- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐẬP SANAKHAM GÂY NỖI SỢ HÃI VÀ LO LẮNG DỌC THEO BIÊN GIỚI THÁI LAN – LÀO

17 Tháng Hai 20259:06 CH(Xem: 3843)

 

 

ĐẬP SANAKHAM GÂY NỖI SỢ HÃI VÀ LO LẮNG

DỌC THEO BIÊN GIỚI THÁI LAN – LÀO


 Tác giả TOM FAWTHROP

The Diplomat, 14.02.2025

[Bản tiếng Việt của Tâm Bình]

 

 

LỜI GIỚI THIỆU:

 

 FAWTHROP 




Tom Fawthrop
là nhà báo, nhà hoạt động môi sinh người Anh, người bạn đồng hành bấy lâu với Nhóm Bạn Cửu Long. Anh đã tường trình về sông Mekong trong 12 năm qua với tư cách là nhà nghiên cứu và diễn giả tại các đại học ở Singapore, Thái Lan, Cam Bốt, và Việt  Nam.  Các bài viết của anh về lưu vực này đã được phổ biến rộng rãi trên các tạp chí Economist, The DiplomatThe   Guardian.  Tom   cũng là nhà sản xuất cuốn phim tài liệu “Where have All the Fish Gone” về thảm họa trên sông Mekong. Anh Tom vừa gửi cho chúng tôi bài viết mới nhất của anh đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 14.02.2025 về dự án đập thuỷ điện thứ sáu trên dòng chính hạ lưu sông Mekong: Dự án Sanakham dọc theo biên giới Thái Lan và Lào được cho là  đầy rủi ro, đang gây ra bao nỗi lo âu cho cư dân hai nước trong vùng xây đập. Cám ơn anh Tom Fawthrop đã đồng ý cho phép phổ biến rộng rãi bài viết này trên các diễn đàn tiếng Việt hải ngoại và trong nước. Ngô Thế Vinh
https://thediplomat.com/2025/02/sanakham-dam-sparks-fear-and-anguish-along-the-thai-lao-border/

 

*

 

Một dự án đập gây nỗi lo sợ từ lâu ở phía biên giới Lào đang được tiến hành, bất chấp sự phản đối của cư dân địa phương.

 

    Hinh 1e

 

Hình 1: Một cuộc biểu tình phản đối đập tại trường Mekong, tỉnh Chiang Khong, Thái Lan. [ Nguồn: Nhóm Bảo Tồn Chiang Khong ]

 

Tại huyện Chiang Khan, một thị trấn du lịch đẹp như tranh của Thái Lan giáp với sông Mekong, sang năm mới đã mang đến những điềm báo ảm đạm về một dự án thủy điện dự kiến ​​sẽ được xây bên phía nước láng giềng Lào chỉ cách đó 2 km.

Thanusilp Inda, người đứng đầu làng Ban Klang ở huyện Chiang Khan, đã bày tỏ sự lo lắng về tương lai. "Đập Sanakham sẽ là một thảm họa đối với hệ sinh thái và cá, nó sẽ gây ra lũ lụt tồi tệ hơn", ông nói với tờ Diplomat.

Ngay trước Giáng sinh, Văn phòng Tài nguyên nước Quốc gia (ONWR) của chính phủ Thái Lan thuộc Văn phòng Thủ tướng đã thông báo rằng quá trình tham vấn của Ủy ban Sông Mekong MRC sẽ diễn ra, bất chấp cảnh báo từ Ủy ban Nhân quyền Thái Lan (THRC) yêu cầu phải thận trọng.

Trong một bức thư gửi cho Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra vào tháng 11 năm 2024, THRC đã khuyến cáo không nên hành động vội vàng cho đến khi hoàn thành đánh giá kỹ lưỡng về tác động xuyên biên giới đối với người dân Thái Lan và sinh kế của họ.

Báo cáo nêu ra nhiều tác động, bao gồm lũ lụt và xói mòn bờ sông, sẽ gây thiệt hại cho hai địa điểm du lịch quan trọng ở Thái Lan: Kaeng Khut Khu ở huyện Chiang Khan và Phan Khot Saen ở tỉnh Nong Khai.

 
Hinh 2

Hình 2: Toàn cảnh biên giới Lào-Thái Lan, nhìn từ phía Thái Lan qua sông Mekong đến Lào. [ Ảnh của Tom Fawthrop.].

 

Dự án đập thủy điện Sanakham công suất 684 MW trên sông Mekong, gần biên giới Thái Lan-Lào tại huyện Chiang Khan, tỉnh Loei, với tổn phí khoảng 2,07 tỷ đô la. Nếu hoàn thành, đập sẽ tác động trực tiếp đến 3 trong số 8 tỉnh của Thái Lan giáp sông Mekong.

Ủy ban sông Mekong MRC liệt kê đây là đập thủy điện thứ sáu ở hạ lưu sông Mekong do chính phủ Lào đề xuất. Hai trong số sáu dự án đã hoàn tất và hiện đang hoạt động phát điện [ *ghi chú của người dịch: Xayaburi và Don Sahong ] và dự án thứ ba, đập Luang Prabang, đang được xây dựng.

Chính phủ Lào đang phải gánh khoản nợ khổng lồ tuyên bố rằng việc xây dựng đập của họ sẽ thúc đẩy nền kinh tế bằng cách xác định Lào là một "bình phát điện của khu vực", bán điện sang các nước láng giềng.

Tuy nhiên, các nhà khoa học và chuyên gia về nghề cá sông Mekong cho biết các con đập sẽ ngăn chặn dòng chảy tự nhiên của dòng sông, làm suy yếu sự đa dạng sinh học phong phú của nó.

Hinh 3

Hình 3: Bản đồ các đập dòng chính trên sông Mekong đang hoạt động (màu đỏ) và đang được quy hoạch (màu vàng). [ Nguồn: International Rivers.]

 

Thái Lan đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ hầu hết các con đập trên dòng chính hạ lưu sông Mekong. (Riêng Trung Quốc đã hoàn thành 12 con đập trên sông Lan Thương, là khúc thượng nguồn sông Lancang-Mekong.)

Gulf Energy là nhà đầu tư lớn của Thái Lan vào các đập Sanakham và Pak Beng trong hạ lưu sông Mekong, công ty này liên doanh với Datang Overseas Investment của Trung Quốc.

 

Các Xã hội dân sự đấu tranh giành tiếng nói

Vào ngày 21 tháng 1, 2025 chính phủ Thái Lan đã tổ chức vòng tham vấn thứ ba theo thủ tục PNPCA của Ủy ban sông Mekong. Tại khách sạn Sunee ở Ubon Ratchathani, các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự với quan điểm bảo vệ môi sinh đã xung đột với nhóm lợi ích của chính phủ Thái Lan trong việc khai thác tài nguyên nước của sông Mekong.

Các nhóm Ubon Flood WatchMekong River Network (MRN) đã đặt phòng tại cùng một khách sạn, với hy vọng tổ chức được một diễn đàn song song. Các quan chức chính phủ Thái không chấp nhận cuộc cạnh tranh này và đã ra lệnh cho ban quản lý khách sạn hủy đặt phòng của MRN cho diễn đàn về đập Sanakham.

Giáo sư Kanokwan Manorom, giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng (GMS) tại Đại học Ubon Ratchathani, đã tham dự diễn đàn ONWR. Bà nhận thấy sự thiếu sót các dữ liệu cụ thể và rất hời hợt khi đề cập tới tác động môi trường đối với người dân Thái Lan.

Như Manorom đã nói với Transborder News, "Đập Sanakham sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng đến thủy văn, sinh thái, xã hội, kinh tế, văn hóa và sinh kế". Ngoài ra, bà lưu ý rằng "68 ngôi làng ở tỉnh Loei và 47 ngôi làng ở tỉnh Nong Khai, với dân số 70.000 người, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì chúng nằm trong vòng bán kính 15 km vùng dự án. Nhưng điều này đã không được diễn đàn ONWR làm rõ và minh bạch".

Cả Văn phòng Tài nguyên nước Quốc gia / ONWR và Gulf Energy đều không trả lời yêu cầu bình luận từ tạp chí The Diplomat.

Sau khi diễn đàn xã hội dân sự song song bị hủy bỏ, khoảng 200 nhà hoạt động từ tỉnh Ubon Ratchathani đã tổ chức một cuộc biểu tình ôn hòa bên trong khách sạn, mặc áo sơ mi xanh và mang theo những tấm biểu ngữ với nội dung như “Ngưng xây đập sông Mekong” và “Ngưng tham vấn giả tạo”.

 Hinh 4

Hình 4: Một cuộc biểu tình phản đối xây đập bên ngoài trường Mekong ở Chiang Khong, bên bờ Thái Lan của sông Mekong.
[ Nguồn: Nhóm Bảo tồn Chiang Khong. ]

 

Brian Eyler, một chuyên gia về các vấn đề nước xuyên biên giới trong khu vực sông Mekong tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã nói với The Diplomat, "Tôi e rằng quá trình tham vấn này có vẻ như là quá vội vã với kết quả tiêu cực, vì vậy ONWR của chính phủ Thái Lan có nghĩa vụ phải thực hiện một quá trình tham vấn được cân nhắc kỹ lưỡng hơn".

Diễn đàn ONWR thứ tư và cũng là cuối cùng được lên lịch tại Bueng Kan vào ngày 14 tháng 2, sẽ mở đường cho các Diễn đàn những bên liên quan trong khu vực của Ủy ban sông Mekong / MRC. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ than phiền rằng tất cả các diễn đàn này đều hạn chế tranh luận và không cho phép đặt câu hỏi về lý do tại sao cần có con đập này, ai được hưởng lợi và liệu dự án có nên bị hủy bỏ hay không.

Di sản đập thủy điện Xayaburi

Nhiều người phản đối con đập mới Sanakham, họ chỉ ra sự thiệt hại do đập Xayaburi đã gây ra ở Lào kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2019. Đập nằm cách biên giới Lào-Thái khoảng 200 km về phía thượng nguồn tại huyện Chiang Khan.

Người đứng đầu Nhóm ngư dân huyện Chiang Khan, Prayoon Saen-ae, nói với The Diplomat, “Khi Xayaburi vận hành [năm 2019], chúng tôi đã phải chịu những tác động rất lớn. Sự lên xuống thất thường của mực nước, những biến động đã gây ra sự hỗn loạn cho các loài cá”.

Channarong Wongla, một người đứng đầu Nhóm bảo tồn Rak Chiang Khan (“Yêu Chiang Khan”), nhớ lại, “Chúng tôi từng có hơn 100 loài cá. Bây giờ, trong sáu năm qua, số lượng loài cá đã giảm xuống còn 20 loài”.

 Hinh 5

Hình 5: Đập Xayaburi được hoàn thành vào năm 2019. [ Ảnh do Công ty Thủy điện Pöyry cung cấp.]

 

Đập Xayaburi công suất 1.285 MW là con đập dòng chính đầu tiên được xây dựng ở hạ lưu sông Mekong, với chi phí 4,5 tỷ đô la. Đập được tài trợ bởi bốn ngân hàng lớn của Thái Lan và 95 % lượng điện được xuất cảng sang Thái Lan kể từ khi bắt đầu hoạt động.

Channarong thúc giục diễn đàn do ONWR tổ chức tại huyện Chiang Khan: "Chúng ta phải có báo cáo đầy đủ về tác động của đập Xayaburi đối với người dân Thái Lan và nếp sống của họ trước khi chúng ta xem xét tới một con đập mới". Ông không nhận được bất kỳ câu trả lời nào.

Cả Ủy ban sông Mekong quốc gia Thái Lan (TNMC) và ONWR đều chưa bao giờ kêu gọi đánh giá độc lập về thiệt hại do đập Xayaburi gây ra.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng tác động của nước đọng (backwater impact) đã gây ra quá nhiều xói mòn bờ sông xung quanh Khu Di sản Thế giới Luang Prabang đến mức cần phải có một dự án phục hồi do Ngân hàng Thế giới tài trợ theo yêu cầu của UNESCO.

 Hinh 6


Hình 6:
Một ngư dân huyện Chiang Khan. Lượng cá đánh bắt đã giảm ở khu vực này kể từ khi đập Xayaburi hoàn thành. Người dân địa phương lo ngại tác động tích lũy của đập Sanakham. [ photo by Saranya Aey Senaves ]

 

Người nghèo Thái liệu có thể ngăn cản kế hoạch của giới chức năng lượng ở Bangkok?

Đáp lại những lời chỉ trích, Chính phủ Thái và các nhà phát triển đập đã bảo vệ việc đầu tư vào các đập trên sông Mekong như một phần của “Chính sách Carbon thấp / Low Carbon Policy”, nhằm cung cấp các giải pháp thay thế "xanh và sạch" cho nhiên liệu hóa thạch.

Kế hoạch năng lượng quốc gia (NEP) của Thái Lan, một bản thiết kế cho chiến lược năng lượng của đất nước từ năm 2023-2037, tuyên bố mục tiêu chính của kế hoạch là tăng cường sử dụng năng lượng sạch, tái tạo và mở rộng năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Nhưng dù năng lượng mặt trời ngày càng tăng, Thái Lan vẫn sẽ mua thêm nhiều kilowatt từ các đập sông Mekong như một thành phần chính trong hỗn hợp năng lượng của đất nước.

Tuy nhiên, việc chính phủ Thái bảo vệ thủy điện như một nguồn "năng lượng tái tạo sạch" đang bị thách thức bởi nghiên cứu về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc cho thấy các đập lớn cũng thải ra khí Methane có hại không kém. [*ghi chú của người dịch: Khí Methane là nguyên nhân gây ra khoảng 30% sự gia tăng nhiệt độ hâm nóng toàn cầu hiện nay.]  Tại COP29, hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào năm 2024, 159 quốc gia đã ký vào Cam kết khí Methane toàn cầu. Duy có Thái Lan và Lào đã từ chối tham gia.

Các quyết định về chính sách năng lượng của Thái Lan – bao gồm cả việc hỗ trợ các dự án thủy điện ở Lào – được đưa ra bởi một nhóm nhỏ các bộ trưởng chính phủ, các nhà đầu tư tư nhân giàu có và các nhà chuyên gia năng lượng.

Nikkei Asia Review đã mô tả Sarath Ratanavadi, Tổng giám đốc điều hành của Gulf Energy, là một doanh nhân thành đạt được mệnh danh là "ông vua năng lượng" của Thái Lan. Theo Forbes, ông ta có tài sản trị giá 14,4 tỷ đô la. Công ty của ông là nhà đầu tư chính vào cả hai đập Sanakham và đập Pak Beng.

Những người đánh cá nghèo và nông dân thu nhập thấp của Thái Lan có cơ hội nào để tác động đến việc ra quyết định về một con đập có thể gây thiệt hại cho mùa màng, làm giảm sản lượng đánh bắt cá và làm suy kiệt sinh kế của họ?

Hinh 7

Hình 7: Các con đập ở thượng nguồn đã làm giảm đáng kể lượng cá đánh bắt được, buộc nhiều ngư dân phải tìm việc làm ở thị trấn. [ Photo by Tom Fawthrop.]

 

Brian Eyler, tác giả của “Những ngày cuối cùng của dòng sông Mekong hùng vĩ”, thừa nhận rằng cuộc đấu tranh chống đập Sanakham là một cuộc ganh đua rất không cân sức. “Đây thực sự là câu chuyện David đấu với Goliath, nhưng chúng ta đều biết câu chuyện này đòi hỏi lòng dũng cảm, sự thách thức và sức mạnh của kẻ yếu. Dù có công bằng hay không, thì đây vẫn là cuộc chiến xứng đáng để đấu tranh”.

Brian nói thêm, “Không thể có lợi ích thống nhất của Thái Lan [quốc gia] đối với con đập này hay bất kỳ con đập nào, nơi có những khác biệt và xung đột lợi ích”.

Trang web của Gulf Energy chỉ ra một giải pháp khả thi để tránh xung đột. Nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của Thái Lan tuyên bố “Gulf Energy là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng mặt trời”. Công ty này nắm giữ trực tiếp cổ phần tại các trang trại năng lượng mặt trời và gió ở Việt Nam, với tổng công suất là 245,8 MW. Họ cũng nắm giữ 50% cổ phần trong một dự án năng lượng mặt trời tại Borkum Riffgrund, Đức với công suất là 464,8 MW.

Tại sao không thay thế các kế hoạch xây dựng đập sông Mekong bằng năng lượng mặt trời và năng lượng gió an toàn hơn và tiết kiệm chi phí hơn nhiều? Các nguồn năng lượng này đã đi vào hoạt động tại Thái, với tổng công suất là 600 kilowatt cho đến nay. Con số này vô cùng gần với công suất 684 KW dự kiến ​​từ đập Sanakham, nhưng không có tất cả các rủi ro và xung đột đi kèm với thủy điện.

Giáo sư danh dự về Địa lý Nhân văn Tiến sĩ Philip Hirsch đã kết luận sau 40 năm nghiên cứu về sông Mekong rằng "Các đập lớn đã lỗi thời. Có rất nhiều lựa chọn cho năng lượng thay thế rẻ hơn. Không có lý do gì để xây dựng một con đập trên sông Mekong hay bất kỳ con sông nào ngày nay".

Nhưng Premrudee Daoroung, điều phối viên của Dự án Sevana Mekong về Văn hóa và Môi trường, không lạc quan rằng các lập luận và phân tích hợp lý sẽ giành chiến thắng. Theo bà, "Có quá đủ khoa học và trí tuệ để chứng minh thiệt hại nghiêm trọng từ những tác động xuyên biên giới này, nhưng lại không đủ ý chí chính trị để áp dụng khoa học nhằm ngăn chặn các con đập".

 

TOM FAWTHROP

The Diplomat, 14.02.2025

[Bản tiếng Việt của Tâm Bình]

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Mười Hai 20219:00 CH(Xem: 25738)
Dohamide, người gốc Chăm, sinh năm 1934 tại làng Katambong, Châu Đốc (An Giang), có thêm ba bút hiệu nhưng ít được biết đến: Linh Phương, Châu Giang Tử, Châu Lang. Khi Dohamide có bài viết đầu tiên “Người Chàm tại Việt Nam ngày nay” đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1962, Chủ nhiệm Lê Ngộ Châu đã giới thiệu anh với độc giả như sau: “Bạn Dohamide, tác giả loạt bài sau đây, là người gốc Chàm, sanh tại làng Katambong, Châu Đốc (An Giang). Bạn đã có can đảm thoát ly những ràng buộc khắt khe của tập tục địa phương để lên thủ đô Sài Gòn vừa đi làm nuôi gia đình vừa đi học, và hiện nay bạn đã tốt nghiệp ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Ngoài tiếng Chàm là tiếng mẹ đẻ, bạn Dohamide biết nói và viết các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Á Rập, Mã Lai, Cam Bốt, những thứ tiếng này đã giúp bạn Dohamide rất nhiều trong những thiên khảo cứu như trình bày với bạn đọc.” [Bách Khoa, số 135, 15/8/1962]
08 Tháng Mười Hai 202110:17 CH(Xem: 25672)
Chúng tôi xin được lấy tên thiên tiểu luận đặc sắc Một cuốn kinh về tình thương [12, tr.139] của nhà văn Lưu Trọng Lư làm nhân lõi cho nội dung bài viết này. Người viết vốn được mệnh danh là “nhà văn của tình thương” từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước đã “chiêu tuyết” cho nhân vật từng bị phán xét là “đĩ đứng đầu” bằng những lời nồng nhiệt, đặc biệt nhận định Thúy Kiều là “kẻ có một mối từ tâm lớn” [13, tr.1690]. Và suốt từ khi Truyện Kiều ra đời đến nay, tình thương hay “mối từ tâm lớn” toát ra từ kiệt tác này cùng những giá trị nội dung tư tưởng nhiều mặt của nó đã/ đang được bàn luận sôi nổi, với nhiều lý thuyết cũ - mới chắc không bao giờ chấm dứt…
28 Tháng Mười Một 20219:39 CH(Xem: 24560)
Xem xong phim “LEVIATHAN”, tôi nhớ tới bộ phim màu Liên-xô “ILIA MUROMET” từ hơn nửa thế kỷ trước và chợt nghĩ: nhiều người có tuổi thơ đã từng say mê dán mắt trên màn ảnh bộ phim quay về một câu chuyện cổ tích Nga nọ, nếu hôm nay được xem bộ phim Nga hiện đại “LEVIATHAN” dựa theo câu chuyện về một quái vật thần thoại trong Kinh Thánh, chắc sẽ bàng hoàng, ngỡ ngàng đến đau đớn… Cái vẻ đẹp phi thường của dũng sĩ huyền thoại Nga chiến thắng rồng lửa nhiều đầu để bảo vệ hạnh phúc dân lành giờ đã biến mất tăm, chỉ còn lại trên đất nước hùng vĩ ấy sự thống trị & lộng hành của cái ác, sự giả dối đáng kinh tởm, trở thành lãnh địa của những kẻ ngang nhiên chà đạp lên quyền sống người lương thiện, bên đống xương mục của Cá Ông voi,Vua Biển cả - vết tích sót lại của một thời cổ tích tựa ánh tàn của mơ ước Con người từ ngàn xưa đang hấp hối…
18 Tháng Mười Một 20213:43 CH(Xem: 26401)
Tôi thường nghĩ, nước Việt Nam dù dưới chủ nghĩa nào cũng chỉ tạm thời, cái Vĩnh Viễn là mảnh đất do tất cả Dân Tộc dựng nên, cái đó mới tồn tại lâu dài, Vĩnh Viễn! Tôi nhìn mãi tấm hình chiếc cầu Mỹ Thuận, lòng thấy vui vô cùng. Thế là người Việt Nam thoát được cái cảnh “sang sông” phải lụy phà… Chúng tôi nhất quyết về Việt Nam dù không biết phía trước cái gì sẽ xảy ra cho mình. Nhưng dù sao, tôi cũng muốn an nghỉ ở Việt Nam nơi mình đã sinh ra và đã sống 60 năm trời! Tạ Tỵ [thư gửi Ngô Thế Vinh viết ngày 29.2 & 27.7.2000]
01 Tháng Mười Một 202111:05 CH(Xem: 24318)
Tôi xin tạm mượn nhận định của một nhà văn học sử Nga viết về văn hào F. Dostoyevsky để nghĩ về phim AIKA (sản xuất năm 2017) - bộ phim đã đoạt một số giải thưởng Quốc tế mà tôi vừa được xem, vì thấy rõ một điều: truyền thống hiện thực chói sáng của văn học Nga cổ điển - tiêu biểu là F. Dostoyevsky hóa ra vẫn được tiếp tục một cách xứng đáng trong văn học nghệ thuật Nga hiện đại (ở đây tôi chỉ xin nói tới một dòng của điện ảnh Nga tạm gọi là “Hiện thực tàn nhẫn không thương xót”) - có nghĩa là đã vượt qua vòng “Kim cô” Hiện thực xã hội chủ nghĩa từng thống trị tinh thần xã hội Xô Viết một thời gian dài dẫn đến những tác phẩm nghệ thuật nặng tuyên truyền phục vụ kịp thời và đã rơi vào lãng quên…
26 Tháng Mười 202112:17 SA(Xem: 23972)
“… những cố gắng suy nghĩ của một người vẫn ước muốn tự đặt cho mình một kỷ luật đồng thời cũng là một lý tưởng là phải tìm kiếm không ngừng, bằng cách tự phủ nhận, bất mãn với quãng đường mình vừa qua và cứ như thế mãi mãi…” [Cùng bạn độc giả, Lược Khảo Văn Học I] [1] Nguyễn Văn Trung
10 Tháng Mười 202111:31 CH(Xem: 26097)
Sau khi đưa một cảm ngôn về bức tranh của họa sĩ Lê Sa Long & ý kiến của nhà văn Trần Thùy Linh như một lời kêu gọi các nhà điêu khắc, họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ hôm nay: “DỰNG TƯỢNG ĐÀI NÀY ĐI: CUỘC “THIÊN DI” CỦA NHỮNG ĐỨA TRẺ VÀ BÀ MẸ CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ…”, nhằm góp phần miêu tả “nhân vật chính của Thời Đại, biểu tượng cho cả một dân tộc vượt lên cảnh ngộ bi kịch tìm lối thoát cho quyền sống của mình”, rất nhiều người đã ủng hộ. Nhưng cũng có không ít người lồng lên phản đối như bị “chạm nọc”, thậm chí chửi bới rất tục tĩu (xin lỗi không viết ra vì xấu hổ thay cho họ). Để trả lời họ, với tư cách là một người làm phim, tôi xin có vài suy ngẫm về NHÂN VẬT THỜI ĐẠI giúp họ tham khảo.
08 Tháng Mười 20219:37 CH(Xem: 22547)
Trong toàn bộ thơ văn chữ Hán, chữ Nôm của Đại thi hào Nguyễn Du, có một kiểu/ loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt được ông thể hiện với cảm hứng thi ca và nghiệm sinh sâu sắc - đó là những người phụ nữ Tài - Sắc mà số phận bất hạnh, những “má hồng phận mỏng”, những giai nhân bạc mệnh, “hồng nhan đa truân”, phải chịu số phận “Tài Mệnh tương đố” với lời nguyền ác nghiệt: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”… Cần khẳng định ngay một điều là, cái vẻ đẹp bí ẩn, quyến rũ, cuốn hút, thấm đẫm hồn cốt phương Đông kèm theo tài hoa hiếm có của họ, với Nguyễn Du là “chất ngọc quý” của đời, như một giá trị mang tính nhân bản - dù họ ở tầng lớp con hầu, kỹ nữ dưới đáy xã hội, hay ở bậc nữ hoàng, phi tử cao vời…
24 Tháng Chín 20212:08 SA(Xem: 25943)
Dẫn nhập: Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, Nguyễn Tường Bách và Tôi là tên hai tác phẩm hồi ký của bác sĩ Nguyễn Tường Bách và cô giáo Hứa Bảo Liên, người bạn trăm năm của Nguyễn Tường Bách. Đây là hai bộ hồi ký đặc sắc về cuộc tình lãng mạn của một chàng trai Việt và một cô gái người Hoa ở Hà Nội cùng nổi trôi theo vận nước cho tới khi họ gặp lại nhau trên đất Côn Minh Vân Nam và trở thành đôi vợ chồng sắt son thuỷ chung với bao nhiêu tận tuỵ và hy sinh – nhưng quan trọng hơn thế nữa, đây chính là một phần của lịch sử sinh động và đầy biến động trong ngót một thế kỷ qua trong những cơn bão táp của Cách Mạng Việt Nam và cả lục địa Trung Hoa.
12 Tháng Chín 20218:12 CH(Xem: 25482)
Thật công bằng mà xét thì nhân vật cô câm (tên Cam, với nghĩa cam chịu, nhẫn nhịn) là sáng tạo có ý nghĩa hơn cả của bộ phim. Nếu không có nhân vật này, phim sẽ “nghèo” đi nhiều lắm. Cô câm giống như một “con mắt thứ hai” của khán giả cảm nhận, quan sát, đánh giá nhân vật chính là ông chủ Nguyễn- người mà cô yêu một cách say đắm, nhẫn nại và nô lệ, kể cả khi ông ta đã trở nên dại cuồng mất hết nhân tính! Hành động đáng kể nhất, mang tính chất nổi loạn và bộc lộ rõ tình yêu mù quáng của cô câm là hành động kéo lê cái tượng gỗ to bằng người thật quẳng xuống sông (hình như có hàm nghĩa là cô vứt bỏ thần tượng yêu trộm nhớ thầm của mình!) Và cô đã bị trả giá: ông chủ ấp Mê Thảo hạ lệnh bỏ rọ cô trôi sông để thế mạng!