- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Võ Đình Ngày Xuân, Lại... Tìm Hiểu Truyện Kiều

28 Tháng Giêng 20151:28 SA(Xem: 32066)

VoDinh-hl74
Nhà văn Họa sĩ Võ Đình


 Nguồn: "Ngày Xuân Lại Tìm Hiểu Truyện Kiều" của Võ Đình trên HL74 tháng 12-2003



 

Xuân Giáp Thân, Hợp Lưu mời bạn đọc ngâm Kiều với Võ Đình qua bài tranh luận với nhà văn quá cố Bình Nguyên Lộc. “Ngày Xuân, lại..tìm hiểu truyện Kiều” tuy xuất hiện đã 17 năm nhưng vẫn còn là bài tranh luận thi vị nhất, đầy hương vị rắn rỏi bóng bẩy của chữ nghĩa một thời. Qua bài viết của Võ Đình, Hợp Lưu và tác giả cầu chúc chủ bút tạp chí Văn Học, nhà văn Nguyễn Mộng Giác sớm bình phục sau cơn bạo bệnh vừa qua. (L.T.S)



Anh G thân mến,

Gửi bài cho anh về hội họa để cho vào Văn Học số sau, chẳng nhớ tôi có nói gì về hai cái truyện ngắn của Mai Kim Ngọc và Vũ Quỳnh Hương không? Hai truyện của Thế Giang quả là đặc biệt. Nhưng tôi nghĩ “khám phá” lớn kỳ này của Văn Học là MKN và VQH. Rất khó tin rằng đó là hai cây bút mới. “Mới” từ lúc nào?

Ngoài ra Văn Học số 8-9 tháng 10/1986 có bài Tìm hiểu truyện Kiều (tr.19) của ông Bình Nguyên Lộc. Tôi đã thích thú và ngẫm nghĩ. Tính viết ngay những ý tưởng của mình, nhưng lại thôi. Mình không rành về Kiều, không chuyên về ngôn ngữ, mình là cái thứ làm văn nghệ lai rai, nên để cho những vị học rộng biết nhiều bàn về những khía cạnh... phiền toái của tác phẩm văn nghệ. Ông BNL lại là một bậc niên trưởng, một người có chân tài, sách của ông thì mình vốn là đứa đã xa xứ lâu năm, chỉ được đọc có đôi ba cuốn, mà đã mê, đã phục ông rồi. Nay dù bài của ông có chăng đôi điểm mình không chịu, thấy cũng nên chờ coi có ai khác rành rọt hơn lên tiếng. Nghĩ vậy, nhưng cứ ấm ức, ngứa ngáy không yên. Đã mấy hôm. Cực chẳng đã đành phải bắt ông Phụ trách bài vở & Điều hành chung (sao anh rắc rối thế, gọi phăng là Chủ bút cho rồi!)  của báo nhà Văn Học nghe chuyện vậy.

 

 

1

 

Trước hết, “chuyện vặt” ông BNL nêu ra: Phong tình cổ lục hay là Phong tình có lục? Tôi không biết bản chuyển Nôm ra Việt ngữ của Tản Đà ra đời năm nào. Chỉ biết từ ngày thấy câu “Phong tình có lục còn truyền sử xanh” trong bản đó, ông BNL phân vân. Phân vân thật lâu vì mãi đến ngày hôm nay “hễ ngâm Kiều tới đó thì tôi (BNL) ngập ngừng”. Tôi (VĐ)  không biết bản chuyển Nôm Tản Đà xuất hiện trước hay sau 1925. Vì trong Truyện Thúy Kiều (do hai cụ Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo) mà lời tựa viết năm 1925, câu tám này được in là “Phong- tình cổ- lục còn truyền sử xanh”. Ở đây Phong tình & cổ lục đều có dấu ngang và được đóng dấu kép, và hai cụ Bùi và Trần chú: “Phong- tình cổ- lục” là bộ sách nói những chuyện phong tình đời xưa. Một bên, “phong-tình cổ-lục” có dấu kép là tên sách. Bên kia Phong tình không đóng dấu kép là một danh từ. Thôi, thế cũng được đi. Nhưng, vẫn theo ông BNL, Tản Đà bảo rằng “chữ Nôm thì Cổ đều viết như nhau”. Rồi vì chắc chắn rằng “không bao giờ có cuốn sách cổ nào tên là Phong Tình cả”, Tản Đà nhất quyết rằng phải là chứ không phải là Cổ. Đến nay, ông BNL vẫn còn phân vân không biết đó là hay Cổ. Tôi thì tôi không phân vân. Bỏi vì Phong tình cổ lục (không dấu ngang, không dấu kép) thì tôi còn biết nghĩa là gì chứ “phong tình có lục” thì tôi chịu. Chẳng lẽ Tản Đà lại nghĩ rằng Nguyễn Du muốn nói “Có truyện phong tình đã ghi (chép) lại còn truyền sử xanh”? Nếu thật Nguyễn Du muốn nói vậy, thì tôi... hơi buồn cụ Tiên Điền. Cụ không có cách nói nào êm tai hơn ư? Trong trường hợp dù cả bốn chữ là tên một pho sách đi nữa (“Phong-tình-cổ-lục”, như Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim) thì đó có thể chỉ là một thứ literary licence, vì Kiều là một sáng-tác-phẩm, không phải một bộ sách biên khảo. Không bao giờ có một bộ sách “phong tình” cả mà cứ nói có thì đã sao!

 

 

2

 

Ông Bình Nguyên Lộc viết (tr.20) “hai câu Kiều dưới đây đã bắt tôi tốn thì giờ khá nhiều”:

 

Rấn thân về với triều đình

Hàng thần lơ-láo phận mình ra sao.

 

Đây là lần đầu tiên tôi thấy câu sáu có chữ RẤN. Người nói giọng Bắc thường đọc r thành d (nghe như  z). Ví dụ rườm rà thành ra d(z)ườm d(z)à. Ông BNL thật ra muốn viết “Dấn thân về với...” chăng? Sao lại dấn thân? Dấn thân vào con đường nghệ thuật, dấn thân vào cuộc đấu tranh v.v... chứ ai lại dấn thân về với... triều đình! Hơn nữa, thời Nguyễn Du đã có chăng cái từ rất thời thượng này, một từ rất...engagé, à la Malraux? Xưa nay, tôi vẫn nghĩ câu đó là: “ thân về với triều đình...” Sao lại bó? Bởi vì đọc truyện Tàu chúng ta hãy còn nhớ, người ra đầu hàng thường tự trói mình trước, trói đại khái thôi, dĩ nhiên. Trường hợp Từ Hải “Bấy lâu bể Sở, sông Ngô, tung hoành!” thì chữ (thân) còn có một nghĩa bóng quá rõ rệt, quá cay đắng.

 

 

3

 

Tuy nhiên, chuyện “rấn” hay “bó” không phải là chuyện ông BNL nói đến. Ông chỉ “tốn thì giờ khá nhiều” về mấy chữ “hàng thần lơ-láo” mà thôi. Ông thắc mắc thật nhiều bởi vì “là người miền Nam”, tôi (BNL) chẳng biết lơ-láo là gì hết”. Và vì chẳng biết, ông mới tra tự điển Khai-Trí Tiến-Đức. Và từ đó mới có câu chuyện ông đoan chắc rằng “hai câu thơ của Tiên Điền phải hiểu là (Nếu ta) dấn thân vào với triều đình thì hàng bề tôi của vua sẽ thờ ơ (với ta và) thân phận này sẽ ra sao?

Trước hết, tôi nghĩ rằng ông BNL quá yêu chữ nghĩa..., ông quá tò mò! (và đây cũng là một nét đáng yêu của nhà văn lớn miền Nam của chúng ta). Ông tra tụ điển KTTĐ, thấy lơ láo : sượng sùng. Ông nói “sượng sùng là gì tôi đã biết, vì miền Nam cũng dùng sượng sùng”. Nhưng ông không đứng lại đó, ông biết rồi mà muốn cho chắc ăn, cứ đi tìm, ông tọc mạch moi móc một chốc, với kết quả: lơ láo: sượng sùng: bẽn lẽn: mắc cỡ: hổ thẹn... và ông cho rằng “nếu thế thì cũng ổn”. Và ông kết luận rằng nếu lơ láomắc cỡ thì Từ Hải, người hùng hàm én mày ngài, sức mấy mà mắc cỡ.  Ai mắc cỡ cứ mắc, không có chuyện Từ Hải mắc cỡ. Mà chẳng lẽ triều đình vua quan lại mắc cỡ. Thế là ông lại tiếp tục đi tìm: lơ láo:(‘dân tộc Phù Nam nói là lơ là’) lơ là : thờ ơ: lãnh đạm. Ông còn cho biết lơ láo được dịch ra tiếng Anh là heedless (ấn công hãy cẩn thận: heeedless, không phải là needless). Rất tiếc ông không ghi tên của tác giả người Anh “giáo sư đại học ở London” và cuốn tự điển của ông này.

Một khi đã nhất quyết :

a) Từ Hải không thể “bẽn lẽn”, và

b) lơ láo : lơ là

Ông BNL gạt Từ Hải qua một bên và xua hàng thần qua một bên. Mặc dù tôi rất kính trọng ông BNL và tôi cũng rất thiếu... tự tin ở sự hiểu biết về ngôn ngữ nói chung, về Kiều nói riêng, tôi vẫn thấy không thể, ở đây theo bước ông BNL được. Vì đó mà tôi đã nói với anh là mấy bữa nay tôi ấm ức, ngứa ngáy hoài!

Lý do thật giản dị. Tôi không phải là người miền Nam, mà cũng không phải là người miền Bắc. Tôi sinh ở Huế, đi học ở Huế, đến năm chưa tới hai mươi đã đi ngoại quốc. Vậy mà theo cái nhớ của tôi, thì lơ láo không có nghĩa là mắc cỡ, hổ thẹn... như ông BNL đã tìm thấy sượng sùng/ bẽn lẽn ở KTTĐ rồi lại “diễn” Nam ra thành hổ thẹn, mắc cỡ. Trong mấy chục năm qua, tuy hình như chẳng khi nào dùng đến lơ láo tôi vẫn nhớ rằng nó dùng để chỉ (imply, denote) một khuôn mặt, một dáng bộ trơ trơ ra làm  sao ấy. Trơ trơ trong nghĩa trơ trẽn chứ không phải trong nghĩa “Tào khê nước chảy hãy còn trơ trơ”. Tôi nói trơ trơtrơ trơ nhẹ hơn, mơ hồ hơn trơ trẽn. Một kẻ lơ láo? Tôi thấy ngay một kẻ đứng một mình, đứng một cách trống trải, xa lạ với chung quanh, có vẻ thừa thãi, vô tích sự, có thể là mục tiêu của sự dòm ngó của người khác. Tôi còn nhớ hình như người ta còn nói “mặt lơ mày láo” nữa kìa.

Tự điển KTTĐ định nghĩa lơ láo là sượng sùng. Tôi nghĩ lơ láo không hẳn là sượng sùng. Và vì thế lơ láo khác xa với bẽn lẽn, mắc cỡ. (Với lại, từ điển có khi sai là cái chắc) Định nghĩa lơ láo, KTTĐ chép câu: ‘hàng thần lơ láo phận mình ra chi?” Nếu là chi thì làm sao mà vần với hai câu 6/8 tiếp sau:

 

“Áo xiêm buộc trói lấy nhau

Vào luồn ra cúi công hầu mà chi”

 

Ông BNL chép là: “phận mình ra sao?” và ông bảo rằng Từ Hải phân vân lo lắng về một tương lai bất an. Trong khi ấy bản Truyện Thúy Kiều thì chép là “phận mình ra đâu?”, có thể được hiểu như là: (có) ra (gì) đâu. Nghĩa là Từ Hải không đứng đó mà ái ngại về tương lai của mình một khi đã về hàng. Chàng biết quá rồi. Có chăng là cái ý thức mình sẽ là một kẻ “trơ trơ”, thừa thãi, “vô duyên”, nói gọn là một kẻ lơ láo, vì biết thân phận mình sẽ chẳng ra gì. Cảm giác đó, ý thức đó, ở ngay cả một người như Từ Hải, tôi thấy chẳng có gì là quá đáng.

Khổ nỗi, một khi đã không chịu rằng Từ Hải có thể “mắc cỡ” khi về hàng, mà chẳng lẽ vua quan bên kia lại ‘mắc cỡ” với Từ Hải, ông BNL quả quyết rằng hàng ở đây không có nghĩa như chúng ta vẫn tưởng xưa nay là (tướng, quan về) đầu hàng. Theo ông, hàng là hàng ngũ, hàng xóm, v.v... Tôi phải nói là đến đây, tôi đã lấy làm thú vị cái... quá quắt của tác giả Rừng mắm tuyệt vời!

Tôi tự hỏi, một tay phù thủy ngôn ngữ như Nguyễn Du (xin vái cụ Tiên Điền ba vái!) thì thiếu gì chữ mà phải viết một câu thơ vất vả như vậy, gò ép như vậy. Nếu hàng thần lơ láo, theo ông BNL, có nghĩa là bọn bề tôi lãnh đạm thờ ơ (với Từ Hải) thì tại sao Nguyễn Du không viết:

 

Quần thần rẻ rúng, phận mình ra đâu?

 

Theo Đào Duy Anh, bách quan trong triều còn được gọi là thần công. Tại sao Nguyễn Du lại không viết:

 

Thần công lãnh đạm, phận mình ra đâu?

 

cho nó khỏe cái thân già đã nhọc nhằn đi sứ mấy lần?

Đúng vậy, hàng cũng có nghĩa là hàng ngũ. Nhưng gọi toàn thể các quan văn võ trong triều (‘bọn bề tôi của vua Tàu’, ông BNL nói) là hàng thần thì quả là một việc quá mới mẻ. Tôi tôn trọng sự chọn lựa của ông BNL. Nhưng tôi xin chịu, không thể làm như thế được.

Tuy nhiên, trên đây chỉ là cái ý của chữ nghĩa. Ngoài ra, lại còn cái tình của tâm lý nữa. Tôi đồng ý với ông BNL rằng Từ Hải là hình ảnh một anh hùng Nguyễn Du vẽ nên với những đường nét thật tuyệt. Ông nhắc đi nhắc lại Từ Hải là một đấng trượng phu: không lì lợm, không mặc cảm, không bẽn lẽn, không mắc cỡ,v.v... và “cho đến phút chót (...) cũng chưa xem mình là bề tôi của vua Tàu”... Tôi nghĩ, một người như thế, khi vùng vẫy thì oanh liệt, khi yêu thì yêu say đắm, một người như thế khi ra hàng dầu có băn khoăn chi nữa thì cũng là băn khoăn chuyện lớn. Đằng này, theo lời giải nghĩa của ông BNL, người hùng họ Từ lại lo ngại rằng “hàng bề tôi của vua sẽ thờ ơ (với ta và) thân phận này sẽ ra sao?”. Nói cách khác, ông BNL viết rằng một người như Từ Hải, một người đã từng

 

“Trước cờ ai dám tranh cường,

Năm năm hùng cứ một phương hải tần”,

 

một người

 

“Giang hồ quen thú vẫy vùng,

Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”,

 

một người như thế mà khi ra hàng, lòng chỉ thấp thỏm không biết cái bọn áo mão thậm thượt kia có chạy ra mà... welcome mình không, để cho mình nhập bọn với chúng, để cho mình khỏi lẻ loi, khỏi thiệt thòi. Tôi nghĩ đó khó có thể là một Từ Hải đáng yêu. Một Từ Hải đáng phục. Nghĩa là không phải một Từ Hải dưới ngòi bút của Nguyễn Du. Nếu Từ Hải có lo xa chăng thì có thể Từ Hải lo không biết rồi đây đấng Thiên tử sẽ đối xử với mình như thế nào, chứ Từ Hải xưa nay đã có coi bọn bề tôi ra gì đâu:

 

“Phong trần mài một lưỡi gươm,

Những phường giá áo túi cơm sá gì!”

 

Chẳng lẽ ông BNL lại gán cho người hùng họ Từ một tâm trạng tầm thường như vậy ư?

 

Trong khi đó, tôi nghĩ rằng ngoài một Từ Hải trượng phu, một Từ Hải lẫm liệt, còn có một Từ Hải... “dễ thương” hơn nữa, vì đó là một Từ Hải gần gũi hơn với chúng ta. Đó là một Từ Hải sẵn sàng biết cưng người yêu, biết cưng vợ! Từ Hải biết cái phận mình ra đâu mà vẫn cứ ra hàng, chung quy chỉ vì những lời năn nỉ ỉ ôi ngọt lịm của Kiều:

 

Nghe lời nàng nói mặn mà

Thế công, Từ mới trở ra thế hàng”

Từ dại hay không, tưởng không cần nói ở đây. Chỉ biết rằng Từ dám sống, dám yêu, và vì dám như vậy mà đi đến cái chết. Một người như thế, không lẽ nào khi còn do dự chẳng biết nên về hàng hay không lại đã tính toán chi li về thái độ thờ ơ hay niềm nở của bọn bề tôi trong triều, cái bọn bề tôi chắc chắn Từ đã xem như cỏ rác khi còn “riêng một biên thùy”, “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”!

 

 

4

 

Ở cuối trang 22 của Văn học số 8-9, ông BNL đưa ra những nghi vấn về chữ ghềnh trong câu Chiếc cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang. Ông cho rằng ghềnh có nghĩa là vũng nước xoáy—whirlpool—như tự điển KTTĐ định nghĩa “khá đúng”. Nhưng điều làm cho ông BNL bận tâm nhất là “Nếu ta cứ dịch là whirlpool,  người ngoại quốc đọc, rủi ro họ biết rõ cách thức lập nghĩa địa của Tàu, họ sẽ chê Nguyễn Du tả không đúng thì hơi phiền cho văn chương ta”. Mặc dù tôi không biết gì về cách lập nghĩa địa của người Tàu, cũng xin liều bàn đôi lời, để nói rằng, vì những lý do khác, tôi không lo ai chê Nguyễn Du cả, nghĩa là chẳng có gì phiền cho văn chương ta cả.

Trước hết, chưa chắc gì ghềnh chỉ là vũng nước xoáy, như tự điển KTTĐ định nghĩa. Chúng ta có thể để tạm whirlpool sang một bên. Tự điển Nguyễn Đình Hòa, tự điển Lê BáKông/ Lê Bá Khanh bảo ghềnhwaterfall, là cataract. Ai trong chúng ta cũng biết rằng hai từ này có nghĩa là thác, thác lớn, thác nhỏ gì không biết, chỉ biết là thác.  Trong bản dịch The Tale of Kieu, tuy ông Huỳnh Sanh Thông tránh không dịch chữ ghềnh, người đọc vẫn thấy được “dòng nước uốn quanh” và “nhịp cầu nho nhỏ” đi qua, và đó là cái khéo của ông. Trong bản dịch Pháp văn Kiều của ông Nguyễn Văn Vĩnh, ta thấy ghềnh được dịch thành arroyo. Mà cả ba ông, Đào Đăng Vỹ, Thanh Nghị, Đào Văn Tập, trong ba cuốn tự điển Pháp Việt của họ, lại bảo arroyo là kinh, hói, lạch, sông đào... Vậy ghềnh là cái gì? Cái gì bí hiểm tối tăm đến nỗi không có sự... nhất trí như vậy.

Chỉ vì đọc được bài của ông BNL trong Văn Học mà tôi loay hoay xét lại chữ ghềnh, chứ thật tình, mấy chục năm nay tôi vẫn yên chí rằng ghềnh là một thứ “mỏm”, một thứ “lưỡi” đá “lè” ra từ chân núi, trên mặt nước. Nói ghềnh là thấy cheo leo, hiểm trở xa cách. Yên chí như vậy trong bao nhiều năm trời: mới cách đây mấy tháng tôi hãy còn tí toáy viết mấy câu thơ trong đó có chữ ghềnh, với cái nghĩa mà tôi vẫn cho là đúng:

 

(...)

Ngày đêm mây trắng ngủ trên ghềnh

Trời thở dài đất cũng làm thinh

(...)

 

Nay bỗng nhiên thấy ông BNL đem chuyện này mổ xẻ, tôi đâm ra phân vân. Nhưng phân vân chưa đầy một trang sách thì lại... khoái chí thấy hai câu ca dao do chính ông BNL chép lại trong bài của ông, hai câu trước đây tôi chưa từng biết:

 

Chiều chiều ra đứng Ải Vân

Chim kêu ghềnh đá, gẫm thân thêm buồn.

 

Có thể tôi rất... chủ quan, vì  tôi nghĩ rằng nếu ghềnh là thác thì khó mà có cái vụ chim kêu lắm. Thác đổ ào ào, nước bắn tung tóe, chim bay quanh đó làm gì? Còn nếu ghềnh là vũng nước sâu, xoáy mạnh thì hình ảnh đám chim vừa bay vừa kêu trên vũng nước xoáy là một hình ảnh rất đẹp. Rất đẹp và rất khó tin. Sao chim không kêu ở đâu mà lại nhè cái vũng sâu có nước xoáy mạnh mà kêu? Còn nếu ghềnh arroyo như ông Nguyễn Văn Vinh đã dịch, và arroyo lại có nghĩa là hói, kinh, lạch,v.v... thì làm gì có chuyện “chim kêu ghềnh đá”! Hạ hồi chưa biết ra sao, chứ tôi thấy hiện nay chỉ còn lại “ghềnh” như tôi vẫn hiểu. Không phải chỉ ghềnh mà thôi, mà còn là ghềnh đá. Như trong câu ca dao mà ông BNL đã có công chép lại. Ở Ải Vân mà có chim. Tiếng kêu lớn nghe được thì có thể là hải âu. Cả ngày nhào lộn chán chê, tôm cá đớp nuốt phủ phê rồi thì chiều về, mặt trời sắp lặn xuống biển, chim bèn tà tà hạ xuống cả đám, đứng trên ghềnh đá mà kêu nhau, kêu nhau về tổ trước khi đêm về. Có ai đó, một mình “chiều chiều ra đứng Ải Vân” nhìn ngắm quanh cảnh “chim kêu ghềnh đá” như vậy, mới “ngẫm thân” mình (đơn chiếc, cô độc, lẻ loi, xa nhà,v.v...) thì “thêm buồn” là cái chắc!

Trong tranh sơn thủy cổ của người Tàu, xưa nay tôi vẫn nghĩ là tôi thường thấy hình ảnh của ghềnh. Đây, tôi quệch quạc vài nét theo bức tranh của ông họa-thánh thời Nam Tống là Hạ Khuê (1190-1230) cho anh coi:

                    

Suy đến đây, chưa kịp yên tâm, đã giật mình. Nếu thật là ghềnh có nghĩa như tôi hiểu, thì làm thế quái nào có được ghềnh ở gần mộ Đạm Tiên? Chính ông BNL cho rằng KTTĐ định nghĩa ghềnh là vũng sâu, có nước xoáy mạnh là “khá đúng”, ông cũng bảo không thể có ghềnh ở gần mộ Đạm Tiên. Vậy thử coi ở gần mộ Đạm Tiên có những gì. Chúng ta thấy mấy chị em Kiều:

 

Bước lần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nước uốn quanh

Nhịp cầu nho nhỏ, cuối ghềnh bắc ngang.

 

Có suối nhưng chỉ là suối nhỏ, phong cảnh thì không hùng vĩ, thanh thanh thôi, nước thì không xoáy, không cuốn, nước chỉ uốn nao nao, còn cầu, con cầu bắc ngang cả một cái “ghềnh” chỉ là một nhịp cầu nho nhỏ. Toàn những chữ cho ta cảm tưởng một nơi chốn có kích thước hạn hẹp, hiền hòa, gần gũi với con người. Không phải cảnh tượng của thác lớn, sông rộng, nước xoáy, núi cao, vực thẳm.

Tôi không biết  mảy may gì về kỹ thuật xây mộ của người Tàu, nhưng tôi lại sực nhớ rằng người Tàu vốn thích tạo nên cảnh thiên nhiên tại nơi mình đang ở. Nghệ thuật Trung Hoa về làm cảnh (landscaping) đã bước đến một trình độ Đông Tây khó ai qua mặt. Người phong lưu dám bỏ “nghìn vàng” để mua một hòn đá lớn hình thù quái dị đem về để ở sân nhà. Thú chơi hòn non bộ của các cụ ta một thời có lẽ cũng phát sinh từ cái “gu” đó của người Tàu. Vậy thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ở một vùng đất chọn làm nơi yên nghỉ nghìn thu cho thân nhân, người Tàu không quản công của để tạo nên một cảnh trí thật đẹp đẽ.  Mà chúng ta vẫn biết rằng lý tưởng của cái đẹp cảnh trí của người Tàu từ xa xưa đã là cái đẹp thiên nhiên, như nền hội họa đồ sộ của họ đã chứng minh từ nhiều thế kỷ. Vì thế tôi nghĩ rằng, cái con tiểu khê, cái dòng nước nao nao, chính là cảnh trí nhân tạo của một nghĩa địa (hiểu theo nghĩa Đông phương). Và như thế thì dùng đất đắp thêm, rồi dùng đá xây lên một một cái ghềnh tí hon, để bắc ngang một cái cầu nho nhỏ, hiển nhiên là chuyện đáng làm, phải làm.

Thành thử cái chuyện ghềnh là gì thật cũng đáng đem ra mà bàn lắm. Nhưng có điều quan trọng hơn nữa là dẫu dù ghềnh có là vũng nước xoáy, hay cái thác, hay con ngòi, hay như tôi hiểu khi tôi nói về chuyện “chim kêu ghềnh đá”, Nguyễn Du đã không tả... ẩu khi cụ vẽ cái “ghềnh” vào cảnh mộ Đạm Tiên. Để cho phong cảnh toàn vùng đất mồ mả“ngổn ngang gò đống kéo lên”, với những kích thước khiêm tốn, được giống hệt như một chốn hùng vĩ và hữu tình hơn. Mà có như vậy mới dễ dàng cảm thấu  nỗi xúc động và lòng thương xót của Kiều khi nàng nhìn thấy cái cảnh xơ xác tàn tạ của:

 

Sè sè nấm đất bên đường,

Dàu dàu ngọn cỏ, nửa vàng nửa xanh.

Nhưng đây lại là một chuyện khác.

 

Thăm anh và các bạn được vui mạnh. Anh đưa những cảm nghĩ của một tay ngang ra thử xem anh em bên nớ nghĩ sao.

Thân ái,

 

VÕ ĐÌNH

19-10-1986

 

 

 

 

T.B. Mới viết xong, có bạn là T.H.S. gọi điện thoại hỏi thăm. S. bên ngoại miền Trung, bên nội miền Nam, bèn hỏi thử chàng hiểu “lơ láo”ra làm sao. T.H.S. đáp, không ngần ngừ: “Lơ láo là đứng xính rính, chẳng biết làm cái gì! Còn anh nghĩ sao?Tuyệt! Theo T.H.S., không những có xính rính (một từ tôi mới biết sau 75) mà lại có cả đứng xính rính. Phù hợp hoàn toàn với cái hiểu của tôi: đứng một mình, đứng lơ láo, thừa thải, vô tích sự. Tuy rằng xính rính hay thật, linh động thật, liệu có ai dám đổi câu tám của cụ Nguyễn Du thành “Hàng thần... xính rính, v.v.” không?!

Ý kiến bạn đọc
03 Tháng Hai 20156:23 SA
Khách
Trước đây tôi, và ngay gần đây vẫn đọc Kiều. Vừa rồi tôi tự thấy Kiều có gì đó không ổn. "Kiều càng sắc sảo mặn mà" sao gia đình vừa gặp khó đã "bán mình". Đứng ở góc độ nào đi nữa theo tôi đây là điểm yếu chết người, chết người vì nhưu vậy truyện Kiều không nâng tâm người đọc được. Có lẽ thế vì chăng mà Tố Như "Mua vui cũng được một vài trông canh". Hình tượng Kiều thấp hèn (không cao sang), trong truyện không hề có một nghĩa cử dấn thân cứu đời cao thượng để nữ giới đọc mà nâng thêm trí lực, nam giới đọc mà cảm thấy xốn xang.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 20236:56 CH(Xem: 6283)
Ai cũng ghét kẻ khoe khoang và gọi kẻ ấy là hợm hĩnh khó ưa. "Khoe khoang" có gọi là "phô bày" không? Có đó, vì cả hai đều đồng nghĩa như nhau nhưng tôi thấy kẻ phô bày lại đáng thương hơn là đáng ghét đó. Có ai trong đời này mà không hề có sự phô bày cho người ta thấy chứ, ta thích được người biết cùng, khen cùng ta những điều ta có. Bây giờ có facebook thì điều này thể hiện rõ nhất qua nút chia sẻ đó.
13 Tháng Hai 20232:24 SA(Xem: 6075)
Nhớ lại những tháng năm xưa thời còn ở quê nhà. Đêm giao thừa sau khi đặt mâm cúng xong cả nhà mình đều xuất hành về hướng đông đi lễ chùa, má mặc áo dài màu nâu còn mình và bọn trẻ lại mặc đồ tây bình thường theo má. Má lạy Phật lạy hương linh ông bà chùa Long Khánh rồi sang chùa Tâm Ấn cũng như thế. Mình nhớ ngày ấy trời trong lắm lại mang hương xuân lành lạnh, đường phố sạch đẹp và đâu đó vẫn còn lác đác vài người phu quét lá bên đường còn sót lại. Mình hít hương xuân ngày đầu năm mới vào hồn với cả hân hoan.
06 Tháng Giêng 202312:51 SA(Xem: 6955)
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là thầy dạy tôi. Thầy sinh năm 1923, năm nay tròn 100, còn tôi sanh năm 1936, thầy hơn tôi 13 tuổi, năm nay tôi cũng đã 87. Tính ra năm thầy dậy tôi cách đây đã đến 70 năm rồi. Ở cái thời mà ai cũng gọi người dậy học là “Thầy”, dù là từ lớp vỡ lòng cho đến hết lớp trung học chứ không gọi là “Giáo sư” như những năm sau này. Mà người đi học thì gọi là “Học trò” chứ ít ai gọi là “Học sinh”. Thầy dậy tại trường Chu Văn An năm nào, thì tôi được học thầy năm đó. Tôi không còn nhớ mấy năm, nhưng đọc tiểu sử của thầy, trên mạng Wikipedia cho biết thầy chỉ dậy ở trường CVA có một năm 52-53, sau khi thầy dậy ở Nam Định một năm 51-52. Trang mạng này, có ghi thầy di cư vào Nam năm 54, đoạn sau lại ghi thầy dậy trường Trần Lục tại Saigon năm 53-60. Tôi không nghĩ rằng hai trường Công Giáo Trần Lục và Hồ Ngọc Cẩn dọn vào Saigon trước năm 54.
05 Tháng Giêng 202311:09 CH(Xem: 7035)
Võ Tòng Xuân, sinh ngày 6 tháng 9 năm 1940 (tuổi con rồng / Canh Thìn), tại làng Ba Chúc trong vùng Thất Sơn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Xuất thân từ một gia đình nghèo với 5 anh em. Học xong trung học đệ nhất cấp, VTX lên Sài Gòn sớm, sống tự lập, vất vả vừa đi học vừa đi làm để cải thiện sinh kế gia đình và nuôi các em... Miền Nam năm 1972, đang giữa cuộc chiến tranh Bắc Nam rất khốc liệt – giữa Mùa Hè Đỏ Lửa, Đại học Cần Thơ lúc đó là đại học duy nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), được thành lập từ 31/03/1966 thời Việt Nam Cộng Hòa đang trên đà phát triển mạnh, và đã có khóa tốt nghiệp đầu tiên ra trường (1970). Võ Tòng Xuân đã được GS Nguyễn Duy Xuân (1970-1975) – là Viện trưởng thứ hai sau GS Phạm Hoàng Hộ (1966-1970), viết thư mời ông về phụ trách khoa nông nghiệp – lúc đó trường vẫn còn là có tên là Cao Đẳng Nông nghiệp, với tư cách một chuyên gia về lúa.
11 Tháng Mười Một 202212:24 SA(Xem: 7661)
Mưa rơi trong màn hình laptop, tôi thèm nghe tiếng mưa. Đêm nay. Mưa Cali hiếm hoi, cứ như chẳng bao giờ muốn có. Nhưng dù đã cố gắng cách mấy, tôi vẫn không thể nhận ra cái rì rào ướt át, chút rét mướt của gió đêm, qua những giọt “mưa giả”, ” mưa máy móc”, “ mưa trong computer”.
01 Tháng Mười Một 202212:25 SA(Xem: 8126)
Sáng sớm, ông bác sĩ quản lý vào phòng báo tin: sau khi hội ý với các bác sĩ chuyên khoa, tất cả đồng ý để tôi xuất viện vào trưa hôm nay và một tháng sau trở lại tái khám. Thú thực, tôi mừng lắm, nghĩ mình đã được sinh ra lần thứ ba! Lần đầu, vào lúc khởi diễn cuộc Thế Chiến Thứ Hai, Mẹ sinh tôi tại một làng quê thuộc Tỉnh Hải-Dương, miền Bắc Việt-Nam; lần thứ hai cách đây bốn mươi năm, là lúc tôi được phóng thich khỏi trại tù Vĩnh-Quang, một trong những nơi giam giữ các sĩ quan miền Nam, dưới chân núi Tam-Đảo thuộc tỉnh Vĩnh-Phú, cũng tại miền Bắc Việt-Nam. Và lần này, lần thứ ba được sinh ra, là ngày tôi xuất viện, sau một thời gian trị liệu nhiều “gian khổ”, “cam go” tại một bệnh viện nổi tiếng ở Houston, Texas.
05 Tháng Mười 20225:58 CH(Xem: 3327)
Thật khó ngỡ tôi có thể sống tới tuổi 80—dù chỉ lả tuổi khai sinh. Cha mẹ cho tôi “mang tiếng khóc bưng đầu mà ra” ngày mồng 6 tháng 10 năm Nhâm Ngọ —tức 13/11/1942—tại Phụng Viện thượng, tục gọi là Me Vừng, quận Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, sau ngày cha thoát khỏi những trại tù khổ sai của Việt Cộng, định cư tại tỉnh lỵ Hải Dương hoang tàn, đổ nát, rổi dàn xếp cho mẹ và hai anh em tôi trốn ra đoàn tụ, khi làm giấy thế vì khai sinh hai anh em tôi đều được khai sinh với năm tây lịch, và ngày tháng âm lịch. Ngày sinh trên giấy tờ trở thành 6/10/1942. Bởi thế, từ buổi di dân qua Mỹ, mỗi năm tôi có tới ba sinh nhật. 6/10, 13/11 và một ngày tây lịch nào đó tương ứng với ngày 6/10 âm lịch. Vợ tôi—người tình đầu đời từ trại Bác Ái xóm Cây Quéo, Gia Định 62 năm trước, cũng nguổn cảm hứng của những vần thơ khởi đầu văn nghiệp—thường tăng khẩu phần lương thực với lời chúc..
01 Tháng Chín 20224:56 CH(Xem: 2869)
Trong quá trình khảo sát kỹ lưỡng đó , một lần nữa , thú thực tôi chỉ có thể xếp tranh của anh vào Trường Phái Chọc Ngứa Thần Kinh Thị Giác (Itchy Poking for Optic Nerve) ! Tranh của anh quá dễ vẽ, chỉ cần cầm cọ lên rồi nhúng vào bảng mầu và quẹt tưới xượi với những nét kéo dài trên mặt vải ! Chả cần phải tĩa tót cho giống đôi mắt , cái mũi, đôi môi hay mái tóc của người mẫu, chả cần có cái nhìn phớt qua của họa sĩ ấn tượng ! Cái anh chàng họa sĩ trong hang động ngày xưa , lúc chán đời cũng có thể quẹt cọ tưng bừng như anh ấy mà ! Nhưng không, anh chàng họa sĩ hang động ấy làm việc nghiêm túc và lao động cật lực hơn anh nhiều, anh ta vẽ con bò ra con bò , con hươu ra con hươu, con ngựa ra con ngựa , con chim cú ra con chim cú ! Vì sao vậy ? Bởi vì khi anh ta cầm cọ để vẽ , trong đầu anh ta đã có một định ý ! Còn anh thì không ! Trong đầu anh không có một định ý nào cả , nên anh gọi các tác phẫm của anh là Ứng Tác , được trưng bày trong Phòng triển lãm tranh có tên là “Improvisation”
21 Tháng Bảy 202211:32 SA(Xem: 8300)
Tôi hiểu nỗi thất vọng, sự đau lòng của em sau đợt thi năng khiếu chuyên ngành đạo diễn vừa rồi; và mọi lời an ủi lúc này là vô nghĩa. Tôi chỉ có đôi dòng tâm sự may ra có thể giúp em bình thản lại, dù lúc này có thể một số người thân gia đình em đang bĩu môi: “Ai bảo cứ khích nó đi vào cái nghề "chân không tới đất cật không tới trời", mơ mộng viển vông! Kỹ sư, bác sĩ còn chẳng ăn ai, nữa là cái nghề “đào giếng” (nhại vui cách nói của người miền Trung Trung Bộ)…
06 Tháng Bảy 20225:37 CH(Xem: 7688)
Người ta nói con trai thương má, còn con gái thì thương ba nhưng tôi là con gái tôi lại thương má tôi lắm, thương tự khi tôi còn nhỏ. Má tôi là một người phụ nữ đẹp và thật nhiều cá tính rất sống động. Nghe Má kể ngày xưa bà Ngoại thuộc loại tân tiến nên Ngoại cho Dì Hai, cho Cậu và cho Má được đi học chứ không câu nệ là con gái con trai gì cả. Hồi đó Má tôi học giỏi lắm nhưng Dì mất sớm rồi Ngoại cũng đột ngột mất, Má ở với bà Cố nên không có điều kiện đi học nữa cho đến lúc lấy chồng.