- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tháng 4 vữa

20 Tháng Tư 20214:59 CH(Xem: 10650)


Nguyen Thi Thanh Binh-Thang Tu vua

NGUYỄN THỊ THANH BÌNH

Tháng 4 vữa

 

Tháng tư năm ấy, sao tôi không mấy lao đao về cái chết tự tử của một người chị họ chưa đầy hai mươi tuổi. Năm ấy, một chín bảy lăm, nghe mạ tôi nói chị bị cào nát mặt hoa và ăn đòn phù mỏ chỉ vì lỡ tranh giành một miếng nước ngọt trên chuyến tàu tản cư từ Đà Nẵng vào Nha Trang. Liệu như thế đủ để chị chán sống hay còn vài lý do thầm kín khác mà tôi không đoán được. Ồ phải rồi, nghe kể mẹ chị ấy là mợ tôi ngồi đâu cũng thở dài rất thảm, lâu lâu tuồng như muốn nuốt ực những giọt nước mắt dội ngược vào lòng và lâu lâu thì lại trào ra trăm lời nguyền rủa về những xui xẻo không tránh được, ví dụ nỗi đau rát rực rỡ của mấy bợm máu kinh nguyệt thời con gái chị tôi đã phọc lai láng trên đít quần suốt những ngày chạy giặc thiếu nước và máu ôi thôi là máu của những xác người vô thừa nhận trên con đường lánh nạn. Tháng tư năm ấy, khi những mộng ra cửa lớp của tôi với bạn bè đã bị cắt ngang nửa chừng bởi những tiếng bom đạn của chiến tranh, thì bây giờ sau 30 năm của những hồi ức, hình như tôi chỉ có thể quên màu rực rỡ nắng ấm của ngày hôm ấy nhưng không thể nào không nhớ rất rõ màu rực rỡ đến ngất ngây tàn bạo của lửa và máu ở xung quanh mình. Tháng tư, hình như bây giờ tôi lại nhớ ra có lần tôi nghĩ giá gì người ta có thể tự chọn cho mình những cái chết thì vẫn có lý hơn.

 

Chị họ tôi nốc một lọ thuốc ngủ và chết, khi vẫn còn quá trẻ. Một sự lựa chọn có thể chỉ xảy ra trong một  tích tắc bốc đồng nào đó. Tự nhiên rồi thấy không còn gì thiết tha nữa và trong một khoảnh khắc ấy muốn chết và tìm cho mình một cách chết, đơn giản thế thôi. Một sự định đoạt gọn băng và không thích đôi co với số phận. Thật tình chị tôi cũng đâu có một sự chọn lựa nào khi bị thảy vào cuộc đời này, vậy tại sao chị tôi không có quyền từ khước đời sống? Tháng tư bảy lăm, chị tôi bị mang tiếng là đứa con bất hiếu, chết đọa xuống địa ngục, nhưng chính mợ tôi cũng đâu được phép ngồi rủa sả bao lâu vì sau đó phải đèo lũ con trai và gia đình lên tàu lần nữa vào Sài Gòn “cho chắc ăn”. Tháng tư năm ấy, lẽ nào vì phải nghe ngóng quá nhiều cái chết đổ về từ chiến trường, những nẻo đường quốc lộ tản cư, những giặc giã khắp nơi... nên những cảm xúc trong tôi bỗng sơ cứng lại một cách kỳ dị. Không, không hẳn là tôi đã quá vô tình như thế đâu. Sự thật tôi vẫn còn bị ám ảnh ngậm ngùi về cái chết đẫm ngất man rợ với thần chiến tranh của người đàn ông chưa một lần được gặp mặt đó. Cái chết của cậu thanh niên vừa tròn hai mươi tuổi, em ruột của chị dâu tôi. Tháng tư bảy lăm, khi mà mọi sự chuyển động giữa hai bờ sống và chết đã lên đến cao điểm của rất nhiều người, tháng tư với nỗi căng thẳng tột cùng của chiến tranh đang đến hồi nát bấy và dứt điểm, sao gã trẻ tuổi đó bỗng mở đường máu chạy thoát về nhà rồi cũng chính gã lại tự giải quyết đời mình một cách phi lý như thế. Cái chết sau 30-4 khi hòa bình vừa ló dạng: một tên thanh niên mặt búng ra sữa trốn vào phòng đóng cửa lại, loay hoay mặc vào người bộ quân phục và kê súng vào màng tang nẩy cò. Điều gì đã làm gã thanh niên ấy bật máu và phun hết tủy xương ra như thế? Mặc cảm đào ngũ khi bạn bè đồng đội của mình phải gượng lết tử thủ? Quân phục, súng ống và viên đạn nơi màng tang của người thanh niên, phải chăng là hơi men của con quái vật chiến tranh vẫn phủ chụp, không chịu buông tha? Mới hai mươi tuổi người thanh niên ấy vẫn còn một đời dài trước mặt, mà cho dẫu có phải “ngậm một khối căm hờn trong cũi sắt” ở những nhà tù cải tạo, anh ta vẫn còn hai bàn tay chưa đến nỗi mỏi mệt để chiến đấu (phấn đấu thì đúng hơn, vì không phải cuộc chiến đã tàn rồi hay sao?)

 

Tháng tư năm bảy lăm, bây giờ tôi càng hiểu ra tại sao mình đã không mấy quay quắt về cái chết tự tử của một người chị họ vẫn còn nhan sắc và chưa đầy hai mươi tuổi.

 

Đêm qua khi tôi đang ở trong trạng thái ngây ngây của nửa quên nửa nhớ, và ước gì ký ức có thể tự ý sàn lọc được những điều mình không muốn nhớ, tôi lại bỗng vụt dậy cơn xúc động rụng rời chưa từng có chỉ vì một mẫu báo. Bây giờ là giữa tháng hai, vẫn còn là Tết ở quê nhà, đời sống đáng lẽ phải còn rất xuân và vẫn còn rất thơm mùi bánh pháo, sao điều khốn nạn ấy vẫn xảy ra dễ dàng đến lạ lùng như thế. Chiến tranh đã bỏ đi những 30 năm, sao vẫn chưa tha cho những trẻ thơ vô tội? Một mẫu báo nhắc đến bản tin của thông tấn xã AFP không thể coi như mẫu tin cán chó, về một cuộc chiến đã kết thúc nhưng vào một ngày đầu xuân như thế, ở Bình Phước một em bé 8 tuổi phải tan xác ngay tại chỗ và hai em kia, có em chỉ mới 5 tuổi bị thương nặng vì bom sót lại từ cuộc chiến xa xưa phát nổ. Buồn và đau, rồi sợ hãi và nghi ngờ về những nỗi thanh bình giả tạo. Những vỏ đạn chỉ chờ một phút giây nào đó để nổ tung. Nghe nói có khoảng 38 ngàn người đã thiệt mạng và hơn cả trăm ngàn người bị thương tật vì đạn mìn vẫn đeo đẳng chưa dứt ấy. Bây giờ là dấu mốc 30 năm của ngày cuối tháng 4 năm 75, tôi đang ở một nơi quá xa Việt Nam để nhớ về một nơi chốn mình vừa chợt lớn đã phải bỏ đi đành đoạn. Ba mươi năm chẵn ly hương đối với tôi nhưng có thể ít hơn với nhiều người khác, vậy 30 năm có phải là khoảng thời gian quá dài để phải sống lại với những nhức nhối nào đó. Ba nươi năm, tôi thực sự ngửi thấy mùi ẩm mốc của kỷ niệm nhưng ngọn nến tưởng nhớ vẫn chưa lụi tàn nổi. Ba mươi năm, cho tôi ít là một lần được trở về trong ký ức để cùng nổ tung xác với những người đã khuất. Để chết và cũng để sống với những người đã im lìm ngủ yên. Ba mươi năm, đừng hỏi tôi có đau lòng hay không. Một ngày cuối tháng tư ấy đâu phải chỉ vừa mới xảy ra hồi tháng trước hay năm ngoái. Ba mươi năm, tôi không muốn nói đến những băng hoại phân hóa của lòng mình hay của bất cứ ai và nơi đâu. Trong một bài viết hạn hẹp như thế này, tôi chỉ muốn nhìn lại những thân phận Việt Nam nói chung và những phụ nữ Việt Nam nói riêng không như những thứ bèo giạt hoa trôi. Ôi những phận người mong manh và những đón chờ những vận hội mới chính hiệu con nai vàng! “Tháng tư của chúng tôi. Như một đám con mồ côi. Lạc lõng cội nguồn quê mẹ. Tháng tư của chúng tôi. Bồng bế nhau vội vã. Oằn trên lưng lịch sử một thế hệ lưu lạc...” Đó là những dòng chữ đầu của bài thơ tôi viết cách đây khá lâu, rồi thì cũng nghe lại ở đâu đó trong những rủa mòn của ngày tháng những cha và mẹ, những anh và tôi, những chị và em, những cô và cậu, những bạn và bè cùng những tiếng gọi kêu của quá khứ.

 

Nghĩ lại thấy cuộc đời của ba mạ tôi hệt như một cuốn truyện dài phiêu lưu đường trường: từ Quảng Bình thoát vô Huế, từ Huế chạy vô Nha Trang, rồi một ngày biến động giữa tháng tư lại đèo cả gia đình dạt vô Sài Gòn. Có điều cuộc đời phiêu lưu của ba mạ tôi đến giai đoạn này vụt chấm dứt. Ba mạ tôi nhất định không từ bỏ quê hương, dù lúc đó tôi đã mếu máo: “Ba mạ không chịu đi thì con đi làm chi?” Dạo đó tôi vẫn quá ngây ngô để đoán chừng ba mạ tôi không muốn dứt bỏ căn nhà lầu ở con phố chính ấy. Tôi quên mất một điều là ba mạ tôi đã từng dứt luôn một rạp hát lớn vừa xây xong ở Đồng Hới. Một điều quên cũng khá ngu ngơ khác là gia đình của anh cả tôi lúc đó vẫn còn  đang kẹt lại ở Nha Trang. Anh tôi lúc đó vừa thương tích xong, khá lành lặn và được xin về biệt phái dạy học ở một trường tư thục Ninh Hòa (một quận lỵ gần Nha Trang). Dạo đó tôi đang có mặt ở Sài Gòn và trọ học ở nhà một người bạn của mạ tôi. Ở đấy, gia đình này đã có sẵn trong tay giấy tờ bảo lãnh của con cái ở Mỹ, với đủ lời dặn dò khẩn khoản là phải “ra đi” gấp, nên tình hình dưới mắt những người tạm gọi là “thân Mỹ” lúc đó đều thấy được là không thể có giải pháp trung lập như nhiều tin đồn. Dạo đó gia đình tôi hình như cố tình đánh mất khả năng đọc thấy thông điệp cuối cùng của chiến tranh kịp thời gởi đến: Mọi người đều lần lửa không muốn tin, không dám tin hòn ngọc Viễn Đông sẽ bể nát đột ngột như một cái chớp mắt phụt tắt của những trái hỏa châu.

 

Tháng tư, chỉ một vài ngày trước khi Sài Gòn thực sự chết đứng qui hàng kiểu Từ Hải, sân trường đại học sư phạm nắng vẫn vô tình rực rỡ óng ả thay vì trời đất phải ủ dột tang thương. Chúng tôi lúc đó vẫn có mặt đều đặn và hình như còn khá đủ bạn bè, cùng với những nét mặt đã ra chiều đăm chiêu của thầy cô. Buổi sáng đến lớp, thay vì chỉ biết ngợp ngợp xanh xanh trong lòng những lá cây, bầu trời, sân cỏ hay nụ cười và vai áo rực trắng... chúng tôi đã phải vướng mắc thêm những giăng giăng biểu ngữ dọc theo những ngõ ngách đến trường, đại loại như: “Toàn dân lên án Cộng Sản dã tâm phá hoại hòa bình” hoặc những câu thơ khá thời thượng lúc ấy được một tên bạn cùng lớp hí hoáy tự bao giờ trên bảng: “Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ” hoặc Chí lớn chưa về bàn tay không”.

 

Dăm bảy ngày trước khi miền Nam hoàn toàn sụp đổ, gọi như thế đi, dù chẳng thơ mộng chút nào và làm sao có thể thơ mộng được, tôi và Trân Sa vào câu lạc bộ trường uống cà phê vội vã với nhà văn Khuê Việt Trường lúc đó vừa xé rào từ xa về trong bộ đồ lính. Hình như tôi nhớ mơ hồ khuôn mặt hắn vẫn còn non choẹt và chiếc áo trận vẫn không làm hắn trở nên phong trần cho lắm. Hắn đùa đùa: “Nhìn sân trường các cô đang học, thấy sao thanh bình quá. Còn lính tráng tụi này sao tên nào cũng nhếch nhác như... người về từ cõi chết. Không, người về từ Charlie chứ.” Hình như chúng tôi nhắc đến một vài kỷ niệm với một vài người bạn khác ở Nha Trang rồi bỗng chợt nhận ra những ngày vui ngắn ngủi đã vụt qua, đã bay mất và không bao giờ còn tìm nhặt lại được. “Phố biển coi như tiêu rồi, bây giờ chỉ còn Sài Gòn”, không phải chúng tôi đã lặng lẽ nói với nhau như thế sao?

 

Quay lại lớp học và mấy ngày cận kề sau đó, hình như bạn bè chúng tôi thường dỗ dành nhau bằng một vài câu thơ của Du Tử Lê: “Anh đã bảo ngủ đi hỡi cô nàng bé nhỏ. Đạn nổ đều nhưng đạn nổ rất xa. Cho dù mai kia đạn nổ thật gần. Thì cũng thế mà thôi, có gì đáng lạ?

 

Lâu lâu, chúng tôi bỗng hù nhau khi hốt dưng giật mình vì tiếng máy bay hỗn loạn xé nát không trung: “Ê tụi bay, Việt Cộng mà vào là kể như tụi mình mỗi đứa bị đem gả cho một thúng.” “Thúng gì chứ?”, một cô trong bọn vờ ngây thơ hỏi. “Một thúng là một anh cán bộ bị mất tay mất chân nằm gọn lỏn như thế, mày không nghe thấy sao”, cô kia nhăn mặt trả lời. Sống lưng tôi lạnh ớn như có một luồng khí từ âm dương cách trở tạt về. Dạo này tôi để ý thấy tên bạn trai cùng lớp lúc nào cũng nơm nớp sợ thần chết rượt tới tận lớp học. Hắn đặt câu hỏi rồi tự trả lời lấy: “Bộ mấy bà không thấy trường mình lúc này có mấy khuôn mặt lạ lạ cứ vờn qua vờn lại trong sân sao? Tui nghi quá, chắc là tụi sinh viên nằm vùng định đến truy dân Sư Phạm tụi mình.” Một tên bạn khác than thở: “Cả nhà dọt ra Phú Quốc tìm đường tẩu hết rồi. Khổ quá, mình phải ở lại đây để học vì không biết đâu mà mò. Lỡ không có chuyện gì, bỏ học nửa chừng kiểu này dễ bị đánh rớt rồi đi lính bỏ sừ”. Rõ ràng mỗi đứa trong chúng tôi lúc đó ngửi mùi chiến tranh một cách khác nhau. Có điều chắc chắn đứa nào cũng bắt đầu nhìn đời qua lăng kính màu chàm hoàng hôn ảm đạm. Màu của những chực chờ một điều gì đó có thể là ghê gớm lắm sắp phủ chụp xuống. Màu của những rình rập tự hỏi không biết ngày mai có sao không.

 

Ngày mai có sao không” đối với khá nhiều người ở Sài Gòn lúc đó hình như vẫn còn mù mờ theo kiểu trời kêu ai nấy dạ. Và họ vẫn sống, vẫn ăn uống tiêu xài bình thản như không hề hay biết có một số người chạy đôn chạy đáo kiếm đổi cho được những tờ đô-la xanh để bay ra nước ngoài.

Còn nhớ khoảng vài ba ngày là lịch sử sang trang, mạ tôi bất ngờ tạt qua trường kéo tôi về ngang xương giữa giờ học. Chẳng hiểu sao lúc đó chúng tôi có thể ngồi yên mà học chứ? Khi ngoài cửa lớp tiếng bom đã dạt về quá gần thành phố. Ngoài cổng, ba tôi đứng chờ với một bộ mặt thất thần nhưng rồi lại chở tôi đổ xuống một tiệm ăn. Mạ tôi ứa nước mắt: “Để gọi cho con một vài món gì đó trước khi đi, kẻo qua đó tha hồ nhớ đồ ăn Việt Nam”. Mặc dù khá đói bụng vì mùi nấu nướng xông lên ngào ngạt, tôi vẫn không nghĩ mình có thể nuốt nổi bất cứ một thứ cao lương mỹ vị nào lúc này. “Món lươn um sả ớt như bàn bên cạnh ăn với cơm là nhất”, người chủ tiệm kiêm bồi bàn đề nghị thì phải. Mặc dù tôi lắc đầu tỏ vẻ không hưởng ứng, ba mạ tôi vẫn kêu đồ ăn đầy bàn. Tôi nhớ mình đã cố gắng ăn cho ba mạ tôi cùng ăn theo, nhưng chỉ món lươn là tôi không buồn nhúng đũa vào. Ba tôi hỏi nhỏ, giọng rơm rớm: “Cay quá con ăn không được hả? Bậy thiệt.” Tôi lắc đầu: “Không phải đâu, tự nhiên rồi con không thích món lươn nữa.” Mạ nói và không hề đoán được ý nghĩ trong đầu của đứa con gái lắm chuyện lúc đó: “Mọi lần ở nhà làm món lẩu lươn, con gái mạ vẫn ăn dữ lắm mà.” Phải rồi, mạ không biết bây giờ mọi sự đã đổi khác hay sao? Những biến động đã đến và sẽ tiếp tục dồn đuổi đến cùng. Những cảnh đời, những thành phố cứ thế bị cắt dần, cắt dần thành từng khúc, từng khúc  như đầu, mình và tứ chi của một con lươn trên một tấm thớt. Buổi ăn hôm ấy làm sao tôi không chan cơm với canh và nước mắt được. Trong đó rõ ràng là có cả nước mắt cho hình ảnh bi thảm của con lươn lịch sử bị hung thần chiến tranh đem ra chặt đầu. 

Ngày 27-4 mạ dí vào tay tôi một bịch tiền giấy 500 in hình Đức Thánh Trần, và dĩ nhiên thêm ít vòng vàng của cải một đời làm vợ của mạ. Không hiểu sao lúc ấy người tôi cứ im sửng và răm rắp như một cái máy. Tôi nhận, đút ngay vào ngực coóc-xê mà quên mất rằng đi Mỹ không một đồng đô-la dính túi. Anh rể tôi thì cứ luôn miệng nhát ma: “Qua Mỹ muốn đi rửa chén cũng phải có cái bằng.” Anh ấy đã ở Nhật và Mỹ, nên nói thế nào tôi và cả nhà tin thế ấy. Điều lạ lùng và bây giờ tôi nghiệm ra là điều lạ lùng này bao giờ cũng chỉ xảy ra lúc người ta vẫn còn quá trẻ: đó là niềm vô tư và nỗi lo âu cho những ngày tháng sắp tới bơ vơ nơi xứ người hoàn toàn không ở trong tôi lúc đó. Anh ấy làm tình báo, có nhiều mối để đi nhưng cuối cùng ông xếp hứa bốc ảnh và vợ con cũng đã dọt mất. Tôi hiểu một khi ba mạ tôi không muốn đi, tức là ước muốn được dồn tình thương cho tôi và hai cậu em.

27-4 trong lúc anh tôi vẫn muốn được bốc đi thật nhanh bằng máy bay, nhưng lại đem chị em tôi vào nhà một người quen trong cư xá hải quân công xưởng. Anh ấy bắt chúng tôi chờ ở đó cho đến hôm sau lại vội vã vác vợ con đi tức tốc, với lời nhắn duy nhất: “Nếu tàu chạy thì cứ đi. Ra ngoải nghe nói sẽ có hạm đội Mỹ vớt.” 

29-4 tôi thật tình không biết mình phải làm gì và làm sao để trở về lại với gia đình, khi tình hình bên trong cư xá này đã quá hoang mang. Nhìn ra cổng lại đụng phải một cảnh tượng chen chúc ô hạp không biết xảy ra tự bao giờ. Những tay súng lăm le, những phát chỉ thiên bắn hù dọa đâu đó, những khuôn mặt đằng đàng sát khí đi tới đi lui quanh những cổng sắt như cốt giải tán sự bát nháo hỗn loạn chưa từng thấy. Bên ngoài không chui vào được, bên trong không thể thoát ra. Lâu lâu, tôi nghe chừng có những đoàn xe G.M.C hay M.113 đang nghiến trên mặt phố, hoặc lẫn vào đó là tiếng ủi nát con đường của những chiếc xe tăng không rõ của địch hay mình. Đạn cứ thế vẫn bắn lên trời. Cứ coi như lỡ xẹt ai thì chịu người đó, nhưng còn đạn bắn tẻ, bắn nhốn nháo cướp của, giành giựt, điên điên rồ rồ thì đúng là một pha tang thương và tang tóc nữa.

 

Đứng một hồi như cố định thần lại, tôi mò tới được một sạp tạp hóa trong khu cư xá. Hỏi mua cái “token” để bỏ vào điện thoại gọi thử ra ngoài xem sao, nhưng có lẽ tổng đài đã bị phá nên chỉ gặp làn sóng ú ớ. Rốt cuộc lại mua lầm một thứ thức ăn đông lạnh của Mỹ, nghe nói Mỹ bỏ đi, dân chúng vào lục lọi P.X. tha hồ chôm chỉa rồi bán tháo đi, và dĩ nhiên sau này tôi mới vỡ lẽ mình đã không biết đọc rõ cách hâm nóng nên nuốt không vô.

29-4, những tiếng bom đã bắt đầu nổ thật lớn như núi lở. Những tiếng bom không phải từ xa vọng về hay chỉ như quá gần thành phố, mà chính là đang nổ tóe ngay trên không trung theo với tiếng máy bay gầm trời phụ họa. Rồi thì những bài diễn từ nghẹn ngào, những bàng hoàng thất thủ, những tan đàn sẻ nghé, những níu kéo tuyệt vọng...

 

29-4, tôi thấy hình như khu cư xá bỗng vắng vẻ bóng dáng đàn ông một cách lạ thường. Còn nhớ đêm trước quân cảnh đi tuần đã lục xét từng nhà và đã hốt hầu như tất cả những cánh con trai đàn ông. Dĩ nhiên số phận họ ra sao ai mà biết được, có điều mãi đến chiều chạng vạng 29-4 người chồng chủ nhà vẫn chưa thấy về nhưng đa số vợ con họ vẫn cứ ùn ùn bồng bế nhau dạt về bến Bạch Đằng. Trong đám hỗn mang đó, không ngờ tôi cũng vật vờ bay theo lũ âm binh như một thứ cô hồn các đảng, dĩ nhiên không một mảy may suy tính nào cả, cũng như không cảm giác đau đớn chia phôi. Tôi đi là đi thế thôi, nhỏ nhoi tội nghiệp không thua gì một hạt bụi bay, rồi bay, thế thôi.

 

29-4, một ngày trước khi đất nước lao theo cỗ xe tang lịch sử, tôi đã thấy rất rõ trên nền không gian vừa tím dần ấy những trái bom được nứt ra từ đôi cánh của những chiếc máy bay quân sự thổ tả. Những lửa và lửa nhảy múa reo hò điên cuồng, cùng với những tảng khói khổng lồ nổi hẳn một góc trời không xa lắm nơi tôi đang đứng chuẩn bị lên tàu. Pháo kích đã bắt đầu dồn về áp lực những đơn vị phòng thủ lẻ tẻ ở thành phố và những thường dân vô tội. Đâu đó hình như là những trái phá hay những trái hỏa châu vẫn tiếp tục thắp sáng những khoảng trời vô vọng. Phải nói là chưa bao giờ trong đời tôi có cảm tưởng như mình đang bị phủ trùm, bao bọc bởi bốn phía mịt mù lửa đạn như thế. Không muốn nhìn mà những tảng khói ấy vẫn đuổi theo và đâm cay vào mắt. Tôi hơi rùng mình vì một bà mẹ vừa suýt sẩy mất đứa con trên tay, nếu không có sự lanh lợi của cậu con lớn chụp nhanh được chỉ một khoảng đầu của em bé ấy. Níu chặt sợi dây chão, tôi nhất quyết phải đu mình tới thành tàu một cách an toàn.

 

Kể ra đây cũng là một chiến hạm vừa được tu bổ xong và khá lớn. Những người đàn bà không còn trẻ nữa khi vừa đụng xuống sàn tàu thì thay phiên nhau làm dấu thánh giá, rồi lâm râm lần hạt hoặc nhắm mắt cầu nguyện. Tôi nhận ra bóng tối đổ xuống thật bất thần, và người thủy thủ trong bộ đồ dân sự khá xộc xệch hỏi tôi bằng một chất giọng the thé, nên tôi phải chú ý lắm mới nghe nổi. “Cái ông Chu Tử của tờ báo gì nhỉ... vừa bị bắn ngay chóc trên tàu kia kìa. Thấy mà ghê chưa chứ.” Một người bắt đầu xôn xao Chu Tử của báo Sống bị ám sát. Chú Đạt của cháu Diễm như tên nhân vật trong tiểu thuyết Yêu của Chu Tử đã chết không kịp trối. Viên đạn thù của phía bên này hay AK-47? Một lát, không nhớ là bao lâu, khi tôi vừa hết sững sờ chuyện Chu Tử thì trên boong tàu nhìn xuống, tôi thấy tên thủy thủ tự xưng lúc nãy đang đứng dưới đất liền. Tôi nói vọng xuống: “Kìa anh gì lúc nãy, bộ... thủy thủ rồi không đi trốn đạn sao?” Anh ta như sực nhớ đến tôi và tỏ vẻ hơi mừng: “Thôi cô đi nhé. Có thể họ chỉ chở mấy người ra Côn Sơn trốn pháo kích. Tôi không biết họ đi đâu, nhưng tôi phải về nhà xem chừng mọi chuyện ra sao đã.” Nhanh như chớp, tôi ném cuốn sổ tay nhỏ dùng để chép năm ba bài thơ, cùng cái địa chỉ tạm thời mà ba mạ tôi đang trú ẩn, rồi kẹp vào vài tờ giấy bạc Đức Thánh Trần với lời nhắn nhủ bình an. Tôi nói, khi đoàn người vẫn tiếp tục chất lên như những  chiếc hộp và những chiếc chân vịt còn lâu mới quay quay: “Có gì nhờ anh giúp hộ nhé. Một chút tiền nước, cảm ơn anh nhiều lắm..” Dĩ nhiên người đàn ông ấy chưa kịp hứa với tôi  điều gì, nhưng bao nhiêu năm tôi vẫn không nhớ để hỏi lời nhắn tin ấy có đến tay người nhận. Lời hứa của một người đàn ông và lại là người đàn ông trong chiến tranh thì có gì mà đáng tin. Cũng như người ta đã không thể tin nổi chỉ một cái chớp mắt đèn đỏ mà lạc mất nhau suốt đời. Tin sao nổi mà tin. Người đàn ông tự xưng thủy thủ ấy là ai. Là ai mà vào giờ phút hỗn độn ấy lại còn đổi ý nhảy xuống tàu để trở về với đất liền? Là ai mà loan tin Chu Tử bị bắn chết? Không, trong thời buổi ấy tôi muốn đặt lại một dấu hỏi.

 

“... Bước chân xuống tàu nghe sóng quặn bốn ngàn lần trên biển quê hương.”, một bài thơ hôm nào tôi đã viết như thế thật sao? Khi tôi đi, dù sao cũng tự nhủ, chiến tranh đã ếm bùa thay vì dìm tôi cho chết trong biển lửa, lại ném âm binh đến để dẫn tôi dạt tới chân trời xa lạ. Con lốc xoáy của chiến tranh dữ dội quá nên tôi đi, đã đành tôi phải đi. Có phải không, khi hồn tôi đau buốt là bởi tại sao chúng ta phải chạy trốn hòa bình?

 

Đêm, rồi cũng chính đêm đồng lõa với bóng tối cô đơn đưa con tàu ra đi. Không biết vì lý do gì (tàu chưa sửa xong kỹ lưỡng, hay hạm phó còn chờ lệnh hạm trưởng đang chờ người nhà đến?) mà tàu có vẻ dùng dằng khá lâu. Có người bảo chưa nhổ neo được vì sợ V.C bắn đuổi sau lưng. Tất cả đều nhẫn nại đợi cho đến khi đêm thật sâu, làm thành một nền tối sẫm màu thê lương của tiễn đưa lầm lũi. Chưa ra khỏi hải phận VN thì chưa yên tâm đâu, một người nào đó đã bàn bạc như thế. Và quả nhiên cũng có chuyện đã xảy ra như thế thật.

 

Còn nhớ khi màu đêm vừa chuyển đổi sang thứ ánh sáng lấp ló đầu ngày, tôi đang váng vất nửa tỉnh nửa mơ thì bỗng từ đâu xuất hiện tiếng động cơ của chiếc trực thăng chao đảo mấy vòng trên không trung. Chiếc máy bay chỉ một người lái duy nhất đã bị đánh rớt khi sắp rời khỏi hải phận VN. Trong  suốt chuyến đi, nỗi ám ảnh buồn rầu của cái chết thủy táng đầy máu me ấy đã đeo tôi không dứt.

 

30-4-2005 là một khoảng cách dằng dặc 30 năm của những người con xa xứ. Thủ đô nước Mỹ, tôi đang ở một nơi có Đại Sứ Quán Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và cả Đài Tưởng Niệm Thương Phế Binh Việt Nam với hơn 58 ngàn tên người lính Mỹ ghi chằng chịt đã nằm xuống. Điều tôi vừa nhận ra lúc này không phải là lúc tôi nên nhớ về những tấn bom. Bom đã nổ cách đây những 30 năm và tôi cũng đâu đã chết với những ước vọng mùa xuân phải tràn trề lộc mới. Vâng, phải tràn trề lộc mới. Cho tuổi trẻ, vì tuổi trẻ và những mầm xanh tuổi thơ. Trên quê hương tôi, quê hương chúng ta.

 

NGUYỄN THỊ THANH BÌNH

Hoa Thịnh Đốn, tháng 2-2005

 

(Nguồn HỢP LƯU 82)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Hai 202411:21 CH(Xem: 1271)
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ. Tên chùa là Phước Huệ, nhà sư trụ trì có pháp danh là Thích Phước Toàn, hai cái tên thật là chân phương. Danh vị của nhà sư là Tỳ Kheo, khác với nhiều chùa các vị trụ trì đều là Hòa Thượng hay Thượng Tọa, điều đó không có gì khác biệt đối với sự hâm mộ của tôi với nhà sư.
13 Tháng Hai 202410:58 CH(Xem: 1468)
Từ California khi trở lại thăm Saigon trong một dịp tết, điều thú vị nhất là tôi được một mình rong ruổi trên những chuyến xe bus, tôi đi khắp Saigon, Chợ Lớn, Phú Lâm. Chẳng cần biết trạm sẽ dừng nơi đâu, tôi đi hết đường hết sá, ngắm nhìn mọi thứ xe lớn xe nhỏ, phố bé xíu hay đường rộng thênh thang. Và để tôi thấy hết mọi người, cùng nhìn luôn mọi thứ… Hôm nay tôi cũng bước đại xuống một trạm dừng, chẳng cần biết tên gọi. Loanh quanh rồi tôi định ngồi ăn trưa ở lề đường nào đó. Nắng và bụi sẽ là gia vị cho những dĩa cơm đường chợ, ly nước mía sẽ làm dịu bớt ồn ào của những tiếng còi xe không bao giờ dứt, khiến thiên hạ chỉ muốn điên đầu. Saigon, những ngày giáp tết, mọi sự vội vàng như đã được nhân lên qua đủ thứ màu trang trí nóng nảy, kiểu xanh vàng và tím đỏ.
07 Tháng Hai 20241:29 SA(Xem: 2159)
Sài Gòn những ngày cuối năm trời ấm dần hơn, nắng mang hương xuân vương trên hoa cỏ dịu dàng làm lòng người chao lại nỗi nhớ quê. Tạ xa Qui Nhơn đến nay đã 5 năm rồi, thời gian như chớp mắt ngoảnh lại thấy những ngày cũ ở quê lùi xa dần xa dần mất hút. Nơi nàng ở khá yên tĩnh thích hợp với người ở cái tuổi chiều thu cận kề. Buổi sáng thức dậy, nàng có những phút yên ắng nhìn dòng sông êm trôi lặng chảy đón bình minh vừa lên, nghe chim ríu rít chuyền cành, nàng còn có thể dắt cháu đi học qua các con đường im vắng mà nghe cháu nói bi bô bên tai rồi còn có những phút đi rải cơm cho chim cho cá ăn, có những buổi chiều nhìn nắng tắt bên song mà nhớ, nhờ bớt nói lại nên bớt thị phi.
03 Tháng Giêng 202412:43 SA(Xem: 2440)
Mùa dịch Cô-vít hay còn gọi là Cúm Tàu đã qua đi. Thực sự đã đi xa nhưng còn để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống thường nhật. Những người gọi là cao niên như chúng tôi, thực khó tìm lại, những buổi sáng Thứ Bẩy hẹn hò gặp gỡ; lòng háo hức nôn nao trên đường đến quán cà phê thân quen, nơi góc phố Bellaire ồn ào náo nhiệt. Tưởng rằng không còn cơ duyên hội ngộ tâm tình, nhưng Trời chiều lòng người. Mới vài tháng nay, mỗi sáng Thứ Bẩy, chúng tôi lại có cơ hội, hẹn gặp nhau tại một quán cà phê khác, dù không ưng ý, để có dịp họp mặt hàn huyên tâm sự, trao đổi những câu chuyện văn chương, hoặc tâm tình thế sự trải khắp nhân gian.
25 Tháng Mười Hai 202311:01 CH(Xem: 2559)
Trong cái không gian lành lạnh của một mùa Giáng Sinh, trong tiếng chuông ngân của nhà thờ như đón chào thiên chúa giáng trần, tôi bỗng nhớ đến một nơi chốn lặng lẽ, tối tăm, nơi có lẽ chúa đang hiện hữu từng giờ từng khắc cho riêng một người. Ở nơi ấy, anh cũng đang thầm lặng đón Giáng Sinh giữa bốn bức tường xám lạnh. Phạm Chí Dũng, một nhà báo dũng cảm, một người bạn chưa từng gặp mặt ngoài đời nhưng lại vô cùng thân thiết.
19 Tháng Mười Hai 202311:46 CH(Xem: 3390)
Dạo này sao mình hay nghĩ về cái chết. Mình giống như ba mình hồi trước thường bâng khuâng day dứt khi thấy tuổi già của nhiều người sắp rời bỏ dương trần thường sẽ bị đau yếu nằm yên một chỗ sống tật nguyển trong một thời gian. Ngày ấy ba đã phản kháng sợ kiểu sống như thế trước khi chết. Ý niệm của ba là khi hết số thì đi liền không đau bệnh. Và ước nguyện ấy đã thành sự thật, không đợi đến già yếu, đến lúc phải làm cho con cháu lo lắng buồn phiền, ba đã ra đi nhanh nhẹ nhàng không kịp cho ai phụng dưỡng ba dù chỉ một ngày.
14 Tháng Mười Một 202312:15 SA(Xem: 3653)
Anh về nhà không có em ! Anh đẩy cửa bước vào, anh xô cửa bước ra. Sắc sắc không không , một trời vô vọng. Em ở đâu ? Anh dáo dác tìm tìm kiếm kiếm. Em đi rồi ư? Ô chao ! Sao nghe buồn nẫu ruột.
24 Tháng Mười 202310:38 CH(Xem: 4523)
Hàng ngày trên con đường kiếm sống, thỉnh thoảng ta vẫn nghe trên cây khế trước nhà tiếng kêu của một loài quạ “ăn khế trả vàng, may túi ba gang mà đựng”. Dân ta ai cũng may sẵn những chiếc túi ba gang. Thời mở cửa, ai cũng hăm hở, ai cũng tưởng mình đã hốt đầy vàng trong cái kho của trời đất. Có biết đâu rằng vàng đã cho đi cả, chỉ còn lại sỏi và đá trong chiếc túi ba gang của mình. / Ta cho đi hết, cho hết cả … từ tài nguyên, của cải cho đến những giá trị cốt lõi. Và thế là đất không còn lành, chim không muốn đậu. Bầy chim túa đi thiên di mang theo tất cả, cả tuổi trẻ, tình yêu, nhiệt huyết,… rời bỏ đất nước mình!
24 Tháng Mười 20233:58 CH(Xem: 3697)
Người ta thường ví Mèo như một người phụ nữ, bởi Mèo có vẻ nhẹ nhàng nhỏ nhẻ từ cách ăn, cách ngủ cả đến lúc Mèo gần gũi, nũng nịu bên chủ để được che chở vuốt ve. Tôi không thích Mèo và không bao giờ có ý nghĩ là mình sẽ nuôi Mèo. Tôi cho rằng cái cách dịu dàng của Mèo như một sự dối trá ẩn sau cái ác. Bởi lẽ lúc nhỏ, tôi đã từng chứng kiến và xót đau khi cái lũ mèo nhà hàng xóm xé tan xác ăn thịt mấy con chim bồ câu nhà mình nuôi. Nửa đêm khuya khắc tôi hay bị thức giấc vì tiếng kêu, tiếng chạy đuổi nhau trên mái tôn nhà ông Lý sát cạnh nhà mình, nghe bắt rợn người. Và có lẽ vì Mèo nó có cái vẻ yểu điệu, dịu dàng tương phản với cái vẻ thô thô, cứng ngắt của tôi nên tôi ghét nó...
24 Tháng Mười 20233:22 CH(Xem: 3432)
Mọi thông tin luôn nhanh chóng hiển thị trước mán hình vi tính . Chuỗi sự kiện của cuộc sống quanh tôi và tôi cảm nhận nó bằng tâm hồn mình./ Mỗi buổi sáng, khi thức thức dậy, bước xuống giường, vén mùng là tôi đã start máy, rê chuột là cả thế giới hiển thị trước mặt . Cây trong vườn vẫn xanh như độ nào, cành nhãn nở chùm bông trắng đầu mùa in bên khung cửa sổ như một bức tranh. Ngày nắng cũng như mưa, nó luôn hiển thị. Một thế giới hiện thực đầy hư ảo! / Tôi thích mơ mộng, trong tôi luôn hình dung những sự kiện rồi huyễn tưởng và sống với niềm hạnh phúc chứa chan trong cõi mộng đó.