- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

“KÊN” VỚI TUỔI ĐỜI

30 Tháng Mười Hai 20215:32 CH(Xem: 10432)

 

 

PHO LOMBARD SF
Phố Lombard SanFrancisco

                                            

 

“KÊN” VỚI TUỔI ĐỜI     

Lê Chiều Giang     

 

 

Khi chợt nghĩ tới số 60, tôi nhắm mắt uống thêm 3 hớp cafe một lúc. Trôi xuống cổ tôi là cái nóng cháy và đắng ngắt của ly cafe vừa sôi, không đường, sữa.

Nếu cafe mà làm biến mất đi được cái số đáng sợ này, chiều nay tôi tình nguyện uống thêm vài ngàn ly nữa. Đánh đổi lại với tuổi trẻ mướt xanh, tôi thà bỏng môi, tôi thà rát cổ.

Phản ứng với số 60 dễ ghét, tôi tiếp tục mặc jean bó sát, áo trễ xuống thêm chút nữa và luôn đi giày cao gót. Tiếng gót khua vang, vọng theo mỗi bước chân, khi rộn rã, lúc reo vui đã làm tôi thân ái, ấm áp hơn với số tuổi không còn trẻ nữa của đời.

Đó là dáng, là điệu bộ của 60, cố gắng hết sức để nhìn như 50 hay trẻ hơn thế... Nhưng làm sao tôi thay xiêm, đổi áo. Lại càng không thể mang gót cao, cho sự đổi thay đích thực của mỗi tế bào trong cơ thể. Những tế bào mà chúng cứ vùng vằng, đả đảo, bắt tôi không thể xén đi, không được cắt bớt chút thời gian nào, mà phải trân trọng tuổi tác như một ân sủng đã được ban cho từ đất trời.

 

                                                                          ******

 

Khi biết chuyến bay bất ngờ trễ thêm 4 tiếng. Tôi dựa lưng mà như muốn dài thân trên ghế vì chán và tức United Airline, bởi mọi chương trình đón đưa sẽ bị thay đổi hết…

Vừa ngồi lại cho tử tế, mắt tôi chạm phải ánh nhìn không rời của người ngồi đối diện. Hơi khó chịu, nhưng tôi chậm phản ứng, hắn hạch sách trước: “Chị “nghinh” em phải không?”, tôi liền dùng đúng ngôn ngữ giang hồ: “Không nghinh, “kên” thôi” Cả hai cùng cười và hắn điềm nhiên ngồi xuống ghế bên cạnh.

Thôi, chẳng cần thắc mắc, cứ coi như chúng tôi vừa sáng tác ra một lối làm quen, một cách chào hỏi mới.

Tôi phàn nàn nếu phải ngồi đợi ở phi trường San Francisco lâu thế, thà ra phố. Ngay lập tức hắn text hẹn Uber…

 

Lombard, San Francisco. Đẹp thơ mộng với những con đường dốc chập chùng của mọi sắc hoa. Tôi cũng thường tới con phố nhỏ có hoa đủ 365 ngày này, thích thú với cảm giác khi để yên cho xe chạy dốc, qua những khúc quanh bất ngờ, mà không bị lật, không bị quăng ném xuống chân đồi.

Chúng tôi chọn một quán cafe nhỏ có balcony nhìn xuống ven đường thoai thoải dốc, được viền bằng những khóm hoa rực rỡ, đẹp, chan hòa ánh lên cùng chút nắng sắp tắt của một  chiều mùa xuân.

 

Phân tích về cách cấu trúc khác lạ của phố Lombard, chúng tôi mải mê nói về những Art work và Architecture. Cafe đã bị bỏ quên, lạnh tanh nguội ngắt.

Cùng say mê nhiều bố cục kiến trúc tuyệt vời, những tác phẩm toàn hảo thời Renaisance và Baroque. Bên cạnh Alberti, Palladio… Chúng tôi chẳng thể quên, không nhắc tới những thiên tài đã vật vã, miệt mài suốt bao năm cho đến tận cuối đời, để sáng tạo ra rất nhiều công trình đẹp muôn đời, vĩnh cửu như Michelangelo, Bernini...

Lan man, chúng tôi vòng vo qua hết những tượng, cùng tranh, bàn thêm cả về những khối kiến trúc cách điệu tân kỳ, rất đặc biệt của Antoni Gaudi....

Và, tôi cứ ngỡ như mình đang trở lại Châu Âu, trở lại với những chuyến du lịch xa vời, đầy thú vị của những ngày xưa, tháng cũ.

Cảm nhận của Khoa về Art, đánh thức trong t̉ôi niềm vui được bàn tới, được nói về bao điều mình đam mê thích thú, mà từ lâu lắm rồi như đã lãng quên.

Âm vang tiếng nói Khoa ấm áp nhưng sôi nổi, không đều đều buồn bã như kinh.

Tôi ngước mắt ngắm ánh nắng cuối cùng đang chìm dần vào tối, thiếp theo cùng chút hạnh phúc hiếm hoi, rất tình cờ, chợt tìm đến...

 

Thiên hạ hay bàn về những điều bất biến, những bền bỉ trăm năm… Chẳng lạc quan như thế, tôi tính theo phút, theo giây. Một chút gì đó dễ thương, hay hay rồi biến mất, ngày mai sẽ chẳng còn lại gì, bởi chính tôi không hề thiết tha gìn giữ.

Những bóng những bọt của đời người, chúng ta xấn tới, quyết nắm bắt cho bằng được, để đến khi nhìn ra, nhận thấy... Và sau cùng, những văn, những thơ đã ào ạt, thoát ra với cả tỷ lời thở than, phiền muộn.

Hóa ra tôi không có gì  “buồn” hết sao?:

Những vớ vẩn, thích bày đặt ra niềm u hoài không tên, của tuổi nhỏ. Những mơ màng, cũng vẫn không tên, thời thiếu nữ. Và từ khi hết ngây thơ để hiểu ra rằng, mọi tai ương luôn bỗng dưng từ trên trời cao rơi xuống. Chúng có tên gọi đàng hoàng, lại còn được gọi bởi rất nhiều thứ tên...

Tôi chẳng buồn đâu. Tôi... sợ hãi!

…….

Máy bay của những ngày giáp Tết chật cứng, Khoa loay hoay nhưng chẳng ai muốn đổi chỗ, nên dù rất muốn, chúng tôi không thể ngồi chung cùng hàng ghế.

Như một trò chơi tuổi nhỏ, Khoa viết, tôi viết… Dân kiến trúc, chữ Khoa rất đẹp. Chúng tôi thư qua thư lại trên những manh giấy nhỏ trong suốt chuyến bay dài…

Khoa múa chữ mông lung, tôi viết mơ hồ, lãng đãng. Chúng tôi tránh không hỏi gì về đời sống thật của nhau. Những điều không chú́t cần thiết, chẳng dính dáng gì đến hai cái phi trường: San Francisco và Tân Sơn Nhất. Nơi chúng tôi đã gặp và sẽ nói lời từ biệt.

 

Khoa muốn nán lại ở Tân Sơn Nhất. Tôi cũng kệ người nhà đang sốt ruột, trông ngóng bên ngoài chờ đưa, chờ đón… Chúng tôi ngồi bên cạnh những chậu hoa đào thắm hồng, rực rỡ của một tối giáp Tết, trong quầy cafe nhỏ.

Xuân quê hương, đã bao năm rồi tôi không trở lại?

Tôi nhớ thiết tha những con đường có lá bay, rơi rụng xoắn xít trên tóc, trên áo trắng đẹp mượt mà m̀ỗi chiều tan học. Tôi mê những đêm mưa tầm tã, gió âm u thổi cùng sấm sét, nằm nghe mưa rơi mà không nỡ ngủ quên, vì thương chút âm ẩm, se sắt lạnh của Saigon.

Và tôi nhớ như điên những thơm tho của mùa Tết nơi xóm nhỏ. Mùi sơn mới, khói pháo bay, cùng với hương lá xanh nồng nồng của bánh chưng. Tôi thích ngồi xếp soạn những dĩa mứt có màu sắc óng ả, đẹp như tranh, để Ba Mẹ mời khách dùng với tách trà thơm ngát.

Tôi cũng biết, sẽ chẳng bao giờ ai có thể quên những đồng tiền mới, lao xao, rộn ràng trong túi áo reo vui của những ngày Tết năm xưa, khi còn bé dại...

 

Khoa trách tôi thật vô lý, nếu sau hôm nay chúng tôi sẽ không còn gặp lại, dù Khoa và tôi cùng sống trong một tiểu bang rất đẹp. California.

Khoa sẽ chẳng bao giờ hiểu rằng, tôi tránh trước những tai ương trên trời, những sóng dữ dưới chân… Và trong hãi sợ, tôi tránh luôn những cảm xúc, những chao động mơ màng sẽ không thể thiếu, của những ngày sắp tới.

Trước khi chia tay, Khoa viết số phone trong bao lì xì giấy đỏ, đặt lên tay tôi với mắt nhìn đằm thắm.

Chờ bóng Khoa khuất tôi mới đọc lời chúc tết, bên cạnh là hàng dài số phone và email.

Một chút ngập ngừng, đầy tiếc nuối, tôi thả số điện thoại, email của Khoa vô ly cafe đang uống dở. Màu giấy đỏ tan trong cafe sữa, biến ra một chất nhờ nhờ trông thật khó chịu, dễ ghét.

Nét chữ đẹp không uốn nắn của Khoa thấm nhòe, loăng quăng như những sợi tóc ướt.

Tôi nhắm mắt, uống cạn ly cafe đỏ như máu pha. Ly độc dược đắng ngắt, nhợt nhạt, tượng trưng cho một năm tàn, sắp hết.

 

Tính theo cách Việt Nam, những tính toán rất lạ lùng. Trừ đi hết mọi thứ, nhưng tuổi tác thì nhất định cứ phải cộng thêm...

Và sáng mai, mùng một Tết.

Khi tiếng chuông nhà thờ Đức Bà rộn rã, ngân nga như những lời chúc phúc đầu năm. Tôi sẽ uống rất nhiều những ly cafe, ung dung ngồi “Nghinh” với tuổi sáu mốt.

 

Lê Chiều Giang

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 41438)
Bài viết chỉ là hồi tưởng và những kỷ niệm rất riêng tư với giáo sư Phạm Biểu Tâm, với tâm niệm khi viết là làm sao vượt qua được cái tôi thường tình trong một bài tưởng niệm 100 năm ngày sinh của một vị danh sư đã để lại những dấu ấn lâu dài trong Ngành Y của Việt Nam từ thế kỷ trước. (Ngô Thế Vinh)
08 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 53427)
“Kính gửi chị…..Tạp chí Văn đã đình chỉ đã vài tháng rồi nhưng chúng tôi chưa thông báo cho độc giả kịp. Thành thật xin lỗi chị”. Một cảm giác hụt hẩng và bàng hoàng xâm chiếm hồn tôi. Một mất mác vô cùng lớn bỗng làm tôi xốn xang như tôi vừa đánh mất một điều gì quí giá trong cuộc đời mình...
27 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 52996)
T háng 3 năm 75, cái hiền hòa thơ mộng của thành phố Nha Trang đã biến mất. Đà Nẵng đã thất thủ, dân và lính từ Kontum, Pleiku đang ào ạt đổ về thành phố biển. Thành phố bụi bặm và đông nghẹt người di tản với khuôn mặt ngơ ngác lo âu, những chiếc xe M-113 phủ lá cây ngụy trang từ Tây Nguyên ầm ì chạy vào thành phố và ngồi sau những khẩu đại liên là những người lính mệt mỏi đăm chiêu.
12 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 53748)
K hi nói tới kinh nghiệm làm việc với ông Chu Tử, một chi tiết chợt bật ra trong đầu mà đã từ lâu tôi quên bẵng đi mất. Đó là việc làm “ghost writer” cho người tự nhận đã bắn ông Chu Tử năm 1966, vào một giai đọan có thể nói là một trong các thời kỳ chính trị nhiễu nhương nhất của Việt Nam Cộng Hoà.
30 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 62351)
“… (Bệnh viện) Ung Bướu VN đã làm một điều quá tàn nhẫn với em là chuẩn đoán sai và phẫu thuật cẩu thả. bây giờ, mỗi khi nhìn xuống ngực mình là em rớt nước mắt. không biết nó đã cứu em hay đã giết chết em bằng 1 cách nào đó. em rất muốn gặp 1 người phụ nữ mất ngực để hỏi xem bằng cách nào mà họ vượt qua nỗi đau đó mà sống yên vui. em chưa thể...” ...Từ chỗ nằm gần như suốt ngày đêm, thư của Trang khiến tôi bật dậy..
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 65421)
Đ àn chim với những con Rose breasted màu nâu nhạt, ngực đỏ;con Western King with fledgling cũng màu nâu nhưng cái cái ngực vàng hườm; con Red headed woodpecker mình gọi là chim gõ kiến có cái đầu màu đỏ, con Indigo Bunting tròn như con sáo quê nhà, nhưng lại xanh biếc như da trời. Tất cả bọn chúng, mỗi buổi sáng, theo nhau về ríu rít trong vườn nhà tôi...
22 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 108700)
T ôi đến thăm anh một chiều mưa Huế. Nói chính xác là một chiều mưa rằm Huế. Trời xầm xì và mưa lách nhách. Lá cây ướt đầm...
22 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 105172)
K hi tôi viết những dòng chữ này, thì ở Nam California gia đình và thân hữu của nhà văn Nguyễn Mộng Giác đang tiến hành những nghi thức cuối, tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Trước đây gần hai năm cũng tại địa điểm này, cũng những thân hữu này, đã tiễn đưa nhà văn Cao Xuân Huy trong chuyến đi chót cùng của đời anh. Nguyễn Mộng Giác là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút đầu tiên và Cao Xuân Huy là chủ nhiệm kiêm chủ bút cuối cùng của tạp chí  Văn Học ...
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 107186)
N guyễn Mộng Giác sinh năm 1940 tại Bình Định, trong một gia đình gồm 7 anh chị em. Ông là người con thứ hai. Cha ông, một nhà giáo trong thời Pháp thuộc, thưở nhỏ ông cắp sách theo cha đi nhiều nơi vì thời gian đó nhà giáo luôn được thuyên chuyển công tác liên tục. Ông thừa hưởng nếp sống mô phạm từ cha mình.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 87790)
T ôi thật sự muốn viết đôi dòng tưởng nhớ anh Nguyễn Mộng Giác nhưng ngày qua bốn ngày, vẫn không viết được gì. Nhớ rất nhiều chuyện. Nghĩ rất nhiều chuyện. Âm ỉ âm u.