- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

KHỞI HÀNH

21 Tháng Bảy 20154:54 CH(Xem: 27806)

ME-BW
Hương của mẹ- Ảnh Internet

 

 

Mây thổi tóc chỉ vừa ráo rồi ra cửa.  Người đưa thư đã đi sau khi gõ mạnh một tiếng khô khan, hô một tiếng giao bưu kiện.  Trên tấm thảm chùi chân trước cửa, gói hàng trong giấy nâu nằm chơ vơ.  Mây cúi xuống, hộp chữ nhật vuông vức nhưng mỏng và nhẹ, nét chữ Thiên Sơn vẫn vung vẩy như xưa.

 

Mây trở vào phòng, chợt ngạc nhiên nhận ra căn phòng đầy mùi thơm mát của dầu xả tóc, của xà bông, mùi trong tươi của một buổi sáng vắng lặng.  Giờ này hầu hết mọi người chôn mình trong công việc nơi sở làm, khiến ngày nghỉ của Mây như thêm chút giá trị của ngày thong thả.  Mây đặt gói quà xuống định tìm kéo rồi một ý nghĩ bật ra trong óc, Mây chạy qua phòng Má.

 

Căn phòng im như một góc quá khứ, dù Má chỉ mới rời nhà chưa quá một tuần.  Mây ngồi lên chiếc giường đôi, chỗ Má vẫn nằm.  Tấm chăn phủ giường xô lệch, chiếc xe đẩy tay của Má đứng xéo góc với tủ đựng quần áo, soi bóng cô đơn trong tấm gương.  Mây hít vào ngực, mùi dầu kinh niên, mùi son phấn – a ha, Mây chưa bao giờ ngửi thấy mùi son phấn của chính mình, nhưng không thấy đâu là mùi của Má.  Mây nằm xuống, kéo tấm chăn phủ lên mình.  Mây nghĩ mình sẽ thấy mùi của Má khi quấn mình vào món vật dụng hằng ngày ấy, nhưng vẫn không có mùi gì đặc biệt hơn.  Mây quay mặt úp xuống gối, Mây trùm mền qua đầu.  Bây giờ Mây nhớ ra:

người Má rất khô ráo, mấy mươi năm cận kề, chưa bao giờ Mây thấy Má đổ mồ hôi dù lúc nóng bức nhất ở Sài gòn, dù những ngày mưa nắng dãi dầu ở sạp hàng Lê thánh Tôn.  Giờ này Má làm gì ở nhà thương?  Lang thang vòng vòng tìm lối về?  Tán với bà Sue lẩy bẩy bằng cái vốn tiếng Mỹ ăn đong?  Kêu ý tá mượn hai chục đô để bắt taxi về nhà?  Hình ảnh Má gò lưng run run mò mẫm ở một nơi đầy người xa lạ với cái vẻ cam chịu làm Mây ứa nước mắt, Mây chợt nhận ra, cái gò lưng cam chịu ấy không chỉ có từ lúc đưa Má vào nhà thương mà cái cam chịu ấy đã có rất lâu đời, rất kinh niên, còn kinh niên hơn cả mùi dầu gió mà chỉ bây giờ Mây mới nhận thấy.  Má, Má, nào con muốn đưa Má ra khỏi nhà…

 

Khi cô cán sự đề nghị đưa Má vào trung tâm người già, cô đã hờ trước rằng nếu Mây có đổi ý cũng không sao vì cô biết đó là một quyết định khó khăn mà Mây dường chưa sẵn sàng chấp nhận.  Mây đã đem hết khôn ngoan lý trí để quyết định một điều cho là hợp lý.  Hai ngày đầu Má rời nhà, Mây vẫn giật mình thức lúc 2, 3 giờ sáng tưởng như mình nghe tiếng cọ quẹt, tiếng gõ cửa, hay tiếng nói lí rí gì đó… rồi khi đã tỉnh hẳn chỉ nghe tiếng ngáy của anh Tư đều đều như tiếng rít thuốc lào của ông ngoại hồi xưa.  Mây đã nằm thao thức trong đêm, mắt rũ xuống vì buồn ngủ, người bã ra vì mệt, nhưng bộ óc thì xoay mòng như ngựa qua muôn vạn núi đồi với muôn vạn ý nghĩ vụt biến vụt hiện không làm sao níu được ý nghĩ gì. 

 

Mỗi chiều Mây vào, khi thì tìm thấy Má ở phòng xem TV, khi thì thấy Má ngồi ở sofa ngay lối ra vườn.  Má nhìn mặt Mây mừng rỡ ôm chặt, kêu với mọi người chung quanh “my daughter, my daughter…”  Mây đưa Má ra vườn ngồi chơi mươi phút, rồi dẫn vào phòng ăn xí chỗ nơi cái bàn thấp cho vừa tầm của Má.  Má ăn ít vì không thấy đường mà gắp thức ăn.  Mây thường ép thêm muỗng này muỗng nọ, và Má chỉ mới vài ngày nơi chốn lạ đã rất ngoan ngoãn ngồi im trong cái hỗn loạn của giờ ăn.  Ông Joe mới hôm qua còn nháy mắt cặp mắt xanh biếc thơ ngây với Mây thì hôm nay đã long sòng sọc rượt hai y tá chạy vòng vòng.  Ông giáo sư lại nghiêm chỉnh rè rè chầm chậm cãi vả  hay phân bua với bà bồ (hay vợ) một điều gì đó.  Sue lẩy bẩy liên tục bốc thức ăn đưa vào miệng bằng bàn tay run như tay chơi vĩ cầm đang kéo những nhịp 32, trong khi em béo bên cạnh thò tay lấy hộp sữa của Sue uống nốt theo với chén súp đòi thêm…  Má, Má sống làm sao với cái đời hỗn loạn thờ ơ ấy?  Khi xong bữa Mây từ giã để Má lại nơi bàn ăn vì không dám nhìn thấy Má gù gù lang thang vòng vòng ở cái chốn rặt người ta…  Chiều  tháng Bảy trời vẫn sáng lóa, Mây lái xe qua từng ngã tư nhạt nhòa, về lại căn nhà đã im những lạch cạch lục đục, đã không còn những vật dụng cất lung tung sai chỗ, sàn nhà không còn đầy những vết bùn, vết thức uống, vụn thức ăn...  Một giờ thăm Má là một giờ xứng đáng 60 phút 3600 giây, Mây lê thân vào nhà chả thiết gì nữa cuộc sống, chả còn muốn biết ngày mai.  Mãi hôm nay Mây mới vào phòng Má để nhận ra dường đã có một lớp bụi trong phủ lên mọi thứ, tựa như căn phòng đã lạnh vắng hơi người từ một kiếp nào xa.  Má, Má có còn về lại chốn này?

 

 

 

Thiên Sơn tặng Mây một bức tranh, đúng hơn là một bức cưa lọng bằng gỗ thông mỏng độ nửa phân, dài rộng cỡ một tấm liễn dọc, hình hai đứa trẻ súng sính trong quần áo cổ truyền _ cô bé tóc đuôi gà áo tứ thân, cậu trai áo dài khăn đóng, hai đứa chung tay cầm một chùm đào.  Mây ngạc nhiên nó còn nhớ sở thích của Mây những ngày tháng mới vào đại học.  Thư Thiên Sơn không dài, chỉ nói bâng quơ nếp sống và một bức hình.  Nó ngồi một mình lọt thỏm trong ghế bành chỉ thấy chõm tóc, mặt hướng ra cửa sổ.  Mọi thứ trong bức hình như úa tàn héo hắt, chỉ khuôn cửa sổ hắt ánh nắng vàng rực rỡ - Sơn nói nhớ nhà.  Nhà, cái quê nhà ấy sáng rực như nắng hay chỉ là lòng yêu cuộc sống của Thiên Sơn chiếu lóng lánh rực rỡ lên tất cả những gì mà nó mến yêu?  Thiên Sơn nói hãy yêu đời, đừng bịn rịn cùng quá khứ.  Quá khứ, không phải đó chính là giọt nước mắt của Mây bây giờ trước mảnh lưng gò cam chịu của Má hay sao?  Mây buồn rầu nhận ra, dẫu Mây thật gần với Thiên Sơn trong tình bạn, đời của 2 người như cách nhau mấy đại dương.  Mây đã đi xa đi trước hết mấy quãng đời trong khi Thiên Sơn dường chỉ mới bắt đầu thực sống.

 

Mây ngậm ngùi.  Đã mấy năm rồi quẩn quanh chỉ toàn nỗi chết, của một người, rồi một người, lại người nữa, rồi sẽ đến một người…  Nhiều lúc Mây thấy mình lang thang nơi nghĩa trang cứ như là đi thăm cơ ngơi của tuổi già, cứ làm như chốn đó là chốn bình nguyên thảo mộc cho một phút tìm thư thái.  Dẫu thấy vô lý nhưng Mây không thể chối cái cảm nhận bình an mỗi khi đứng dưới vòm cây trong nghĩa trang nhìn ra bãi cỏ ngát xanh và những tấm bia đen ẩn hiện trên mặt cỏ, một nỗi bình yên không tên tuổi không nông sâu, nỗi bình yên trắng xóa như mây êm đềm như nước, nỗi bình yên như “đã có trước vô cùng, và hằng có, và đời đời chẳng cùng.”  Những lúc đó Mây nhớ tới những gì người ta bàn về cái chết -  hoặc nó là một đối nghịch của cái sống, hoặc nó như một đoạn tiếp nối trên sợi dây thời gian.  Có kẻ dỗ rằng người ta sinh ra chỉ để chết, và hùng hục sống.  Có ông hào sảng đòi đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất, chả biết hết đêm rồi thì ông sẽ làm gì.  Nhưng cũng có người thầm lặng sống cái chết của chính mình tự những năm tháng thiếu thời mãi cho đến bây giờ, trong tuổi già bóng xế ngồi lặng bên khung cửa nhìn ánh trời với đôi tròng mờ đục chuyện nhân gian.  Mây đã từng mường tượng sự chết như từng hạt cát đỏ trộn với sự sống là những hạt xanh dương bên trong chiếc đồng hồ cát đều đều chầm chậm rớt hạt.  Xanh hay đỏ, rơi xuống rồi là hết.  Đến khi va vào khung cửa sổ mờ đục ấy  Mây đã ngạc nhiên rồi dần ngấm một nỗi đau lòng. 

 

Ở một khoảng nào đó trong cuộc sống, chúng ta mỗi người bắt đầu cái chết của mình dẫu ý thức hay không, dẫu quyết lòng hay không.  Những bước lạc loài của Mây trong nghĩa trang có phải là những bước khởi đầu cho cuộc chết?  Mây sẽ về ngự nơi đây hay tro cốt sẽ biến tan trong bọt nước?  Và Má, chỉ mới 5, 3 ngày vào chốn lạ Má dường đã mịt mờ quên hết mọi sân si phiền muộn, có phải Má đang bước vào khoảng sương núi chập chùng, tựa như K. của Đời Không Tâm Điểm?  Mây đau đớn nghĩ đến giấc mơ mấy năm trước, khi quì trước bàn thờ của Má.  Má, làm sao để con bước cùng Má những bước chân quờ quạng nhạt nhòa, để Má không phải cô đơn lạc vào sương núi?  Con muốn đi với Má chặng đường gian nan nhất của kiếp người, con muốn Má thanh thản bình yên biết có một tình thương quấn quyện chở che tựa những năm con mới ra đời Má đã quấn quyện chở che con.  Con có thể đổi điều gì để đi cùng Má đoạn đường này? 

 

Mây cầm lá thư ngắn của Thiên Sơn nằm hẳn xuống giường của Má.  Tấm nệm hơi trũng xuống theo sức nặng, nhưng chỗ Má nằm không còn dấu ấn của thân người cũ.  Mây muốn nói một lời cảm tạ cho tình bạn ân cần _ những sớm mai dậy khi Sơn gửi cho Mây một lời nhắn, khi đêm về một lời thăm hỏi trước giấc ngủ, cái tình nghĩ đến nhau đầu hôm cuối buổi làm ấm một cuộc đời gian nan, nhưng với Mây giờ đây mọi sự chỉ là sương núi _ mỗi giọt dẫu cay đắng dẫu mặn mà dẫu được lắng đọng hay bị quên lãng thờ ơ, tất cả đều chỉ mờ đục như khung cửa sổ của một người đã sớm cuộc khởi hành.  Bây giờ Má đã khởi hành và Mây cũng tiếp bước cuộc đi vào sương núi.

 

 

Lưu Na

07-21-2015

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Hai 202411:21 CH(Xem: 1668)
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ. Tên chùa là Phước Huệ, nhà sư trụ trì có pháp danh là Thích Phước Toàn, hai cái tên thật là chân phương. Danh vị của nhà sư là Tỳ Kheo, khác với nhiều chùa các vị trụ trì đều là Hòa Thượng hay Thượng Tọa, điều đó không có gì khác biệt đối với sự hâm mộ của tôi với nhà sư.
13 Tháng Hai 202410:58 CH(Xem: 1890)
Từ California khi trở lại thăm Saigon trong một dịp tết, điều thú vị nhất là tôi được một mình rong ruổi trên những chuyến xe bus, tôi đi khắp Saigon, Chợ Lớn, Phú Lâm. Chẳng cần biết trạm sẽ dừng nơi đâu, tôi đi hết đường hết sá, ngắm nhìn mọi thứ xe lớn xe nhỏ, phố bé xíu hay đường rộng thênh thang. Và để tôi thấy hết mọi người, cùng nhìn luôn mọi thứ… Hôm nay tôi cũng bước đại xuống một trạm dừng, chẳng cần biết tên gọi. Loanh quanh rồi tôi định ngồi ăn trưa ở lề đường nào đó. Nắng và bụi sẽ là gia vị cho những dĩa cơm đường chợ, ly nước mía sẽ làm dịu bớt ồn ào của những tiếng còi xe không bao giờ dứt, khiến thiên hạ chỉ muốn điên đầu. Saigon, những ngày giáp tết, mọi sự vội vàng như đã được nhân lên qua đủ thứ màu trang trí nóng nảy, kiểu xanh vàng và tím đỏ.
07 Tháng Hai 20241:29 SA(Xem: 2539)
Sài Gòn những ngày cuối năm trời ấm dần hơn, nắng mang hương xuân vương trên hoa cỏ dịu dàng làm lòng người chao lại nỗi nhớ quê. Tạ xa Qui Nhơn đến nay đã 5 năm rồi, thời gian như chớp mắt ngoảnh lại thấy những ngày cũ ở quê lùi xa dần xa dần mất hút. Nơi nàng ở khá yên tĩnh thích hợp với người ở cái tuổi chiều thu cận kề. Buổi sáng thức dậy, nàng có những phút yên ắng nhìn dòng sông êm trôi lặng chảy đón bình minh vừa lên, nghe chim ríu rít chuyền cành, nàng còn có thể dắt cháu đi học qua các con đường im vắng mà nghe cháu nói bi bô bên tai rồi còn có những phút đi rải cơm cho chim cho cá ăn, có những buổi chiều nhìn nắng tắt bên song mà nhớ, nhờ bớt nói lại nên bớt thị phi.
03 Tháng Giêng 202412:43 SA(Xem: 2830)
Mùa dịch Cô-vít hay còn gọi là Cúm Tàu đã qua đi. Thực sự đã đi xa nhưng còn để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống thường nhật. Những người gọi là cao niên như chúng tôi, thực khó tìm lại, những buổi sáng Thứ Bẩy hẹn hò gặp gỡ; lòng háo hức nôn nao trên đường đến quán cà phê thân quen, nơi góc phố Bellaire ồn ào náo nhiệt. Tưởng rằng không còn cơ duyên hội ngộ tâm tình, nhưng Trời chiều lòng người. Mới vài tháng nay, mỗi sáng Thứ Bẩy, chúng tôi lại có cơ hội, hẹn gặp nhau tại một quán cà phê khác, dù không ưng ý, để có dịp họp mặt hàn huyên tâm sự, trao đổi những câu chuyện văn chương, hoặc tâm tình thế sự trải khắp nhân gian.
25 Tháng Mười Hai 202311:01 CH(Xem: 2959)
Trong cái không gian lành lạnh của một mùa Giáng Sinh, trong tiếng chuông ngân của nhà thờ như đón chào thiên chúa giáng trần, tôi bỗng nhớ đến một nơi chốn lặng lẽ, tối tăm, nơi có lẽ chúa đang hiện hữu từng giờ từng khắc cho riêng một người. Ở nơi ấy, anh cũng đang thầm lặng đón Giáng Sinh giữa bốn bức tường xám lạnh. Phạm Chí Dũng, một nhà báo dũng cảm, một người bạn chưa từng gặp mặt ngoài đời nhưng lại vô cùng thân thiết.
19 Tháng Mười Hai 202311:46 CH(Xem: 3540)
Dạo này sao mình hay nghĩ về cái chết. Mình giống như ba mình hồi trước thường bâng khuâng day dứt khi thấy tuổi già của nhiều người sắp rời bỏ dương trần thường sẽ bị đau yếu nằm yên một chỗ sống tật nguyển trong một thời gian. Ngày ấy ba đã phản kháng sợ kiểu sống như thế trước khi chết. Ý niệm của ba là khi hết số thì đi liền không đau bệnh. Và ước nguyện ấy đã thành sự thật, không đợi đến già yếu, đến lúc phải làm cho con cháu lo lắng buồn phiền, ba đã ra đi nhanh nhẹ nhàng không kịp cho ai phụng dưỡng ba dù chỉ một ngày.
14 Tháng Mười Một 202312:15 SA(Xem: 4029)
Anh về nhà không có em ! Anh đẩy cửa bước vào, anh xô cửa bước ra. Sắc sắc không không , một trời vô vọng. Em ở đâu ? Anh dáo dác tìm tìm kiếm kiếm. Em đi rồi ư? Ô chao ! Sao nghe buồn nẫu ruột.
24 Tháng Mười 202310:38 CH(Xem: 4725)
Hàng ngày trên con đường kiếm sống, thỉnh thoảng ta vẫn nghe trên cây khế trước nhà tiếng kêu của một loài quạ “ăn khế trả vàng, may túi ba gang mà đựng”. Dân ta ai cũng may sẵn những chiếc túi ba gang. Thời mở cửa, ai cũng hăm hở, ai cũng tưởng mình đã hốt đầy vàng trong cái kho của trời đất. Có biết đâu rằng vàng đã cho đi cả, chỉ còn lại sỏi và đá trong chiếc túi ba gang của mình. / Ta cho đi hết, cho hết cả … từ tài nguyên, của cải cho đến những giá trị cốt lõi. Và thế là đất không còn lành, chim không muốn đậu. Bầy chim túa đi thiên di mang theo tất cả, cả tuổi trẻ, tình yêu, nhiệt huyết,… rời bỏ đất nước mình!
24 Tháng Mười 20233:58 CH(Xem: 3853)
Người ta thường ví Mèo như một người phụ nữ, bởi Mèo có vẻ nhẹ nhàng nhỏ nhẻ từ cách ăn, cách ngủ cả đến lúc Mèo gần gũi, nũng nịu bên chủ để được che chở vuốt ve. Tôi không thích Mèo và không bao giờ có ý nghĩ là mình sẽ nuôi Mèo. Tôi cho rằng cái cách dịu dàng của Mèo như một sự dối trá ẩn sau cái ác. Bởi lẽ lúc nhỏ, tôi đã từng chứng kiến và xót đau khi cái lũ mèo nhà hàng xóm xé tan xác ăn thịt mấy con chim bồ câu nhà mình nuôi. Nửa đêm khuya khắc tôi hay bị thức giấc vì tiếng kêu, tiếng chạy đuổi nhau trên mái tôn nhà ông Lý sát cạnh nhà mình, nghe bắt rợn người. Và có lẽ vì Mèo nó có cái vẻ yểu điệu, dịu dàng tương phản với cái vẻ thô thô, cứng ngắt của tôi nên tôi ghét nó...
24 Tháng Mười 20233:22 CH(Xem: 3569)
Mọi thông tin luôn nhanh chóng hiển thị trước mán hình vi tính . Chuỗi sự kiện của cuộc sống quanh tôi và tôi cảm nhận nó bằng tâm hồn mình./ Mỗi buổi sáng, khi thức thức dậy, bước xuống giường, vén mùng là tôi đã start máy, rê chuột là cả thế giới hiển thị trước mặt . Cây trong vườn vẫn xanh như độ nào, cành nhãn nở chùm bông trắng đầu mùa in bên khung cửa sổ như một bức tranh. Ngày nắng cũng như mưa, nó luôn hiển thị. Một thế giới hiện thực đầy hư ảo! / Tôi thích mơ mộng, trong tôi luôn hình dung những sự kiện rồi huyễn tưởng và sống với niềm hạnh phúc chứa chan trong cõi mộng đó.