- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CÁ VÀNG

09 Tháng Giêng 202211:48 CH(Xem: 9224)
TRANH DINH CUONG
Tranh Đinh Cường

Lê Chiều Giang     

CÁ VÀNG     

 

“Sao lòng ta bỗng rộn ràng

Như những toa tàu sắp chạy

Thăm những nhà ga sắp hồi sinh

Những nhà ga sắp thở…”

[Đinh Cường 1969]

 

 Anh Đinh Cường gọi phone cho tôi chỉ hỏi:” Làm sao để thành ...Cá?”.

Cá bơi xuôi lội ngược, vẫy vùng trong biển lớn, hay quanh quẩn trong hồ ao? Cá đẹp óng ánh bơi ngược dòng, hay lừ đừ chịu trận trong lưới ngày, và ngay cả đang giãy dụa chết bởi những lưỡi câu lờ lững?

Không phải, Anh hỏi tôi về cá khác. Cá Vàng.

 

Năm 1997, anh Trần Công Sung từ Paris viết bài về chuyến ghé thăm một số bạn bè sống ở California và một vài tiểu bang khác.

Tạp Chí Thế Kỷ 21 gửi xuống San Diego bài viết của Trần Công Sung viết riêng cho Nghiêu Đề, chỉ bởi từ câu nói đùa của anh:” Suốt bao năm, Giang ngắm nhìn tôi như thích một con Cá Vàng”.

Anh Trần Công Sung viết lời ngợi ca, khen tặng tất cả những “Vợ hiền” trên trái đất. Dù có thấp thoáng chút hồn thơ mộng, vẫn không dám chểnh mảng cái trách nhiệm khó khăn muôn đời của “Hội phụ nữ” chúng tôi: Bằng mọi gíá, luôn xây dựng, vun xới quyết liệt cho một gia đình ấm êm, và hạnh phúc

 

Cuối cùng, Anh Nghiêu Đề đau ốm buông bỏ hết mọi thứ, rồi ra đi.

Và trước khi tôi bước những bước dài theo một Nhân Duyên hoàn toàn mới. Trong những chuyến du lịch xa xôi, tôi ghé Virginia thăm ngôi nhà thơ mộng của anh chị Đinh Cường.

Trên chiếc xe nhỏ mầu đỏ, Anh chạy nhiều vòng qua mọi phố, loanh quanh cùng tôi xem những kiến trúc yêu kiều của DC.

Nhớ nhất là lúc tôi ngồi dưới bóng của một tàn cây xanh mát, kiên nhẫn chờ Anh viết cho xong bài thơ bên dòng Potomac. Dòng sông với nước lung linh sáng trong ánh nắng gay gắt giữa trưa. Đúng giờ Ngọ.

Nhìn bóng nước xôn xao, tôi chợt tự hỏi có phải Anh đang nghĩ đến chiếc nhẫn anh đã quăng xuống hồ Tịnh Tâm? Ném đi mất tăm mối tình đầu tan vỡ của anh, ngay giữa dòng nước hồ tịch lặng.

Chiếc nhẫn cũng như đáy hồ… Toàn những chuyện tôi được nghe kể lại. Chỉ có điều

duy nhất mà tôi còn nhớ,  sau 75 lúc phải sống, phải điên đầu trong than lửa nhọc nhằn, anh Nguyên Khai đã tiếc nuối hỏi đùa Đinh Cường :” Mi ném nhẫn đó góc nào? để tau ra Huế, tìm cho ra chiếc nhẫn vàng dưới đáy hồ, sửa soạn một bữa tiệc linh đình, đãi anh em”.

 

Lái xe có khi lạc đường, quên lối, nhưng chúng tôi chẳng mấy quan tâm. Anh ghé hai quán Cafe có trưng tranh, treo bán nhiều tác phẩm rất nhỏ anh ký gửi. Tôi thú vị tìm ra cái hay hay của những bố cục muốn vượt hẳn ra ngoài khung tranh, những nét vẽ miên man, bất tận trong một không gian nhỏ hẹp. Rõ ràng tôi đã quen thưởng lãm tác phẩm Đinh Cường qua những tấm canvas lớn. Bóng thiếu nữ dịu dàng đứng bên góc nhà thờ, thanh thoát bay cùng tiếng chuông xa vời, trong chiều thu im vắng.

Anh dặn dò: ” Hôm nay anh mời, Giang phải uống rất nhiều, có thể uống trăm ly Cafe cho hết tiền của hai bức tranh nhỏ vừa bán”. Tôi cũng hay Cafe sáng, trưa và chiều tối, có khi cả tỷ tỷ ly trong những lúc chán đời, buồn bã từ ngày anh Nghiêu Đề đau ốm rồi ra đi. Nhưng hôm nay, một ngày rất đẹp, rất vui ở DC, chắc tôi không nên phí hoài như thế.

Anh tiếp tục lái xe, cứ lạc lối và cứ lạc đường, quyết để tìm mua những chai Red Wine, dưới trăm cái tên mà cả anh và tôi đều chẳng biết rượu ngon hay dở. Anh muốn dùng cho hết tiền tranh vừa mới có, không hết bởi Cafe, thì phải uống thêm rượu đỏ. Uống như sự đãi ngộ, phải như một tưởng nhớ về người bạn thân vừa mới bỏ đời, ra đi...

 

Chiều nhạt nắng với ngàn lá phong rơi rụng, con đường mòn phía sau nhà Anh trải đầy lá úa. Chúng tôi ngồi Cafe, nhắc lại nhiều kỷ niệm từ những ngày còn Hội Họa Sĩ Trẻ, những ngày tôi còn đi học, tôi còn bé xíu.

Tôi nhất định không muốn quên lời khiếu nại trong lần đầu tiên tôi gặp anh,  anh theo dõi bức tranh của Nghiêu Đề. Bức tranh mà khi mang tới phòng triển lãm của Hội Hoạ Sĩ Trẻ ở Alliance Francaise Gallery. Chân dung đẹp mơ màng của tôi với khung tranh chỉ được anh Nghiêu Đề quấn rất vội vàng bằng những sợi giây lạt. Với tôi, đó là một khung tranh khác lạ hay hay, và có thêm cả sự chân tình, dễ thương. Nhưng ngay lập tức, anh Đinh Cường nói với tôi theo một ý nghĩa khác:” Bằng mấy vòng giây lạt đó, “Nó” sẽ trói đời cô vào cái kiếp sống lơ tơ mơ, sống vất vưởng trên cung trăng, sống lang thang bên ngoài trái đất …”

Và lời anh Đinh Cường nói đã như một tiên tri, những sợi giây lạt tưởng như mong manh dễ rớt rơi đó, đã trói buộc tôi với anh Nghiêu Đề, một họa sĩ tài hoa nhưng nghèo nhất nước.  Chúng tôi đã sống chan hòa, sống cùng nhau cho đến hết, và cho cả đến chết.

 

—---------------

 

Chị Đinh Cường mời thêm họa sĩ Ngọc Dũng, người có nhà rất gần, một bạn thân mà như hàng xóm. Chiều tà với lá tả tơi bay, lá rụng vàng theo gió sau hiên nhà. Chúng tôi ngồi với Cafe, và những ly rượu đỏ.

 

“...Ngoài ta ai đón trăng huyền lặn

Mà dẫn đi qua khỏi cửu trùng?...”

[Trần Dần]

 

 Anh Ngọc Dũng đọc thơ Trần Dần, Hữu Loan. Tôi ngâm thơ Hoàng Cầm, Quang Dũng...

 

“...Vầng trán em vương trời quê hương

Mắt em dìu dịu buồn Tây phương

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Em có bao giờ em nhớ thương?...”

[Quang Dũng]

 

Chúng tôi như đang sướt mướt, gọi mời những hồn ma bóng quế trong Nhân Văn Giai Phẩm về đây, ngồi với.

 

“...Chồng em rách nát chiến bào

Vi vu gió thổi, bay vào Kinh Đô…”

[Hoàng Cầm]

 

Chút se sắt lạnh của chiều như làm những lời thơ xưa, nửa hùng tráng nửa buồn hơn.

Tôi nhắc anh Đinh Cường bài thơ mới bên dòng Potomac.

Anh tìm trong túi áo, anh ra tìm ngoài xe… Bài thơ chưa thuộc, bài thơ biến mất. Anh

tiếc nuối những vần thơ vừa mất tích.

Nhớ nhớ quên quên, Anh thở những hơi dài trong Pipe thuốc, đọc chút thơ có nhắc chiếc nhẫn đã quăng giữa lòng hồ Tịnh Tâm. Nhìn khói haft & haft mơ màng bay, nghe thơ mà tưởng như đang nghe anh kể lại những kỷ niệm xa vời...

Tránh đi chút nặng nề của quá khứ, anh mời chúng tôi xuống basement, Studio với rất nhiều tranh sơn dầu. Hội Hoạ Sĩ Trẻ chỉ có anh là người vẽ nhiều tranh nhất. Anh có nhã ý tặng bức nào tôi muốn mang về california.

Tranh của anh tôi treo trong phòng khách, vẫn rất mơ màng và u hoài như một bài thơ cổ.

 

---------

 

Chỉ một năm, sau lần chúng tôi ngồi Cafe bên khu rừng phong rất đẹp ở nhà anh Đinh Cường. Từ nơi khác xa xôi, tôi biết tin anh Ngọc Dũng ra đi.

Nghiêu Đề, Ngọc Dũng, và rồi Đinh Cường. Những con Cá Vàng như lời ví von của một năm nào, rất cũ. Lần lượt đã theo dòng nước trôi, rồi biến mất tăm, và sẽ quên lãng hết, ngay cả trong lòng người.

 

Duy nhất anh Đinh Cường, người ước ao biến thành “Cá Vàng”.

Cá vàng đã lững lờ lặn sâu xuống dòng nước cũ, đã tìm cho ra dưới lòng hồ Tịnh Tâm, chiếc nhẫn nào đã ném đi từ những năm xưa.

Trên chiếc cổ nho nhỏ, Cá Vàng có mang thêm chiếc nhẫn.

Nhẫn vẫn đẹp rực rỡ và óng ánh sáng như một chiếc kiềng vàng.

 

Lê Chiều Giang

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Tư 201710:53 CH(Xem: 28489)
Sau khi phần I, Én Liệng Truông Mây, được nhà xuất bản Trẻ Sài Gòn phát hành năm 2014, tôi bắt tay viết tiếp phần II của trường thiên TÂY SƠN TAM KIỆT, tức Nhất Thống Sơn Hà. Cuối năm 2015, Nhất Thống Sơn Hà đã được đại công ty Amazon của Hoa Kỳ in và bán khắp thế giới qua hệ thống Internet. Thông qua một loạt các buổi ra mắt sách tại các tiểu bang Florida, Pennsylvania..
09 Tháng Tư 20173:24 CH(Xem: 27163)
"Đúng 50 năm kể từ số báo cuối cùng của Tình Thương, một tin vui đến từ Thư Quán Bản Thảo, trong một nỗ lực phải nói là phi thường, qua hệ thống interlibrary loan, anh Trần Hoài Thư đã hy sinh rất nhiều công sức và cả tốn kém tiền bạc để có thể sưu tập lại được gần trọn bộ báo Tình Thương, đồng thời cũng qua bộ Tình Thương, 11 chương sách tác phẩm Nuôi Sẹo của nhà văn Triều Sơn đã được phục hồi..." Ngô Thế Vinh
12 Tháng Hai 20172:13 SA(Xem: 27212)
Không thể có một Vũ Huy Quang thứ nhì trên đời này, dù là trong đời thường hay khi cầm bút. Bởi vì, anh độc đáo một cách tự nhiên, cả trong giao tiếp lẫn chữ nghĩa. Khi ngồi nói chuyện với anh vài câu, bạn biết ngay không mấy ai có nhiều kiến thức sách vở như anh, nhưng cái nhìn luôn luôn mang theo nhiều chất vấn, nêu lại rất nhiều vấn đề không mấy người nhìn thấy.
30 Tháng Giêng 20172:36 SA(Xem: 25203)
Người ta bảo rằng Mahatma Gandhi có một khả năng thuyết phục tuyệt vời khi giúp cho người dân Ấn Độ nhận ra rằng vận mệnh của kẻ cầm quyền đang nằm trong chính bàn tay của họ, chỉ cần quăng đi nỗi sợ hãi họ có thể đối diện để nói chuyện sòng phẳng với chính quyền. So với VN ngày nay, số phận dân tộc VN cũng thế. Có thực sự đáng tiếc là chúng ta không có một Gandhi không?
09 Tháng Giêng 201712:12 SA(Xem: 26607)
Mỗi buổi sáng khi sương mù còn là một biển hơi trắng xoá chưa tan biến trên khắp vùng Missouri City, khi sân chơi mênh mông của ngôi trường tiểu học địa phương đối diện với cái địa chỉ văn chương Blue Ridge 1802 còn hoàn toàn vắng lặng, khi cách đó 5 dặm đường đồng, nhà thơ trẻ Hoàng Ngọc Ẩn, người hàng xóm Việt Nam còn ngủ vùi sau một ngày làm việc ở các tiệm sách nhạc mới mở dưới phố, nhà văn Mặc Đỗ đã một mình thức dậy.
18 Tháng Chín 20167:54 CH(Xem: 30930)
Bài viết "Con Đường Mặc Đỗ Từ Hà Nội - Sài Gòn Tới Trưa Trên Đảo San Hô" hoàn tất ngày 20.06.2015, biết nhà văn Mặc Đỗ không dùng internet, qua Priority Mail tôi đã gửi ngay tới Anh một bản in, tôi nghĩ Anh cũng đã nhận được và đọc bài viết ấy. Thỉnh thoảng tôi vẫn có dịp nói chuyện điện thoại với anh, vẫn một Mặc Đỗ giọng nói còn sang sảng và tinh thần thì rất ư là minh mẫn.
19 Tháng Bảy 20162:38 SA(Xem: 32696)
Trên đám mây có khuôn mặt của người mình thương / Ký ức tuổi nhỏ của em gắn liền với cái hàng ba. / Bây giờ chắc không ai biết “cái hàng ba” là gì? Đi đâu rồi em cũng trở về với cái hàng ba.
30 Tháng Tư 20161:32 SA(Xem: 36502)
"Thảm kịch của dân tộc Việt suốt hơn 70 năm qua phần nào khởi nguồn từ sự thiếu hiểu biết chính xác về Côn [Hồ], cũng như Đảng Cộng Sản Việt Nam, và ngay cả cái học thuyết dịch sai thành “Cộng Sản,” của “Mã Khắc Tư.” Nói rộng hơn, sự hận thù, phân hóa giữa các giai tầng, phe nhóm Việt phần lớn do sự cận thị lịch sử mà ra: chúng ta đã phải chia phe phái bắn giết, hận thù, chửi rủa nhau suốt bao thập niên, đúng hơn hàng chục thế kỷ qua, cũng chỉ do bị nhiễm độc bởi những ngụy sử, do tài liệu tuyên truyền tinh vi của nhiều phe nhóm, chính quyền và cường quốc tạo nên; hoặc do những người thiếu kiến thức, lại tham vọng bắt lịch sử phải uốn quanh “chiếc giường tên tướng cướp trên lưng” mình." (NGUYÊN VŨ)
27 Tháng Tư 201611:25 CH(Xem: 32424)
Nổi buồn ngay cả không thể neo đậu vào những chiếc áo chemise trắng của ba tôi, vào hàng nút áo đã bị cắt rời khỏi khuy áo, mà mới đó chỉ hơn 60 ngày trước, và suốt trong 60 năm chính tay mẹ tôi đã cẩn thận và âu yếm cài từng chiếc nút áo vào khuy áo?
04 Tháng Tư 20161:35 CH(Xem: 29243)
Từ nhiều năm nay trước khi lên giường ngủ, tôi phải uống ba loại thuốc an thần một lúc. Ngày Đinh Cường còn, chúng tôi thường trao đổi nhau về tên vài loại thuốc trị chứng mất ngủ này. Anh có uống thử, nhưng rồi vẫn trở về với Ambien 5mg, dù thuốc chỉ giúp anh chợp mắt vài ba tiếng, không ngủ lại được.