- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nhân 45 Năm Ngày Mất Của Nhất Linh Phỏng Vấn Nhà Văn Nguyễn Tường Thiết

22 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 26711)

w-hopluu101-70_0_195x300_1LQM: Ông cho biết về tiểu sử và hoạt động về Văn học

NTT: Tôi sinh năm 1940 tại Hà Nội, là con út của nhà văn Nhất Linh. Trước năm 1975 ở Sài Gòn tôi dậy học rồi nhập ngũ khoá 2/68 quân trường sĩ quan Thủ Đức, ra trường và phục vụ tại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Năm 1973 tôi trông nom nhà xuất bản Phượng Giang. Năm 1975 định cư ở Mỹ, tôi làm việc tại nhà máy lọc nước thải của thành phố Seattle với tư cách một chuyên viên phòng thử nghiệm hoá chất cho đến ngày về hưu, tháng tư năm 2006. Cộng tác với các tạp chí Thế Kỷ 21, Văn Học, Hợp Lưu, Da Màu.org. Đã có hai tác phẩm xuất bản, hồi ký Nhất Linh, cha tôi (Văn Mới-2006) và tập truyện Mùa Hạ năm ấy (Văn Mới-2008).

 

LQM: Những năm đầu sống tại Hoa Kỳ ông không viết đều đặn mà thời gian gần đây mới thật sự đến với văn chương? Trước thời gian này ông có bị thôi thúc dấn thân vào nghiệp viết không?

NTT: Chị nói thôi thúc? Không. Hoàn toàn không. Đã có một số người hỏi tôi vì sao tôi không viết đều đặn, chẳng hạn như nhà phê bình và nghiên cứu văn học Nguyễn Hưng Quốc. Anh Quốc sau khi đọc tập hồi ký Nhất Linh Cha Tôi có ngay một nhận xét tiên khởi này: Bài thứ nhất Niềm Vui Chết Yểu tôi viết năm 1964, bài thứ hai Nhất Linh Cha Tôi viết năm 1985, bài thứ ba Cây Bàng Lá Đỏ năm 2002. Anh hỏi tôi vì sao mà có những "lỗ hổng" lớn như thế, cách nhau những 20 năm? Tôi trả lời anh ấy là bởi vì tôi đã không chọn nghề văn ngay từ đầu. Cả ba bài viết ấy đều do sự thôi thúc của người khác muốn có bài của tôi để đăng trên báo của họ. Anh Phan Kim Thịnh với tờ Văn Học, anh Võ Phiến với tờ Văn Học Nghệ Thuật, anh Phạm Phú Minh với tờ Thế Kỷ 21. Chỉ sau này khi gần về hưu tôi mới viết do thôi thúc đến từ chính mình. Viết với tôi bây giờ giản dị là một thứ "hốp bi" của tuổi già. Từ ngày về hưu tôi có ba cái thú: chăm sóc đám cây cỏ xung quanh nhà, đi tập thể dục đều đặn, và bước vào trong quán café Starbucks với cái laptop trên tay để viết (như tôi đang "viết" những dòng này trong một quán Starbucks). Chúng tôi vẫn chưa có cháu nội ngoại nên tôi chưa có thêm cái thú thứ tư là thú "trông cháu" như tất cả các bè bạn ở lứa tuổi tôi đều đã có.

 

LQM: Một nhà văn trẻ Hoa Kỳ có tác phẩm thành công tại Âu Châu, đã từ chối không dùng tên thật mà lấy bút hiệu để viết vì không muốn bị che lấp bởi cái bóng quá lớn của thân sinh. Là dòng dõi nhà văn Nhất Linh, ông có mang ý nghĩ xử dụng một bút hiệu để viết không?

NTT: Như đã nói ở trên tôi đã không chọn nghề văn ngay từ đầu. Nếu không thì chắc chắn bây giờ đã có một bút hiệu rồi. Hồi nhỏ tuy không viết nhưng tôi luôn luôn mơ tưởng và tự tìm cho mình một cái bút hiệu thật hay, thật lý tưởng. Chả là hồi đó không hiểu sao tôi tin một cách chắc nịch rằng việc chọn bút hiệu nó quan trọng ghê gớm lắm, nó sẽ quyết định cả đời văn của mình, mình mà không khéo chọn một bút hiệu đọc lên nghe nó "quê quê" thì suốt đời văn chương mình cũng sẽ "quê quê" như thế. Khổ nỗi có bao nhiêu cái bút hiệu hay thì thiên hạ đã lấy hết sạch rồi. Tôi mê nhất bút hiệu Thạch Lam nhưng ông chú của tôi đã cuỗm mất từ mấy chục năm trước rồi. Tiếc ghê! May quá tôi không phải tìm bút hiệu cho mình nữa vì bài viết đầu tiên là hồi ký về ông cụ tôi, mà viết hồi ký thì dùng tên thật là chuyện rất hợp lý. Bây giờ tôi viết văn, viết truyện, cũng lấy tên thật, vì nghĩ mình già rồi, xây dựng tên tuổi trên một bút hiệu e rằng quá trễ, quá mệt mỏi.

 

LQM:Cụ thân sinh bút hiệu Nhất Linh, các chú lấy bút hiệu Hoàng Đạo,Thạch Lam...Theo ông việc này là tốt hay không tốt vì đa số những nhà văn quốc tế đều lấy tên thật để viết hơn là dùng bút hiệu?

NTT: Chọn bút hiệu hay chọn tên thật là lựa chọn riêng của nhà văn. Hoàn toàn không có vấn đề tốt hay không tốt. Riêng trường hợp của ông cụ tôi chọn cho mình một bút hiệu là một điều hay. Ai cũng biết ông cụ tôi có hai con người. Một con người cách mạng chính trị Nguyễn Tường Tam và một con người nghệ sĩ Nhất Linh. Khi hoạt động chính trị ông cụ đứng dưới tên thật, khi hoạt động văn hoá thì ông dùng bút hiệu. Lần duy nhất (đầu tiên cũng là cuối cùng) ông cụ xử dụng cả tên thật lẫn bút hiệu để ký trên lá thư tuyệt mệnh "Đời tôi để lịch sử xử...". Phải chăng khi ký gộp Nhất Linh Nguyễn Tường Tam ông cụ tôi đã hàm ý nói với hậu thế rằng tuy cái chết của ông có mục tiêu chính trị nhưng phong cách ông lựa chọn cái chết đến từ tâm hồn của một nghệ sĩ?

 

LQM: Trong thời gian ngắn vừa qua, đột nhiên một làn sóng dấy lên những bài viết, hội luận từ trong cho đến ngoài nước nhắc về cái chết Nhất Linh và nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Qua hiện tượng này ông có ý kiến gì?

NTT: Sự kiện "có một làn sóng dấy lên" như chị nói, tôi nghĩ bắt đầu từ trong nước với bài báo của tác giả Quang Thiện nhan đề Về "thị trấn văn chương" đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 26 tháng 7, 2006. Bài báo cho biết có một đề nghị của giáo sư sử học Văn Tạo: "Chúng ta nên đánh giá công minh giá trị lịch sử của Tự Lực Văn Đoàn; ghi công họ bằng một nhà lưu niệm trên nền ‘nhà khách văn chương’; đặt tên phố Tự Lực Văn Đoàn ở Hải Dương và quận Tây Hồ (Hà Nội); có thể xây dựng khách sạn mang tên này để đón du khách văn chương trong nước và thế giới". Sau đó thì vào ngày 8 tháng 2 năm 2007 Bộ Văn Hóa-Thông Tin có gửi một công văn cho Sở Văn Hóa-Thông Tin Hải Dương "đề nghị thu thập tài liệu về TLVĐ để có căn cứ đánh giá rõ hơn nữa những cống hiến của nhóm văn chương này kiểm tra tình hình thực tế ‘nhà khách văn chương’ để đề xuất phương án giải quyết các kiến nghị trên". Và gần đây nhất là cuộc Hội Thảo về Tự Lực Văn Đoàn được tổ chức tại Cẩm Giàng, Việt Nam, vào ngày 9 tháng 5 năm 2008.

Là một đề tài cấm kỵ trong suốt hơn một nửa thế kỷ ở miền Bắc và hơn ba chục năm ở cả nước, Tự Lực Văn Đoàn nay lại được nhắc đến, được đánh giá lại một cách trang trọng bởi nhà cầm quyền Việt Nam. Tôi nghĩ đây là một khởi đầu tốt cho một công việc mà đáng lý là nhà nước họ phải làm từ lâu.

Tôi thiết nghĩ việc đánh giá và ghi công TLVĐ nên đi về bề sâu chứ không nên làm hời hợt, phô trương. Quan trọng hơn hết là để thế hệ trẻ bây giờ và thế hệ mai hậu biết tới những đóng góp lớn lao của TLVĐ vào nền văn học của nước nhà. Việc này theo tôi chỉ thực hiện được nếu như trong tương lai nhà cầm quyền Việt Nam đưa Tự Lực Văn Đoàn vào giáo trình giảng dậy Văn ở bậc trung học, như đã được làm tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

 

LQM: Trong "Chúc Thư Văn Học của Nhất Linh: Một cái chết định sẵn" (Nguyễn Văn Lục, Việt Weekly, 20/3/08) kết luận nguyên nhân dẫn đến cái chết của Nhất Linh là bệnh tâm thần. Ông có cảm giác thế nào khi tên tuổi cụ thân sinh bị bôi nhọ vô cớ?

NTT: Tôi đã trả lời với ông Nguyễn Văn Lục là tôi "KHÔNG đồng ý với nội dung bài viết" của ông ấy, nhưng ông ta vẫn đăng tải bài ấy, đó quyền tự do ngôn luận của ông ta. Là một người con dĩ nhiên là tôi buồn bực khi đọc bài này. Trong lúc những người cộng sản đang dấy lên phong trào dựng lại công nghiệp của Nhất Linh thì từ phía bên này chiến tuyến lại có một bài báo bôi nhọ tên tuổi Nhất Linh như thế, thật đáng tiếc.

Tôi đã định viết hẳn một bài phản đối ông Nguyễn Văn Lục nhưng tôi đổi ý không viết, vì một số những người trong họ khuyên tôi không nên dính vào cuộc tranh luận này và nhất là sau khi tôi được đọc một số bài phản bác của một số tác giả, những bài này đã nói lên hết những ý nghĩ của tôi về bài của ông Lục, đặc biệt là hai bài Âm mưu đưa nhà văn Nhất Linh vào nhà thương điên của tác giả Vũ Cầm và bài Niềm Tin và Tâm Thần của tác giả Lý Nguyên Diệu, cả hai bài đã được đăng trên Việt Weekly và báo mạng Talawas.

 

LQM: Khúc Hà Linh viết:... Nhất Linh đã ra đi ở tuổi 58 để lại di chúc: "Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng... Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do. 7/7/63 Nhất Linh Nguyễn Tường Tam" (trích từ Xung quanh cái chết của nhà văn Nhất Linh- 45 năm năm trước,( báo điện tử Tiền Phong Online ngày 4/6/08,Talawas giới thiệu trên mục Spectrum ngày 4/6/08). Ông có thể làm sáng tỏ vấn đề di chúc trên? Và có ý định công bố di chúc của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam không?

NTT: Trong mục Ý Kiến Ngắn của Talawas ngày 5-6-08 có đăng ý kiến của tôi về bài viết của ông Khúc Hà Linh như sau: "Ông Khúc Hà Linh đã bỏ sót một câu quan trọng trong tờ di chúc này, tờ di chúc mà tôi hiện giữ trong tay, viết: "Sự bắt bớ và xử tội tất cả những phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay cộng sản".

Tôi không biết là ông Khúc Hà Linh đã bỏ sót hay kiểm duyệt bôi bỏ câu đó. Cả câu ấy nếu được trích nguyên vẹn cho thấy là đối với Nhất Linh không có cái tội nào lớn hơn cái tội làm cho nước mất về tay cộng sản. Tôi nghĩ là ở trong nước họ "kỵ" câu này lắm!

Bản di chúc chính trị 71 chữ nói trên của nhà văn Nhất Linh đã được phổ biến rộng rãi và công khai trên khắp mọi báo chí của miền Nam sau khi chế độ của nền Đệ Nhất Cộng Hòa miền Nam sụp đổ, vì thế câu hỏi của chị về việc công bố chính thức bản di chúc này trên báo giới tôi nghĩ không cần thiết.

 

LQM: Tác giả Nguyễn Huệ Chi tuyên bố tại Hội Thảo Tự Lực Văn Đoàn, tổ chức tại Cẩm Giàng, Việt Nam, ngày 9 tháng 5 năm 2008 rằng: "... Chưa biết con đường nào đã hay hơn con đường nào, nhưng nếu nhà nước nuôi dưỡng trọn đời một lý tưởng trong sáng, không có mưu đồ đem giang sơn Tổ Quốc mà mình dành được ra chia chác, ‘xã hội hoá’, vô vàn đất đai béo bở thành của riêng của bè cánh mình, họ hàng mình, con cháu mình, thì trước sau hình bóng họ vẫn sẽ ghi đậm trong lòng dân chúng"... "và những cuộc tham luận sẽ được tổ chức ở nhiều nơi khác..." (Talawas, 19/05/08).Ông nghĩ thế nào về phát biểu này?

NTT: Tôi nghĩ ông Nguyễn Huệ Chi là người can đảm. Ông dám nói lên những sự thật mà nhiều nguời khác không dám nói, chẳng hạn như cái thực trạng xã hội đang diễn ra trên đất nước mình. Tôi đã đọc nguyên bài viết của ông trên Talawas và rất khâm phục những nhận định của ông ta về Tự Lực Văn Đoàn. Bài viết không những phản ánh tính khách quan, sự trung thực mà còn chiếu rọi những cái nhìn mới về nhóm văn đoàn này, đặc biệt là đề cao tinh thần làm việc rất dân chủ của nhóm. Tôi cho rằng bài viết này là một trong những bài nghiên cứu về TLVĐ có giá trị nhất từ trước tới nay, kể cả những bài nghiên cứu về TLVĐ của những học giả miền Nam trước năm 1975.

 

LQM: Xóm Cầu Mới xuất bản lần đầu 10 năm sau khi Cụ thân sinh qua đời. Đây là tiểu thuyết mang nhiều cao vọng nhất nhưng là đứa con tinh thần mà Nhất Linh không biết mặt. Ông cho biết quá trình xuất bản và chi tiết về tác phẩm này.

NTT: Quá trình hình thành và xuất bản cuốn tiểu thuyết Xóm Cầu Mới của ông cụ tôi là một quá trình lý thú, để tôi kể chị nghe. Ông cụ tôi cho ra đời trên 10 tác phẩm. Bà cụ tôi cũng đẻ hơn 10 đứa con. Cả ông lẫn bà đều "sáng tác" mạnh trong thập niên (19)30. Bà cụ tôi kể lại rằng trong mười năm ấy cứ mỗi lần cha tôi thai nghén và cho ra đời một cuốn sách thì y như rằng bà cũng mang bầu và đẻ được một đứa con. Anh Triệu tôi đi đôi với Anh Phải Sống-1932 (tác phẩm viết chung với Khái Hưng, thảo nào mà ông Khái Hưng chọn anh Triệu tôi làm con nuôi), anh Thạch tôi song hành Đoạn Tuyệt (1935), chị Thoa tôi nhịp bước Bướm Trắng (1938). Qua năm 1940, mẹ tôi sinh đứa con út là tôi thì cha tôi cũng khởi viết Xóm Cầu Mới. Trong thập niên (19)40 cha tôi đi con đường chính trị bôn ba nước ngoài, ông ngưng viết, mẹ tôi ngưng đẻ. Chính trị đi đôi với chay tịnh! Cả ông lẫn bà đều ngừng sáng tác. Lý ra thì cuốn sách Xóm Cầu Mới này phải ra đời năm 1940, hoặc trễ là năm 1941. Nhưng vì đây là một tác phẩm mang hoài bão quá lớn lao của ông cụ, dự tính dầy gần 10 ngàn trang, cái thai to quá, nó cứ ngâm mãi trong bụng cha tôi không chịu chui ra. Phải mãi tận 33 năm sau, năm 1973, tức 10 năm sau ngày ông cụ mất, nó mới được xuất bản lần đầu. Chính tôi (lúc đó đã 33 tuổi) lại là người "đỡ đẻ" nó. Thế có lạ không?

Nhất Linh viết đi viết lại Xóm Cầu Mới cả thảy 5 lần. Lần đầu năm 1940 tại Hà Nội. Lần cuối bên dòng suối Đa Mê – Fim Nôm (Đà Lạt) năm 1957. Năm 1960 vì biết là mình không thể hoàn tất bộ trường thiên tiểu thuyết Xóm Cầu Mới như đã dự định nên Nhất Linh bỏ ý định xuất bản cuốn truyện này. Ông cho ra đời tập truyện Thương chồng, gồm 6 truyện ngắn mà 5 truyện là 5 chương trong Xóm Cầu Mới đã được đổi nhan truyện và tên nhân vật.

Tập bản thảo dầy nhất là tập viết lần thứ ba năm 1949 tại Hương Cảng, gồm 4 quyển, bị thất lạc từ năm 1963. Mười năm sau tôi tìm lại được 4 quyển bản thảo này. Mặc dù biết đây là tác phẩm chưa hoàn thành tôi cũng quyết định cho xuất bản. Xóm Cầu Mới được in lần đầu năm 1973 tại Sài Gòn. Nó là tác phẩm đầu tiên đánh dấu ngày hoạt động lại của nhà xuất bản Phượng Giang do tôi phụ trách.

 

LQM: Tác phẩm dịch thuật Đỉnh Gió Hú xuất bản trong thời gian qua nằm trong trường hợp trên, ông đã đóng góp chuyển dịch những chương cuối cùng với sự cố gắng theo đúng tinh thần dịch thuật của Nhất Linh. Ông cho biết thêm về tác phẩm này.

NTT: Ngay sau khi xuất bản cuốn truyện Xóm Cầu Mới, tôi nghĩ ngay tới việc xuất bản cuốn tiểu thuyết Đỉnh Gió Hú của Emily Brontë mà ông cụ tôi dịch dang dở. Tôi nhờ nhà văn Bảo Sơn, một người bạn văn cũng là đồng chí của ông cụ dịch tiếp. Đỉnh Gió Hú do Nhất Linh-Bảo Sơn dịch, nhà Phượng Giang xuất bản, được phát hành tại Sài Gòn vào ngày 5 tháng 1 năm 1975. Lúc ấy chiến sự đang diễn ra hết sức khốc liệt. Quyển Đỉnh Gió Hú, như số phận của tác giả cuốn sách, vừa mới ra đời đã sớm yểu mệnh. Ba tháng sau nó tan tác chìm theo vận nước trong biến cố tháng Tư.

Ba mươi hai năm sau, năm 2007, vì chỉ có trong tay bản thảo dịch cuốn Đỉnh Gió Hú của Nhất Linh, tôi tiếp tục tự dịch lấy một số chương cuối để hoàn tất và xuất bản cuốn truyện này.

Trước khi khởi dịch tôi so đi so lại nhiều lần bản dịch của Nhất Linh với nguyên tác Anh Ngữ và tôi khám phá ra rằng ông cụ tôi đã lược bỏ ở rải rác nhiều chỗ khác nhau một số những đoạn ngắn, ví dụ như những đoạn tác giả giảng giải về tôn giáo. Ông cụ tôi có lẽ đã nghĩ rằng không cần dịch những đoạn đó vì có bỏ sót cũng không ảnh hưởng gì đến nội dung truyện và những đoạn đó quá xa lạ đối với độc gỉa Việt Nam. Phải nhận rằng cách dịch như thế làm cho tác phẩm dịch trở nên thanh thoát hơn nguyên tác. Tiện đây tôi cũng xin nói là trong cuốn sách Đỉnh Gió Hú do Văn Mới phát hành năm 2007 tôi đã phạm một lỗi lầm là ở ngay bìa cuốn sách thay vì đề Nhất Linh dịch tôi lại đề Nhất Linh chuyển ngữ. Tôi nghĩ dùng chữ chuyển ngữ là không đúng vì không thể nào chuyển ngữ một tác phẩm văn chương, đặc biệt là nó không phản ánh cách dịch của Nhất Linh trong tác phẩm này. Ngoài ra Nhất Linh còn có một biệt tài mà tôi không sao bắt chước được trong cố gắng theo sát tinh thần dịch thuật của ông, đó là ông cụ đã tạo trong tác phẩm dịch này một làn hơi văn có thoảng chút khôi hài nhẹ nhàng kín đáo. Vì thế người đọc tinh ý có thể nhận ra cái không khí thanh thoát của những chương dịch đầu chuyển dần sang không khí nặng nề hơn trong những chương dịch cuối.

 

LQM: Trở ngược thời gian, một trong những tác phẩm của Nhất Linh được nhắc đến nhiều và đưa vào chương trình giáo dục tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 là Đoạn Tuyệt. Là "đồng nghiệp thế hệ sau", ông cho ý kiến về tác phẩm này dưới mắt nhìn của một người cầm bút? Văn phong Nguyễn Tường Thiết lúc mới viết có ảnh hưởng Nhất Linh không? Ông có được Cụ khuyến khích theo con đường mà đa số nhà văn vẫn than là "cái nghiệp" ?

NTT: Khi đánh giá về cuốn sách Đoạn Tuyệt một số phê bình gia thường hay trích dẫn câu sau này trong cuốn biên khảo Viết và đọc tiểu thuyết của Nhất Linh: "Sự hoan nghênh của những truyện (luận đề) đó, nhất là Đoạn Tuyệt, những lời khen ngợi của các nhà phê bình, đã làm tôi sau này khó chịu một cách thành thực". Câu trích này dễ đưa đến ngộ nhận là tác gỉả không ưng tác phẩm này chỉ vì nó là tác phẩm luận đề. Sự thực không phải thế. Trong cuốn biên khảo đó Nhất Linh nhấn mạnh cái sai lầm lớn nhất trong đời văn sĩ của ông là đã để cái ý định dùng tiểu thuyết làm một việc gì (viết sách luận đề chẳng hạn) lên trên cái ý định viết một cuốn tiểu thuyết hay. Chính cái sai lầm này - tác gỉả thú nhận - là đã làm cho Nhất Linh viết cuốn Đoạn Tuyệt kém hay. Cuốn Đoạn Tuyệt không hay bằng cuốn Đôi Bạn mặc dù cuốn sau không được nhiều người đọc và ca ngợi nhiều như cuốn trước. Từ nhận định đó của Nhất Linh tôi rút được bài học nó làm kim chỉ nam cho những bài viết của tôi: "viết cái gì cũng được miễn là viết cho hay" (hay theo ý tôi, cố nhiên, còn thế nào là hay thì lại là chuyện khác, nó tốn nhiều giấy mực lắm).

Chị hỏi tôi lúc bắt đầu viết có chịu ảnh hưởng bởi văn của ông cụ không? Điều này để chị nhận xét nhé. Bài viết đầu tiên của tôi năm tôi 24 tuổi đăng trên báo Văn Học ở Sài Gòn là bài Niềm Vui Chết Yểu, sau này đăng lại trong tập hồi ký Nhất Linh cha tôi. Chị thấy nó thế nào? Có hơi hướm Tự Lực Văn Đoàn không? Riêng tôi, tôi nghĩ rằng không. Hồi đó tôi ít đọc sách truyện của TLVĐ lắm mà đọc nhiều truyện của nhóm Bách Khoa, Sáng Tạo. Tôi mê đọc Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nhiễm Mậu... Tôi nghĩ nếu văn tôi có chịu ảnh hưởng ai thì ắt hẳn phải đến từ các vị này.

Ai cũng biết ông cụ tôi là người có biệt tài phát hiện những tài năng văn chương mới. Là người cha ông cụ hẳn nhìn thấy rõ tiềm năng văn nơi người con trai út của ông. Hồi tôi mới 17 tuổi tôi đã đưa ông xem dăm ba mẩu truyện ngắn tôi viết. Ông thích lắm nhưng tuyệt đối ông không khuyến khích tôi đi vào nghiệp văn của ông, cái "nghiệp" mà có lẽ trong thâm tâm ông không muốn các con của ông đi vào. Ngày mồng 2 tháng 7 năm 1963, năm ngày trước khi chết, Nhất Linh lẳng lặng đến nhà in Trường Sơn cho đánh máy tờ ủy quyền cho người con trai út được toàn quyền thay thế ông trong việc xuất bản những tác phẩm của Nhất Linh trong mọi trường hợp ông "vắng mặt vì bất cứ một lý do "(nguyên văn). Bản di chúc này chính là động cơ mọi nỗ lực của tôi trong việc xuất bản và tái bản những tác phẩm của ông cụ, trong đó kể cả việc tìm kiếm bản thảo và in ấn những tác phẩm chưa xuất bản của Nhất Linh, như trường hợp hai cuốn Xóm Cầu Mới và Đỉnh Gió Hú.

Bây giờ chúng tôi có hai đứa con đã trên 30 tuổi. Thực bụng chúng tôi chỉ mong ước một điều là thấy chúng nó có được một đời sống bình thường hạnh phúc, hoàn toàn không hề kỳ vọng ở chúng có được một sự nghiệp lớn lao nào. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao ông cụ tôi 50 năm truớc đã không khuyến khích tôi đi vào con đường của ông, con đường mà ông đã nhìn thấy trước là có rất nhiều hệ lụy. Hiểu được điều này tôi thấy thương cảm ông hơn và cũng biết ơn ông sâu xa hơn.

 

LQM: Nhà văn Trần Vũ dùng tài hoa thủ thuật hư cấu mang nhân vật Tuyết trong Đời Mưa Gió của Nhất Linh làm thành tác phẩm Giáo Sĩ. Truyện được phê bình tốt về mặt sáng tạo nhưng bị công kích về mặt tôn giáo. Ông có ý kiến thế nào về Giáo Sĩ ?

NTT: Tôi là nhà văn lớp cũ thuộc loại ít đọc, ít theo dõi những sáng tác của các nhà văn lớp trẻ, vì vậy làm quen với Trần Vũ hơi muộn, chỉ mới vài năm đây thôi. Nhưng tác phẩm đầu tiên tôi đọc của Trần Vũ đăng trên tạp chí Văn số Xuân Quý Mùi 2003, truyện ngắn Hiệp hội tương tế bắc việt nghĩa trang, nhà văn trẻ này đã làm tôi chú ý ngay. Tôi vốn thích lối viết văn nhiều flaskback, nặng kỹ thuật điện ảnh, nhưng anh chàng Trần Vũ trong tác phẩm này xem ra có vẻ "cực đoan" hơn tôi nhiều: anh đem không gian thời gian Sài Gòn Hà Nội Bãi Cháy quá khứ tương lai hiện tại đổ chung vào một cái máy xay sinh tố rồi anh nhấn nút, khi mọi thứ đã nhuyễn anh đổ lên trên trang giấy mời độc giả thưởng lãm. Đọc cứ rối cả lên nhưng thích thú!

Sau này đọc thêm những truyện khác của anh, nhất là những truyện lịch sử, tôi tuy công nhận anh là nhà văn có tài, phục anh có trí tưởng tượng phong phú, nhiều ý thức sáng tạo, nhưng tôi không còn cảm thấy thích thú đọc nữa. Tôi thuộc loại nhà văn lớp già, quan niệm thẩm mỹ đã vào khuôn cứng, lại thích lối viết văn nhiều cảm tính nên rất khó tiêu thụ được lối văn "hậu hiện đại", vô cảm và nhiều ẩn dụ của anh và của nhiều nhà văn trẻ bây giờ. Cách viết của họ không làm (con tim) tôi rung động mà làm (trí óc) tôi mệt mỏi, tim tôi không cảm nhưng óc tôi phục họ.

Riêng tác phẩm Giáo Sĩ của Trần Vũ tôi không có ý kiến vì chưa đọc. Tôi chỉ đọc một bài bình luận của tác giả Ban Mai về tác phẩm này đăng trên tạp chí Văn Học số tháng 1,2/2008. Tôi hy vọng trong tương lai tôi sẽ đọc tác phẩm gây nhiều tranh cãi này để coi xem nhận định sau đây của tác giả Ban Mai có căn cứ hay không: "Chỉ riêng Giáo Sĩ, Trần Vũ xứng đáng có vị trí trang trọng trong lịch sử phát triển tiểu thuyết hiện đại Việt Nam".

Là con của nhà văn Nhất Linh, tiện đây tôi cũng xin chị cho phép tôi nhân cơ hội này được chuyển đến nhà văn Trần Vũ lời cảm ơn. Trong quyển sách "Tác giả, với chúng ta" của Lê Quỳnh Mai, khi được tác giả hỏi thế nào là một nhà văn, nhà văn Trần Vũ đã trả lời: "Với tôi, một nhà văn, ngoài tác phẩm, trước nhất là một người trí thức có tư cách và cất tiếng nói trước bất công của xã hội, trước chính quyền không sợ hãi, với tất cả trách nhiệm. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là một nhà văn. Ông xứng đáng là văn hào của nước Việt Nam".

 

LQM: Có phải cuộc sống tinh thần của nhà văn Nguyễn Tường Thiết luôn bị ám ảnh bởi cái chết đau lòng của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam? Nếu đây không là câu hỏi đi vào đời sống cá nhân, ông cho biết cảm xúc về biến cố này và có bao giờ trong một phút thất vọng trước đời sống có ý định tự tử như Nhất Linh?

NTT: Vâng, tôi bị ám ảnh bởi cái chết của ông cụ tôi và ám ảnh này rất nặng. Tôi không bao giờ ám ảnh bởi câu hỏi vì sao ông cụ tôi tự vẫn. Với tôi lý do đã quá hiển nhiên, qua lá thư tuyệt mệnh ông để lại. Tôi ám ảnh bởi sự kiện là đã tôi mất đi một người cha một cách vô cùng đột ngột. Hồi ấy tôi 23 tuổi. Từ nhỏ cho đến hết thời niên thiếu tôi luôn luôn xem ông cụ tôi như một người cha bình thường như mọi người cha khác. Cho đến năm ấy khi tôi bước vào cái tuổi biết suy nghĩ, bắt đầu tìm hiểu về cha tôi, khám phá rằng cha tôi đã có một cuộc đời ngoại hạng, ý thức mình đã vô cùng may mắn được là con của ông, tôi bắt đầu kính nể ông thì đúng vào lúc ấy ông đột ngột ra đi vĩnh viễn. Cái chết của ông cụ như nhát chém cắt đôi cuộc đời tôi, để lại một sự ân hận nuối tiếc khôn nguôi.

Cố nhiên là cái chết của cha tôi đã gây rất nhiều xúc cảm trong tôi. Tôi đã ghi lại những cảm xúc ấy trong bài Niềm vui chết yểu mô tả những giờ phút cuối cùng của ông cụ, bài này tôi viết 6 tháng sau ngày ông cụ tôi qua đời.

Cha tôi đã có lần khuyên tôi là viết văn cần nhất ở sự chân thành. "Mình cần phải thành thực với chính mình". Ông đã nói với tôi như thế. Theo tinh thần đó tôi cũng xin trả lời thành thật câu hỏi của chị. Vâng, đã có rất nhiều lúc tôi có "ý nghĩ" tự tử. Còn "ý định" tự tử rất hiếm xẩy ra nhưng không phải không có. Tôi cho rằng ý nghĩ, ngay cả ý định tự tử, là chuyện bình thường, người ít người nhiều, ai chẳng có lúc thoáng qua trong đầu? Tôi tin rằng từ ý nghĩ sang ý định sang thực hiện là những khoảng cách vô cùng lớn. Ông cụ tôi là nhà văn, con người ông nhiều suy nghĩ trăn trở, cuộc đời ông ba chìm bẩy nổi, thành công cũng nhiều, thất vọng cũng lắm, đương nhiên ý nghĩ tự tử phải đến với ông nhiều gấp bội những người khác. Nhưng từ đó mà gán ghép ông cụ tôi có bệnh tâm thần, là nguyên nhân trực tiếp đưa đến cái chết của ông cụ tôi như trong bài viết của ông Nguyễn Văn Lục là một nhận định hết sức hàm hồ và hoàn toàn không đúng với sự thực.

 

LQM: Nói về văn nghiệp Nguyễn Tường Thiết, trong hồi ký Nhất Linh Cha Tôi (Văn Mới xb 2006), nhà văn Lê Minh Hà viết lời bạt "Anh đã dựng lại con người lịch sử, con người tiểu thuyết Nhất Linh như con người bình thường của đời thuờng chứ trong phải trong đời thường Cụ vẫn hiện diện như con người của lịch sử hay tiểu thuyết...". Dấu ấn kỷ niệm nào sâu đậm nhất giữa ông và Cụ thân sinh, trong khoảng thời gian cuối cùng –trong đời sống của một người bình thường- không phải nhà cách mạng cũng không phải nhà văn.

NTT: Kỷ niệm sâu đậm ghi nhiều dấu ấn trong tôi nhất là những kỷ niệm xẩy ra nhiều năm trước khi cha tôi mất. Hồi ấy ở trên Đà Lạt cha tôi hay tổ chức cuối tuần những cuộc đi chơi picnic. Hôm ấy trên chiếc xe hơi của bác Lê Đình Gioãn chúng tôi hai gia đình đi chơi suối vàng cách Đà Lạt 17 cây số. Đến suối bọn trẻ chúng tôi túa vào rừng thông, lội suối, thám hiểm những vùng đất lạ. Tôi xách súng cao su theo các anh lớn vào rừng bắn chim. Bác Gioãn, chú Trương Bảo Sơn và cha tôi vào rừng kiếm hoa phong lan. Mẹ tôi chị tôi và các cô con gái bác Gioãn thì không đi đâu xa, chỉ ngồi tụ nhau bên suối chỗ đỉnh của thác nước để hàn huyên. Mẹ tôi loay hoay sửa soạn bữa ăn ngoài trời cho cả bọn. Buổi trưa sau khi đã mệt và đói bụng chúng tôi lần theo tiếng kèn clarinet của cha tôi mà trở về suối. Anh Thạch và tôi khi về lại chỗ đầu thác nước thì thấy không có cách gì để qua bên kia suối được vì chỗ này là đỉnh thác, con suối dù rất hẹp chỉ rộng hai thước nhưng nước chẩy rất xiết. Anh Thạch và tôi bắt buộc phải qua bờ bên kia để nhập với tất cả mọi người ở bên ấy. Ở tít xa dưới kia nơi chân thác tôi thấy cha tôi đang cặm cụi ngồi vẽ, ông đang vẽ thác nước, thỉnh thoảng ông ngước mặt lên nhìn đỉnh thác nơi hai chỗ chúng tôi đứng. Sau cùng chúng tôi thấy ở gần miệng thác có một cái cây lớn đổ xuống, thân cây nằm vắt ngang suối. Thế là anh tôi bò trước tôi bò sau chúng tôi qua thân cây sang được bờ bên kia.

Một năm sau trong một lần đi chơi thác nước Datanla, cha tôi và tôi trong lúc đi dọc theo dòng suối chúng tôi khám phá ra một cái vực rất sâu và hẹp, vách đá dựng đứng, nhìn xuống trông rất ghê rợn. Trong lúc tôi nhỏm người gần bờ vực để nhìn cho rõ thì cha tôi đẩy tôi ngược về phía sau. Ông hét lên: "Đừng dại thế. Nhỡ ngã xuống thì sao!". Rồi cha tôi mắng tôi một thôi một hồi. Tôi chưa bao giờ thấy ông giận dữ như thế. Người ông run lên. Sau đó ông kể tôi chuyện xẩy ra từ một năm trước trong lần chúng tôi đi picnic ở suối vàng. Lần ấy trong lúc ngồi vẽ cái thác nước cha tôi ngửng lên và kinh hoàng nhìn thấy ở trên tít cao tôi đang bò trên một khúc cây nằm vắt qua thác! Cha tôi bảo tôi: "Lúc ấy cậu chỉ sợ cái khúc cây ấy nó lăn!". Kể xong mặt ông buồn rầu thấy rõ và cuộc đi chơi thác Datanla sau đó mất hết cả hứng thú cho cả hai bố con.

Sau này nhớ lại kỷ niệm hai lần đi chơi ấy tôi thường tự hỏi vì sao ông đã không mắng tôi từ một năm trước ngay trong lần đi chơi thứ nhất ở suối vàng? Ông đã dấu kín câu chuyện ấy trong lòng suốt một năm. Và nếu không có chuyến đi chơi Dalanla thì mãi mãi tôi không biết được là cái hành động vô cùng dại dột đó của tôi ông đã chứng kiến và làm ông hoảng sợ.

 

LQM: Tùy bút Mùa Hạ Năm Ấy (Văn Mới xb 2008) tả hành động của nhân vật nữ... "Rồi chị lấy một đầu ngón tay rà xung quanh cái đầu nâu hồng của núm vú chị... hơi thở dồn của chị Dự phà lướt bên tai tôi..." (trg 26-27). Đoạn văn erotic chứng minh Nguyễn Tường Thiết không là độc giả có cái nhìn quá khắt khe về chủ đề tình dục. Ông có ý kiến sao?

NTT: Tại sao lại phải khắt khe nhỉ? Tình dục là một đề tài thú vị nếu viết hay, lại càng thú vị hơn cho người đọc phái nam nếu được viết từ một nhà văn nữ. Quan niệm của tôi như đã nói ở phần trên là viết cái gì cũng được miễn là viết hay, đặc biệt là với đề tài rất khó viết này. Nhà văn Võ Phiến rất tài tình khi ông viết về tình dục. Tôi nhớ đọc ở đâu đó một truyện của ông ta, truyện có một đoạn ông chỉ mô tả mỗi một ngón chân cái của một người đàn bà trong lúc làm tình, chỉ thế thôi mà lòng tôi cứ rực cả lên. Cái tài tình là ông ấy chỉ tả có 1% thôi, một mẩu tí tị thôi, nhưng cái mẩu ấy nó ác liệt lắm, nó cho người đọc hình dung đầy đủ 99% phần còn lại. Nhà văn Nhất Linh nhẹ nhàng hơn nhưng cũng làm xao xuyến người đọc không kém trong Bác Hòa hàng cơm của Xóm Cầu Mới. Bạo tợn hơn nữa trong mô tả đề tài tình dục mà vẫn có cái hay của nó tôi thấy có Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến tranh, hay trong một số truyện ngắn của Kiệt Tấn, Nguyễn Huy Thiệp.

Những năm gần đây có một hiện tượng là các nhà văn nữ trẻ đã viết về đề tài tình dục khá nhiều, có lẽ nhiều hơn bên nam giới. Như đã nói, tôi là nhà văn thuộc loại ít đọc. Có nhiều nhà văn nữ tôi chưa hề đọc một tác phẩm nào của họ và ngay cả một số nhà văn tôi đã đọc thì cũng không phải là đọc hết những bài họ viết, vì thế tôi không thể có một nhận xét chung, theo lối "vơ đũa cả nắm".

Tuy thế, giới hạn qua một số truyện tôi được đọc của một số nhà văn nữ viết về đề tài tình dục tôi thấy nói chung họ có lối viết lạ, mạnh, thẳng, bạo, nhưng thiếu cái... hay. Chính cái thiếu này làm tôi khựng lại không muốn tìm đọc thêm những tác phẩm khác của họ. Nhưng đôi lúc nghĩ lại tôi tự nói với mình: "Ơ hay cái ông già này! Ông cứ chăm chăm soi mói nhất định tìm cái hay, trong khi những vị đó đâu "ke" cái hay, họ viết tình dục là để nhắm cái khác, mục đích khác: tình dục viết theo lối huỵch toẹt để chống đạo đức giả, tình dục ẩn dụ để nói lên thân phận phụ nữ v...v... A! té ra mình thưởng ngoạn tình dục như một trái táo trong khi nó là trái cam theo quan niệm của họ, sai bét rồi! Nghĩ thế thì biết thế thôi chứ trong lòng vẫn hậm hực. Hậm hực thấy họ viết không hay. Giá họ viết hay sẽ thú vị cho người đọc biết là chừng nào mà rất có thể cái dụng ý mà họ muốn truyền đạt lại có tác dụng tốt hơn. Đến đây thì chúng ta lại quay lộn trở về cái sai lầm của ông Nhất Linh, cái sai lầm mà ông tự thú đã khiến ông viết cuốn tiểu thuyết luận đề Đoạn Tuyệt kém hay.

 

LQM: Truyện Mùa Xuân Trên Phố rất dí dỏm... "Tôi cứ nhắm cái mông cô gái Mỹ mà đi. Tại sao vậy? Hình như có một động lực nào thôi thúc tôi đi theo cô ta. Cái mông béo tròn trước mắt chỉ làm cho tôi liên tưởng đến cái thú ăn uống mà cô ta đã tận hưởng qua bát phở kia...(trg 42, MHNA, Văn Mới xb 2008). Rất tình tự quê hương khi nhắc về phở. Ông có định chuyển dịch tác phẩm sang Anh ngữ để giới thiệu món ăn Việt Nam quốc hồn quốc túy?

NTT: Cũng lâu rồi một bữa kia vợ chồng tôi đi ăn phở tại một tiệm nằm khá xa khu đông cư dân Việt, thực khách đa số là người ngoại quốc. Chúng tôi gặp một thực khách người Mỹ trong tiệm phở ấy. Cái cách ăn phở của cô ta làm chúng tôi chú ý. Không những cô ta bỏ tất cả những thứ gia vị có ở trên bàn lên trên tô phở trước khi ăn mà cái cách ăn của cô ta cũng rất đặc biệt, cô thưởng thức tô phở một cách nồng nhiệt hiếm thấy, đến độ cô ta bất chấp phép lịch sự tối thiểu của người ngoại quốc bưng bát phở húp hết nước cặn như kiểu húp của các bà già quê ở Việt Nam. Hình ảnh cô gái Mỹ ăn phở ấy cứ lấn cấn mãi trong óc tôi, cho đến khi tôi trải được nó ra trên trang giấy, trong truyện ngắn Mùa Xuân Trên Phố. Truyện này lần đầu đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21 dưới bút hiệu Thạch Long (cái bút hiệu nở muộn sớm tàn, chỉ xuất hiện đúng một lần).

Vâng, tôi có ý định nhờ chuyển dịch truyện ấy sang Anh ngữ để giới thiệu một món ăn quốc hồn quốc tuý của Việt Nam. Chị có thể giúp tôi việc này được không? Tôi dịch từ Anh sang Việt thì được mà dịch ngược lại thì tôi chịu thua.

 

LQM: Biến cố 1975 gấy chấn động thế giới để lại một vết thương quá lớn cho dân tộc Việt Nam nói chung. Trong Tuyến đường ga Ấm Thượng (trg 168-192), ông mượn lời chị dâu tả tâm tình cảm xúc của phụ nữ dắt con về thăm quê hương đúng nơi chồng mình đã bị tù cải tạo. Sau hơn 33 năm, thế hệ cũ dần dần không còn tồn tại, thế hệ mới không hiểu vết thương sâu đậm ấy dù được kể lại. Theo ông chúng ta nên vui hay buồn nên quên hay nhớ để giáo dục cho thế hệ sau những điều tốt đẹp về đất nước.

NTT: Cuộc đời của chúng ta rồi cũng sẽ đi qua. Thế hệ mới tiếp nối như dòng chẩy bất tận của cuộc sống. Tôi nghĩ xưa kia thế hệ ông cha mình chắc cũng có những âu lo như mình bây giờ, không hiểu thế hệ sau có hiểu được những đoạn trường mà họ đã đi qua, chính vì thế mà nẩy sinh những thiên hồi ký để lại cho đời sau. Thế hệ chúng ta là một thế hệ rất đặc biệt. Bước chân qua ngưỡng cửa phân chia hai thiên niên kỷ đã là sự kiện hy hữu, lại hy hữu hơn nữa cho những người sống nơi hải ngoại như chúng ta với hai mảnh đời hoàn toàn khác biệt, kết quả của một biến cố lớn đẩy làm hàng triệu người Việt phải sống tung toé trên hầu như mọi quốc gia của hành tinh này, một chuyện không tiền khoáng hậu xẩy ra trong lịch sử nước ta.

Những đứa con của chúng tôi được nuôi dưỡng từ bé trong môi trường khác hẳn môi trường chúng ta đã được nuôi dưỡng nay đã bước qua tuổi trưởng thành. Do khuynh hướng tự nhiên càng lớn tuổi chúng càng thích tìm hiểu hơn về nguồn cội. Tùy điều kiện riêng của mỗi người chúng ta có cách thế riêng để giáo dục chúng về quê hương đất nước. Chúng tôi đã thu xếp để chúng có dịp trở về thăm Việt Nam. Riêng tôi khi viết lại hồi ký của đời mình cũng có dụng ý để cho con cái, nếu sau này muốn tìm hiểu thì có sẵn tư liệu. Trong thế hệ sau những đứa sinh trưởng hoặc lớn lên ở hại ngoại, nếu chúng nói và nghe được tiếng Việt đã là đều may, chứ đừng trông chờ chúng đọc và viết được tiếng mẹ đẻ. Vì thế những bài viết của tôi đại loại như truyện Tuyến đường ga Ấm Thượng tôi hy vọng sẽ được chuyển qua Anh ngữ để thế hệ sau có thể đọc được.

 

LQM: Sau lưng người đàn ông thành công là người đàn bà tuyệt vời. Phụ nữ trong gia đình Nhất Linh nói riêng và dòng tộc của Nguyễn Tường nói chung, là những người có định mệnh đi liền với lịch sử chính trị và văn học Việt Nam. Họ chia xẻ buồn vui bất trắc của Nhất Linh. Ông có thể cho độc giả biết thêm về hình ảnh của thân mẫu, Thái Vân người bạn đời của Nguyễn Tường Thiết.

NTT: Mẹ tôi là hình ảnh của một người đàn bà Việt Nam điển hình: nhẫn nại, tảo tần, hết đời một lòng hy sinh cho chồng con. Xuất thân từ một gia đình họ Phạm quê ở làng Phương Vũ, mẹ tôi lập gia đình với cha tôi năm 1925 khi bà và cha tôi còn rất trẻ, mẹ tôi 18 và cha tôi 19 tuổi. Lập gia đình mẹ tôi theo đuổi nghề cau của bà ngoại tôi. Chính nhờ nghề cau này mà mẹ tôi đã nuôi dưỡng hơn mười người con của bà và giúp chồng rảnh tay theo đuổi lý tưởng và sự nghiệp của ông. Mẹ tôi thường nói cha tôi tuổi con ngựa nên suốt đời đi xa, không mấy khi ở gần gia đình. Bà cũng nói khi lấy chồng, cha tôi đã cam kết ngay từ đầu rằng mỗi người có một bổn phận, ông có bổn phận đối với xã hội, còn bà có bổn phận đối với gia đình. Cha mẹ tôi sống xa nhau thường xuyên mà không ai phiền hà, tôi cho rằng phần lớn vì cả hai có một điểm rất giống nhau, đó là sự say mê làm việc. Nếu cha tôi đam mê viết sách, làm báo và những hoạt động xã hội thì mẹ tôi cũng say mê trong việc làm ăn buôn bán không thua gì cha tôi.

Sau lưng người đàn ông thành công là người đàn bà tuyệt vời. Câu nói mà chị trích dẫn rất đúng trong trường hợp của song thân tôi. Chẳng thế mà cụ Nguyễn Hải Thần, một nhà cách mệnh lão thành, đã từng có câu khen ngợi mẹ tôi: "Anh Tam nếu không có chị ấy thì không thể làm nên sự nghiệp này". Chẳng thế mà nhà phê bình và nghiên cứu văn học Thụy Khuê trong bài Thế hệ bắc cầu đã từng viết câu này: "Mẹ anh (Nguyễn Tường Thiết) là bà Tú Xương của Văn Đoàn, nếu không có bà thì Văn Đoàn không thể ‘Tự Lực’ được".

Sự hy sinh của mẹ tôi cho sự nghiệp của cha tôi là một sự hy sinh tự nguyện đến tự một tấm lòng hết mực "Thương chồng" như nhan đề một cuốn sách cha tôi xuất bản năm 1960. Ngoài sự yêu thương, cha mẹ tôi còn có sự tương kính. Không bao giờ tôi nghe thấy bố mẹ tôi to tiếng với nhau.

Để nói lên lòng yêu thương và sự tương kính đó thiết tưởng không gì bằng trích dẫn một đoạn hồi ký sau đây của thi sĩ Huy Cận trong tập Hồi Ký Song Đôi của ông -tập 2- trang 258 do nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành, Hà Nội, năm 2002: "... có lần Nhất Linh tâm sự với tôi: ‘Chắc anh sẽ hỏi tôi tại sao tôi có nhiều con. Có gì đâu? Bà vợ tôi thích đẻ con, vì bà ta cho biết mỗi lần mang thai thì sức khỏe của bà tốt lên, thấy yên ổn trong người. Thụ thai và mang thai đối với vợ tôi là một hạnh phúc. Đó là một hạnh phúc cụ thể, vừa cơ thể vừa tâm hồn, đó là kinh nghiệm của tôi, hay đúng hơn là kinh nghiệm của vợ tôi’. Nhất Linh nói mấy câu đó với một nụ cười không phải là hóm hỉnh, mà như là một nụ cười tình cảm, tỏ lòng biết ơn người vợ đoan trang và đảm đang của mình. Có lần Nhất Linh cũng nói với tôi: ‘Làm vợ một nhà văn nhiều khi cũng phiền, và cũng thiệt, phải hy sinh nhiều. Cứ xem vợ ông Tú Xương thì rõ: Quanh năm buôn bán ở mom sông - Nuôi đủ năm con với một chồng - Lặn lội thân cò khi quãng vắng - Eo sèo mặt nước lúc đò đông’ (thơ Tú Xương mà Nhất Linh đọc thuộc lòng, với một giọng như là mượn lời thơ trên để tỏ lòng biết ơn vợ, mặc dù bà Nhất Linh không đến nỗi vất vả, tần tảo như bà Tú Xương).

Chỉ vài giờ trước khi lìa đời cha tôi đã để lại những dòng chữ sau đây cho mẹ tôi, người đàn bà "rất thân yêu" như cha tôi đã viết trên trang đầu bản thảo cuốn Xóm Cầu Mới: "Mình, mối tình của đôi ta trong bao năm đẹp đẽ lắm rồi, không mong mong ước gì hơn nữa. Anh, 7-7-1963".

Chị hỏi tôi về trường hợp Thái Vân và tôi thì tôi cũng xin trả lời như thế này. Chúng tôi thuộc hẳn một thế hệ khác, lại sinh sống ở hải ngoại hầu như gần trọn cuộc đời chung sống, tôi không đi vào nghiệp văn trọn cuộc đời như ông cụ tôi nên nhà tôi không phải đối phó với những "điều phiền", "điều thiệt" của mẹ tôi, như cha tôi đã từng tâm sự như thế với ông Huy Cận.

Tuy nhiên trong cuộc sống lứa đôi, chúng tôi may mắn là có những quan điểm căn bản về đời sống giống nhau, lại học được thêm cái cách cư xử của song thân tôi những bài học quý giá cần thiết cho việc duy trì hạnh phúc gia đình. Đó là ngoài tình yêu thương, vợ chồng cần đối xử với nhau với sự quý trọng.

 

LQM: Trong lời tựa của Mùa Hạ Năm Ấy, Phạm Phú Minh viết: "... Bây giờ chúng tôi bắt đầu bước vào tuổi già, anh Thiết lại bắt đầu viết hăng, tôi chỉ biết gửi gấm đôi nét của lòng mình vào tác phẩm anh, gọi là đánh dấu một chút tri kỷ muộn màng" (trg 10, MHNA). Tình bạn của Nguyễn Tường Thiết và Phạm Phú Minh bắt đầu từ đâu?

NTT: Chúng tôi quen biết nhau do một cái duyên. Năm 2002, cả anh ấy và tôi, hai người không quen biết nhau, ở hai nơi cách xa nhau, cùng âm thầm làm một công việc về tác giả Nhất Linh, mà người nọ không biết việc làm của người kia. Ở Cali anh Phạm Phú Minh, hồi đó là chủ bút của tạp chí Thế Kỷ 21, sửa soạn ra số báo chủ đề Tưởng Niệm Nhất Linh, dự tính ấn hành vào tháng 7 năm đó nhân ngày giỗ thứ 39 của ông cụ tôi. Ở Seattle, tôi đánh máy bản thảo cuốn trường thiên thiểu thuyết Xóm Cầu Mới của ông cụ, và dự tính tái bản cuốn truyện này cũng vào tháng 7. Trước khi khởi công đánh máy tôi đã liên lạc với anh Võ Phiến xin anh ấy viết cho một bài Bạt để in trong cuốn Xóm Cầu Mới tái bản, và anh ấy đã gửi tôi bài Đọc bản thảo của Nhất Linh. Một bữa anh Võ Phiến gọi điện cho tôi xin được chuyển bài viết ấy cho Thế Kỷ 21 đã đăng thêm trong số Tưởng Niệm Nhất Linh. Thế là qua anh Võ Phiến tôi mới biết là ở Cali họ đang thực hiện số báo này. Tôi liên lạc với anh Phạm Phú Minh từ đó.

Sau này được gặp anh Minh tôi có cảm tình rất đặc biệt với anh. "Phạm Xuân Đài là một con người trầm lặng, khiêm cung, ăn nói nhỏ nhẹ. Hình như toàn sức sống của ông đều dồn vào nội tâm..".. Đúng như nhận định của giáo sư Trần Hồng Châu viết về anh ấy trong lời Tựa cho cuốn sách Hà Nội trong mắt tôi của Phạm Xuân Đài (Phạm Xuân Đài là bút hiệu của anh Minh). Điều khiến tôi cảm động nhất là trong bài viết của anh đăng trên Thế Kỷ 21 số Tưởng Niệm Nhất Linh anh Minh có nhắc đến mối giao tình giữa ông cố của chúng tôi là Nguyễn Tường Tiếp với ông cố của anh là Phạm Phú Thứ từ thời hai Cụ cùng làm quan dưới thời vua Tự Đức. Anh viết: "... sự giao du của các vị trên khiến tôi cảm thấy như có một sự liên hệ tinh thần với họ Nguyễn Tường, mặc dù cho đến gần đây tôi chẳng mấy khi được có dịp giao du mật thiết giống như người xưa".

"Cũng chẳng muộn, anh Minh à!". Chuyện anh kể cứ phảng phất như câu truyện cổ tích; phảng phất như đâu đây vẫn còn hồn xưa của các Cụ chứng giám cho mối tri kỷ muộn màng này.

 

LQM: Trong Hội Luận Văn Học và buổi ra mắt sách Võ Phiến tại Cali vào tháng 1 năm 2007, với sự góp mặt rất đông của văn thi hữu hải ngoại. Ông đã nói "Đây là một cơ hội cho những người đã quen nhau( qua sáng tác, tạp chí, Net) nhận mặt.", và đã họp mặt với văn hữu trong nước như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Đỗ Hoàng Diệu... Ông có nhận xét thế nào về những người cầm bút ở trong và ngoài nước.

NTT: Tôi đi vào nghiệp văn khá muộn nên chỉ mới làm quen với các văn thi hữu thời gian gần đây thôi, trong vòng mười năm trở lại. Trong số các nhà văn đã thành danh trước năm 1975 và hiện còn tại thế, không kể những nhà văn tôi có liên hệ họ hàng như Duy Lam, Thế Uyên, có lẽ chỉ có một mình nhà văn Võ Phiến là tôi được hân hạnh quen biết ngay từ hồi còn ở trong nước. Mặc dầu vậy hầu hết những nhà văn đã có tiếng tăm ấy tôi đã đọc tác phẩm của họ ngay từ thập niên 19(60). Vì thế đầu năm ngoái dù ở xa tôi cũng bay xuống Cali trước là để dự buổi ra mắt cuốn sách của anh Võ Phiến, một nhà văn lớn tôi rất ngưỡng mộ và quý trọng, sau là để tham dự Hội Luận Văn Học, và có cơ hội gặp mặt những người mà trước đó tôi chỉ biết qua chữ nghĩa. Cảm tưởng tiên khởi khi gặp họ là họ còn... trẻ quá, không "lụ khụ" tí nào như tôi hình dung. Hôm ấy sau cuộc Hội Luận có buổi tiếp tân. Lúc tôi tiến lại quầy rượu tự rót thêm rượu vang vào cốc của mình thì đụng độ nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Tôi thốt lên: "Trông anh trẻ quá nhỉ? Tôi đọc văn anh từ hơn 40 năm trước, từ cái thời báo Văn 38 Phạm Ngũ Lão lận, cứ ngỡ bây giờ anh phải... Anh trẻ thật!".

Trường hợp gặp gỡ các nhà văn trong nước thì khác. Khoảng cuối thập niên 19(80) khi ở trong nước bắt đầu có hơi hướm "cởi trói" về văn học, tôi theo dõi và tìm đọc những tác phẩm của các nhà văn ở Việt Nam. Trong số đó có hai nhà văn tôi thích đọc nhất là Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh. Tôi định bụng nếu có dịp về Việt Nam sẽ tìm gặp họ. Hai năm trước nhân dịp ghé Hà Nội tôi ngỏ ý với một người tôi quen biết và nhờ anh ta thu xếp một buổi gặp gỡ tại một nhà hàng với hai nhà văn nói trên. Lúc tôi đến quán thì có thêm một số người khác nữa, trong số có cả nhà văn nữ trẻ Đỗ Hoàng Diệu. Tôi có tường thuật cuộc gặp gỡ này trong hồi ký Một trăm ngọn nến nói về chuyến đi Hà Nội,trùng vào ngày sinh thứ 100 của ông cụ tôi (25 tháng 7 năm 2006). Hai nhà văn Bảo Ninh và Đỗ Hoàng Diệu tôi chỉ gặp một lần ấy tại quán ăn. Riêng Nguyễn Huy Thiệp thì tôi được anh mời đến nhà anh dùng cơm, và chúng tôi sau này vẫn tiếp tục liên lạc qua email và điện thoại.

Từ khi viết tôi có thêm bạn văn ở cả trong lẫn ngoài nước. Nói chung tôi có cảm tưởng thoải mái khi tiếp xúc với họ. Vì có chung nghiệp cầm bút chúng tôi dễ đồng cảm, dễ nói chuyện. Tôi tin rằng đã là nhà văn, tôi nói nhà văn đích thực, thì tâm hồn họ cũng phóng khoáng và cởi mở. Tôi nhớ câu nói của anh Nguyễn Huy Thiệp trước khi chia tay: "Văn chương nó bạc lắm anh ạ. Phần thưởng quý nhất có lẽ là qua nó chúng ta có được những người bạn mới ở khắp bốn phương".

 

LQM: Đã từng có tranh luận, ý kiến về sự sống còn của tạp chí văn học in trên giấy và tạp chí in... trên mạng! Hiện nay tạp chí trên mạng cũng phát triển mạnh hơn và tạp chí in trên giấy vẫn không bị... ngỏm củ tỏi... như tiên đoán! Cảm giác ông thế nào khi đọc sáng tác của mình trên hai loại tạp chí trên.

NTT: Viết xong một tác phẩm, nhìn ngắm nó mãi không chán mắt như nhìn một đứa con cưng, nhưng khi quyết định gửi đứa con đi, tôi luôn luôn ngập ngừng, phân vân. Gửi tạp chí nào nhỉ? Tạp chí...IN hay tạp chí... MẠNG. Trí óc tôi làm việc nhanh lắm. Nhưng trái tim tôi thì rề rà! Nếu gửi tạp chí... mạng thì số người đọc có thể tăng hơn gấp trăm lần, đứa con được bay bổng đi xa đến khắp mọi nơi có người Việt sinh sống trên hành tinh này, lợi thế biết bao nhiêu! Nghĩ thế nhưng sao con tim tôi nó trù trừ. Nó bảo tôi rằng tôi gửi báo mạng e là sẽ mất... mạng đứa con! Đứa con sẽ đi vào "hố đen", mất tăm trong hư vô! Cảm giác này thật lạ, thật vô lý, nhưng nó có, có thật! Tôi không có cảm giác đó khi gửi bài cho tạp chí in. Gửi báo in tôi yên tâm. Trước sau đứa con tinh thần của tôi cũng sẽ xuất hiện trên trang sách, và tôi lại có thể sờ mó được nó. Đành rằng nếu gửi tạp chí mạng thì trước sau gì tôi cũng sẽ thấy lại đứa con của tôi trên màn ảnh máy vi tính. Nhưng tôi vẫn thấy đứa con tôi xa cách quá, tôi không thể ôm nó âu yếm như ôm cuốn sách theo tôi vào trong giấc ngủ. Chẳng lẽ tôi đi ôm cái máy to tổ bố vào lòng!

Ấy là nói cho vui vậy thôi chứ "trước lạ sau quen", cái gì mà chẳng thành thói quen. Trước kia tôi cứng đầu lắm cứ tin một cách chắc nịch rằng gõ gõ trên máy vi tính thì văn nó không tuôn ra, phải viết tay cơ! Bây giờ mới biết mình sai bét!

Tạp chí in ở hải ngoại tôi nghĩ nó sẽ không ngỏm củ tỏi đâu, nó sẽ đi song hành với tạp chí mạng dài dài. Chị nhớ không, khoảng 20 năm trước khi có DVD, VCR người ta rầm rầm mướn phim về nhà xem, ai cũng lo âu rằng kỹ nghệ phim rạp sẽ tiêu tùng, thế mà bây giờ rạp hát vẫn đông đảo người đi xem, còn phát triển mạnh hơn bao giờ hết, vì thiên hạ (trong số có vợ chồng tôi) vẫn còn rất nhiều người thích coi xinê trong rạp hát hơn.

Tuy nhiên những tạp chí IN ở hải ngoại, đặc biệt những tạp chí văn học giá trị không sống nhờ quảng cáo như các tạp chí Hợp Lưu, Văn Học, Văn... đang phải đối phó với những khó khăn chồng chất để tồn tại, mà khó khăn lớn nhất là tiền cước phí gửi báo quá nặng. Trong hoàn cảnh đặc biệt này tôi thiết nghĩ là những người cộng tác cần tiếp tay để giúp các tạp chí này đứng vững và sống còn, bằng cách ngoài đóng góp bài vở nên có những trợ giúp khác tùy theo khả năng của mỗi người.

 

LQM: Ý kiến ông về vụ án Nhân Văn Giai Phẩm.

NTT: Ở tuổi đôi mươi tôi đã đọc hai câu thơ sau đây:

Tôi bước đi, không thấy phố, không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ...

Lần đầu đọc nó tôi xúc động ngay. Lúc đó tôi không biết tác giả câu thơ là Trần Dần, không biết gì về nhóm Nhân Dân Giai Phẩm, chỉ biết tác giả là một nhà thơ miền Bắc, thế thôi. Tôi xúc động không vì ý hướng chính trị. Tôi xúc động vì nó tác động trong tôi một hình ảnh sâu đậm. Một kỷ niệm về thời tuổi thơ đã mất. Về một dẫy phố của Hà Nội in trong tâm tưởng tôi hồi bé. Dẫy phố một ngày mùa đông mưa phùn xám xịt, dẫy phố buồn bã, đìu hiu, hoang lạnh, xưa cũ trong tâm tưởng tôi nay đã có điểm thêm màu cờ đỏ ủ rũ.

Hồi đó khoảng cuối thập niên 19(50) tôi có nghe nói đến nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Tôi không thể đoan chắc tôi nghe được từ đâu. Rất có thể là tôi nghe lóm được trong câu chuyện văn nghệ giữa cha tôi và các bạn của ông. Hồi đó văn thơ của nhóm NVGP được phổ biến, truyền đọc ở miền Nam, Trăm Hoa Đua Nở trên đất Bắc được Hoàng Văn Chí xuất bản năm 1959. Cha tôi chắc hẳn là phải theo dõi nhóm NVGP rất kỹ và nắm vững tình hình văn nghệ miền Bắc. Đoạn viết sau đây trong cuốn biên khảo của Nhất Linh Viết và Đọc Tiểu Thuyết xuất bản năm 1960 chứng tỏ điều này tuy rằng ông không đề cập đến nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. "...để kết thúc, tôi dẫn ra một thí dụ có rất nhiều ý nghĩa: Cuốn Đồi thông hai mộ là cuốn truyện hết sức tầm thường; cuốn ấy nếu xuất bản trong Nam có lẽ không ai đọc. Thế mà ở miền Bắc, người ta đã giấu giếm truyền cho nhau xem; không những thế có người thức luôn mấy đêm chép tay để đọc và để đưa các chỗ bạn bè tin cẩn đọc, rồi cứ thế một ngày một lan rộng bởi vì họ đã chán ngấy những tiểu thuyết hết ca tụng cái nọ đến ca tụng cái kia, đều đều một giọng". (VVĐTT- Đời Nay xuất bản, 1960, trang 100).

Sau này tôi được biết nhiều hơn về nhóm Nhân Văn Giai Phẩm qua những tài liệu tôi đọc rải rác trên các tạp chí. Tuy nhiên chỉ mới gần đây tôi mới hiểu rõ hơn về "vụ án" NDGP qua tiết lộ của những nhân chứng sống như Lê Đạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang trong các buổi phỏng vấn dành cho đài phát thanh RFI Thụy Khuê phụ trách. Tôi cũng được biết là vào tháng 2 năm ngoái có bốn tác giả của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm là Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán và Trần Dần được nhận Giải Thưởng Nhà Nước. Trong số 4 người này thì hai vị đã nằm xuống là Trần Dần và Phùng Quán.

Cá nhân tôi không có một ngày sống dưới chế độ cộng sản. Ngay từ nhỏ cho đến nay tôi quen sống và hít thở môi trường tự do, trong đó có tự do ngôn luận. Khi viết những bài đăng trên báo chí ở Sài Gòn trước đây hơn 40 năm tôi không hề bao giờ có ý nghĩ là mình phải uốn nắn ngòi bút. Chữ "viết" đối với tôi không bao giờ đi kèm với chữ "lách", như tất cả các nhà văn sống dưới chế độ cộng sản buộc phải làm, để có thể tồn tại và sống còn.

Vì quen hít thở bầu khí tự do, xem tự do ngôn luận như một quyền đương nhiên, tôi rất ngạc nhiên khi biết trong vụ Nhân Dân Giai Phẩm, những thành viên của nhóm phải chịu những hậu quả hết sức nặng nề chỉ vì những người ấy đã hành xử cái quyền mà tôi xem là "đương nhiên" ấy. Mấy chục năm trước tôi nghe nói là truyện Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh đăng trong báo Nhân Văn số 4, tháng 10 năm 1956, đã đưa tác giả Phùng Cung vào cuộc sống tù đầy hơn 12 năm, phần lớn là biệt giam hoặc lao động khổ sai trong các trại tù khét tiếng độc ác của Việt Nam. Vì chưa bao giờ tôi được đọc nguyên tác truyện ấy,nên trong bao năm tôi cứ đinh ninh Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh phải là truyện tố cáo nhà nước ghê gớm lắm. Mãi gần đây tình cờ đọc truyện ấy đăng trong quyển sách Phùng Cung, truyện và thơ, Văn nghệ xuất bản 2003, tôi ngạc nhiên thực sự: truyện ấy "hiền" chết đi được, đâu có gì đáng phải tù tội những 12 năm? Truyện này nếu đăng ở miền Nam vào lúc chế độ kiểm duyệt gắt gao nhất thì chắc đã không bị đục bỏ lấy một dòng chứ đừng nói gì đến chuyện tác giả bị làm khó dễ, tù tội.

 

LQM: Tại Hoa Kỳ sẽ có cuộc bầu cử Tổng Thống trong tháng 11. Định cư đã lâu hẳn nhiên ông là một phần tử quyết định sự chiến thắng của đảng Dân Chủ hoặc Cộng Hòa. Ông sẽ bỏ phiếu cho ai và có tiên đoán Barack Obama sẽ trở thành Tổng Thống da màu đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ không?

NTT: Đến giờ tôi chưa biết mình sẽ bỏ phiếu cho ai. Có lẽ phải chờ xem màn "đấu chưởng" giữa hai ứng viên Barack Obama và John Mc Cain mới có quyết định. Sự kiện ông Obama một người da đen được dân chúng chọn là người đại diện cho đảng Dân Chủ tranh chức Tổng Thống Hoa Kỳ làm tôi yêu mến quốc gia này hơn, quốc gia mà từ 33 năm nay chúng tôi đã chọn làm quê hương thứ hai của mình. Đây đích thực là xứ sở của tự do và cơ hội, trong đó mọi chuyện đều khả thể. Tôi cũng không thể tiên đoán là ông Barack Omaha có đắc cử để trở thành vị Tổng Thống da màu đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc hay không, vì đây cũng là đất của những sự bất ngờ. Chỉ cách đây chưa đầy nửa năm, mấy ai đoán được là ông ta sẽ thắng bà Hillary Clinton? Tuy nhiên tôi nghĩ ông Omaha có nhiều hy vọng. Tôi cho rằng nếu ông ta đắc cử Tổng Thống Mỹ thì lý do chính mà ông được chọn là vì hiện tình kinh tế Mỹ quá bết bát khiến dân chúng Mỹ không còn tin tưởng vào đảng Cộng Hòa nữa.

 

LQM: Trước khi chấm dứt mạn đàm, ông có điều gì gởi đến quí độc giả?

NTT: Trước hết tôi xin cảm ơn chị Lê Quỳnh Mai đã cho tôi cơ hội trả lời cuộc phỏng vấn này, để tôi có dịp giãi bầy một số ý kiến cũng như tâm tình về những vấn đề có liên quan đến ông cụ cũng như cá nhân tôi. Vâng, tôi xin được nói thêm đôi lời với quý độc giả, đôi lời chân tình, về ông cụ tôi, nhà văn Nhất Linh, người mà với tôi không phải chỉ đơn thuần là một người cha.

Ông cụ tôi có lần than thở với một người bạn của ông: "Thân này ví xẻ làm BA được..." – "Ấy, người ta nói xẻ làm đôi, chứ ai nói xẻ làm ba bao giờ?". Người bạn hỏi thế. Cha tôi trả lời: "Ước gì NHẤT biến thành TAM!".

Câu nói đùa đó của cha tôi khiến tôi suy nghĩ. Có thật chăng cha tôi mong ước thế, "Nhất biến thành Tam", hay đó chỉ là một cách nói chơi chữ? Đành rằng nếu con người cách mạng Nguyễn Tường Tam rũ bỏ được con người nghệ sĩ Nhất Linh trong ông, thì hẳn là sự nghiệp chính trị của cha tôi có nhiều cơ may thành công hơn. Nhưng tôi không tin cha tôi thực tâm mong thế. Tôi tin rằng con người ông nặng Nhất hơn Tam. Những gì ông hãnh diện nhất là thành quả mà con người Nhất Linh trong ông đạt được. "Những lúc ngoảnh về quá khứ, kiểm điểm công việc mình đã làm tôi thấy rõ ràng công việc tốt đẹp, lâu bền và có ích nhất của đời tôi là sự thành lập được Tự Lực Văn Đoàn và công việc sáng tác" (Chúc thư văn học, mồng 1 Tết năm Quý Tỵ 14-2-53).

Vậy thì đối với tôi câu than "Thân này ví xẻ làm ba được" có ý nghĩa hơn. Nhưng con người thứ ba mà ông mong ước, ngoài "người nghệ sĩ, người chiến sĩ", là con người như thế nào? Câu hỏi này tôi thắc mắc trong nhiều năm.

 

Tôi đã nói ở phần trước cái chết của ông cụ tôi ám ảnh tôi nhiều, để lại trong tôi một sự ân hận nuối tiếc khôn nguôi. Cho mãi đến gần đây, năm 2001, khi chúng tôi đưa tro của song thân về chôn cất trong nghĩa trang riêng của dòng họ Nguyễn Tường ở Hội An, tôi mới thực sự tìm được an bình khi tôi tìm được câu trả lời cho thắc mắc của tôi.

Buổi trưa hôm đó sau khi chôn cất xong, vì trời nóng chói chang mọi người tản ra tìm bóng cây rợp, riêng tôi còn nán lại gần ngôi mộ mới đắp. Tôi suy nghĩ về toàn thể cuộc đời ông. Từ hồi ông có bài thơ đăng báo Trung Bắc Tân Văn năm ông mới 16 tuổi, cho đến ngày ông mất năm ông 57 tuổi. Ông đã sống một đời lỗi lạc, làm được quá nhiều việc trong một đời ngắn ngủi. Một người bận rộn như thế, nổi tiếng như thế, thì làm gì có được một cuộc sống thanh thản, bình dị, như cuộc đời nơi mỗi chúng ta? Rồi tôi ngộ ra rằng chính cái đời bình dị tầm thường đó là đời thứ ba ông mơ ước mà không có được. Và tôi, phải, chính tôi, đã thay ông cụ tôi, sống cuộc đời đó. Ông cụ, ở dưới sâu kia, qua tôi, chắc phải toại nguyện. Ý nghĩ này đã đem an bình cho tôi rất nhiều. 

Tôi xin được thay mặt gia đình chuyển lời cảm ơn hết sức chân thành đến tất cả những người cầm bút đã viết về cha tôi cũng như tất cả những độc giả đã yêu mến văn chương ông. Tôi tin rằng sự nghiệp của cha tôi sẽ trường tồn không phải đơn thuần nhờ vào văn tài của ông mà còn nhờ vào sự ngưỡng mộ và quý trọng về cả con người, cuộc đời và cái chết của ông nữa. 

Lê Quỳnh Mai thực hiện

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Giêng 20171:17 SA(Xem: 33500)
Nhà thơ Đặng Hiền chủ biên Tạp Chí Hợp Lưu trao đổi với Quốc Phương của BBC về công việc làm báo của Tập san văn nghệ và biên khảo tiếng Việt từ Hải ngoại trong năm mới Đinh Dậu
21 Tháng Ba 20166:09 SA(Xem: 38754)
Chỉ với 2 tập truyện ngắn, Đặng Thơ Thơ đã chứng tỏ tài năng của mình. Thực và ảo, huyển hoặc và trần trụi luôn có mặt trong không khí của truyện. Mỗi vấn đề, mỗi vụ việc trong truyện là sự lục lọi, tra vấn đến tận cùng sâu thẳm và không chịu bằng lòng với bất kỳ kết luận nào.
14 Tháng Ba 20163:26 CH(Xem: 40828)
Phần không tính cách trong các tác phẩm tạo nên cái Tôi của nhiều tác giả đương đại. Chị thấy sao từ cá nhân và những người bạn viết mà chị biết?
22 Tháng Giêng 201612:17 CH(Xem: 38594)
Sang Úc tháng Tám năm 1988 để tham dự hội nghị những người viết kịch trẻ thế giới (International Festival for Young Playwrights) tại thành phố Sydney. Sau khi hội nghị kết thúc tôi làm đơn xin ở lại. Tôi quay trở lại học lớp 11 và 12 nhưng chỉ học ba môn chính là tiếng Anh, âm nhạc và sân khấu, với mục đích là học tiếng Anh và làm quen với văn hóa, nghệ thuật và sân khấu của Úc.(Tạ Duy Bình)
04 Tháng Giêng 201612:58 SA(Xem: 38619)
Nguyễn Hoàng Anh Thư , sinh ngày 29- 9- 1975, quê quán Thừa Thiên Huế. Theo học THPT Quốc Học Huế và Đại Học Sư Phạm Huế, khoa Ngữ Văn. Hiện là giáo viên trường Đồng Khánh – Hai Bà Trưng- Huế Bắt đầu viết văn, làm thơ từ tháng 7 /2013.
21 Tháng Năm 20151:56 SA(Xem: 39160)
"Nếu dưới góc độ tình nghĩa , sự phủ nhận những gì đã nuôi dưỡng mình thời trẻ là điều đáng trách thì nhìn từ góc độ khác - góc độ nhận thức chẳng hạn - sự từ bỏ những gì có thời mình đã ngoan ngoãn tiếp nhận đôi khi lại là điều đáng mong đợi. Lấy ví dụ như những người từng học ở Trường Plekhanov chuyên dậy quản lý kinh tế theo phương pháp kế hoạch hóa - tập trung bao cấp thì đạt điểm càng cao sau này càng dễ gây tác hại (!) khi làm việc trên thực tế. Họ chỉ có thể ăn nên làm ra khi “phản tỉnh”, ngộ ra một điều đơn giản : kinh tế thị trường là thành quả lớn lao của trí tuệ loài người."(Phan Hồng Giang)
14 Tháng Năm 20155:36 CH(Xem: 37786)
Ngày 05.05.2015 nhà văn Võ Thị Hảo đã tuyên bố từ bỏ hội Nhà văn Việt Nam, cùng ngày tổ chức này gạch tên 9 nhà văn khác đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh trong phiên họp bầu đại biểu đi dự đại hội toàn quốc. Dân Luận (DL) đã trao đổi với nhà văn Võ Thị Hảo (VTH) về vấn đề mà chị coi là một vụ Nhân Văn Giai Phẩm mới...
09 Tháng Hai 20152:59 SA(Xem: 36397)
Tôi gặp anh Nguyễn Trọng Hiền vào một dịp đi thăm một trại trồng cranberry ở New Jersey để xem người ta gặt cranberry ra sao, do một người bạn tổ chức vào một cuối tuần đầu tháng 10 nhân chuyến tôi đi thăm Miền Đông giữa thu vừa qua.
18 Tháng Giêng 20151:33 SA(Xem: 38636)
Trần Vũ thực hiện Phỏng vấn Ban Mai Vết chân dã tràng của người viết tùy bút
30 Tháng Mười 20145:13 SA(Xem: 35919)
Trọng Nghĩa và Mộng Lan phỏng vấn Đặng Hiền trong Chương Trình Bước Vườn Thơ của đài TV 57.3 vào tháng 6 năm 2011.