- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Miền đất trầm hương

12 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 91202)

 

dieu_bien__ngdong

LTS: Sinh trong thập niên 60 trong một gia đình Bắc di cư và theo học Chu Văn An, đời sống của tác giả mang định mệnh của nhiều triệu người Việt chịu tác động của biến cố 1975 rồi phải ra đi vào năm 1979. Ở lứa tuổi bắt đầu khám phá xã hội, những thiếu niên Việt Nam va chạm tức khắc thực tế văn hóa, giáo dục, màu da, cùng những khó khăn khác trên vùng đất mới. Hoa Kỳ sẽ là vùng đất tốt đẹp cho những ai biết tìm thấy khía cạnh tích cực của xã hội này và biết vươn lên đón nhận tặng phẩm của trời, là ý nghĩa của bài tùy bút đầu tay của Trầm Hương mà ở những dòng chữ đầu tiên đã toát ra sự chừng mực mẫn cảm. Nếu chức năng của văn chương là ghi lại đời sống, Trầm Hương đã ghi lại bằng tất cả sự nhẹ nhàng thầm lặng.

 

Tạp Chí Hợp Lưu.

 

Ngày bốn chị em tôi đến phi trường Houston, Texas, anh Bằng ra đón chúng tôi. Tôi đã ngỡ ngàng khi trông thấy anh. Người anh cả của tôi đã mất dáng vẻ của một cậu công tử được bố mẹ nuông chiều, tóc anh để dài hơn trước nhiều, gương mặt gầy guộc hẳn đi, ánh mắt hòa nhã, không còn một chút khó khăn và bướng bỉnh của ngày xưa. Anh tiến về chúng tôi, tươi cười gọi tên. Anh tôi mừng rỡ được gặp lại người thân sau hai năm xa cách, còn tôi mừng rỡ hơn vì có thể trả chức vụ con chim đầu đàn lại cho anh. Khi anh lại gần, tôi mới để ý có vài người thanh niên theo sau lưng anh. Thì ra, anh Bằng ở nhờ gia đình người bạn không tiện cho chúng tôi về, nên đã nhờ hội nhà thờ giúp đỡ. Hội có một căn nhà cho những người lỡ đường tạm trú gọi là Half-way House, một trong mấy anh đi theo là con của người phụ trách.

 

Half-way House rất có tổ chức. Dì Huỳnh là người phụ trách, mỗi ngày sáng đến tối về. Ở đó tạm trú ngụ hai gia đình và một số thanh niên, công việc đi chợ nấu nướng vệ sinh được phân ra rõ ràng, còn có một người đàn bà Mỹ đến dạy Anh văn ba lần một tuần. Tôi và hai đứa em gái được một phòng, còn đứa em trai ở chung phòng với một người thanh niên. Mọi người ở đó đều thân thiện và tốt bụng. Thỉnh thoảng, các anh chị đã từng tạm trú ở đây trở về xem có gì cần giúp. Chỉ trong thời gian ngắn chúng tôi đã quen và đưọc tự nhiên, nhưng tạm trú được bao lâu và sau này sẽ về đâu, chúng tôi tính không ra. Anh Bằng làm lương rất thấp, chỉ có một chút tiền dành dụm, còn mấy đứa chúng tôi thì chỉ biết có vài chục chữ Anh không biết làm gì để kiếm tiền.

 

Anh Bằng rất bận rộn nên ít có thì giờ đến thăm chúng tôi. Mỗi sáng, anh dậy lúc 4 giờ sáng để giúp gia đình người bạn đi bán tôm rồi mới đi làm cho đến tối ở một tiệm tạp hóa. Bán hàng ở các tiệm tạp hóa rất nguy hiểm, thường xuyên bị cướp vì mỗi phiên chỉ có một người bán hàng mà lại nhận tiền mặt. Anh Bằng chở chúng tôi ra tiệm một lần cho biết, đến nơi anh làm cho mỗi đứa một cái hamburger to ơi là to, và trong lúc chúng tôi ăn thì anh đi chuì sàn nhà. Tôi còn nhớ cái cảm giác đau lòng lần đầu thấy anh làm công việc này, lại chạnh lòng nghĩ đến sự vất vả của anh trong mấy năm qua mà anh không hề kể trong thư từ. Có lẽ tôi vẫn chưa quen được con người “mới” của anh. Tôi còn nghĩ nếu mẹ tôi có mặt, chắc bà sẽ khóc.

 

May mắn thay, ở Half-way House được hơn ba tháng thì chúng tôi nhận được thư của bác Hải là bạn của bố mẹ tôi hỏi có muốn về Cali ở với gia đình hai bác. Không suy nghĩ nhiều, anh Bằng xin thôi việc, còn chúng tôi báo tin với dì Huỳnh. Mọi người giúp chúng tôi nắm cơm, luộc lạp xưởng để mang theo trong mấy ngày đường. Dù chỉ là vài tháng chung đụng, sự từ giã cũng mang nhiều xúc động. Ân tình của những người quen biết sơ giao này tôi không bao giờ trả nổi.

 

Cali là nơi chúng tôi thực sự bắt đầu cuộc sống mới. Gia đình hai bác Hải còn có chị Hằng, chị Thuỷ, anh Sơn và Dũng. Còn anh Giang ở Washington chỉ mùa hè mới về. Mọi người đều rất tốt bụng, giúp chúng tôi xin trợ cấp, tìm trường dạy Anh văn cho những người thành niên trong khi chờ niên khoá học mới. Anh Bằng thì tìm được việc làm ở một tiệm tạp hóa khác. Ở được vài tháng thì một chung cư gần căn của bác Hải bỏ trống. Hai bác điều đình với chủ nhà cho chúng tôi thuê với giá phải chăng. Chủ nhà là một giáo viên, thấy có một đám con nít nên cũng dễ dãi.

 

Và chúng tôi dọn vào căn nhà đầu tiên của riêng anh em tôi. Nơi phải đến là đây. Gần hai năm trôi nổi qua ba đại dương, sóng to gió lớn, đã nhờ không biết bao nhiêu người hảo tâm quăng phao cho chúng tôi bám víu để đến được nơi định mệnh đã an bài cho chúng tôi. Căn nhà rộng rãi có hai phòng ngủ dự trù vừa đủ dùng cho tám anh em vì còn vài tháng nữa thì thêm bốn đứa em nhỏ của chúng tôi sẽ đến. Anh Bằng chỉ mua một ít đồ dùng cần thiết, còn thì mượn đỡ của bác Hải, hoặc là đợi có ai vứt bỏ thì nhặt về. Mỗi lần anh tôi chở một món đồ nhặt về, là chúng tôi hân hoan xúm lại xem xét. Tôi còn nhớ sự mừng rỡ khi nhìn thấy có một tấm nệm cũ kỹ loang lỗ đặt trong phòng, anh Bằng cho biết là vừa nhặt được và nhường cho mấy đứa con gái dùng. Món quý giá nhất là tượng Phật Thích Ca bị bể ở cổ, anh dùng keo dán đầu tượng Phật vào thân và chúng tôi hân hoan đặt một bàn thờ nhỏ. Bàn thờ là nơi nương tựa tâm thần của tôi. Cuộc sống hằng ngày có những trắc trở không biết đương đầu, không biết hỏi ai, tôi thường quỳ trước bàn thờ xin bình yên, xin ngài che chở cho anh em chúng tôi.

 

Cuộc sống như đã tạm ổn định. Dù tôi hiểu là chúng tôi đã rất may mắn được an toàn đến nơi đây, được có phương tiện căn bản để bắt đầu gầy dựng cuộc sống mới, nhưng trong lòng tôi vẫn chưa chấp nhận được hiện thực, vẫn còn muốn trở về chui rúc trong sự đùm bọc của bố mẹ tôi. Có lẽ khi tôi xa nhà lúc mới lớn chưa hề va chạm với cuộc đời, lại không có chuẩn bị tâm lý gì, mà con đường vượt biên là triền miên thử thách, đi chưa ra khỏi hải phận Việt Nam thì tôi đã muốn quay về, nhưng rồi tôi càng bị đẩy đi xa hơn. Nơi đến như là chỗ tận cùng của xã hội, ở đây thân thế tôi như thua sút hết mọi người chung quanh, từ những người quen biết cho đến những người gặp gỡ qua đường. Tôi còn nhớ được một chị bạn mời đi dự đám cưới, nghe các chị khác khoe mua áo đầm đắt tiền để đi dự, tôi đã ái ngại từ chối, chị bạn không hiểu được sự khó khăn của tôi nên giận tôi đã không nể mặt. Rồi có hôm tôi đang đi bộ đến trường thì một thanh niên Mỹ đi xe gắn máy chạy ngang đã cố ý nhổ vào người tôi, tôi đã nhỏ nhoi đến không còn phản ứng, chỉ lặng lẽ chùi đi vết bẩn rồi tiếp tục bước chân. Tôi không nhớ được hết những gì đã xảy ra để khiến tôi biến thành tự ti, chỉ nhớ rằng mình đã tránh quen người mới, tránh gặp lại người cũ, không muốn trải qua và không muốn ai thấy tôi trải qua những cảm giác ái ngại gì. Cái tôi thường ước ao là được trở lại quá khứ, được thức dậy trong căn phòng thuở nhỏ của tôi, và những chuyện xảy ra trong gần hai năm qua chỉ là một ác mộng.

 

Yên ổn chưa được được bao lâu thì anh tôi gặp tai nạn lúc đang làm việc trong tiệm tạp hóa. Thì ra lúc tuyệt vọng nhất trong cuộc đời của tôi không phải là lúc tôi đói khát ở trên tầu nhìn xuống mặt nước, bâng khuâng không biết là bao sâu, bao xa. Tai nạn quá to lớn, mỗi việc có thể làm đều ngoài sức của tôi, không biết xin ai cứu giúp anh tôi, tôi quỳ mãi trước bàn thờ, rơi không biết bao nhiêu nước mắt. Tôi biết Đức Phật sẽ không cho tôi câu trả lời gì, tôi chỉ là không hiểu tại sao những việc không may lại xảy đến cho chúng tôi và muốn kể ra những ấm ức ở trong lòng. Cái cảm giác tuyệt vọng đó khiến tôi mệt mỏi làm một người với không chút khả năng kháng cự, nhưng có lẽ cũng là động lực thúc đẩy bản năng sinh tồn của mình. Rồi tôi hiểu ra được dù có thể gặp lại, bố mẹ sẽ già đi, sẽ không thể đùm bọc chúng tôi nữa. Đã đến lúc tôi phải buông bỏ cái quá khứ mà tôi không thể trở lại, cái Tôi mà bố mẹ đã cho và gây dựng cái Tôi thực sự của chính mình.

 

Trong tiềm thức tôi tất cả những lưu trữ của quá khứ dần dần trở nên phai nhạt. Thỉnh thoảng một số hình ảnh hiện rõ trong thoáng chốc rồi lại mờ đi, không còn đủ sức sống động để gây xôn xao lòng mình. Khi mặc cảm xảy ra, tôi không còn so sánh với quá khứ để buồn, tôi tự nhủ đây chỉ là những cảm giác tạm thời, sẽ không xảy ra trong tương lai mà tôi đang đi đến. Một chút tâm lý đó đã đem đến cho tôi đủ hy vọng khiến lòng tôi bình yên hơn khi gặp phải khó khăn.

 

Rồi tôi miệt mài đi về hướng tương lai, cứ đi như vậy đã được mấy mươi năm. Tôi đã thích nghi được với cuộc sống ở đây và đã biết cảm kích những thử thách đã giúp tôi trưởng thành. Thỉnh thoảng tôi nghĩ về thuở nhỏ, nhưng vẫn như vậy, những kỷ niệm cũ như không còn tác dụng lên cảm xúc của tôi. Mãi cho đến mùa hè năm ngoái, tôi đã nhận được email của Trúc cho biết có một người tên Trần Trí Hoàng đang tìm tôi. Hoàng là một người bạn cùng lớp 10 ở Chu Văn An, cách đó không lâu đã cùng những bạn khác lập một web site cho nhóm Pháp Văn Chu Văn An, và muốn tìm lại những bạn cũ để tham gia. Những phút đầu nói chuyện với Hoàng, cũng như lúc được các bạn cũ và mới trong nhóm chào đón, tôi đã có chút bỡ ngỡ, nhưng chẳng mấy chốc, sự nhiệt tình của họ đã khiến lòng tôi được cởi mở và ấm áp. Họ nhắc lại cho tôi nghe những chuyện vui cũ, khơi lại một số ký ức đã dấu rất sâu trong tiềm thức của tôi, và cái khoảng cách mấy mươi năm đã biến mất rất mau giữa chúng tôi. Mỗi buổi sáng mở mailbox, đọc những email của nhóm Chu Văn An gửi ra, lòng tôi rộn ràng như cô bé 16 tuổi trong sân trường, nghe bạn bè đùa nghịch cãi cọ chung quanh. Một phần quá khứ mà có lúc tôi khờ dại cố quên đi đã trở lại và mang đến nhiều niềm vui nhỏ trong lòng tôi. Tôi mộng mơ thấy mình chạy xe trên những con đường Sài gòn cùng với những bạn bè khác nhau, chúng tôi rượt đuổi nhau qua nhiều con phố, trên đường có hai hàng cây to và rất nhiều lá cây bị gió thổi nhẹ rơi trên người chúng tôi, trời đang nắng gắt chuyển sang mưa to đem lại rất nhiều mầu sắc cho những trái tim non không biết sợ trời đất, chúng tôi đã ướt lạnh nhưng vẫn tiếp tục đi. Đi một lúc thì về lại một ngôi trường cũ, chúng tôi vào lớp học, yên lặng ngồi xuống cạnh nhau trên chiếc ghế dài đã hư hao, trên bàn là những hoa bướm thoảng hương, những bài thơ đầy cảm xúc của tuổi mới lớn. Tôi đã ngồi như vậy rất lâu cảm nhận lại tình bạn nhẹ nhàng trong sáng giữa chúng tôi, cảm nhận lại những khoảnh khắc vui buồn, bối rối chúng tôi đã cùng trải qua. Cơn mơ đi qua nhưng những cảm giác đó vẫn còn ở lại, tôi đã tìm lại được tôi trong tuổi hoa niên.

 

Mùa xuân năm nay như rất đẹp và trọn vẹn. Tôi đã có được tương lai mà mình đi tìm và có lại được một phần quá khứ thân mến mà tôi tưởng đã vĩnh viễn biến tan. Sáng nay trước khi ra khỏi nhà, tôi đã dừng lại trước tượng Phật và cám ơn Ngài đã trông chừng chúng tôi trong những năm tháng qua. Tôi khấn vái bằng những nén nhang tỏa trầm hương ngạt ngào.

 

Trầm Hương

tháng 4-2009 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Mười 20216:46 CH(Xem: 10646)
Bài thơ tựa một khúc du ca trong trẻo, cất lên giữa chiều thu yên bình, giữa khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của một miền quê Bắc Mỹ, xuyên qua một con đường quanh co rợp bóng cây mang tên “Con đường tình ta đi”- cái tên như một thứ “định mệnh” ngọt ngào đối với hai người…
05 Tháng Mười 202110:18 CH(Xem: 10517)
Cuối cùng rồi tôi cũng đã già. Cái già cũng thật thú vị. Hồi nhỏ người lớn bảo rằng tôi có tướng đi lầm lũi, đó là tướng khổ và cái tướng đó theo cả đường đời tôi đi. Tôi đi suốt từ thời thơ bé cho mãi đến tuổi 50 có lẽ thấm mệt nên tôi dần chậm bước. Tôi cho rằng đó là lúc tôi không còn trẻ nữa mà đến lúc tuổi đã thu rồi.
12 Tháng Chín 20219:32 CH(Xem: 10025)
Buổi sáng thức dậy thật sớm, tôi có những phút bình yên ngồi bên song cửa sổ lặng nhìn thành phố còn trong màn đêm yên tĩnh. Từ ngày thành phố có lệnh cách ly, khoảng trời của tôi được thu nhỏ chỉ trong khung cửa sổ này. Nhìn từ nơi xa xa tít ngoài xa là con đường cao tốc, cửa ngõ cho người đi người về lại Sài gòn, ngày trước xe lúc nào cũng nối đuôi còn bây giờ thưa thớt một vài xe trên đường. Những ngày dịch bệnh nơi ấy bớt hẵn bóng người, không còn những chuyến xe đi sớm về muộn trên đường xuôi ngược.
09 Tháng Chín 20219:44 CH(Xem: 10366)
Những ngày giãn cách này, tôi khám phá ra mình có một khả năng mới; đọc được tiếng ho! Giữa tháng 8, bẳng đi một tuần, đột nhiên tất cả âm thanh quanh tôi cùng một lúc biến mất! Không có tiếng hát karaoke, không có tiếng bước chân ngoài cửa, không có tiếng người cãi nhau lao xao dưới sân, không có cả tiếng con nít khóc cười rượt đuổi nhau ngoài hành lang… tôi như rơi vào khoảng không im lặng lạ lùng. Đó là lúc tiếng ho bắt đầu trỗi lên. Đầu tiên là tiếng ho của bác hàng xóm sát vách bên trái, âm thanh đùng đục quặn sâu từ trong phổi, rồi bục ra khỏi cuống họng từng chùm tắt nghẽn. Tiếng ho luồn từ cuối dãy hành lang, theo chiều gió lan dài, mới đầu chỉ là khúc khắc, càng về cuối càng dồn dập, khản đặc.
25 Tháng Tám 20219:16 CH(Xem: 10676)
Một năm trôi qua, nỗi sợ hãi càng thấm đẫm hơn. Sợ bệnh dịch hoàng hoành, con virus –cúm Vũ Hán thực quái ác, nó gây nỗi sợ hãi cho cả thế giới. Loài người như điêu đứng vì nó, nó gây bao tang tóc, đau thương không có bút mực nào tả xiết. Thần quyền, sợ chết. Cường quyền, sợ phạt tiền, sợ tù đày, rờ đâu cũng sợ.
17 Tháng Tám 202110:42 CH(Xem: 10560)
Tôi nhỏ xíu, tôi bé xíu. / Cũng chẳng có nghĩa những bóng lớn của Hội Họa Sĩ Trẻ đó đã che hết dáng tôi, cô học trò xinh xinh, chen chân, nhón gót xem tranh trong những chiều trốn lễ, bỏ nhà thờ… / Tôi mượt mà, tóc bay và mắt ướt, tôi thơ mộng như những thiếu nữ trong tranh. Tôi nhìn thấp thoáng chút yêu kiều, thời của những Chagall, Pissarro, Cezanne, Matisse… Và ngay cả rất xa xưa, Rembrandt.
28 Tháng Bảy 20219:48 CH(Xem: 10858)
Một buổi chiều ảm đạm, đầy sương. Hai chúng tôi ngồi nhìn biển, một màu xanh tít tắp gợi lên một nỗi niềm thăm thẳm, xa xăm. Vài chiếc lá me phai rơi đậu trên mái tóc em. Gương mặt em chiều nay buồn ảm đạm như chiều nay, đầy mây và gió lạnh. Em thẩn thờ nhìn vào góc vắng và buồn . Buồn trong đôi mắt và buồn trong cái nhìn của em. Em bảo em lạnh, anh đưa em về.
22 Tháng Bảy 20216:09 CH(Xem: 10574)
Sài gòn cách ly. Tôi chẳng được ra khỏi nhà hơn hai tháng nay từ khi cháu ngoại nghỉ học chứ không phải tới cái " Giờ thứ 25" Sài gòn đã điểm như lúc này. Nếu tôi được rong ruổi ngoài đường mà tận mắt chứng kiến Sài gòn xôn xao, lo toan, thắt thỏm mỗi ngày cho đến lúc hốt hoảng mà chạy trốn dịch như thế nào tôi sẽ viết sống động hơn, nhưng tôi chỉ ở nhà và chỉ biết tình hình mỗi lúc một nghiêm trọng khi thấy các con tôi.
13 Tháng Bảy 20214:16 CH(Xem: 11593)
Saigon không chỉ của những người hàng giờ lên Facebook khoe đẹp, khoe thân, khoe của, khoe tình ái, khoe giàu… Saigon là của những người không có Facebook để khoe, chạy ăn từng bữa, sấp mặt kiếm cơm. Saigon là của công nhân nhập cư chen nhau trong dãy nhà trọ 10m vuông, là của người đẩy xe đi bán rau cải 2000 đồng 1 bó, bán kẹo kéo nhân đậu phộng, tàu hủ nước đường gừng, bán dừa xiêm 15,000 đồng 2 trái, bán bánh su kem, bán thạch dừa nhà làm…
02 Tháng Bảy 20216:21 CH(Xem: 11267)
Tuổi trẻ chúng tôi sinh ra và lớn lên giữa lúc cuộc chiến diễn ra vô cùng khốc liệt. Ngay từ tuổi thiếu niên – tuổi học sinh trung học, lẫn lộn giữa tiếng đạn bom, chúng tôi đã nghe những bài hát, hoà cùng cuộc chiến có, chống lại cuộc chiến có. Trong những bài hát phản đối chiến cuộc, có những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.