chưa thấy xưa kia Việt Nam

Em chưa hát ca dao một lần

Em chỉ có con tim căm hờn.

 

   Chúng tôi say ngất ngư trong lần đầu tiên uống trọn cảm xúc trên chính quê hương đau đớn  của mình.

***  

 

    Chị tên là Sáu. Tính vào thời điểm tôi biết chị, chị đã vào khoảng bốn mươi, bốn mấy . Và chưa có gia đình. Chị sống với người cha. Gia đình chị gốc Thuận Thành, Bắc Ninh, dân công giáo di cư năm 1954 vào tận trong này. Nhà ở tận cuối làng, sát bờ con sông Cái. Con sông Cái chảy về Nha trang qua đoạn này tự dưng  hiền lành hẳn. lặng lờ giữa hai lũy tre  xanh mướt  như đường ngôi thẳng tắp của người con gái đến tuổi dậy thì, đã biết tự làm đẹp mình, biết trau chuốt của  nét  khuê thục Giao Chỉ đã vốn truyền lại từ nghìn năm của  giống nòi Bắc phương_Như một lần tôi vô tình nhìn thấy chị ngồi chải tóc ở cái sạp tre trước nhà. Thực là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ , chỉn chu.

      Tai họa đến với chị vào năm chị 16 tuỏi, trong một chiều đi làm đồng trở về. Một viên đạn lạc vu vơ từ đồi Đại Hàn, của một tay lính trẻ bắn chim đã vô tình lấy đi cái nét ngây thơ chân khứu , chân sáo  của người thiếu nữ xứ Việt để lại cái chân trái tê liệt cùng cái dáng đi dị dạng. Một sự giằng co đôi lúc tưởng như mãnh liệt khi  cả thân người muốn bươn về phía trước nhưng lại phải kéo theo cả một quá khứ  chiến tranh nặng nề theo  suốt đời mình ,như một lời nguyền. 

      Những cuộc biểu tình, nhũng đơn thu khiếu nại, của người cha và dân chúng trong làng cuối cùng cũng được viên chỉ huy đơn vị Hàn Quốc và chính quyền hồi đáp. Người ta hứa chăm sóc vết thương, đền bù một số tiền cho Chị và gia đình. Xem đó như một tai nạn chiến tranh. Tay lính bị đưa ra tòa án binh và thuyên chuyển sang đơn vị khác.

   Vết thương ở phần mềm nhưng hệ lụy nó để lại vô cùng nghiêm trọng. Phía đầu đạn trổ ra đã phá hủy một số dây thần kinh thuộc hệ vận động. Các Bác sĩ bệnh viện đều lắc đầu trước trường hợp hy hữu trên. Chị nằm đó với cái chân trái tê liệt hẳn, hầu như không còn cảm giác, ngày càng teo tóp lại.

    Trong những ngày nằm nhà thương , chị còn mắc thêm chứng trầm cảm, ít nói hẳn. Đôi mắt hồn nhiên, đầy nét tinh nghịch ngày nào giờ mở to thao láo với đôi tròng trở nên xám nghoét, không còn linh động,táy máy trước những quyến dụ của  màu sắc, những chuyển động của khung cảnh thực xung quanh, Nó đã tìm thấy một thế gới khác trong chuỗi ngày dài bám chặt đám mạng nhện mong manh, chơ vơ nơi góc tường. Cho đến một ngày, một người hộ lí với cái chổi dài đi qua, quét nó đi….Quên bẵng đôi mắt của một người đã nằm đây  cả năm trời phía giường đối diện. Sau hôm đó, người con gái vô tội xứ Việt này đã hoàn toàn trở thành một con người khác!

      Có những tiếng thở dài thoát ra một cách lặng lẽ, người ta chỉ có thể cảm nhận nó như một luồng không khí đậm và nặng, chuyển động nhanh hơn trong môi trường bình thường , sự cọ xát tạo ra một âm thanh đánh sượt , sẽ sàng. Nhưng có những tiếng thở dài có sức đánh động đến kì lạ. Khi vừa thoát ra khỏi cổ họng, nó là những xung âm mà ta có thể nhận biết đó là sự thoát thai của kìm hãm, dồn nén. Làn sóng âm vô hình của nó cản  trở mọi chuyển động, cầm tù những tác nhân  tự do trong phòng khiến tâm hồn con người như bị áp lực của một thứ bùa chú lắng hẳn xuống. Đó là tiếng thở dài của Ông hai, người cha của chị, trước khi đặt chén trà xuống bàn, bước ra ngoài, với cái dáng thất thểu.   

  Một vết hằn dài  trên mặt lầy; một dấu chấm , năng và sâu cộng với thân hình cong oằn của những nỗ lực ixuất hiện theo sau mỗi lần rướn tới …đã bám dính mãi vào hình hài người con gái xứ Việt bất hạnh .

***
   

      Năm 1993, sau khi tôi tốt nghiệp một trường kĩ thuật máy tàu ở Sài gòn .

      Máy tàu_ Nơi sản sinh ra lực đẩy khoảng vài chục ngàn KW để đẩy con tàu vài vạn tấn chở đầy hàng hóa, lao đi trên biển là đây. Đó là một cấu kiện cơ khí khổng lồ., đen trũi, lạnh tanh , khét lẹt mùi dầu nhớt đã cháy. Với độ cao khoảng một tòa nhà 3 tầng, (khoảng 15 m) lủng củng những phụ kiện, đường ống đi kèm nằm dọc trong khoang máy với chiều dài khoảng 40 -50m. Hạt nhân của nó gồm 6 piston, nằm lọt trong 6 cái giếng đường kính mỗi cái khoảng 2 m,hoạt động liên tục theo thứ tự nổ để liên tục duy trì lực đẩy. Một trục dài khoảng chục met được liên kết với mặt bích  của bánh đà bằng những bulong đường kính khoảng 20cm , nặng vài chục kg, dùng để truyền lực từ máy chính ra đến trục chân vịt. Những khe hở cho phép của những bệ đỡ, hệ số lắp ghép được tính bằng đơn vị 1/1000 mm. Tất cả chừng như không tác động lắm đối với bạn khi nó là những con số, nhưng trên thực tế và quá trình để nhìn nhận vấn đề bạn đang làm thì quả là điều đáng ngạc nghiên. Một mm trên cây thước kẻ mà con bạn đang dùng để để đi học tiểu học, đươc chia ra 1000 phần và con số bạn được lấy chỉ 5-7phần trong ấy. Vô tận dường như không còn ý nghĩa trong phạm trù này.

     Và để đào tạo  cho vài ngàn con người nhận thức ra được một vấn đề như vậy, để phục vụ cho một lĩnh vực gần như gắn liền với cuộc sống cơ bản của cuộc sống và sự phát triển của con người  không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai. Nhất là ở một vùng đất nông nghiệp nghèo nàn về tài nguyên, ngư nghiệp còn quá  sơ khai, cộng với những lí lịch hoàn toàn thụ động trong quá khứ.

   Lee Chung Ho_ là một chuyên gia về máy chính và hệ trục. Hắn khoảng ba nươi mấy, người tầm thước, trông mảnh khảnh so với các đồng nghiệp, nhưng khỏe và rắn rỏi. Cặp kính cận mạ kền làm khuôn mặt trông có vẻ trí thức, ra dáng một ông chủ của một doanh nghiệp nếu hắn không trong bộ đồng phục công nhân lấm lem dầu máy. Xuất thân từ một trường kĩ thuật bên Hàn, bước đầu vào công ty tàu biển này chỉ là một công nhân, nhưng hắn đã có thâm niên 10 năm kinh nghiệm cộng với cách suy nghĩ vấn đề thật độc đáo và sâu sắc, tôi nghĩ trong tương lai hắn còn đi xa hơn nữa trên con đường danh vọng nếu chịu khó mài đít học hành để kiếm một số bằng cấp cao hơn. Hiện tại, hắn có thể là số một trong nhóm các chuyên gia Hàn phụ trách bọn tôi. ( Phần đông là công nhân lâu năm , có kỉ luật lao động, có kinh nghiệm từ phát triển lý thuyết đến kĩ năng làm việc) Người Hàn rất có kỉ luật  coi trọng cấp bậc. Trong lao động cũng vậy! Có lẽ theo luật lệ của đất nước họ, mọi thanh niên nam giới từ 18 đến 21 tuổi đều phải đi lính phục vụ Tổ quốc trong vòng 2 năm.

         Tôi kết thân với hắn một phần hắn phụ trách nhóm tôi, một phần do tôi khá tiếng Anh, nên chuyện giao tiếp hàng ngày, những vấn đề sâu hơn trong công việc hoặc những chuyện lan man … . Chúng tôi có thể thảo luận và quan trọng là hiểu nhau. Còn tiếng Hàn thì thú thực, tôi chỉ bập bẹ được mỗi mấy từ chào hỏi, tạm biệt, cha, mẹ, anh , em và hết. Nói chung tôi không có duyên với nó.

       Gió biển thổi lồng lộng mát rượi. Sự thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột giữa cái ngột ngạt, nóng bức của phòng máy, nơi nhiệt độ bốn mươi mấy, năm mươi độ C trở về nhiệt độ môi trường bình thường, khiến con người trỏ nên phấn chấn. Tôi quẳng cái  chain -block xuống sàn tàu, bật thêm hai cái cúc ngực, đứng tựa vào lan can , hít thở vài hơi thật sâu khoan khoái. Bộ   combination,  dính nhớp dầu máy giờ phồng lên thổi phần phật trong con gió chiều.

      _ Hello Mr Hơi . How are you? Every thing Ok? ( Chào Huy! Khỏe không? Mọi thứ tốt chứ)

     Tôi nhận ra giọng nói và cái vỗ vai quen thuộc của hắn.

     _ OK. It’s already. You can check it for the last time.( Tốt! Mọi thứ sẳn sàng rồi. Bạn kiểm tra lần cuối đi.)

     _  OK. I ‘ll take a look.( Được rồi! Để tôi xem qua) Hắn quay xuống hầm tàu, tay cầm theo cái đèn pin. Miệng huýt sáo nho nhỏ.

        Chúng tôi cố gồng cơ miệng để đẩy những đụn khói thuôc trong mồn ra, chống chọi với cơn gió biển đang áp sát vào mặt. Thuốc lá Hàn_ Nhẹ và thơm.

           Nhà hắn ở Ulsan. Một thành phố ven biển , nằm phía Nam  bán đảo Cao ly, nơi khá nổi tiếng về ngành công nghiệp đóng tàu. Huyndai Mippo dock yard là tên công ty của hắn. Hắn bảo, đây cũng giống cảnh thánh phố quê hắn lúc mới phát triển. Cũng  nhà máy đứng tựa lưng vào vách núi trông ra ngoài mặt biển, nên mỗi lần hắn đứng trên boong tàu nhìn vào đất liền hắn lại cảm thấy nhớ nhà. Hắn lầ ông Bố của gia đình nhỏ. Vợ hắn hiện đang là một giáo viên tiểu học và hai đứa con gái. Hắn lục túi, moc bóp, lấy mấy tấm hình đưa tôi xem và giới thiệu từng  người trong ảnh. Vợ hắn, người đàn bà có đôi mắt Á Đông đượm buồn cùng hai đứa bé gái kháu khỉnh, nụ cười ngây thơ . Đứa lớn khoảng 11,12 tuổi:  Đứa nhỏ bé hơn khoảng 5,6 tuổi nép vào thân mẹ nó.

_ It’s a great family! ( Một gia đình hạnh phúc).Tôi tán thưởng.

 Hắn cười rạng rỡ, cất nó và lại lấy ra tấm hình thứ hai. Tấm hình đã cũ hắn cẩn thận bọc nó trong cái túi zip chống thấm.

   _  This is my mother and me. My father was died along time ago. ( Đây là mẹ và tôi. Bố tôi mất lâu rồi)

        Tấm ảnh thuộc loại đen trắng, hơi ố một góc. Cạnh được xén theo hình hoa văn, theo kiểu những tấm hình xưa. Người đàn bà trong y phục dân tộc Hàn, tay trái bồng đưa bé trai kháu khỉnh đang nhìn tôi. Gương mặt người  đàn bà hơi nghiêng về bên phải như che dấu sự hiện diện của một nữa không hoàn thiện của mình trước ống kính. Tôi chừng như ghé sát tấm ảnh vào mắt mình. Một nữa khuôn mặt bên trái bị hủy hoại. Làn da nhăm rúm và chảy dài như đụn mỡ bọc trong một túi nylon nhàu nát trong khi đối xứng bên kia là sự căng tròn theo lẽ tự nhiên  Sự dị dạng và hoàn mỹ tranh chấp nhau trên một lằn ranh mong manh và vô hình trên một khuôn mặt, có lẽ  trước kia vốn thanh tú làm ta cảm thấy đau lòng và tiếc nuối. Đau lòng vì một đó là sự xúc phạm quá nhẫn tâm và tiếc nuối cho một sự khôi nguyên không còn vẹn toàn

     Như để trả lời cho những câu hỏi, khi thấy tôi quá chăm chú vào tấm ánh với những đầu ngón tay run run. Hắn nói;

      _ The war. The civil war. ( Chiến tranh…. Cuộc nội chiến) Ngưng một lúc hăn thêm cho người đối diện đủ hiểu:

     _ Napalm bomb….. In Incheon.  ( Bom Napal…..Ở cảng Incheon)

    Tôi thở dài:

    _ Yes…I understood. …What a poor lady! ( Vâng tôi hiểu….Thật tội nghiệp!)

   Tôi trả hắn tấm ảnh . Mặt trời xống tất nhanh. Chúng tôi đứng sát bên nhau nhả khói thuốc, trầm ngâm trong im lặng. Trong môt sự đồng điệu, có  cảm tưởng tâm hồn chúng tôi sẽ chạm vào nhau.

 

     Chúng tôi có khoảng 2 tháng để làm việc cùng nhau. Đó là khoảng thời gian  tôi tiếp thu được nhiều thứ nhất trong công việc từ sự chia sẻ kinh nghiệm của hắn cũng như lịch sử, con người xứ Hàn. Rồi hắn thông báo cái quyết định về nước ,vì công ty hắn  đang thiếu nhân sự một cách khá đột ngôt. Chúng tôi chia tay nhau khá luyến lưu vì trong khoảng thời gian khá ngắn ngủi đó, chúng tôi thực sự coi nhau như anh em.

_ Keep it up my friend! South Korea was just like Viet Nam before. In 5 or 10 years, you will catch up with us. (Bạn cố lên. Hàn quốc trước kia cũng như thế này. 5 hoặc 10 năm nữa  năm nữa. Việt Nam sẽ bắt kịp đất nước chúng tôi mà thôi.)

_ Thankyou! Tôi cám ơn hắn.

  Trước ngày hắn đi, tôi xin phép được nghỉ một ngày, lặn lội ra chợ Đầm Nha trang để tim mua hai chiếc nón bài thơ.. Thứ nón lá mà các cô gái Việt Nam vẫn đội như một thứ trang sức cổ truyền và phổ dụng trong đời sống  Trên vành chiếc nón, ( thơm mùi tóc non của người con gái, tôi vẫn nghe mẹ tôi bảo thế) mỗi khi đưa lên hứng ngược ánh mặt trời, người ta lại tìm thấy những hình ảnh yên bình của môt đất nước và những câu thơ tình lãng mạn được khảm trong ấy.

        Một cho vợ hắn và một cho mẹ hắn_ Người đàn bà với thế hệ bất hạnh!

        Hắn cũng để lại vài bộ quần áo lao động còn mới, Một đôi giày da, bảo hộ, cao cổ màu đỏ ( Thứ ước ao của bọn công nhân chúng tôi vì thứ giầy lao động Việt Nam quá tệ) cùng tờ tiền 100 US dollar mới cáu, gấp làm đôi để trong miếng lót đế với lời nhắn . Spend it as you need the aid_ Lee Chung Ho. ( Hãy dùng nó, nếu bạn cần sự giup đỡ). Tôi để tờ tiền trong ngăn trang trọng của chiếc ví. Thỉnh thoảng lại lôi ra ngắm… cho đến một hôm. Sau khi an vị trên chuyến xe buýt chở công nhân tan tầm từ nhà máy về thành phố, nhìn qua cửa sổ, nơi cánh đồng lúa óng lên màu ánh kim của lúa non đang chín tới, tôi thoáng bắt gặp một hồn ma cũ. Xa xa hình ảnh của người đàn bà bước tập tễnh trên bờ ruộng, tay cầm cái roi tre với cái dáng đi tật nguyền …

     Nhưng sau cái giật cục, sang số, của chiếc xe bus Tôi ngoái nhìn lại phía sau .Tất cả đã biến mất!

    Về nhà, tôi cố gắng liên hệ với những người bạn cũ, trước đây cùng làm chung đơn vị, địa chỉ của nhà ông Hai. Nhưng không ai nhớ. Sau cùng tình cờ qua một người họ hàng xa, tôi đã có được cái địa chỉ cần tìm.

    Tôi duỗi phẳng tờ tiền, nhét nó giữa phong bì, kèm theo vài dòng chữ ngắn ngủi _ Con có chút quà cho ông và chị Sáu. Mong ông và chị giữ lấy. Hãy xài nó khi cần sự giúp đỡ. Cũng nguyên văn câu nói Lee. Ít lâu sau tôi nhân được một lá thư hồi đáp. Cũng nguệch ngoạc và ngắn gọn. _ Ông và Chị đã nhận được tiền. Ông với Chị cám ơn con.  

   Cầm lá thư của ông Hai, lòng tôi cảm thấy lâng lâng, vui lạ. Tôi nghĩ thầm_ Liệu không biết ổng còn nhớ cái thằng tôi ngày đó không? Nhưng tôi cho rằng, có lẽ họ không nhớ càng tốt hơn! Dẫu sao tôi cũng chỉ là người trung gian, chuyển những gì cần chuyển và trao tận tay  đến người cần nhận. Còn những gì đã xảy ra giữa hai đầu không gian và thời gian nơi gửi và nhận ấy, hãy ghim nó lại đó. Hiện tại tôi còn trẻ, tôi còn nhiều việc phải làm, tôi chưa cần nó.

     Năm 2000, tôi rời khỏi công ty tàu biển Huyndai Vinashin ship yard với một lí do, tôi đang  tìm một lối đi cho riêng tôi.

     Năm 2005 tôi tốt nghiệp khoa tự động hóa, một trường Bách khoa.

     Năm 2015, tôi được một Cty Thổ nhĩ Kỳ chuyên về máy giặt công nghiệp tuyển vào làm việc với chức danh Chuyên gia kĩ thuật. NHững ngày đầu xuống xưởng, để làm quen với máy móc mới, tôi giật mình khi mở tủ diện để kiểm tra thiết bị. Hầu hết các linh kiện điều khiển được dùng đều mang nhãn hiệu LS ( Hàn quốc). Từ màn hình(HMI) đến PLC,  biến tần, cảm biến…. Tôi bật cười thầm _ Ôi trời Mr.Lee! Các bạn đi quá nhanh!

     Tôi gọi giật một tay đồng nghiệp trẻ tuổi, đứng cạnh đó:

   _ Ông qua đây coi này. Máy của Thổ nhưng phần điện và điều khiển toàn của Hàn.

     Lại phải bắt đầu lại từ đầu với phần mềm và những khối lập trình. Tôi thu gom tất cả đống tài liệu dưới đáy tủ, rồi khệ nệ mang lên phòng, miệng lảm nhảm:

 

Người con gái Viet Nam da vàng

Yêu quê hương nên yêu người yếu kém

Người con gái ngồi mơ thanh binh

Yêu quê hương như đã yêu mình…

 

 Năm 2024 khởi đầu với một loạt biến cố lớn về mặt kinh tế thế giới. Cuộc chiến dai dẳng giữa Nga và Ukraina, làm mất đi một thị trường lớn của hãng ở phía Đông. Tất nhiên đi cùng với nó, một làn sóng sa thải nhân sự đã xuất hiện ở một số công ty để tạo nên sự tỷ lệ thuận với lượng sản phẩm đang đà xuống dốc. Dù năng lực không đén nỗi tệ, nhưng xét về tuổi tác ,tôi vẫn có tên trong danh cái danh sách dài dằng dặc phải ra đi đó.

        Dự định viết một cuốn sách dài đến với tôi trong những ngày nhàn rỗi với tuổi già ngấp ngé. Nhưng viết về ai và bắt đầu như thế nào, đó là một chuyện khó khăn. Nhưng tôi vẫn quyết định. Một ngày đẹp trời , tôi mở cái laptop viết những dòng chữ đầu tiên vừa khởi hình. Một dòng tin Hot ngay lập tức đâp vào mặt tôi, khiến tôi không thể khiên cưỡng bỏ qua nó. Giải NOBEL văn chương thế giới năm 2024 đã lọt vào tay nữ văn sĩ Người Hàn Quôc_ Han Kang với tác phẩm “Bản chất con người” ( Human acts) . Tác phẩm nói về sự mong manh của cuộc sống con người trong xã hội hiện đại. _Hi Lee, sau những khí cụ các bạn đã đóng góp để giúp đỡ và cải thiện cuộc sống con người. Hôm nay các bạn lại chinh phạt trái tim nhân loại trên cả con đường văn chương và bạn đã thành công.

…….

      And You… Who are you? Where do you come from? ( Và em_ Em là ai? Em đến từ đâu?)

…….   

***   

Người con gái Việt Nam da vàng.

Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín

Người con gái Việt Nam da vàng

Yêu quê hương nước măt lưng dòng…..

Em chưa thấy quê hương thanh bình

Em chưa thấy xưa kia Việt Nam

Em chưa hát ca dao một lần

Em chỉ có con tim căm hờn.

...

 

Phải chăng đó là những dòng chữ đầu tiên tôi dự định viết cho một người con gái ở một đất nước. Tôi yêu!

                                                                                     Sài gòn, 29/11/2024

                                                                                           Vũ Khuê


Ảnh Minh Họa:

Người con gái Việt Nam da vàng- ảnh Đặng Hồng

 

 

 

    

   

    

 

      

      

 

          

      

    

     

           

 

 

 

  

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Giêng 202511:42 CH(Xem: 367)
Tết không đơn thuần là cột mốc đặc biệt của tháng năm ghi dấu nơi tờ lịch mà là một phần của tâm thức tồn tại vĩnh viễn bên trong hồn người. Chỉ cần đến tháng chạp nó thức dậy những kỷ niệm tưởng tạm ngủ yên suốt gần một năm qua và gửi gắm những ước muốn vào năm mới với biết bao hy vọng mong chờ...
03 Tháng Giêng 20252:30 CH(Xem: 904)
Tôi bị ám ảnh triền miên bởi những hình tượng ốm đau, kiệt quệ. Những lặng lờ thấp thỏm, sợ hãi đợi chờ cho một ngày cuối cùng, chấm hết… Nên đã rất ít khi tôi còn dám thăm hỏi ai thêm về chuyện thở ít, thở nhiều hay đã gần ngưng thở. Anh Khánh Trường mỗi khi tôi nhớ đến, phải là hình ảnh của một giang hồ. Một tay chơi luôn cười cợt, ngạo nghễ với đời, để nếu cần, đang ngồi café cứ quăng đại chiếc ghế lên trời cho hả cơn giận dữ. Dễ thương và may mắn nhất là anh có được những tiếng cười xòa thông cảm, những tiếng cười phá chấp từ bè bạn.
26 Tháng Mười Hai 20244:38 CH(Xem: 1213)
Sáng thứ bảy, như đã hẹn mình và Ánh Loan (Phú Nhuận) tập trung tại nhà Thanh Hương (quận 1). Khung cảnh khu vực này thật đẹp. Phố xá sang chảnh lại có cảm giác yên bình. Khúc lộ Đặng Dung là một con phố như bao con phố trung tâm của SG nhà cửa san sát kiểu dáng đều rất đẹp. Cả dãy phố nhà nào cũng có một giàn hoa giấy hay những loại hoa gì đó đủ màu sắc, góp phần tạo nên vẻ đẹp, văn minh, thanh lịch, tao nhã cho khu phố này.
24 Tháng Mười Hai 202412:04 SA(Xem: 1208)
Tôi là người ngoại đạo, nhưng bạn bè thân hữu từng kết giao là giáo dân rất nhiều. Họ là những con dân của Chúa. Hôm nay, Giáng Sinh cận kề, nghĩ về các thân hữu.
10 Tháng Mười Hai 20244:55 CH(Xem: 1685)
KHÔNG HỌC Y KHOA NỮA: TS NGUYỄN DUY CHÍNH, Little Saigon, California 21.11.2024: Là một nhà sử học Việt Nam nghiêm túc, các trang viết của Anh ND Chính bao giờ cũng là một nỗ lực đi từ nguồn tài liệu gốc từ kho sử liệu Trung Hoa, do Anh rất giỏi chữ Hán – mà Anh tự học, nên Anh có thể đáp ứng được yêu cầu nghiêm khắc này. Và rồi nhân đọc một bài viết trên mạng, nói tới vai trò quan trọng bất ngờ của AI/ ChatGPT trong Y khoa, Anh ND Chính đã viết cho tôi và các Bạn – dĩ nhiên, ai cũng biết đó là một câu nói đùa, với một tiêu đề diễu cợt: "Thất nghiệp đến nơi rồi… Hãy học AI chứ đừng học Y khoa nữa "
23 Tháng Mười Một 20248:51 CH(Xem: 3192)
Hình như không đợi đến lúc thật già, chỉ nhá nhem cái tuổi già già thì đã thấy lẩn thẩn cái chi đâu đó trong mắt người khác rồi. Tôi buôn bán ở chợ Qui Nhơn, anh bạn hàng của tôi hôm ghé hàng lấy đồ về cho vợ bán, anh ngồi mà than vãn. - Chắc anh điên mất vì bà vợ của anh. Hễ anh nói gà thì bả nói vịt. Anh nói cái chén thì bả nói cái xe. - Hì hì chuyện thường mà anh. Do giờ anh thay đổi nên thấy vậy đó chớ hồi xưa anh lắng nghe mà nuốt từng lời chị nói đó chớ.
23 Tháng Mười Một 20246:25 CH(Xem: 1879)
Giật mình, ngồi bật dậy, tâm trí nửa tỉnh, nửa mê; tuy còn đang ngơ ngác bần thần, tôi vẫn nghe thoáng bên tai, âm điệu tiếng hát chơi bài lô tô: tìm mãi không ra ...nó chạy đâu xa...nó chạy đâu xa …tìm hoài mới ra ... là con số gì đây... con số gì đây, con số … hai mươi ba (23). Tôi lẩm bẩm: lại nằm mơ nữa rồi!
02 Tháng Mười Một 202412:22 SA(Xem: 4881)
Đối với người Việt, dù trong nước hay ở nước ngoài, nhắc đến phở là tự nhiên nước miếng tứa ra. Đi ra nước ngoài, người Việt chỉ mong chóng trở về, ào ra quán phở gần nhà gọi tô phở nóng thưởng thức bù lại những ngày nhớ quê hương.
22 Tháng Chín 202411:34 CH(Xem: 6304)
Anh à, giữa những ngày hội của người làm phim cả nước tại thành phố biển Nha Trang, quặn lòng trước thảm cảnh của dân ta - nhất là người dân vùng núi Tây Bắc - Đông Bắc qua mấy đợt lũ lụt lên tiếp, em bỗng nhớ về anh… Những điều anh dự báo và khẩn thiết kêu gọi trong kịch bản phim truyện "Vùng rừng nóng bỏng" chưa kịp lên màn ảnh đã rơi ập vào chính số phận của anh: chiếc xe khách chở anh đã bị đổ tại đèo Chiềng Đông hiểm trở, do hậu quả của những cơn lũ rừng, sau nhiều năm tháng dài đốt phá rừng triền miên vô tội vạ!
12 Tháng Chín 20242:10 CH(Xem: 5176)
Ngày xưa hồi còn nhỏ, tui hay nghe bà cố tui đọc câu: "Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa một mình". Tui thấy ngồ ngộ dễ thương nên tui nhớ luôn câu ấy ở trong đầu. / Mấy mươi năm trôi qua cho đến giờ tuổi đã về chiều, ngồi ngẫm lại đời mình. À! người ta thì "còn duyên kẻ đón người đưa" còn mình hết cả một đời người trôi qua mà mình có chút duyên nào đâu, vì từ nhỏ cho tới lớn đâu có ai đón đưa, thương nhớ mình chứ ... Xấu hổ thiệt nhưng cũng phải thú thiệt vì ở cái tuổi này rồi, có níu kéo gì nữa đâu hè!! Nói thiệt may ra ông trời ổng thấy tội tội mà kiếp sau ổng cho mình có chút "diên" (duyên)làm vốn lận lưng.