- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TƯỞNG NHỚ NHÀ THƠ NGUYỄN ĐỨC SƠN

29 Tháng Sáu 20226:56 CH(Xem: 8239)


NDucSon

Lê Chiều Giang

 

Tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đức Sơn

 

                                          " Ở ăn với Mẹ mày nhiều

                                             Có trưa hộc máu, có chiều trào cơm..." 

                                                                                  Nguyễn Đức Sơn

Bút hiệu, một ẩn khuất của định mệnh, vô hình chung đã gắn bó cùng tác giả cho đến hết một đời người. Nói thế chẳng có nghĩa là tôi đã duy tâm, nhưng phải nghiệm theo cách đó mới giải thích được "Sao Trên Rừng" của ngàn thông trên vùng thâm u Phương Bối.

Từ balcony của căn chung cư nhỏ, tôi hay đứng ngó mông ra xa nhìn chút nắng nhạt nhoà trên những tàn cây thấp rất xanh,  chi chít mọc dọc theo bờ sông bên kia, nơi có con đường mòn rất dài, loanh quanh dẫn qua Làng Báo Chí.

Cái tĩnh lặng của chiều tà, dù trên đồi cao hay đường quê, biển khơi hay ngay trên dòng sông nho nhỏ trước hiên nhà... với tôi luôn là những giấc mơ êm ái.

Hôm nay, "chiều" của tôi đã không còn thanh tịnh. Mắt tôi chằm chằm nhìn theo một người mặc áo thụng dài màu lam, ông nắm con chó quăng rất xa xuống nước, chờ cho đến khi nó loi ngoi lúp xúp lên được bờ, ông lại quăng nó xuống nước trở lại, và cứ cả chục lần như thế... Không hiểu chú chó nhỏ có thích thú với cách đùa của ông chủ hay không, nhưng từ trên cao nhìn xuống, tôi thấy thương nó lạ lùng, thương rồi sốt ruột đến nỗi không còn dám nhìn thêm chút nào nữa.

 

Khi nghe tiếng đập cửa dồn dập, tôi mở rất vội vàng và đứng sững nhìn. Ông Sư và con chó ướt nước đứng chờ bên chiếc xe đạp cũ kỹ. Chẳng hiểu gì và sao vậy, tôi chỉ nhìn con chó nhỏ mà cảm thấy như toàn thân mình lạnh giá.

Chẳng chờ gì tôi, ông hỏi trước :

- Nghiêu Đề, sáng có nhắn ra chơi, hắn, hắn về chưa cô?

Ngạc nhiên, té ra cái người "thấy mà ghét" đã hành hạ con chó nhỏ lại đang đứng trước mặt. Rất máy móc, tôi chạy vô gọi anh Nghiêu Đề ra mà "chịu trách nhiệm".

 

Thời gian đó Lâm Triết tá túc nhà chúng tôi ở cư xá Thanh Đa. Anh gốc người Bình Định, rất thân với Nguyễn Đức Sơn. Cả ba ông mày mày, tau tau mừng rỡ với một giọng phải nói là "la làng" của ông khách lạ. Việc đầu tiên tôi làm là lấy ngay máy sấy tóc hong khô cho chú chó nhỏ đáng thương và tội nghiệp của ông Sư. Nó rúc vào cánh tay tôi trìu mến như một lời cảm ơn ấm áp. Tôi cũng ôm nó trong lòng như một vỗ về đầy thương yêu...

Trước khi sửa soạn cho bữa ăn tối, ngập ngừng tôi hỏi nhỏ Nghiêu Đề về mặn, về chay. Ông át hết giọng mọi người, dù tôi cũng đang nói rất khẽ:

- Trước tiên, Cô đừng gọi tui bằng Sư bằng Thầy. Tui đây, Nguyễn Đức Sơn, thằng phải vô Chùa nằm vì trốn quân dịch, có vợ với con cái rất đông. Sống trong chùa nhưng toàn ăn mặn với thịt, cá, và nước mắm...

Ông "hét" ra một tràng chữ nghĩa làm tôi bối rối, chỉ Lâm Triết và Nghiêu Đề hiểu chuyện, cười thản nhiên. Riêng tôi đã thấy rất ngại ngùng, nhủ với lòng chắc phải e dè với lối nói năng bạt mạng của người khách mới.

Nguyễn Đức Sơn, cái tên vừa lạ lại vừa quen. Quen vì đâu đó trong những chuyện trò, thiên hạ hay nhắc đến, lạ vì tôi chưa hề bao giờ đọc thơ anh.

 

Thời đi học, tôi mê mải với những tác phẩm được dịch từ nhiều ngôn ngữ trong tủ sách của ông anh trên căn gác nhỏ. Tôi đã đọc hết không chừa cuốn nào một cách say mê.

Thẩm thấu được những chữ nghĩa đẹp ngời của văn chương, hay đã bị "Tẩu hỏa nhập ma" bởi làm dáng, làm điệu với một núi sách thì tôi không biết, nhưng nhất định cứ phải là Tagore, Kahlil Gibran, hay Hermann Hesse…

Tôi mê sách cho đến nỗi khi bị Ba Mẹ chống đối chuyện nhân duyên của tôi với anh Nghiêu Đề, bị doạ đuổi ra khỏi nhà hay đăng báo "từ con" ...

Mọi biện pháp đều đã không cách gì thành công, và trước khi Ba Mẹ tôi nhân nhượng, anh tôi, bằng một giọng trang trọng hỏi: “Hãy cho anh biết nguyên do nào đúng nghĩa nhất..."

Có hay không một nguyên do đúng nghĩa? Vậy thì chỉ có Trời mới hiểu chứ sao lại là tôi? Nhưng rất nhanh trí, tôi nhớ ra anh mình mê sách, lí nhí tôi trả lời: "Vì nhà Nghiêu Đề có một tủ rất nhiều sách". Cái nguyên do vớ vẩn và ngớ ngẩn lại rất lạc đề khiến anh tôi đập bàn hét: "Vậy thì mày phải đi mà lấy cái ông Khai Trí hay Xuân Thu..."  Chữ "mày” lần đầu tiên anh dùng để xưng hô với cô em nhỏ đã làm tôi hiểu đến nơi đến chốn mức độ giận dữ của gia đình mình trước cái quyết tâm, nhất định....đi lấy chồng của tôi.

Vậy đó, mê thơ Kahlil Gibran nên còn rất hời hợt, lạ lẫm với thơ NĐức Sơn, và tôi vẫn chưa vội đọc dù hôm đó anh đã đề tặng cuốn "Tịnh Khẩu".

Sau này, đâu đó trong một tạp chí nào tôi không nhớ, bỗng thấy thích một chút thơ của anh:

 

"...Mẹ con muôn kiếp nào ngờ

Đời Cha mạnh khoẻ cũng nhờ rong chơi..."

 

Lần duy nhất tôi được gặp chị Phượng, đi cùng anh NĐức Sơn tay dắt chiếc xe đạp xẹp bánh. Ai cũng ướt mồ hôi dưới cái nắng chang chang, dễ sợ của Sài Gòn.

Nghiêu Đề và tôi ngồi bên lề đường, uống nước mía,  chờ vá xe cùng anh chị. Dưới ánh nắng chói lòa, gay gắt mà tôi vẫn nhìn ra trong đôi mắt chị ẩn chứa những buồn bã cùng sự chịu đựng vô bờ...

Lóng lánh trong thơ của các Thi Sĩ là những bà Tú Xương (sao nhiều bà Tú Xương vậy?)

Câu hỏi này cũng làm tôi nhớ bài thơ Trần Tuấn Kiệt tặng Nghiêu Đề:

 

"....Ta ngồi hát nghêu ngao

Ba mươi năm rồi đó

Chỉ thấy một vì sao

Thôi tối rồi, đi ngủ

 

Trong mộng, ước gặp mày

Gặp nhau nói mấy lời

Ngủ xong rồi... vui chơi..."

(Trần Tuấn Kiệt)

 

                                                                            -----------------

 

Sau 1975 Việt Cộng bầy ra cái "Hội Văn Nghệ", trụ sở này đặt ở ngã tư Hiền Vương và Trương Minh Giảng. Nơi đó, mỗi tuần các vị Văn Nghệ Sĩ thời VN Cộng Hoà phải tới trình diện. Nhưng với thói lè phè cố hữu, nơi đây chỉ là chỗ để tụ tập, cafe và tán dóc.

Tiền bạc không có, mua một ly cafe mà xin thêm năm bình trà để có cớ ngồi từ sáng đến trưa...

Khoảng chừng mười hai giờ, Hồ Thành Đức gõ leng keng chiếc muỗng lên cái nắp nhôm của bình trà, rồi rất hài hước anh réo bằng giọng Quảng Nam, kéo lê thê, kéo nặng nề: "Tan hàng, tan hàng, về thôi bay!"

 

NĐ Sơn không thường lui tới Hội Văn Nghệ, nhưng khi đã tới anh đều làm anh em ngạc nhiên với quần áo, giầy và đầu tóc chỉnh tề, một điều không từng có trước 1975.

Anh ngồi đó lầm bầm chửi bóng, chửi gió, chửi liên miên… Anh nói ra những sự thật mà ít ai dám đề cập đến.

Anh chửi hết từ phường khóm tới lãnh đạo... Thiên hạ nhát gan, không ai dám ngồi chung bàn vì sợ tai bay vạ gió, sợ những kẻ tiểu nhân "thừa bóng đêm quăng lựu đạn".

Anh ngồi đó một mình, không cafe, không trà đá, lầu bầu, chửi thề chán rồi bỏ về. 

Cũng có lần ai đó thắc mắc: "Tới đây mà xiêm y lộng lẫy… chi vậy, cha? " Da anh sạm nắng nên không chút ánh sắc nào còn có thể nhuộm lên nét mặt, nhưng qua câu trả lời đầy giận dữ của anh, tôi thấy ra mặt anh đang đỏ bừng như lửa:

 "Tau không muốn lộn, tau không muốn lộn".

Câu nói ngắn, rất ngắn của NĐ Sơn đã làm tôi nhìn ra những điều bất mãn, căm hận nhưng với nhiều khí tiết của anh. 

 

“... Vì sao ta đến đây hò hét

Học trò bẻ bút, tập mang gươm

Tập uống máu người thay nước lã

Múa may theo

Lịch sử điên cuồng…”

 (NĐứcSơn)

 

Từ năm 1979, NĐức Sơn mang hết gia đình anh lên Bảo Lộc, Phương Bối.

 Nơi đây anh sống hoàn toàn biệt lập, bất hợp tác với xã hội dưới mọi hình thức. Sống tự túc với đèn dầu tăm tối, ăn uống từ suối nước không chong, và cả với khoai sắn, nấm và rau trái do mình trồng ra… Một hình thức chống lại chế độ vô cùng quyết liệt và tuyệt đối của anh.

Và cho dù có vì thế mà trong rất nhiều năm, gia đình anh đã phải sống trong vất vả, cực khổ đầy lam lũ…

 

Quyết định bỏ Sàigon lên sống nơi rừng thông Phương Bối, gian nan, thiếu thốn, và rất khó khăn của Nguyễn Đức Sơn. Phần nào cho tôi nghĩ đến Bá Di, Thúc Tề: Quyết không theo nhà Chu, không ăn thóc nhà Chu. Bỏ lên núi Thú Dương, và chỉ ăn rau Vi, cho đến chết.

 

“Lên núi Tây chừ hái rau Vi

Lấy bạo đổi bạo

Chừ

Có hay chi?

Thần Nông, Ngu, Hạ...Chìm cả rồi

Ta

Biết nơi nào đi?

 

[Bá Di ,Thúc Tề, trước khi qua đời]

 

-----

 

Tôi đang đọc thơ Anh. Đọc chỉ để ngậm ngùi, đọc để ước ao nếu có một lần gặp lại, ngồi với Anh trong những bữa cơm cùng Nghiêu Đề, Lâm Triết.

Những buổi cơm chiều vừa mặn, vừa chay. Vừa nói chuyện Chùa Chiền, vừa nghe tiếng anh cười bạt mạng, la làng, và chửi thề vung vãi...

 

"...Trăm năm bóng lửng qua thềm

Nhớ nhung gì buổi chiều êm, biến rồi..."

                                                 ( NĐ Sơn)

 

Lê Chiều Giang

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Hai 20232:24 SA(Xem: 5942)
Nhớ lại những tháng năm xưa thời còn ở quê nhà. Đêm giao thừa sau khi đặt mâm cúng xong cả nhà mình đều xuất hành về hướng đông đi lễ chùa, má mặc áo dài màu nâu còn mình và bọn trẻ lại mặc đồ tây bình thường theo má. Má lạy Phật lạy hương linh ông bà chùa Long Khánh rồi sang chùa Tâm Ấn cũng như thế. Mình nhớ ngày ấy trời trong lắm lại mang hương xuân lành lạnh, đường phố sạch đẹp và đâu đó vẫn còn lác đác vài người phu quét lá bên đường còn sót lại. Mình hít hương xuân ngày đầu năm mới vào hồn với cả hân hoan.
06 Tháng Giêng 202312:51 SA(Xem: 6821)
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là thầy dạy tôi. Thầy sinh năm 1923, năm nay tròn 100, còn tôi sanh năm 1936, thầy hơn tôi 13 tuổi, năm nay tôi cũng đã 87. Tính ra năm thầy dậy tôi cách đây đã đến 70 năm rồi. Ở cái thời mà ai cũng gọi người dậy học là “Thầy”, dù là từ lớp vỡ lòng cho đến hết lớp trung học chứ không gọi là “Giáo sư” như những năm sau này. Mà người đi học thì gọi là “Học trò” chứ ít ai gọi là “Học sinh”. Thầy dậy tại trường Chu Văn An năm nào, thì tôi được học thầy năm đó. Tôi không còn nhớ mấy năm, nhưng đọc tiểu sử của thầy, trên mạng Wikipedia cho biết thầy chỉ dậy ở trường CVA có một năm 52-53, sau khi thầy dậy ở Nam Định một năm 51-52. Trang mạng này, có ghi thầy di cư vào Nam năm 54, đoạn sau lại ghi thầy dậy trường Trần Lục tại Saigon năm 53-60. Tôi không nghĩ rằng hai trường Công Giáo Trần Lục và Hồ Ngọc Cẩn dọn vào Saigon trước năm 54.
05 Tháng Giêng 202311:09 CH(Xem: 6876)
Võ Tòng Xuân, sinh ngày 6 tháng 9 năm 1940 (tuổi con rồng / Canh Thìn), tại làng Ba Chúc trong vùng Thất Sơn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Xuất thân từ một gia đình nghèo với 5 anh em. Học xong trung học đệ nhất cấp, VTX lên Sài Gòn sớm, sống tự lập, vất vả vừa đi học vừa đi làm để cải thiện sinh kế gia đình và nuôi các em... Miền Nam năm 1972, đang giữa cuộc chiến tranh Bắc Nam rất khốc liệt – giữa Mùa Hè Đỏ Lửa, Đại học Cần Thơ lúc đó là đại học duy nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), được thành lập từ 31/03/1966 thời Việt Nam Cộng Hòa đang trên đà phát triển mạnh, và đã có khóa tốt nghiệp đầu tiên ra trường (1970). Võ Tòng Xuân đã được GS Nguyễn Duy Xuân (1970-1975) – là Viện trưởng thứ hai sau GS Phạm Hoàng Hộ (1966-1970), viết thư mời ông về phụ trách khoa nông nghiệp – lúc đó trường vẫn còn là có tên là Cao Đẳng Nông nghiệp, với tư cách một chuyên gia về lúa.
11 Tháng Mười Một 202212:24 SA(Xem: 7607)
Mưa rơi trong màn hình laptop, tôi thèm nghe tiếng mưa. Đêm nay. Mưa Cali hiếm hoi, cứ như chẳng bao giờ muốn có. Nhưng dù đã cố gắng cách mấy, tôi vẫn không thể nhận ra cái rì rào ướt át, chút rét mướt của gió đêm, qua những giọt “mưa giả”, ” mưa máy móc”, “ mưa trong computer”.
01 Tháng Mười Một 202212:25 SA(Xem: 8068)
Sáng sớm, ông bác sĩ quản lý vào phòng báo tin: sau khi hội ý với các bác sĩ chuyên khoa, tất cả đồng ý để tôi xuất viện vào trưa hôm nay và một tháng sau trở lại tái khám. Thú thực, tôi mừng lắm, nghĩ mình đã được sinh ra lần thứ ba! Lần đầu, vào lúc khởi diễn cuộc Thế Chiến Thứ Hai, Mẹ sinh tôi tại một làng quê thuộc Tỉnh Hải-Dương, miền Bắc Việt-Nam; lần thứ hai cách đây bốn mươi năm, là lúc tôi được phóng thich khỏi trại tù Vĩnh-Quang, một trong những nơi giam giữ các sĩ quan miền Nam, dưới chân núi Tam-Đảo thuộc tỉnh Vĩnh-Phú, cũng tại miền Bắc Việt-Nam. Và lần này, lần thứ ba được sinh ra, là ngày tôi xuất viện, sau một thời gian trị liệu nhiều “gian khổ”, “cam go” tại một bệnh viện nổi tiếng ở Houston, Texas.
05 Tháng Mười 20225:58 CH(Xem: 3293)
Thật khó ngỡ tôi có thể sống tới tuổi 80—dù chỉ lả tuổi khai sinh. Cha mẹ cho tôi “mang tiếng khóc bưng đầu mà ra” ngày mồng 6 tháng 10 năm Nhâm Ngọ —tức 13/11/1942—tại Phụng Viện thượng, tục gọi là Me Vừng, quận Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, sau ngày cha thoát khỏi những trại tù khổ sai của Việt Cộng, định cư tại tỉnh lỵ Hải Dương hoang tàn, đổ nát, rổi dàn xếp cho mẹ và hai anh em tôi trốn ra đoàn tụ, khi làm giấy thế vì khai sinh hai anh em tôi đều được khai sinh với năm tây lịch, và ngày tháng âm lịch. Ngày sinh trên giấy tờ trở thành 6/10/1942. Bởi thế, từ buổi di dân qua Mỹ, mỗi năm tôi có tới ba sinh nhật. 6/10, 13/11 và một ngày tây lịch nào đó tương ứng với ngày 6/10 âm lịch. Vợ tôi—người tình đầu đời từ trại Bác Ái xóm Cây Quéo, Gia Định 62 năm trước, cũng nguổn cảm hứng của những vần thơ khởi đầu văn nghiệp—thường tăng khẩu phần lương thực với lời chúc..
01 Tháng Chín 20224:56 CH(Xem: 2846)
Trong quá trình khảo sát kỹ lưỡng đó , một lần nữa , thú thực tôi chỉ có thể xếp tranh của anh vào Trường Phái Chọc Ngứa Thần Kinh Thị Giác (Itchy Poking for Optic Nerve) ! Tranh của anh quá dễ vẽ, chỉ cần cầm cọ lên rồi nhúng vào bảng mầu và quẹt tưới xượi với những nét kéo dài trên mặt vải ! Chả cần phải tĩa tót cho giống đôi mắt , cái mũi, đôi môi hay mái tóc của người mẫu, chả cần có cái nhìn phớt qua của họa sĩ ấn tượng ! Cái anh chàng họa sĩ trong hang động ngày xưa , lúc chán đời cũng có thể quẹt cọ tưng bừng như anh ấy mà ! Nhưng không, anh chàng họa sĩ hang động ấy làm việc nghiêm túc và lao động cật lực hơn anh nhiều, anh ta vẽ con bò ra con bò , con hươu ra con hươu, con ngựa ra con ngựa , con chim cú ra con chim cú ! Vì sao vậy ? Bởi vì khi anh ta cầm cọ để vẽ , trong đầu anh ta đã có một định ý ! Còn anh thì không ! Trong đầu anh không có một định ý nào cả , nên anh gọi các tác phẫm của anh là Ứng Tác , được trưng bày trong Phòng triển lãm tranh có tên là “Improvisation”
21 Tháng Bảy 202211:32 SA(Xem: 8147)
Tôi hiểu nỗi thất vọng, sự đau lòng của em sau đợt thi năng khiếu chuyên ngành đạo diễn vừa rồi; và mọi lời an ủi lúc này là vô nghĩa. Tôi chỉ có đôi dòng tâm sự may ra có thể giúp em bình thản lại, dù lúc này có thể một số người thân gia đình em đang bĩu môi: “Ai bảo cứ khích nó đi vào cái nghề "chân không tới đất cật không tới trời", mơ mộng viển vông! Kỹ sư, bác sĩ còn chẳng ăn ai, nữa là cái nghề “đào giếng” (nhại vui cách nói của người miền Trung Trung Bộ)…
06 Tháng Bảy 20225:37 CH(Xem: 7567)
Người ta nói con trai thương má, còn con gái thì thương ba nhưng tôi là con gái tôi lại thương má tôi lắm, thương tự khi tôi còn nhỏ. Má tôi là một người phụ nữ đẹp và thật nhiều cá tính rất sống động. Nghe Má kể ngày xưa bà Ngoại thuộc loại tân tiến nên Ngoại cho Dì Hai, cho Cậu và cho Má được đi học chứ không câu nệ là con gái con trai gì cả. Hồi đó Má tôi học giỏi lắm nhưng Dì mất sớm rồi Ngoại cũng đột ngột mất, Má ở với bà Cố nên không có điều kiện đi học nữa cho đến lúc lấy chồng.
29 Tháng Sáu 20227:35 CH(Xem: 7965)
Thuở nhỏ, tôi cứ đinh ninh họ Phan nhà tôi toàn là người bên lương, không có ai và không có nhà nào theo đạo Thiên chúa. Đối với tôi, những người bên đạo rất xa lạ bởi không cùng tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên như mình, mặc dù làng tôi rất gần hai giáo xứ lớn của tổng Trung Châu, phủ Diên Khánh xưa: Giáo xứ Đại Điền và giáo xứ Cây Vông.